Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/NQ-HĐND

Thành phố Hải Phòng, ngày 25 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 21/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị xem xét, thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Về mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất đã được quy hoạch cho lâm nghiệp để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trồng rừng mới, nâng cấp rừng trồng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, trồng cây phân tán trên quỹ đất tận dụng….

- Thu hút mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để bảo vệ và phát triển rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 đạt 4% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,5%, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ cho ngành chế biến lâm sản.

- Góp phần bảo vệ vững chắc hệ thống đê điều, kè luồng tàu biển, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn gen quý hiếm.

- Nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện điều kiện sống của người dân; thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố phát triển, góp phần xây dựng thành phố đô thị sinh thái.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2013 - 2015:

Ưu tiên đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển, ven sông, đảm bảo hành lang các tuyến đê, kè, luồng tàu biển (đủ điều kiện trồng rừng) đều có dải rừng bảo vệ; bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; trồng cây phân tán; cải tạo nâng cấp hệ thống rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan sinh thái khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư. Bảo tồn đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái trong vùng.

Nâng tổng diện tích đất có rừng tập trung từ 17.989,2 ha năm 2012 lên 20.529,5 ha năm 2015. Độ che phủ của rừng tập trung đến hết năm 2015 đạt 13,4%. Trồng cây phân tán khu vực nông thôn 3.721.000 cây; trồng cây xanh khu vực đô thị 402.000 cây.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

Hoàn thành việc nâng cao chất lượng rừng, mở rộng dải rừng phòng hộ ngoài hành lang đê, kè luồng tàu, tăng cường khả năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Sử dụng rừng theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, cung cấp một phần nhu cầu lâm sản trong tiêu dùng của thành phố.

Nâng tổng diện tích đất có rừng tập trung từ 20.529,5 ha năm 2015 lên 24.238,1 ha năm 2020. Độ che phủ của rừng tập trung đến hết năm 2020 đạt 15,6%. Trồng cây phân tán khu vực nông thôn 4.025.000 cây, trồng cây xanh khu vực đô thị 351.000 cây.

2. Quy hoạch diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020

a) Quy hoạch diện tích các loại rừng đến năm 2015 là: 22.859,8 ha, gồm:

- Đất rừng đặc dụng: 9.931,6 ha;

- Đất rừng phòng hộ: 12.928,2 ha (gồm: Phòng hộ đồi núi 5.851,7 ha; phòng hộ ven biển, cửa sông 6.783,7 ha; phòng hộ ven sông 292,8 ha).

b) Quy hoạch diện tích các loại rừng đến năm 2020 là: 24.238,1 ha, gồm:

- Đất rừng đặc dụng: 9.931,6 ha;

- Đất rừng phòng hộ: 14.306,5 ha (gồm: Phòng hộ đồi núi 5.740,7 ha; phòng hộ ven biển, cửa sông 8.273,0 ha; phòng hộ ven sông 292,8 ha).

(Theo Bản đồ quy hoạch đính kèm).

3. Các chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013 - 2020

a) Giai đoạn 2013 - 2015:

- Bảo vệ rừng: 52.262,4 lượt ha, bình quân 17.420,8 ha/năm

+ Rừng đặc dụng: 24.804,9 lượt ha, bình quân 8.268,3 ha/năm.

+ Rừng phòng hộ: 27.457,5 lượt ha, bình quân 9.152,5 ha/năm.

- Phát triển rừng:

+ Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên (rừng đặc dụng) 4.689,9 lượt ha, bình quân 1.563,3 ha/năm.

+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung (rừng đặc dụng) 1.235,0 ha, bình quân 411,7 ha/năm.

+ Trồng rừng mới: 2.391,4 ha

Trồng rừng đặc dụng đồi núi: 100,0 ha

Trồng rừng phòng hộ: 2.291,4 ha (rừng phòng hộ đồi núi 799,2 ha, rừng phòng hộ ven sông 131,5 ha, rừng phòng hộ ven biển 1.320,7 ha, rừng phòng hộ cửa sông 40,0 ha).

- Trồng cây cảnh quan ven đường tại trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà: 3,6 ha.

- Trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng phòng hộ: 800,0 ha.

- Trồng cây phân tán: 4.123 nghìn cây (Trồng cây phân tán ở khu vực nông thôn 3.721 nghìn cây, trồng cây ở thị trấn các huyện 32,0 nghìn cây, trồng cây đô thị ở các quận 170 nghìn cây, trồng cây xanh công viên 200,0 nghìn cây).

- Khai thác lâm sản: Gỗ 15.000 m3, bình quân 5.000 m3 gỗ/năm.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Bảo vệ rừng: 95.308,7 lượt ha, bình quân 20.122,0 ha/năm.

+ Rừng đặc dụng: 41.641,5 lượt ha, bình quân năm 8.328,3 ha/năm.

+ Rừng phòng hộ: 53.667,2 lượt ha, bình quân 11.793,7 ha/năm.

- Phát triển rừng:

+ Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên (rừng đặc dụng) 7.816,5 lượt ha, bình quân 1.563,3 ha/năm.

+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung (rừng đặc dụng): 1.000,0 ha bình quân 200,0 ha/năm.

+ Trồng rừng mới: 2.581,2 ha. (Trồng rừng phòng hộ đồi núi 40,9 ha, trồng rừng phòng hộ ven sông 161,3 ha, trồng rừng phòng hộ ven biển 2.299,0 ha, trồng rừng phòng hộ cửa sông 80,0 ha).

- Nâng cấp rừng trồng: 2.702,9 ha.

+ Rừng dặc dụng đồi núi: 156,0 ha.

+ Rừng phòng hộ: 2.546,9 ha (rừng phòng hộ đồi núi 1.853,6 ha, rừng phòng hộ ven biển 693,3 ha).

- Trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng phòng hộ: 2.272,0 ha.

- Trồng cây phân tán: 4.376 nghìn cây (trồng cây phân tán ở khu vực nông thôn 4.025 nghìn, trồng cây xanh ở thị trấn các huyện 32 nghìn cây, trồng cây xanh đô thị ở các quận 168 nghìn cây, trồng cây xanh công viên 151 nghìn cây).

- Khai thác lâm sản: Gỗ 20.000 m3, bình quân 4.000 m3gỗ/năm.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.

4. Các giải pháp thực hiện

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020; giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; vận động các hộ gia đình sống trong rừng, gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Tuyên truyền, vận động các chủ rừng thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh sản xuất lâm nghiệp.

b) Công tác tổ chức quản lý và sản xuất

- Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thi hành pháp luật, nếu để mất rừng, phá rừng sẽ xử lý nghiêm và kịp thời theo pháp luật.

- Kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đề án, dự án, chương trình bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo đạt hiệu quả cao.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, đào tạo với các chủ rừng, doanh nghiệp và cộng đồng; gắn nghiên cứu, đào tạo, khuyến lâm với sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh rừng; chú trọng phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư thôn và hợp tác xã.

c) Đẩy mạnh thực hiện chính sách quản lý đất lâm nghiệp, giao đất giao rừng

- Chính sách quản lý rừng và đất lâm nghiệp:

+ Xác lập các lâm phận phòng hộ ổn định và triển khai kế hoạch cắm mốc ranh giới các loại rừng trên thực địa.

+ Áp dụng các quy định theo quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh và cơ chế hỗ trợ tài chính của nhà nước để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phòng hộ bền vững, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.

+ Tạo điều kiện cho chủ rừng thực hiện quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng và quyền sở hữu rừng theo quy định của pháp luật.

- Giao đất, giao rừng:

Tổ chức rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp; lập hồ sơ quản lý rừng và giao đất, giao rừng. Đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa giao, cần tiếp tục giao cho các hộ gia đình, cộng đồng và các tổ chức kinh tế, đảm bảo rừng phải có chủ quản lý theo quy định của pháp luật. Các diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao, nhưng manh mún, phân tán, thực hiện dồn điền đổi thửa đất lâm nghiệp đảm bảo quy mô tối thiểu 1 ha trở lên phát triển trang trại, gia trại rừng.

d) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để bảo vệ và phát triển rừng.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo Chiến lược phát triển giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006, phù hợp điều kiện thực tế của Hải Phòng.

- Tập trung nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc và bổ sung tập đoàn cây trồng, kỹ thuật trồng chăm sóc bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện đồi núi và ven biển của Hải Phòng.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ tin học trong công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; phòng cháy, chữa cháy rừng và sâu bệnh hại rừng.

e) Tổ chức thực hiện và vận dụng các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ để bảo vệ và phát triển rừng.

- Chính sách tài chính và tín dụng:

+ Đầu tư ngân sách của nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, trồng cây phân tán; nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 và Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 về chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất; Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2015; Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và chế biến lâm sản; thử nghiệm và nhân rộng việc đấu thầu cho thuê rừng phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng.

+ Thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng, có cơ chế quản lý, sử dụng nguồn quỹ hợp lý, nhằm đẩy nhanh quá trình xã hội hoá nghề rừng.

- Thực hiện chính sách hưởng lợi theo Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng và các cơ chế chính sách hưởng lợi theo quy định của phát luật.

g) Huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch

Tiếp tục thực hiện huy động các nguồn vốn đầu tư theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020:

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương: Đầu tư cho các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển quy mô lớn (Dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ ven biển Việt Nam giai đoạn I trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 2164/QĐ-BNN-HTQT ngày 20/9/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phục hồi và Phát triển hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển Việt Nam giai đoạn I; Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu); trồng cây chắn sóng theo Chương trình Nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 và Dự án Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Vườn quốc gia Cát Bà giai đoạn 2011 - 2015.

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố: Đầu tư dự án Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, phòng hộ ven sông; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đồi núi.

- Vốn sự nghiệp kinh tế: Đầu tư khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, xây dựng cơ sở vật chất phòng chống cháy rừng; Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán; Chương trình giống cây trồng lâm nghiệp; theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin trong quản lý lâm nghiệp….

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác, bao gồm: Nguồn thu các hoạt động dịch vụ môi trường rừng; vốn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ; vốn xã hội hoá trong công tác trồng, chăm sóc bảo vệ cây phân tán, trồng vườn rừng, trang trại rừng…., vốn các doanh nghiệp chế biến lâm sản.

h) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ quy hoạch

- Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã để đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành.

- Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình thông qua đào tạo tại chỗ, ngắn hạn và khuyến lâm.

- Thu hút các cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi để bổ sung cho các cơ quan trong ngành lâm nghiệp của thành phố.

i) Tăng cường hợp tác quốc tế và lồng ghép các chương trình, dự án để huy động các nguồn vốn thực hiện bảo vệ và phát triển rừng

- Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

- Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Giao Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khoá XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 7 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ




Nguyễn Văn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 09/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/07/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản