Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3151/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 25 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA KÊNH NỘI ĐỒNG CÁC XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011;

Căn cứ Nghị quyết số 58/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kiên cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 122/TTr-SNN ngày 15 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, yêu cầu:

a) Mục tiêu:

- Sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; góp phần tăng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh được tưới đạt 70% năng lực thiết kế vào năm 2015 và 80% vào năm 2020;

- Nâng cao hệ số lợi dụng kênh mương; giảm chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng; kết hợp phát triển giao thông nông thôn, cải thiện môi trường;

- Góp phần thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2010 - 2020.

b) Yêu cầu:

- Tập trung đầu tư kiên cố các tuyến kênh nội đồng hiện trạng bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí nước cho tất cả các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

- Gắn với việc thực hiện kiên cố hóa kênh nội đồng phải củng cố và thành lập các tổ chức dùng nước theo mô hình thí điểm xã Bình An và xã Hải Ninh để tiếp nhận quản lý vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi nội đồng quy mô cấp thôn, xã hiệu quả, bền vững.

2. Phạm vi điều chỉnh:

Trên địa bàn các xã có hệ thống thủy lợi nội đồng thuộc 96 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Bình Thuận.

3. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện kiên cố hóa kênh nội đồng tại các xã xây dựng nông thôn mới.

4. Quan điểm:

Thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đó, vai trò chính, cụ thể trong việc này là của cộng đồng dân cư ở địa phương; Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.

Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn và nguồn lực huy động trong dân có hạn, tập trung ưu tiên kiên cố hóa các tuyến kênh nội đồng tại những vị trí xung yếu, thường xuyên bị sạt lở gây mất nước; các tuyến kênh đang hoạt động ổn định thì thực hiện duy tu, nạo vét hàng năm. Từ nay đến năm 2015 ưu tiên đầu tư cho các xã điểm và các xã ngoài điểm đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015; các xã còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.

5. Quy mô đầu tư:

- Năm 2015: đầu tư kiên cố kênh nội đồng tại 13 xã, gồm 09 xã điểm và 04 xã ngoài điểm đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015. Quy mô đầu tư kiên cố 43 tuyến kênh với tổng chiều dài 12,75 km, tưới ổn định cho 1.542 ha với kinh phí đầu tư 17,84 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020: đầu tư kiên cố kênh nội đồng tại 40 xã còn lại. Quy mô đầu tư kiên cố 104 tuyến kênh với tổng chiều dài 48,49 km, tưới ổn định cho 3.830 ha với kinh phí đầu tư 70,71 tỷ đồng.

6. Cơ chế hỗ trợ đầu tư: từ các nguồn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu, với tỷ lệ phân bổ nguồn vốn như sau:

a) Khu vực 1:

Gồm 39 xã có mức thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng/năm: Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Phong Phú, Phú Lạc (Tuy Phong); Bình Tân, Hồng Thái, Hải Ninh, Phan Rí Thành, Bình An (Bắc Bình); Hồng Sơn, Thuận Hòa, Thuận Minh, Hàm Chính, Hồng Liêm, Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc);Tân Thành, Mương Mán, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Thạnh, Tân Lập, Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam); Tân Thắng, Tân Hà (Hàm Tân); Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước, Tân Hải (La Gi); Bắc Ruộng, Nghị Đức, Đồng Kho, Đức Phú, Huy Khiêm, Đức Tân, Gia An (Tánh Linh); Nam Chính, Đức Chính (Đức Linh).

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 80%, trong đó:

+ Ngân sách TW, tỉnh hỗ trợ tối đa 50%;

+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối đa 30%.

- Đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư tối thiểu 20%.

b) Khu vực 2:

Gồm 09 xã (ngoài khu vực 3) có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/năm gồm: Phan Điền, Sông Bình, Sông Lũy, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Thanh (Bắc Bình); Tân Thuận (Hàm Thuận Nam); Măng Tố và Đức Bình (Tánh Linh).

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 90%, trong đó:

+ Ngân sách TW, tỉnh hỗ trợ tối đa 55%;

+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối đa 35%.

- Đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư tối thiểu 10%.

c) Khu vực 3 (các xã nghèo thuộc diện ưu tiên)

Gồm 05 xã đặc biệt khó khăn có hệ thống thủy lợi nội đồng được ngân sách ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư gồm: Phan Dũng (Tuy Phong); Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình) và Hàm Cần (Hàm Thuận Nam).

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100%, trong đó:

+ Ngân sách TW, tỉnh hỗ trợ tối đa 60%;

+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối thiểu 40%.

7. Giải pháp huy động vốn:

a) Ngân sách Trung ương:

Tranh thủ vốn hỗ trợ từ Trung ương theo các chương trình, dự án có mục tiêu sau:

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chủ yếu nguồn trái phiếu Chính phủ);

- Vốn Chính phủ hỗ trợ ngân sách địa phương có trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ. Dự kiến phân cấp về ngân sách huyện, xã để đầu tư kiên cố kênh.

b) Ngân sách tỉnh:

- Cân đối một phần nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hàng năm để hỗ trợ đầu tư kiên cố kênh theo danh mục và tiến độ được duyệt;

- Ưu tiên sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2009 - 2015.

c) Ngân sách huyện, xã:

Sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn Chính phủ hỗ trợ ngân sách địa phương có trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ để đầu tư kiên cố hóa; đồng thời sử dụng kinh phí từ nguồn khai thác quỹ đất.

d) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và huy động trong dân:

Nguồn vốn huy động chủ yếu bằng tiền mặt và các hình thức khác, gồm hai đối tượng:

- Đối tượng gián tiếp: vận động bà con xa quê hương, tranh thủ sự ủng hộ của các Doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, vv;

- Đối tượng hưởng lợi trực tiếp: việc huy động sức dân được tiến hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện thực tế, gồm các loại đóng góp: Ngày công lao động, vật liệu, bằng tiền và hiến đất xây dựng công trình.

8. Chính sách miễn, giảm:

- Đối tượng miễn, giảm là các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn mà không có khả năng đóng góp;

- Việc xác định đối tượng miễn, giảm và mức miễn, giảm cụ thể sẽ do chính quyền địa phương cấp cơ sở tổ chức họp dân trong từng thôn bàn bạc thống nhất, quyết định theo quy chế dân chủ ở cơ sở và được niêm yết công khai tại địa phương theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 30/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

9. Quản lý thực hiện đầu tư:

a) Về quản lý thực hiện đầu tư:

Được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo quy định tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 và các Thông tư hướng dẫn liên quan;

b) Về hiến đất làm kênh:

Vận động nhân dân hưởng lợi trong khu tưới hoặc các thành viên tổ chức dùng nước hiến đất để thực hiện kiên cố kênh (nếu có), Nhà nước không đền bù về đất.

10. Tổ chức thực hiện Đề án:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm để các địa phương huy động mọi nguồn lực đầu tư kiên cố kênh;

- Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng nông thôn mới thực hiện việc kiên cố hóa kênh nội đồng theo đề án đã phê duyệt;

- Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh, vốn vay tín dụng để thực hiện việc Kiên cố kênh nội đồng; tổng hợp kế hoạch kiên cố hóa kênh nội đồng vào tháng 10 hàng năm để báo cáo UBND tỉnh cân đối vốn trình HĐND tỉnh quyết định triển khai thực hiện trong đầu năm đến;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương về lập, phê duyệt, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù.

c) Sở Tài chính:

- Cân đối kế hoạch tài chính hàng năm để tham mưu UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ vốn và phân bổ vốn kịp thời theo tiến độ của Đề án;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách, khả năng trả nợ và phương án vay vốn trong kế hoạch hàng năm để vay theo cơ chế của Chính phủ đầu tư kiên cố hóa kênh mương;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương về quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đối với các nguồn vốn kiên cố hóa kênh nội đồng.

d) Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi:

- Chỉ đạo các Chi nhánh trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương về công tác thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật thi công, giám sát kiên cố kênh nội đồng, đáp ứng yêu cầu chất lượng và phát huy tốt hiệu quả công trình;

- Phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cấp nước, đảm bảo yêu cầu vừa thi công kiên cố kênh vừa phục vụ sản xuất.

e) Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã (cấp huyện):

- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định tỷ lệ vốn ngân sách đầu tư của cấp huyện và cấp xã và việc sử dụng vốn Chính phủ hỗ trợ ngân sách địa phương có trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ để đầu tư kiên cố kênh nội đồng; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Quyết định này và việc sử dụng kinh phí đầu tư kiên cố kênh hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo quy định;

- Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm trên cơ sở mức hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ và vốn huy động các nguồn lực tại địa phương, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo thực hiện Đề án theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn liên quan.

f) Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ và nguồn vốn của xã huy động để tổ chức thực hiện Đề án kiên cố kênh nội đồng;

- Xây dựng phương án, kế hoạch hàng năm tại địa phương; tổ chức họp dân, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp đầu tư kiên cố kênh, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua để làm cơ sở thực hiện;

- Thực hiện áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn liên quan;

- Định kỳ công khai hóa kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư kiên cố hóa kênh nội đồng trên địa bàn để nhân dân biết, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia quản lý, giám sát theo quy chế dân chủ ở cơ sở.

g) Đề nghị Mặt trận và các đoàn thể:

Phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương thực hiện theo nội dung Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3151/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020

  • Số hiệu: 3151/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản