Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 234-TCTK-QĐ

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TỔNG CỤC THỐNG KÊ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê ban hành kèm theo Nghị định số 72-CP ngày 05-4-1974 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ Pháp lệnh thanh tra của hội đồng Nhà nước và Nghị định 244-HĐBT ngày 30-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước và biện pháp đảm bảo hoạt động thanh tra;
Được sự thoả thuận tại công văn số 305-TTNN-TCCB ngày 26-5-1993 của Tổng Thanh tra Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 2. Tổ chức Thanh tra Thống kê các cấp, các ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê, các đơn vị và cá nhân liên quan đến Thanh tra Thống kê có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Chánh Thanh tra Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

 

Lê Văn Toàn

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA TỔNG CỤC THỐNG KÊ
(Ban hành theo Quyết định số 234-TCTK-QĐ ngày 5-6-1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thanh tra Thống kê là chức năng thiết yếu của Tổng cục Thống kê, nhằm tăng cường kỷ luật, hiệu lực quản lý Nhà nước về Thống kê, đảm bảo cho Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được thực hiện nghiêm, quản lý công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Thanh tra Tổng cục Thống kê là tổ chức Thanh tra chuyên trách của Tổng cục Thống kê, thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước, thực hiện quyền thanh tra Nhà nước về thống kê trong phạm vi quản lý cả nước (đối với các cấp, các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế), chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng và sự chỉ đạo về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Nhà nước.

Điều 2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của đơn vị mình, phòng ngừa các vi phạm, xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra.

Cục trưởng Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra thống kê thuộc thẩm quyền của Cục Thống kê. Thanh tra Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thanh tra thống kê đối với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê và thủ trưởng Thống kê các cấp tạo điều kiện cho tổ chức Thanh tra và thanh tra viên Thống kê hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 3. Các đối tượng thanh tra Thống kê phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra theo quy định của pháp luật, có quyền giải trình, khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị, quyết định về thanh tra.

Điều 4. Hoạt động của Thanh tra Tổng cục Thống kê chỉ tuân theo pháp luật, đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời. Không một cơ quan, tổ chức nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra Thống kê.

Chương 2:

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Điều 5. Thanh tra Tổng cục Thống kê có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra do Tổng cục trưởng đề nghị, Tổng thanh tra Nhà nước trình, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm phó Chánh Thanh tra do Chánh thanh tra đề nghị, Tổng cục trưởng quyết định.

Việc bổ nhiệm thanh tra viên thực hiện theo Nghị định số 191-HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Việc tổ chức, sử dụng và chế độ đối với cộng tác viên thanh tra thống kê thực hiện theo quy định của Thanh tra Nhà nước.

Thanh tra Tổng cục Thống kê hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Chánh thanh tra quản lý, chỉ đạo trực tiếp các thanh tra viên, Phó Chánh thanh tra giúp việc theo sự phân công của Chánh thanh tra.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục Thống kê:

1. Thanh tra việc thực hiện chế độ thống kê đối với tất cả các đối tượng phải chấp hành Pháp lệnh Kế toán - Thống kê và Nghị định 52-HĐBT về xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thống kê, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước, kế hoạch công tác, sản xuất, kinh doanh, nội quy, quy chế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc TCTK.

2. Kiến nghị Tổng cục trưởng giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê đã giải quyết những đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tạm đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ kiến nghị, quyết định không đúng về công tác thanh tra của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê.

3. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thanh tra, hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo nghiệp vụ, thanh tra thống kê đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

4. Thực hiện nhiệm vụ do Thanh tra Nhà nước giao, kiến nghị với Tổng cục trưởng giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra, trong trường hợp kiến nghị không được chấp nhận thì có quyền bảo lưu và báo cáo Thanh tra Nhà nước giải quyết.

5. Trong quá trình thanh tra được áp dụng các quyền hạn theo quy định tại điều 9 của Pháp lệnh thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của Tổng cục Thống kê.

Điều 7. Quyền hạn của Chánh thanh tra Tổng cục Thống kê:

1. Quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền, quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với người đang công tác với tổ chức thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho công tác thanh tra.

2. Quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác đối với cá nhân là đối tượng thanh tra cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra.

3. Thực hiện quyền thanh tra và xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thống kê theo Nghị định số 52-HĐBT.

4. Thực hiện các quyền hạn khác quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và Điều 6 của Quy chế này.

Chương 3:

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Điều 8. Căn cứ quyết định thanh tra thống kê:

- Chương trình kế hoạch công tác thanh tra hàng năm của Tổng cục Thống kê.

- Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tổng cục Thống kê.

- Những vụ, việc do Thanh tra Nhà nước uỷ nhiệm.

- Những vụ, việc vi phạm do Thanh tra Tổng cục Thống kê phát hiện.

Điều 9. Tuỳ theo mức độ,tính chất của từng cuộc thanh tra, Tổng cục trưởng (hoặc uỷ nhiệm do Chánh thanh tra) ra quyết định thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Quyết định thanh tra phải ghi rõ nội dung, thời hạn thanh tra, nếu quá thời hạn quy định, Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên kiến nghị cấp có thẩm quyền gia hạn. Thời hạn thanh tra và thẩm quyền gia hạn của từng cấp theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 244-HĐBT.

Điều 10. Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên được giao trực tiếp thực hiện quyết định thanh tra chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về việc tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong đoàn thực hiện nhiệm vụ được giao ghi trong quyết định thanh tra và thực hiện quyền hạn quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 9, Điều 24 của Pháp lệnh Thanh tra hoặc Thanh tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận, kiến nghị, quyết định của mình.

Thành viên đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp ý kiến của thành viên trong đoàn khác với kết luận của Trưởng đoàn thanh tra thì thành viên đó có quyền bảo lưu và báo cáo với người ra quyết định thanh tra giải quyết, trong khi chờ giải quyết phải chấp hành kết luận của Trưởng đoàn.

Điều 11.

1. Người ra quyết định thanh tra phải xem xét những kết luận, kiến nghị của Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên và ra quyết định xử theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Đối với những vi phạm nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp tổ chức thanh tra không đồng ý với quyết định của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị với cơ quan thẩm quyền giải quyết.

2. Thủ trưởng các đơn vị hữu quan và các đối tượng thanh tra phải thực hiện đúng kết luận, kiến nghị, quyết định của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên theo điều 34 Pháp lệnh Thanh tra, Nghị định 244-HĐBT và có quyền giải trình theo quy định tại Điều 35 của pháp lệnh thanh tra. Nếu các đối tượng thanh tra không thực hiện do cố ý hoặc được thủ trưởng cố tình bao che, phải áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định tại Điều 8 Nghị định 244-HĐBT ngày30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải ghi rõ nội dung, thời gian, đối tượng thực hiện, phải được công bố công khai với đối tượng thanh tra và cơ quan tổ chức hữu quan. Cơ quan, tổ chức ra quyết định thanh tra và thanh tra Tổng cục Thống kê có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

4. Khi nhận được khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị, quyết định về thanh tra, cơ quan, tổ chức đã ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét lại và trả lời cho đương sự theo quy định tại pháp lệnh khiếu nại và tố cáo của công dân.

Điều 12. Mối quan hệ công tác trong hoạt động thanh tra:

Tổng cục Trưởng quản lý và chỉ đạo trực tiếp, thanh tra Nhà nước chỉ đạo về công tác, tổ chức và nghiệp vụ đối với Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Tổ chức thống kê các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của mình, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra (theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh Kế toán - Thống kê) các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện Pháp lệnh Kế toán - Thống kê, phát hiện đề xuất những vấn đề cần thanh tra.

Thanh tra Tổng cục Thống kê phối hợp với tổ chức thống kê các cấp và các đơn vị trong Tổng cục kiểm tra các trọng điểm, thanh tra, xử lý các vi phạm Pháp lệnh Kế toán - Thống kê( theo quy định tại điều 18 của Pháp lệnh kế toán-Thống kê và Nghị định 52-HĐBT) ở các đơn vị do Bộ, ngành quản lý.

Thanh tra Tổng cục Thống kê thực hiện quyền thanh tra Thống kê đối với các đơn vị thực hiện chế độ gửi báo cáo thống kê, kế toán đến Tổng cục Thống kê.

Thanh tra thống kê tỉnh,thành phố thực hiện quyền thanh tra Thống kê đối với các đơn vị thực hiện chế độ gửi báo cáo thống kê,kế toán đến Cục Thống kê (kể cả đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh). Trường hợp đơn vị trung ương có vi phạm lớn, tình tiết vi phạm phức tạp, vi phạm liên quan rộng... Thanh tra thống kê tỉnh, thành phố phối hợp với thanh tra Tổng cục Thống kê, Thanh tra Nhà nước tỉnh tiến hành thanh tra.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT

Điều 13. Tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra Thống kê sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước và theo nghị định của Chánh thanh tra Tổng cục Thống kê.

Tổ chức thanh tra, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và mọi cán bộ CNVC ngành Thống kê phạm khuyết điểm trong công tác thanh tra; người cản trở, mua chuộc, trả thù cán bộ thanh tra và người cộng tác với tổ chức thanh tra hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về Thanh tra Thống kê, tuỳ tính chất, mức độ của khuyết điểm sẽ xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.