Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2017/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày 22 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;

Căn cứ Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 204/TTr-CT ngày 23 tháng 01 năm 2017 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 17/BC-STP ngày 20 tháng 01 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với các nội dung như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định biện pháp quản lý thuế áp dụng đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm:

- Hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách bằng đường bộ;

- Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường thủy nội địa.

b) Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) có hoạt động kinh doanh vận tải (kể cả các doanh nghiệp, HTX làm dịch vụ vận tải, khoán, cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải) có trụ sở chính hoặc chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh vận tải).

Cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm: cá nhân, hộ kinh doanh; cá nhân thuê hoặc nhận khoán phương tiện vận tải của các tổ chức, cá nhân khác tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh (sau đây gọi chung là cá nhân kinh doanh vận tải).

Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải

a) Mức doanh thu tối thiểu bình quân/tháng của từng phương tiện để Cơ quan thuế làm cơ sở ấn định doanh thu tính thuế hoặc xác định mức doanh thu khoán thuế được quy định theo Phụ lục đính kèm.

b) Trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan:

- Cơ quan thuế

Tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải để các tổ chức và cá nhân kinh doanh yận tải biết và tự giác chấp hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Thực hiện ấn định doanh thu tính thuế, xác định doanh thu khoán thuế trên cơ sở mức doanh thu tối thiểu được quy định tại Quyết định này, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc trao đổi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn để có biện pháp quản lý thu thuế; thường xuyên rà soát nắm chắc danh sách các chủ phương tiện vận tải trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định đối với những chủ phương tiện thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký thuế, không kê khai, nộp thuế; cung cấp thông tin về nợ thuế của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải cho Sở Giao thông vận tải để phối hợp kiểm tra tình hình kinh doanh vận tải khi có yêu cầu.

Chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức, xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế thuộc ngành vận tải phục vụ yêu cầu quản lý thuế. Định kỳ hai (02) năm một lần, giao Cục thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh vận tải và chấp hành nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn.

- Sở Giao thông vận tải

Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác cho Cơ quan thuế thông tin có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải như: tên, địa chỉ chủ phương tiện, loại phương tiện, biển kiểm soát,... đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải (hoặc cấp phù hiệu) có trụ sở chính hoặc có trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cơ quan thuế trong việc thực hiện biện pháp thu hồi nợ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi có yêu cầu.

Trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo chức năng của ngành, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải kê khai giá cước, niêm yết giá cước và thực hiện giá cước vận tải ô tô theo quy định và chấp hành tốt chính sách, pháp luật về thuế.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Cơ quan thuế trong việc cung cấp các thông tin có liên quan đến hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp như: danh mục tài sản cố định là phương tiện vận tải đã đăng ký vốn và một số tài liệu khác có liên quan đến việc cấp mới, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Công an tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị chức năng cung cấp thông tin về công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thuế. Phối hợp xác minh, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế do Cơ quan thuế chuyển đến.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Kịp thời cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải cho Cơ quan thuế; phối hợp với Cơ quan thuế trong việc kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng đầu xe của doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện đăng ký trên địa bàn.

Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

- Doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vận tải

Chấp hành nghiêm túc Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải.

Giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các chủ phương tiện thuộc phạm vi quản lý, điều hành của tổ chức mình.

Khi phát sinh trường hợp mua, bán phương tiện vận tải phải làm đầy đủ thủ tục sang tên trước bạ theo quy định.

Lưu giữ đầy đủ các hợp đồng dịch vụ vận tải và các giấy tờ khác có liên quan đến hoạt động vận tải; đồng thời có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động của phương tiện cho Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

3. Tổ chức thực hiện

a) Giao Cục Thuế tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện, theo dõi, tổng hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định này; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để xử lý, giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định cho phù hợp với thực tế.

b) Trường hợp phát hiện hoặc nhận được ý kiến của các tổ chức, cá nhân về giá cước vận tải trên thị trường biến động tăng, hoặc giảm từ 10% trở lên so với mức doanh thu tối thiểu hoặc có trường hợp chưa được quy định tại Phụ lục đính kèm thì Cục thuế tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình UBND tỉnh quyết định bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 3 năm 2017, thay thế Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định về biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Tổng cục Thuế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các Hội, Đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP, các phòng Nghiên cứu, CBTH;
- Lưu: KT, KTbngoc116.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

PHỤ LỤC

MỨC DOANH THU TỐI THIỂU MỘT (01) THÁNG CỦA MỘT (01) PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI
(Kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2017
của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

I. Vận tải bằng đường bộ

1. Vận tải hàng hóa

Doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ tính theo trọng tải xe (đồng/xe/tháng), cụ thể:

- Xe từ 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn: 8.500.000 đồng.

- Xe từ 2,5 tấn đến dưới 3,5 tấn: 11.000.000 đồng.

- Xe từ 3,5 tấn đến dưới 5 tấn: 15.000.000 đồng.

- Xe từ 5 tấn đến dưới 11 tấn: 18.000.000 đồng.

- Xe từ 11 tấn đến dưới 20 tấn: 21.000.000 đồng.

- Xe trên 20 tấn: 25.000.000 đồng.

2. Vận tải hành khách

a) Tuyến liên tỉnh

a1) Doanh thu bình quân tuyến dưới 300 km (ghế ngồi): 700.000 đồng/01 ghế/tháng:

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 10 đến 16 ghế: Doanh thu 9.100.000 đồng.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 17 đến 29 ghế: Doanh thu = 11.900.000 đồng + Số ghế vượt trên 17 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 95%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 30 đến 39 ghế: Doanh thu = 21.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 30 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 90%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 40 ghế trở lên: Doanh thu = 28.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 40 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 85%.

a2) Doanh thu bình quân tuyến trên 300 km (ghế ngồi): 1.000.000 đồng/01 ghế/tháng:

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 10 đến 16 ghế: Doanh thu 13.000.000 đồng

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 17 đến 29 ghế: Doanh thu = 17.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 17 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 95%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 30 đến 39 ghế: Doanh thu = 30.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 30 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 90%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 40 ghế trở lên: Doanh thu = 40.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 40 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 85%.

a3) Đối với xe giường nằm: áp dụng mức doanh thu bằng 1,2 lần doanh thu đối với xe ghế ngồi có số giường tương ứng với số ghế quy định tại điểm a1, a2 nêu trên theo từng tuyến và số giường thiết kế của xe.

Ví dụ: Xe giường nằm tuyến liên tỉnh trên 300 km, có số giường theo thiết kế là 45 giường, mức doanh thu tối thiểu là:

Mức doanh thu tối thiểu đối với xe 45 ghế ngồi tuyến liên tỉnh trên 300 km: 40.000.000 đồng + 5 (x) 1.000.000 đồng (x) 85%= 44.250.000 đồng.

Mức doanh thu tối thiểu đối với xe giường nằm tuyến liên tỉnh trên 300 km, có số giường theo thiết kế là 45 giường là: 44.250.000 đồng (x) 1,2 = 53.100.000 đồng.

b) Tuyến nội tỉnh

Áp dụng bằng 80% doanh thu tuyến liên tỉnh dưới 300km.

3. Vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch.

- Doanh thu bình quân 01 ghế: 650.000 đồng.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 5 đến 16 ghế: Doanh thu 10.000.000 đồng.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 17 đến 29 ghế: Doanh thu = 11.050.000 đồng + Số ghế vượt trên 17 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 95%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 30 đến 39 ghế: Doanh thu = 19.500.000 đồng + Số ghế vượt trên 30 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 90%.

- Xe có số ghế theo thiết kế từ 40 ghế trở lên: Doanh thu = 26.000.000 đồng + Số ghế vượt trên 40 ghế (x) doanh thu bình quân 1 ghế (x) 85%.

II. Vận tải đường thủy nội địa

1. Vận tải hành khách

TT

Tuyến

Doanh thu tối thiểu
(đồng/ghế/tháng)

1

Sa Kỳ - Lý Sơn

600.000

2

Đảo Lớn - Đảo Bé

150.000

2. Vận tải hàng hóa các tuyến Sa kỳ - Lý Sơn, Dung Quất - Lý Sơn và ngược lại.

- Doanh thu bình quân 01 tấn tải trọng/tháng: 500.000 đồng.

- Tàu có tải trọng theo thiết kế đến dưới 30 tấn: Doanh thu 15.000.000 đồng.

- Tàu có tải trọng theo thiết kế từ 30 đến dưới 50 tấn: Doanh thu = 15.000.000 đồng + Số tải trọng vượt trên 30 tấn (x) Doanh thu bình quân 01 tấn tải trọng (x) 90%.

- Tàu có tải trọng theo thiết kế từ 50 đến dưới 100 tấn: Doanh thu = 25.000.000 đồng + Số tải trọng vượt trên 50 tấn (x) Doanh thu bình quân 01 tấn tải trọng (x) 80%.

- Tàu có tải trọng theo thiết kế từ 100 tấn trở lên: Doanh thu = 50.000.000 đồng + Số tải trọng vượt trên 100 tấn (x) Doanh thu bình quân 01 tấn tải trọng (x) 70%./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 11/2017/QĐ-UBND Quy định biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 11/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 10/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản