Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/2005/QH11

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2005

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KHOÁNG SẢN CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 46/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1996.

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản như sau:

1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Luật này quy định việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, hoạt động khoáng sản (bao gồm khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản) ở thể rắn, thể khí, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên; riêng dầu khí và các loại nước thiên nhiên khác được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác.

2. Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản; tổ chức làm nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động khoáng sản ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”

2. Bổ sung Điều 3a như sau:

“Điều 3a. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản

Hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Tài nguyên khoáng sản phải được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài;

2. Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hoá; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

3. Quy mô và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản phải phù hợp với đặc điểm từng loại khoáng sản, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến phù hợp để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và giá trị của sản phẩm chế biến; nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản.”

3. Bổ sung Điều 3b như sau:

“Điều 3b. Quy hoạch khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản được lập theo vùng lãnh thổ và theo loại khoáng sản, bao gồm:

a) Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản;

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

2. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện;

b) Bộ Công nghiệp lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng;

c) Bộ Xây dựng lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng;

d) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 của Luật này.

3. Chính phủ quy định việc lập và thực hiện quy hoạch khoáng sản.”

4. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5. Chính sách của Nhà nước về khoáng sản

1. Nhà nước đầu tư cho việc quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

2. Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án khai thác gắn liền với chế biến tại chỗ khoáng sản ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường, thu hồi tối đa các thành phần có ích, làm ra các sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; dự án chế biến khoáng sản nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

4. Hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh quặng. Việc ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn khoáng sản xuất khẩu, khoáng sản hạn chế xuất khẩu do Chính phủ quy định.

5. Nhà nước có chính sách đầu tư thăm dò đối với một số loại khoáng sản quan trọng phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

6. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.”

5. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

Nhà nước nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển và mua, bán khoáng sản trái pháp luật;

2. Vi phạm quy hoạch khoáng sản, vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

3. Không thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản theo quy định tại các điều 23, 27, 33, 46 và 52 của Luật này;

4. Làm lộ thông tin về tài nguyên khoáng sản thuộc bí mật nhà nước;

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về khoáng sản;

6. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.”

6. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá và thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quản lý và bảo vệ.

2. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở địa phương, kể cả khu vực chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo nhưng phát hiện có khoáng sản.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản, giữ gìn bí mật nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

4. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khu vực được hoạt động.

5. Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung, công trình cố định ở khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá hoặc đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản phải trình kèm ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này khi trình duyệt quy hoạch.

Chính phủ quy định việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng công trình quốc phòng, an ninh ở những khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá.”

7. Điều 41 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 41. Khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

1. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải tuân theo các quy định về khai thác khoáng sản của Luật này.

2. Khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ cát, sỏi lòng sông, với công suất khai thác không quá 100.000 m3/năm và thời gian khai thác, kể cả thời gian gia hạn không quá năm năm thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

3. Các trường hợp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sau đây không phải xin giấy phép khai thác:

a) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức được quyền khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc quản lý, sử dụng khoáng sản khai thác được thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân được sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai mà sản phẩm khai thác chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng của hộ gia đình, cá nhân đó.

4. Chính phủ ban hành danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.”

8. Bổ sung Điều 43a như sau:

“Điều 43a. Khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Việc khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với khu vực đã được điều tra, đánh giá về tài nguyên khoáng sản hoặc chưa được điều tra, đánh giá mà phát hiện có khoáng sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này quyết định việc thăm dò làm cơ sở cho cấp giấy phép khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư;

b) Đối với khu vực chưa được điều tra đánh giá về tài nguyên khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác; quyết định tiến độ trong trường hợp khai thác nhằm bảo đảm tiến độ xây dựng công trình. Trong trường hợp này, không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản.

2. Đối với khu vực có dự án đầu tư công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc công trình quan trọng có chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã được điều tra, đánh giá về tài nguyên khoáng sản hoặc chưa được điều tra, đánh giá mà phát hiện có khoáng sản thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có công trình quyết định việc khai thác và cấp giấy phép khai thác theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình.

3. Trong trường hợp xét thấy việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không có hiệu quả hoặc không có tổ chức, cá nhân xin khai thác thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này quyết định việc không khai thác và có văn bản trả lời cho cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan cấp giấy phép đầu tư hoặc chủ đầu tư.

4. Khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản không phải là chủ đầu tư công trình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì việc sử dụng đất để khai thác khoáng sản do hai bên thoả thuận theo quy định của pháp luật về đất đai.”

9. Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 49. Khai thác tận thu

1. Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý hoặc bãi thải trong khai thác, chế biến của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ.

2. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hợp pháp được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến ngày giấy phép hết hạn.”

10. Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 55. Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước.

3. Bộ Công nghiệp thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

4. Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

5. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương theo thẩm quyền.

6. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản.

7. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản có thẩm quyền và trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc thẩm định, xét duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo thăm dò khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn.

8. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các cấp; tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản.”

11. Điều 56 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 56. Thẩm quyền, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản

1. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này; giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản đối với khu vực đã được điều tra, đánh giá hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản mà không nằm trong quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp loại giấy phép hoạt động khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại loại giấy phép đó và cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng, để thừa kế quyền hoạt động khoáng sản, đăng ký hoạt động khoáng sản.”

Điều 2

1. Bãi bỏ Điều 48 của Luật khoáng sản.

2. Thay cụm từ “khoản 1 và 2 Điều 5” tại khoản 1 Điều 21, khoản 1 Điều 25 và khoản 2 Điều 31 bằng cụm từ “khoản 3 Điều 5”.

Điều 3

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.

2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Luật Khoáng sản sửa đổi 2005

  • Số hiệu: 46/2005/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản