Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2015/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 11 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ MỨC CHI, VIỆC LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN VÀ CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc quy định một số mức chi kinh thí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định một số mức chi, việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

2. Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí

1. Kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở thuộc cấp nào do ngân sách Nhà nước cấp đó thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và được tổng hợp vào dự toán hàng năm của cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí Nhà nước thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ, định mức chi theo quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính và các quy định cụ thể tại Quyết định này.

Điều 3. Nội dung và mức chi

1. Một số nội dung chi kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở, gồm:

a) Xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch; các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn Chương trình, Đề án, Kế hoạch;

b) Chi thù lao cộng tác viên, chuyên gia tham gia các hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật;

c) Chi hỗ trợ hoạt động truyền thông, chuẩn tiếp cận pháp luật trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn, loa truyền thanh cơ sở;

d) Chi thực hiện thống kê, rà soát, viết báo cáo đánh giá Chương trình, Đề án, Kế hoạch, đánh giá thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.

Mức chi cụ thể thực hiện các nội dung nêu tại Điểm a, b, c, d Khoản này áp dụng theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc quy định một số khoản chi có tính chất đặc thù bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

2. Mức chi kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, gồm:

a) Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải):

- Hòa giải thành: 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

- Hòa giải không thành: 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

b) Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở (trong khi đang thực hiện hòa giải hoặc trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý): 05 tháng lương cơ sở/hòa giải viên.

c) Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): 100.000 đồng/ tổ hòa giải/tháng.

d) Chi bồi dưỡng thành viên Ban Tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: 50.000 đồng/người/buổi.

đ) Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: 5.000 đồng/người/buổi.

3. Các nội dung chi khác thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở không quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính của quy định pháp luật hiện hành.

Điều 4. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở

1. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở và căn cứ vào mức chi quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3 của Quyết định này và các văn bản có liên quan, các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở cùng với dự toán chi thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giao dự toán ngân sách hàng năm cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở

1. Lập dự toán ngân sách chi cho hoạt động quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở:

a) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập dự toán kinh phí chi tiết và dự toán chi thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giao dự toán ngân sách hàng năm theo quy định.

b) Các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Đề án các cấp, căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch thực hiện Đề án lập dự toán thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan, tổ chức gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm triển khai thực hiện.

2. Lập dự toán ngân sách chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải:

a) Việc lập dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên, căn cứ vào nhiệm vụ công tác hòa giải trong năm kế hoạch và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, công chức Tư pháp - Hộ tịch lập dự toán chi hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên gửi Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

b) Việc lập dự toán kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải, hàng năm, căn cứ thực tế hỗ trợ của năm trước, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập dự toán kinh phí hỗ trợ để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và thực hiện phân bổ cho Ủy ban nhân dân cấp xã để chi trả tiền hỗ trợ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở:

a) Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cho hoạt động quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo chế độ và quy định quản lý tài chính hiện hành.

b) Kết thúc năm ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết toán kinh phí đã chi hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên trong quyết toán ngân sách hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Riêng đối với các vụ việc hòa giải không thành, việc thanh toán thù lao chỉ được thực hiện cho mỗi vụ việc hòa giải có ít nhất hai lần hòa giải trở lên.

Ngoài ra, đối với một số trường hợp đặc biệt do điều kiện khách quan khi đã hòa giải lần đầu nhưng không thành thì vẫn được chi hỗ trợ như: Các bên tự thỏa thuận được hoặc vụ việc diễn biến phức tạp không thuộc thẩm quyền của tổ hòa giải.

c) Thủ tục cấp, chi, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển Quyết định và kinh phí hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên để thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ.

- Kết thúc năm ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp xã lập quyết toán kinh phí đã chi hỗ trợ trong quyết toán ngân sách hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế các quy định về nội dung chi, mức chi kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở quy định tại Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Quy định mức chi kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

Điều 7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP (HN, TP.HCM);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- VP. TU và các Ban Đảng;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT. NC. Ct.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/2015/QĐ-UBND quy định mức chi, việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 26/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Công Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản