Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2011/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 15 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Căn cứ Luật Hợp tác xã số 18/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002 của Chính phủ về điều chỉnh mức thuế môn bài và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về mẫu vé xe khách, kê khai giá cước, niêm yết giá cước và kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô;

Căn cứ Thông tư số 191/2010/TT/BTC ngày 01/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô;

Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 2430/TTr-CT ngày 28/10/2011 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 163/BC-STP ngày 26/10/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012, thay thế Quyết định số 36/2007/QĐ-UB ngày 24/12/2007 và Quyết định số 11/2009/QĐ-UB ngày 13/02/2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Ngãi;
- Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- VPUB: PVP (CN), P.CNXD, NC, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KTTHdqv381.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Khoa

 

QUY ĐỊNH

VỀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về biện pháp quản lý thu thuế áp dụng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm: vận tải khách theo tuyến cố định, vận tải khách bằng xe buýt, vận tải khách bằng taxi, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải hàng hoá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô (kể cả các DN, HTX làm dịch vụ vận tải, khoán, cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải) có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi chung là DN kinh doanh vận tải).

2. Cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, bao gồm: nhóm cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ; xã viên HTX dịch vụ vận tải là chủ phương tiện, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho HTX một khoản tiền dịch vụ; cá nhân thuê hoặc nhận khoán phương tiện vận tải của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh (sau đây gọi chung là hộ kinh doanh vận tải).

3. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đăng kiểm có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối với DN kinh doanh vận tải

1. DN tự khai thuế, tính thuế và nộp đủ số tiền thuế đã tính vào ngân sách nhà nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ khai thuế.

2. Cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế trong trường hợp DN khai thuế, tính thuế chưa đúng và vi phạm pháp luật về thuế. DN phải nộp thuế theo số thuế do cơ quan thuế ấn định.

Điều 4. Đối với hộ kinh doanh vận tải

1. Hộ kinh doanh vận tải nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) theo mức thuế khoán của từng phương tiện vận tải. Trường hợp hộ kinh doanh sở hữu nhiều phương tiện thì thuế TNCN được xác định trên tổng thu nhập chịu thuế TNCN của tất cả các phương tiện của hộ kinh doanh.

a. Doanh thu tính mức thuế khoán của từng phương tiện vận tải do cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nơi có phương tiện điều tra, xác định phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của phương tiện đó, nhưng không được thấp hơn mức doanh thu ấn định tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

b. Doanh thu ấn định tối thiểu để tính mức thuế khoán của từng phương tiện vận tải căn cứ vào số tấn trọng tải hoặc số ghế của phương tiện để xác định theo quy định tại Phụ lục kèm theo Quy định này.

Số tấn trọng tải hoặc số ghế của từng phương tiện căn cứ theo số tấn trọng tải hoặc số ghế thiết kế ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật của phương tiện đó.

c. Trường hợp hộ kinh doanh vận tải có sử dụng hoá đơn vận tải để cung cấp cho khách hàng, nếu tổng doanh thu phát sinh trên các hoá đơn vận tải trong tháng cao hơn doanh thu tính mức thuế khoán quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này thì hộ kinh doanh phải khai và nộp bổ sung thuế GTGT đối với phần doanh thu chênh lệch giữa doanh thu trên hoá đơn và doanh thu khoán. Cơ quan thuế xác định lại thu nhập chịu thuế đối với các tháng có doanh thu trên hoá đơn cao hơn doanh thu tính mức thuế khoán để tính lại thuế TNCN trong năm.

Trường hợp doanh thu trên hoá đơn được thực hiện theo hợp đồng trong nhiều tháng thì hộ kinh doanh phải cung cấp hợp đồng vận tải và biên bản thanh lý hợp đồng để cơ quan thuế xác định mức doanh thu từng tháng cho phù hợp, nhưng không được thấp hơn mức doanh thu tối thiểu quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

2. Hộ kinh doanh vận tải nộp thuế môn bài theo mức của bậc môn bài, được xác định căn cứ vào mức thu nhập bình quân tháng của phương tiện vận tải của hộ kinh doanh. Mức thu nhập bình quân tháng của phương tiện vận tải do cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nơi có phương tiện điều tra, xác định phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của phương tiện đó, nhưng không được thấp hơn mức thu nhập bình quân tháng tính từ doanh thu ấn định tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Mức thu nhập bình quân tháng tính từ doanh thu ấn định tối thiểu bằng (=) doanh thu ấn định tối thiểu của phương tiện nhân (x) với tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán do Cục Thuế quy định.

