Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2974/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Thực hiện Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp (sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan liên quan) tại Văn bản số 339/TTr-STP ngày 09/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2021 – 2030
(Kèm theo Quyết định số: 2974/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

Xã hội hóa thi hành án dân sự là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình cải cách tư pháp, nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng “từng bước thực hiện việc xã hội hóa, giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự; “nghiên cứu chế định Thừa phát lại, trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương”. Thể chế hóa chủ trương này, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành án dân sự, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương đến ngày 01/7/2012.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/11/2012, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Việc lựa chọn các địa phương ở cả 03 miền được cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi, tạo cơ sở để kiểm chứng, đánh giá khách quan.

Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, ngày 26/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại, quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2016.

Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt,

2. Căn cứ thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

- Điều kiện về kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh;

- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh;

- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh;

- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng- Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

3. Thẩm quyền, phạm vi thực hiện công việc của Thừa phát lại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 51 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại có thẩm quyền và phạm vi thực hiện công việc:

- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

- Được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

- Được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định: bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở; quyết định giám đốc thảm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên gàn 6.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 01 thành phố, 02 thị xã). Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm qua đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2020 đạt 12.917 tỷ đồng1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh; các thành phần kinh tế không ngừng phát triển: giai đoạn 2016 - 2020, đã thành lập mới 5.600 doanh nghiệp, 425 hợp tác xã, 1.860 tổ hợp tác; thu hút được 915 dự án trong nước (tổng vốn đăng ký 52.732 tỷ đồng) và 31 dự án FDI (tổng vốn đăng ký 380 triệu USD). Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, 970 hợp tác xã, 3.462 tổ hợp tác; có 53 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn, trong đó có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 1.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp; các tranh chấp dân sự có chiều hướng gia tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng hơn về nội dung. Do đó, việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, góp phần đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân đối với việc thi hành án dân sự; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, giảm tải công việc cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp.

2. Hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động ngày càng tăng; cụ thể: năm 2017: 1.682 vụ, năm 2018: 1.818 vụ, năm 2019: 1.875 vụ, năm 2020: 1.967 vụ; trong đó cấp huyện: năm 2017: 1.538 vụ, năm 2018: 1.673 vụ, năm 2019: 1.721 vụ, năm 2020: 1.786 vụ.

Trong lĩnh vực Thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện đã thụ lý giải quyết: năm 2017: 4.257 vụ, năm 2018: 4.760 vụ, năm 2019: 4.837 vụ, năm 2020: 4.666 vụ.

Đối với hoạt động tống đạt giấy tờ, văn bản, theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự có nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với mỗi vụ việc thụ lý, các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo, gồm: thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự, hành chính; bản án, quyết định của Tòa án; quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự; các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định. Do đó, việc Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản sẽ giảm bớt khối lượng công việc, thời gian (đặc biệt là trong các trường hợp đương sự không hợp tác, cố tình trốn tránh), tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án.

Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết quả thi hành án hàng năm đạt và vượt các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao; tập trung thi hành các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi các khoản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Tuy vậy, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ thi hành nhiều vụ án còn chậm; số việc và số tiền chưa thi hành được còn lớn; còn để xảy ra vi phạm trình tự trong quá trình tổ chức thi hành án; năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ Thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu1. Vì vậy, việc xã hội hóa hoạt động thi hành án trong thời gian tới sẽ bổ sung lực lượng tham gia thi hành các vụ án, vụ việc dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc xác lập chứng cứ thông qua hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại, là nguồn chứng cứ trong hoạt động tố tụng.

Do đó, việc phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Thành lập, phát triển Văn phòng Thừa phát lại theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Hoạt động Thừa phát lại hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa thi hành án dân sự, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân có thêm sự lựa chọn khi yêu cầu thi hành án dân sự; tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của tổ chức, cá nhân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự.

II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh thực hiện theo 02 giai đoạn: giai đoạn năm 2021 - 2025 và giai đoạn năm 2026 - 2030.

1. Giai đoạn năm 2021 - 2025

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chế định Thừa phát lại, về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại để người dân, doanh nghiệp hiểu về hoạt động của Thừa phát lại, thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức này trong thực tiễn đời sống pháp lý, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về hoạt động Thừa phát lại.

b) Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, mật độ dân cư và nhu cầu của các địa bàn cấp huyện, trong giai đoạn năm 2021 - 2025 phát triển số lượng Văn phòng Thừa phát lại như sau:

- Thành phố Hà Tĩnh: 02 Văn phòng Thừa phát lại;

- Thị xã Kỳ Anh: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

- Thị xã Hồng Lĩnh: 01 Văn phòng Thừa phát lại;

- Từ 03 đến 05 Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện.

c) Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn 2021 - 2025; kiến nghị, đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn (nếu có).

2. Giai đoạn 2026-2030

a) Duy trì ổn định, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thành lập.

b) Tiếp tục phát triển Văn phòng Thừa phát lại, đảm bảo không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại các thị xã: Kỳ Anh, Hồng Lĩnh; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại mỗi huyện còn lại.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

a) Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về Thừa phát lại theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh theo quy định.

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Thừa phát lại và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của tổ chức, cá nhân.

d) Tham mưu UBND tỉnh thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.

b) Thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại, phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

b) Quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt các văn bản của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; hướng dẫn đương sự về quyền yêu cầu Thừa phát lại tổ chức thi hành các bản án, quyết định để đương sự biết và sử dụng dịch vụ thi hành án của Thừa phát lại.

4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

b) Quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện và chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

d) Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

5. Công an tỉnh

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt chế định Thừa phát lại cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng.

b) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại.

6. Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh

Quán triệt các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp cung cấp thông tin và hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện các công việc theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

7. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng

Phối hợp cung cấp thông tin và hỗ trợ Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Nghị định sề 08/2020/NĐ-CP.

8. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Thừa phát lại và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của tổ chức, cá nhân.

b) Phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự; tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thi hành bản án, quyết định; lập vi bằng; tống đạt văn bản của Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự và các công việc khác theo quy định về Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện các nội dung trong Đề án thuộc nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương lấy từ nguồn ngân sách được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị, địa phương.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định./.

 



1 Theo văn bản số 264-CV/TU ngày 29/3/2021 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự, hành chính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2974/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030

  • Số hiệu: 2974/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản