Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 244-HĐBT

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

VỀ TỔ CHỨC CỦA HỆ THỐNG THANH TRA NHÀ NƯỚC VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG THANH TRA

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981,
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 1/4/1990,
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Bộ máy của cơ quan Thanh tra Nhà nước gồm có:

1. Vụ thanh tra kinh tế I.

2. Vụ thanh tra kinh tế II.

3. Vụ thanh tra nội chính - văn xã.

4. Vụ thanh tra xét khiếu tố.

5. Vụ Tổng hợp - Pháp chế.

6. Vụ tổ chức cán bộ.

7. Văn phòng.

Và các đơn vị trực thuộc:

1. Trường cán bộ thanh tra.

2. Tạp chí thanh tra.

Tổng Thanh tra Nhà nước quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của các tổ chức nói trên.

Điều 2. Tổ chức thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

1. Tổ chức thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước.

Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có con dấu riêng.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chánh thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng thực hiện theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh Thanh tra. Nếu thứ trưởng là Chánh thanh tra thì không kiêm nhiệm việc khác. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

3. Căn cứ vào Pháp lệnh Thanh tra và Nghị định này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành quy chế hoạt động của Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 3. Tổ chức thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương (dưới đây gọi tắt là Thanh tra tỉnh), Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi tắt là Thanh tra huyện):

1. Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện là cơ quan của UBND cùng cấp; bộ máy của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định theo sự hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước.

Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện có con dấu riêng.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra huyện thực hiện theo quy định các Điều 16, 20 của Pháp lệnh Thanh tra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh thanh tra tỉnh, Phó Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra huyện.

Điều 4. Tổ chức của Thanh tra sở:

Việc thành lập Thanh tra Sở do Giám đốc Sở đề nghị, Chánh Thanh tra tỉnh, Thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định. Thanh tra Sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Sở và chịu sự chỉ đạo của Thanh tra tỉnh về công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra.

Thanh tra Sở có con dấu riêng.

2. Bộ máy của Thanh tra Sở do Giám đốc Sở quyết định theo sự hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước.

3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở đề nghị, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương trình Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở:

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, văn hóa xã hội và công dân, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Sở.

2. Kiến nghị Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở.

Giải quyết khiếu nại tố cáo mà thủ trưởng cơ quan đơn vị do Sở trực tiếp quản lý đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác thanh tra và việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo với thủ trưởng cơ quan, đơn vị do Sở trực tiếp quản lý; tạm đình chỉ những quyết định không đúng của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nói trên về công tác thanh tra, đồng thời kiến nghị Giám đốc Sở giải quyết.

4.Kiến nghị Giám đốc Sở giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra, trường hợp kiến nghị không được chấp nhận thì báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh quyết định.

5. Trong quá trình thanh tra, Chánh Thanh tra Sở có quyền:

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của ở đối với người đang cộng tác với tổ chức thanh tra hoặc là đối tượng thanh tra, nếu xét thấy việc thi hành quyết định gây trở ngại cho việc thanh tra; đối với quyết định nói trên của thủ trưởng cơ quan, đơn vị không do Sở trực tiếp quản lý thì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

- Cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác của nhân viên Nhà nước do Sở trực tiếp quản lý có hành vi cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra; đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị do Sở trực tiếp quản lý và những người thuộc cơ quan, đơn vị khác thì kiến nghị Giám đốc Sở hoặc cấp có thẩm quyền quyết định.

6. Thực hiện các quyền hạn khác quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9 Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và quyền hạn quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 5 của Nghị định này trong phạm vi quản lý Nhà nước của Sở.

Điều 6. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp phụ trách Thanh tra xã, phường. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra xã, phường, thị trấn thực hiện theo Điều 23 của Pháp lệnh Thanh tra.

Điều 7. Thời hạn thanh tra và thẩm quyền gia hạn thanh tra:

1. Những vụ việc thanh tra do Thanh tra Nhà nước tiến hành không quá 120 ngày, trừ trường hợp Hội đồng Bộ trưởng có quyết định riêng.

2. Những vụ việc thanh tra do Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương tiến hành không quá 90 ngày.

3. Những vụ việc thanh tra do Thanh tra Sở, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiến hành không quá 50 ngày.

Thời hạn thanh tra quy định tại các khoản 2 và 3 của Điều này cũng áp dụng đối với các vụ việc do các Bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, huyện, quận và cấp tương đương tự kiểm tra, thanh tra.

4. Những vụ việc thanh tra do UBND xã, phường, thị trấn tiến hành không quá 30 ngày.

5. Thời hạn thanh tra được tính từ ngày bắt đầu tiến hành ghi trong quyết định thanh tra đến ngày công bố kết luận, kiến nghị trước đối tượng thanh tra.

6. Khi xét thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra được quyền gia hạn; thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định cho mỗi cấp.

Điều 8. Những biện pháp bảo đảm việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra:

1. Yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải ghi rõ nội dung, thời gian, đối tượng thực hiện; phải được công bố công khai với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức hữu quan; cơ quan, tổ chức đã ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện hoặc ủy nhiệm cho tổ chức thanh tra nơi có đối tượng thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được yêu cầu, kiến nghị quyết định xử lý về thanh tra phải thực hiện đúng theo quy định của Pháp lệnh thanh tra và Nghị định này.

Nếu không thực hiện thì người đã có yêu cầu, kiến nghị, quyết định đó phải áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nói trên phải thực hiện.

3. Trường hợp người có yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn không thực hiện thì thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nói tại khoản 2 Điều này phải áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền buộc họ phải thực hiện.

Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nói tại khoản 2 Điều này cố ý không thực hiện hoặc thủ trưởng cấp trên quản lý trực tiếp của họ thiếu trách nhiệm hoặc cố tình bao che thì tùy tính chất và mức độ nặng hoặc nhẹ của sai phạm mà bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại buộc phải bồi thường, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo Bộ luật Hình sự.

Điều 9. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND có trách nhiệm:

1. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra theo chế độ thủ trưởng đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc quyền.

2. Theo thẩm quyền được giao, thành lập và xây dựng các tổ chức thanh tra, bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất làm công tác thanh tra, tạo điều kiện cho tổ chức thanh tra và thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Chỉ đạo hoạt động thanh tra, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và tổ chức quản lý thanh tra cấp trên về công tác thanh tra:

a. Chỉ đạo việc xây dựng chương trình thanh tra của tổ chức thanh tra thuộc quyền, thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của tổ chức thanh tra cấp trên.

b. Định kỳ nghe tổ chức thanh tra thuộc quyền báo cáo và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý và tổ chức thanh tra cấp trên về công tác thanh tra và công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

c. Áp dụng các biện pháp cần thiết quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này nhằm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 10. Thủ trưởng các đơn vị sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp có trách nhiệm:

1. Tổ chức và thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, pháp luật và xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình.

2. Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra của tổ chức thanh tra, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên hoặc cơ quan quản lý cấp trên thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình.

3. Tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị mình hoạt động; xem xét, giải quyết kịp thời yêu cầu, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Tổng Thanh tra Nhà nước cùng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định các chế độ, chính sách bao gồm cả chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, chế độ khen thưởng vật chất, tinh thần đối với cán bộ thanh tra, chế độ đãi ngộ đối với cộng tác viên thanh tra và chế độ trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho hoạt động thanh tra.

Điều 12. Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 13. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

TM. HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Kiệt

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 244-HĐBT năm 1990 về việc tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 244-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/06/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản