Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2100/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII: số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; số 101/2015/QH13 ngày 14 tháng 11 năm 2015 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

1. Giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 (theo biểu đính kèm).

2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2016: Dự toán chi trả nợ; chi thực hiện các chế độ đối với con người đã được ban hành (trợ cấp một lần đối với dân công hỏa tuyến; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách nội trú, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với con người khi điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020,...); chi đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế và thuê đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia; hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hướng dẫn và bổ sung kinh phí phát sinh thêm do chênh lệch tỷ giá thực tế với tỷ giá tính dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

3. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

4. Giao Bộ Tài chính:

- Thu hồi vốn đầu tư ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

- Thu hồi kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước đã ứng trước cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đối với các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước phát sinh sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn viện trợ này và thông báo cho các Bộ, địa phương triển khai thực hiện.

Điều 2. Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các chỉ tiêu sau:

1. Dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

3. Dự toán chi bổ sung có mục tiêu (vốn sự nghiệp) từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo từng mục tiêu, nhiệm vụ và mức dự toán đã được Quốc hội quyết định.

4. Dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

5. Dự toán chi thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Điều 3. Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các chỉ tiêu sau:

1. Giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương kinh phí đào tạo học sinh, sinh viên Lào và Campuchia học tập tại Việt Nam theo diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án từ nguồn vốn hỗ trợ hợp tác. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2015 phân bổ và giao dự toán kinh phí đào tạo đối với số học sinh, sinh viên diện Hiệp định đang có mặt; kinh phí thực hiện các chương trình, dự án đủ điều kiện triển khai năm 2016, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hoàn thành năm 2016; số kinh phí còn lại phân bổ và giao dự toán trước ngày 30 tháng 6 năm 2016.

2. Giao chi tiết dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Điều 4. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 được giao, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm:

1. Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước:

a) Dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước; phần còn lại mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

b) Dự toán chi thường xuyên triệt để tiết kiệm; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh; bố trí kinh phí tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, kinh phí tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập ngành theo tinh thần triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đảm bảo mục tiêu, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định hiện hành để thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia do địa phương quản lý, các dự án do Trung ương hỗ trợ trên địa bàn (nếu có).

3. Các địa phương tiếp tục sử dụng một phần từ nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Việc phân bổ chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

5. Trường hợp có nhu cầu bổ sung dự toán chi NSNN từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với vốn vay cho chi đầu tư phát triển) và Bộ Tài chính (đối với vốn vay cho chi sự nghiệp) tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 5. Đối với điều chỉnh tiền lương năm 2016

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở. Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% (đã thực hiện từ năm 2015).

2. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, sắp xếp các nhiệm vụ chi để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2016.

4. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2016 từ một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất).

b) Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên nêu tại điểm a Khoản này, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương.

Giao Bộ Tài chính xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

c) Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương như đã nêu tại điểm a, b Khoản này mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016, giao Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương, thông báo số cần bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong năm 2016; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2016 trước ngày 10 tháng 12 năm 2015.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai:

a) Giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2016 đến từng đơn vị trước ngày 31 tháng 12 năm 2015; báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

b) Thông báo dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương năm 2016 thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016.

Điều 7. Về chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các khoản chưa phân bổ khác.

1. Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu

a) Các cơ quan chủ chương trình khẩn trương hoàn thiện thủ tục theo Luật đầu tư công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu theo quy định.

b) Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu:

- Đối với chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, chương trình Xây dựng nông thôn mới:

+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chủ chương trình xây dựng phương án phân bổ tiếp dự toán chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp (phần còn lại đã thông báo dành cho 02 chương trình) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phân bổ chi tiết của cơ quan chủ chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án phân bổ tiếp dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2016 còn lại của hai chương trình.

- Đối với các chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp:

+ Trong vòng 05 ngày làm việc, Bộ Tài chính thông báo cho các cơ quan chủ chương trình dự toán chi NSNN (kinh phí sự nghiệp) năm 2016 của từng chương trình.

+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tài chính, các cơ quan chủ chương trình xây dựng phương án phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phân bổ chi tiết của cơ quan chủ chương trình, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án phân bổ dự toán chi chương trình mục tiêu (kinh phí sự nghiệp) năm 2016.

2. Đối với các khoản chưa phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên khác của dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 8. Tổng hợp và báo cáo kết quả phân bổ kế hoạch nhà nước năm 2016:

Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Điều 9. Đối với khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính

Tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%; riêng khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70%, ngân sách địa phương 30%. Kinh phí đảm bảo hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu xử phạt vi phạm hành chính do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 10. Thực hiện cơ chế thưởng và đầu tư trở lại cho ngân sách địa phương

1. Thưởng 30% số thu vượt dự toán năm 2016 (phần ngân sách trung ương được hưởng) từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nhưng không vượt quá số tăng thu phần ngân sách trung ương được hưởng năm 2016 so với mức thực hiện năm 2015 từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương.

Đối với Thành phố Hà Nội thực hiện theo Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 123/2004/NĐ-CP; đối với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP.

2. Số thưởng vượt thu nêu trên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định để ưu tiên trả nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, thực hiện nhiệm vụ quan trọng và thưởng cho ngân sách cấp dưới theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 12. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

(Kèm theo Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Chỉ tiêu

Dự toán năm 2016

Tổng số

Nguồn trong nước

Nguồn ngoài nước

 

TỔNG SỐ CHI

32.531.445

31.933.805

597.640

A

PHẦN TRỰC THUỘC BỘ

1.731.445

1.133.805

597.640

I

Chi đầu tư phát triển

485.100

460.100

25.000

II

Chi thường xuyên

1.246.345

673.705

572.640

1

Chi sự nghiệp đào tạo, dạy nghề

452.675

255.675

197.000

 

Trong đó: Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức

3.300

3.300

 

2

Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ

16.490

16.490

 

3

Chi sự nghiệp đảm bảo xã hội

632.640

257.000

375.640

4

Chi sự nghiệp kinh tế

24.560

24.560

 

5

Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường

2.200

2.200

 

6

Chi quản lý hành chính

117.310

117.310

 

7

Chi trợ giá

470

470

 

B

CHI TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

30.800.000

30.800.000 (1)

 

Ghi chú:

(1) Chi trợ cấp theo Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.