Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/1998/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 18 tháng 8 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT LIÊN NGÀNH CỬA KHẨU, HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU, PHƯƠNG TIỆN XUẤT NHẬP CẢNH QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI VÀ TRONG KHU VỰC KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số 171/HĐBT ngày 27/5/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quy định cụ thể thủ tục Hải quan và lệ phí Hải quan;

Căn cứ Quyết định số 100/1998/QĐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay hành kèm theo quyết định này bản Quy chế tạm thời quản lý hoạt động kiểm soát liên ngành cửa khẩu, hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới và trong khu vực kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã biên giới, Thủ trưởng các ngành liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quý Đăng

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT LIÊN NGÀNH CỬA KHẨU, HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU, PHƯƠNG TIỆN XUẤT NHẬP CẢNH QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI VÀ TRONG KHU VỰC KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 194/1998/QĐ-UB ngày 18/8/1998 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản quy chế này quy định hệ thống các cửa khẩu, cửa khẩu phụ trên biên giới tỉnh Lào cai. Quy định tổ chức bộ máy quản lý, nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng quản lý cửa khẩu. Thủ tục quản lý, phương tiện xuất nhập cảnh. Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu và các loại phí, lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới và trong khu vực kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai gồm:

1. Khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai:

Phường Lào Cai, phường Phố Mới, phường Cốc Lếu, phường Duyên Hải, xã Vạn hòa, thôn Lục Cẩu ( xã Đồng tuyển ) thuộc thị xã Lào Cai; thôn Na Mo -Bản quẩn (xã Bản Phiệt) thuộc huyện Bảo Thắng.

2. Cửa khẩu Mường Khương:

Cửa khẩu Mường Khương và toàn bộ xã Mường Khương.

3. Cửa khẩu phụ:

Là lối đi qua biên giới do UBND tỉnh quy định cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu, người, phương tiện xuất nhập cảnh qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới tỉnh Lào Cai. Mọi hoạt động qua lại cửa khẩu, cửa khẩu phụ đặt dưới sự quản lý trực tiếp chủ yếu của Bộ đội biên phòng và Hải quan tỉnh Lào Cai.

* Các lối đi qua lại biên giới sau đây được quy định gọi là cửa khẩu phụ:

- Lối đi qua biên giới khu vực Na Mo - Bản Quẩn.

- Lối đi qua biên giới khu vực thôn Lục Cẩu (Xã Đồng Tuyển thị xã Lào Cai).

- Lối đi qua biên giới khu vực km 0 (xã Bản Vược huyên Bát Xát).

- Lối đi qua biên giới khu vực cửa suối Quang Kim (huyện Bát Xát).

Điều 3. Địa điểm kiểm tra ngoài khu vực kiểm soát cửa khẩu:

Là địa điểm phía sau khu vực các cửa khẩu được UBND tỉnh cấp đất cho doanh nghiệp để kinh doanh kho, bãi chứa phương tiện và hàng hóa xuất nhập khẩu, và được Cục Hải quan tỉnh công nhận cấp phép để làm nơi kiểm tra và hoàn thành thủ tục quản lý cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới.

Điều 4. Một số từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Giám hộ:

Là hoạt động kiểm tra giám sát, hộ tống, áp tải của lực lượng Hải quan, Biên phòng đối với phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh đi từ cửa khẩu vào trong địa điểm kiểm tra ngoài khu vực kiểm soát cửa khẩu và ngược lại nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ đúng pháp luật.

2. Hàng tạm nhập tái xuất:

Là hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam mua của một nước để bán cho một nước khác có làm thủ tục hải quan để tạm nhập vào Việt Nam rồi phải làm thủ tục hải quan tái xuất qua cửa khẩu biên giới trong thời gian không quá 60 ngày mà không qua gia công chế biến, tiêu thụ tại Việt Nam.

3. Hàng quá cảnh:

Là hàng hóa của một nước ngoài mua hoặc bán cho một nước thứ 3 được vận chuyển quá cảnh qua biên giới Việt Nam thông qua doanh nghiệp của Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển.

4. Phụ phí:

Là những khoản tiền chủ hàng khi kinh doanh dịch vụ thương mại tạm nhập - tái xuất hoặc quá cảnh đóng góp cho ngân sách địa phương.

Điều 5. Giờ đóng mở cửa khẩu:

Là giờ làm việc hành chính theo quy định của Nhà nước.

- Mùa hè: Từ 7 giờ đến 17 giờ.

- Mùa đông: Từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ.

Khi có yêu cầu cần thiết việc đóng mở cửa khẩu phụ và giờ đóng mở cửa khẩu trên tuyến biên giới do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 6. Người, phương tiện xuất cảnh nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu phải đi qua đúng các cửa khẩu theo quy định của Quy chế này. Mọi hàng hóa phương tiện, con người không đi qua đúng các cửa khẩu, cửa khẩu phụ đều là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN QUẢN LÝ TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN NGÀNH CỬA KHẨU

Điều 7. Thành lập Trạm kiểm soát liên ngành quản lý cửa khẩu:

1. Trên các cửa khẩu và cửa khẩu phụ qua biên giới UBND tỉnh thành lập Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu gồm các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đối với người, hàng hóa, phương tiện qua biên giới được quy định trong bản quy chế này.

2. Trạm kiểm soát liên ngành các cửa khẩu do UBND tỉnh quyết định thành lập. Các ngành làm nhiệm vụ trong Trạm kiểm soát liên ngành quản lý các cửa khẩu thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, nhưng đặt dưới sự phân công điều hành trực tiếp của Trưởng liên ngành quản lý các cửa khẩu theo nội dung quy định tại quy chế này.

Điều 8. Chức năng của Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu:

Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu, và các loại thuế theo luật định, phí, lệ phí, phụ phí qua cửa khẩu, cửa khẩu phụ theo đúng quy định của pháp luật và các quy chế do UBND tỉnh Lào Cai ban hành.

Điều 9. Nhiệm vụ quyền hạn của Trạm kiểm soát liên ngành quản lý cửa khẩu:

1. Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới.

2. Cấp thông hành xuất nhập cảnh cho người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới.

3. Kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trong khu vực cửa khẩu.

4. Thu thuế xuất nhập khẩu, Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu và các loại thuế theo luật định, thu phí, lệ phí, phụ phí đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, dịch vụ qua cửa khẩu biên giới.

5. Đăng ký và làm thủ tục quản lý phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách, phương tiện công vụ qua cửa khẩu biên giới.

6. Xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại hối, tiền Việt Nam, tài liệu qua cửa khẩu biên giới.

8. Quản lý cơ sở vật chất làm việc của Trạm kiểm soát liên ngành quản lý cửa khẩu.

9. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan theo nghị định số 54/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 của Chính phủ.

10. Các lực lượng tham gia trạm kiểm soát liên ngành quản lý cửa khẩu làm việc theo nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, giải quyết thủ tục quản lý ngay tại trạm kiểm soát cửa khẩu một cách nhanh chóng, đúng quy định, tạo thuận lợi cho xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu phát triển. Mọi vướng mắc phát sinh trong khi giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên các cửa khẩu biên giới đặt dưới sự điều hành của Trưởng liên ngành quản lý cửa khẩu.

Điều 10. Tổ chức các Trạm kiểm soát liên ngành quản lý các cửa khẩu gồm các lực lượng như sau:

1. Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai gồm các thành viên thuộc các đơn vị:

- Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

- Công an quản lý xuất nhập cảnh.

- Bộ phận thuế.

- Kho bạc

- Bộ phận cấp giấy phép vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải Lào Cai.

2. Tại cửa khẩu Mường Khương gồm các thành viên thuộc các đơn vị:

- Hải quan cửa khẩu Mường Khương.

- Đồn biên phòng cửa khẩu Mường Khương.

- Trạm kiếm dịch y tế cửa khẩu Mường Khương.

- Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Mường Khương.

- Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu Mường Khương.

- Bộ phận quản lý xuất nhập cảnh Công an huyện Mường Khương.

- Bộ phận thuế.

- Bộ phận Kho bạc.

3. Tại cửa khẩu đường sắt ga liên vận quốc tế Lào Cai gồm các thành viên thuộc các đơn vị:

- Hải quan đường sắt ga liên vận quốc tế Lào Cai.

- Trạm biên phòng đường sắt Lào Cai.

- Trạm kiểm dịch y tế đường sắt.

- Trạm kiểm dịch thực vật đường sắt.

- Bộ phận Kho bạc.

4. Tại các cửa khẩu phụ gồm các thành viên thuộc các đơn vị:

- Lực lượng Hải quan tỉnh Lào Cai

- Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai.

Điều 11. Biên chế số lượng cán bộ chiến sĩ, nhân viên của các ngành tham gia quản lý liên ngành tại các cửa khẩu có số lượng thích hợp. Thủ trưởng các ngành có lực lượng tại Trạm kiểm soát liên ngành quản lý các cửa khẩu phải thống nhất số lượng và danh sách cán bộ chiến sĩ tham gia Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu. Trưởng liên ngành quản lý các cửa khẩu tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Điều 12. Nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát liên ngành các cửa khẩu:

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ thuộc Hải quan:

Trực tiếp được chỉ định làm Trưởng Trạm kiểm soát liên ngành, chịu trách nhiệm điều hành các lực lượng trong Trạm kiểm soát liên ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu theo đúng quy định của pháp luật và các Quy chế do UBND tỉnh ban hành.

- Chủ trì hoạt động chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại hối, tiền Việt Nam, tài liệu qua biên giới.

- Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tiến hành thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (đối với hàng nhập khẩu), thu phụ thu, lệ phí hải quan và phụ phí khác theo quy định của chính phủ và UBND tỉnh, nộp trực tiếp vào Kho bạc nhà nước đặt tại Trạm kiểm soát liên ngành.

- Quản lý mọi sinh hoạt và tổ chức của Trạm kiểm soát liên ngành, đảm bảo có nề nếp, thống nhất. Chủ trì giao ban hàng tuần, giao ban tháng với các lực lượng trực tiếp quản lý trong Trạm kiểm soát liên ngành, tổng hợp tình hình số liệu xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và kết quả công tác, kịp thời lập báo cáo gửi về UBND tỉnh.

- Trưởng liên ngành quản lý các cửa khẩu có quyền phát hiện, kiểm tra và tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ chiến sỹ, nhân viên của các ngành đang làm nhiệm vụ tại các Trạm kiểm soát liên ngành các cửa khẩu, cán bộ chiến sỹ các ngành vi phạm Quy chế kiểm tra kiểm soát phương tiện vận tải trong khu vực kinh tế cửa khẩu có hành vi tiêu cực sách nhiễu, vi phạm các quy chế quản lý khu kinh tế cửa khẩu của UBND tỉnh. Đồng thời thông báo cho thủ trưởng các ngành có cán bộ chiến sỹ, nhân viên vi phạm biết để xử lý theo phân cấp quản lý cán bộ và báo cáo về UBND tỉnh.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ đội biên phòng:

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng người xuất nhập cảnh theo đúng quy chế quản lý xuất nhập cảnh. Bảo đảm duy trì và giữ vững an ninh trật tự trong khu vực cửa khẩu.

- Phối hợp với lực lượng Hải quan để kiểm tra kiểm soát hàng hóa và phương tiện xuất nhập khẩu. Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu trong phạm vi khu vực cửa khẩu và thực hiện theo nội dung các quy chế quản lý khu kinh tế cửa khẩu do UBND tỉnh ban hành.

- Tổng hợp và cung cấp số liệu quản lý xuất nhập cảnh cho Trưởng trạm, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

3. Nhiệm vụ cụ thể của cán bộ thuộc đơn vị kiểm dịch y tế:

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh qua cửa khẩu, kiểm dịch y tế đối với phương tiện Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu.

- Kiểm dịch y tế đối với phương tiện vận tải của Việt Nam khi nhập cảnh từ nước ngoài về qua cửa khẩu, kiểm dịch hàng hóa là thực phẩm dược liệu, dược phẩm nhập khẩu (theo danh mục kiểm dịch do UBND tỉnh quy định cụ thể).

- Thu nộp các khoản phí theo quy định hiện hành.

4. Nhiệm vụ cụ thể của cán bộ thuộc đơn vị kiểm dịch thực vật:

- Kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu là thực vật như: các loại cây giống nhập khẩu, rau quả, các loại hạt, củ thực vật,

- Thu nộp các khoản phí theo quy định hiện hành.

5. Nhiệm vụ cụ thể của cán bộ thuộc đơn vị kiểm dịch động vật:

- Kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu là động vật, các loại con giống vật nuôi nhập khẩu, thịt gia súc, gia cầm đã giết mổ chưa qua chế biến.

- Thu nộp các khoản phí theo quy định hiện hành.

6. Nhiệm vụ cụ thể của các cán bộ thuộc đơn vị Công an quản lý xuất nhập cảnh:

- Cấp sổ thông hành cho các đối tượng xuất nhập cảnh theo quy định của quy chế quản lý xuất nhập cảnh do UBND tỉnh, Bộ công an ban hành. Việc cấp sổ thông hành xuất nhập cảnh phải được giải quyết ngay tại Trạm kiểm soát cửa khẩu.

- Cấp giấy phép, cấp thẻ du lịch cho công dân Trung Quốc ra ngoài khu kinh tế cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai.

- Phối hợp với các lực lượng trong trạm kiểm soát liên ngành nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

- Thu nộp lệ phí cấp sổ thông hành, thẻ du lịch theo quy định hiện hành.

7. Nhiệm vụ cụ thể của bộ phận thuế:

Thu các loại thuế theo quy định của pháp luật, thu lệ phí, phụ phí qua cửa khẩu đối với người, phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu và nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định của UBND tỉnh.

8. Nhiệm vụ cụ thể của bộ phận Kho bạc nhà nước:

Căn cứ vào biên lai thu thuế, phí, lệ phí, phụ phí do các ngành có chức năng quản lý cửa khẩu phát hành, trực tiếp thu tiền về các khoản thuế, phí, lệ phí, phụ phí vào kho bạc trong ngày.

9. Nhiệm vụ cụ thể của bộ phận cấp giấy phép vận tải (Sở Giao thông vận tải ở cửa khẩu Lào Cai):

Cấp phù hiệu cho xe Việt Nam sang Trung Quốc và cấp giấy phép cho xe Trung Quốc sang Việt Nam ra ngoài khu vực kinh tế cửa khẩu. Cấp phép đối với phương tiện vận tải thủy theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Quy chế này.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI

Điều 13. Các loại thuế, lệ phí, phụ phí, phụ thu tại cửa khẩu và cửa khẩu phụ:

1) Chủ hàng khi xuất nhập khẩu hàng hóa phải nộp cho các cơ quan quản lý tại các cửa khẩu, cửa khẩu phụ các loại thuế, lệ phí, phụ phí, phụ thu như sau:

1. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, và các loại thuế theo quy định của pháp luật.

2. Thuế trị giá gia tăng (đối với hàng hóa nhập khẩu)

3. Thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với hàng nhập khẩu)

4. Phụ thu.

5. Phụ phí.

6. Lệ phí hải quan.

7. Lệ phí kiểm dịch y tế.

8. Lệ phí kiểm dịch thực vật.

9. Lệ phí kiểm dịch động vật.

10. Lệ phí cấp sổ, giấy thông hành xuất nhập cảnh.

11. Lệ phí qua cầu biên giới của người và phương tiện.

2) Chủ hàng khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thương mại qua cửa khẩu chỉ phải nộp các loại thuế và phí (theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 quy chế này) ngoài ra không phải nộp bất kì các loại thuế và phí khác.

Điều 14. Thủ tục giải quyết khi thay đổi cửa khẩu đối với hàng tạm nhập - tái xuất, hàng quá cảnh.

1. Hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng quá cảnh khi thay đổi cửa khẩu xuất phải là lô hàng hợp pháp được Bộ Thương mại cấp giấy phép cho tạm nhập – tái xuất hoặc cho vận chuyển quá cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu Mường Khương nhưng do nguyên nhân khách quan chủ hàng xin thay đổi cửa khẩu để xuất lô hàng qua cửa khẩu phụ.

2. Khi muốn thay đổi cửa khẩu xuất do Bộ Thương mai đã ghi trong giấy phép, thì chủ hàng phải có công văn đề nghị UBND tỉnh. UBND tỉnh cấp giấy cho phép chủ hàng được thay đổi cửa khẩu xuất, quy định rõ thời gian và điều kiện giao hàng.

Điều 15. Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ vào bộ hồ sơ do chủ hàng xuất trình và giấy phép của UBND tỉnh về việc giải quyết lô hàng, kiểm tra hồ sơ nếu đủ điều kiện thì thông báo để UBND xã (phường) nơi có cửa khẩu phụ biết. Đồng thời chủ trì phối hợp cùng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, Công an tính (cảnh sát kinh tế) để phối hợp giải quyết cho hàng hóa tái xuất qua cửa khẩu phụ và thu phụ phí theo quy định. Kết thúc việc xuất các lô hàng nói trên lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát kinh tế cùng chủ hàng lập biên bản xác nhận hàng hóa thực xuất làm cơ sở để hoàn thành các thủ tục quản lý theo quy định.

Điều 16. Thu phụ phí hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh:

1. UBND tỉnh quy định cụ thể mức thu, đối tượng nộp, chế độ nộp phụ phí vào ngân sách và chế độ trích thưởng cho các lực lượng trực tiếp quản lý và làm việc ngoài giờ hành chính quản lý hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh ở các cửa khẩu phụ.

2. Giao cho Cục Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp quản lý thu, quyết toán các khoản phụ phí tạm nhập - tái xuất, quá cảnh qua các cửa khẩu phụ. Chủ hàng phải nộp các khoản phụ phí theo quy định của UBND tỉnh cho Cục Hải quan tỉnh trước khi hoàn thành thủ tục xuất hàng.

Chương IV

KIỂM TRA, KIÊM SOÁT, QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT NHẬP CẢNH QUA CỬA KHẨU BIÊN GIỚI VÀ TRONG KHU VỰC KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH LÀO CAI

Điều 17. Phương tiện xuất nhập cảnh phải đi qua đúng các cửa khẩu theo quy định của Quy chế này. Nếu không đi qua đúng các cửa khẩu, cửa khẩu phụ theo quy định tại Quy chế này đều là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 18. Quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới:

1. Các phương tiện vận tải của các thành phần kinh tế trong cả nước có đủ điều kiện lưu hành theo quy định của pháp luật, nếu có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, người đi du lịch qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai đều được phép xuất cảnh -

nhập cảnh để vận chuyển hàng hóa, người và hành lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh theo quy định của bản Quy chế này. Chủ phương tiện xuất nhập cảnh phải nộp các loại giấy tờ và phụ phí theo quy định.

2. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu hoặc lưu hành trong khu vực kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông, phải được Sở Giao thông vận tải Lào Cai cấp phù hiệu vận tải ô tô Quốc tế cho ô tô Việt Nam sang Trung Quốc và cấp giấy phép cho ô tô Trung Quốc vào Việt Nam khi ra ngoài khu vực kinh tế cửa khẩu, địa điểm cấp tại Trạm kiểm soát liên ngành, phải đi đúng tuyến đường, địa điểm quy định và bảo đảm trật tự trong khu vực bến bãi thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu.

Điều 19. Thủ tục quản lý đối với phương tiện xuất nhập cảnh:

1. Đối với ô tô Viêt Nam xuất, nhập cảnh:

a) Đối với ô tô vận chuyển hàng hóa xuất cảnh:

Chủ hàng và người điều khiển phương tiện phải xuất trình các giấy tờ sau đây cho Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu để kiểm tra và giải quyết cho phương tiện xuất cảnh nhập cảnh:

- Giấy phép lưu hành phương tiện.

- Giấy phép điều khiển phương tiện (bằng lái)

- Giấy bảo hiểm phương tiện.

- Sổ thông hành xuất nhập cảnh của người điều khiển phương tiện.

Sau khi kiểm tra xong thủ tục phương tiện xuất cảnh, người điều khiển phương tiện phải đăng ký theo mẫu tờ khai hải quan (HQ-60) quản lý tạm xuất - tái nhập và phải nộp:

- Giấy phép lưu hành phương tiện.

- Giấy bảo hiểm phương tiện.

- Lệ phí, phụ thu (nếu có) xuất cảnh của người và phương tiện.

b) Đối với ô tô chở khách du lịch hoặc xe công vụ xuất cảnh:

Trưởng đoàn du lịch hoặc cán bộ công vụ, người điều khiển phương tiện phải xuất trình với Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu các giấy tờ sau:

+ Giấy phép lưu hành phương tiện.

+ Giấy phép điều khiển phương tiện.

+ Giấy bảo hiểm phương tiện.

+ Sổ thông hành xuất nhập cảnh của người điều khiển phương tiện.

+ Sổ thông hành của hành khách du lịch.

+ Giấy phép của UBND tỉnh (đối với đoàn công vụ) được cử ra nước ngoài công tác.

* Sau khi kiểm tra xong thủ tục phương tiện xuất cảnh người điều khiển phương tiện phải đăng ký với Hải quan cửa khẩu theo mẫu tờ khai tạm xuất tái nhập và phải nộp tại Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu các loại giấy:

- Giấy phép lưu hành phương tiện.

- Giấy bảo hiểm phương tiện.

- Lệ phí, phụ thu (nếu có) xuất cảnh của người và phương tiện.

c) Đôid với ô tô Việt Nam nhập cảnh:

Người điều khiển phương tiện phải đưa phương tiện nhập cảnh vào bãi kiểm tra phương tiện tại cửa khẩu và chịu sự kiểm tra kiểm soát của Hải quan và Biên phòng cửa khẩu theo quy định và nhận lại các giấy tờ đã nộp tại Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu khi xuất cảnh.

2. Quản lý ô tô Trung Quốc nhập cảnh - xuất cảnh:

a) Đối với ô tô vận chuyển hàng hóa:

Xe ô tô Trung Quốc vận chuyển hàng hóa nhập cảnh vào cửa khẩu, người điều khiển phương tiện và chủ hàng phải đưa phương tiện vào bãi kiểm tra tại cửa khẩu. Hải quan, Biên phòng cửa khẩu phải tiến hành kiểm tra, kiểm soát phương tiện và hàng hóa Trung Quốc nhập cảnh. Hải quan phải hoàn thành thủ tục quản lý hàng hóa nhập khẩu ngay tại cửa khẩu, người điều khiển phương tiện phải nộp lệ phí nhập cảnh theo quy định.

- Nếu chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào địa điểm kiểm tra ngoài khu vực kiểm soát cửa khẩu thì chủ hàng và người điều khiển phương tiện phải đăng ký (như điều 18 khoản 2), khai báo với Hải quan cửa khẩu và phải nộp các loại giấy tờ:

+ Giấy phép lưu hành phương tiện.

+ Giấy bảo hiểm phương tiện.

+ Tờ khai hải quan quản lý tạm nhập phải tái xuất.

+ Lệ phí nhập cảnh của lái xe và phương tiện.

+ Giấy phép vào Việt Nam.

Hải quan chủ trì cùng Biên phòng cửa khẩu giám hộ phương tiện, hàng hóa, lái xe kể từ khi ô tô Trung Quốc tạm nhập vào cửa khẩu cho đến khi ô tô Trung Quốc tái xuất qua cửa khẩu.

- Trường hợp ô tô Trung Quốc lưu lại tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai qua đêm vì lý do khách quan thì người điều khiển phương tiện phải đăng ký khai báo với Hải quan và Biên phòng cửa khẩu trước giờ đóng cửa khẩu 30 phút.

Khi xe ô tô Trung quốc xuất cảnh, người điều khiển phương tiện nhận lại các giấy tờ đã nộp cho Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu khi nhập cảnh.

b) Đối với ô tô chở khách du lịch:

Xe ô tô Trung Quốc vận chuyển hành khách du lịch vào khu vực cửa khẩu thì người trưởng đoàn du lịch và người điều khiển phương tiện phải làm thủ tục nhập cảnh theo quy định tại quy chế này. Công ty du lịch (đơn vị đón đưa khách) chịu trách nhiệm đón, đưa khách du lịch theo quy chế quản lý du lịch do UBND tỉnh ban hành. Người điều khiển phương tiện và khách du lịch chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan, Bộ đội biên phòng cửa khẩu theo quy định quản lý xuất, nhập cảnh.

3. Đối với xe công vụ:

Xe công vụ là xe của các cơ quan có chức năng quản lý cửa khẩu, cơ quan ngoại vụ và những cơ quan khác khi công tác qua cửa khẩu biên giới phải được UBND tỉnh xét và cấp giấy phép tạm xuất - tái nhập theo từng chuyến để chở người thực hiện nhiệm vụ xuất cảnh, nhập cảnh. Người điều khiển phương tiện phải làm đầy đủ thủ tục quy định tại quy chế này và mở tờ khai hải quan cho phương tiện tạm xuất tái nhập theo quy định của pháp luật.

4. Đối với phương tiện vận tải đường thủy:

Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xét và cấp phép cho phương tiện vận tải qua sông biên giới tại các cửa khẩu phụ để vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Thuyền vận tải của Việt Nam và của Trung Quốc chỉ được hoạt động trong phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (phạm vi cụ thể do Bộ đội biên phòng xác định).

5. Đối với tàu liên vận:

Quản lý và giải quyết thủ tục thực hiện theo quy chế ban hành kèm theo quyết định số 127/QĐ-UB ngày 11/7/1996 của UBND tỉnh Lào Cai về việc quy định tạm thời hoạt động kiểm soát liên ngành tại Ga liên vận quốc tế Lào Cai.

Điều 20. Kiểm tra, kiểm soát, dừng phương tiện trong khu vực kinh tế cửa khẩu:

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh hoặc nhập cảnh cơ quan Hải quan và Bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm quản lý và kiểm tra kiểm soát ngay tại cửa khẩu.

2. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Hải quan, Quản lý thị trường, thuế vụ không được dừng phương tiện vận tải để kiểm tra trong khu vực kinh tế cửa khẩu (trừ trường hợp chủ phương tiện, chủ hàng phạm tội quả tang). Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông có nhiệm vụ phối hợp duy trì trật tự an toàn giao thông tại các khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Điều 21. Ban Ngoại vụ và biên giới chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Cục Hải quan và Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh để đàm phán với cơ quan Ngoại vụ và các cơ quan tương ứng của Hà khẩu (Trung quốc) để giải quyết những vướng mắc về thủ tục quản lý xuất nhập cảnh phương tiện của hai bên qua cửa khẩu biên giới theo đúng nội dung Quy chế này.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

Cán bộ chiến sĩ, nhân viên các ngành quản lý cửa khẩu biên giới có thành tích và các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nội dung quy chế này sẽ được khen thưởng. Mọi hành vi vi phạm quy chế, cán bộ chiến sĩ nhân viên các ngành quản lý cửa khẩu cửa quyền sách nhiễu làm trái các quy định, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Điều 23. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã biên giới nơi có cửa khẩu và cửa khẩu phụ hàng tháng phải chủ trì họp liên ngành quản lý cửa khẩu để nắm tình hình và kết quả hoạt động của Trạm kiểm soát liên ngành quản lý cửa khẩu trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan tỉnh và các ngành chức năng trong việc tổ chức lực lượng quản lý cửa khẩu và đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới.

Điều 24. Cục Hải quan tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ban Ngoại vụ biên giới, UBND các huyện, thị xã biên giới và các ngành chức năng để tổ chức thực hiện Quy chế này và chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu tình hình kết quả quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thu thuế và phí qua cửa khẩu biên giới báo cáo thường kỳ theo quy định với UBND tỉnh.

Điều 25. Các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với nội dung bản Quy chế này đều bãi bỏ, quá trình thực hiện có điều nào cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp, yêu cầu các ngành quản lý cửa khẩu biên giới báo cáo bằng văn bản gửi về Cục Hải quan tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định.