Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2017

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 33/TTr-SNN ngày 19 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2017 (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh; Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, Mạnh KTN, 68 bản.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Minh Hùng

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai kịp thời, hiệu quả; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, an toàn về người và tài sản, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

- Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

B. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

I. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội

Sơn La là tỉnh miền núi có địa hình phân hóa phức tạp, trên 87% diện tích tự nhiên có độ dốc từ 250 trở lên, chia cắt ngang và chia cắt sâu mạnh bởi các dãy núi cao, thung lũng, sông, suối và mặt bằng 02 cao nguyên. Sơn La nằm trong lưu vực chính của hệ thống sông Đà và sông Mã, ngoài ra còn có rất nhiều các con suối lớn nhỏ khác nhau đã tạo ra mạng lưới sông suối khá dày (1,2 - 1,8 km/km2); mùa mưa, lượng mưa tập trung kết hợp với độ dốc cao dễ xảy ra lũ dồn lũ quét, mùa khô ít mưa, lưu lượng nước nhỏ dòng chảy yếu, nhiều suối bị cạn kiệt.

Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, mùa Đông lạnh khô, mùa Hè nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa mưa chính thức kéo dài 5 tháng, tổng lượng mưa bình quân hàng năm đạt từ 1.200 mm - 1.800 mm.

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 1.417.444 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 247.684 ha, đất lâm nghiệp là 572.859 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 2.589 ha, đất ở là 6.954 ha, đất chuyên dùng là 17.688 ha, đất chưa sử dụng là 545.995 ha.

Cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng các khối: Nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 31%; Công nghiệp, xây dựng 27 %; Dịch vụ 42%.

Hệ thống cơ sở hạ tầng còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống công trình giao thông, thủy lợi còn nhiều công trình tạm, thiếu đồng bộ, năng lực phòng, chống thiên tai thấp.

Tỉnh Sơn La có 11 huyện, 01 thành phố. Toàn tỉnh có 12 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh còn 05 huyện nghèo; 106 xã, 1.341 bản đặc biệt khó khăn.

II. Đánh giá rủi ro thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp

1. Đánh giá rủi ro thiên tai

a) Trên địa bàn tỉnh Sơn La hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dạng thiên tai: mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối, hạn hán, nắng nóng, động đất…khả năng xảy ra thiên tai có trên cả 4 mùa trong năm. Lũ quét, gió lốc, sạt lở là các dạng thiên tai xảy ra bất thường, bất ngờ, bất kỳ; khó dự báo, xác định và đúc rút kinh nghiệm để chủ động trong phòng, tránh và đối phó.

- Tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc ở tỉnh miền núi sinh sống gần nguồn nước, canh tác ven bờ sông suối, ở vùng thung lũng hay trên các sườn núi cao làm nương rẫy…Cũng tại những nơi này là những nơi rất rễ bị tổn thương, thường hứng chịu nhiều hơn về tần suất xảy ra các dạng thiên tai lũ quét, sạt lở, gió lốc, rét hại, băng giá.

Đời sống nhân dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, yếu và thiếu về khả năng tự vệ, điều kiện phương tiện, trang thiết bị, công cụ, thiếu kiến thức và ý thức phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Công tác cảnh báo, thông tin, truyền tin, tuyên truyền còn rất nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt tại địa bàn cơ sở từ cấp xã đến các hộ gia đình và người dân. Còn nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc với thiên nhiên, chủ quan với diễn biến thiên tai tác động.

- Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở dân cư, phát triển sản xuất làm vùi lấp, ngăn cản dòng chảy thoát lũ tự nhiên; khai thác rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản phá vỡ cân bằng sinh thái, thảm phủ thực vật suy giảm làm gia tăng nguy cơ, cường độ, tần suất, cấp độ lũ quét, ngập lụt, gió lốc, nắng nóng, hạn hán, giá rét.

b) Ảnh hưởng Biến đổi khí hậu, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến thời tiết phức tạp, cực đoan, bất thường; xảy ra các dạng thiên tai khó lường:

- Rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán xẩy ra với cường độ mạnh, phạm vi rộng, dài ngày; đặc biệt xảy ra rét hại kèm theo sương muối và băng giá; xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Mùa mưa cá biệt xảy ra những cơn mưa lớn cực đoan cục bộ, những đợt mưa lớn dài ngày, mưa đá, gió lốc mạnh trên diện rộng, thiệt hại sét đánh gia tăng.

- Mùa lũ xẩy ra lũ lớn trên các sông suối, ngập lụt, lũ quét cục bộ các lưu vực tần suất gia tăng, xảy ra bất thường, bất kỳ, khó lường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

- Sạt lở đất, đá lăn xu thế gia tăng nhiều điểm và vùng ảnh hưởng khiến nhiều hộ gia đình, cộng đồng phải di chuyển đến nơi ở mới.

- Động đất xu thế gia tăng tần suất xuất hiện.

2. Khu vực xung yếu, trọng điểm nguy cơ với các dạng thiên tai

a) Rét hại, nắng nóng, hạn hán xảy ra trên diện rộng tùy theo diễn biến thời tiết những năm khác nhau.

b) Gió lốc xẩy ra bất ngờ, bất kỳ, trên diện rộng.

c) Lũ quét, sạt lở, ngập lụt trên các địa bàn:

*. Thành phố Sơn La:

- Lũ quét: Các lưu vực xã Chiềng Cọ; Lưu vực Suối Nậm La.

- Sạt lở, đá lăn: Khu vực tổ 2 và tổ 10 phường Chiềng Lề, dọc suối Nậm La, Bản Cọ phường Chiềng An.

- Ngập lụt: Khu vực xã Chiềng Xôm, phường Chiềng Cơi, phường Quyết Tâm.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Tỉnh lộ 117 (Sơn La - Mường Chanh); đường liên xã khu vực Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La; sạt lở Quốc lộ 6 (đoạn tổ 10 phường Chiềng Lề).

Các cầu treo qua suối Nậm La thuộc địa bàn xã Hua La, Chiềng Cơi.

- Hồ chứa: Co Muông xã Chiềng Cọ; hồ Bản Mòng xã Hua La đang thi công.

*. Huyện Mai Sơn:

- Lũ Quét: Dọc lưu vực suối Nậm Pàn; Lũ quét cục bộ những lưu vực nhỏ các xã Chiềng Lương, Chiềng Chăn, Chiềng Ban, Chiềng Kheo.

- Sạt lở: Khu vực xã Tà Hộc, Nà Bó, Bản Hà Sét xã Nà Ớt

- Ngập lụt: Khu vực dọc Quốc lộ 6 xã Cò Nòi, các tiểu khu 6,10,13,14,18 Thị trấn và xã Hát Lót, Tà Sa xã Mường Bon, xã Chiềng Bằng.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 6, Quốc lộ 4G (Mai Sơn - Sông Mã), tỉnh lộ 110 (Mai Sơn - Tà Hộc), 109 (Hát Lót - Chiềng Sung), 113 (Cò Nòi - Phiêng Cằm), Hát Lót - Chiềng Mung, cầu treo trên địa bàn các xã Mường Bon, Mường Bằng.

- Hồ chứa: Hồ Tiền Phong, hồ Bản Kéo, hồ Nà Bó, hồ Đen Phường, hồ Bản Sẳng, hồ Mường Bon, hồ Noong Ỏ.

*. Huyện Yên Châu:

- Lũ quét: Lưu vực suối Vạt, suối Sập, suối Pha Cúng xã Lóng Phiêng; Lũ quét cục bộ lưu vực nhỏ các xã Chiềng Đông, Tú Nang, Chiềng Tương.

- Sạt lở, đá lăn: Bản Mỏ Than - Xã Lóng Phiêng; Bản Huổi Thón - Xã Chiềng Hặc; đá lăn khu tái định cư bản Quỳnh Sơn - Xã Yên Sơn.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 6, tỉnh lộ 103 (Tà Làng - Cò Nòi), Chiềng Sàng - Bó phương và các tuyến đường liên xã, cầu treo trên địa bàn các xã dọc suối sập từ Sập Vạt đến Chiềng Hặc.

- Hồ chứa: Hồ Chiềng Khoi, hồ Mường Lựm, hồ Huổi Vanh.

*. Huyện Thuận Châu:

- Lũ quét: Dọc lưu vực suối Muội, Suối Dòn; lũ quét cục bộ những lưu vực nhỏ các xã Bon Phặng, Nậm Lầu, Cò Mạ, Bản Lầm, Mường Khiêng.

- Sạt lở: Trên địa bàn các xã Nậm Lầu, Thôm Mòn, Tông Lạnh, Phổng Lập, Chiềng Bôm, các xã vùng cao, vùng di dân tái định cư.

- Ngập lụt: Trên địa bàn xã Tông Cọ, Tông Lạnh, Bó Mười, Thôm Mòn; ngập úng tại bản Phiêng Luông xã Phỏng Lái.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 6, tỉnh lộ 108 (Thuận Châu - Cò Mạ), Tỉnh lộ 107 (Chiềng Pấc - Quỳnh Nhai ); các tuyến liên xã nội huyện, đặc biệt các tuyến khu tái định cư Tòng Cọ - Bó Mười, Bó Mười - Liệp Tè, Cò Mạ - Mường Bám.

Cầu treo trên địa bàn các xã Chiềng Ngàm, Tông Lệnh, Liệp Muội.

- Hồ chứa: Hồ Lái Bay, hồ Muổi Nọi.

*. Huyện Quỳnh Nhai:

- Lũ quét: Suối Nậm Giôn, suối Cà Nàng; các lưu vực trên địa bàn Mường Giôn và Chiềng Khay,.

- Sạt lở, đá lăn: Khu tái định cư bản Bản Bỉa, Bản Cướn, Bó Ban, Huổi Pay I, Huổi Pay II xã Chiềng Bằng; bản Phát Hướng xã Cà Nàng; Khu trường trung học phổ thông và Trung tâm thị tứ Mường Giôn xã Mường Giôn; Bản Khứm xã Pác Ma Pha Khinh, trên địa bàn các xã Chiềng Khay, Liệp Muội, Chiềng Khoang, Nậm Ét, Mường Sại, Mường Giàng; Mường Chiên;

Đặc biệt sạt lở tại Bản Bỉa, Bản Cướm xã Chiềng Bằng sau ảnh hưởng cơn bão số 2 năm 2014. Đá lăn tại Bản Cang xã Chiềng Khoang.

- Ngập lụt: Trên địa bàn xã Chiềng Bằng, Chiềng Muôn.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 279 (Cáp Na - Đèo Minh Thắng), tỉnh lộ 107 mới thi công (Chiềng Pấc - Quỳnh Nhai), các tuyến liên xã nội huyện, đặc biệt các tuyến đường mới khu di dân tái định cư, tuyến Mường Giôn - Chiềng Khay, cầu treo trên địa bàn các xã Liệp Muội, Chiềng Sại.

- Xây dựng kế hoạch về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với 8 xã dọc sông trong phòng chống lũ bão cũng như mọi hoạt động dân sinh kinh tế trên lòng hồ Thủy điện Sơn La.

*. Huyện Mường La:

- Lũ quét: Suối Nậm Păm, suối Nậm Mu, Nậm Dôn, suối Bú; cục bộ các lưu vực trên địa bàn Bản Pết - xã Tạ Bú, xã Mường Bú; xã Chiềng San, thị trấn Ít Ong, bản Huổi Lẹ - xã Nậm Dôn.

- Ngập lụt: Khu bệnh viện, tiểu khu 5 Thị trấn Ít Ong, các xã Tạ Bú, Mường Bú.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Cầu Nậm Păm, Tỉnh lộ 106 (Sơn La - Mường La - Chiềng Lao), đường thi công các công trình thủy điện Huổi Quảng, Nậm Chiến, đường liên xã nội huyện Mường La - Ngọc chiến, Mường La - Chiềng Lao;

Cầu treo trên địa bàn các xã Chiềng San, Chiềng Hoa, Tạ Bú, Mường Bú.

*. Huyện Mộc Châu:

- Lũ quét: Dọc lưu vực suối Sập, suối Giăng; Lũ quét cục bộ những lưu vực địa bàn các xã Chiềng Khừa, Chiềng Hắc, Tân Lập, Tân Hợp, Hua Păng, Quy Hướng, Nà Mường, Mường Sang.

- Sạt lở, đá lăn: Trên địa bàn xã Chiềng Hắc, Ta Liết.

- Ngập úng: Các vùng trũng thị trấn Mộc Châu, nông trường Mộc Châu.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 6, Quốc lộ 43 (Vạn Yên - Lóng Sập), 104 (Mộc Châu - Tân Lập), 102 (Chiềng Sơn - Chiềng Xuân - Xuân Nha - Tân Xuân), các tuyến đường liên xã,

*. Huyện Vân Hồ:

- Lũ quét: Suối Tân, suối Quanh; cục bộ các lưu vực thuộc Mường Men.

- Sạt lở: Bản Chiềng Đi xã Vân Hồ; Bản Nà Bai xã Quang Minh, trên địa bàn xã Chiềng Yên.

- Ngập úng: Khu vực các xã Lóng Luông, Vân Hồ.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 6, Tỉnh lộ 101(Mộc Châu - Mường Tè), các tuyến đường liên xã.

*. Huyện Phù Yên:

- Lũ quét: Trên suối Tấc, suối Sập; các lưu vực địa bàn các xã Mường Cơi, Mường Lang.

- Sạt lở: Khu vực xã Mường Cơi, rạn nứt trên địa bàn xã Tường Phù.

- Hồ chứa: Hồ Suối Chiếu, hồ Suối Hòm.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: QL 37 (Lũng Lô - Cò Nòi), QL 43 (Gia Phù - Pa Háng), QL32B (Ngả Hai - Mường Cơi), QL114, Tỉnh lộ 114

(Tân Lang - Huy Hạ), các tuyến liên xã.

*. Huyện Bắc Yên:

- Lũ quét: Trên các lưu vực các xã Mường Khoa, Tạ Khoa, Hang Chú, Hồng Ngài, Háng Đồng, Pắc Ngà, Xím Vàng.

- Sạt lở các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 37, Tỉnh lộ 112 Bắc Yên - Làng Chếu, các tuyến đường liên xã nội huyện.

- An toàn đường thủy lòng hồ Sông Đà.

*. Huyện Sông Mã:

- Lũ quét: Trên lưu vực cục bộ các xã Chiềng Khương, Bó Sinh, Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng En, Mường Sai, Chiềng Sơ, Mường Hung.

- Sạt lở: Trên địa bàn xã Bó Sinh; Chiềng Phung.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 4G, Tỉnh lộ 105 ( Sông Mã - Púng Bánh, Tỉnh lộ 115 (Nà Nghịu - Mường Lầm), các tuyến đường liên xã nội huyện.

*. Huyện Sốp Cộp:

- Lũ quét: Trên lưu vực dọc suối các xã Mường Và, Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn, Púng Bánh, Dồm Cang.

- Sạt lở, sói trôi các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn.

- Các tuyến đường giao thông xung yếu: Quốc lộ 4G, Tỉnh lộ 105 (Sông Mã ÷ Púng Bánh), tuyến đường Mường Và ÷ Mường Cai Sông Mã, các tuyến đường liên xã, đường dân sinh; đường vành đai biên giới. Cầu treo trên địa bàn các xã Nậm Lạnh, Mường Lạn, Púng Bánh.

III. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành.

2. Tuyên truyền Luật Phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết, thủy văn, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, chỉ đạo xử lý, đối phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.

3. Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai; đặc biệt tiếp tục rà soát, bổ sung phương án ứng phó với hạn hán, phòng chống lũ quét và siêu bão trong mùa mưa lũ.

4. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết và thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai của các cấp từ tỉnh đến huyện, đến xã, thôn, bản, nhóm dân cư để mọi người phòng tránh có hiệu quả và để có thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

5. Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng chống lũ quét, ngập lụt, sạt lở; công trình thủy lợi, giao thông để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.

6. Triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

7. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2017, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai đến cấp xã.

8. Tổ chức và hoạt động Quỹ phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ. Triển khai tốt công tác quản lý, thu - chi, sử dụng, quyết toán Quỹ Phòng, chống thiên tai.

9. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống công trình thủy lợi có kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng. Lập phương án cụ thể phòng chống hạn hán, đảm bảo an toàn tuyệt đối với các hồ chứa, an toàn công trình trong mùa mưa lũ; ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất

10. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo quy định, cập nhật để theo dõi, thông tin cảnh báo, báo cáo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

IV. Nội dung và biện pháp thực hiện

1. Biện pháp phi công trình

1.1. Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống thiên tai.

1.2. Triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chú trọng việc lồng ghép các biện pháp, nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

1.3. Cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt xây dựng phương án ứng phó với hạn hán, phòng chống lũ quét và siêu bão trong mùa mưa lũ.

1.4. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, các Sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực tốt kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường công tác phối hợp hoạt động ứng phó cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm.

1.5. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Sở, ban, ngành theo quy định của Chính phủ để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

1.6. Lập kế hoạch mua sắm trang bị các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương, lĩnh vực ngành để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai.

1.7. Triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2017 trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp xã, nhất là các trọng điểm dân cư sinh sống, sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, thường xuyên xẩy ra thiên tai.

1.8. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các dự án di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, ngập lụt.

1.9. Các địa phương, đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, như: Tình trạng xây dựng, san lấp mặt, khai thác vật liệu bằng trái phép lấn chiếm, ngăn cản, gây tắc nghẽn dòng chảy sông suối khe rạch, kênh, mương; xâm phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt.

Tuyên truyền giáo dục pháp luật về các hành vi bị cấm tại Điều 12 của Luật Phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm túc Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi; phòng, chống lụt, bão.

1.10. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai đúng, đủ theo quy định.

1.11. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, ngành, đơn vị tổ chức trực ban PCTT & TKCN theo quy định, nắm chắc diễn biến tình hình, tình huống, kịp thời thông báo, cảnh báo và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành và thông tin, cảnh báo, hướng dẫn đến nhân dân biết để kịp thời ứng phó an toàn, hiệu quả. Nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường do thiên tai gây ra.

Kiểm tra, xác minh thống kê báo cáo kịp thời, đúng quy định Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và đầu tư Hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Biện pháp công trình

2.1. Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công công trình: Đối với các công trình đang xây dựng có phương án, chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa lũ.

2.2. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thôn, bản, tiểu khu vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy; bốc dỡ vật cản gây ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước; an toàn hành lang giao thông, hành lang lưới điện trong mùa mưa bão. Cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao, không an toàn lũ quét, sạt lở, ngập lụt.

2.3. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ các dự án di chuyển dân vùng thiên tai, các công trình kè bảo vệ khu dân cư, kè thoát lũ, cầu, cống giao thông, thủy lợi… đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai lũ quét, sạt lở, ngập lụt.

3. Biện pháp ứng phó đối với một số loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dạng thiên tai: mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối, hạn hán, nắng nóng. Khả năng xảy ra thiên tai có trên cả 4 mùa trong năm. Lũ quét, gió lốc, sạt lở là các dạng thiên tai xẩy ra bất thường, bất ngờ, bất kỳ; khó dự báo, xác định và đúc rút kinh nghiệm để chủ động trong phòng, tránh và đối phó.

Trong năm gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu thiên tai xuất hiện bất thường, không theo quy luật, tần suất xuất hiện ngày càng tăng và cường độ ngày càng lớn, hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.

3.1. Công tác ứng phó với lũ, lũ quét, ngập lụt

3.1.1. Công tác truyền thông

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN, Đài Khí tượng Thủy văn cung cấp nội dung; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện và các cơ quan truyền thông thực hiện, ưu tiên phát các tin cảnh báo, chỉ đạo, hướng dẫn về lũ, lũ quét, ngập lụt. Hình thức truyền thông tin từ các xã đến cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương, xe loa tuyên truyền cơ động, loa cầm tay trực tiếp.

3.1.2. Tổ chức ứng phó

a) Đối với UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực để xử lý các tình huống; Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, sẵn sàng, triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố; chủ động sơ tán nhân dân hạ du hồ chứa, ven sông suối, khe rạch không an toàn lũ quét, lũ ống, ngập lụt.

- Dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.

- Cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực, chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập và những nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm; ngăn cấm các hoạt động tắm bơi, đánh bắt thủy sản, vớt củi trên sông suối, khe lạch, cầu tạm khi có lũ.

- Tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến.

- Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ cho các công trình đang thi công, các công trình trọng điểm, sơ tán dân.

- Triển khai thực hiện phương án phòng chống lũ, lụt; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở… triển khai phương án sơ tán nhân dân; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng ngập lũ.

b) Đối với các Sở, Ban, ngành

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của đơn vị tổ chức công tác ứng phó với lũ, lụt.

3.1.3. Tổ chức sơ tán nhân dân

Trên cơ sở mức báo động lũ, phát lệnh sơ tán và chỉ huy công tác sơ tán; lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân dân là lực lượng vũ trang như quân đội, công an…; kiểm tra, rà soát an toàn số người sơ tán và nơi sơ tán đến; ưu tiên giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán.

3.1.4. Phương án khắc phục hậu quả

- Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức ứng phó cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm, khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên, chăm sóc các gia đình có người bị nạn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục nhà cửa, nước sinh hoạt, công trình phúc lợi công cộng y tế, giáo dục, bưu điện; công trình cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông; hỗ trợ nông dân khôi phục và tổ chức sản xuất nông nghiệp…

- Vận động, tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.

- Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.

3.2. Công tác ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn

- Tuỳ theo mức độ, cường độ ảnh hưởng các Sở ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức ứng phó tương tự như công tác ứng phó với lũ, lũ quét, ngập lụt. Đài khí tượng thủy văn tăng cường công tác dự báo, cảnh báo.

- Phòng tránh đối phó gió lốc, mưa đá: Theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, chủ động thực hiện các biện pháp chằng néo nhà ở của nhân dân, kho tàng, công sở, công trình công cộng; phát quang, cắt tỉa cây xanh an toàn hành lang lưới điện, hành lang giao thông; che phủ bảo vệ cây trồng, trái non an toàn sản xuất nông, lâm, thủy sản.

3.3. Công tác ứng phó với nắng nóng, hạn hán

3.3.1. Công tác truyền thông

Đài Khí tượng Thủy văn, Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp nội dung; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện và các cơ quan truyền thông, cơ quan chuyên môn thực hiện cảnh báo, chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống, ứng phó.

3.3.2. Tổ chức ứng phó

a) Đối với UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến thời tiết; Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước; điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng kế hoạch chuẩn bị phương tiện máy bơm, vật tư, nhiên liệu cần thiết ứng phó.

- Rà soát, bổ sung chủ động phương án phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các địa bàn thuộc vùng cao.

b) Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi có phương án tích nước, trữ, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả; các biện pháp an toàn, phòng chống thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.

3.3.3. Phương án khắc phục hậu quả

Trên cơ sở kế hoạch, phương án ứng với tình hình thực tế, các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tổ chức ứng phó kịp thời. Tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương, có phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả ổn định đời sống sinh hoạt, khôi phục sản xuất.

3.4. Công tác ứng phó với sạt lở đất

3.4.1. Công tác truyền thông: Tuyên truyền, vận động đến các hộ dân đang sinh sống ven sông, suối, sườn đồi, taluy các khu vực nguy cơ cao thực hiện các biện pháp phòng tránh an toàn, chấp hành những quy định, hướng dẫn của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

3.4.2. Tổ chức ứng phó

a) Đối với UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo, tổ chức trực ban nghiêm túc theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; có phương án sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, chủ động tuyên truyền vận động di dời dân ở những nơi xung yếu.

- Cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để kịp thời thông báo cho các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở.

b) Đối với các Sở, ban ngành

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của đơn vị tổ chức công tác ứng phó.

3.4.3. Tổ chức sơ tán, di chuyển nhân dân

- Khi có tình huống, sự cố xấu, mất an toàn, lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân dân là lực lượng vũ trang như quân đội, công an…kiểm tra an toàn nơi sơ tán đến; ưu tiên sơ tán cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán.

- Di chuyển dân vùng nguy cơ thiên tai: Hình thức di chuyển các hộ gia đình chủ động di chuyển theo hướng dẫn, quy định, hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và chính sách pháp luật của nhà nước.

3.4.4. Phương án khắc phục hậu quả

- Kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tìm kiếm cứu nạn, nhu yếu phẩm, tổ chức ứng phó cứu, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kịp thời theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.

3.5. Công tác ứng phó với rét hại, sương muối

3.5.1. Công tác truyền thông: Đài Khí tượng Thủy văn cung cấp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông thực hiện, ưu tiên phát các tin về rét hại, sương muối. Hình thức truyền thông tin từ các huyện, thành phố đến cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương.

3.5.2. Tổ chức ứng phó

a) Đối với UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến thời tiết, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương; bảo đảm nguồn thức thức ăn cho gia súc, gia cầm; triển khai biện pháp phòng, chống rét bảo vệ người, cây trồng, vật nuôi.

- Dự trữ thuốc phòng chống dịch bệnh cho người, cây trồng, vật nuôi; vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi và các nhu yếu phẩm khác để ứng phó và khắc phục hậu quả.

b) Đối với các Sở, ban ngành

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của đơn vị chỉ đạo, tổ chức công tác ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả.

3.5.3. Phương án khắc phục hậu quả

- Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả hỗ trợ nông dân khôi phục và giống cây trồng, vật nuôi.

- Vận động, tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ kinh phí, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

- Tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.

3.6. Công tác ứng phó với giông sét

3.6.1. Phòng tránh ứng phó

Khi có mưa rông tìm nơi trú ẩn an toàn, không đứng dưới các cây to, cột điện khi có mưa dông, tắt điện thoại không sử dụng, không cầm vật dụng bằng sắt. Xây dựng nhà ở, công nghiệp dân dụng, đường dây tải điện, các trạm thu, phát sóng truyền thanh truyền hình, viễn thông…phải đảm bảo có hệ thống chống sét đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật.

3.6.2. Phương án khắc phục hậu quả

- Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị ứng cứu. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thiệt hại.

- Báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục.

IV. Phương pháp, cách thức lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

- Nội dung phòng chống thiên tai được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

- Quy hoạch phát triển khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp (cơ cấu cây trồng vật nuôi, dịch vụ... phù hợp với đặc điểm khí hậu, thủy văn và diễn biến thiên tai tác động trên từng vùng, lĩnh vực; né tránh sự can thiệp làm ngăn cản, xâm lấn, vùi lấp dòng chảy và các hang thoát lũ tự nhiên, phá hại môi trường.

Các dự án đầu tư phải được xem xét sự phù hợp với đặc điểm các dạng thiên tai của từng vùng, từng địa phương, từng địa bàn tham gia phòng ngừa, ngăn ngừa, chế ngự, phòng tránh, ứng phó thiên tai hiệu quả, đánh giá tác động môi trường về lâu dài. Đầu tư xây dựng, nâng cấp khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, công trình tạm, hoặc đầu tư tạm thời nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng Biến đổi khí hậu.

- Xây dựng nông thôn mới có hạ tầng cơ sở phát triển cao nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực, chủ động phòng tránh thiên tai hiệu quả; an toàn, ổn định và phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Hàng năm rà soát xây dựng bản đồ nguy cơ, phân vùng ảnh hưởng các dạng thiên tai làm cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Lồng ghép các hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; các cơ quan thông tin truyền thông, thông tin đại chúng; các ban, ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Bảo vệ và phát triển rừng để cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai lâu dài, bền vững.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn tăng cường bộ máy quản lý, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, nhất là đối với cơ sở.

V. Phân công trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm

1. Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

- Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phương án để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng ứng phó với tình huống khi mưa lớn xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt, siêu bão. Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt xây dựng lực lượng tại chỗ, trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ, hướng dẫn kỹ năng để ứng phó cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai.

- Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai; đặc biệt là tại các khu vực xung yếu lũ quét, sạt lở, ngập lụt (ven sông, ven suối, vùng trũng thấp…). Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT & TKCN theo sự phân công của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm tra bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân; điều phối, kiểm soát an toàn giao thông ở khu vực xảy ra thiên tai.

- Có kế hoạch dự phòng huy động thiết bị cơ động, phương tiện cơ giới, vận tải đường bộ phù hợp với địa hình khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu sơ tán dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ... theo lệnh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Xây dựng phương án của ngành để ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với tình huống mưa lũ, siêu bão xảy ra.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ và của tỉnh về hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, bị thương, nhà cửa bị đổ... do thiên tai gây ra, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố giải quyết các chính sách, chế độ trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cấp

Tổ chức vận động và tiếp nhận sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân kịp thời cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai ổn định đời sống.

5. Sở Công Thương

Chỉ đạo đảm bảo về dự trữ nhiên liệu, hàng hóa nhu yếu phẩm trong khắc phục hậu quả thiên tai. Xây dựng phương án của ngành để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai mưa lũ, siêu bão. Chỉ đạo, đôn đốc các Ban quản lý các nhà máy Thủy điện nghiêm túc thực hiện quy định về phương án phòng chống lũ bão đảm bảo an toàn đập, nhà máy và vùng hạ du.

6. Sở Y tế

Chuẩn bị cơ số thuốc và dụng cụ y tế, phòng ngừa dịch bệnh, chỉ đạo hệ thống bệnh viện, trạm y tế chủ động phương án cấp cứu thương vong, phòng ngừa dịch bệnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả lụt bão. Xây dựng kế hoạch, phương án của ngành để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả, diễn tập phòng chống thiên tai.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn

Thực hiện chế độ phát tin cảnh báo, thông báo, truyền tin khi xảy ra thiên tai theo quy định, thực hiện các chương trình chuyên đề về phòng, chống, ứng phó thiên tai, hiểm họa.

8. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; Tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định và phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, xử lý kịp thời nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả các dạng thiên tai. Đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện tốt hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định.

- Thu thập xử lý thông tin, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh để ra các chỉ lệnh kịp thời về phòng chống thiên tai; xây dựng, dự thảo các báo cáo theo quy định.

- Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc và các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung thiết bị, mạng lưới các trạm đo mưa và trạm đo mực nước trên địa bàn phục vụ việc thông tin cảnh báo kịp thời, chủ động phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả trình UBND tỉnh.

9. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh

Chủ động theo dõi, trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra. Phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý những nội dung liên quan trong công tác phòng, chống, ứng phó các dạng thiên tai thuộc lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành ph

- Cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương mình. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

- Lồng ghép nội dung chương trình phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Đôn đốc công tác thu nộp Quỹ phòng chống thiên tai hàng năm.

- Tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định. Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn để đề xuất giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Chính quyền địa phương, vi phạm quy định pháp luật trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch hàng năm về tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thích nghi, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương theo Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2010 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020.

- Tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định. Có kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị, địa bàn giáp gianh về lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.

V. Dự kiến giải pháp nguồn lực thực hiện

1. Ngân sách Trung ương

Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai vượt quá khả năng của tỉnh; đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, giao thông; thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020; hệ thống cảnh báo thiên tai, các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ ứng phó với lũ quét, sạt lở, ngập lụt.

2. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh

Khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

3. Ngân sách địa phương

Đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, trang bị những điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Ngoài ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan theo từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2017./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 219/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2017

  • Số hiệu: 219/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Lò Minh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản