Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2012/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 21 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THANH TRA NĂM 2013

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011; Nghị định của Chính phủ: số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012 và các Nghị định hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các quy định của pháp luật có liên quan;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 422/TTr-TH ngày 17/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thanh tra năm 2013 của UBND tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2013, tổng hợp kết quả, tổ chức thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo quy định, báo cáo UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ theo dõi, chỉ đạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

KẾ HOẠCH

THANH TRA NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh Phú Yên)

Thực hiện Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định pháp luật có liên quan và hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Phú Yên đề ra Kế hoạch thanh tra năm 2013, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. CÔNG TÁC THANH TRA

- Thủ trưởng các cấp, các ngành tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý và định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, tổ chức thanh tra tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, bám sát theo yêu cầu quản lý của từng cấp, từng ngành.

- Các cuộc thanh tra phải thực hiện nhanh, gọn, kết quả xử lý kịp thời, dứt điểm; tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử lý sau thanh tra, tăng cường công tác giám sát các đoàn thanh tra theo quy định.

- Các đơn vị còn đang thực hiện các cuộc thanh tra từ năm 2012 chuyển sang phải tập trung tiến hành dứt điểm ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2013.

1. Giao Thanh tra tỉnh:

- Thanh tra việc quản lý và sử dụng tài chính của Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa từ năm 2011-2012.

- Thanh tra việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy An, huyện Sông Hinh và một số trường THCS, trường Tiểu học trực thuộc Phòng từ năm 2010-2012.

- Thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc quản lý và sử dụng đất đối với các công ty có dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Ban quản lý các công trình Đầu tư và Xây dựng cơ bản huyện Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa.

- Thanh tra việc quản lý tài chính và xây dựng cơ bản tại Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên.

- Thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về thuế tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật tại UBND thị xã Sông Cầu và UBND thành phố Tuy Hòa.

- Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khi được Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh giao.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Thường xuyên phối hợp với các ngành, các địa phương nắm bắt thông tin để kịp thời tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh gây tác hại hoặc làm ảnh hưởng đến đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và biển - hải đảo; phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Phú Yên thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết và tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Thực hiện kịp thời các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất khi người có thẩm quyền giao hoặc khi có đơn, thư phản ánh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, tập trung xử lý dứt điểm kết quả sau thanh tra, đồng thời đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật; kiên quyết cưỡng chế đối với tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường, nhưng không chấp hành quyết định xử phạt có hiệu lực pháp luật.

3. Giao Sở Tài chính:

- Thanh tra công tác điều hành, quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh;

- Thanh tra công tác quản lý tài chính tại một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Thực hiện thanh tra chuyên đề việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo tại các trường phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

- Thanh tra việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án sau: Dự án Bệnh viện Mắt, dự án Trung tâm phòng chống HIV/AIDS do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Thực hiện thanh tra chuyên đề nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị nghiêm túc chấp hành chương trình hành động của UBND tỉnh trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

- Thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra phối hợp theo sự chỉ đạo của cấp trên.

4. Giao Sở Xây dựng:

- Thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng tại công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

- Kiểm tra công tác quản lý đầu tư và quản lý chất lượng các công trình trọng điểm và các công trình phúc lợi xã hội; kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các dự án, cơ sở khai thác, chế biến trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra chuyên đề việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch nông thôn mới tại một số xã: Hòa Bình 1, Phú Hòa, Hòa Tân Tây thuộc huyện Tây Hòa; xã An Ninh Đông, An nghiệp, An Hải thuộc huyện Tuy An; xã Xuân Phước, Xuân Sơn Nam thuộc huyện Đồng Xuân; xã Đức Bình Tây; EaBia, EaBá, Sông Hinh thuộc huyện Sông Hinh.

- Kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về xây dựng tại UBND huyện Tuy An.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng các dự án thuộc Chương trình 134, 135 được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2010-2012 tại UBND huyện Sông Hinh và UBND huyện Sơn Hòa.

- Kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng tại UBND thành phố Tuy Hòa; UBND thị xã Sông Cầu (giai đoạn từ năm 2010-2012) và một số huyện trên địa bàn tỉnh.

5. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Thanh tra công tác đầu thầu Dự án đường ĐH21 do UBND huyện Phú Hòa làm chủ đầu tư.

- Thanh tra công tác đầu thầu Dự án Trường Mầm non Phong Lan do UBND huyện Đồng Xuân làm chủ đầu tư.

- Kiểm tra việc chấp hành các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động đối với các doanh nghiệp: Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Đất Việt; Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng A.D.C; Công ty TNHH Việt Thắng; Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và xây dựng Phú Thịnh; Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Chính Thuần; Công ty CP Hoàng Phố; Công ty TNHH Thiện Tín; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận Phú; Công ty TNHH Hải Thanh; Công ty TNHH Tứ Thiện; Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Kiến Thành; Công ty CP Nam Dương; Công ty TNHH Phú Trường; Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng 1.6; Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Anh Khoa.

6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản, thức ăn gia súc, gia cầm; việc chấp hành các quy định pháp luật về nuôi thủy sản; về lĩnh vực phân bón, giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp.

- Thanh tra, kiểm tra tình hình phân phối lưu thông, quy chuẩn nhãn mác, bao bì; việc mua bán, sử dụng và điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; Thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất RAT về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra đánh giá cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra, đôn đốc hoạt động hành chính, việc thực hiện quy trình kỹ thuật trong chỉ đạo sản xuất ở các Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra quảng cáo, hội thảo của các công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kinh doanh thuốc thú y; các cơ sở vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và các sản phẩm động vật.

7. Giao Sở Công Thương:

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực thương mại; về quản lý, kinh doanh, sử dụng hóa chất nguy hiểm, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; kiểm tra về hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra công tác quản lý, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác, chế biến khoáng sản; môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản và an toàn thiết bị chuyên ngành công nghiệp.

- Kiểm tra việc cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá, rượu và sản xuất rượu thủ công.

8. Giao Sở Giao thông vận tải:

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giao thông vận tải: tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về vận tải hành khách; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các bến xe trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra việc bảo vệ công trình, đảm bảo chất lượng công trình giao thông, an toàn giao thông, hành lang bảo vệ đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo lái xe ô tô, mô tô tại các cơ sở đào tạo thuộc Công ty Phát triển kinh tế Thanh niên xung phong; Trung tâm Dạy nghề Công đoàn; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh và Trung tâm Đào tạo lái xe - Trường Cao đẳng nghề Phú Yên.

- Thanh tra công tác sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hướng cố định.

9. Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới tại các doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.

- Kiểm tra chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp; kiểm tra quy chuẩn an toàn khai thác đá, khoáng sản tại một số cơ sở.

- Thanh tra, kiểm tra công tác dạy nghề tại trung tâm dạy nghề một số huyện, Phòng Lao động-Thương binh Xã hội thành phố Tuy Hòa; Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa; Trường Trung cấp Y tế Phú Yên; Trường Đại học Xây dựng miền Trung; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh Phú Yên.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tại một số doanh nghiệp và cơ quan Bảo hiểm xã hội một số huyện.

- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách người có công tại Phòng Lao động-Thương binh Xã hội thành phố Tuy Hòa và một số xã, phường.

- Phối hợp kiểm tra liên ngành kiểm tra chuyên đề an toàn thủy điện; an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; kiểm tra giao kết hợp đồng lao động; an toàn lao động; tham gia BHXH của doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp.

10. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Phòng PA 81 Công an tỉnh thanh tra hoạt động in ấn - phát hành xuất bản phẩm, lịch Block; phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra dịch vụ kinh doanh điện thoại thuê bao di động trả trước; dịch vụ internet công cộng, game online tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra giấy chứng nhận kiểm định và công bố sự phù hợp đối với các trạm BTS của các doanh nghiệp thông tin di động; phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII thanh tra, kiểm tra về tần số vô tuyến điện đối với Chi nhánh Viettel Phú Yên; thanh tra, kiểm tra hoạt động in ấn, phát hành xuất bản phẩm.

12. Đối với các sở, ngành khác:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo Thanh tra sở, ngành tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo chức năng quản lý Nhà nước của từng ngành. Thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề của ngành và địa phương khi có yêu cầu.

13. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Từng địa phương lựa chọn các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cấp để thanh tra, trọng tâm là các công trình lớn hoặc công trình, dự án có dấu hiệu tiêu cực, dư luận quan tâm. Gắn công tác thanh tra với việc làm rõ các vụ việc tham nhũng, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng đến các lĩnh vực liên quan đến việc thực hiện các giải pháp chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.

- Tiến hành thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số địa bàn, gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách, công vụ trong lĩnh vực này ở các cơ quan chức năng; xã, phường, thị trấn.

- Tăng cường công tác thanh tra tài chính đối với các đơn vị sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, nhất là ở cấp xã để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót; thanh tra hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, giúp các đơn vị hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và nâng cao đời sống của người lao động.

- Chỉ đạo các Phòng, Ban kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật theo chức năng quản lý của từng đơn vị.

- Kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp cố tình trì hoãn, né tránh việc thực hiện các quyết định xử lý sau thanh tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

II. CÔNG TÁC TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng các ngành, các cấp cần tập trung chỉ đạo làm tốt những nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010. Thủ trưởng các ngành, các cấp duy trì nghiêm túc công tác tiếp dân thường xuyên và tiếp dân định kỳ, gắn công tác tiếp công dân với việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư “Về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại - tố cáo”; Thông báo 130-TB/TW ngày 10/01/2009 của Bộ Chính trị về “Tình hình kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trong Thông báo 130-TB/TW, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Các ngành, các cấp tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp và các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài cũng như giải quyết kịp thời, triệt để, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, các cấp. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.

- Trong năm 2013, việc tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang các khu đô thị dự báo sẽ phát sinh các khiếu kiện về đất đai, đền bù giải tỏa, tái định cư tiếp tục phát sinh trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án. Đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, do vậy Thủ trưởng các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, xử lý kịp thời các trường hợp khiếu kiện phức tạp, đông người, cố gắng giải quyết dứt điểm ngay từ nơi phát sinh, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

2. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng theo Kế hoạch số 1130/KH- TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ, rà soát các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật mà công dân còn tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, giao các đơn vị chức năng kiểm tra, xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Qua đó có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, đồng thời có các hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ; nhắc nhở các đơn vị chấp hành đúng chế độ thông tin báo cáo; giúp cấp dưới giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người.

III. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trong phạm vi đơn vị, địa phương mình.

- Thực hiện đúng yêu cầu, có hiệu quả Chương trình hành động của chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

- Xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 1980/TTCP-CIV ngày 09/11/2012; Quyết định số 1802/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 của UBND tỉnh Phú Yên về ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Giao Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sở Y tế và UBND huyện Sông Hinh.

- Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố; thanh tra các sở, ngành tổ chức thanh tra ít nhất 02 đơn vị theo thẩm quyền quản lý về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các nội dung:

+ Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng;

+ Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tuyên truyền Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; việc triển khai, thực hiện “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong quần chúng nhân dân;

+ Việc công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm công, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công, công tác tổ chức cán bộ;

+ Việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; việc xử lý trách nhiệm, thu hồi và yêu cầu bồi thường trong các vụ việc vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;

+ Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập theo quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ), Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 03/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007;

+ Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ;

+ Việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào việc xử lý thu hồi đất đai, tài sản, kinh phí, việc xử lý các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự;

+ Việc xử lý tin báo, giải quyết tố cáo về dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ, theo chức năng quản lý nhà nước; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng.

- Các cơ quan không có tổ chức Thanh tra Nhà nước trực thuộc thì xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định tại các Điều 27, 28, 29, Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ để xem xét, đánh giá và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác quản lý nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

- Thủ trưởng các ngành, các cấp chỉ đạo cán bộ công chức cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 và chấp hành chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.

IV. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

1. Giao Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Tỉnh thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, nhân dân ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh.

2. Giao Thanh tra tỉnh:

- Phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

- Phối hợp với Thủ trưởng các ngành, các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở.

V. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG

1. Thủ trưởng các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Xây dựng lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ cao. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn và cán bộ, công chức để đủ điều kiện bổ nhiệm thanh tra viên và thi nâng ngạch. Thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ, thanh tra viên, đáp ứng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đối với thanh tra các huyện, thị xã, thành phố; thanh tra các sở, ngành, trước khi có sự điều chuyển vị trí Chánh thanh tra phải có văn bản đề nghị và được sự thỏa thuận của Chánh Thanh tra tỉnh.

2. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ; giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ, thanh tra viên các cơ quan, đơn vị thanh tra cần thực hiện nghiêm túc Quy chế Đoàn thanh tra và Quy tắc ứng xử của cán bộ, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2013 của UBND tỉnh và tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương, xây dựng cụ thể Kế hoạch thanh tra năm 2013 của đơn vị, địa phương mình.

- Tổ chức quán triệt Kế hoạch thanh tra năm 2013 của UBND tỉnh và Kế hoạch thanh tra của đơn vị, địa phương cho cán bộ, công chức biết để giám sát, thực hiện. Đồng thời phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thanh tra năm 2013, đảm bảo đầy đủ, đúng nội dung, triển khai có hiệu quả các cuộc thanh tra theo đúng tiến độ đã đề ra.

- Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

2. Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2013, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2012/QĐ-UBND về Kế hoạch thanh tra năm 2013 của tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 31/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản