Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2001/QĐ-UB

Nghệ An, ngày 27 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ, HUY ĐỘNG VỐN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIÊN CỐ HÓA KÊNH THỦY LỢI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 66/2000 QĐ/TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương. Chỉ thị số 12 NN-CS/CT ngày 8/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiên cố hóa hệ thống kênh thủy lợi và Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ khóa XV về tiếp tục đẩy mạnh kiên cố kênh thủy lợi để hoàn thành cơ bản vào năm 2003;

Căn cứ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh ngày 22/6/2001;

Xét đề nghị của Sở NN và PTNT tại Tờ trình số 952 NN-QLN/TT ngày 12 tháng 6 năm 2001 và sau khi thống nhất với các Sở Tài chính và Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này: Cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động vốn và tổ chức thực hiện kiên cố hóa kênh thủy lợi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2001-2003.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 1654/QĐ-UB ngày 05/5/1997 của UBND tỉnh.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: NN và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Thủ trưởng các ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Doãn Hợp

 

CƠ CHẾ

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ, HUY ĐỘNG VỐN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIÊN CỐ HÓA KÊNH THUỶ LỢI
(Ban hành kèm theo Quyết định 57 QĐ/UB ngày 27/6/2001)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Kiên cố hóa các hệ thống kênh thủy lợi, nhằm từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế là thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Điều 1: Mục tiêu thực hiện kiên cố hóa kênh mương đến năm 2003.

Hoàn thành cơ bản kiên cố hóa các hệ thống kênh tưới đã đưa vào quản lý khai thác.Với mục tiêu:

- Vùng trọng điểm Đô - Diễn - Yên- Quỳnh, Nam - Hưng - Nghi và các vùng Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn hoàn thành kiên cố các kênh có diện tích tưới từ 15 ha trở lên.

- Các vùng trọng điểm lúa của 6 huyện miền núi cao (Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong) hoàn thành kiên cố các kênh có diện tích tưới từ 10 ha trở lên.

- Với khối lượng chủ yếu:

- Kênh loại I: 178 km

- Kênh loại II: 216 km

- Kênh loại III: 1779 km

Đảm bảo tưới lúa 170 000 ha, tưới cây công nghiệp 49000 ha (trong đó lạc 3500 ha, cà phê 5000 ha, cam 2500 ha, chè 3000 ha), góp phần cấp nước cho dân sinh, các ngành công nghiệp và tiêu úng trên 50.000 ha.

Điều 2: Những yêu cầu khi thực hiện kiên cố hóa kênh.

1. Tuân thủ quy hoạch thủy lợi và các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa kiên cố hóa kênh với giao thông nông thôn, trồng cây xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng khác.

3. Làm theo thứ tự: Kênh cấp trên trước, kênh cấp dưới sau, làm gọn từng kênh để phát huy hiệu quả.

4. Gắn việc thực hiện kiên cố kênh với tổ chức thủy nông ở các cơ sở.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Nguồn vốn kiên cố kênh

- Kênh loại I do Trung ương đầu tư thông qua các dự án.

- Kênh loại II do ngân sách tỉnh đầu tư trong kế hoạch XDCB hàng năm theo các dự án.

- Kênh loại III: Nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp là chính, ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 1 phần.

Điều 4: Huy động vốn.

1 Nguồn vốn T.W kiên cố kênh loại I: Giao Sở NN và PTNT phối hợp Sở Kế hoạch đầu tư lập các dự án trình Bộ NN và PTNT và các Bộ, ngành liên quan xin đầu tư.

2. Nguồn vốn tỉnh đầu tư kiên cố kênh loại II: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính- Vật giá đưa vào kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm trình UBND tỉnh Quyết định.

Về hỗ trợ dân kiên cố kênh loại III: Giao Sở Tài chính Vật giá chủ trì phối hợp Sở NN và PTNT, Sở Kế hoạch & Đầu tư hàng năm đưa vào cân đối ngân sách tỉnh hỗ trợ trình UBND tỉnh Quyết định.

3. Kinh phí do nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp được tính theo đầu sào hưởng lợi, phải thông qua đại hội xã viên, hội đồng nhân dân các cấp. Mức đóng góp của nhân dân từng vùng như sau:

Vùng đồng bằng: 7kg thóc/sào vụ.

Vùng miền núi: 5 kg thóc/sào vụ.

Vùng 6 huyện miền núi cao từ: 3-4 kg thóc/sào/ vụ.

Những nơi có điều kiện, có thể đóng góp mức cao hơn nhưng nhất thiết phải thông qua bàn bạc dân chủ với dân và do nhân dân Quyết định.

Hình thức đóng góp: Bằng tiền, bằng công lao động hoặc bằng vật tư tại chỗ (đá, gạch, cát).

ở những nơi có dự án được vay vốn làm kênh nội đồng thì các xã, HTX vay vốn để thực hiện, sau đó trả dần bằng cách thu theo đầu sào, theo mức trên.

Điều 5: Mức hỗ trợ vốn của tỉnh để nhân dân kiên cố kênh loại III.

1. Phần hỗ trợ của tỉnh bằng hiện vật như:

Xi măng, sắt thép được quy ra giá trị, mức hỗ trợ quy theo tỷ lệ phần trăm so với tổng dự toán được duyệt.

2. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Cho năm 2001 các năm 2001-2003 sẽ có điều chỉnh cho phù hợp:

a. Kênh do xã, HTX quản lý:

- Vùng đồng bằng (các huyện Đô -Diễn - Yên; Quỳnh - Nam - Hưng - Nghi - Vinh) tỉnh hỗ trợ 15% giá trị công trình.

- Vùng miền núi (Thanh chương, Anh Sơn, Tân kỳ, Nghĩa Đàn ) tỉnh hỗ trợ 30% giá trị công trình.

- Vùng núi cao (Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế phong) tỉnh đầu tư hỗ trợ 80% thông qua các chương trình quốc gia.

b. Kênh do công ty, xí nghiệp thủy lợi quản lý:

- Vùng đồng bằng tỉnh hỗ trợ 20%.

- Vùng núi tỉnh hỗ trợ 30%.

- 6 huyện miền núi cao tỉnh đầu tư hỗ trợ 80% thông qua các chương trình dự án quốc gia.

Điều 6: Một số chế độ kiên cố kênh:

Để giảm giá thành xây dựng kiên cố hóa kênh mương loại III, chế độ dự toán quy định như sau:

- Không tính lãi định mức.

- Khuyến khích áp dụng thiết kế định hình ở những nơi có điều kiện.

- Các khoản chi phí khảo sát địa hình địa chất, lập thiết kế dự toán, tính bằng 50% mức chi phí quy định theo chế độ XDCB hiện hành.

Điều 7: Cơ chế quản lý:

- Chủ đầu tư là UBND huyện, hệ thống kênh nằm gọn trong địa phận xã thì UBND huyện có thể ủy quyền cho xã làm chủ đầu tư.

- Công trình thuộc địa phương nào thì sử dụng nhân công địa phương đó thi công, hạn chế mức thấp nhất việc thuê thợ và nhân công của địa phương khác.

- Quản lý chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, thanh quyết toán theo quy chế quản lý XDCB hiện hành.

- Căn cứ quy hoạch, kế hoạch hàng năm được duyệt và hồ sơ xây dựng, các địa phương tổ chức triển khai kiên cố hóa kênh và hồ sơ nghiệm thu công trình của đơn vị đã duyệt, nghiệm thu để hỗ trợ theo chính sách.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8: Trách nhiệm các cấp các ngành:

1. UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch kiên cố kênh trên địa bàn hàng năm và từng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sở NN &PTNT thẩm định kế hoạch của các huyện, thành, thị thống nhất với Sở Tài chính và Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Xây dựng kế hoạch kiên cố kênh hàng năm

- Hàng năm UBND các huyện, thành, thị, các công ty xí nghiệp thủy lợi lập kế hoạch kiên cố kênh trên địa bàn huyện, trên từng hệ thống báo cáo Sở NN&PTNT (qua Chi cục Quản lý nước và CTTL), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính- Vật giá để Sở Tài chính- Vật giá đưa vào cân đối ngân sách hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và mức hỗ trợ.

- Công trình do công ty, xí nghiệp thủy lợi quản lý, công ty, xí nghiệp lập kế hoạch báo cáo huyện để huyện tổng hợp trên toàn địa bàn đông thời báo cáo Sở NN và PTNT để Sở NN & PTNT tổng hợp vào kế hoạch chung.

- Công trình do xã, HTX quản lý, phòng nông nghiệp và PTNT huyện tổng hợp báo cáo UBND huyện.

Riêng 2 hệ thống thủy lợi Bắc, Nam các công ty có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch trên hệ thống để đưa vào kế hoạch của từng huyện.

3. Lập và duyệt hồ sơ kỹ thuật

- Sở NN và PTNT hướng dẫn các công ty, xí nghiệp thủy lợi, các phòng nông nghiệp và PTNT huyện lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật kiên cố kênh (khảo sát thiết kế dự toán) lập thiết kế mẫu của những hệ thống kênh cho phép in sao bán cho các chủ đầu tư với giá hợp lý để giảm giá thành xây dựng.

- Công ty, xí nghiệp thủy lợi lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ kỹ thuật các kênh trong hệ thống do mình quản lý, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ kỹ thuật các kênh loại 3 thuộc hệ thống do xã, HTX quản lý.

- Sở NN và PTNT duyệt thiết kế và dự toán các kênh do công ty, xí nghiệp quản lý.

- UBND huyện duyệt thiết kế và dự toán các kênh do xã, HTX quản lý.

4. Hướng dẫn và giám sát kỹ thuật:

- Kênh trong hệ thống do công ty, xí nghiệp quản lý. Công ty, xí nghiệp cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và giám sát kỹ thuật.

- Kênh do xã, HTX quản lý, phòng nông nghiệp và PTNT huyện cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và phối hợp với địa phương giám sát kỹ thuật.

Việc giám sát phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch, đúng thiết kế, và đảm bảo chất lượng. Thực hiện dân biết, dân kiểm tra.

5. Nghiệm thu, bàn giao theo chế độ hiện hành:

- Khi công trình hoàn thành, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, Nhà nước mới cấp hỗ trợ vốn.

Điều 9: Về chỉ đạo

1. Thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm: lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan.

2. Sở NN và PTNT giúp UBND tỉnh chỉ đạo từ khâu kỹ thuật, xây dựng dự án, nghiệm thu công trình, tổng hợp kế hoạch toàn tỉnh. Sở Tài chính, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm cân đối vốn hàng năm. Định kỳ 6 tháng hàng năm tổng hợp kết quả kiên cố hóa kênh trên địa bàn toàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh.

3. UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo toàn diện việc kiên cố hóa kênh trên địa bàn, phát động các xã, HTX, nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp công của để kiên cố kênh.

Điều 10: Thi đua khen thưởng

Hàng năm UBND tỉnh xét khen thưởng cho các địa phương, đơn vị hoàn thành xuất sắc kế hoạch kiên cố hóa kênh mương.

1. Tiêu chuẩn khen thưởng:

- Hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch về khối lượng, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.

- Có nhiều hình thức huy động và quản lý đạt hiệu quả cao các nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục xây dựng, không sử dụng lực lượng thầu khoán trong kiên cố hóa kênh mương.

2. Hình thức khen thưởng:

- UBND tỉnh xét đề nghị Chính phủ và Bộ NN & PTNT khen thưởng với các hình thức tặng cờ và bằng khen. Đơn vị được Trung ương tặng cờ, tỉnh thưởng 30 triệu đồng. Đơn vị được Trung ương tặng bằng khen, tỉnh thưởng 20 triệu đồng.

- UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc kèm theo 20 triệu đồng.

- UBND tỉnh tặng bằng khen kèm theo 15 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc các huyện, thành, thị, các ngành phản ánh về UBND tỉnh để xem xét, sửa đổi bổ sung./.