Trường hợp hộ kinh doanh vận tải sở hữu nhiều phương tiện thì chỉ nộp một mức thuế môn bài; căn cứ để xác định bậc môn bài là tổng thu nhập bình quân tháng của tất cả phương tiện vận tải của hộ kinh doanh.

3. Khi tạm nghỉ kinh doanh, hộ kinh doanh vận tải phải lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế để cơ quan thuế xem xét giải quyết miễn, giảm thuế GTGT, thuế TNCN theo quy định.

a. Đối với thuế GTGT : Trường hợp nghỉ kinh doanh liên tục cả tháng thì được miễn số thuế GTGT phải nộp của tháng đó; nếu nghỉ kinh doanh liên tục từ 15 ngày trở lên thì được giảm 50% số thuế GTGT phải nộp của tháng đó.

b. Đối với thuế TNCN: Trường hợp nghỉ kinh doanh liên tục trọn 01 tháng trở lên thì được giảm 1/3 số thuế phải nộp của quý; nghỉ liên tục trọn 02 tháng trở lên thì được giảm 2/3 số thuế phải nộp của quý; nghỉ liên tục trọn quý thì được giảm số thuế phải nộp của quý đó.

c. Hộ kinh doanh nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Riêng đối với xã viên HTX dịch vụ vận tải (là chủ phương tiện, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho HTX một khoản tiền dịch vụ); cá nhân, xã viên HTX thuê hoặc nhận khoán phương tiện vận tải của các tổ chức, DN thì nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế tại các tổ chức, DN, HTX nơi quản lý, cho thuê, giao khoán phương tiện. Tổ chức, DN, HTX nơi quản lý, cho thuê, giao khoán phương tiện có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế của xã viên và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo đúng quy định.

Điều 5. Về khai thuế, nộp thuế

1. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vận tải độc lập (không phụ thuộc vào các doanh nghiệp, HTX) thực hiện khai thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Địa điểm nộp thuế do cơ quan thuế quy định (tại Kho bạc, tại Ngân hàng, tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý hoặc tại tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu).

2. Xã viên HTX là chủ phương tiện, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho HTX một khoản tiền dịch vụ và cá nhân, xã viên HTX thuê hoặc nhận khoán phương tiện vận tải của các tổ chức, DN, HTX thực hiện khai thuế, nộp thuế tại các tổ chức, DN, HTX nơi quản lý, cho thuê, giao khoán phương tiện. Các tổ chức, DN, HTX quản lý, cho thuê, giao khoán phương tiện có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các cá nhân, xã viên HTX và thực hiện khai thuế, nộp thuế đầy đủ thay cho các cá nhân, xã viên HTX nhận thuê, khoán phương tiện.

3. Hàng năm, chậm nhất đến ngày 31/12, các tổ chức, DN, HTX quản lý, cho thuê, giao khoán phương tiện có trách nhiệm đăng ký danh sách các cá nhân, xã viên và số phương tiện đang hoạt động của từng cá nhân, xã viên với Chi cục thuế huyện, thành phố địa phương để lập bộ tính thuế cho năm tiếp theo. Trường hợp trong năm tiếp theo có thay đổi, phát sinh thì phải đăng ký bổ sung trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh.

4. Hộ kinh doanh vận tải khi bán phương tiện, di chuyển đến địa phương khác, xã viên HTX khi gia nhập hoặc rút khỏi HTX phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, có xác nhận của cơ quan thuế quản lý nơi trước khi bán phương tiện, di chuyển, gia nhập hoặc rút khỏi HTX. Trường hợp hộ kinh doanh, xã viên HTX chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì cơ quan thuế nơi hộ kinh doanh bán phương tiện, chuyển đi và HTX vận tải có xã viên HTX rút khỏi có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nơi hộ kinh doanh mua phương tiện, chuyển đến và HTX vận tải có xã viên HTX gia nhập để truy thu số thuế hộ kinh doanh, xã viên HTX còn thiếu; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.

Điều 6. Sử dụng hoá đơn vận tải

1. Doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh vận tải phải quản lý, sử dụng hoá đơn trong hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định hiện hành về hoá đơn. Khi cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng phải lập và giao hoá đơn cho khách hàng, ghi đầy đủ các nội dung trên hoá đơn.

2. Các tổ chức, doanh nghiệp, HTX có hợp đồng vận chuyển với khách hàng và giao cho cá nhân, xã viên nhận khoán thực hiện hợp đồng, phải lập hoá đơn GTGT giao cho khách hàng và kê khai, nộp thuế theo quy định. Các cá nhân, xã viên nhận khoán thực hiện hợp đồng phải xuất hoá đơn bán hàng giao cho tổ chức, doanh nghiệp, HTX để làm chứng từ tính trừ chi phí.

3. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải có uỷ nhiệm lập hoá đơn cho các đơn vị kinh doanh vận tải khác hoặc các bến xe thì phải cung cấp hoá đơn vận tải của đơn vị cho các đơn vị được uỷ nhiệm.

4. Trường hợp các bến xe huy động xe của các đơn vị không kinh doanh vận tải hoặc xe của các đơn vị kinh doanh vận tải không có uỷ nhiệm lập hoá đơn cho việc điều động xe tham gia hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách lúc cao điểm trong các dịp lễ, Tết thì bến xe in, phát hành và sử dụng hoá đơn của bến xe để lập và giao cho khách hàng đúng quy định. Doanh thu kinh doanh vận tải khai thác từ các đầu xe được huy động nêu trên được xác định là doanh thu của bến xe và bến xe có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

5. Các HTX dịch vụ vận tải có trách nhiệm thay mặt xã viên, cá nhân nhận khoán để đăng ký với cơ quan thuế mua hoá đơn, quản lý và sử dụng khi xã viên, cá nhân nhận khoán có nhu cầu giao hoá đơn cho khách hàng. Trên hoá đơn phải ghi đầy đủ thông tin cần thiết của bên cung cấp dịch vụ như: họ tên, biển số xe của xã viên, cá nhân nhận khoán. HTX dịch vụ vận tải thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn thay cho xã viên, cá nhân nhận khoán.

Điều 7. Kê khai, niêm yết giá cước vận tải

1. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai và gửi hồ sơ kê khai giá cước vận tải ô tô (bao gồm kê khai lần đầu và kê khai lại) cho Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Cục Thuế tỉnh để phối hợp theo dõi, kiểm tra.

2. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải phải thực hiện việc niêm yết công khai giá cước vận tải ô tô theo quy định và không được thu cao hơn giá cước niêm yết.

Điều 8. Đăng ký quyền sở hữu tài sản phương tiện vận tải

1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (trừ doanh nghiệp tư nhân) có phương tiện vận tải bằng ô tô (trừ phương tiện thuê hoặc thuê mua tài chính của tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng thuê tài sản hoặc hợp đồng thuê mua tài chính) phải đăng ký quyền sở hữu tài sản của chính doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần khi góp vốn cho công ty bằng tài sản là phương tiện vận tải bằng ô tô phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty.

2. Hộ gia đình, cá nhân mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh vận tải phải làm thủ tục sang tên trước bạ, đăng ký quyền sở hữu chính chủ và đăng ký kinh doanh vận tải trước khi kinh doanh. Nghiêm cấm các doanh nghiệp thông đồng, thỏa hiệp để hộ gia đình, cá nhân kinh doanh vận tải lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty để làm thủ tục đăng kiểm hoặc kinh doanh trái phép nhằm trốn thuế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành

1. Cơ quan thuế có trách nhiệm:

a. Tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải để các doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải hiểu và tự giác chấp hành. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải.

b. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc trao đổi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn để có biện pháp quản lý thu thuế. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện biện pháp kiểm soát việc chấp hành nghĩa vụ thuế của chủ hộ kinh doanh vận tải khi đưa phương tiện đi kiểm định an toàn kỹ thuật.

2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm :

a. Cung cấp cho Cục Thuế tỉnh thông tin về các đơn vị vận tải đã đăng ký khai thác vận tải bằng ô tô có trụ sở chính hoặc có trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh.

b. Chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ tại địa phương, khi thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện phải kiểm tra đầy đủ các thủ tục, giấy tờ của chủ phương tiện theo quy định pháp luật và có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ theo đề nghị của cơ quan thuế trong việc kiểm soát việc chấp hành nghĩa vụ thuế của chủ phương tiện khi thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải kê khai giá cước, niêm yết giá cước và thực hiện giá cước vận tải ô tô theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho Cục Thuế tỉnh thông tin về việc thành lập mới, đăng ký kinh doanh, thay đổi bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, chia, tách, giải thể hoặc phá sản của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của cơ quan thuế; phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải khi có yêu cầu của cơ quan thuế hoặc của UBND địa phương.

6. Liên minh HTX tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đôn đốc, yêu cầu các HTX vận tải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của HTX và của các xã viên trong HTX; chỉ đạo Ban Quản trị HTX dịch vụ vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với các xã viên khi giới thiệu đăng kiểm phương tiện, xuất hoá đơn GTGT thanh toán hợp đồng vận tải, kết nạp hoặc chấp nhận xã viên rút khỏi HTX.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương

1. UBND huyện, thành phố có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế, hoặc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo đề nghị của cơ quan thuế để tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký kinh doanh, trốn thuế, nợ thuế và các vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn.

b. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp theo yêu cầu của cơ quan thuế thông tin về tình hình đăng ký kinh doanh của các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn.

2. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

a. Quản lý và thu nộp các khoản thuế của các hộ kinh doanh vận tải trên địa bàn đã được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu.

b. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn để cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế thực hiện các biện pháp quản lý đối tượng, khai thác nguồn thu, cưỡng chế thu nợ thuế và chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Điều 11. Doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm chấp hành và thực hiện theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Điều 12. Giao Cục Thuế tỉnh theo dõi, tổng hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quy định này; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để xử lý, giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật khi chính sách có thay đổi./.

 

PHỤ LỤC

DOANH THU ẤN ĐỊNH TỐI THIỂU CỦA MỘT (01) PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Loại hình kinh doanh vận tải

Đơn vị tính

Doanh thu ấn định (đồng)

1

Vận tải hàng hoá

 

 

a

Xe tải thùng

 

 

 

- Trọng tải đến 10 tấn

đồng/tấn/tháng

2.500.000

 

- Trọng tải trên 10 tấn

đồng/tấn/tháng

2.500.000

 

* 10 tấn đầu tiên

đồng/tấn/tháng

1.500.000

 

* Từ tấn thứ 11 trở lên

đồng/tấn/tháng

2.500.000

b

Xe tải ben

 

 

 

Riêng xe tải dưới 1 tấn

đồng/xe/tháng

2.000.000

2

Vận tải hành khách

 

 

a

Liên tỉnh (tuyến cố định)

 

 

 

- Trên 300 km

đồng/ghế/tháng

750.000

 

Riêng xe chất lượng cao

 

 

 

* Có giường nằm

đồng/giường/tháng

1.000.000

 

* Không có giường nằm

đồng/ghế/tháng

900.000

 

- Từ 300 km trở xuống

đồng/ghế/tháng

640.000

b

Nội tỉnh (tuyến cố định)

 

 

 

- Quảng Ngãi - Ba Tơ

đồng/ghế/tháng

210.000

 

- Quảng Ngãi - Sơn Hà

đồng/ghế/tháng

190.000

 

- Quảng Ngãi - Sơn Linh

đồng/ghế/tháng

170.000

 

- Quảng Ngãi - Trà Bồng

đồng/ghế/tháng

170.000

 

- Quảng Ngãi - Minh Long

đồng/ghế/tháng

100.000

 

- Quảng Ngãi - Sa Huỳnh

đồng/ghế/tháng

210.000

 

- Quảng Ngãi - Đức Phổ

đồng/ghế/tháng

140.000

 

- Quảng Ngãi - Thạch Trụ

đồng/ghế/tháng

105.000

 

- Thạch Trụ - Ba Tơ

đồng/ghế/tháng

100.000

 

- Châu Ổ - Trà Bồng

đồng/ghế/tháng

100.000

 

- Quảng Ngãi - Sơn Tây

đồng/ghế/tháng

190.000

 

- Quảng Ngãi - Tây Trà

đồng/ghế/tháng

170.000

 

- Từ 10 km đến 25 km

đồng/ghế/tháng

70.000

 

- Dưới 10 km

đồng/ghế/tháng

35.000

c

Vận tải khách theo hợp đồng, du lịch.  

đồng/ghế/tháng

1.100.000

d

Vận tải khách bằng taxi

 

 

 

- Đến 5 chỗ ngồi

đồng/xe/tháng

6.000.000

 

- Trên 5 chỗ ngồi

đồng/xe/tháng

10.000.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29/2011/QĐ-UBND về Quy định biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 29/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Cao Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản