Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2553/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 30 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tại Công văn số 187/BDT ngày 23 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017-2020 với những nội dung sau:

1. Đối tượng: Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất, có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

2. Phạm vi áp dụng

Chính sách này được thực hiện ở các xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh (được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ).

3. Nội dung đầu tư

3.1. Số lượng đầu tư

- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở: 1.033 hộ;

- Số hộ thiếu đất sản xuất: 2.302 hộ;

- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt: 2.116 hộ.

3.2. Nhu cầu kinh phí đầu tư

Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư: 60.740,3 triệu đồng, cụ thể:

- Ngân sách Trung ương: 49.984 triệu đồng;

- Ngân sách tỉnh: 10.756,3 triệu đồng;

3.3. Phân kỳ đầu tư

- Năm 2018: Tổng số 33.830 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách địa phương: 5.700 triệu đồng;

+ Ngân sách Trung ương: 28.130 triệu đồng.

- Năm 2019: Tổng số 25.920 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách địa phương: 4.920 triệu đồng;

+ Ngân sách Trung ương: 21.000 triệu đồng.

- Năm 2020: Tổng số 990,3 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách địa phương: 136,3 triệu đồng;

+ Ngân sách Trung ương: 854 triệu đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đắc Tài

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tổng diện tích tự nhiên 5.218 km2; phía Bắc giáp với tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Đông giáp biển Đông.

Triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

Phần I

MỞ ĐẦU

I. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Tỉnh Khánh Hòa có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 140 đơn vị hành chính cấp xã và 971 đơn vị hành chính cấp thôn. Toàn tỉnh hiện có 16 xã thuộc khu vực III, 29 xã thuộc khu vực II, 06 xã thuộc khu vực I; 65 thôn được công nhận là thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020).

Dân số toàn tỉnh có 1.234.381 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có 71.575 người sống tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã thuộc vùng dân tộc và miền núi của tỉnh; số còn lại sống rải rác ở các xã, thị trấn đồng bằng (theo báo cáo tại thời điểm tháng 3 năm 2017 của các huyện, thị xã, thành phố).

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống đồng bào DTTS và các hộ nghèo ở miền núi; đến năm 2010, tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành công tác định canh định cư, đến nay không còn hộ du canh, du cư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong tỉnh vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch về mức sống của người dân vùng miền núi và đồng bằng còn khá xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS và hộ người Kinh nghèo còn thiếu đất ở, đất sản xuất so với định mức chung của tỉnh (do tách hộ) chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Các công trình nước sinh hoạt tập trung đầu tư trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi bước đầu đã giải quyết được nhu cầu bức xúc về nước sinh hoạt cho người dân nhưng đến nay, qua nhiều năm sử dụng đã bị hư hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng; đa số giếng đào bị nhiễm phèn hoặc bị hết nước vào mùa khô... dẫn đến không đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ là thực sự cần thiết nhằm giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

II. Các căn cứ để xây dựng Đề án

- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo;

- Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

- Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa quy định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

- Căn cứ vào kết quả rà soát các đối tượng là hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt so với mức bình quân chung của tỉnh và nhu cầu giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của các hộ trên địa bàn tỉnh.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu đến năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 11 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 với một số mục tiêu phấn đấu cơ bản đến năm 2020 như sau:

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân hàng năm từ 5% - 6%;

- Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt trên 12 triệu đồng/người/năm;

- 70% số xã miền núi đạt tiêu chí nông thôn về giao thông;

- Tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đến năm 2020 đạt khoảng 40%, tập trung ưu tiên cho đối tượng thanh niên và đào tạo các nghề phi nông nghiệp;

- Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt trên 94%;

- Tỷ lệ trẻ em DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%;

- Tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt trên 92%;

- Tỷ lệ dân số miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%;

- Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%;

- Trên 40% hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân hàng năm từ 5% - 6%;

- Giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 85% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn;

- Tạo điều kiện thuận lợi để hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.

II. Đối tượng, phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện

1. Đối tượng

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức bình quân chung do UBND tỉnh quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Thời điểm xác định hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách: Tháng 3 năm 2017.

2. Phạm vi áp dụng

Chính sách này được thực hiện ở các xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh (được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ).

3. Thời gian thực hiện: 03 năm (2018-2020).

III. Định mức hỗ trợ

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa quy định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nội dung và mức đầu tư hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ đất ở

- Định mức hỗ trợ đất ở là 200 m2/hộ.

- Kinh phí hỗ trợ: Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt để xây dựng dự án giải quyết đất ở cho các đối tượng chưa có đất ở trên địa bàn bằng nguồn ngân sách địa phương.

2. Hỗ trợ đất sản xuất

2.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:

- Định mức giao đất sản xuất: Theo mức quy định tại Quyết định số 3045/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa, định mức giao đất sản xuất chuyên trồng lúa nước không quá 0,15 ha/hộ, đất trồng lúa nước còn lại không quá 0,25 ha/hộ, đất trồng lúa nương hoặc cây hàng năm khác không quá 0,25 ha/hộ, đất trồng cây lâu năm không quá 0,5 ha/hộ, đất nuôi trồng thủy sản không quá 0,5 ha/hộ, đất sản xuất lâm nghiệp không quá 01 ha/hộ.

- Định mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ bằng tiền tối đa 05 triệu đồng/hộ từ ngân sách Trung ương và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.

3. Hỗ trợ nước sinh hoạt

Hộ DTTS nghèo; hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh hoạt được ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

4. Chi phí quản lý

Chi phí quản lý được tính bằng 3% tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán để chi cho việc tổ chức triển khai lập đề án; quản lý, kiểm tra, sơ kết, tổng kết... trong quá trình thực hiện chính sách ở địa phương.

Phân bổ kinh phí quản lý: Tổng số 3%, trong đó cấp tỉnh 1%, cấp huyện 1%, cấp xã 1% ứng với tổng vốn đầu tư của từng địa phương.

IV. Nhu cầu đầu tư của Đề án

1. Số lượng đầu tư

Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng của tỉnh, số đối tượng có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 trong tỉnh như sau:

1.1. Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở: 1.033 hộ.

1.2. Số hộ thiếu đất sản xuất: 2.302 hộ; trong đó:

- Nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: 2.044 hộ.

- Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề: 258 hộ.

1.3. Số hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt: 2.116 hộ.

2. Nhu cầu kinh phí đầu tư

2.1. Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư: 60.740,3 triệu đồng, cụ thể:

- Ngân sách Trung ương: 49.984 triệu đồng.

Trong đó:         + Vốn cấp: 35.124 triệu đồng;

                       + Vốn vay: 14.860 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh: 10.756,3 triệu đồng.

Trong đó:         + Hỗ trợ đất ở: 9.420 triệu đồng;

                       + Chi phí quản lý: 1.336,3 triệu đồng.

2.2. Nội dung đầu tư:

- Hỗ trợ đất ở: 1.033 hộ, diện tích 55,5 ha, kinh phí 9.420 triệu đồng; nguồn ngân sách của tỉnh.

- Hỗ trợ đất sản xuất: 2.044 hộ, diện tích 1.044 ha, kinh phí 41.680 triệu đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ, bao gồm:

+ Vốn cấp: 30.660 triệu đồng;

+ Vốn vay: 11.020 triệu đồng.

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 258 hộ, kinh phí 5.130 triệu đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ, bao gồm:

+ Vốn cấp: 1.290 triệu đồng;

+ Vốn vay: 3.840 triệu đồng.

- Nước sinh hoạt phân tán: 2.116 hộ, kinh phí 3.174 triệu đồng, bằng nguồn ngân sách Trung ương.

- Chi phí quản lý: 1.336,3 triệu đồng; tính bằng 3% tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi ngành nghề; không tính chi phí quản lý cho nguồn vốn vay.

Phân bổ kinh phí quản lý: Tổng số 3%, trong đó cấp tỉnh 1%, cấp huyện 1%, cấp xã 1% ứng với tổng vốn đầu tư của từng địa phương.

(Chi tiết xem Phụ biểu đính kèm theo).

3. Phân kỳ đầu tư

Thời gian triển khai thực hiện Đề án trong 03 năm, tổng nhu cầu kinh phí đầu tư là 60.740,3 triệu đồng; căn cứ vào tiến độ thực hiện để phân kỳ vốn đầu tư như sau:

3.1. Năm 2018: Tổng số 33.830 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách địa phương: 5.700 triệu đồng, gồm:

+ Hỗ trợ đất ở: 5.000 triệu đồng;

+ Chi phí quản lý: 700 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 28.130 triệu đồng, gồm:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 21.000 triệu đồng;

+ Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 5.130 triệu đồng;

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 2.000 triệu đồng.

3.2. Năm 2019: Tổng số 25.920 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách địa phương: 4.920 triệu đồng, gồm:

+ Hỗ trợ đất ở: 4.420 triệu đồng;

+ Chi phí quản lý: 500 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 21.000 triệu đồng, gồm:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 20.000 triệu đồng;

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 1.000 triệu đồng.

3.3. Năm 2020: Tổng số 990,3 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách địa phương: 136,3 triệu đồng, gồm:

+ Chi phí quản lý: 136,3 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 854 triệu đồng, gồm:

+ Hỗ trợ đất sản xuất: 680 triệu đồng;

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt: 174 triệu đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan có nhiệm vụ:

- Hàng năm, căn cứ Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng dự toán kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ và kinh phí của tỉnh để thực hiện các nội dung của chính sách.

- Tổng hợp danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề báo cáo UBND tỉnh để giao cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhu cầu vốn thực hiện chính sách theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn và kinh phí thực hiện chính sách theo tiến độ; chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn việc cấp vốn, sử dụng vốn theo đúng quy định hiện hành.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh thu hồi diện tích đất sản xuất từ các nông, lâm trường... để giải quyết đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thiếu đất trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án giải quyết đất sản xuất cho các hộ thiếu đất thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn.

- Chỉ đạo các công ty lâm nghiệp và các Ban quản lý rừng phối hợp cùng với các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện tốt chủ trương bóc, tách đất sản xuất giao cho đối tượng hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo thiếu đất sản xuất trong tỉnh.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề để chuyển đổi nghề cho đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định.

7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay vốn; xây dựng kế hoạch kinh phí cho vay theo nhu cầu và tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện): Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn.

- Tổng hợp, phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn trên địa bàn huyện làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn huyện gửi Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp.

- Lồng ghép nguồn vốn đầu tư các chương trình, dự án và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện các nội dung chính sách trên địa bàn.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn theo định kỳ 6 tháng (trước ngày 10 tháng 6) và cả năm (trước ngày 10 tháng 12) về UBND tỉnh, đồng gửi Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo các bộ, ngành theo quy định.

9. UBND các xã, phường, thị trấn

- Thông báo cho nhân dân về chính sách và đối tượng được hưởng, mức hỗ trợ... bằng các hình thức: Trên các đài truyền thanh, tổ chức cuộc họp, thông báo tại UBND xã... để mọi người biết, chủ động thực hiện.

- Chịu trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ trong việc bình xét các hộ được thụ hưởng chính sách; hàng năm xây dựng kế hoạch, lập danh sách chi tiết hộ gia đình đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn trên địa bàn gửi UBND cấp huyện tổng hợp, phê duyệt.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tại địa phương.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ: 6 tháng và cả năm về UBND cấp huyện theo quy định./.

 

TỔNG HỢP NHU CẦU THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Số TT

Tên huyện, thị xã, thành phố

Tổng số hộ được hưởng chính sách

Tổng vốn giai đoạn 2018 - 2020 (NSTW) (trđ)

Tổng vốn vay (trđ)

Đất ở

Đất sản xuất

Nước sinh hoạt

Chi phí quản lý (trđ)

Vốn ngân sách địa phương tự đảm bảo (trđ)

Số hộ

Diện tích (ha)

Vốn hỗ trợ từ NSĐP (trđ)

Hỗ trợ đất sản xuất

Hỗ trợ chuyển đổi nghề

Số hộ

Vốn hỗ trợ (trđ)

Số hộ

Diện tích (ha)

Vốn hỗ trợ (trđ)

Vốn vay (trđ)

Số hộ

Vốn hỗ trợ (trđ)

Vốn vay (trđ)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

1

Huyện Khánh Vĩnh

2.480

17.992,5

4.785

388

4,8

3.880

1.107

561

16.605

4.785

 

 

 

925

1.387,5

656,2

4.536,2

2

Huyện Khánh Sơn

955

3.715,5

2.685

89

17,8

890

179

89,5

2.685

2.685

 

 

 

687

1.030,5

138,2

1.028,2

3

Thị xã Ninh Hòa

205

3.075

 

 

 

 

205

194

3.075

 

 

 

 

 

 

92,3

92,3

4

TP.Cam Ranh

248

2.425

300

248

5

2.480

155

77,5

2.325

 

20

100

300

 

 

147,2

2.627,2

5

Huyện Cam Lâm

673

5.836

3.220

171

25,2

800

376

119,9

5.640

3.220

2

10

 

124

186

199,1

999,1

6

Huyện Vạn Ninh

236

1.534

3.540

95

1,9

950

 

 

 

 

236

1.180

3.540

236

354

74,5

1.024,5

7

Huyện Diên Khánh

208

546

330

42

0,8

420

22

2,2

330

330

 

 

 

144

216

29

449

 

TOÀN TỈNH

5.005

35.124

14.860

1.033

55,5

9.420

2.044

1.044

30.660

11.020

258

1.290

3.840

2.116

3.174

1.336,3

10.756,3