Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 250/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2010 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công chứng số 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
XÂY DỰNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong thời gian qua, hoạt động công chứng ở nước ta đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Công chứng với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện cho việc phát triển công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Qua hai năm thực hiện Luật Công chứng, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã được xã hội đón nhận với nhiều dấu hiệu tích cực. Số lượng tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đã có sự phát triển, tăng nhanh về số lượng. Theo con số thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trong cả nước hiện có 244 tổ chức hành nghề công chứng so với số lượng 129 tổ chức hành nghề công chứng trước thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực, trong đó có 131 Phòng công chứng và 113 Văn phòng công chứng và hơn 600 công chứng viên, trong đó có 410 công chứng viên của các Phòng Công chứng và khoảng 200 công chứng viên của Văn phòng công chứng được bổ nhiệm trong vòng hai năm trở lại đây.
Các tổ chức hành nghề công chứng có điều kiện phát triển, đã giảm áp lực lên bộ máy nhà nước. Các Văn phòng công chứng được thành lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng. Hoạt động công chứng đã trở nên thuận tiện và chuyên nghiệp hơn. Trước chủ trương xã hội hóa, nhiều Phòng công chứng, Văn phòng công chứng đã có sự đổi mới, xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Một số Văn phòng công chứng hoạt động tốt, tạo được niềm tin cho nhân dân. Nhân dân có nhiều sự lựa chọn trong việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, họ có thể đến công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng tùy thuộc vào nhu cầu. Thực tế hoạt động công chứng thời gian qua đã chứng minh, chủ trương xã hội hóa công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh loại hình dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp này.
Việc tách bạch giữa công chứng và chứng thực đã tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng tập trung thực hiện đúng chức năng của mình, hoạt động chứng nhận các hợp đồng, giao dịch đã dần được tăng cường tính an toàn pháp lý bằng chủ trương từng bước chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay cũng còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa có quy hoạch tổng thể, hợp lý trên cả nước và trên từng địa phương. Qua 2 năm thực hiện Luật Công chứng, hiện mới chỉ có 28 địa phương trên cả nước có Văn phòng công chứng, trong đó riêng Hà Nội có 42 Văn phòng, thành phố Hồ Chí Minh có 12 Văn phòng, số tỉnh còn lại có từ 1 đến 3 Văn phòng. Do thiếu quy hoạch hợp lý nên sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn mang nặng tính “tự phát” chưa có sự điều tiết của Nhà nước. Hiện có tình trạng trái ngược trong phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa phương. Có địa phương cho phép thành lập các Văn phòng công chứng một cách tùy tiện, phát triển nóng, phân bố không hợp lý các tổ chức hành nghề công chứng. Có những tỉnh, thành phố trên địa bàn một quận, huyện có tới 9-10 tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Một số địa phương lại chưa quan tâm đến chủ trương xã hội hóa công chứng hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này, nên chưa có chính sách phát triển các Văn phòng công chứng.
Nhìn chung, mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đa số còn rất mỏng, phân bố không hợp lý, chưa đáp ứng được mục đích xã hội hóa công chứng và chưa có điều kiện để chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch của người dân.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện tách bạch giữa công chứng và chứng thực theo quy định của Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn.
Sau khi Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực, toàn bộ công tác chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký đã được chuyển sang cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; các tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt thực hiện chứng thực bản sao, trong khi đó, việc chuyển giao hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi công chứng sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp nhiều khó khăn, một phần do vấn đề nhận thức hoặc thực hiện chưa tốt, phần khác do thiếu quy hoạch và định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến tình trạng ở một số nơi, công tác chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp xã quá tải, trong khi đó, lượng việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng lại ít, nên cá biệt đã có một số Phòng công chứng phải giải thể, sự phát triển các Văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa ở nhiều địa phương còn chậm.
Thứ ba, nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và toàn xã hội về tính chất, tầm quan trọng của hoạt động công chứng trong bảo đảm an toàn giao dịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung còn chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân chưa phân biệt được tính chất của hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của công chứng đối với việc chứng nhận các hợp đồng giao dịch, tư duy pháp lý còn đơn giản, nên khi thực hiện chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang chứng nhận sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Luật Công chứng nhiều nơi thực hiện hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Thứ tư, hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn bất cập. Hiện tượng buông lỏng quản lý nhà nước hoặc quản lý nhà nước chưa theo kịp tình hình mới đã dẫn đến việc phát sinh những hiện tượng tiêu cực, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng không được chỉnh đốn kịp thời. Công tác quản lý nhà nước chưa gắn với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nghề công chứng. Hệ thống pháp luật liên quan đến công chứng chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đầy đủ.
Về bản chất, hoạt động công chứng là một hoạt động mang tính công quyền của Nhà nước, công chứng là hoạt động được Nhà nước ủy quyền để chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch. Công chứng tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phòng ngừa rủi ro, tranh chấp hoặc khi có rủi ro, tranh chấp xảy ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào hình thức chứng nhận của công chứng để chứng minh sự thật, lấy đó làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc tranh chấp. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, tăng cường tham gia các khu vực mậu dịch tự do trên thế giới thì nhu cầu công chứng càng trở nên bức thiết đối với người dân và doanh nghiệp. Xét trên góc độ xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì công chứng vừa là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, vừa là công cụ quản lý, vừa là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các hoạt động tư pháp và là một trong những điều kiện cơ bản góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ. Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước pháp luật và trước các bên tham gia giao dịch trong việc thực hiện việc công chứng các hợp đồng, giao dịch và phải chịu trách nhiệm pháp lý suốt đời đối với những giao dịch, hợp đồng mà mình chứng nhận.
Với vai trò, chức năng đặc biệt như vậy nên hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng phải mang tính ổn định và phát triển bền vững rất cao. Không giống như sự phát triển của các mô hình dịch vụ công khác, sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng cần có sự điều tiết, phân bổ và kiểm soát trong một Quy hoạch tổng thể, nhất là trong bối cảnh hoạt động công chứng đã được xã hội hóa. Trong điều kiện đó, rất cần thiết có Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở tầm quốc gia để bảo đảm các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập và phân bố một cách hợp lý, đáp ứng các yêu cầu công chứng của nhân dân một cách đầy đủ và thuận tiện, hạn chế việc các tổ chức hành nghề công chứng thành lập rồi giải thể tràn lan, hoặc phân bố không hợp lý, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm uy tín của một hoạt động có tính chất công quyền của nhà nước, không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, xét trên cả phương diện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuất phát từ bản chất hoạt động công chứng và thực tiễn thực hiện Luật Công chứng trong thời gian qua, thì việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 với tầm nhìn xa hơn cho những năm tiếp theo là một nhu cầu hết sức cấp bách để quản lý, điều tiết sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng. Đặc biệt là theo dự báo thì trong những năm tới, nhu cầu công chứng sẽ có sự phát triển “bùng nổ” ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của thị trường vốn, thị trường giao dịch bất động sản và việc thực hiện chủ trương chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân sang tổ chức hành nghề công chứng theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Trong bối cảnh đó, nếu không có sớm có Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng sẽ dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động công chứng, có thể gây ra những rủi ro cho hoạt động của thị trường giao dịch, nhất là đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ở nhiều nước theo mô hình công chứng La tinh (như Pháp) đều có quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng để điều tiết, phân bố các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn.
Trong Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể phát triển nghề công chứng đến năm 2020. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam là một công việc rất khó. Để xây dựng được Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng ở tầm quốc gia, cần tiến hành nhiều hoạt động và có đủ các điều kiện cần thiết, với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương cũng như cần thiết phải có sự phối hợp liên ngành trên cơ sở các quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng của tất cả các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các địa phương hiện nay chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Đã có 34/63 địa phương ban hành Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng, tuy nhiên, mỗi Đề án được xây dựng một kiểu, đa phần chưa phải là Đề án có tính quy hoạch cho việc phát triển, điều tiết việc thành lập và phân bố các tổ chức hành nghề công chứng ở từng địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng và phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020” với nội dung chủ yếu là đề ra các hoạt động và giải pháp cần thiết để xây dựng được Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam là rất cần thiết.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là có đóng góp ý kiến của các chuyên gia Pháp về công chứng để thảo luận và thống nhất về những nội dung cơ bản của Đề án. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Tư pháp đã hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ.
1. Mục tiêu của Đề án:
Hình thành, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 làm cơ sở cho việc phát triển mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bố hợp lý trên cả nước, đáp ứng nhu cầu công chứng toàn bộ các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
2. Quan điểm xây dựng Quy hoạch
a) Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Tư pháp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu công chứng ngày càng tăng của cá nhân, tổ chức, bảo đảm công chứng là hoạt động mang tính dịch vụ công; tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của hội nhập, đồng thời bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, an toàn pháp lý cho các giao dịch góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
b) Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên cơ sở xác định công chứng là một dịch vụ công đặc biệt, tổ chức và hoạt động công chứng cần có tính ổn định và bền vững cao, cần sự quản lý, định hướng và điều tiết chặt chẽ của Nhà nước.
c) Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, khả thi. Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi toàn quốc cần được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở từng địa phương đã được xây dựng và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
d) Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam cần xác định được lộ trình phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo.
đ) Việc quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí sau: nhu cầu công chứng của xã hội, diện tích và phân bố dân cư, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng khu vực, bảo đảm sự hài hòa, hợp lý trong quy hoạch phát triển, lấy cấp huyện làm đơn vị quy hoạch giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Hoạt động 1: Điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi cả nước; khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở nước ngoài.
a) Điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi cả nước.
- Tổ chức điều tra về nhu cầu công chứng của xã hội và khả năng đáp ứng dịch vụ công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hiện tại, từ đó dự báo nhu cầu công chứng, xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ công chứng.
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2010.
Quy mô điều tra: điều tra chọn mẫu theo khu vực, vùng miền.
Kết quả đầu ra: Báo cáo kết quả điều tra về nhu cầu công chứng của xã hội và khả năng đáp ứng dịch vụ công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hiện tại, dự báo xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ công chứng.
- Khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, sự phân bố mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước, từ đó xác định các tiêu chí phân bố các tổ chức hành nghề công chứng theo từng khu vực, vùng miền.
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2010.
Quy mô khảo sát: khảo sát theo 6 khu vực, vùng miền: khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng Bắc bộ, khu vực miền Trung, khu vực miền Trung Tây nguyên, khu vực miền Đông Nam bộ, Khu vực miền Tây Nam bộ.
Kết quả đầu ra: Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, hiện trạng phân bố mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước.
b) Khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các nước thuộc hệ thống công chứng La tinh.
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2010.
Địa bàn khảo sát: Pháp, Đức (các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng: tư pháp, tòa án; hiệp hội công chứng khu vực và hiệp hội công chứng toàn quốc, các tổ chức hành nghề công chứng…).
Kết quả đầu ra: Báo cáo kết quả khảo sát và các kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam.
2. Hoạt động 2: xây dựng, ban hành các tiêu chí xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương và hướng dẫn các địa phương xây dựng Quy hoạch.
- Xây dựng hệ tiêu chí Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để áp dụng cho tất cả các địa phương trong xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương mình.
- Tổ chức 2 Hội nghị tập huấn về tiêu chí và phương pháp xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng cho cán bộ xây dựng Quy hoạch ở các địa phương trên cả nước.
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2010.
Kết quả đầu ra:
Hướng dẫn về các tiêu chí và phương pháp xây dựng Quy hoạch ở các địa phương được ban hành.
Cán bộ xây dựng Quy hoạch ở địa phương được tập huấn về tiêu chí, phương pháp xây dựng Quy hoạch.
3. Hoạt động 3: xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
a) Rà soát, đánh giá các Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành theo quy định của Nghị định số 02/2008/NĐ-CP.
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2010.
Địa bàn thực hiện: tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kết quả đầu ra: Các đề án được rà soát, đánh giá theo các tiêu chí Quy hoạch.
b) Bổ sung, điều chỉnh, đề xuất Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thời gian thực hiện: Quý III năm 2010.
Địa bàn thực hiện: tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kết quả đầu ra: các đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở tất cả các địa phương trên cả nước được hoàn thành và được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ Tư pháp thành lập.
Thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, đại diện một số Bộ, ngành liên quan và đại diện Ủy ban nhân dân một số địa phương lựa chọn theo khu vực, vùng miền.
4. Hoạt động 4: xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các hoạt động 1, 2, 3 tiến hành nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, một số tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và một số chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng.
Thời gian thực hiện: cả năm 2010, hoàn thành vào tháng 12 năm 2010.
Kết quả đầu ra: Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1. Thời gian, tiến độ
Đề án bắt đầu thực hiện từ tháng 1 năm 2010, kết thúc vào tháng 12 năm 2010 với tiến độ, thời gian cụ thể đã được xác định tại Mục III Đề án này.
2. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ khác (nếu có).
b) Kinh phí dành cho các hoạt động của Đề án do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện là 3.500.000.000 đồng (Ba tỷ năm trăm triệu đồng) – Phụ lục kèm theo.
Việc lập dự toán chi tiết ngân sách thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
c) Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí. Căn cứ các nội dung hoạt động của Đề án thuộc địa phương mình, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
3. Phân công trách nhiệm
a) Bộ Tư pháp có nhiệm vụ:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện Đề án, bảo đảm việc thực hiện Đề án đúng mục tiêu và tiến độ đã đề ra.
- Hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án;
- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến công chứng, chứng thực; đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản trong phạm vi thẩm quyền của mình, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động công chứng.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.
b) Bộ Tài chính có nhiệm vụ:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan bố trí kinh phí và hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương trong việc lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện toàn bộ Đề án.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:
Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng các tiêu chí Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam và thực hiện các hoạt động khác của Đề án.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung trong phạm vi thẩm quyền của mình các quy định pháp luật về đất đai liên quan đến công chứng, bảo đảm sự thống nhất, hài hòa trong hoạt động quản lý đất đai với quản lý hoạt động công chứng.
đ) Bộ Xây dựng có nhiệm vụ:
- Phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Cung cấp các thông tin về xây dựng, quản lý, phát triển và quy hoạch đô thị để làm căn cứ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng, nhà ở; đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung trong phạm vi thẩm quyền của mình các quy định pháp luật về xây dựng, nhà ở liên quan đến công chứng, bảo đảm sự thống nhất, hài hòa trong hoạt động quản lý xây dựng, nhà ở với quản lý hoạt động công chứng.
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương mình; chủ trì thực hiện hoạt động 3, Mục II của Đề án tại địa phương, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.
- Bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Đề án tại địa phương.
g) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ:
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các hoạt động liên quan của Đề án./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
KINH PHÍ TỔNG THỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Đơn vị tính: 1,000 đồng
STT | NỘI DUNG | KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG | SẢN PHẨM ĐẦU RA |
1 | Điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi cả nước, dự báo nhu cầu công chứng và khả năng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. | 600,000 | - Báo cáo tổng thể về việc điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi cả nước, dự báo nhu cầu công chứng và khả năng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. |
- Tổ chức điều tra về nhu cầu công chứng của xã hội và khả năng đáp ứng dịch vụ công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hiện tại, từ đó có dự báo nhu cầu công chứng, xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ công chứng. | + Báo cáo kết quả về tổ chức điều tra về nhu cầu công chứng của xã hội và khả năng đáp ứng dịch vụ công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hiện tại, từ đó có dự báo nhu cầu công chứng, xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ công chứng. | ||
- Khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, sự phân bố mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước. | + Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, sự phân bố mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước, từ đó xác định các tiêu chí phân bố các tổ chức hành nghề công chứng theo từng khu vực, vùng miền. | ||
2 | Khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các nước thuộc hệ thống công chứng La tinh (2 nước Pháp; Đức) | 1,500,000 | - Báo cáo kết quả khảo sát và các kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam |
3 | Xây dựng, ban hành và hướng dẫn áp dụng các tiêu chí để xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương: - Nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chí. | 350,000 | - Hướng dẫn về các tiêu chí và phương pháp xây dựng Quy hoạch ở các địa phương được ban hành |
- Tổ chức 02 Hội nghị theo khu vực (khu vực phía Bắc và phía Nam) để tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chí xây dựng Quy hoạch | - Cán bộ xây dựng Quy hoạch ở địa phương được tập huấn về tiêu chí, phương pháp xây dựng Quy hoạch. | ||
4 | Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. | NSTW+NSĐP | Đề xuất về Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hoàn thành, gửi Hội đồng thẩm định liên ngành TW thẩm định. |
| - Đánh giá, thẩm định các Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành; hướng dẫn địa phương điều chỉnh, xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. | 150,000 (NSTW) | - Các đề án được rà soát, đánh giá theo các tiêu chí Quy hoạch. |
| - Các địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. | NSĐP | - Đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng được xây dựng tại 100% địa phương trên cả nước. |
| - Thẩm định các đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở các địa phương (63 tỉnh, thành phố) | 300,000 (NSTW) | - Các đề xuất Quy hoạch được thẩm định. |
5 | Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam. | 300,000 | Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
6 | Tổ chức sơ kết và tổng kết việc triển khai Đề án | 100,000 | Báo cáo sơ kết, tổng kết. |
7 | Chi quản lý hành chính và mua sắm phương tiện kỹ thuật phục vụ triển khai đề án | 100,000 |
|
8 | Kinh phí dự phòng | 100,000 |
|
9 | TỔNG SỐ KINH PHÍ | 3,500,000 |
|
Ghi chú:
(1) Kinh phí thực hiện Đề án được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành, từ chế độ công tác phí, hội họp, nghiên cứu, điều tra – khảo sát, hội thảo... (Các Thông tư số 100/2006/TT-BTC , 23/2007/TT-BTC , 127/2007/TT-BTC , 120/2007/TT-BTC ; Các Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP , 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ; Thông tư số 91/2005/TT-BNV)…
(2) Khi triển khai Đề án, kinh phí sẽ được dự toán chi tiết cho mỗi năm và mỗi hoạt động trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt.
- 1Thông tư 100/2006/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành
- 2Luật Công chứng 2006
- 3Thông tư 23/2007/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư liên tịch 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Tài Chính- Bộ Khoa Học và Công Nghệ ban hành
- 5Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
- 6Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 7Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 8Nghị quyết số 48-NQ/TW về việc chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 9Thông tư 120/2007/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 10Thông tư 127/2007/TT-BTC sửa đổi Thông tư 23/2007/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 57/2007/TT-BTC Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước do Bộ Tài chính ban hành
- 11Thông tư liên tịch 158/2007/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành
- 12Nghị định 02/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Công chứng
- 13Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- 14Công văn 2180/BTP-BTTP năm 2016 điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội do Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 250/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 250/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/02/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trương Vĩnh Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 103 đến số 104
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra