Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 191/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HOÁ ĐƠN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE ÔTÔ.

Căn cứ Luật Giao thông Đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô như sau:

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô (sau đây gọi tắt là Hoá đơn vận tải hành khách).

Việc tạo và phát hành, sử dụng, lưu trữ, bảo quản và huỷ hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn vận tải hành khách nếu không quy định trong Thông tư này thì được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Hoá đơn vận tải hành khách được sử dụng khi cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ôtô theo các phương thức:

a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt;

c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

d) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng;

đ) Kinh doanh vận tải khách du lịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng tại Thông tư này bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ôtô;

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách).

Phần II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HÓA ĐƠN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH

Điều 3. Loại hoá đơn vận tải hành khách

Hoá đơn vận tải hành khách được quy định Thông tư này có các loại sau đây:

- Hoá đơn giá trị gia tăng là hoá đơn cung ứng dịch vụ vận tải hành khách dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

- Hoá đơn bán hàng là hoá đơn cung ứng dịch vụ vận tải hành khách dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.

- Tem, vé, thẻ các loại.

Điều 4. Tiêu chí và cách ghi nội dung các tiêu chí trên hoá đơn vận tải hành khách

1. Đối với hoá đơn giá trị gia tăng, hoá đơn bán hàng

Các tiêu chí và nội dung ghi, khi tạo và lập hoá đơn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Riêng cách ghi nội dung một số tiêu chí trên hoá đơn vận tải hành khách được hướng dẫn như sau:

1.1. Tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị vận tải hành khách;

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện khoán cho cá nhân dưới các hình thức, kể cả khoán, điều xe của các cá nhân nhận khoán thì hoá đơn được ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

1.2. Tên, địa chỉ, mã số thuế của khách hàng;

Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của hành khách (nếu có).

Đối với kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; kinh doanh vận tải khách du lịch thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) của khách hàng được ghi trong hợp đồng vận chuyển hành khách.

1.3. Nội dung hàng hóa, dịch vụ bán ra;

Nội dung hàng hoá, dịch vụ được ghi cụ thể như sau:

- Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cước tính theo đồng hồ tính tiền thì ghi số km vận chuyển trên đồng hồ;

- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải thì ghi nội dung dịch vụ, theo hợp đồng đã ký.

- Kinh doanh vận tải hành khách dưới các hình thức khoán tháng thì ghi gói khoán vận chuyển. Ví dụ: khoán nội thành, khoán tháng liên tỉnh.

1.4. Ngày lập hoá đơn

Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi ngày lập và giao hoá đơn là ngày hoàn thành dịch vụ vận tải hành khách. Riêng với hình thức taxi thu tiền theo tháng, ngày lập hoá đơn là ngày cuối tháng.

Đối với kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải: ngày lập và giao hoá đơn là ngày hoàn thành dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải đã ký. Trường hợp cung ứng dịch vụ vận tải thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hoá đơn là ngày thu tiền.

2. Đối với hoá đơn là tem, vé, thẻ

Hoá đơn vận tải hành khách là tem, vé, thẻ phải thể hiện các nội dung cơ bản sau:

2.1. Tên, số, ký hiệu, ký hiệu mẫu số, số, tên liên tem, vé, thẻ

a/ Tên: Tùy theo đặc điểm kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô có thể đặt tên cho hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô là Tem..., Vé...., Thẻ... hoặc tên khác cho phù hợp;

b/ Ký hiệu tem, vé, thẻ:

Tem, vé, thẻ phải có ký hiệu tem, vé, thẻ. Ký hiệu tem, vé, thẻ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

c/ Ký hiệu mẫu số tem, vé, thẻ:

Ký hiệu mẫu số tem, vé, thẻ được quy định cụ thể như sau:

2 ký tự đầu thể hiện phương pháp khai, nộp thuế GTGT của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách: 01 là phương pháp khấu trừ, 02 là phương pháp trực tiếp.

2 ký tự tiếp theo dùng để phân biệt hoá đơn là Tem, Vé, Thẻ

2 ký tự tiếp theo dùng để thể hiện hình thức vận tải đường bộ là DB

1 ký tự tiếp theo dùng để phản ánh số liên.

3 ký tự sau cùng thể hiện thứ tự mẫu.

Bảng 6 ký tự đầu của ký hiệu mẫu số tem, vé, thẻ:

Loại hoá đơn

Phương pháp nộp thuế

6 ký tự đầu của Ký hiệu mẫu số

1- TEM

Phương pháp khấu trừ

01TEDB

Phương pháp trực tiếp

02TEDB

2- VÉ.

Phương pháp khấu trừ

01VEDB

Phương pháp trực tiếp

02VEDB

3- THẺ

Phương pháp khấu trừ

01THDB

Phương pháp trực tiếp

02THDB

Ví dụ 1: Ký hiệu mẫu số 01VEDB2/001 được hiểu là: Mẫu thứ nhất (001) của vé (VE) đường bộ (DB) dùng cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, 2 liên (2).

Ví dụ 2: Ký hiệu mẫu số 02TEDB1/003 được hiểu là: Mẫu thứ ba (003) của tem (TE) đường bộ (DB) dùng cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, 1 liên (1).

d/ Số, tên liên trên tem, vé, thẻ.

- Số tem, vé, thẻ được đánh thứ tự theo dãy số tự nhiên liên tục trong một ký hiệu hoá đơn, gồm 7 chữ số trong một ký hiệu tem, vé, thẻ. Ví dụ số vé là: 0000001.

- Tên Liên: Mỗi số tem, vé, thẻ phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên, trong đó 2 liên bắt buộc:

Liên 1: Lưu

Liên 2: Giao cho khách hàng

Các liên từ liên thứ 3 trở đi được đặt tên theo công dụng cụ thể do đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tạo hoá đơn quy định.

Riêng Tem tháng xe buýt có thể tạo tối thiểu là 1 liên.

2.2. Tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị vận tải hành khách: Được ghi theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện khoán cho cá nhân dưới các hình thức, kể cả khoán, điều xe của các cá nhân nhận khoán thì tem, vé, thẻ được ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

2.3. Tên, địa chỉ, mã số thuế của khách hàng;

Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt thì không bắt buộc phải ghi nội dung tên, địa chỉ, mã số thuế của khách hàng trên tem, vé, thẻ.

2.4. Tuyến đường;

Trong trường hợp cụ thể, tiêu chí tuyến đường được ghi như sau:

- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thì ghi (bến nơi đi - bến nơi đến);

- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì ghi số tuyến xe buýt. Ví dụ: tuyến số 55 hoặc tuyến số 43, tuyến số 80.

2.5. Số xe, số ghế, ngày, giờ khởi hành chỉ áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Các hình thức vận tải hành khách khác không cần thiết phải ghi tiêu chí này trên tem, vé, thẻ.

2.6. Tổng giá thanh toán: là tổng số tiền phải thanh toán được ghi bằng số .

- Trường hợp tem, vé, thẻ của đơn vị kinh doanh vận tải nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và có bảo hiểm hành khách thì nội dung giá thanh toán được ghi cụ thể như sau: “giá đã bao gồm thuế GTGT: .... % và bảo hiểm hành khách”.

- Trường hợp tem, vé, thẻ của đơn vị kinh doanh vận tải nộp thuế theo phương pháp khác và có bảo hiểm hành khách thì ghi rõ “Giá đã bao gồm bảo hiểm hành khách”.

2.7. Ngày lập tem, vé, thẻ;

a. Đối với kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; ngày lập và giao tem, vé, thẻ là ngày hành khách trả tiền dịch vụ vận tải hành khách trước khi sử dụng dịch vụ. Trường hợp đón hành khách trên đường hoặc ở các trạm nghỉ, ngày lập và giao tem, vé, thẻ là ngay sau khi hành khách lên xe.

b. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt không cần thiết phải ghi tiêu chí này.

2.8. Đối với tem, vé, thẻ đặt in, trên tem, vé, thẻ phải thể hiện tên và mã số thuế của tổ chức nhận in trên từng liên. Cụ thể là: “ In tại (tên tổ chức nhận in, Mã số thuế)”.

Các loại tem, vé, thẻ kể cả loại có mệnh giá hoặc không có mệnh giá in sẵn không cần thiết phải có các tiêu chí: chữ ký người bán, dấu của người bán, tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua.

Riêng với tem xe buýt tháng chỉ cần đảm bảo các tiêu chí sau: mã số thuế người bán; ký hiệu tem, ký hiệu mẫu số tem, số tem, tháng sử dụng, tuyến số và mệnh giá tem, tên, mã số thuế của tổ chức nhận in. Khi thông báo phát hành với cơ quan thuế về mẫu tem, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải thuyết minh cụ thể, chi tiết các tiêu chí trên tem.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được để trống các tiêu chí: số xe; số ghế; ngày, giờ khởi hành; ngày lập tem, vé, thẻ. Riêng nội dung tuyến đường và giá thanh toán, đơn vị có thể tạo sẵn hoặc để trống theo số lượng tem, vé, thẻ được tạo.

Điều 5. Sử dụng hoá đơn vận tải hành khách

1. Khi cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải lập và giao hoá đơn cho khách hàng có ghi đầy đủ các nội dung trên hoá đơn.

2. Hoá đơn phải được sử dụng theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn. Nội dung lập hóa đơn phải được ghi thống nhất trên tất cả các liên của cùng một số hoá đơn.

3. Các loại hoá đơn vận tải hành khách theo tuyến cố định đã được thông báo phát hành với Cục Thuế địa phương nơi đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đặt trụ sở (hoặc trụ sở chi nhánh), đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được sử dụng để lập trên các tuyến đơn vị đã đăng ký trong phạm vi cả nước.

4. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có uỷ nhiệm lập hoá đơn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khác hoặc các bến xe thì phải cung cấp hoá đơn vận tải hành khách của đơn vị cho các đơn vị được uỷ nhiệm theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và Điều 15 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

5. Trường hợp các bến xe huy động xe của đơn vị không kinh doanh vận tải hành khách hoặc xe của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không có uỷ nhiệm lập hoá đơn cho việc điều động xe tham gia vào việc hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách lúc cao điểm trong các dịp lễ, tết... thì bến xe tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn của bến xe để lập và giao cho khách hàng theo quy định. Doanh thu kinh doanh vận tải hành khách khai thác từ các đầu xe được huy động nêu trên được xác định là doanh thu của bến xe và bến xe có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011;

2. Thông tư này thay thế: điểm 1, mục II, Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn về mẫu vé xe khách; kê khai giá cước, niêm yết giá cước và kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng ôtô;

3. Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về loại vé, chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách bằng xe ôtô do Bộ Tài chính và các ngành ban hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện kiểm kê để xác định hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành đã mua hoặc các loại hoá đơn vận tải hành khách, chứng từ thu cước, phí vận tải hành khách do đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã đăng ký tự in (đặt in) theo mẫu quy định tại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải và Thông tư số 120/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 89/2002/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trước năm 2011 còn chưa sử dụng.

Trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì thực hiện huỷ hoá đơn, tem, vé, thẻ theo hướng dẫn tại Điều 27 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký hoá đơn, tem, vé, thẻ tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính) để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/03/2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20/01/2011.

Trường hợp đến hết ngày 31/03/2011, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chưa sử dụng hết số lượng hóa đơn, tem, vé, thẻ đã đăng ký tiếp tục sử dụng nêu trên (trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này) thì phải thực hiện hủy hoá đơn, tem, vé, thẻ theo hướng dẫn tại Điều 27 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

2. Đối với trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã tự in (đặt in) hoá đơn trong năm 2010 với số lượng lớn, đến hết ngày 31/3/2011 đơn vị vẫn chưa sử dụng hết hoá đơn đã tự in (đặt in) và đơn vị có nhu cầu tiếp tục sử dụng, nếu mẫu hoá đơn đơn vị đã tự in (đặt in) trong năm 2010 vẫn đủ các tiêu thức bắt buộc như: tên loại hoá đơn; số thứ tự; tên, địa chỉ, mã số thuế người bán, tên, địa chỉ, mã số thuế người mua, tên hàng hoá, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ thành tiên ghi bằng số và bằng chữ; người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn; tên tổ chức nhận in hoá đơn theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC thì đơn vị thực hiện thông báo phát hành hoá đơn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC để tiếp tục sử dụng.

3. Đối với các loại tem, vé, thẻ theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải và Thông tư số 120/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 89/2002/NĐ-CP đã được đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tự in theo đúng quy định của pháp luật từ trước năm 2011 nhưng đến hết ngày 31/3/2011 đơn vị vẫn chưa sử dụng hết nếu đáp ứng đủ các tiêu thức bắt buộc (trừ tiêu thức ký hiệu mẫu số của tem, vé, thẻ) theo quy định tại Thông tư này thì đơn vị thực hiện thông báo phát hành hoá đơn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC để tiếp tục sử dụng. Khi sử dụng hết số tem, vé, thẻ đã khai báo, đơn vị kinh doanh vận tải phải tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô theo quy định tại Thông tư này.

4. Trường hợp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có tham gia ký kết Hiệp định hoặc Điều ước quốc tế mà Hiệp định hoặc Điều ước quốc tế đó có quy định về việc quản lý và sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô khác với nội dung hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định hoặc Điều ước quốc tế đó.

5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 191/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/12/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 725 đến số 726
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản