Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2606/QĐ-UBND

An Giang, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về việc thông qua kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 145/TTr-SNN&PTNT ngày 15 tháng 9 năm 2016 về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung sau:

1. Mục tiêu:

- Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng (bao gồm rừng tập trung và cây lâm nghiệp phân tán) đến năm 2020 là 22,40%.

- Bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đến năm 2020, phải sử dụng và trồng hết diện tích đất chưa có rừng có khả năng trồng rừng, phát triển trồng cây phân tán, vườn rừng.

- Bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, thực hiện xã hội hóa nghề rừng trên cơ sở tổ chức, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng, giao đất, giao rừng nhằm giải quyết tốt mục tiêu phòng hộ, an ninh môi trường.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp. Phát triển các loài cây trồng có tác dụng tốt về phủ xanh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Xây dựng nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Đưa các dịch vụ từ rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp; nâng tỷ trọng lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông nghiệp và trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương;

- Góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội ở tỉnh An Giang, đặc biệt khu vực biên giới với nước bạn Campuchia. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

2. Nhiệm vụ:

a) Nhiệm vụ chung:

- Về kinh tế: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững ba loại rừng. Quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có, gia tăng diện tích và năng suất rừng trồng, tăng cường các hoạt động nông - lâm - ngư kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất chưa có rừng phù hợp cho phát triển lâm nghiệp; cụ thể là:

+ Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2011 - 2020 là 3,0%/năm (trong đó ngành lâm nghiệp là 1,0%/năm), phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ GDP của ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 15,0% tổng cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh;

+ Sản lượng gỗ khai thác chính hàng năm là 74.000 m3, củi là 427.000 ster;

+ Tận dụng các sản phẩm từ tỉa thưa điều chỉnh không gian dinh dưỡng cho cây phòng hộ chính sinh trưởng (các sản phẩm như: gỗ, củi, làm nguyên liệu chế biến đồ mộc và làm chất đốt) sẽ tạo thu nhập cho hộ trồng rừng, bình quân thu được 12 triệu đồng/ha/5 năm;

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua các mô hình nông lâm kết hợp (rừng trồng xen cây ăn trái, chăn nuôi dưới tán rừng).

- Về xã hội: Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng thông qua xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp; tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân; đặc biệt quan tâm đến đồng bào người dân tộc thiểu số, các hộ nghèo để từng bước tạo cho người dân làm nghề rừng có thể sống được bằng nghề rừng, góp phần giảm nghèo và giữ vững an ninh quốc phòng. Các nhiệm vụ cụ thể là:

+ Thực hiện giao khoán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đồi núi cho các hộ gia đình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hàng năm là 11.780 hộ gia đình, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động.

+ Tăng thu nhập, góp phần giảm 20-30% số hộ nghèo trong vùng nông thôn.

+ Nâng số lao động lâm nghiệp được đào tạo nghề lên 50%, chú trọng các hộ dân tộc ít người, hộ nghèo.

- Về môi trường:

+ Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng (bao gồm rừng tập trung và cây lâm nghiệp phân tán) là 22,40% đến năm 2020.

+ Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm đóng góp có hiệu quả cho phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống; hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học và tạo nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng (phí môi trường, giảm khí thải CO2), tạo cảnh quan làm tiền đề cho du lịch sinh thái phát triển.

b) Nhiệm vụ cụ thể:

- Đối với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ-đặc dụng:

+ Nâng cao chất lượng rừng, đến năm 2020 cơ bản phủ xanh rừng phòng hộ đồi núi trên những diện tích có khả năng trồng rừng bằng các loài cây chính, chuyển sang giai đoạn sau chăm sóc, bảo vệ. Trong cả giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện trồng mới 500 ha rừng.

+ Thực hiện trồng rừng thay thế trong năm 2016 và năm 2017 đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác là 43 ha.

+ Trong cả giai đoạn 2016 - 2020: thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng là 39.905 lượt ha; thực hiện chăm sóc 1.600 lượt ha.

- Đối với kế hoạch trồng cây lâm nghiệp phân tán:

+ Trong cả giai đoạn 2016 - 2020: Thực hiện trồng 18,75 triệu cây (tương đương 12.500 ha).

+ Thực hiện khai thác lâm sản cả giai đoạn 2016 - 2020 là 371.150 m3 gỗ và 2.136.200 ster củi.

- Các hoạt động khác:

+ Thực hiện hoạt động kiểm lâm và bảo tồn thiên nhiên: lập dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng Trung tâm cứu hộ động vật rừng và du lịch sinh thái; lập bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp.

+ Thực hiện đầu tư trang, thiết bị kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm:

. Công trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững: sửa chữa, nâng cấp, xây dựng Trạm, chốt bảo vệ rừng tại huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên; nâng cấp vườn ươm tại huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên; làm đường ranh cản lửa; chòi canh lửa PCCCR.

. Công trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng:

Đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật: Xe chuyên dụng; máy chữa cháy phao nổi; bồn vãi chứa nước; máy định vị GPS; máy bơm 6,5 ngựa; máy chữa cháy đeo vai; dây chữa cháy; ống nhòm quan sát; võ lải; đồng hồ đo nhiệt độ, độ ẩm; máy ảnh; loa cầm tay; cưa máy; các dụng cụ thô sơ (dao phát cỏ, bàn đập lửa).

Xây dựng cơ sở hạ tầng: Hệ thống đường băng cản lửa; đập ngăn nước (cao 1,5m - dài 03 m); giếng đào; hồ chứa nước (30 m x 60 m x 04m); hàng rào hồ chứa nước (180 m x 2 m); nạo vét kênh mương rừng tràm Trà Sư; sửa chữa các bảng tuyên truyền cố định; xây dựng và sửa chữa chòi canh lửa.

+ Thực hiện xây dựng chương trình giống cây trồng lâm nghiệp (02 chương trình tại Tri Tôn và Tịnh Biên); xây dựng Chương trình khuyến lâm, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại 04 huyện, thành phố: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Đốc; xây dựng quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh An Giang.

3. Các chỉ tiêu chính

 

Hạng mục

Nhiệm vụ

 

ĐVT

Khối lượng

 

 

I

 Bảo vệ và PTR phòng hộ, đặc dụng:

 ha

 13.301

 

1

Bảo vệ rừng

lượt ha

 39.905

 

2

Trồng rừng:

 

 

 

2.1

Trồng rừng mới

ha

500(*)

 

2.2

Trồng rừng thay thế

ha

43

 

3

Chăm sóc rừng

lượt ha

 1.600

 

4

Nuôi dưỡng tỉa thưa rừng

ha

916

 

II

Trồng cây lâm nghiệp phân tán:

ha

 12.500

 

1

Phát triển rừng

ha

 12.500

 

III

Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất

ha

1.806

 

IV

Nâng cao năng lực PCCCR

ha

 16.959

 

* Các chỉ tiêu khác:

Tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 các chỉ tiêu sau: xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác về giống, phòng cháy chữa cháy rừng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

4. Tổng hợp vốn đầu tư và nguồn vốn

Trên cơ sở khối lượng, các chỉ tiêu bảo vệ phát triển rừng, các dự án ưu tiên... định mức kinh phí thực hiện để tổng hợp vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang phân theo nguồn vốn các dự án, chương trình giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

Nguồn vốn

Tổng số (triệu đồng)

Vốn đầu tư theo năm (triệu đồng)

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng vốn đầu tư

96.044

20.476

20.987

19.027

18.162

17.392

- Ngân sách Trung ương

55.653

11.878

12.819

10.859

9.994

10.103

- Ngân sách Địa phương

30.586

6.293

6.293

6.293

6.293

5.414

- Vốn đầu tư của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân

9.805

2.305

1.875

1.875

1.875

1.875

5. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

a) Về tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất:

- Thiết lập lâm phận ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô với mốc và ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa; Tổ chức liên doanh để thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, nghiên cứu khoa học bảo vệ đa dạng sinh học theo đúng quy định của luật pháp.

- Giao cho các đơn vị chủ rừng kiểm kê đánh giá chi tiết hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp; đặc biệt tại những vùng chuyển đổi ra ngoài đất lâm nghiệp, những nơi dân xâm canh, quản lý bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có.

- Tiếp tục thực hiện nhanh công tác xã hội hóa nghề rừng. Thực hiện khoán bảo vệ rừng áp dụng cho các đối tượng là đồng bào dân tộc, các cộng đồng dân cư địa phương.

- Các đơn vị chủ rừng đều phải xây dựng phương án sản xuất và tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, bố trí đủ các trạm bảo vệ rừng phân bố trong lâm phận, đảm bảo quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị.

b) Về khoa học và công nghệ:

- Không ngừng ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất lâm nghiệp, trước mắt là ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng có năng suất cao. Thực hiện tốt các hoạt động kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất giống có chất lượng cao; từng bước di dẫn giống các loài cây bản địa, cây nhập ngoại có giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm để chọn ra giống thích hợp cung cấp cho các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Nghiên cứu phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa có giá trị, bổ sung loài mới vào các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản về rừng để đánh giá đúng diễn thế rừng, đất đai; tài nguyên động, thực vật. Đầu tư trang thiết bị máy móc và quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến trong công nghiệp chế biến lâm sản. Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất lâm-nông-ngư kết hợp, hỗ trợ xây dựng trang trại lâm nghiệp, đào tạo nghề…

c) Về vận dụng hệ thống chính sách:

Đối với diện tích giao khoán bảo vệ rừng đề nghị có chính sách hỗ trợ khác để tiếp tục công tác giao khoán bảo vệ và chăm sóc rừng được liên tục. Cải cách đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư. Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của địa phương. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế được tiếp cận với các nguồn vốn vay thuận lợi; được vay với lãi suất ưu đãi, thời gian phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp. Cải thiện chính sách cho vay vốn khuyến khích các nhà đầu tư trồng rừng kinh tế.

d) Về vốn:

- Nhà nước đầu tư vốn để phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, hỗ trợ vốn để trồng rừng sản xuất, cây phân tán nhằm ổn định diện tích rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư chủ yếu vào việc quản lý rừng, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, sản xuất giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo, xây dựng hạ tầng phục vụ lâm sinh…

- Đối với rừng sản xuất: ngoài vốn hỗ trợ từ Trung ương, cần huy động các nguồn vốn khác như vốn của địa phương, các tổ chức và hộ gia đình cá nhân. Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này để phát triển nghề rừng. Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê cảnh quan để huy động vốn cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

đ) Về phát triển nguồn nhân lực:

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực hoạt động cho cán bộ ngành lâm nghiệp ở các cấp. Khuyến khích hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp trong nghiên cứu khoa học, tự đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, trình độ tay nghề cho người lao động thông qua các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề dài hạn và ngắn hạn; thông qua các lớp khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư và thực tiễn các mô hình sản xuất…

e) Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh:

- Phát triển rừng:

+ Gắn việc quy hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với việc quy hoạch sử dụng có hiệu quả quỹ đất trống; làm rõ quỹ đất lâm nghiệp không có rừng, có khả năng trồng rừng để trồng rừng, tổ chức sản xuất nông lâm kết hợp.

+ Đẩy mạnh công tác trồng cây lâm nghiệp phân tán để bù đắp những diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng.

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp trồng bổ sung: Tiếp tục quy hoạch cụ thể diện tích, đối tượng từng loại rừng để bố trí kế hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp trồng bổ sung cho phù hợp. Hướng khoanh nuôi tập trung các đối tượng rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng phòng hộ.

g) Các giải pháp sử dụng rừng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản:

- Sử dụng rừng: Khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đồng thời cũng là biện pháp lâm sinh để tái tạo và cải thiện chất lượng rừng; Khai thác tối đa các dịch vụ môi trường từ rừng như phòng hộ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, tín dụng CO2 trong cơ chế phát triển sạch... để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Khai thác sử dụng rừng phải có lợi nhuận cho chủ rừng, cho cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, tư nhân và cộng đồng dân cư địa phương đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng rừng bền vững.

- Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản: Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ. Củng cố và hỗ trợ nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2015. Hỗ trợ chế biến lâm sản, từng bước phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn. Khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ; Đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo và bột giấy, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng; Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng xuất khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các thành phố, thị xã, huyện, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2606/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 2606/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lâm Quang Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản