Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 256-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1975 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ TẬP SỰ ĐỐI VỚI HỌC SINH TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Từ năm 1959 đến nay, chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã được bổ sung, sửa đổi nhiều lần, nhưng vẫn còn một số điểm chưa hợp lý; mặt khác một số ngành cũng chưa quy định cụ thể về nội dung tập sự cho thích hợp, về tổ chức hướng dẫn tập sự, đánh giá kết quả tập sự, để có cơ sở giao việc đúng năng lực của từng người tập sự.

Để khắc phục những thiếu sót nói trên, căn cứ vào nghị quyết số 211-CP ngày 25-11-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc cải tiến công tác bố trí và sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật.

Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC TẬP SỰ

1. Tập sự là một khâu quan trọng, kế tiếp và hoàn chỉnh quá trình đào tạo ở nhà trường, có tính chất bắt buộc đối với học sinh tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp ở trong nước và ở ngoài nước về, được Nhà nước phân phối công tác ở các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh và ở khu vực tập thể.

Cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân chuyên ngành, thanh niên xung phong (đã hoàn thành nghĩa vụ và đủ thâm niên công tác) được chọn đi đào tạo, bồi dưỡng đúng ngành nghề đã làm và sau khi tốt nghiệp được bố trí đúng ngành nghề đã học thì được xét miễn chế độ tập sự.

2. Mục đích và yêu cầu của chế độ tập sự là:

a) Giúp cho học sinh mới tốt nghiệp làm những công việc của chức nghiệp được đào tạo. Thông qua đó mà trau dồi kỹ năng lao động nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công tác, và bồi dưỡng thêm về chính trị và tư tưởng, để có thể chính thức đảm nhiệm và làm tốt chức nghiệp được giao.

b) Giúp cho cơ quan tiếp nhận và trực tiếp quản lý học sinh mới tốt nghiệp có điều kiện tìm hiểu và đánh giá đúng năng lực của anh chị em trước khi chính thức được giao việc.

II. NỘI DUNG TẬP SỰ, TỔ CHỨC TẬP SỰ  VÀ THỜI GIAN TẬP SỰ

1. Nội dung tập sự bao gồm:

a) Tập làm những công việc của chức nghiệp đã được đào tạo;

b) Tìm hiểu một cách hệ thống về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ngành và của cơ quan được phân công đến tập sự, về chế độ làm việc của cơ quan và chế độ trách nhiệm của phần việc được phân công.

2. Tổ chức tập sự:

Cơ quan có người tập sự phải làm những công việc sau đây:

a) Căn cứ theo sự hướng dẫn của cấp trên, xây dựng kế hoạch tập sự gồm toàn bộ các khâu công tác mà người tập sự phải làm, thời gian tập sự cho từng khâu công tác, và những biện pháp bảo đảm kết quả tập sự.

b) Phổ biến cho người tập sự nắm vững mục đích, yêu cầu và nội dung tập sự; chỉ định và phân công người hướng dẫn tập sự, đánh giá và công nhận kết quả tập sự

c) Cử những người có đủ tiêu chuẩn (công nhân có tay nghề hoặc cán bộ có trình độ và kinh nghiệm khá về nghề nghiệp) để hướng dẫn người tập sự. Nên có người hướng dẫn tập sự chung và người hướng dẫn tập sự riêng từng khâu công tác. Người hướng dẫn tập sự căn cứ vào yêu cầu và nội dung tập sự, có trách nhiệm truyền lại cho người tập sự những kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng lao động nghề nghiệp và phong cách lao động cần thiết để làm tốt công tác được giao. Sau mỗi khâu công tác, cần có nhận xét kết quả tập sự và rút kinh nghiệm việc hướng dẫn. Nếu có khâu nào tập sự chưa tốt thì phải tiếp tục hướng dẫn người tập sự cho đến khi làm được tốt. Tập sự xong các khâu công tác ghi trong kế hoạch tập sự, người tập sự phải làm báo cáo kết quả tập sự có kèm theo nhận xét của những người hướng dẫn tập sự.

d) Việc đánh giá kết quả tập sự phải rất nghiêm túc, theo đúng sự hướng dẫn của Bộ Lao động và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Để làm tốt việc đánh giá và công nhận kết quả tập sự, cơ quan có người tập sự cần thành lập Hội đồng xét duyệt tập sự do thủ trưởng cơ quan làm chủ tịch.

3. Thời gian tập sự

a) Thời gian tập sự tính từ ngày người tập sự đến nhận việc ở nơi tập sự

Học sinh tốt nghiệp đại học tập sự 24 tháng.

Học sinh tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp tập sự 18 tháng.

Đối với học sinh tốt nghiệp được bố trí công tác tạm thời thì thời gian công tác tạm thời đó được tính vào thời gian tập sự.

b) Thời gian tập sự có thể rút ngắn hay kéo dài trong những trường hợp sau đây:

- Người tập sự đạt yêu cầu về tập sự trước thời gian đã quy định, có thể được chính thức giao việc sớm hơn, nhưng ít nhất cũng phải tập sự được 2/3 thời gian đó;

- Học sinh tốt nghiệp người miền xuôi được phân phối công tác ở miền núi,các vùng kinh tế mới (trung du, miền núi) ở các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, được rút ngắn 1/3 thời gian tập sự (quyết định số 292-CP ngày 31-12-1974 của Hội đồng Chính phủ);

- Hết thời hạn tập sự, nếu người tập sự không đạt yêu cầu thì được phép kéo dài thêm thời gian tập sự; thời gian kéo dài này không được vượt quá thời gian tập sự nói trên. Nếu qua thời gian kéo dài mà vẫn không đạt yêu cầu thì người tập sự được đưa xuống làm công việc thấp hơn và hưởng mức lương theo công việc được bố trí.

c) Cơ quan có thẩm quyền quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian tập sự ở trung ương là các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và ở các địa phương là các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu tự trị trực thuộc trung ương.

III. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI TẬP SỰ

1. Trong thời gian tập sự, học sinh tốt nghiệp được hưởng lương như sau:

a) 85% bậc lương khởi điểm của chức nghiệp được đào tạo nếu nguyên là học sinh phổ thông;

b) 10% bậc lương khởi điểm của chức nghiệp được đào tạo nếu là cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân chuyển ngành, thanh niên xung phong được chọn đi học. Trong trường hợp mức lương trước khi đi học cao hơn mức lương khởi điểm của chức nghiệp được đào tạo thì được hưởng mức lương như cũ.

c) 100% bậc lương khởi điểm của chức nghiệp được đào tạo nếu được phân phối về tập sự ở các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, ở miền núi, ở các vùng kinh tế mới (trung du, miền núi).

2. Những người tập sự ở vùng cao được hưởng mọi chế độ ưu đãi như cán bộ y tế, giáo dục công tác ở vùng cao được quy định trong các văn bản của Nhà nước.

Những người tập sự ở các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, ngoài việc được hưởng những quyền lợi của hợp tác xã như các xã viên khác, còn được hưởng mọi quyền lợi như những người tập sự ở khu vực Nhà nước.

Những người tập sự ở các hợp tác xã nông nghiệp được Nhà nước cấp một bộ quần áo lao động và vải ni lông đi mưa dùng trong 2 năm.

3. Sau thời gian tập sự, người tập sự chịu sự điều động, phân phối của Nhà nước thì được tuyển dụng vào biên chế.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với quyết định này

2. Chậm nhất là 3 tháng sau khi quyết định này ban hành, các Bộ, Ủy ban Nhà nước và Tổng cục cần xây dựng xong và ban hành bản hướng dẫn về chế độ tập sự của ngành mình, sau khi đã bàn bạc nhất trí với Bộ Lao động và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

3. Bộ Lao động, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Ban tổ chức của Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các ngành, các cấp thi hành quyết định này.

 

 

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 

Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 256-TTg năm 1975 về chế độ tập sự đối với học sinh tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 256-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/1975
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/07/1975
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 30/07/1975
  • Ngày hết hiệu lực: 02/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản