Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3109/2007/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP MUA SẮM TÀI SẢN, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XI, kỳ họp thứ 9 về điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2007, dự toán ngân sách năm 2008 tỉnh Thái Nguyên;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 3058/TTr-STC ngày 29/12/2007 về việc phân cấp mua sắm tài sản, quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước tại tỉnh Thái Nguyên, Công văn số 3230/TP-VBPQ ngày 28/12/2007 của Sở Tư pháp về việc thẩm định văn bản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc phân cấp mua sắm tài sản, quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước thuộc tỉnh Thái Nguyên,

(Có Quy định cụ thể kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Sở Tài chính phối hợp cùng các ngành liên quan hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã ở địa phương tổ chức thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể, đơn vị hành chính sự nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2008 và thay thế Quyết định số 1041/2005/QĐ-UBND ngày 09/6/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc phân cấp xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Xuân Đương

 

QUY ĐỊNH

QUY ĐỊNH NÀY QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN CẤP MUA SẮM TÀI SẢN, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3109/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Mua sắm tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ tài sản gắn với dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản đặc thù chuyên dùng cho Quốc phòng, an ninh).

2. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

- Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Xử lý tài sản nhà nước

- Xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (gọi chung là đơn vị sử dụng).

2. Các cơ quan và đối tượng khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM TÀI SẢN

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn bằng văn bản, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm tài sản là xe ô tô các loại.

2. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên trên một đơn vị tài sản và gói thầu mua sắm tài sản có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên;

Điều 4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Theo đề nghị của Trưởng phòng Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quyết định mua sắm các tài sản (trừ xe ô tô các loại) thuộc ngân sách cấp huyện.

Điều 5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã:

Quyết định mua sắm tài sản thuộc nguồn ngân sách cấp xã.

Điều 6. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành chủ quản (có các đơn vị trực thuộc):

Quyết định mua sắm các tài sản thuộc lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật của ngành có giá trị dưới 500 triệu đồng trên một đơn vị tài sản và gói thầu mua sắm tài sản có giá trị dưới 01 tỷ đồng.

Điều 7. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp:

1. Quyết định mua sắm tài sản thuộc nguồn dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị được phê duyệt.

2. Quyết định mua sắm tài sản từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và quỹ phúc lợi của cơ quan, đơn vị.

Việc mua sắm tài sản của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

Việc quyết định đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản gắn với dự án xây dựng cơ bản, phải theo quy định hiện hành về phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản.

Mục 2: PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HCSN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ TÀI SẢN XÁC LẬP QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 8. Đăng ký quyền quản lý sử dụng tài sản nhà nước

1. Những tài sản phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng bao gồm:

a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất):

b) Xe ô tô các loại;

c) Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên trên một đơn vị tài sản.

2. Đối với những tài sản khác không thuộc phạm vi phải đăng ký, đơn vị có trách nhiệm lập thẻ tài sản cố định để theo dõi và quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

3. Nơi đăng ký tài sản: các đơn vị quản lý, sử dụng tài sản có trách nhiệm đăng ký tài sản tại sở Tài chính Thái Nguyên theo quy định.

Điều 9. Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương

1. Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất):

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:

Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã) và đề nghị của Gám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Quyết định thu hồi, bán, điều chuyển, thanh lý tài sản gắn liền với chuyển giao quyền sử dụng đất.

- Quyết định thu hồi đối với những trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp bị sử dụng sai mục đích hoặc thu hồi diện tích trụ sở vượt định mức.

- Quyết định bán, thanh lý tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc không gắn liền với chuyển giao quyền sử dụng đất có giá trị nguyên giá trên sổ sách kế toán từ 01 tỷ đồng trở lên trên một đơn vị tài sản.

- Quyết định chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.

b) Giám đốc Sở Tài chính:

Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố), Giám đốc Sở Tài chính: Quyết định bán, thanh lý tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc không gắn liền với chuyển giao quyền sử dụng đất có giá trị nguyên giá trên sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng trên một đơn vị tài sản.   

c) Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh quản lý và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quyết định bán, thanh lý tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc không gắn liền với chuyển giao quyền sử dụng đất có giá trị nguyên giá trên sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng trên một đơn vị tài sản.

- Các Sở, Ban, Ngành: Quyết định theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc tỉnh quản lý: Quyết định theo đề nghị của bộ phận kế toán tài chính (trên cơ sở thống nhất chủ trương của Hội đồng thanh lý tài sản của cơ quan).

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Quyết định theo đề nghị của các đơn vị trực thuộc và đề nghị của Phòng Tài chính.

2. Đối với xe ô tô các loại:

Theo đề nghị của Sở, Ban, Ngành, Đơn vị quản lý tài sản và đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển, thanh lý, bán tài sản là xe ô tô các loại.

3. Đối với tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và ô tô các loại):

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:

Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã và đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Quyết định bán, thanh lý tài sản khác có giá trị nguyên giá tài sản trên sổ sách kế toán từ 02 tỷ đồng trở lên trên một đơn vị tài sản.

- Quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị khác sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể và uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã.  

- Quyết định thu hồi đối với tài sản sử dụng sai mục đích, không hiệu quả.

b) Giám đốc Sở Tài chính:

Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã), Giám đốc Sở Tài chính quyết định bán, thanh lý tài sản khác có giá trị nguyên giá trên sổ sách từ 500 triệu đồng đến dưới 02 tỷ đồng trên một đơn vị tài sản.         

c) Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc tỉnh quản lý và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể: theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc tỉnh quản lý: theo đề nghị của bộ phận kế toán tài chính (trên cơ sở thống nhất chủ trương của Hội đồng thanh lý tài sản của cơ quan); Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: theo đề nghị của đơn vị và Trưởng Phòng Tài chính:

- Quyết định bán, thanh lý tài sản khác có giá trị nguyên giá trên sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trên một đơn vị tài sản.

- Quyết định điều chuyển tài sản khác (thuộc cơ quan hành chính trực thuộc) trong nội bộ sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã.

d) Giám đốc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Ban, Ngành và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

Quyết định bán, thanh lý tài sản khác có giá trị trên sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng trên một đơn vị tài sản (trên cơ sở thống nhất của Hội đồng thanh lý tài sản của đơn vị).

4. Đối với tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động:

Theo đề nghị của các Ban dự án và cơ quan Tài chính cùng cấp: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển, bán, thanh lý tài sản là ô tô, trụ sở làm việc và tài sản thuộc các Ban dự án do tỉnh quyết định, Chủ đầu tư của các Ban dự án (không do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định) quyết định điều chuyển, bán, thanh lý các tài sản khác còn lại.

Điều 10. Phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quỹ nhà nước:

a) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tài sản của người bị kết án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự;

c) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với vật chứng vụ án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Đối với tài sản khác:

Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (sở, ngành, cơ quan, đoàn thể và uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã) và do Giám đốc Sở Tài chính trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với:

a) Bất động sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu;

b) Di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản;

c) Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước do địa phương quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam;

d) Tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức của tỉnh.

Điều 11. Phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi về xử lý tài sản.

1. Đối với xử lý bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Tiền thu từ bán, chuyển nhượng tài sản tại cơ quan hành chính: sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách.

b) Tiền thu từ bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập: sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản (nếu có) được bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Nếu tài sản đó có nguồn gốc từ vốn vay được dùng để trả đủ nợ vay, phần còn lại đơn vị được để lại bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp tiền thu từ bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản mà số tiền chi phí thực tế theo chế độ hiện hành cho việc bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản đó lớn hơn số thu thì cơ quan, đơn vị sử dụng từ kinh phí hoạt động thường xuyên để chi trả.

2. Đối với tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước:

a) Cơ quan, đơn vị thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu ở địa phương nào thì có phương án xử lý tài sản ở địa phương đó (không phân biệt thẩm quyền cấp nào ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước).

b) Tiền thu từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước sau khi trừ chi phí theo quy định được nộp vào ngân sách nhà nước cùng cấp.

c) Tiền thu từ bán tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước sau khi trừ đi chi phí (nếu có) được nộp vào ngân sách theo phân cấp.

3. Đối với tài sản trên đất phải xử lý để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án - Tiền bồi thường tài sản được xử lý như sau:

a) Cơ quan hành chính: tiền bồi thường tài sản được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước; nếu khi nhận tiền mà đã có phương án đầu tư, mua sắm tài sản mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt xử lý nguồn tiền đó thì được gửi tiền vào kho bạc cùng cấp để quản lý, sử dụng (trường hợp phương án được duyệt là đầu tư xây dựng cơ bản thì kho bạc mở tài khoản riêng cho theo dõi công trình).

b) Đơn vị sự nghiệp công lập: tiền bồi thường tài sản được gửi toàn bộ vào kho bạc nhà nước cùng cấp và theo dõi ở nguồn quỹ phát triển sự nghiệp; nếu khi nhận tiền mà đã có phương án đầu tư xây dựng cơ bản mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì kho bạc mở tài khoản riêng để theo dõi công trình.

Điều 12. Phân cấp xử lý bán tài sản nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước

1. Bán tài sản nhà nước:

a) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên: Nhận bán uỷ quyền tài sản bán, chuyển nhượng, thanh lý của cơ quan hành chính sự nghiệp có giá khởi điểm thu hồi từ 10 triệu đồng trở lên trên một quyết định bán, chuyển nhượng, thanh lý.

b) Cơ quan, đơn vị có tài sản: bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản hành chính sự nghiệp có giá trị khởi điểm thu hồi dưới 10 triệu đồng.

2. Bán tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước:

a) Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước tại huyện, thành phố, thị xã:

- Nếu giá khởi điểm trên một quyết định xử lý dưới 10 triệu đồng thì Hội đồng định giá và bán đấu giá của cấp huyện tổ chức bán đấu giá.

- Nếu giá khởi điểm trên một quyết định xử lý từ 10 triệu đồng trở lên thì Hội đồng định giá và bán đấu giá của cấp huyện ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên tổ chức bán.

Tiền thu từ bán đấu giá tài sản ở điểm a, khoản 2, Điều 12 được chuyển vào tài khoản tạm giữ của phòng Tài chính để xử lý theo quy định.

b) Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước ở các đơn vị trực thuộc tỉnh, được Hội đồng định giá của tỉnh định giá khởi điểm sau đó cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản ký hợp đồng uỷ quyền với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên tổ chức bán.

Tiền thu được từ bán tài sản ở điểm b, khoản 2, Điều 12 được chuyển vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính chính để xử lý theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị quản lý, sử dụng tài sản, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, cơ quan, đoàn thể và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3109/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về phân cấp mua sắm tài sản, quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước thuộc tỉnh Thái Nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

  • Số hiệu: 3109/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Phạm Xuân Đương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản