Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2014/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 3 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 663/TTr.SVHTTDL ngày 28 tháng 3 năm 2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 24/2003/QĐ-UB ngày 29/01/2003 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3.
- Bộ VH, TT và DL (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy ( b/c);
- Thường trực HĐND Tỉnh ( b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- CVP, PVP VX UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Ban Quản lý Di tích danh thắng tỉnh;
- Lưu VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Thị Lệ Thanh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 04 năm 2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này cụ thể hóa một số nội dung về: kiểm kê di tích; xếp hạng di tích; đón nhận bằng xếp hạng di tích; cắm mốc giới di tích; bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; thăm dò, khai quật các địa điểm khảo cổ; quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các Sở, ban, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa và danh lam, thắng cảnh được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử- văn hóa và danh lam, thắng cảnh và các văn bản pháp luật liên quan.

2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Các loại hình di tích

1. Di tích lịch sử: bao gồm những công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những sự kiện, mốc lịch sử quan trọng hoặc gắn với các nhân vật có cống hiến cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng trong các giai đoạn lịch sử.

2. Di tích kiến trúc, nghệ thuật: Những công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, nghệ thuật, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị lịch sử, văn hóa.

3. Di tích khảo cổ, di vật, cổ vật: Những địa điểm khảo cổ học, những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị lịch sử- văn hóa.

4. Danh lam thắng cảnh: Những cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng di tích

1. Mọi hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều phải tuân theo Luật di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ, các văn bản pháp luật có liên quan và nội dung của bản Quy định này.

2. Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi, vận chuyển, chiếm giữ trái phép hoặc làm hư hỏng, hủy hoại di tích đã được Nhà nước xếp hạng và đưa vào danh mục kiểm kê.

3. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng di tích để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh trái phép, hoạt động văn hóa đồi trụy và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Chương 2

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Kiểm kê di tích

1. Các di tích trên địa bàn tỉnh đều phải được kiểm kê, đăng ký và chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai, đăng ký những di tích thuộc địa bàn để Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổng hợp, báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm kê, phân loại di tích, trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê và phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Xếp hạng di tích

1. Hàng năm, căn cứ kết quả kiểm kê, phân loại, giá trị của di tích, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục di tích đề nghị lập hồ sơ xếp hạng.

2. Thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích tiêu biểu vào danh mục di sản thế giới.

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia;

- Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh.

3. Cơ quan trình xếp hạng di tích:

- UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia;

- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

4. Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích gồm:

a) Đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích;

b) Tờ trình đề nghị xếp hạng di tích của UBND cấp xã, huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đối với di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt có thêm tờ trình của UBND tỉnh.

c) Lý lịch di tích;

d) Bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích;

đ) Bản vẽ kỹ thuật di tích, gồm: Bản vẽ mặt bằng tổng thể, các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt ngang, cắt dọc, kết cấu và chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu của di tích;

e) Tập ảnh khảo tả di tích;

g) Bản thống kê hiện vật thuộc di tích;

h) Biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích;

5. Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích phải được thông qua tại địa phương, Hội đồng khoa học của Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh và Hội đồng khoa học của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có biên bản kèm theo). Đối với di tích là nhà thờ dòng họ thì Hội đồng gia tộc phải có văn bản thỏa thuận quyền quản lý, sử dụng cho tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý.

6. Kinh phí lập hồ sơ xếp hạng di tích được trích từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và huy động xã hội hóa.

Điều 6. Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích

1. Sau khi có Quyết định xếp hạng di tích thì đơn vị, địa phương được giao quản lý tổ chức lễ đón bằng di tích.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức lễ đón bằng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh tổ chức lễ đón bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

4. Kinh phí tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích được hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa.

Điều 7. Cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích:

1. Sau khi có quyết định xếp hạng di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích.

2. Việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích phải đảm bảo nguyên tắc phân định từ ranh giới các khu vực bảo vệ di tích với khu vực tiếp giáp trên thực địa theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ trong hồ sơ xếp hạng di tích.

3. Cột mốc, hàng rào bảo vệ di tích phải được làm bằng chất liệu bền vững và đặt ở vị trí dễ nhận biết; hình dáng, màu sắc phải phù hợp với môi trường, cảnh quan di tích và không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích.

4. Kinh phí tổ chức cắm mốc giới di tích được hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và huy động nguồn xã hội hóa.

Điều 8. Điều chỉnh, bổ sung danh mục phân cấp quản lý, xếp hạng di tích

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát các di tích trên địa bàn để:

1. Nếu phát hiện thêm di tích hoặc có trường hợp di tích bị tàn phá hoàn toàn mà qua giám định khoa học chứng minh các di tích đó nay không còn khả năng phục hồi, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê, phân cấp quản lý di tích, ít nhất 5 năm 1 lần.

2. Những di tích đã xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn, hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi thì tham mưu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ xếp hạng đối với di tích đó. Cơ quan nào có thẩm quyền xếp hạng di tích nào thì có quyền ra quyết định hủy bỏ xếp hạng đối với di tích đó.

Điều 9. Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

1. Mọi hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tuân thủ theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Nguyên tắc trong hoạt động tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích.

a) Tuân thủ theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan; phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và khu vực; phù hợp giữa bảo tồn và phát triển.

b) Chỉ được tiến hành tu bổ và phục hồi di tích trong trường hợp cần thiết, đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích; đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường cảnh quan.

c) Công tác tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích phải lập quy hoạch, dự án, phải có hồ sơ thiết kế, dự toán chi tiết; Hồ sơ quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý về Văn hóa trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với di tích cấp tỉnh, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đối với di tích cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

d) Di tích thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định.

đ) Sửa chữa, tu bổ, tôn tạo nhỏ hoặc bài trí, trưng bày, thay đổi, bổ sung hiện vật tại di tích không được làm ảnh hưởng yếu tố gốc cấu thành di tích và cảnh quan môi trường, không gian văn hóa của di tích và phải có sự hướng dẫn về chuyên môn của Ban quản lý di tích - danh thắng tỉnh.

e) Trình tự và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện theo Điều 17, 18 chương III của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ.

f) Các tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc chủ trì tổ chức thi công, tư vấn giám sát thi công phải có đủ điều kiện hành nghề được quy định tại Điều 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Chương II, Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 10. Nội dung hồ sơ quy hoạch di tích; Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích

1. Nội dung hồ sơ quy hoạch di tích

a) Bản vẽ theo quy định tại Điều 13 chương II Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ.

b) Báo cáo thuyết minh tổng hợp;

c) Các văn bản thỏa thuận chủ trương, thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch di tích và văn bản khác có liên quan.

d) Tờ trình xin phê duyệt.

2. Nội dung hồ sơ dự án tu bổ di tích

a) Thuyết minh dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 19 chương III Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ.

b) Tập ảnh mô tả về di tích;

c) Thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 3 điều 19 chương III Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ.

3. Báo cáo kinh tế kỹ thuật: Được thực hiện trong trường hợp sau:

a) Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi chỉ dừng ở mức độ gia cố, sửa chữa nhỏ, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích;

b) Chỉ cải tạo hoặc xây dựng công trình mới phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

c) Nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật:

- Căn cứ lập báo cáo.

- Giới thiệu khái quát về di tích và giá trị di tích.

- Báo cáo khảo sát sơ bộ về các vấn đề kiến trúc, kỹ thuật, vật liệu xây dựng; đánh giá tình trạng kỹ thuật và các kết quả khảo sát theo quy định của Luật xây dựng.

- Mục tiêu bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

- Phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

- Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện.

4. Nội dung hồ sơ trình phê duyệt, gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt;

b) Văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Hồ sơ dự án: Bản thuyết minh, bộ ảnh và các bản vẽ thiết kế;

d) Các văn bản thỏa thuận chủ trương, thẩm định dự án và văn bản khác có liên quan.

Điều 11. Cải tạo, xây dựng công trình liên quan đến di tích

1. Khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường- sinh thái của di tích thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Trong quá trình cải tạo, xây dựng các công trình mà thấy có khả năng hoặc phát hiện các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và chính quyền địa phương.

Điều 12 . Phục hồi di tích

1. Việc phục hồi các di tích đã bị mất phải dựa trên cơ sở đất đai vốn có của di tích và các tài liệu khoa học xác thực như: ảnh, bản vẽ, tư liệu thành văn hoặc lời kể của nhân chứng và chỉ thực hiện trong những trường hợp thật cần thiết và có nhu cầu của cộng đồng.

2. Ưu tiên sử dụng các chất liệu và vật liệu truyền thống. Việc sử dụng chất liệu bền vững để thay thế chất liệu dễ hư hỏng trong phục hồi di tích phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính xác thực đối với di tích và cần được phân biệt rõ với chất liệu gốc.

3. Trình tự, thủ tục lập dự án phục hồi di tích:

a) Xin chủ trương (kèm theo dự toán kinh phí sơ bộ).

b) Khảo sát, thu thập tài liệu về di tích và những vấn đề liên quan.

c) Lập hồ sơ dự án (ảnh, bản vẽ thiết kế, thuyết minh).

d) Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân về dự án.

đ) Thẩm định và phê duyệt dự án.

e) Tổ chức thi công.

4. Hồ sơ trình phê duyệt dự án phục hồi di tích

a) Văn bản đề nghị của chủ đầu tư.

b) Hồ sơ dự án phục hồi di tích.

c) Các văn bản thỏa thuận chủ trương, thẩm định dự án và văn bản khác có liên quan.

Điều 13 . Nguồn vốn chống xuống cấp di tích

1. Kinh phí Nhà nước đầu tư hàng năm theo chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và kinh phí của địa phương các cấp.

2. Nguồn xã hội hóa (các tập thể, cá nhân đóng góp công đức).

3. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 14. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

1. Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo Điều 18, 19,20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 chương IV của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ và Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ học do tổ chức, cá nhân phát hiện phải được tạm nhập vào Bảo tàng Nghệ An. Bảo tàng Nghệ An có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

3. Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được khen thưởng theo Điều 33, chương VI của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ.

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các di vật, cổ vật phải được giám định trước khi đăng ký.

Điều 15. Thăm dò, khai quật các địa điểm khảo cổ

1. Việc thăm dò, khai quật các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trong trường hợp địa điểm khảo cổ có nguy cơ bị hủy hoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai quật khẩn cấp theo khoản 19, Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.

3. Người chủ trì thực hiện việc thăm dò, khai quật các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh phải có đủ điều kiện được quy định tại Điều 40 khoản 1 chương IV của Luật Di sản văn hóa.

Điều 16. Khai thác, sử dụng, phát huy giá trị di tích

1. Các hoạt động sử dụng, khai thác, phát huy giá trị di tích phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2.Việc tổ chức các lễ hội ở di tích phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục và khả năng của địa phương; tuân theo Quy chế tổ chức lễ hội được ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định kịch bản.

3. Mọi khoản thu được từ việc khai thác, sử dụng di tích phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Điều 18. Quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp các di tích tôn giáo đã được xếp hạng, phân cấp quản lý

1. Các hoạt động tôn giáo tại di tích được giao cho nhà chùa, nhà thờ tổ chức quản lý theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan.

2. Việc quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp các công trình tôn giáo là di tích đã được xếp hạng, phân cấp quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa và pháp luật có liên quan, cụ thể như sau:

a) Khu vực I là vùng được xác định có các yếu tố gốc cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích.

b) Khu vực II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực I. Có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích và không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh, gồm:

1. Tham mưu lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát huy di tích trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di tích.

3.Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm kê, xếp hạng, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

5. Tổ chức lập, thẩm định hồ sơ xếp hạng di tích, các Quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích theo sự phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di tích.

7. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy di tích.

8. Phối hợp với các ban ngành, chính quyền các cấp, cá nhân tổ chức khai thác, phát huy giá trị các di tích để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về di tích; giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về di tích.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên- Môi trường:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt đảm bảo yêu cầu bảo vệ và phát huy di tích; khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, xác định các khu vực đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản liên quan đến khu vực bảo vệ di tích;

2. Hướng dẫn việc lập bản đồ khoanh vùng, xác định địa giới và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích;

3. Tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai.

4. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc xếp hạng di tích; kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các di tích.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Tham mưu khảo sát, lựa chọn các địa điểm để quy hoạch và xây dựng, phục hồi di tích.

2. Tham mưu thẩm định các đồ án quy hoạch về tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích; nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở dự án, thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích; giám sát việc quản lý chất lượng xây dựng công trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích theo chức năng, nhiệm vụ.

3. Cấp phép xây dựng các công trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích thuộc thẩm quyền.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Tham mưu kinh phí cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

Điều 23. Trách nhiệm của Ban Tôn giáo Sở Nội vụ.

1. Hướng dẫn việc tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích theo đúng Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo.

2. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích theo đúng Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan.

Điều 24. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành liên quan

Các Sở, ban, ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh.

Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được phân cấp trên địa bàn;

2. Tổ chức bảo vệ, xử lý vi phạm và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch trong việc kiểm kê, phân cấp, xếp hạng di tích và xây dựng kế hoạch bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

6.Thành lập Ban quản lý (hoặc Tổ bảo vệ) các di tích theo phân cấp quản lý.

Điều 26. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1.Tổ chức kê khai, quản lý, bảo vệ các di tích trên địa bàn.

2. Tiếp nhận những khai báo về di sản văn hóa để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

3. Đề xuất, kiến nghị về việc xếp hạng hoặc rút khỏi danh mục phân cấp, xếp hạng di tích;

4. Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến sự an toàn của di sản văn hóa;

5. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động mê tín dị đoan theo thẩm quyền.

6.Thành lập Ban quản lý (hoặc Tổ bảo vệ) các di tích theo phân cấp quản lý.

Điều 27. Điều khoản thi hành

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nội dung Quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 27/2014/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 27/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Thị Lệ Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản