Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2594/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 15 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÁI XUẤT HÀNG HÓA KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT QUA CỬA KHẨU MƯỜNG KHƯƠNG VÀ CỬA KHẨU PHỤ BẢN VƯỢC CỦA TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa;

Căn cứ Thông tư số 94/2014/TT-BTC ngày 17/7/2014 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; xử lý đối với trường hợp từ chối nhận hàng;

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 của UBND tỉnh Lào Cai về việc công bố Cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được phép tái xuất hàng hóa và Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 28/5/2014 của UBND tỉnh Lào Cai về việc công bố Cửa khẩu Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được phép tái xuất hàng hóa;

Căn cứ Quyết định số 1451/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về nguyên tắc lựa chọn và công bố doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược của tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tại Tờ trình số 175/TTr-SCT ngày 15 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời quản lý hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược của tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị: Công Thương, Công an tỉnh, Tài chính, Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Lào Cai, Chi nhánh Kho bạc Nhà nước Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng VIII Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lào Cai, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Lào Cai, Chi cục Quản lý thị trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Mường Khương, Bát Xát và thành phố Lào Cai; các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Tổng cục Hải quan;
- TT: TU, UBND tỉnh;
- Các PCVP;
- Lưu: VT, NC, TH, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Hưng

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÁI XUẤT HÀNG HÓA KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT QUA CỬA KHẨU MƯỜNG KHƯƠNG VÀ CỬA KHẨU PHỤ BẢN VƯỢC CỦA TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp quản lý nhà nước đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố biên giới trong hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược của tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố biên giới, các đơn vị, cá nhân liên quan trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược của tỉnh Lào Cai.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp quản lý

1. Đảm bảo hoạt động tại các cửa khẩu được thực hiện thống nhất, đồng bộ; phối hợp chặt chẽ, có trật tự, có nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động tái xuất hàng hóa theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

2. Trong phối hợp hoạt động phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.

3. Khi có tình hình vụ việc xảy ra tại khu vực cửa khẩu, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu thống nhất xử lý theo quy định của pháp luật và quy trình xử lý vụ việc; trường hợp tình hình, vụ việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền thì cùng bàn bạc thống nhất và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý.

Điều 4. Các cơ quan, đơn vị liên quan

Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành, đồng thời thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Sở Công Thương

- Là đầu mối theo dõi, tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị về việc chấp hành chính sách pháp luật của tổ chức, thương nhân trong hoạt động kinh doanh tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược.

- Tham mưu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung những quy định không hợp lý; xử lý các trường hợp vi phạm của tổ chức, thương nhân theo quy định; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, đặc biệt là các lực lượng tại các địa phương biên giới kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác chống buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, lưu thông hàng hóa trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả tái xuất hàng hóa của thương nhân, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng biên phòng tại khu vực cửa khẩu phối hợp với lực lượng hải quan cửa khẩu quản lý, giám sát chặt chẽ hàng hóa tái xuất đúng địa điểm quy định.

- Tổ chức quản lý, điều hành các phương tiện vận tải hàng hóa trong phạm vi địa bàn quản lý của Biên phòng đảm bảo thông suốt, không gây ùn tắc tại khu vực dọc biên giới.

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cáo hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới trong phạm vi địa bàn quản lý của Biên phòng; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, thẩm lậu hàng hóa vào thị trường nội địa.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, không tiếp tay vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, Công an địa phương thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm; đặc biệt là công tác chống thẩm lậu hàng vào thị trường nội địa, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc chống người thi hành công vụ và buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm theo quy định.

- Tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới.

- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng, phương tiện tham gia giao thông vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, chở quá tải trọng cho phép trên các tuyến đường bộ và đường thủy.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các phương tiện dừng, đỗ không đúng nơi quy định.

- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tái xuất vi phạm về môi trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm về môi trường.

4. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn, tải trọng đối với các phương tiện vận tải hàng hóa kinh doanh tái xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện chức năng quản lý đối với Doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các điều kiện kinh doanh vận tải, phương tiện và người lái theo quy định.

5. Cục Hải quan Lào Cai

- Tổ chức giám sát, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa theo quy trình nghiệp vụ hải quan đảm bảo nhanh gọn, kịp thời chính xác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức công tác phối hợp trong chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận trong lĩnh vực hải quan. Thông báo cho Sở Công Thương trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh xuất nhập khẩu, tái xuất.

- Định kỳ thứ 6 hàng tuần và ngày 02 hàng tháng tổng hợp số liệu gửi Sở Công Thương để tổng hợp chung và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược.

6. Cục Thuế Lào Cai

Chỉ đạo Chi cục Thuế tại các huyện, thành phố biên giới phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức có hoạt động tái xuất hàng hóa kê khai, nộp phí theo quy định của UBND tỉnh; chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trình UBND tỉnh tổ chức, triển khai Kế hoạch thu, chống thất thu ngân sách theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình quản lý thu ngân sách theo quy định.

7. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành quy trình và tổ chức thực hiện điều tiết hàng hóa tái xuất ra, vào khu vực cửa khẩu và các khu vực khác được Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn lưu giữ, tập kết hàng hóa tái xuất; báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt bằng văn bản trước khi thực hiện.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của cửa khẩu như đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh, đảm bảo mỹ quan, môi trường sinh thái và các vấn đề phát sinh khác.

- Tổ chức cung cấp và khai thác các dịch vụ tại khu vực cửa khẩu phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Hướng dẫn, sắp xếp phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, tái xuất trong khu vực cửa khẩu đảm bảo thuận tiện, trật tự, an toàn.

- Báo cáo, thông tin kịp thời về UBND tỉnh những doanh nghiệp không chấp hành việc thực hiện quy trình điều tiết khi tham gia hoạt động tái xuất kinh doanh tạm nhập, tái xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

8. Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng VIII Lào Cai, Chi cục kiểm dịch Động vật vùng Lào Cai và Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Lào Cai

- Tổ chức lực lượng, phương tiện kỹ thuật thực hiện hoạt động kiểm dịch đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định.

9. Chi nhánh Kho bạc Nhà nước và các chi nhánh ngân hàng thương mại tỉnh Lào Cai

- Tổ chức quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ, đặt cọc của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

- Báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân tỉnh biết khi số tiền ký quỹ, đặt cọc của doanh nghiệp được sử dụng để thanh toán các chi phí theo quyết định của cơ quan xử lý vi phạm.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương, huyện Bát Xát và các sở, ngành, đơn vị liên quan

- Phối hợp với các ngành chức năng: Hải quan, Công an, Biên phòng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tái xuất hàng hóa tạm nhập, tái xuất trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; không để hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa và gây ô nhiễm môi trường.

- Chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Khi xảy ra hiện tượng ách tắc hàng hóa, kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương yêu cầu thương nhân đưa hàng về các kho, bãi đã đăng ký trên địa bàn; không để các phương tiện vận tải hàng hóa dừng, đỗ dọc các tuyến đường gây cản trở giao thông.

- Ủy ban nhân dân các huyện: Bát Xát, Mường Khương, thành phố Lào Cai và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát lại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, bốc xếp, địa điểm tập kết hàng hóa, địa điểm tái xuất, nguồn điện và các điều kiện khác để đảm bảo đáp ứng cho hoạt động tái xuất và lưu giữ, bảo quản hàng hóa tại khu vực tái xuất hàng hóa; kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thực hiện để có các biện pháp điều tiết hàng hóa hợp lý tại các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý.

Điều 5. Cơ chế phối hợp cung cấp thông tin

- Các cơ quan, đơn vị chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện: Bát Xát, Mường Khương kịp thời thông tin, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Công Thương để tổng hợp) về tình hình hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược.

- Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Công Thương tỉnh Lào Cai để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2594/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế tạm thời quản lý hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược của tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 2594/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Lê Ngọc Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản