Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2098/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 12 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật phổ biến giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 152/TTr-SNN ngày 29/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Báo cáo)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, các tổ chức CT-XH của tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Các Cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các phòng: NNMT, TH, VH-XH, TM, TC-TM;
- Lưu: VT, NNMT (Th 90b).

CHỦ TỊCH




Hoàng Trọng Hải

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Kèm theo Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích:

Nhằm chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Bảo vệ được diện tích rừng hiện có ở các địa phương, phát triển vốn rừng, sử dụng tài nguyên rừng bền vững; kiểm soát, ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; đưa công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đúng quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu:

- Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị, đây là những nội dung của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đòi hỏi các cấp các ngành trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Quản lý rừng, Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, đồng bộ, toàn diện, phù hợp với từng đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra; củng cố phát huy cơ chế phối hợp hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các ngành, các cấp; nâng cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động của các cơ quan trong tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng;

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, nội dung, hình thức, thời gian, địa điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện thực tiễn tại địa phương và đồng bào các dân tộc.

- Hàng năm các cấp các ngành phải tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được triển khai theo kế hoạch.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN.

1. Nội dung tuyên truyền:

1.1. Các quy định về quản lý, bảo vệ rừng

- Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/02/2004;

- Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

- Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

- Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm;

- Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm;

- Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Nghị định 157/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

- Nghị định 166/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ Tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, khai thác rừng trái phép;

- Chỉ thị số 3417/CT-BNN-KL ngày 21/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã.

- Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 08/12/2009 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

- Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ Tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ;

- Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 16/3/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND, ngày 30/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phát triển rừng tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2011-2015;

1.2. Các chính sách được hưởng lợi của người dân

- Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24 tháng 09 năm 2010 Nghị định về chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng;

- Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;

1.3. Các quy định về phòng chống cháy rừng

- Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 29/6/2001;

- Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Chỉ thị số 07/2014/CT-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ Tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Đối tượng tuyên truyền:

- Đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... (Thông qua các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk).

- Đối với tổ chức Thanh niên (Thông qua tổ chức đoàn).

- Đối với lực lượng dân quân tự vệ (Thông qua tổ chức quân sự địa phương).

- Đối với nhân dân các thôn, buôn (Thông qua tổ chức Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ).

- Đối với học sinh (Thông qua chương trình giáo dục trong nhà trường).

3. Hình thức tuyên truyền:

3.1. Thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn

Tổ chức Hội nghị, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, tập huấn chuyên sâu, lồng ghép trong giao ban, hội họp, trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể; tổ chức hội nghị cấp xã và họp thôn buôn tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đặc biệt là tại các vùng trọng điểm dễ cháy rừng, các vùng trọng điểm chặt phá rừng...

3.2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng

Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR trên tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức phù hợp như: mở các chuyên trang, chuyên mục, đưa tin, phát sóng các buổi tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy định, hướng dẫn các ngành, các cấp có nội dung liên quan đến bảo vệ rừng, PCCCR; đăng, tải các tin, bài, tài liệu trên báo, trang tin điện tử, Bản tin, tạp chí của cơ quan, đơn vị; niêm yết tại trụ sở, bảng tin cơ quan, tổ chức khu dân cư; tổ chức các buổi phát thanh trên đài truyền thanh các cấp, loa truyền thanh cơ sở....

3.3. Thông qua băng đĩa, hình ảnh, tài liệu

- Biên soạn, phát hành tập san, đĩa DVD, VCD... để tuyên truyền phổ biến tại địa bàn.

- Xây dựng Panô, áp phích, tranh cổ động, đồng thời sơn sửa bảng hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR với các nội dung thiết thực, bố trí những địa điểm dễ quan sát, dễ nhìn có tác dụng tuyên truyền cao.

3.4. Các hình thức khác.

Tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các điểm dân cư tập trung hay gián tiếp thông qua việc phối hợp tuyên truyền trong công tác xét xử lưu động, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... kết hợp tư vấn hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu về công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng;

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng Kiểm lâm từ tỉnh đến huyện, thành phố xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục luật về bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng trong từng lĩnh vực.

2. Sở Tư pháp:

Theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý, hướng dẫn và định hướng cho các đơn vị, ban, ngành liên quan nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: các văn bản quy phạm pháp luật trước in thành tập san, đĩa DVD, VCD để tuyên truyền, phổ biến tại địa bàn...

3. Sở Tài chính:

Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách sự nghiệp hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) và UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

4. Sở Văn hóa, truyền thông:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp xây dựng nội dung các tập san, băng đĩa để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chữa cháy rừng. Tăng cường tuyên truyền Luật, các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tuyên truyền những điển hình tốt về công tác bảo vệ và phát triển rừng, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ rừng, chống người thi hành công vụ.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục trực thuộc, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng” trong đối tượng học sinh phổ thông, học sinh trung học cơ sở tại địa phương.

6. Cơ quan Công an tỉnh:

Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch, đặc biệt chú ý tăng cường công tác tuyên truyền phát động phong trào toàn dân tham gia Luật PCCC và Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về PCCR.

7. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh:

Chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch

8. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh:

Chỉ đạo các Đồn biên phòng tổ chức thực hiện kế hoạch.

9. Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên:

Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức các chương trình tuyên truyền vận động, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR cho các thành viên; tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ rừng.

9. Liên đoàn lao động tỉnh, tỉnh đoàn:

Phối hợp các cơ quan ban ngành...tổ chức, chỉ đạo các liên đoàn lao động, huyện đoàn, thành đoàn triển khai thực hiện kế hoạch...

10. Các cơ quan thông tấn (Báo, Đài) trên địa bàn tỉnh:

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng”; thực hiện các chuyên trang tuyên truyền hàng tháng trên báo.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

IV. KINH PHÍ.

- Kinh phí triển khai các hoạt động tại kế hoạch này được bố trí theo quy định tại Luật ngân sách Nhà nước, Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành.

- Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của năm sau, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đoàn thể tổ chức xây dựng dự toán kinh phí hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách Nhà nước của cấp mình trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Trên đây là Kế hoạch triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Đề nghị các ngành chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và những yêu cầu thực tế về công tác bảo vệ rừng ở địa phương để xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch này, hàng quý tổng hợp kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Báo cáo)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, các tổ chức CT-XH của tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Các Cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các phòng: NNMT, TH, VH-XH, TM, TC-TM;
- Lưu: VT, NNMT (Th 90b).

CHỦ TỊCH




Hoàng Trọng Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2098/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 2098/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Hoàng Trọng Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản