Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2242/QĐ/KHKT-PC

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 2242 QĐ/KHKT-PC NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 1997 BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế bảo vệ môi trường trong ngành giao thông vận tải".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ Khoa học kỹ thuật, Pháp chế, Kế hoạch đầu tư, Tài chính kế toán, Tổ chức cán bộ - Lao động; Cục trưởng các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sông Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông; Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc các Ban quản lý dự án; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

 

Lê Ngọc Hoàn

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2242 QĐ/KHKT-PC ngày 12 tháng 9 năm 1997 của Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này quy định các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân khi tiến hành xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông, vận hành khai thác phương tiện giao thông vận tải và tiến hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).

Điều 2: Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và có các biện pháp phòng chống, khắc phục những tác hại xấu đến môi trường do các hoạt động của mình gây ra.

Điều 3: Trong quy chế này các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1."Công trình giao thông" là các loại cầu, cống, hầm, đường sá, nhà ga, bến xe, bến cảng, bến phà và các công trình phụ trợ sử dụng cho hoạt động giao thông vận tải.

2. "Phương tiện giao thông cơ giới" là các loại tầu, thuyền đầu máy kéo theo toa xe, ô tô ray, ô tô, xe máy và các thiết bị chuyên dùng tự di chuyển bằng động cơ trên đường biển, đường sông, đường sắt và đường bộ.

3. "Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ giao thông vận tải" là các nhà máy, xí nghiệp, công ty và cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

4. "Chất thải sản xuất" là các chất rắn, lỏng và khí được thải ra trong quá trình xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông, vận hành khai thác phương tiện giao thông cơ giới và từ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

5. "Chất thải sinh hoạt" là các chất rắn, lỏng được thải ra do sinh hoạt của con người hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chương 2

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

Điều 4. Khi tiến hành các dự án xây dựng công trình giao thông (bao gồm xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, khai thác vật liệu xây dựng), chủ đầu tư phải lập báo cáo đáng giá tác động môi trường (ĐTM) và trình cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thẩm định theo đúng quy định tại Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 5.

Trong quá trình xây dựng các công trình giao thông, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm:

1. Thu gom và xử lý các chất thải; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về xử lý chất độc hại, không thải ra môi trường xung quang các chất thải độc hại vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.

2. Việc tổ chức thi công các công trình giao thông phải theo đúng nội dung báo cáo ĐTM đã được phê chuẩn nhằm ngăn ngừa đến mức tối đa những tác hại xấu đến môi trường ở khu vực xây dựng.

Điều 6. Cấm sử dụng các chất liệu có chứa chất độc hại (cao su, chất dẻo...) làm nhiên liệu đốt tự nhiên tại khu vực xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân khi khai thác vật liệu (đất, cát, đá, sỏi) để xây dựng công trình giao thông phải có biện pháp phòng, chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, suy thoái môi trường. Sau khi khai thác xong, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thu dọn, khôi phục lại cảnh quan môi trường ở khu vực khai thác theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Việc gây nổ để xây dựng công trình giao thông hoặc khai thác vật liệu xây dựng do các tổ chức, cá nhân thực hiện được quy định như sau:

1. Chỉ được tiến hành gây nổ theo đúng các quy định về sử dụng vật liệu nổ và phù hợp với nội dung báo cáo ĐTM đã được phê chuẩn.

2. Trước khi tiến hành gây nổ phải xin phép chính quyền địa phương. Sau khi được phép, phải thông báo cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động ở những vùng có liên quan đến khu vực gây nổ biết và khi tiến hành gây nổ phải có biển báo hiệu đặt tại các nơi thích hợp.

3. Phải đền bù đầy đủ mọi thiệt hại do các hoạt động gây nổ gây ra cho người, nhà cửa, công trình xây dựng, các hệ sinh thái, cảnh quan môi trường.

Chương 3

PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI

Điều 9. Tất cả các phương tiện giao thông cơ giới được thiết kế chế tạo ở trong nước hoặc nhập khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Cụ thể như sau:

1. Tầu biển: quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm biển do tầu gây ra TCVN 4044-85.

2. Tầu sông: quy phạm ngăn ngừa ô nhiẽm sông do tầu gây ra 22TCN 213-93.

3. Ô tô, xe máy: tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ 22TCN 224-95.

4. Toa xe khách chạy trên đường sắt phải có thiết bị thu gom chất thải sinh hoạt trên toa để tập trung xử lý tại địa điểm được quy định.

Điều 10. Cấm lưu hành các phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo một trong các tiêu chuẩn về môi trường sau đây:

1. Tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới.

2. Tiêu chuẩn về mức ồn của phương tiện giao thông cơ giới.

3. Tiêu chuẩn về mức rung của phương tiện giao thông cơ giới.

Điều 11. Các phương tiện giao thông chuyên chở các chất độc hại, dễ cháy nổ phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyên chở các chất này phải tuân thủ theo các quy định hiện hành.

Điều 12. Nghiêm cấm chuyên chở trên các phương tiện giao thông chở khách các loại chất độc hại, dễ gây cháy nổ, súc vật và các chất có mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của hành khách.

Điều 13. Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoạt động trong đô thị hoặc khi vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải sản xuất, sinh hoạt phải tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường tại Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan khác.

Điều 14. Các tầu biển hoạt động trong vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại Điều 23 Luật Hảng hải Việt Nam năm 1990 và tuân thủ theo các Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tầu gây ra mà Việt Nam công nhận hoặc tham gia.

Chương 4

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH DỊCH VỤ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 15. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định và trình các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thẩm định. Đối với các cơ sở thuộc đối tượng quy định khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép về môi trường mới được phép tiếp tục hoạt động .

Điều 16. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ GTVT trong quá trình hoạt động không được thải các chất khí, lỏng, rắn, bụi, khói có chứa độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép và phải đảm bảo mức độ ồn theo đúng quy định. Phải thu gom, xử lý các chất thải sản xuất và sinh hoạt tại các cơ sở của mình.

Điều 17. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ GTVT thuộc đối tượng quy định phải nộp lệ phí bảo vệ môi trường theo đúng quy định tại Điều 34 Nghị định 175/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ.

Điều 18. Các cảng biển, cảng sông, nhà ga, bến xe có tiếp nhận, tàng trữ và cấp phát các sản phẩm dầu mỏ phải có phương án ứng phó sự cố dầu tràn, phương án phòng chống cháy, nổ được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi xảy ra sự cố dầu tràn hoặc cháy, nổ, tổ chức cá nhân quản lý, khai thác cảng, nhà ga, bến xe phải khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng cứu cần thiết đồng thời thông báo ngay cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan khác để xử lý theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 19. Các chất thải (dầu, mỡ, hoá chất...) được thải ra trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ GTVT phải được thu gom và xử lý đúng quy định. Cấm thải trực tiếp các chất nói trên ra sông, hồ, biển và mặt đất.

Chương 5

THANH TRA, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20.

1. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực GTVT phải chịu sự thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong các hoạt động của mình.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với thủ trưởng cơ quan ra quyết định thanh tra về kết luận và biện pháp xử lý của Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên về bảo vệ môi trường.

Điều 21. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực GTVT gây ra suy thoái môi trường và sự cố môi trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu mọi phí tổn làm sạch môi trường theo đúng quy định hiện hành.

Điều 22. Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và những quy định của Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 26/CP ngày 24/6/1996 về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường" hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 6

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2242/QĐ/KHKT-PC năm 1997 về Quy chế bảo vệ môi trường trong ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 2242/QĐ/KHKT-PC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Ngọc Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản