Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2007/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 07 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN NỘI TRÚ DÂN NUÔI THÍ ĐIỂM TẠI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP, ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Ngân sách Nhà nước;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số: 248/TTr-SGD&ĐT ngày 15 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức và hoạt động của Bộ phận nội trú dân nuôi thí điểm tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để b/c);
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp (b/c);
- Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT (b/c);
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo DakLak; Đài PTTH tỉnh;
- Sở Tư pháp; Sở KH&ĐT;
- PCVP UBND tỉnh;
- TTLT, TTTH, TM, TH;
- Lưu VT, VX (T.50)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN NỘI TRÚ DÂN NUÔI THÍ ĐIỂM TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 25/7/2007 của UBND tỉnh)

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn có nhiều khó khăn, Bộ phận Nội trú dân nuôi cho học sinh dân tộc thiểu số được hình thành, có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục học sinh dân tộc của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số;

Để thống nhất tổ chức, quản lý và thực hiện một số chính sách, chế độ cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của Bộ phận nội trú dân nuôi, thực hiện thí điểm tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với Bộ phận nội trú dân nuôi của trường học phổ thông được chọn thí điểm trên địa bàn tỉnh, là bộ phận dành cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số mà bản thân và gia đình thường trú ở xa trường học, không thể đi, về trong ngày, được tổ chức nơi ăn, ở, sinh hoạt phục vụ cho việc học tập thuận lợi tại trường học.

2. Căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương, mỗi huyện, thành phố chọn tối đa 02 trường phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) để thực hiện thí điểm Bộ phận nội trú dân nuôi theo Quy định này.

Điều 2. Điều kiện được tiếp nhận vào Bộ phận nội trú dân nuôi

Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và gia đình thường trú ở xa trường học từ 15 km trở lên, không thể đi về trong ngày, phải ở lại trường học trong suốt cả tuần; ưu tiên người dân tộc thiểu số tại chỗ, người dân tộc ở vùng xa hẻo lánh, con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, hộ đói, hộ nghèo.

Điều 3. Quy mô và chỉ tiêu hàng năm

- Quy mô học sinh của Bộ phận nội trú dân nuôi thuộc một trường phổ thông: có từ 50 đến 150 em, căn cứ vào quy mô về cơ sở vật chất được xây dựng để dự kiến chỉ tiêu hàng năm;

- Chỉ tiêu tiếp nhận vào Bộ phận nội trú dân nuôi: theo chỉ tiêu phát triển Giáo dục và Đào tạo hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho các đơn vị Giáo dục;

- Tổ chức tiếp nhận: Ban giám hiệu nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương cùng cấp (đối với học sinh trung học cơ sở là cấp xã, đối với học sinh trung học phổ thông là cấp huyện), tổ chức tiếp nhận số học sinh được ở Bộ phận nội trú của trường, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.

Chương II

CƠ SỞ VẬT CHẤT - TỔ CHỨC QUẢN LÝ

Điều 4. Cơ sở vật chất và kinh phí

Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện cần thiết tổ chức ăn, ở sinh hoạt tập thể cho học sinh Bộ phận nội trú dân nuôi nhằm tạo môi trường phát triển giáo dục toàn diện, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Nguồn kinh phí: Ngân sách Nhà nước, nguồn huy động của chính quyền địa phương và đóng góp của gia đình có học sinh ở nội trú.

Điều 5. Tổ chức, quản lý

- Giao cho Ban giám hiệu trường phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức hoạt động của Bộ phận nội trú dân nuôi nhằm thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục học sinh dân tộc;

- Quản lý, phục vụ Bộ phận nội trú dân nuôi gồm:

+ Bảo vệ cho Bộ phận nội trú dân nuôi: Được hợp đồng 01 nhân viên bảo vệ theo NĐ 68/2000/CP, ngày 17/11/2000 của Chính phủ;

+ Cấp dưỡng: Nếu tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh thì được hợp đồng nhân viên nấu ăn, định suất: 40 học sinh/01 nhân viên nấu ăn;

+ Cán bộ y tế: Giao cho cán bộ y tế trường học kiêm công tác y tế của Bộ phận nội trú dân nuôi;

+ Quản lý học sinh: Bố trí từ 01 đến 02 giáo viên của nhà trường làm công tác kiêm nhiệm quản lý học sinh tại Bộ phận nội trú dân nuôi và mỗi giáo viên đó được giảm 1/2 số tiết dạy tiêu chuẩn theo quy định;

+ Cán bộ quản lý: Cán bộ quản lý nhà trường (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng) được phân công phụ trách Bộ phận nội trú dân nuôi và hưởng phụ cấp ưu đãi theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, ngày 20/6/2006 của Chính phủ;

Đoàn thanh niên của nhà trường tổ chức, tham gia phối hợp cùng với các hoạt động tại Bộ phận nội trú dân nuôi.

Chương III

CHẾ ĐỘ CỦA HỌC SINH

Điều 6. Học sinh dân tộc thiểu số được tiếp nhận vào Bộ phận nội trú dân nuôi (học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông), được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó gồm:

- Cấp sách giáo khoa, vở viết;

- Hỗ trợ học bổng bằng 1/2 mức học bổng của học sinh thuộc các trường phổ thông dân nội trú, để hỗ trợ tiền ăn cho học sinh; thời gian hỗ trợ 09 tháng/năm.

Điều 7. Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp hàng năm (các đơn vị Giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT do ngân sách tỉnh, các đơn vị Giáo dục trực thuộc huyện do ngân sách huyện) phục vụ cho Bộ phận nội trú dân nuôi, gồm:

- Tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp của số nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý học sinh thực hiện theo các chế độ Nhà nước hiện hành;

- Phụ cấp ưu đãi tăng thêm của cán bộ quản lý theo quy định;

- Hỗ trợ học bổng của học sinh;

- Tiền điện, nước, sửa chữa nhỏ, mua sắm một số đồ vật dùng chung;

- Hỗ trợ các sinh hoạt tập thể, văn hóa, thể dục, thể thao,...;

- Hỗ trợ sinh hoạt cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Điều 8. Chính quyền địa phương các cấp, nhà trường cùng phụ huynh học sinh có trách nhiệm huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ, đóng góp thêm tiền ăn và các điều kiện sinh hoạt của học sinh ở Bộ phận nội trú dân nuôi, gồm:

- Kinh phí hỗ trợ của huyện, xã;

- Kinh phí tài trợ của các tổ chức, đoàn thể...;

- Kinh phí của gia đình có học sinh học nội trú đóng góp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2007/QĐ-UBND Quy định tổ chức và hoạt động của Bộ phận nội trú dân nuôi thí điểm tại các trường phổ thông tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 25/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản