Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2804/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 18 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHO VAY ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, HỘ SẢN XUẤT, KINH DOANH BỊ ẢNH HƯỞNG DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, ngày 07/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 322/TTr-SLĐTBXH ngày 22/9/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký/.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ LĐTBXH;
- Tổng Giám đốc NHCSXH VN;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- CVP, PVP phụ trách VX;
- Phòng VHXH, Phòng KTTH;
- Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long, TTX VN tại Vĩnh Long;
- Lưu: VT, 3.27.02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

ĐỀ ÁN

CHO VAY ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, HỘ SẢN XUẤT, KINH DOANH BỊ ẢNH HƯỞNG DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 2804/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiện tại ngoài các đối tượng được hỗ trợ toàn phần từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn hàng ngàn lao động ở khu vực thành thị và nông thôn bị ảnh hưởng hết sức nặng nề (trực tiếp hoặc gián tiếp) của đại dịch Covid-19 nhưng chưa được hỗ trợ và hiện tại cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này, cụ thể: nhiều cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ thuộc các lĩnh vực ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, du lịch, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ, vận chuyển phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, các hộ chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi trồng thủy, hải sản đã thu hoạch nông sản, thuỷ sản không bán hoặc bán được nhưng mất giá dẫn đến thua lỗ, không còn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh lại cho chu kỳ tiếp theo….đây là những đối tượng có đóng góp nhiều cho ngân sách các địa phương cũng như giải quyết tốt việc làm tại chỗ cho người lao động.

Vì vậy, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên thông qua việc hỗ trợ có điều kiện nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, tạo đà cho phát triển dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp,... giải quyết việc làm, giúp cho họ khắc phục khó khăn do bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Việc làm ngày 16/11/2013.

- Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

- Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

- Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Quyết định 15/2020/QĐ-UBND ngày 07/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

- Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 09/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.

III. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án

1.1. Mục tiêu chung

- Tạo điều kiện cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 làm mất việc làm, phải chuyển đổi nghề, qua đó từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ góp phần hạn chế thất nghiệp, ổn định xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới.

- Nguồn vốn cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm của người lao động trong thời điểm hiện tại. Từ đó, giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tạo việc làm tại chỗ đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch; Ngoài việc tự tạo việc làm bản thân, người lao động cũng có thể giúp cho các thành viên trong hộ gia đình có thêm việc làm ổn định.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch Covid-19.

- Góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3% trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%; ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung chính sách cho vay của Đề án

2.1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc hỗ trợ có điều kiện cho nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng lao động đặc thù, quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Cụ thể được vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề phát triển kinh tế, ổn định xã hội thông qua NHCSXH (từ nguồn vốn Ngân sách địa phương và nguồn vốn từ Trung ương).

2.2. Đối tượng cho vay, nguyên tắc cho vay, điều kiện cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, phương thức và quy trình thủ tục cho vay

a. Đối tượng cho vay

Người lao động vay là các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 như sau:

- Kinh doanh thương mại - dịch vụ thuộc các lĩnh vực ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, du lịch, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ, vận chuyển...

- Chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi trồng thủy hải sản,...

- Các đối tượng khác phù hợp với điều kiện cho vay của đề án b. Nguyên tắc cho vay

- Khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay.

- Khách hàng vay vốn phải trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.

c. Điều kiện cho vay

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi việc làm, hoặc duy trì và mở rộng việc làm, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (UBND xã, phường, thị trấn) nơi thực hiện dự án.

- Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

d. Mức vay: Tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động.

e. Lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay và lãi suất nợ quá hạn đối với người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ.

f. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay tối đa 5 năm (60 tháng). Thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH xem xét.

g. Phương thức cho vay và thẩm quyền phê duyệt hồ sơ cho vay

- Phương thức cho vay: Thực hiện cho vay theo phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng không phải thế chấp tài sản.

- Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ vay vốn: Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét, phê duyệt.

h. Quy trình, thủ tục cho vay, thu nợ, thu lãi, hạch toán kế toán và lưu giữ hồ sơ vay vốn, kiểm tra giám sát, xử lý nợ đến hạn, xử lý các vi phạm, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Các nội dung khác không hướng dẫn tại quy định này thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/09/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

3. Quản lý, sử dụng lãi thu được từ nguồn vốn cho vay và xử lý nợ rủi ro

Việc quản lý, sử dụng lãi thu được từ nguồn vốn cho vay và xử lý nợ rủi ro được thực hiện theo Điều 10, 11 Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND, ngày 07/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

4. Chế độ báo cáo thống kê

Định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gửi UBND tỉnh, các cơ quan liên quan.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là 60 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn địa phương và nguồn vốn trung ương). Trong đó:

Nguồn vốn ngân sách địa phương: 30 tỷ đồng.

Nguồn vốn đối ứng từ NHCSXH trung ương: 30 tỷ đồng.

Kết thúc thời gian vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thu hồi vốn chuyển sang tiếp tục cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động trên địa bàn theo Quy định tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức triển khai Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương rà soát người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và có nhu cầu vay vốn chuyển đổi việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại các địa phương.

c) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

d) Kịp thời báo cáo Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định.

2. Sở Tài chính

a) Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí đảm bảo đủ và kịp thời để tổ chức thực hiện chính sách.

b) Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đúng quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đúng quy định.

4. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác

a) Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn kết nạp thành viên, tổ chức bình xét cho vay đúng quy định.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng uỷ thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội.

c) Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đúng quy định.

5. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

a) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quyết định này.

b) Trường hợp địa phương nào sử dụng không hết nguồn vốn, giao chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động điều chỉnh sang địa phương khác có nhu cầu.

c) Báo cáo NHCSXH Việt Nam trình Bộ Tài chính bố trí đủ vốn đối ứng cho chương trình này theo quy định.

d) Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện.

b) Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn theo đúng quy định.

c) Ngoài những quy định hỗ trợ của chính sách này, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, cân đối, bố trí thêm kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

7. UBND các xã, phường, thị trấn

a) Tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp, xác nhận người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn làm trên Giấy đề nghị vay vốn theo hướng dẫn của NHCSXH có đủ điều kiện được vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

b) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn theo Quyết định này.

c) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi đúng quy định.

d) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn, xử lý rủi ro.

8. Sở Thông tin Truyền thông

Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

9. Trách nhiệm của người vay

a) Kê khai hồ sơ đầy đủ, trung thực, chính xác.

b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích.

c) Hoàn trả gốc, lãi đúng quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2804/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

  • Số hiệu: 2804/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Lữ Quang Ngời
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản