Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1270/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH RAU, HOA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH KXI ngày 16 tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 1096/TT-CT ngày 18 tháng 5 năm 2011;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đổi mới công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2.

1. Giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

2. Giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương phối hợp với ngành thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án thuộc phạm vi ngành và địa phương quản lý.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Như điều 3;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- TT Công báo;
- Lưu VT, TC, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT KHẨU RAU, HOA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu ngân sách, UBND tỉnh ban hành Đề án “Quản lý thuế đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rau hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Phần 1

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT – KINH DOANH RAU, HOA TRÊN ĐỊA BÀN

I. Đánh giá thực trạng quản lý đối với lĩnh vực SXKD rau hoa:

1. Về diện tích, sản lượng rau hoa:

Theo số liệu tổng hợp của cơ quan thống kê thì diện tích, sản lượng rau hoa trên các địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương và của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 03 năm từ 2008 đến 2010, cụ thể như sau:

a) Rau:

- Năm 2008: diện tích 39.789 ha; sản lượng 1.128.365 tấn;

- Năm 2009: diện tích 43.402 ha; sản lượng 1.243.918 tấn;

- Năm 2010: diện tích 43.967 ha; sản lượng 1.266.863 tấn.

b) Hoa:

- Năm 2008: diện tích 3.359 ha; sản lượng 772.841 ngàn cành;

- Năm 2009: diện tích 4.263 ha; sản lượng 833.354 ngàn cành;

- Năm 2010: diện tích 5.177 ha; sản lượng 1.033.223 ngàn cành;

(Chi tiết theo biểu số 1 kèm theo)

2. Số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trên lĩnh vực kinh doanh rau, hoa:

Tổng số cơ sở kinh doanh rau, hoa hiện đang quản lý thu thuế là 61 doanh nghiệp và 220 hộ cá thể. Trong đó:

- Cục thuế quản lý: 49 doanh nghiệp.

- Chi cục thuế quản lý: 12 doanh nghiệp và 220 hộ cá thể; Trong đó:

+ Chi Cục thuế thành phố Đà Lạt quản lý 7 doanh nghiệp và 108 hộ cá thể.

+ Chi Cục thuế huyện Đức Trọng quản lý 4 doanh nghiệp và 37 hộ cá thể.

+ Chi Cục thuế huyện Đơn Dương quản lý 75 hộ cá thể.

+ Chi Cục thuế Lạc Dương quản lý 01 doanh nghiệp.

3. Doanh thu, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN):

a) Doanh thu:

- Năm 2008: 693.186 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp FDI: 489.245.

- Năm 2009: 1.167.030 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp FDI: 654.929.

- Năm 2010: 1.349.510 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp FDI: 690.368.

b) Thu nộp NSNN:

Tổng thu ngân sách nhà nước từ năm 2008 đến năm 2010 của lĩnh vực sản xuất kinh doanh rau, hoa là 31.940 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 0,74 % so với số thu từ thuế phí. Trong đó: các doanh nghiệp Cục thuế quản lý nộp ngân sách: 24.692 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 77% tổng số thu lĩnh vực sản xuất kinh doanh rau, hoa; các cơ sở Chi cục thuế quản lý nộp 7.248 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng số thu lĩnh vực sản xuất kinh doanh rau, hoa; phân theo các năm như sau:

- Năm 2008: 5.831 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 0,45% trên số thu từ thuế phí.

- Năm 2008: 8.444 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 0,61% trên số thu từ thuế phí.

- Năm 2008: 17.665 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 1,07% trên số thu từ thuế phí.

Như vậy: thu ngân sách hàng năm đều tăng, nếu năm 2009 tăng so năm 2008 là 44,8% (8.444/5.831) thì năm 2010 tăng so năm 2009 là 109,2%.

(Chi tiết biểu số 2 kèm theo)

4. Đối với Doanh nghiệp FDI:

Đến 31/12/2010, số liệu lĩnh vực SXKD rau hoa các doanh nghiệp FDI, như

sau:

- Tổng số dự án: 45 dự án, trong đó:

+ Đã đi vào hoạt động 35 dự án

+ Đang XDCB: 10 dự án

- Tổng vốn đăng ký kinh doanh: 1.053.588 triệu đồng

- Tổng vốn thực góp đến 31/12/2010: 699.563 triệu đồng

- Tổng diện tích đất thuê: 6.040.898 m2, trong đó:

+ Đất XDCB: 313.237 m2

+ Đất SXNN: 5.722.088 m2

+ Đất thuê khác: 5.573 m2

- Tổng số lao động: 4.937 người, trong đó:

+ Lao động trong biên chế: 3.076 người

+ Lao động hợp đồng thời vụ: 1.861 người

Tổng thu ngân sách nhà nước từ năm 2008 đến năm 2010 của các doanh nghiệp FDI là 20.221 triệu đồng, bằng 63% tổng thu lĩnh vực rau hoa (riêng Công ty TNHH Agrivina nộp 14.772 triệu, chiếm tỷ lệ 74% các doanh nghiệp FDI).

(Chi tiết biểu số 3 kèm theo)

II. Những hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh rau hoa:

1. Những hạn chế tồn tại:

- Rau, hoa là sản phẩm trồng trọt, là ngành nghề chính của người nông dân, được Nhà nước khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế. Trong thời gian qua nhà nước đã có nhiều quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực này, nhưng số thu NSNN của lĩnh vực này chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Ngành thuế chưa có biện pháp quản lý phù hợp, đặc biệt là đối với các thương lái thu mua gom rau, hoa mang đi tiêu thụ tại các địa bàn ngoài tỉnh, phát sinh lợi nhuận khá lớn nhưng chưa có biện pháp để thu thuế; thất thu ngân sách trong lĩnh vực này thể hiện:

+ Đối với các cơ sở trong nước: theo số liệu thống kê về sản lượng sản xuất 03 năm 2008 - 2010, nếu tính giá bán bình quân: rau là 1.500.000 đồng/tấn; hoa là 2.000 đồng/cành, ước tính tỷ lệ tiêu thụ trực tiếp của người nông dân là 50% trên sản lượng sản xuất ra, vậy doanh thu phải quản lý thu thuế trong 03 năm là: 2.712.824 triệu đồng; doanh thu ngành thuế đã quản lý là: 1.375.184 triệu đồng (bằng 51%), tương ứng doanh thu chưa quản lý thu thuế là: 1.337.640 triệu đồng (bằng 49%). Như vậy theo số liệu của cơ quan thống kê thì còn thất thu khoảng 50% về sản lượng đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên tỷ lệ sản lượng thất thu đã giảm mạnh qua từng năm: năm 2008 là 75,7%, năm 2009 là 44,8%, đến năm 2010 chỉ còn 30,3%.

+ Đối với các doanh nghiệp FDI: tuy không thất thu về sản lượng nhưng thất thu về giá vì chưa quản lý được giá bán (đặc biệt là giá xuất khẩu) do hầu hết các doanh nghiệp có quan hệ liên kết với các đối tác kinh doanh ở nước ngoài.

+ Một số doanh nghiệp thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm theo báo cáo của các doanh nghiệp hầu hết là lỗ (trong năm 2010 chỉ có 07/35 dự án báo cáo lãi; số lỗ lũy kế đến 31/12/2010 của lĩnh vực này là: 501.876 triệu đồng).

+ Nhiều doanh nghiệp kê khai giá bán, đặc biệt là giá xuất khẩu không trung thực, thấp hơn so với giá nội tiêu, giá thực tế xuất khẩu, thấp hơn giá thành dẫn đến thường xuyên phát sinh lỗ, nhưng chưa có biện pháp để điều tra, xác minh.

2. Nguyên nhân tồn tại:

- Đặc thù của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp địa bàn kinh doanh rộng, khó kiểm tra kiểm soát nên nhiều cơ sở, hộ kinh doanh không khai báo nhưng cơ quan thuế chưa kiểm tra, phát hiện được, dẫn đến thất thu thuế ở lĩnh vực này.

- Ngành thuế chưa đề ra giải pháp hiệu quả để quản lý đối với lĩnh vực này, còn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người nộp thuế. Ngành thuế chưa tập trung nghiên cứu để tìm ra các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp cho từng đối tượng quản lý của lĩnh vực này.

- Sự phối hợp giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ nên các tiểu thương thu gom rau, hoa mang đi tiêu thụ không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước nhưng cơ quan thuế chưa kiểm soát được.

- Chưa có cơ chế bồi dưỡng, trích thưởng hợp lý cho các cán bộ địa phương trực tiếp tham gia vào việc hỗ trợ quản lý thu thuế.

- Trên một số địa bàn huyện có diện tích, sản lượng rau, hoa lớn nhưng chưa có các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm rau, hoa của nông dân sản xuất ra. Chưa có các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị hàng hóa cho nông dân. Mặt khác, giá cả rau, hoa thường xuyên không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường mà chưa có sự can thiệp của Nhà nước.

- Ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận các hộ, cơ sở kinh doanh chưa cao, đặc biệt là các thương lái thu mua, không chấp hành việc kê khai thuế theo luật định, còn cố ý trốn thuế, gian lận thuế.

Phần 2

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT KINH DOANH RAU, HOA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

I. Mục tiêu của đề án:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với lĩnh vực SXKD rau, hoa trên địa bàn.

- Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai nộp thuế; bảo đảm sự công bằng trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế.

- Chống thất thu thuế, đảm bảo thực thi nghiêm các quy định của pháp luật.

- Đối với lĩnh vực FDI: xác định đúng giá bán thực tế, đặc biệt là giá xuất khẩu; xác định đúng các định mức chi phí thực tế phát sinh trong quá trình SXKD.

- Thu ngân sách hàng năm tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hoàn thành và vượt dự toán do HĐND và UBND tỉnh giao.

II. Nội dung Đề án:

1. Quản lý thuế đối với các cơ sở, hộ kinh doanh trong nước:

a) Phân loại đối tượng quản lý:

- Các cơ sở, hộ tự sản xuất và trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), trường hợp xuất khẩu sản phẩm thì được áp dụng thuế suất 0%. Các cơ sở, hộ sản xuất quy mô lớn, thường xuyên sử dụng lao động thuê ngoài thì thuộc đối tượng phải khấu trừ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

- Các cơ sở, hộ, thương lái thu gom sản phẩm tại nơi sản xuất bán lại cho các cơ sở kinh doanh trực tiếp hoặc người tiêu dùng: phải đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế GTGT, TNCN. Bao gồm:

+ Các thương lái thu gom sản phẩm bán lại hoặc thuê phương tiện vận tải chở đi tiêu thụ các địa bàn ngoài tỉnh.

+ Các phương tiện vận tải (trong và ngoài tỉnh) thu gom sản phẩm mang đi tiêu thụ.

+ Các phương tiện vận tải (trong và ngoài tỉnh) được thương lái thuê vận chuyển sản phẩm mang đi tiêu thụ.

- Các hộ nông dân thu gom sản phẩm bán lại cho các thương lái hoặc các phương tiện vận tải; các cơ sở, hộ kinh doanh cố định (trực tiếp mua, bán lẻ khác): phải đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế GTGT, TNCN.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây: phải đăng ký kinh doanh

+ Nếu trực tiếp sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường: thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Các cơ sở, hộ quy mô lớn, thường xuyên sử dụng lao động thuê ngoài thì thuộc đối tượng phải khấu trừ và nộp thuế TNCN.

+ Trường hợp kinh doanh giống cây: phải kê khai nộp thuế GTGT, TNDN và TNCN.

b) Biện pháp quản lý thu thuế:

- Cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế phường, xã, công an khu vực, các đoàn thể của địa phương (Hội phụ nữ, Hội nông dân...) nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh rau, hoa trên địa bàn theo từng thời vụ.

- Sau khi nắm được danh sách các đối tượng kinh doanh, phối hợp với HĐTV thuế tiến hành điều tra, khảo sát quy mô và mức độ kinh doanh của từng cơ sở, trên cơ sở đó phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý thu thuế phù hợp:

+ Các cơ sở, hộ tự sản xuất và trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, trường hợp xuất khẩu sản phẩm thì được áp dụng thuế suất 0%. Theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thực hiện: thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN. Đối với các cơ sở, hộ quy mô lớn, thường xuyên sử dụng lao động thuê ngoài thì thuộc đối tượng phải khấu trừ và nộp thuế TNCN.

+ Đối với các thương lái thu gom sản phẩm bán hoặc thuê phương tiện vận tải chở đi tiêu thụ ở các địa bàn khác: phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương (phường, xã), các tổ chức đoàn thể đặc biệt là Hội nông dân, Chi hội rau, hoa... yêu cầu các đối tượng này phải đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế theo quy định.

+ Đối với các phương tiện vận tải: tăng cường quản lý trên khâu vận doanh, gắn quản lý rau, hoa với quản lý kinh doanh vận tải. Từng bước tuyên truyền, vận động các chủ xe tự giác đăng ký kinh doanh, trường hợp cố tình không chấp hành thì xử phạt theo các quy định. Thông qua các phương tiện vận tải để khai thác, quản lý được các chủ kinh doanh (đầu nậu, thương lái).

Trong thời gian đầu, thành lập các điểm “kê khai nộp thuế trên khâu lưu thông” để kiểm tra, yêu cầu các phương tiện vận tải phải chấp hành đúng quy định.

+ Các hộ nông dân thu gom sản phẩm bán lại cho các thương lái hoặc các phương tiện vận tải; các cơ sở, hộ kinh doanh cố định (trực tiếp mua, bán lẻ khác); các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây: các hộ, cơ sở có quy mô, mức độ kinh doanh lớn thì hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và từng bước cho áp dụng hình thức tự kê khai - tự tính - tự nộp thuế. Các hộ, cơ sở có quy mô, mức độ kinh doanh nhỏ, lẻ thì bước đầu áp dụng phương pháp quản lý thu thuế khoán, khi quy mô kinh doanh tăng lên đáp ứng đủ điều kiện thì cho áp dụng hình thức tự kê khai - tự tính - tự nộp thuế.

- Cơ quan thuế có kế hoạch thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đồng tư vấn thuế, Hội nông dân, chi hội rau hoa... và các hộ kinh doanh tham gia bình xét về quy mô, mức độ kinh doanh giữa các hộ, cơ sở với nhau trên cơ sở số liệu tự kê khai và số liệu điều tra của cơ quan thuế.

- Công khai doanh số, mức thuế của từng hộ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tại trụ sở phường xã, đội thuế để mọi người dân biết, so sánh và giám sát lẫn nhau, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế các trường hợp bất hợp lý.

2. Quản lý thuế đối với các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp FDI:

- Cơ quan thuế phải thường xuyên kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp FDI. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ phát hiện những nội dung khai chưa đúng, số liệu khai không rõ ràng, chính xác phải yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo đúng quy định. Đặc biệt lưu ý đối với những doanh nghiệp: doanh thu cao, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn; giá xuất khẩu thấp hơn giá nội tiêu hoặc giá bán bình quân chung của các doanh nghiệp cùng ngành nghề; liên tục phát sinh lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh; số thuế GTGT xin hoàn cao.

- Yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án và biện pháp bảo toàn vốn (không để tình trạng: khai báo thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư). Doanh nghiệp tự xác định chính xác giá thành từng chủng loại sản phẩm sản xuất kinh doanh trong kỳ kế toán; trên cơ sở đó xây dựng giá bán hợp lý (sao cho giá bán cao hơn giá thành, kinh doanh có lãi, bảo toàn vốn và đảm bảo đầu tư có hiệu quả kinh tế); doanh nghiệp thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai giá bán sản phẩm trên thị trường.

- Xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, các chủ nợ... từ đó xác định rõ: trường hợp các giao dịch của doanh nghiệp trong kỳ kế toán là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết thì doanh nghiệp phải kê khai điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm phát sinh giao dịch.

- Đối với các nguồn vốn từ nước ngoài chuyển về theo hình thức cho vay không tính lãi, không giới hạn thời gian trả nhằm bù đắp cho các khoản lỗ phát sinh của doanh nghiệp tại Việt Nam thì xác định là một khoản thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp.

- Đối với các trường hợp vi phạm nhưng không kê khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định, cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo Luật Quản lý thuế và các văn bản quy định về chống chuyển giá.

Đối với các doanh nghiệp vi phạm phải xử lý ấn định thuế, ngoài việc xử phạt VPHC theo quy định thì không được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế kể từ thời điểm xác định vi phạm.

III. Các biện pháp bảo đảm thực hiện đề án:

1. Công tác tuyên truyền hỗ trợ:

- Xác định công tác tuyên truyền, hỗ trợ là khâu then chốt. Thường xuyên phổ biến chính sách pháp luật thuế; thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế nâng cao tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đặc biệt chú trọng đến người nông dân, làm sao cho nông dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của họ để thông qua đó cung cấp thông tin giúp ngành thuế quản lý được các đầu nậu, thương lái thu gom sản phẩm.

- Tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, lên án mạnh mẽ các hành vi gian lận, trốn thuế, để nợ đọng thuế, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong công tác thuế.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại để các doanh nghiệp FDI hiểu đúng và đủ trong việc thực hiện các nghĩa vụ với địa phương và Nhà nước khi tới đầu tư tại địa phương.

2. Về chỉ đạo điều hành:

- Cấp ủy, chính quyền cơ sở (phường, xã, khu phố, tổ dân phố...) phải xem công tác quản lý, chống thất thu NSNN trong lĩnh vực SXKD rau, hoa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.

- Cấp uỷ, chính quyền và các ngành trên các địa bàn phải tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến rau, hoa áp dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất rau an toàn. Khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản, đóng gói... để nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch vùng rau chuyên canh, an toàn, thường xuyên hướng dẫn người dân trồng các loại rau, hoa đạt chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu.

- Các địa phương có sản lượng rau, hoa lớn đề xuất UBND tỉnh xây dựng các kho lạnh (trạm trung chuyển, chợ đầu mối) để tập kết, bảo quản rau hoa, bước đầu hình thành sàn giao dịch rau, hoa trên địa bàn, góp phần tạo bình ổn giá đồng thời thuận lợi trong công tác quản lý, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân trực tiếp sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm rau, hoa của tỉnh trên thị trường.

- Chính quyền cấp xã thông qua công tác quản lý nhân khẩu trên địa bàn phải nắm được các cơ sở thu mua rau, hoa vận chuyển ra ngoài tỉnh bán cho các chợ đầu mối, thông báo cho cơ quan thuế địa bàn phối hợp quản lý thu thuế theo quy định.

3. Biện pháp về kinh tế:

- Ngành thuế xem xét đề nghị tăng chế độ cho ủy nhiệm thu, Hội đồng tư vấn thuế. Tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục ủy nhiệm thu một số khoản thu cho cấp xã.

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xem xét cấp lại đối với số thu vượt so với dự toán giao đầu năm (phần điều tiết cho ngân sách cấp huyện được hưởng) của lĩnh vực kinh doanh rau, hoa cho ngân sách cấp xã.

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trọng điểm có rau, hoa nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư sàn giao dịch rau, hoa tại địa phương để hỗ trợ cho nông dân và nhà sản xuất giao dịch tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá.

4. Các biện pháp quản lý thuế:

- Đối với các cơ sở, hộ kinh doanh rau, hoa thì việc nắm bắt đầy đủ thông tin về các đối tượng kinh doanh để đưa vào quản lý thu thuế là khâu then chốt. Vì vậy cơ quan thuế địa phương phải thường xuyên phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế, công an khu vực, các đoàn thể của địa phương (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...) nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh rau, hoa trên địa bàn theo từng mùa vụ.

- Củng cố các Hội đồng tư vấn thuế, cơ cấu thành phần trong Hội đồng có sự tham gia của Hội nông dân (Chi hội rau, hoa...), và một số tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ...).

- Ngành thuế tăng cường phân cấp quản lý thu đối với lĩnh vực kinh doanh rau, hoa cho địa phương. Gắn kết trách nhiệm, quyền lợi của địa phương với việc thực hiện thu thuế nói chung và lĩnh vực sản xuất kinh doanh rau, hoa nói riêng.

- Đối với các địa phương có chợ đầu mối nông sản: phối hợp với Ban quản lý chợ và UBND phường, xã sở tại quản lý thu thuế theo từng đầu xe khi xuất hàng ra khỏi chợ mang đi tiêu thụ.

- Trong thời gian đầu triển khai thực hiện Đề án, thành lập các điểm “kê khai nộp thuế trên khâu lưu thông” để quản lý thu thuế các phương tiện vận chuyển rau, hoa mang đi tiêu thụ ở địa phương khác.

- Thu thập các thông tin, dữ liệu của các cơ sở cùng ngành nghề, quy mô kinh doanh. Trên cơ sở đó ngành thuế phối hợp với Sở Tài chính thông báo giá thị trường của một số loại rau, hoa chủ yếu trên địa bàn theo từng thời điểm để cơ quan thuế tham khảo xác định giá giao dịch thị trường làm căn cứ ấn định giá mua, giá bán đối với các trường hợp kê khai không trung thực.

- Đổi mới nhận thức của ngành thuế trong lĩnh vực quản lý rau, hoa. Khắc phục những nguyên nhân tồn tại trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về chống chuyển giá, kinh nghiệm quản lý đối với lĩnh vực FDI cho cán bộ thuế.

IV. Hiệu quả mang lại khi thực hiện Đề án:

1. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước thông qua việc thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý thuế, các Luật thuế; Luật kế toán và thực hiện cải cách hành chính về thuế; quản lý sát đúng doanh thu thực tế phát sinh của các cơ sở kinh doanh. Chống thất thu thuế, đảm bảo thực thi nghiêm các quy định của pháp luật.

2. Phát huy chức năng, quyền hạn của cơ quan thuế và các cơ quan hữu quan của tỉnh, huyện, thành phố và UBND các phường, xã trên địa bàn trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế.

3. Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai nộp thuế; bảo đảm sự công bằng trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế.

4. Giảm dần tỷ lệ thất thu tiến tới đảm bảo thu NSNN theo đúng thực tế phát sinh đối với lĩnh vực kinh doanh rau, hoa.

- Đối với các cơ sở kinh doanh trong nước: tăng thu NSNN hàng năm từ 20% trở lên. Từ năm 2012 quản lý được trên 90% sản lượng rau, hoa thực tế phát sinh.

- Đối với các doanh nghiệp FDI: xác định đúng giá bán thực tế, đặc biệt là giá xuất khẩu, xác định đúng các định mức chi phí thực tế phát sinh trong quá trình SXKD, đảm bảo kinh doanh có lãi và nộp thuế TNDN cho NSNN.

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để Đề án đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với các Sở, ngành:

a) Cục Thuế tỉnh:

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực thành công Đề án, đặc biệt thực hiện chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI kinh doanh trong lĩnh vực rau, hoa.

Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ về mặt nghiệp vụ của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nhất là đối với các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

b) Sở Tài chính: Xây dựng bản tin về giá thị trường của một số loại hàng hóa chủ yếu trên địa bàn theo từng thời điểm để người sản xuất biết khi mua, bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa; đồng thời để ngành thuế tham khảo xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá mua, giá bán đối với các trường hợp kê khai không trung thực.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn các doanh nghiệp FDI thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện dự án, các điều kiện ưu đãi về thuế theo GCNĐT được cấp. Định kỳ, chủ trì cùng các Sở, ngành có liên quan tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện dự án của các doanh nghiệp.

d) Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục thuế và các cơ quan có liên quan kiểm tra xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn lậu thuế và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

đ) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất rau, hoa theo hướng chuyên canh, hỗ trợ về giống, công nghệ, tập huấn về kỹ năng tổ chức, quản lý cho các hộ nông dân, tạo ra các vùng chuyên canh rau, hoa, xây dựng thương hiệu rau an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

e) Công an tỉnh: chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục thuế và các cơ quan liên quan tại điểm “kê khai nộp thuế trên khâu lưu thông” trên địa bàn các huyện, thành phố để quản lý thu thuế đối với sản phẩm hàng hóa luân chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh trong khâu lưu thông.

f) Hội nông dân tỉnh: chỉ đạo Hội nông các cấp (đặc biệt là Chi hội rau, hoa) phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, vận động các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh rau, hoa trên địa bàn chấp hành đúng các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các chính sách pháp luật về thuế.

g) Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm đồng: định kỳ hàng tuần đưa tin, bài về giá cả thị trường một số mặt hàng chính, thiết yếu trên địa bàn (do Sở Tài chính cung cấp) để mọi người dân, doanh nghiệp tham khảo khi mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Phản ánh tuyên dương những cá nhân điển hình tiên tiến trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đồng thời phê phán những cá nhân, cơ sở kinh doanh cố tình không thực hiện đúng các quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở xác định công tác quản lý, chống thất thu NSNN trong lĩnh vực SXKD rau, hoa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.

- Thống kê chính xác diện tích, sản lượng rau, hoa trên địa bàn.

- Chỉ đạo các ngành phối hợp với Chi cục thuế tổ chức tốt việc thu thuế trên khâu lưu thông tại các điểm “kê khai nộp thuế trên khâu lưu thông”.

3. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo: các Chi cục thuế thực hiện các báo cáo kế toán, thống kê….. theo quy định của ngành thuế; ngoài ra thực hiện đánh giá tình hình, kết quả, những kiến nghị đề xuất về việc thực hiện đề án gửi Cục thuế định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 07) và cả năm (trước ngày 20 tháng 01 năm sau) để Cục thuế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

Biểu số 1

THỐNG KÊ DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG RAU, HOA

Năm 2008, 2009, 2010

STT

Chỉ tiêu

 

Ghi chú

2008

2009

2010

I

Rau

 

 

 

 

1

Diện tích (Ha)  

39.789

43.202

43.967

 

1.1

- TP Đà Lạt

8.377

7.961

7.048

 

1.2

- Huyện Lạc Dương

2.502

2.740

2.806

 

1.3

- Huyện Đơn Dương

16.283

17.933

18.800

 

1.4

- Huyện Đức Trọng

10.224

12.109

12.782

 

2

Sản lượng (Tấn)

1.128.365

1.243.918

1.266.863

 

2.1

- TP Đà Lạt

211.336

226.643

212.235

 

2.2

- Huyện Lạc Dương

60.724

69.594

71.791

 

2.3

- Huyện Đơn Dương

508.167

568.977

594.253

 

2.4

- Huyện Đức Trọng

313.803

347.894

358.487

 

II

Hoa

 

 

 

 

1

Diện tích (Ha)

3.359

4.263

5.177

 

1.1

- TP Đà Lạt

1.908

2.557

3.414

 

1.2

- Huyện Lạc Dương

208

332

357

 

1.3

- Huyện Đơn Dương

69

70

54

 

1.4

- Huyện Đức Trọng

1.093

1.227

1.289

 

2

Sản lượng

 

 

 

 

2.1

Cơ sở trong nước (1.000 cành)

671.723

778.602

844.555

 

2.1.1

- TP Đà Lạt

514.000

600.000

640.000

 

2.1.2

- Huyện Lạc Dương

7.000

4.000

9.000

 

2.1.3

- Huyện Đơn Dương

10.300

1.120

10.000

 

2.1.4

- Huyện Đức Trọng

140.423

173.482

185.555

 

2.2

Doanh nghiệp FDI

 

 

 

 

2.2.1

- Cành (1.000 cành)

101.118

154.752

188.668

 

 

+ Xuất khẩu

83.430

133.283

133.283

 

 

+ Nội tiêu

17.688

21.469

55.385

 

2.2.2

-Chậu

28.790

68.883

77.533

 

 

+ Xuất khẩu

317

750

1.210

 

 

+ Nội tiêu

28.473

68.133

76.323

 

 


Biểu số 2

TỔNG HỢP DOANH THU, THU NỘP NSNN LĨNH VỰC SẢN XUẤT KINH DOANH RAU HOA

Năm 2008, 2009, 2010

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Chỉ tiêu

Tổng 2008 đến 2010

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng

VPC

Đà Lạt

Đức

Trọng

Đơn

Dương

Lạc

Dương

Tổng

VPC

Đà Lạt

Đức

Trọng

Đơn

Dương

Lạc

Dương

Tổng

VPC

Đà Lạt

Đức

Trọng

Đơn

Dương

Lạc

Dương

I

Doanh thu

3.209.726

693.186

 

 

 

 

 

1.167.030

 

 

 

 

 

1.349.510

 

 

 

 

 

1

- Cơ sở trong nước

1.375.184

203.941

101.406

59.718

9.926

21.280

11.611

512.101

124.305

215.107

62.618

95.008

15.063

659.142

154.228

275.754

87.565

119.509

22.086

1.1

- Tổ chức kinh tế

659.566

162.991

101.406

42.401

7.573

0

11.611

219.280

124.305

64.870

15.042

0

15.063

277.295

154.228

81.615

19.366

0

22.086

 

+ Doanh thu nội tiêu

437.358

108.448

48.376

40.888

7.573

0

11.611

141.353

57.352

56.067

12.871

0

15.063

187.557

79.955

66.150

19.366

0

22.086

 

+ Doanh thu xuất khẩu

222.208

54.543

53.030

1.513

0

0

 

77.927

66.953

8.803

2.171

0

 

89.738

74.273

15.465

0

0

 

1.2

- Hộ kinh doanh

715.618

40.950

 

17.317

2.353

21.280

 

292.821

 

150.237

47.576

95.008

 

381.847

 

194.139

68.199

119.509

 

2

- Doanh nghiệp FDI

1.834.542

489.245

 

 

 

 

 

654.929

 

 

 

 

 

690.368

 

 

 

 

 

 

- Doanh thu xuất khẩu

1.315.795

347.115

 

 

 

 

 

489.852

 

 

 

 

 

478.828

 

 

 

 

 

 

- Doanh thu nội tiêu

518.747

142.130

 

 

 

 

 

165.077

 

 

 

 

 

211.540

 

 

 

 

 

II

Tổng thu NSNN lĩnh vực rau, hoa

31.940

5.831

 

 

 

 

 

8.444

 

 

 

 

 

17.665

 

 

 

 

 

1

Cục thuế quản lý

24.692

3.893

 

 

 

 

 

6.080

 

 

 

 

 

14.719

 

 

 

 

 

1.1

- Doanh nghiệp FDI

20.221

3.062

 

 

 

 

 

4.952

 

 

 

 

 

12.207

 

 

 

 

 

 

+ Trong đó số nộp của Cty Agrivina

14.772

1.758

 

 

 

 

 

3.319

 

 

 

 

 

9.695

 

 

 

 

 

1.2

- Doanh nghiệp khác

4.471

831

 

 

 

 

 

1.128

 

 

 

 

 

2.512

 

 

 

 

 

2

Chi cục thuế quản lý

7.248

1.938

 

1.568

132

226

12

2.364

 

2.039

137

174

14

2.946

 

2.480

132

221

113

2.1

- Tổ chức kinh tế

4.876

993

 

893

88

0

12

1.740

 

1.677

49

0

14

2.143

 

2.015

15

 

113

2.2

- Hộ kinh doanh

2.372

945

 

675

44

226

 

624

 

362

88

174

 

803

 

465

117

221

 

III

Tổng thu thuế, phí trên địa bàn

4.332.000

1.308.000

 

 

 

 

 

1.380.000

 

 

 

 

 

1.644.000

 

 

 

 

 

 

% số thu lĩnh vực rau hoa/tổng thu thuế phí

0,74%

0,45%

 

 

 

 

 

0,61%

 

 

 

 

 

1,07%

 

 

 

 

 

 

Trong đó: - DN Cục quản lý

0,57%

0,30%

 

 

 

 

 

0,44%

 

 

 

 

 

0,90%

 

 

 

 

 

 

- Chi cục quản lý

0,17%

0,15%

 

 

 

 

 

0,17%

 

 

 

 

 

0,18%

 

 

 

 

 

Biểu số 3

TỔNG HỢP KẾT QUẢ LĨNH VỰC SẢN XUẤT KINH DOANH RAU HOA CÁC DOANH NGHIỆP FDI


STT

CHỈ TIÊU

Đơn vị tính

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

GHI CHÚ

1

Sản lượng

Tấn

9.524

7.053

8.530

 

1.1

Rau, củ, quả cấp đông các loại

Tấn

4.415

1.720

2.437

 

 

+ Xuất khẩu

Tấn

4.011

1.720

2.437

 

 

+ Nội tiêu

Tấn

404

0

0

 

1.2

Rau, củ, quả tươi các loại

Tấn

4.803

4.487

5.122

 

 

+ Xuất khẩu

Tấn

2.952

2.687

2.913

 

 

+ Nội tiêu

Tấn

1.851

1.800

2.209

 

1.3

Rau sấy khô các loại

Tấn

306

846

971

 

 

+ Xuất khẩu

Tấn

306

691

811

 

 

+ Nội tiêu

Tấn

0

155

160

 

1.4

Hoa tươi các loại

 

 

 

 

 

 

- Cành

1.000 cành

101.118

154.752

188.668

 

 

+ Xuất khẩu

1.000 cành

83.430

133.283

133.283

 

 

+ Nội tiêu

1.000 cành

17.688

21.469

55.385

 

 

- Chậu

Chậu

28.790

68.883

77.533

 

 

+ Xuất khẩu

Chậu

317

750

1.210

 

 

+ Nội tiêu

Chậu

28.473

68.133

76.323

 

2

Doanh thu

Triệu đồng

489.245

654.929

690.368

 

 

- Doanh thu xuất khẩu

Triệu đồng

347.115

489.852

478.828

 

 

- Doanh thu nội tiêu

Triệu đồng

142.130

165.077

211.540

 

3

Kết quả hoạt động kinh doanh

 

 

 

 

 

 

- Số dự án báo cáo lãi

Dự án

4

5

7

 

 

+ Số tiền lãi

Triệu đồng

54.344

98.787

117.447

 

 

Trong đó: số lãi của Cty Agrivina

Triệu đồng

47.061

90.877

110.350

 

 

- Số dự án báo lỗ

Dự án

26

29

28

 

 

+ Số tiền lỗ

Triệu đồng

65.216

78.895

80.744

 

 

+ Số lỗ lũy kế đến 31/12/2010

Triệu đồng

 

 

501.876

 

4

Thuế đã nộp

Triệu đồng

3.062

4.952

12.207

 

 

Trong đó số nộp của Cty Agrivina

Triệu đồng

1.758

3.319

9.695

 

5

Số thuế GTGT đã được hoàn trả

Triệu đồng

8.801

11.946

24.497

 

 

+ Số thuế GTGT NSNN đã hoàn trả đến 31/12/2010

Triệu đồng

 

 

69.229

Tính từ khi đi vào hoạt động đến 31/12/2010

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1270/QĐ-UBND năm 2011 về Đề án “Đổi mới công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"

  • Số hiệu: 1270/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/06/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Văn Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản