Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2011/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 30 tháng 08 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2011-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 03/12/2004.

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 2241/QĐ-BNN-LN, ngày 03/8/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán, giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 2366/QĐ-BNN-LN, ngày 17/8/2006 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ, giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg, ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất, giai đoạn 2007-2015;

Xét Tờ trình số 58/TTr-UBND, ngày 28/8/2011 của UBND tỉnh về đề nghị thông qua Nghị quyết phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra số 25/BC-HĐND, ngày 16/8/2011 của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua quy định về phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm:

a) Phát triển rừng phải đảm bảo phát triển bền vững; phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển lâm nghiệp; đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; tuân theo quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ quy định;

b) Chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính trên diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao, cho thuê; phải có kế hoạch trồng lại rừng ở những diện tích đất chưa có rừng, sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp; có biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng;

c) Có chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức Quốc tế, để bảo đảm cho phát triển rừng bền vững.

2. Mục tiêu:

Hội đồng nhân dân tỉnh xác định mục tiêu như sau:

a) Nâng độ che phủ rừng lên 52% vào năm 2015; đến năm 2015 cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và cho thuê;

b) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ và thông thoáng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ rừng trồng;

c) Góp phần vào kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân và giảm sức ép vào rừng tự nhiên;

3. Các nhiệm vụ chủ yếu:

- Trồng rừng 7.000 ha/năm, trong đó:

+ Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 500 ha/năm

+ Trồng rừng sản xuất, nguyên liệu: 4.500 ha/năm

+ Trồng rừng thay thế nương rẫy: 1.000 ha/năm

+ Hỗ trợ trồng rừng sản xuất hộ gia đình: 1.000 ha/năm

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 5.000 ha/năm;

- Cải tạo rừng nghèo (trồng rừng và trồng cao su: 2.500 ha/năm);

- Trồng cây phân tán: 1 triệu cây/năm;

- Giao khoán rừng, cho thuê đất trồng rừng khoảng: 8.000ha/năm;

4. Một số giải pháp chính:

a) Giải pháp về đất đai.

- Thực hiện việc rà soát và thu hồi lại những diện tích đất lâm nghiệp vượt quá hạn điền để điều chỉnh giao cho các hộ chưa có đất canh tác phát triển sản xuất ổn định đời sống, ưu tiên cho các hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu sử dụng đất phát triển kinh tế hộ;

- Trên địa bàn các huyện: Lắk, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo còn một số diện tích đất trống chưa giao thì chính quyền lập các dự án giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án trồng rừng, trồng cây đa mục đích;

- Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư với nông dân có đất để trồng rừng hai bên cùng có lợi;

- Hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, đơn vị lâm nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ cho công tác phát triển rừng và chủ động trong kinh doanh rừng;

- Đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng được ưu tiên bố trí đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu vực do doanh nghiệp đề nghị phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

b) Giải pháp về tổ chức quản lý và sản xuất.

- Củng cố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015

- Xây dựng các thể chế chính sách để đảm bảo quản lý và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào công tác phát triển rừng.

- Nâng cao năng lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý Nhà nước đối với lâm nghiệp. Tăng cường cán bộ có chuyên môn phụ trách lâm nghiệp cấp huyện, kiện toàn các Ban lâm nghiệp xã;

- Tiếp tục củng cố vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chủ rừng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển rừng trên diện tích rừng và đất rừng được giao, được thuê, quản lý và sử dụng rừng đạt hiệu quả cao nhất;

- Ưu tiên đầu tư trồng rừng nguyên liệu theo hướng đa dạng sản phẩm có năng suất chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định tại các huyện: Lắk, Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk;

- Đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các huyện: Krông Năng, Ea Kar, M’Đrăk; cải tạo rừng nghèo kiệt tại huyện: Buôn Đôn, Ea Súp.

c) Giải pháp về khoa học và công nghệ, đào tạo và khuyến lâm.

- Nghiên cứu và tuyển chọn các giống cây rừng thích nghi trên các dạng lập địa theo từng mục đích cây trồng, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tạo giống cây trồng như công nghệ giâm hom, nuôi cấy mô và kinh nghiệm sản xuất cây giống bản địa trong nhân dân để sản xuất giống có chất lượng cao;

- Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý lâm nghiệp các cấp đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới; Nhà nước đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật về chuyên môn lâm nghiệp và công nghệ sinh học;

- Nhà nước có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước bỏ vốn nghiên cứu khoa học về giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng;

- Xây dựng hệ thống khuyến lâm để thực hiện tốt chương trình khuyến lâm về cơ sở.

d) Giải pháp về chính sách.

- Thực hiện các đề án, dự án liên quan đến công tác phát triển rừng giai đoạn 2010-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt như: Dự án Hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy; Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên;

- Hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp có đất đai phù hợp và tự nguyện tham gia trồng rừng, mức hỗ trợ theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

- Ưu đãi trong vốn vay cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động gây trồng rừng và chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng;

e) Giải pháp về vốn

Tổng nhu cầu vốn cho thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 ước tính khoảng 826,068 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 80,769 tỷ đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, hộ gia đình khoảng 700 tỷ đồng và vốn tài trợ Quốc tế khoảng 45,299 tỷ đồng.

* Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước:

- Nhà nước đầu tư cho các công việc: Phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng cây phân tán; vốn cho nghiên cứu khoa học, khuyến lâm;

- Nguồn vốn được lấy từ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, vốn từ khai thác rừng trồng có nguồn gốc ngân sách Nhà nước, vốn sự nghiệp khoa học, vốn sự nghiệp đào tạo, vốn khuyến lâm và hàng năm bố trí một khoản vốn ngân sách cho riêng kế hoạch phát triển rừng.

* Nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước:

- Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho các dự án gây trồng rừng, trồng cây đa mục đích, chế biến gỗ rừng trồng;

- Nguồn vốn từ vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng thương mại và vốn tài trợ của các tổ chức Quốc tế.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ hàng năm báo cáo HĐND tỉnh.

Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 19 tháng 8 năm 2011./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở: NN-PTNT, KH-ĐT, TC; Tư pháp;
- Thường trực HĐND cấp huyện;
- Báo Đắk Lắk; Đài PT-TH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, PCT HĐND.

CHỦ TỊCH




Niê Thuật