Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 16 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3534/TTr-UBND ngày 27/6/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 66/BC-HĐND ngày 10/7/2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, với các nội dung chính sau:

1. Mục tiêu:

Tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 53,5% vào năm 2015, nâng độ che phủ rừng duy trì và ổn định ở tỷ lệ 55% vào năm 2020; nâng cao khả năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đê và khu dân cư, phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.

- Hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ lớn gắn với chế biến lâm sản chất lượng cao để phục vụ sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ du lịch; hiện thực các cơ chế chính sách để người dân ngày càng được hưởng lợi từ tài nguyên rừng.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 80.000 - 100.000 lao động đến năm 2020 của ngành lâm nghiệp. Tham gia củng cố tuyến phòng thủ biên giới trên đất liền và ven biển.

2. Nhiệm vụ:

- Bảo vệ, phát triển bền vững 425.126,5 ha rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch đến năm 2020, trong đó: Rừng đặc dụng 26.096,3 ha; rừng phòng hộ 132.674,9 ha và rừng sản xuất 266.355,4 ha; bảo vệ môi trường sinh thái phòng hộ đầu nguồn giữ đất, giữ nước, phòng hộ ven biển, bảo vệ đê và khu dân cư, phòng chống biến đổi khí hậu; chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

- Khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng 266.355,4 ha quy hoạch cho loại rừng sản xuất để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đến năm 2020 có 172.764,3 ha rừng trồng là rừng sản xuất (bao gồm rừng nguyên liệu gỗ nhỏ; vùng sản xuất gỗ lớn; rừng đặc sản, sản xuất dầu, nhựa và lâm sản ngoài gỗ khác); đến năm 2020 có khoảng 15% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Các chỉ tiêu nhiệm vụ đến năm 2020 như sau:

(1) Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, khối lượng là: 2.980.640 lượt ha; trong đó:

+ Đã thực hiện năm 2012 và năm 2013: 642.351 lượt ha;

+ Giai đoạn 2014 - 2015: 642.352 lượt ha;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 1.695.937 lượt ha.

(2) Trồng rừng: 125.745 ha, (diện tích quy hoạch trồng rừng gỗ lớn 15.000 ha); trong đó:

- Trồng mới: 44.789 ha (gồm rừng đặc dụng 771 ha, rừng phòng hộ 11.281 ha, rừng sản xuất 32.737 ha); bình quân trồng 5.600 ha/năm; trong đó:

+ Đã thực hiện năm 2012 và năm 2013: 14.172 ha;

+ Giai đoạn 2014 - 2015: 7.705 ha;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 22.912 ha (trồng rừng gỗ lớn 5.000 ha).

- Trồng lại rừng sau khai thác: 80.956 ha; (bình quân 9.000 ha/năm); trong đó:

+ Đã thực hiện năm 2012 và năm 2013: 16.000 ha;

+ Giai đoạn 2014 - 2015: 16.901 ha;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 48.055 ha (trồng rừng gỗ lớn 10.000 ha).

(3) Khoanh nuôi tái sinh rừng: 16.704 lượt ha; bình quân trên 1.800 lượt ha/năm; trong đó:

+ Giai đoạn 2014 - 2015: 7.857 lượt ha (năm 2012 và 2013 không thực hiện);

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 8.847 lượt ha.

(4) Khai thác gỗ rừng trồng bình quân 540.000 m3/năm, cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản phục vụ sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu;

(5) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh và công tác bảo vệ rừng, bao gồm các hạng mục:

- Xây dựng 03 vườn thực vật; nâng cấp 20 vườn ươm;

- Xây dựng và nâng cấp 1.159 km đường lâm nghiệp và đường công vụ; 5.424 km đường băng cản lửa;

- Xây dựng và nâng cấp công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng gồm: 47 trạm bảo vệ rừng, 16 đập, bể nước phòng chống cháy rừng; làm mới 109 biển báo, tu sửa các bảng nội quy;

(6) Hỗ trợ đầu tư xây dựng nâng cấp các cơ sở chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc (thực hiện theo Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND Tỉnh);

(7) Nhiệm vụ khác:

- Cấp chứng chỉ rừng bền vững cho khoảng 25.000 ha rừng sản xuất;

- Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Quảng Ninh theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.

3. Tổng nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư:

(1) Tổng nhu cầu vốn là: 3.969 tỷ đồng.

(2) Phân theo nguồn vốn:

- Vốn ngân sách: 688 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng nhu cầu; trong đó:

+ Ngân sách Trung ương 300 tỷ đồng (đã đầu tư năm 2012 và năm 2013: 37,046 tỷ đồng);

+ Ngân sách địa phương 388 tỷ đồng (đã đầu tư năm 2012 và năm 2013: 47 tỷ đồng);

- Vốn liên doanh, vốn tài trợ: 215 tỷ đồng, chiếm 5,4%;

- Vốn tự có, vốn vay và huy động hợp pháp khác: 3.066 tỷ đồng, chiếm 77,3%.

(3) Phân kỳ đầu tư:

- Đã thực hiện năm 2012 và năm 2013: 943 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách đã đầu tư là 84 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 859 tỷ đồng).

- Giai đoạn 2014 - 2015 là: 838 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020 là: 2.188 tỷ đồng.

4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.

(1) Giải pháp về tổ chức quản lý:

- Hướng dẫn xây dựng, quản lý, giám sát thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt và các quy định về quản lý rừng và đất lâm nghiệp;

- Thực hiện triển khai phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng và chủ rừng đúng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng;

- Tăng cường sự phối hợp của các ngành trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh;

- Phát triển các hình thức liên doanh, liên kết giữa các công ty nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng dân cư trong trồng, bảo vệ rừng và chế biến, tiêu thụ lâm sản tạo thành chuỗi gía trị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

(2) Giải pháp về giao đất, khoán rừng:

Đẩy nhanh tiến độ giao đất, xác định và cắm mốc gianh giới cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp; rà soát, thu hồi diện tích đất đã giao chưa đúng đối tượng, sử dụng kém hiệu quả và không đúng mục đích để giao lại cho các thành phần kinh tế khác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định; khuyến khích phát triển vùng trồng nguyên liệu có diện tích đủ lớn, liền vùng, liền khoảnh bằng các hình thức: hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

(3) Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Có chính sách khuyến khích ưu tiên đổi mới và ứng dụng công nghệ có tính đột phá như: Công nghệ sinh học trong lai tạo và sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng và có giá trị về kinh tế và môi trường, công nghệ chế biến lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng theo hướng công nghiệp. Xây dựng mô hình về quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

- Có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp bền vững; xây dựng chứng chỉ rừng để sản phẩm lâm nghiệp của Tỉnh tiếp cận với thị trường thế giới;

(4) Giải pháp về vốn:

- Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và hỗ trợ đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp theo chính sách hiện hành,

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và chế biến lâm sản thông qua chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư.

- Vốn thu từ dịch vụ môi trường rừng triển khai thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn vốn này được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn từ 2015 - 2020.

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (kể cả các tổ chức phi Chính phủ)

(5) Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Hoàn thiện quy chế quản lý rừng và hưởng lợi đa thành phần; cụ thể hoá và thực hiện cơ chế chính sách giao, cho thuê rừng sản xuất và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên;

- Thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lâm nghiệp trong chu kỳ đầu; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chế biến lâm sản mới xây dựng, đổi mới công nghệ;

- Tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất lâm nghiệp được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp; hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt các hộ nghèo, hộ dân tộc ít người, hộ ở vùng sâu, vùng xa;

- Công khai các quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Có chính sách khuyến khích trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tập trung, trồng rừng sản xuất gỗ lớn.

(6) Các giải pháp khác:

* Giải pháp về nguồn lực:

- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực quản lý lâm nghiệp cho cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về đổi mới và hội nhập quốc tế;

- Chú trọng bồi dưỡng và nâng cao cán bộ kỹ thuật có trình độ và kinh nghiệm chuyên sâu, công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, trang trại lâm nghiệp và các làng nghề thủ công;

- Mở các lớp đào tạo ngắn hạn theo chuyên đề, ưu tiên đào tạo nông dân làm nghề rừng, công nhân lâm nghiệp, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và lao động phụ nữ;

- Nâng cao nhận thức cho người dân, đưa giáo dục môi trường rừng vào chương trình giảng dạy của các trường học.

* Hợp tác quốc tế:

- Thực hiện hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp bền vững, xây dựng chứng chỉ rừng bền vững để sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh tiếp cận với thị trường thế giới;

- Tăng cường vận động, thu hút và sử dụng đúng mục tiêu nguồn vốn ODA. Tiếp cận các nguồn vốn của Quỹ Ủy thác lâm nghiệp (TFF), Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF), Chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tạo điều kiện và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, chế biến lâm sản và chuyển giao công nghệ.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh để bổ sung, hoàn thiện quy hoạch và thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi phê duyệt để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.

2. Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2014 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 151/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020

  • Số hiệu: 151/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản