Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2081/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 20 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; số 40/2019/NĐ- CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2238/STNMT-CCMT ngày 23/7/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh; (để b/c)
- Các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- MTTQ và các tổ chức đoàn thể;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phùng Hoan

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

Phần I

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết xây dựng đề án

Từ năm 2007 bằng nguồn chi sự nghiệp môi trường, tỉnh Nam Định đã quan tâm hỗ trợ đầu tư các công trình xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc sử dụng lò đốt. Đến nay, khu vực nông thôn có 73 xã xây dựng bãi chôn lấp, 109 xã có lò đốt. Tình trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết rác thải đã được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu xử lý tập trung, đến nay tỷ lệ rác thải khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 88,4%. Khu vực thành phố Nam Định, rác thải được Công ty cổ phần Môi trường Nam Định thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa (diện tích 23,7 ha); tại đây rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt và sản xuất thành phần compost; tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thành phố Nam Định phát sinh khoảng 186 tấn/ngày; tỷ lệ xử lý đạt khoảng 94%.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên đã làm gia tăng việc phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt và các sản phẩm từ hoạt động nông nghiệp do không có nhu cầu tái chế, tái sử dụng. Tất cả lượng rác thải này được thải ra các khu xử lý rác thải, một số khu xử lý rác thải sinh hoạt còn tiếp nhận và xử lý cả rác thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất làm gia tăng khối lượng, gây quá tải cho các công trình xử lý hiện có. Tuy nhiên, các lò đốt rác và bãi chôn lấp rác thải vận hành không đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và Sở Tài nguyên và Môi trường; các công trình bãi chôn lấp và lò đốt qua nhiều năm sử dụng đến nay nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng do thiếu nguồn kinh phí để duy tu, cải tạo, sửa chữa. Do đó đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch đến nay còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, để giải quyết vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhằm cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng và triển khai đề án “Quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025” là rất cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng đề án

2.1. Văn bản Trung ương

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; Luật số 35/2018/QH14 Luật sửa đổi bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch

- Các Nghị định của Chính phủ: Số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

2.2. Văn bản của tỉnh

- Các Quyết định của UBND tỉnh: Số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 phê duyệt quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030; số 19/2011/QĐ- UBND ngày 20/7/2011 quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp rác thải tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định; số 38/2016/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định; số 34/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Nam Định.

- Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/9/2018 của UBND tỉnh về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Văn bản số 65/UBND-VP3 ngày 30/01/2019 của UBND tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; Văn bản số 98/UBND-VP3 ngày 14/02/2020 của UBND tỉnh về việc xây dựng Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

- Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Văn bản hướng dẫn vận hành các khu xử lý chất thải rắn tập trung: Số 2275/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 về thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã chưa xây dựng bãi chôn lấp (BCL) xử lý rác thải quy mô cấp xã; số 2276/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 về thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã; số 2828/HD-STNMT ngày 10/11/2016 hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; số 3361/HD- STNMT ngày 21/12/2016 về yêu cầu kỹ thuật và vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

Phần II

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng phát sinh CTRSH

- Khu vực nông thôn (9 huyện) gồm 201 xã, thị trấn: Các xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường, Hợp tác xã vệ sinh môi trường để thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải đến các khu xử lý rác thải tập trung và tổ chức thu phí dịch vụ vệ sinh. Đến nay khu vực nông thôn có 201/201 xã, thị trấn (100%) có hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Ước tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 660 tấn/ngày trong đó thu gom được khoảng: 580 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom ước tính đạt 88,4%.

- Khu vực thành phố Nam Định: Chất thải rắn sinh hoạt được Công ty cổ phần Môi trường Nam Định thu gom và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, thành phố Nam Định). Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thành phố Nam Định phát sinh khoảng 186 tấn/ngày; tỷ lệ xử lý đạt khoảng 94%.

(Tổng hợp tình hình phát sinh CTRSH chi tiết tại Phụ lục III)

- Về phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt:

+ Đối với khu vực nông thôn: Các địa phương sử dụng chủ yếu bằng xe ba bánh tự chế hoặc xe kéo, xe công nông.

+ Đối với thành phố Nam Định: Sử dụng các xe chuyên dụng; CTRSH được thu gom tập kết tại các ga thu rác, sau đó xe chuyên dụng sẽ chuyển rác về Khu liên hợp để xử lý.

2. Tình hình phân loại CTRSH

- Phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại các hộ gia đình mà hầu hết được thu gom và chuyển về khu xử lý rác thải tập trung. Tại đây chất thải rắn thải tiếp tục được phân loại sơ bộ. Kinh phí chi cho việc thu gom, phân loại thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn đang được áp dụng thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, rác thải được phân thành 02 loại: Rác thải hữu cơ dễ phân hủy và các loại chất thải rắn khác. Đối với rác thải hữu cơ sau khi phân loại được đựng vào các dụng cụ, thùng nhựa, bổ sung chế phẩm vi sinh; sau khoảng 30 - 40 ngày sẽ được lấy ra làm phân vi sinh (Một số địa phương áp dụng biện pháp chôn lấp ngay tại vườn của các hộ dân). Đối với các loại chất thải rắn khác được phân loại tiếp thành chất thải rắn có thể tái chế (bán cho cơ sở thu mua phế liệu) và chất thải rắn không thể tái chế (chuyển cho tổ, đội thu gom của xã đưa đi xử lý tại bãi chôn lấp hoặc lò đốt của xã).

- Hiện nay có 3 mô hình phân loại CTRSH tại nguồn đang áp dụng trên địa bàn tỉnh gồm: Mô hình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” được thực hiện tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu với 112 hộ tham gia; sử dụng các thùng nhựa hình trụ, dung tích 220 lít để chứa rác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học EMIC giúp rác phân hủy (sau 30 - 45 ngày) sản xuất thành phần vi sinh. Mô hình “Hố rác hữu cơ di động” thực hiện ở xã Thọ Nghiệp - huyện Xuân Trường, xã Nam Cường - huyện Nam Trực, xã Yên Cường - huyện Ý Yên… đây là mô hình dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong xử lý rác thải hữu cơ dễ phân hủy, giúp tạo phân vi sinh để sử dụng ngay tại hộ gia đình. Mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” được thực hiện tại xã Nghĩa Minh - huyện Nghĩa Hưng, thị trấn Ngô Đồng - huyện Giao Thủy…; rác thải được phân thành 2 loại: Hữu cơ dễ phân hủy và vô cơ; rác hữu cơ sau khi phân loại được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, một phần xử lý thành phần vi sinh hoặc vận chuyển về xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung; rác vô cơ không tái chế được vận chuyển, xử lý tại khu xử lý tập trung.

(Tổng hợp các mô hình phân loại CTRSH chi tiết tại Phụ lục V)

- Và trên địa bàn tỉnh hiện có 28 thôn/345 thôn, xóm (2706 hộ/41.787 hộ) của 21 xã đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Công tác phân loại rác thải tại nguồn đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do chương trình mới được áp dụng tại một số xã, một số hộ gia đình có vườn rộng để có thể chôn lấp rác thải hữu cơ ngay tại các hộ dân; khó khăn về phương tiện vận chuyển (chủ yếu phương tiện vận chuyển là xe kéo, xe cải tiến, chưa có ngăn phân loại riêng đối với các loại rác).

(Tổng hợp công tác phân loại rác thải tại nguồn chi tiết tại Phụ lục VI)

3. Công tác xử lý CTRSH

- Đối với khu vực nông thôn: Cơ bản CTRSH được xử lý bằng bãi chôn lấp hoặc lò đốt chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã. Các công trình xử lý CTRSH tập trung đã cơ bản giải quyết nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Khu vực nông thôn có 182/201 xã/thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý CTRSH, trong đó có 73 xã/thị trấn xây dựng bãi chôn lấp, 109 xã/thị trấn lắp đặt lò đốt. Lò đốt rác thải đang áp dụng tại khu vực nông thôn gồm 8 loại với công nghệ, vận hành tương đối giống nhau; công suất các lò đốt dao động từ 300 kg/h đến 500 kg/h, cá biệt có một số lò đốt công suất 1000 kg/h.

- Đối với thành phố Nam Định: Rác thải được vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa có diện tích 23,7 ha; trong đó nhà máy xử lý rác thải (sử dụng công nghệ ủ lên men rác để sản xuất phân compost kết hợp lò đốt rác vô cơ) có diện tích 3 ha, diện tích dành cho xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh là 20,7 ha. Công suất thiết kế của nhà máy xử lý rác thải là 250 tấn rác/ngày. Năm 2009, nhà máy được trang bị thêm lò đốt rác với công suất thiết kế 4 tấn/h. Năm 2012, xây dựng xong và đưa vào vận hành trạm xử lý nước rỉ rác công suất 20 m3/h. Công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay tại khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa đã lạc hậu và tốn diện tích đất.

Rác thải sau khi đưa về Khu liên hợp xử lý rác thải được phân loại, xử lý như sau: Rác thải được phân thành 3 loại hữu cơ, chất thải vô cơ và xỉ cát: Xỉ cát được vận chuyển ra bãi tập kết sử dụng làm vật liệu san lấp; rác thải hữu cơ được ủ men theo phương pháp ủ hiếu khí để sản xuất phân compost; chất thải vô cơ được tách lọc qua quá trình sàng sơ bộ và sàng tinh trước khi cho vào lò đốt, một phần rác vô cơ được phân loại ngay từ nguồn phát sinh không cần phân loại mà đưa thẳng ra hố chôn lấp rác hợp vệ sinh; phế liệu tái chế gồm các loại như bao bì nhựa, nilon, chai lọ thủy tinh, sắt vụn được phân loại, bán tái chế.

- Hiện nay một số địa phương đã thực hiện xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đem lại hiệu quả tích cực; hầu hết các công trình được thực hiện trên diện tích khu xử lý rác thải cũ của địa phương. Điển hình như: “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” do Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực thực hiện tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; “Công viên kết hợp xử lý rác thải tại thị trấn Xuân Trường” do Công ty TNHH Tân Thiên Phú thực hiện; “Lò đốt rác LODORA” do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Thảo Nguyên sản xuất thực hiện tại thị trấn Ngô Đồng; “Khu liên hợp xử lý rác thải phía Bắc huyện Trực Ninh” do Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh thực hiện tại thị trấn Cổ Lễ…

(Tổng hợp các loại công trình lò đốt CTRSH chi tiết tại Phụ lục IV)

4. Kinh phí chi cho quản lý CTRSH

- Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã bố trí chi kinh phí sự nghiệp môi trường (chiếm trên 1% tổng chi ngân sách địa phương) cho công tác BVMT. Trong đó phân bổ dự toán cho các cấp, các ngành chiếm 60%; 40% dành chi hỗ trợ các xã, thị trấn thu gom, xử lý và xây dựng khu xử lý rác thải nông thôn và các dự án xử lý môi trường cấp bách. Tổng kinh phí sự nghiệp môi trường từ năm 2013 - 2018 là 793.379 triệu đồng (tỉnh chi 186.382 triệu đồng; huyện chi 498.817 triệu đồng; xã chi 108.180 triệu đồng).

- Đối với khu vực nông thôn: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định. Các địa phương được giữ lại 100% mức thu phí để trang trải cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Đơn giá được quy định cụ thể trong Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 như sau:

+ Đối với hộ gia đình cá nhân và cá nhân cư trú tại các phòng thuê trọ: 8.000 đồng/người/tháng; đối với hộ nghèo: 4.000 đồng/người/tháng.

+ Đối với hộ kinh doanh thì tùy theo quy mô, ngành nghề mà mức giá từ 12.000 đồng/hộ/tháng đến 100.000 đồng/hộ/tháng.

+ Đối với tổ chức, cơ quan: Tùy trường hợp cụ thể sẽ có giá trị là 260.000 đồng/m3 rác hoặc 110.000 - 160.000 đồng/đơn vị/tháng.

Mức thu đang áp dụng tại các địa phương phổ biến là mức 3.000 - 5.000 đồng/người/tháng; mức thu trên mới chỉ đủ chi trả lương công nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xử lý rác thải sinh hoạt.

- Đối với thành phố Nam Định: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Nam Định; cụ thể như sau:

+ Đối với hộ gia đình cá nhân và cá nhân cư trú tại các phòng thuê trọ: 8.000 đồng/người/tháng; đối với hộ nghèo: 4.000 đồng/người/tháng;

+ Đối với hộ kinh doanh thì tùy theo quy mô, ngành nghề mà mức giá từ 80.000 đồng/hộ/tháng đến 120.000 đồng/hộ/tháng;

+ Đối với tổ chức, cơ quan: Tùy trường hợp cụ thể sẽ có giá trị là 260.000 đồng/m3 rác hoặc 110.000 - 350.000 đồng/đơn vị/tháng.

5. Đánh giá kết quả

5.1. Kết quả đạt được

- Trong những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề thu gom xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn. Tỉnh Nam Định đã dành trên 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị; trong đó đã hỗ trợ đầu tư cho các chương trình dự án mang tính cấp bách và các công trình xử lý rác thải;… do đó đã đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư cho công tác BVMT nói chung.

- Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã đi vào nền nếp; các công trình xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã, xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hoặc sử dụng lò đốt trước mắt giảm thiểu tình trạng xả rác thải bừa bãi ra sông, kênh, mương, khu vực công cộng; cảnh quan môi trường nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.

- Công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn được chính quyền cấp huyện, xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhân dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình, ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp trong xã hội đã từng bước được nâng cao. Xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả.

5.2. Tồn tại, hạn chế

- Một số địa phương vẫn còn tình trạng đổ rác ra khu vực công cộng, ven đường, đê, kênh mương... không đúng nới quy định.

- Việc quản lý CTRSH chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt; việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, kiểm soát chất thải… trong sản xuất còn hạn chế.

- Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển chất thải chưa đồng bộ, chưa phù hợp với từng loại chất thải sau khi rác thải đã được phân loại tại nguồn.

- Nhu cầu cho công tác bảo vệ môi trường khu vực công cộng rất lớn (như hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt...) nhưng nguồn chi chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt kinh phí hàng năm dành cho công tác vận hành, duy tu các công trình xử lý môi trường hầu như không có.

- Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương do sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường từ các khu này.

5.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

- Các quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng còn chồng chéo, không thống nhất giữa các Bộ, ngành.

- Năng lực quản lý CTRSH tại nhiều địa phương còn hạn chế. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý ở nhiều nơi còn mang tính chất cộng đồng nên chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ chức dịch vụ, hợp tác xã, công ty dịch vụ môi trường.

- Xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) còn chậm do kinh phí đầu tư lớn trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ cho vận hành các công trình chưa hấp dẫn nhà đầu tư; kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt rất lớn, việc thu phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng cho việc thu gom, vận chuyển, chưa có kinh phí xử lý.

- Hệ thống chính sách, các hướng dẫn, quy định liên quan đến chất thải rắn (CTR) còn chưa hoàn thiện.

- Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hợp tác và chấp hành các quy định của địa phương về nộp phí dịch vụ vệ sinh, thu gom xử lý rác thải.

- Việc triển khai thực hiện quy hoạch CTR còn chậm.

- Còn nhiều bất cập trong tổ chức bộ máy về quản lý CTR: Tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý về môi trường nói chung, về quản lý CTR nói riêng chưa thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước. Thực tế ở các địa phương biên chế trong cơ quan quản lý môi trường còn thiếu do lĩnh vực quản lý rộng và khối lượng công việc nhiều.

Phần III

PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUẢN LÝ, XỬ LÝ CTRSH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 VÀ GIAI ĐOẠN 2025 - 2030

1. Dự báo lượng rác thải sinh hoạt phát sinh

- Năm 2020: Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 1.750 tấn/ngày; trong đó: Chất thải rắn sinh hoạt là 1.130 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp là 330 tấn/ngày, chất thải rắn y tế là 9 tấn/ngày và chất thải rắn xây dựng, bùn cặn là 280 tấn/ngày.

- Đến năm 2025: Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 2.710 tấn/ngày; trong đó: Chất thải rắn sinh hoạt là 1.610 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp là 610 tấn/ngày, chất thải rắn y tế là 10 tấn/ngày và chất thải rắn xây dựng là 480 tấn/ngày.

- Đến năm 2030: Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 3.690 tấn/ngày; trong đó: Chất thải rắn sinh hoạt là 1.870 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp là 1.230 tấn/ngày, chất thải rắn y tế là 11 tấn/ngày và chất thải rắn xây dựng, bùn cặn là 580 tấn/ngày.

TT

Huyện/thành phố

Lượng chất thải rắn dự báo (tấn/ngày)

Năm 2020

Năm 2025

Năm 2030

1

TP Nam Định (mở rộng)

622

1.149

1.434

2

Huyện Xuân Trường

117

175

262

3

Huyện Giao Thủy

135

162

186

4

Huyện Ý Yên

155

238

353

5

Huyện Vụ Bản

98

128

203

6

Huyện Hải Hậu

214

293

436

7

Huyện Trực Ninh

130

166

219

8

Huyện Nam Trực

100

116

152

9

Huyện Nghĩa Hưng

181

284

444

Tổng

1.750

2.710

3.690

(Nguồn: Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định)

2. Quan điểm, phạm vi, đối tượng của Đề án

2.1. Quan điểm

- Phù hợp với quy định của pháp luật: Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/9/2018 về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định.

- Phù hợp với lộ trình đầu tư của tỉnh theo quy hoạch quản lý CTR toàn tỉnh Nam Định đến năm 2030.

- Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trực tiếp là UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Vì vậy, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND cấp huyện.

- Tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp ngành; tăng cường sự chỉ đạo và thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

- Tập trung giải quyết vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm tải cho các khu xử lý rác thải của các xã.

- Chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải phát sinh ra các khu xử lý tập trung.

2.2. Đối tượng của Đề án

Đối tượng của Đề án là các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định.

2.3. Phạm vi của Đề án

Tập trung giải quyết các vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, bao gồm các hoạt động: Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung giải quyết các vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

3.2. Mục tiêu cụ thể

3.2.1. Năm 2020

- 88,5% rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý; 94,5% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý.

- Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn: Mỗi huyện có ít nhất 01 xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

- Tiếp tục vận hành các khu xử lý rác thải quy mô cấp xã hiện có; rà soát toàn bộ các công trình xử lý gồm lò đốt và bãi chôn lấp để cải tạo, nâng cấp; đảm bảo các khu xử lý rác thải quy mô cấp xã được cải tạo, nâng cấp.

- Rà soát lựa chọn địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung liên xã, liên vùng theo công nghệ tiên tiến hiện đại, phù hợp với điều kiện của từng địa phương (Các huyện chỉ nên lựa chọn 1 - 3 địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung).

Cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.

3.2.2. Mục tiêu đến năm 2025

- 50% số xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển đúng quy cách về nơi xử lý theo quy định.

- 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn không sử dụng, đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.

- Thu hút đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý khu xử lý rác thải quy mô tập trung cấp huyện (tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên; xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc và thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng).

3.2.3. Mục tiêu đến năm 2030

- Tiếp tục duy trì tốt công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. 100% số xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

- Thay thế 100% mô hình xử lý rác thải quy mô xã bằng mô hình xử lý rác thải quy mô vùng, huyện.

- Vận hành thường xuyên, có hiệu quả các khu xử lý rác thải tập trung.

- Nghiên cứu đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải cấp tỉnh với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

4. Nhiệm vụ và giải pháp

4.1. Thực hiện quy hoạch các khu xử lý tập trung

- Các huyện, thành phố rà soát lại quỹ đất quy hoạch trên địa bàn căn cứ quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh và thực tế địa phương để đề xuất vị trí, địa điểm, diện tích dự kiến; tạo mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút đầu tư xã hội hóa xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện theo hướng hiện đại. Mỗi huyện dự kiến lựa chọn 01 điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung với diện tích tối thiểu 10 ha. Cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.

- Triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, quy mô liên xã, huyện với công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Giảm dần việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp; có kế hoạch chuyển đổi sang xây dựng các khu xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, phù hợp với quy hoạch của huyện và tỉnh.

4.2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT, thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn

- Tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, cộng đồng dân cư về BVMT nói chung và công tác thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt nói riêng; về hiệu quả và lợi ích từ việc phân loại rác thải tại nguồn...

- Tăng cường sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên đề về BVMT;....

- Phát động các phong trào ra quân, tổng vệ sinh môi trường; xây dựng ngày thứ 7 tình nguyện; ngày chủ nhật xanh....

4.3. Xây dựng các quy định về quản lý rác thải của địa phương

- Căn cứ các nội dung của đề án quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, UBND cấp huyện xây dựng đề án quản lý, xử lý rác thải của huyện và chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch quản lý rác thải của xã/thị trấn, tham vấn ý kiến của người dân trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Rà soát, kiện toàn hoặc thành lập Hợp tác xã hoặc tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường dưới sự quản lý, điều hành của UBND xã/thị trấn bằng các quyết định của địa phương.

- UBND xã/thị trấn phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường với các chức năng nhiệm vụ, quyền lợi cụ thể.

- Xây dựng quy chế quản lý rác thải cấp thôn/xóm, gắn trách nhiệm của thôn/xóm trong quản lý rác thải.

4.4. Thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn

Hiện nay có 3 mô hình thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn được áp dụng chủ yếu tại các xã/thị trấn trên địa bàn tỉnh. Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể áp dụng 02 mô hình phân loại rác thải tại nguồn sau:

4.4.1. Mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình

- Đối với khu vực không có không gian rộng, dân cư tập trung đông: Rác thải sinh hoạt được phân loại thành 2 loại: Rác hữu cơ dễ phân hủy và rác vô cơ; sau đó rác thải được được vận chuyển về khu xử lý rác thải tập trung để xử lý; trong đó rác thải hữu cơ dễ phân hủy được xử lý bằng bể ủ để làm phân vi sinh sử dụng cho mục đích trồng cây, sản xuất nông nghiệp.

- Tại mỗi hộ gia đình đề xuất sử dụng 2 thùng chứa rác riêng biệt để chứa rác thải hữu cơ dễ phân hủy và rác thải vô cơ. Bố trí phương tiện, trang thiết bị thu gom đối với 2 loại rác trên hoặc xây dựng kế hoạch, thời gian dự kiến thu gom đối với từng loại rác thải. Tần suất thu gom rác thải hữu cơ là 1 lần/ngày, rác vô cơ là 2 - 3 ngày/lần.

- Nhân viên thu gom rác thải cũng như các hộ dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm việc thu gom, phân loại rác thải; không để lẫn các loại rác thải sau khi đã được phân loại tại các hộ gia đình.

- Mô hình này vừa góp phần đảm bảo công tác phân loại rác vừa đảm bảo được cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giảm tải lượng rác thải phải xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung.

4.4.2. Mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình

- Đối với khu vực có điều kiện về không gian và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh áp dụng mô hình “Hố rác hữu cơ di động” đạt kết quả tốt. Đào hố đất hình vuông sâu 1,2 - 1,5 m, trên có nắp đậy (bằng composite hoặc nhôm, nhựa) sử dụng được trong thời gian dài; rác được đổ vào hố, đậy nắp, sử dụng chế phẩm sinh học để khử mùi, kích thích quá trình phân hủy rác; sau khoảng 20 ngày sẽ tạo thành phần hữu cơ.

- Đây là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý rác thải hữu cơ dễ phân hủy, bước đầu giảm thiểu được 40 - 50% lượng rác phải xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung, thu hút được sự tham gia của người dân.

4.5. Quản lý việc vận chuyển CTRSH

- Đối với phương tiện vận chuyển:

+ Bố trí phương tiện (xe) vận chuyển rác thải phù hợp với việc phân loại rác thải; sử dụng phương tiện vận chuyển có 2 ngăn hoặc bố trí 2 xe vận chuyển riêng biệt đảm bảo cho việc phân loại rác thải (trường hợp tần suất thu gom rác thải diễn ra hàng ngày).

+ Quản lý các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải: Giao trách nhiệm quản lý cho từng cá nhân, tập thể đối với các phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải.

+ Thường xuyên rà soát, có kế hoạch/đề xuất thay thế, cải tạo, sửa chữa, bổ sung kịp thời phương tiện, thiết bị.

- Những địa phương có điểm tập kết, trung chuyển rác thải: Cần rà soát lại các vị trí tập kết, trung chuyển rác thải; tăng cường công tác vệ sinh môi trường thu gom sạch sẽ rác thải trong ngày, không để rác tồn đọng và phát sinh ruồi, nhặng, côn trùng tại các điểm tập kết, trung chuyển rác thải.

- Trong quá trình vận chuyển giảm thiểu tối đa việc rò rỉ, phát tán rác thải ra ngoài môi trường...

4.6. Xử lý CTRSH tại khu xử lý tập trung

- UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu đơn vị vận hành các khu xử lý rác thải tiếp tục duy trì hoạt động, vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với các bãi chôn lấp áp dụng giải pháp để giảm thể tích rác đã chôn lấp và đảm bảo VSMT (tăng cường phun chế phẩm khử mùi, diệt côn trùng; lu nèn, đầm nén, san gạt, phủ đất…; trồng bổ sung cây xanh) để tạo diện tích tiếp tục thực hiện chôn lấp.

- Tại khu xử lý tập trung có các công trình xử đối với các loại rác thải đã được phân loại; có bể ủ làm phân vi sinh để xử lý đối với rác hữu cơ dễ phân hủy. (Quy trình ủ phân vi sinh cụ thể tại Phụ lục V)

- Cán bộ/nhân viên vận hành thiết bị xử lý phải có trách nhiệm đảm bảo vận hành thiết bị theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; không đốt rác thải bên ngoài lò đốt.

- Áp dụng biện pháp giảm thiểu hơi mùi, khí thải, bụi, nước thải phát sinh; vận hành các công trình xử lý môi trường đảm bảo xử lý chất thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra ngoài môi trường.

- Việc tiếp nhận rác thải tại khu xử lý phải phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn, không để lẫn các loại rác thải đã được phân loại với nhau.

4.7. Thực hiện cải tạo, sửa chữa và đóng cửa các khu xử lý tập trung đã xuống cấp, quá tải

- Đối với các khu xử lý rác thải tập trung đang hoạt động: UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý rác thải tập trung cần tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, vận hành thường xuyên các công trình xử lý môi trường theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Đối với các khu xử lý đã xuống cấp, quá tải:

+ Đối với bãi chôn lấp: UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu đơn vị vận hành khu xử lý rác thải: Rà soát lại tình trạng vận hành, trang thiết bị xử lý, các hạng mục công trình... từ đó có đề xuất phương án cải tạo sửa chữa, bổ sung phù hợp. Báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện để áp dụng quy trình đóng cửa, cải tạo, trồng cây xanh đối với các bãi chôn lấp tập trung không đảm bảo về môi trường, quá tải… Có kế hoạch dừng tiếp nhận rác và xem xét việc đóng cửa để chuyển mục đích sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, cần ưu tiên việc tiếp tục tận dụng để phục vụ thu gom, xử lý rác thải trong khi chưa tìm được giải pháp thực hiện.

+ Đối với lò đốt rác: UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu đơn vị quản lý lò đốt rà soát lại tình trạng vận hành, trang thiết bị xử lý, các hạng mục công trình... từ đó lập phương án cải tạo sửa chữa phù hợp và bố trí nguồn kinh phí hợp pháp hoặc đề xuất hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo lò đốt. Đối với các lò đốt rác đã có, cũng trên cơ sở ưu tiên tiếp tục tận dụng để phục vụ thu gom xử lý rác thải trong khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.

Trường hợp không thể tiếp nhận được rác để xử lý tại bãi chôn lấp cũng như lò đốt, UBND cấp xã phải hợp đồng liên kết xử lý rác thải với các địa phương khác.

(Hướng dẫn quy trình đóng bãi chôn lấp CTRSH chi tiết tại Phụ lục VII)

4.8. Nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung

- Xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa về BVMT (thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải quy mô vùng).

- Kiến nghị, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa về BVMT phù hợp với thực tế tại các địa phương.

5. Lộ trình triển khai thực hiện

5.1. Năm 2020

5.1.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, công tác phân loại rác thải tại nguồn

- Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Phát hành tài liệu tuyên truyền về BVMT, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hoàn thành trong tháng 8/2020.

+ Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào phân loại chất thải rắn tại nguồn; thời gian triển khai phong trào từ tháng 9 đến tháng 12/2020 và duy trì thực hiện.

- UBND cấp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền đến 100% đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, phân loại rác thải tại nguồn; hoàn thành trong tháng 10/2020.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ thực tiễn từng địa phương xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường, các nội dung về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và việc đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải tập trung; tuyên truyền bằng các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội... đảm bảo thông tin được truyền tải định kỳ hàng tuần/tháng.

- Đề nghị các tổ chức, đoàn thể:

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm đến các địa phương trên địa bàn tỉnh; thời gian triển khai phong trào từ tháng 9 đến tháng 12/2020 và duy trì thực hiện.

+ Hội Nông dân tỉnh chủ trì phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp trong hoạt động sản xuất; thời gian triển khai phong trào từ tháng 9 đến tháng 12/2020 và duy trì thực hiện.

5.1.2. Rà soát, cải tạo, sửa chữa các khu xử lý đã xuống cấp, quá tải UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã/thị trấn:

- Rà soát lại tình trạng vận hành, trang thiết bị xử lý, các hạng mục công trình... của khu xử lý rác thải tập trung đã quá tải, xuống cấp để từ đó có phương án cải tạo sửa chữa, bổ sung phù hợp và kịp thời.

- Đối với khu xử lý rác thải tập trung đã quá tải, không thể hoạt động: Xây dựng kế hoạch, áp dụng các quy trình về đóng cửa, cải tạo, trồng cây xanh đối với các khu xử lý tập trung không đảm bảo về môi trường, quá tải,... (Hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục VII kèm theo)

5.1.3. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải từ hộ gia đình

- UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn đối với 2 loại: Hữu cơ dễ phân hủy và vô cơ. Mỗi huyện lựa chọn 01 xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; thời gian thực hiện từ tháng 10/2020 và có kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện.

- Đối với các xã thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn: UBND cấp xã thống kê các hộ gia đình, tính toán kinh phí hỗ trợ để mua thùng chứa rác thải; chỉ đạo đơn vị vận hành quản lý hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã rà soát lại phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; có đề xuất thay thế, cải tạo, sửa chữa, bổ sung. UBND xã lập kế hoạch hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải; kinh phí xây dựng bể chứa phân vi sinh ở khu xử lý rác thải tập trung phù hợp với việc phân loại rác thải; thời gian hoàn thành trong tháng 8/2020.

- Thực hiện hỗ trợ mua thùng chứa rác thải, sửa chữa, mua sắm thiết bị vận chuyển rác thải; xây dựng bể chứa phân vi sinh ở khu xử lý rác thải tập trung phù hợp với việc phân loại rác thải; thời gian thực hiện trong tháng 10/2020.

5.1.4. Công tác quy hoạch

Các huyện rà soát lại quỹ đất quy hoạch trên địa bàn, căn cứ quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh và thực tế địa phương đề xuất vị trí, địa điểm, diện tích dự kiến; tạo mặt bằng sạch làm cơ sở để thu hút đầu tư xã hội hóa xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện theo hướng hiện đại. Mỗi huyện dự kiến lựa chọn 01 điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung với diện tích tối thiểu 10 ha. Cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; thời gian hoàn thành trong tháng 12/2020.

5.1.5. Các đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý chất thải tập trung, lò đốt rác duy trì hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu xử lý rác thải tập trung và các lò đốt đã triển khai tại các khu dân cư tập trung.

5.2. Giai đoạn 2021 - 2025

- Tiếp tục tuyên truyền, duy trì việc thu gom, phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đối với 50% số xã với quy mô toàn xã.

- Đối với địa phương chưa có khu xử lý rác thải tập trung vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định các khu xử lý rác thải hiện có.

- Các địa phương giải phóng tạo mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung quy mô cấp huyện.

- Thu hút đầu tư xây dựng, hoàn thành và vận hành, quản lý khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc; thị trấn Lâm, huyện Ý Yên; thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng).

5.3. Giai đoạn 2026 - 2030

- Các xã tiếp tục tổ chức phân loại rác thải tại nguồn; 100% các xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn với quy mô toàn xã.

- Thu hút đầu tư xây dựng, hoàn thành và vận hành, quản lý khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung quy mô cấp huyện.

- Nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô cấp tỉnh, liên tỉnh.

6. Kinh phí thực hiện

6.1. Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện

- Hỗ trợ kinh phí xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: 200 triệu đồng.

- Tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn: 500 triệu đồng.

- Hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở các địa phương: 2,25 tỷ đồng.

- Đóng cửa các bãi chôn lấp đã đầy, không còn khả năng sử dụng: 1,0 tỷ đồng.

- Rà soát, nâng cấp cải tạo các lò đốt rác thải đã xuống cấp hỏng hóc: 1,38 tỷ đồng.

- Dự án xây dựng khu xử lý rác thải Mỹ Thành: 785 tỷ đồng.

- Dự án cải tạo, xây dựng khu xử lý rác thải tại thị trấn Lâm: 300 tỷ đồng.

- Dự án xây dựng khu xử lý rác thải thị trấn Rạng Đông.

6.2. Nguồn vốn

- Từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm (tỉnh, huyện, xã), đảm bảo chi đúng theo quy định.

- Sử dụng một phần kinh phí NTM để triển khai thí điểm các mô hình phân loại, xử lý rác thải.

- Từ nguồn thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

- Từ nguồn xã hội hóa của các nhà đầu tư trên cơ sở chính sách nhà nước và cơ chế của tỉnh.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. UBND cấp huyện

- Thành lập Ban chỉ đạo, phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và trực tiếp chỉ đạo; phân công cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân và gắn trách nhiệm tổ chức thực hiện; phân công lãnh đạo theo dõi phụ trách đến từng xã; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong từng tháng, từng quý. Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến độ, kết quả triển khai nhiệm vụ hàng năm trước 15/01 của năm tiếp theo.

- Căn cứ các nội dung Đề án của tỉnh, các huyện xây dựng đề án quản lý rác thải của huyện. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch quản lý rác thải của xã/thị trấn, tham vấn ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Tăng cường, tích cực kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, xử lý CTRSH.

- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị quân dân chính đảng và phân công trách nhiệm đến từng bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn vận động trực tiếp đến 100% các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn; thực hiện việc rà soát quỹ đất quy hoạch trên địa bàn và đề xuất các vị trí dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải tập trung; quản lý, vận hành hiệu quả, đảm bảo công suất và bảo vệ môi trường đối với các địa phương có khu xử lý tập trung.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý CTRSH công nghệ tiên tiến, phù hợp đảm bảo xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh trên địa bàn các huyện.

7.2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện trong việc triển khai thực hiện Đề án; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện đề án.

- Xây dựng kế hoạch, tài liệu và tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

- Hướng dẫn UBND các huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường.

- Kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định.

7.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường theo đề án được duyệt; đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án về đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt.

- Hướng dẫn UBND các huyện thực hiện việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng quản lý, vận hành các khu xử lý tập trung và các lò đốt chất thải quy mô liên xã trở lên.

7.4. Sở Tài chính

- Tham mưu kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về quản lý, xử lý CTRSH được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa về BVMT (thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải quy mô vùng). Kiến nghị, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa về BVMT phù hợp với thực tế tại các địa phương.

- Hàng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường của các cơ quan, đơn vị, các huyện và khả năng cân đối của ngân sách, tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương theo quy định ưu tiên cho công tác thu gom, xử lý CTRSH.

7.5. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn UBND các huyện lựa chọn địa điểm xây dựng và thiết kế cơ sở khu lò đốt rác thải.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định và tổ chức thực hiện quy hoạch.

7.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong thực hiện thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến sông, kênh mương; thu gom, xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật …

7.7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án; thực hiện kiểm tra, giám sát về công nghệ, thiết bị máy móc trong các dự án đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn...

- Chủ trì, phối hợp các ngành, các cấp xây dựng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực: Tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải; nghiên cứu việc tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm…

- Bảo đảm quyền lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy sáng kiến và áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường.

- Kiểm soát, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về việc triển khai các công nghệ, sáng chế tiêu tốn nguyên nhiên liệu, lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

7.8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, đài phát thanh các huyện và đài truyền thanh cơ sở tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin về các hoạt động bảo vệ môi trường bằng các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội. Biểu dương tổ chức, cá nhân làm tốt, công khai những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường; các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn; hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt...

7.9. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy

- Tuyên truyền chủ trương của tỉnh đến người dân để trở thành quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị.

- Thông qua đội ngũ báo cáo viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường…

- Tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương có dự án về môi trường; đấu tranh mạnh mẽ, phản bác các luận điểm sai trái lợi dụng vấn đề môi trường gây mất trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng đề cương tuyên truyền việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tránh để xảy ra điểm nóng. Kịp thời định hướng và đề xuất các giải pháp để làm tốt công tác tư tưởng tại những địa bàn tiềm ẩn phức tạp.

7.10. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội

- Tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì và phát huy các phong trào, hoạt động BVMT...; triển khai nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt…

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ, chi hội đoàn thể ra quân vào ngày chủ nhật hàng tuần để tiến hành vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, thực hiện khẩu hiệu “Sạch từ nhà ra ngõ”; kịp thời phát hiện và phản ánh các trường hợp vi phạm, không có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung ở các xóm, các gia đình.

- Phát huy tốt vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng họ để vận động, thuyết phục người dân hiểu hơn vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; vận động các hộ gia đình cải tạo nhà cửa, vườn ao, chuồng trại, xây dựng hầm biogas, thu gom rác thải.

- Chủ trì phát động Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, định hướng các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ tập trung tuyên truyền những nội dung liên quan về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến từng hội viên./.

 


PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Chương trình, dự án

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Đơn vị phối hợp

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

Nguồn vốn (tỷ đồng)

Ngân sách nhà nước

Vốn khác

1

Xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình

2020

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các huyện/TP; các Sở, ngành

0,2

0,2

 

2

Tuyên truyền, phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn

2020

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các tổ chức chính trị, xã hội; các Sở, ngành; UBND các huyện/TP

0,5

0,5

 

3

Triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại các địa phương

2020 - 2021

UBND các xã/thị trấn

 

2,25

2,25

 

4

Đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải quá tải

2020 - 2021

UBND các xã/thị trấn

 

1,0

1,0

 

5

Rà soát, nâng cấp cải tạo các lò đốt rác thải đã xuống cấp hỏng hóc

2020 - 2022

UBND các xã/thị trấn

 

1,38

1,38

 

6

Dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc

2020 - 2025

UBND thành phố Nam Định

 

785

785

 

7

Dự án xây dựng, cải tạo khu xử lý rác thải tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên

2020 - 2025

UBND huyện Ý Yên

 

300

300

 

8

Dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng

2020 - 2025

UBND huyện Nghĩa Hưng

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC II

SƠ ĐỒ PHÁT SINH, THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

 

PHỤ LỤC III

TỔNG HỢP TÌNH HÌNH THU GOM XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Tên xã, thị trấn

Dân số

Tình hình thu gom, xử lý CTRSH

Công trình xử lý CTRSH tập trung

HĐ xử lý CTR SH

Lượng rác thải phát sinh (tấn/ngày)

Lượng rác thu gom được (tấn/ngày)

Tỷ lệ thu gom (%)

Bãi chôn lấp (BCL)

Lò đốt CTRSH

Xã có BCL (xã)

Số BCL

Diện tích

Số Lò đốt

Diện tích

Công suất lò đốt (kg/h)

Đơn vị cung cấp

 

I

Nam Trực

1

Nam Thanh

11.652

4,5

4,0

88,9

 

 

 

x

 

300-500

LOSIHO

 

2

Nam Dương

9.745

4

3,5

87,5

x

1

10.000

 

 

 

 

 

3

Nam Mỹ

6.154

2,5

2,3

92,0

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Nam Giang

17.685

11,5

10,2

88,7

 

 

 

x

32000

 

C.ty TNHH MTV môi trường xanh Nam Trực

 

5

Nam Hồng

9.232

3,7

3,2

86,5

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

6

Nam Lợi

8.665

3,5

3,2

91,4

x

1

10.100

 

 

 

 

 

7

Đồng Sơn

14.125

5,5

5,0

90,9

x

1

6.502

 

 

 

 

 

8

Nam Thái

8.915

3,6

3,2

88,9

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

9

Nam Tiến

11.264

4,5

4,2

93,3

 

 

 

x

 

300

T-Tech

 

10

Bình Minh

10.570

4

3,5

87,5

 

 

 

x

 

350

T-Tech

 

11

Nam Hoa

6.230

2,5

2,2

88,0

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

12

Nam Hùng

7.026

2,5

2,2

88,0

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

13

Nam Thắng

7.450

3

2,7

90,0

 

 

 

x

 

300

T-Tech

 

14

Nam Toàn

4.325

2

1,8

90,0

x

1

5.600

 

 

 

 

 

15

Tân Thịnh

10.616

4,2

3,6

85,7

 

 

 

 

 

 

 

x

16

Nghĩa An

10.422

4

3,7

92,5

 

 

 

x

 

 

SH-300

 

17

Nam Cường

8.642

3,5

3,0

85,7

 

 

 

x

 

 

 

 

18

Hồng Quang

13.551

5,4

4,0

74,1

 

 

 

 

 

 

 

x

19

Nam Hải

5.560

2,2

2,0

90,9

 

 

 

x

 

350

T-Tech

 

20

Điền Xá

12.090

4

3,0

75,0

 

 

 

 

 

 

 

x

Tổng

193.919

80,6

70,5

87,5

4

4

 

12

 

 

 

3

II

Mỹ Lộc

1

Mỹ Thuận

6.913

2,2

1,7

77,3

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Mỹ Thịnh

4.036

1,4

1,1

78,6

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Mỹ Thành

4.270

1,3

1,2

88,0

 

 

 

 

 

 

 

x

4

Mỹ Hưng

6.304

1,9

1,6

82,2

 

 

 

 

 

 

 

x

5

Mỹ Tiến

5.077

1,4

1,1

78,9

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Mỹ Hà

7.477

2,4

2,0

83,6

x

1

 

 

 

 

 

 

7

Mỹ Thắng

7.976

2,4

2,0

84,3

x

1

 

 

 

 

 

 

8

Mỹ Phúc

7.474

2,4

1,9

79,8

x

1

 

 

 

 

 

 

9

Mỹ Trung

5.016

1,6

1,2

75,0

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Mỹ Tân

10.457

3,1

2,7

85,9

 

 

 

 

 

 

 

x

11

TT Mỹ Lộc

5.255

1,4

1,2

88,7

 

 

 

 

 

 

 

x

Tổng

70.255

21,5

17,7

82,1

3

3

 

0

 

 

 

4

III

Xuân Trường

1

Xuân Đài

7.831

3,1

2,9

92,6

 

 

 

x

4000

500-700

LOSIHO

 

2

Xuân Phú

11.150

4,5

4,2

93,3

 

 

 

x

2000

500-700

LOSIHO

 

3

Xuân Trung

9.438

3,8

3,3

86,8

 

 

 

x

13000

350

LOSIHO

 

4

Xuân Phương

7.010

2,8

2,5

89,3

x

1

 

 

 

 

 

 

5

Xuân Tiến

11.930

4,8

4,3

90,1

 

 

 

x

11080

500-700

LOSIHO

 

6

Xuân Bắc

8.700

3,5

3,1

88,6

 

 

 

x

10700

1000

 

 

7

Xuân Hoà

7.491

3,0

2,7

90,0

 

 

 

x

 

1000

LOSIHO

 

8

Xuân Ninh

12.621

5,0

4,5

90,0

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

9

Xuân Châu

6.731

2,7

2,5

92,6

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

10

Thọ Nghiệp

13.218

5,3

4,8

90,6

 

 

 

x

 

1000

LOSIHO

 

11

Xuân Vinh

12.500

5,0

4,3

86,0

x

1

 

 

 

 

 

 

12

Xuân Thuỷ

5.886

2,4

2,1

87,5

 

 

 

x

 

500

LOSIHO

 

13

Xuân Thành

6.541

2,6

2,4

92,3

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

14

Xuân Phong

10.727

4,3

4,0

93,0

x

1

 

 

 

 

 

 

15

TT Xuân Trường

8.931

3,6

3,4

94,4

 

 

 

x

 

1000

LOSIHO

 

16

Xuân Hồng

19.520

7,8

6,6

84,5

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

 

 

 

 

 

 

x

1

 

 

 

 

 

 

17

Xuân Ngọc

7.999

3,2

2,6

81,3

 

 

 

x

 

500-700

LOSIHO

 

18

Xuân Tân

3.400

1,4

1,3

90,0

 

 

 

x

 

 

LOSIHO

 

19

Xuân Thượng

7.495

1,4

1,2

85,7

x

1

 

 

 

 

 

 

20

Xuân Kiên

8.945

3,6

3,3

91,7

x

1

 

 

 

 

 

 

Tổng

188.064

73,8

66,0

89,4

6

6

 

15

 

 

 

 

IV

Giao Thủy

1

TT Ngô Đồng

5.628

5,0

4,5

90,0

 

 

 

x

10000

500

Lodora

 

2

TT Quất Lâm

9.164

8,0

6,8

85,0

 

 

 

x

 

500

 

 

3

Giao Hương

7.463

3,4

3,1

91,2

 

 

 

x

 

330

LOSIHO

 

4

Hồng Thuận

14.822

6,0

5,1

85,0

x

1

10000

 

 

 

 

 

5

Giao Thiện

9.752

4,3

4,0

93,0

x

1

18900

 

 

 

 

 

6

Giao Thanh

6.210

4,0

3,6

90,0

 

 

 

x

 

350

LOSIHO

 

7

Hoành Sơn

8.048

3,0

2,7

90,0

 

 

 

x

 

300

LOSIHO

 

8

Bình Hòa

7.694

3,5

3,3

94,3

 

 

 

x

6000

800

LOSIHO

 

9

Giao Tiến

16.173

7,4

6,3

85,1

x

1

18000

 

 

 

 

 

10

Giao Hà

9.378

5,0

4,5

90,0

x

1

20000

 

 

 

 

 

11

Giao Nhân

7.498

3,0

2,6

86,7

 

 

 

x

18000

350

LOSIHO

 

12

Giao An

9.177

4,0

3,4

85,0

x

1

8500

 

 

 

 

 

13

Giao Lạc

9.691

4,5

3,8

84,4

x

1

18000

 

 

 

 

 

14

Giao Châu

7.841

3,5

3,2

91,4

x

1

10000

 

 

 

 

 

15

Giao Tân

6.783

2,8

2,5

89,3

 

 

10000

 

 

 

 

 

16

Giao Yến

8.086

3,0

2,6

86,7

 

 

10000

 

 

 

 

 

17

Giao Xuân

9.405

3,5

3,2

90,0

 

 

 

x

12000

350

 

 

18

Giao Thịnh

10.687

5,0

4,5

90,0

x

1

20000

 

 

 

 

 

19

Giao Hải

6.244

4,0

3,4

85,0

x

1

16000

 

 

 

 

 

20

Giao Long

7.785

3,0

2,7

90,0

x

1

10000

 

 

 

 

 

21

Bạch Long

7.662

3,1

2,5

80,6

 

 

5000

 

 

 

 

 

22

Giao Phong

7.033

4,0

3,4

85,0

x

1

10000

 

 

 

 

 

Tổng

192.224

93,0

81,7

87,8

11

11

 

8

 

 

 

0

V

Nghĩa Hưng

1

Nghĩa Đồng

7.500

3,0

2,7

90,0

 

 

 

1

 

300

TH-15

 

2

Nghĩa Thịnh

8.632

3,5

2,8

80,0

x

1

10932

 

 

 

 

 

3

Nghĩa Minh

5.260

2,1

2,0

95,2

x

1

10000

 

 

 

 

 

4

Hoàng Nam

7.781

3,1

2,8

90,3

 

 

 

1

1500

300

T-Tech

 

5

Nghĩa Châu

8.652

3,5

2,7

77,1

 

 

 

1

3030

300-350

LOSIHO

 

6

Nghĩa Thái

5.500

2,2

2,0

90,9

x

1

11000

 

 

 

 

 

7

Nghĩa Trung

10.675

4,3

3,4

79,1

x

1

6800

 

 

 

 

 

8

TT Liễu Đề

8.094

3,2

2,9

90,6

 

 

 

1

1395

300

T-Tech

 

9

Nghĩa Sơn

8.500

3,4

3,0

88,2

x

1

12000

 

 

 

 

 

10

Nghĩa Lạc

6.000

2,4

2,2

91,7

 

 

 

1

10000

300

T-Tech

 

11

Nghĩa Hồng

8.089

3,2

2,6

81,3

x

1

10000

 

 

 

 

 

12

Nghĩa Phong

7.900

3,2

2,7

84,4

x

1

10000

 

 

 

 

 

13

Nghĩa Phú

7.230

2,9

2,6

89,7

 

 

 

1

3500

625

TH-15

 

14

Nghĩa Bình

4.177

1,7

1,5

89,8

x

1

8553

 

 

 

 

 

15

Nghĩa Tân

6.982

2,8

2,7

96,4

x

1

10000

 

 

 

 

 

16

TTQuỹ Nhất

6.267

2,5

2,4

96,0

x

1

14000

 

 

 

 

 

17

Nghĩa Thành

5.575

2,2

2,0

90,9

 

 

 

1

2500

300

TH-15

 

18

Nghĩa Lâm

6.641

2,7

2,3

85,2

 

 

 

1

2000

300

T-Tech

 

19

Nghĩa Hùng

7.500

3,0

2,7

90,0

 

 

 

1

2500

300

T-Tech

 

20

Nghĩa Hải

14.818

5,9

5,3

89,8

 

 

 

1

1000

300

TH-15

 

21

Nghĩa Lợi

6.173

2,5

2,2

88,0

x

1

10000

 

 

 

 

 

22

Phúc Thắng

8.662

3,5

3,1

90,3

 

 

 

2

3200

300-350

Losiho

 

23

TT Rạng Đông

10.808

4,3

3,9

90,7

x

1

20000

 

 

 

 

 

24

Nam Điền

8.232

3,3

3,0

90,9

 

 

 

1

14000

300

T-Tech

 

Tổng

185.648

74,3

65,5

88,2

12

12

 

13

 

 

 

0

VI

Hải Hậu

1

Hải An

8.727

3,5

3,32

95,0

x

1

 

x

 

400

Losiho

 

2

Hải Anh

14.000

4,7

4,40

93,6

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

3

Hải Bắc

6.580

2,30

2,10

91,3

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

4

Hải Châu

7.596

2,5

2,34

93,6

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

5

Hải Chính

5.400

2,0

1,90

95,0

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

6

Hải Cường

6.068

2,4

2,30

95,8

x

1

 

 

 

 

 

 

7

Hải Đông

8.898

2,7

2,50

92,6

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

8

Hải Đường

11.341

4,5

4,31

95,8

x

1

 

 

 

 

 

 

9

Hải Giang

6.281

2,0

1,86

93,0

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

10

Hải Hà

6.880

2,2

2,10

95,5

 

 

 

x

 

400

 

 

11

Hải Hòa

9.160

3,2

3,02

94,4

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

12

Hải Hưng

10.458

3,7

3,50

94,6

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

13

Hải Lộc

6.765

2,7

2,50

92,6

x

1

 

 

 

 

 

 

14

Hải Long

6.602

2,6

2,50

96,2

x

1

 

 

 

 

 

 

15

Hải Lý

9.576

3,8

3,60

94,7

x

1

 

 

 

 

 

 

16

Hải Minh

17.478

6,2

5,85

94,4

 

 

 

x

 

450

BD-Anfa

 

17

Hải Nam

8.936

3,3

3,14

95,2

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

18

Hải Ninh

8.215

2,5

2,38

95,2

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

19

Hải Phong

8.250

2,6

2,44

93,8

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

20

Hải Phú

9.870

3,4

3,25

95,0

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

21

Hải Phúc

6.512

2,3

2,10

91,3

 

 

 

x

 

400

 

 

22

Hải Phương

7.691

2,9

2,70

93,1

 

 

 

x

 

400

 

 

23

Hải Quang

8.056

2,5

2,37

95,0

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

24

Hải Sơn

9.254

3,2

3,00

93,8

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

25

Hải Tân

7.203

2,5

2,33

93,2

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

26

Hải Tây

7.602

2,4

2,20

91,7

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

27

Hải Thanh

6.830

2,3

2,00

87,0

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

28

Hải Triều

5.025

1,9

1,83

95,0

 

 

 

x

 

400

 

 

29

Hải Trung

12.815

4,4

4,20

95,5

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

30

Hải Vân

9.450

3,6

3,20

88,9

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

31

Hải Xuân

8.671

2,9

2,80

96,6

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

32

TT Cồn

8.157

2,7

2,60

96,3

 

 

 

x

 

400

 

 

33

TT Thịnh Long

16.268

5,7

5,40

94,7

 

 

 

x

 

450

Thái Lan

 

34

TT Yên Định

5.768

2,1

2,00

95,2

 

 

 

x

 

400

Losiho

 

Tổng

296.383

104,2

98,0

94,1

6

6

 

29

 

 

 

0

VII

Vụ Bản

1

Minh Thuận

9.250

3,6

3,2

87,9

x

1

 

 

 

 

 

 

2

Hiển Khánh

8.760

3,0

2,7

90,0

 

 

 

1

 

500

Losiho

 

3

Tân Khánh

6.020

4,2

3,7

88,1

 

 

 

1

 

350

Losiho

 

4

Minh Tân

5.165

1,1

1,0

90,9

x

1

 

 

 

 

 

 

5

Cộng Hòa

6.198

1,5

1,4

93,3

 

 

 

1

 

300-500

LOSIHO

 

6

Trung Thành

6.393

3,80

3,50

92,1

x

1

 

 

 

 

 

 

7

Hợp Hưng

6.858

0,30

0,25

84,0

 

 

 

1

5000

350

BD-Anfa

 

8

Quang Trung

5.800

2,0

1,80

90,0

x

2

 

 

 

 

 

 

9

Đại An

8.562

2,8

2,2

78,6

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Liên Bảo

9.817

1,8

1,6

88,9

x

1

 

 

 

 

 

 

11

Kim Thái

9.868

10,5

9,8

93,3

 

 

 

1

 

500

 

 

12

Liên Minh

9.800

4,5

3,6

80,0

x

1

 

 

 

 

 

 

13

Tam Thanh

6.086

3,30

2,8

84,8

 

 

 

 

 

 

 

 

14

Thị trấn Gôi

8.087

5,3

4,8

90,6

 

 

 

1

 

1000

 

 

15

Vĩnh Hào

5.515

3,1

2,5

80,6

 

 

 

 

 

 

 

 

16

Đại Thắng

9.147

5,1

4,5

88,2

x

1

 

 

 

 

 

 

17

Thành Lợi

15.780

7,0

6,3

90,0

 

 

 

x

 

500

BD-anfa

 

18

Tân Thành

5.187

1,0

0,9

90,0

 

 

 

x

 

350

BD-anfa

 

Tổng

142.293

63,9

56,6

88,4

7

8

 

8

 

350-1000

 

0

VIII

Trực Ninh

1

Cổ Lễ

10.402

4,16

3,87

93,0

 

 

 

x

17000

2000

 

 

2

Phương Định

15.702

6,28

5,5

87,6

x

1

 

 

 

 

 

 

3

Trực Chính

4.925

1,97

1,80

91,4

 

 

 

x

5000

350

 

 

4

Trung Đông

14.745

5,90

5

84,7

x

3

 

 

 

 

 

 

5

Liêm Hải

10.955

4,38

3,9

89,0

 

 

 

x

3000

350

BD-Anfa

 

6

Việt Hùng

10.505

4,20

3,49

83,1

x

1

 

 

 

 

 

 

7

Trực Đạo

7.448

2,98

2,44

81,9

x

1

 

 

 

 

 

 

8

Trực Thanh

5.212

2,08

1,79

86,1

 

 

 

x

 

 

 

 

9

TT Cát Thành

13.788

5,52

4,42

80,1

x

1

 

 

 

 

 

 

10

Trực Tuấn

6.082

2,43

2,07

85,2

 

 

 

x

3000

350

BD-Anfa

 

11

Trực Nội

4.953

1,98

1,68

84,8

 

 

 

x

16812

 

BD-Anfa

 

12

Trực Mỹ

4.612

1,84

1,53

83,2

x

1

 

 

 

 

 

 

13

Trực Đại

5.100

2,04

1,84

90,2

 

 

 

x

3000

350

BD-Anfa

 

14

Trực Hùng

4.523

1,81

1,48

81,8

x

1

 

 

 

 

 

 

15

Trực Thắng

7.362

2,94

2,5

85,0

x

1

 

 

 

 

 

 

16

Trực Cường

7.920

3,17

2,54

80,1

x

1

 

 

 

 

 

 

17

Trực Hưng

7.379

2,95

2,54

86,1

x

1

 

 

 

 

 

 

18

Trực Khang

11.795

4,72

3,78

80,1

x

1

 

 

 

 

 

 

19

Trực Thuận

9.095

3,64

3,24

89,0

 

 

 

x

5000

350

BD-Anfa

 

20

TT Ninh Cường

6.924

2,77

2,35

84,8

x

2

 

 

 

 

 

 

21

Trực Thái

9.099

3,64

3,28

90,1

 

 

 

x

3941

350

Losiho

 

Tổng

178.526

71,4

61,0

85,5

12

15

 

9

 

 

 

0

IX

Ý Yên

1

Yên Trung

5.763

2,50

2,20

88,0

 

 

 

x

7000

350

Losiho

 

2

Yên Tân

5.425

2,20

2,00

90,9

x

1

 

 

 

 

 

 

3

Yên Bình

7.475

3,00

2,70

90,0

 

 

 

x

1500

350

Losiho

 

4

Yên Phú

6.867

2,70

2,30

85,2

x

1

 

 

 

 

 

x

5

Yên Phong

6.142

2,40

1,90

79,2

x

1

 

 

 

 

 

 

6

Yên Nhân

9.797

3,90

3,50

89,7

x

1

 

 

 

 

 

 

7

Yên Cường

9.289

3,70

3,30

89,2

x

1

 

 

 

 

 

 

8

Thị trấn Lâm

14.461

8,68

7,72

89,0

 

 

 

x

 

1000

Losiho

 

9

Yên Lương

6.693

2,70

2,30

85,2

x

1

 

 

 

 

 

 

10

Yên Phương

5.712

2,40

2,00

83,3

 

 

 

 

 

 

 

x

11

Yên Nghĩa

4.773

1,90

1,60

84,2

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

12

Yên Hưng

4.225

1,70

1,40

82,4

 

 

 

 

 

 

 

x

13

Yên Thành

3.290

1,30

1,10

84,6

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

14

Yên Lộc

9.466

4,30

3,60

83,7

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

15

Yên Hồng

5.690

2,50

2,40

96,0

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

16

Yên Quang

4.449

1,80

1,50

83,3

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

17

Yên Khánh

5.137

2,20

1,90

86,4

 

 

 

 

 

 

 

x

18

Yên Khang

5.616

2,20

1,80

81,8

x

1

 

 

 

 

 

 

19

Yên Trị

11.656

4,70

4,00

85,1

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

20

Yên Chính

6.823

2,70

2,50

92,6

x

1

 

 

 

 

 

 

21

Yên Minh

4.101

1,30

1,10

84,6

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

22

Yên Bằng

8.709

3,50

3,10

88,6

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

23

Yên Ninh

10.523

4,50

3,90

86,7

x

1

 

x

 

350

Losiho

 

24

Yên Phúc

7.566

3,00

2,50

83,3

 

 

 

 

 

 

 

x

25

Yên Lợi

5.697

2,30

2,00

87,0

x

1

 

 

 

 

 

 

26

Yên Thọ

6.754

2,70

2,40

88,9

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

27

Yên Mỹ

5.634

2,00

1,70

85,0

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

28

Yên Đồng

11.314

4,60

4,10

89,1

 

 

 

x

 

350

Losiho

 

29

Yên Dương

8.266

3,30

2,80

84,8

 

 

 

 

 

 

 

x

30

Yên Tiến

11.895

4,70

3,50

74,5

x

1

5000

 

 

 

 

 

31

Yên Thắng

11.045

4,40

4,00

90,9

x

1

5028

 

 

 

 

 

 

Tổng

230.253

95,8

82,8

86,5

12

12

 

15

 

 

 

9

 

Tổng 1-9

1.677.565

678,5

599,7

88,4

73

77

 

109

 

 

 

16

X

TP Nam Định

236.294

198

186

94

 

 

 

 

 

 

 

 


PHỤ LỤC IV

TỔNG HỢP CÁC LOẠI CÔNG TRÌNH LÒ ĐỐT CTRSH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

1. Công viên kết hợp xử lý rác thải tại thị trấn Xuân Trường: Lò đốt do Công ty TNHH Tân Thiên Phú sản xuất (LOSIHO), được thực hiện trên nền khu xử lý rác thải cũ của thị trấn Xuân Trường với diện tích khoảng 1 ha gồm hạng mục: Lò đốt, hố chôn lấp tro xỉ khoảng 300 m2, ngoài ra là sân bóng mini, khuôn viên cây xanh…

Lò đốt LOSIHO đã được cải tiến so với thiết kế ban đầu, Lò đốt được lắp đặt và đi vào vận hành sử dụng khoảng tháng 6/2017 với công suất đốt 1000 kg/h (tương đương 04 m3/h) và công nghệ quạt hút tạo áp suất âm không dùng nhiên liệu, có hệ thống xử lý khí thải lò đốt được trang bị bộ làm mát và rửa khói bằng nước vôi và các hồ trung hòa.

2. Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang: Do Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực thực hiện tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; được thực hiện tại khu xử lý rác thải cũ của thị trấn Nam Giang. Hiện nay chủ đầu tư đang vận hành thử nghiệm lò đốt (lò có công suất 1.000 kg/h). Lò đốt do Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực kết hợp Công ty TNHH Ngọc Pha nghiên cứu, thiết kế. Lò đốt có khả năng hoạt động liên tục 72h, có camera quan sát trong và ngoài lò hòa mạng internet và màn hình hiển thị camera. Lò đốt được sấy và mồi lửa bằng gas hoặc dầu DO cho tới khi buồng đốt đạt 950oC mới nạp rác. Có hệ thống xử lý khí thải lò đốt được trang bị tháp hạ nhiệt, vòi phun mưa bằng nước có chứa dung dịch kiềm kết hợp dàn đựng than hoạt tính.

3. Lò đốt rác SANKYO (có xuất xứ từ Nhật Bản): Đặt tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu với công suất thiết kế 450 kg/h. Giá thành lắp đặt lò đốt là 2,3 tỷ đồng. Lò có thể di chuyển lắp đặt dễ dàng, không sử dụng nhiên liệu và có thể đốt tất cả các loại rác thải sinh hoạt, phế phẩm nông nghiệp và xác động vật. Lò đốt rác SANKYO có công nghệ vận hành gần giống với công nghệ lò đốt rác LOSIHO.

4. Lò đốt rác LODORA - Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Thảo Nguyên: Do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Môi trường Thảo Nguyên sản xuất, công suất thiết kế từ 300 - 500 kg/h. Giá thành lắp đặt khoảng 700 triệu đồng đến 01 tỷ đồng. Lò đốt rác LODORA có công nghệ vận hành gần giống với công nghệ lò đốt rác LOSIHO và lò đốt rác SANKYO. Lò đốt rác thải hoạt động theo nguyên lý tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Rác thải được đưa vào máng sấy để sấy trước khi đưa vào buồng đốt.

5. Lò đốt rác BD - ANPHA: Tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu và sản xuất, công suất thiết kế là 500 kg/h.

Giá thành lắp đặt khoảng 1,7 tỷ đồng. Lò đốt có công nghệ vận hành gần giống với công nghệ lò đốt rác LOSIHO và lò đốt rác SANKYO. Rác phải sấy trước khi đưa vào lò đốt rác.

6. Lò đốt rác T-TECH: Lò đốt lắp đặt đầu tiên tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng do Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, công suất thiết kế là > 300 kg/h. Giá thành lắp đặt khoảng 01 tỷ đồng trở lên. Lò đốt rác T-TECH có công nghệ vận hành gần giống với công nghệ các lò đốt rác nêu trên.

7. Lò đốt rác TH15: Được lắp đặt tại một số xã trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng do Hợp tác xã dịch vụ môi trường Tam Hợp nghiên cứu và sản xuất, công suất thiết kế trên 300 kg/h. Giá thành lắp đặt khoảng 650 - 700 triệu đồng. Lò đốt TH15 có công nghệ vận hành gần giống với công nghệ các lò đốt rác nêu trên và có thêm hệ thống phun nước dập bụi, làm lạnh đột ngột loại bỏ chất độc hại thải ra môi trường.

8. Lò đốt rác thải tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh: Thuộc Dự án “Xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh” do chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường đô thị Trực Ninh thực hiện. Dự án được thực hiện trên nền khu xử lý rác thải của thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Lò đốt rác thải hỗn hợp (công nghiệp và sinh hoạt) có công suất 2.000 kg/h.

 

PHỤ LỤC V

CÁC MÔ HÌNH PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN TẠI NGUỒN
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

I. Thực hiện phân loại chất thải rắn đối với khu dân cư tập trung đông

1. Chất thải rắn được phân loại tại hộ gia đình thành 2 loại

- Rác thải hữu cơ dễ phân hủy: Là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: Các loại thức ăn thừa, thức ăn hư hỏng (rau, cá chết…), vỏ trái cây, các chất thải từ làm bếp.

- Các loại chất thải rắn khác (rác vô cơ): Được chia làm 2 loại: Chất thải rắn có thể tái chế và chất thải rắn không thể tái chế. Chất thải rắn có thể tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như: Giấy, các - tông, kim loại (khung sắt, máy móc hỏng…), các loại nhựa… Chất thải rắn không thể tái chế là chất thải rắn vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại như: Giấy ăn đã sử dụng, thuỷ tinh (bóng đèn, ly vỡ…), quần áo cũ, xỉ than, xương động vật, vỏ trứng…

Mỗi gia đình cần trang bị 2 thùng rác hữu cơ và vô cơ riêng biệt (có màu sắc khác nhau để tránh bỏ nhầm).

2. Phương pháp thu gom

- Sử dụng phương tiện (xe) vận chuyển phù hợp với việc phân loại rác thải; sử dụng phương tiện vận chuyển có 2 ngăn (trường hợp tần suất thu gom rác thải diễn ra hàng ngày).

- Tần suất thu gom đối với rác hữu cơ 1 lần/ngày, rác vô cơ 2 lần/ngày.

Một số hình ảnh về thùng rác thu gom và phân loại rác thải tại khu vực công cộng

3. Xử lý rác thải

- Rác thải sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển về xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung.

+ Các loại chất thải rắn khác (hay rác vô cơ): Được chôn lấp hoặc đốt trong lò đốt.

+ Rác hữu cơ dễ phân hủy: Được ủ làm phân vi sinh tại các bể chứa.

- Quy trình ủ phân vi sinh: Rác thải hữu cơ dễ phân hủy được đưa vào các hố ủ bằng bê tông, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15 cm, nước phun vừa đủ ấm, đậy bạt nhựa kín hố ủ; sau 30 ngày nhiệt độ hố ủ ổn định khoảng 40 - 45oC, rác thải đã ủ chín và được đưa vào phân loại lần hai loại bỏ nilon, các chất vô cơ còn sót lại và tiếp tục được nghiền mịn. Cuối cùng, bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với phụ gia tạo ra phân hữu cơ thành phẩm để sử dụng trong sản xuất…

Rác hữu cơ được ủ trong các bể ủ

4. Ưu điểm

- Giảm tải lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt.

- Nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải.

- Tạo được lượng phân vi sinh với khối lượng lớn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo nền nông nghiệp sạch, bền vững.

5. Hạn chế

- Tốn chi phí đầu tư ban đầu trong xây dựng các bể ủ phân vi sinh.

- Cần phải tập huấn và có quy chế cụ thể khi thực hiện.

II. Các mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình

1. Mô hình: Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình

1.1. Quy trình phân loại, thu gom rác thải

Rác thải được phân loại tại hộ gia đình: Rác hữu cơ được hộ dân cho vào thùng ủ rác để tiến hành xử lý thành phân bón hữu cơ. Rác vô cơ được đưa đến điểm tập kết và vận chuyển về bãi xử lý.

1.2. Công nghệ xử lý rác thải

- Thiết bị: Thùng xử lý rác thải hữu cơ dung tích 220 lít

- Kinh phí:

+ Thùng xử lý rác hữu cơ: 650.000 đ/thùng

+ Chế phẩm sử dụng: Chế phẩm EMIC - Công ty Cổ phần công nghệ vi sinh và môi trường. Đơn giá: 20.000 đ/gói 200g; xử lý được 500 kg rác.

- Quy trình xử lý:

- Các nguồn thải phát sinh:

+ Nước rỉ từ quá trình ủ rác hữu cơ được đựng trong chậu đặt dưới đáy thùng, sau đó được sử dụng để tưới trực tiếp cho cây trồng hoặc tưới lại vào rác thải hữu cơ trong thùng để đẩy nhanh quá trình phân huỷ rác.

+ Mùi hôi của rác được xử lý triệt để bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh EMIC tưới đều lên bề mặt rác hữu cơ trong thùng.

- Sản phẩm thu được: Phân hữu cơ đã được ủ có thể sử dụng ngay để bón cho cây trồng.

1.3. Ưu điểm

- Xử lý tương đối triệt để đối với các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác sau xử lý được phân hủy có dạng mùn, không mùi sử dụng tốt cho trồng cây.

- Thùng chứa có nắp đậy, tránh phát sinh mùi ra khu vực xung quanh; thiết kế thùng giúp lấy phân mùn để sử dụng tương đối thuận tiện.

Hình ảnh mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu

1.4. Hạn chế

- Lượng rác được xử lý với khối lượng nhỏ chỉ đủ phục vụ cho hộ quy mô nhỏ, chưa phù hợp đối với các hộ có mục đích sử dụng phân vi sinh để trồng cây với quy mô lớn.

- Kinh phí ban đầu để mua thùng chứa rác tương đối lớn.

2. Mô hình: Hố rác hữu cơ di động tại hộ gia đình

Mô hình hố rác di động là giải pháp xử lý rác ngay tại các hộ gia đình, với kinh phí thấp, dễ thực hiện và rất an toàn cho môi trường

2.1. Trang thiết bị

Nắp đậy có thể là vật liệu composite không phân huỷ trong môi trường ẩm hoặc bằng nhựa cứng, tôn gò.

2.2. Kinh phí

- Nắp đậy tùy vào vật liệu có kinh phí khác nhau, nhưng ở mức thấp.

- Chế phẩm sinh học có giá hơn 20.000 đồng/gói.

2.3. Quy trình xử lý

- Đào hố đất hình vuông sâu 1,2 - 1,5 m, trên có nắp đậy với chất liệu sử dụng có thể là vật liệu composite không phân huỷ trong môi trường ẩm hoặc bằng nhựa cứng nắp hố rác di động có thể sử dụng được rất nhiều năm.

Hố rác di động tại hộ gia đình

- Đổ rác và đậy nắp thường xuyên để tránh mưa và ruồi muỗi. Mỗi lớp rác có độ dày 10 - 20 cm, sau đó tưới một lớp chế phẩm vi sinh để khử mùi và kích thích quá trình phân hủy.

- Khoảng 20 ngày, lượng rác hữu cơ này sẽ phân hủy thành phân bón hữu cơ vi sinh, người dân hoàn toàn có thể sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

- Các hố rác sau khi đã chứa đầy phần nắp sẽ được di dời sang hố đào khác còn hố rác sẽ được lấp đất lại. Cứ như vậy nắp hố rác này có thể di chuyển khắp vườn và sử dụng được nhiều lần.

2.4. Những điểm cần lưu ý khi thực hiện hố rác di động tại gia đình

Tránh nước xâm nhập vào trong hố rác (nước mưa…); tránh đào hố gần mạch nước ngầm; chỉ cần hố đủ rộng và không quá sâu; tuy lượng khí sinh ra trong quá trình ủ rác là không nhiều nhưng khi mở nắp hố cần tránh đứng trực diện với miệng hố và nên mang khẩu trang.

2.5. Ưu điểm

- Nắp hố rác di động cho vùng nông thôn rất đơn giản, kinh phí thấp và dễ sử dụng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn. Giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy của các hộ gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường ngay tại từng hộ gia đình.

- Đơn giản, dễ thực hiện.

- Giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí (mùi rác phân hủy); đặc biệt sau khoảng 20 - 25 ngày các hộ gia đình có thể trực tiếp sử dụng làm hố trồng cây hoặc dùng rác phân hủy để bón cho cây trồng.

- Giúp giảm tải cho khu xử lý rác thải tập trung của địa phương, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp nơi hộ gia đình đang sinh sống, cải thiện bộ mặt nông thôn.

2.6. Hạn chế

Thực hiện được ở các hộ gia đình có diện tích vườn rộng; không phù hợp với khu vực đất chật người đông.

3. Mô hình thu gom, phân loại thành 2 loại

3.1. Rác thải được phân loại tại hộ gia đình thành 2 loại

- Rác thải hữu cơ dễ phân hủy: Là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: Các loại thức ăn thừa, thức ăn hư hỏng (rau, cá chết…) vỏ trái cây, các chất thải từ làm bếp.

- Các loại chất thải rắn khác (Rác vô cơ): Được chia làm 2 loại là chất thải rắn có thể tái chế và không tái chế. Chất thải rắn có thể tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như giấy, các - tông, kim loại (khung sắt, máy móc hỏng…), các loại nhựa… Chất thải rắn không thể tái chế là chất thải rắn vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại như giấy ăn đã sử dụng, thuỷ tinh (bóng đèn, ly vỡ…), quần áo cũ, xỉ than, xương động vật, vỏ trứng…

3.2. Trang thiết bị

Mỗi gia đình trang bị 2 thùng rác hữu cơ (màu xanh) và vô cơ (màu vàng).

3.3. Kinh phí

Đầu tư chi phí ban đầu cho việc mua thùng chứa rác đối với 2 loại rác hữu cơ và vô cơ.

3.4. Quy trình thực hiện

Rác thải được phân loại tại hộ gia đình thành 2 loại; đối với rác hữu cơ được các hộ gia đình tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cho cá; một phần làm phân hữu cơ. Phần rác thải vô cơ không thể tái chế, tái sử dụng được vận chuyển xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung.

3.5. Ưu điểm

- Giảm tải lượng rác thải vận chuyển, xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung.

- Tận dụng được các loại rác thải hữu cơ cho chăn nuôi tại hộ gia đình.

- Nâng cao nhận thức người dân trong phân loại rác thải tại nguồn.

3.6. Hạn chế

Rác thải sau khi thu gom từ các hộ không được phân loại tiếp.

 

PHỤ LỤC VI

TỔNG HỢP PHÂN LOẠI CTRSH TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Phường/Xã

Số lượng thôn/xóm thực hiện phân loại

Tổng số thôn/xóm của xã

Số hộ gia đình thực hiện phân loại

Tổng số hộ của xã

I. Huyện Xuân Trường

1

Thọ Nghiệp

2

23

330

3.305

2

Xuân Hòa

2

18

290

1.873

3

Xuân Kiên

2

13

519

2.236

II. Huyện Giao Thủy

1

Bạch Long

1

11

50

1.916

2

Giao Hà

1

12

100

2.344

3

Ngô Đồng

1

8

50

1.407

4

Giao Phong

1

11

 

 

5

Giao Hải

2

18

 

 

III. Nghĩa Hưng

1

Nghĩa Minh

1

9

260

1.315

IV. Huyện Hải Hậu

1

Hải Lý

1

18

112

2.394

V. Huyện Nam Trực

1

Nam Hùng

1

18

34

1.757

2

Nam Hồng

1

21

35

2.308

3

Đồng Sơn

1

22

40

3.531

VI. Huyện Vụ Bản

1

Hợp Hưng

3

14

90

1.715

2

Minh Tân

1

7

200

1.291

3

Liên Minh

1

15

93

2.450

4

Hiển Khánh

1

11

118

2.190

VII. Thành phố Nam Định

 

Chưa thực hiện

 

 

 

VIII. Huyện Ý Yên

1

Yên Cường

1

25

30

2.322

IX. Huyện Mỹ Lộc

1

Mỹ Tân

2

18

27

2614

X. Huyện Trực Ninh

1

Trực Hùng

1

25

198

3.688

2

Trung Đông

1

28

168

1131

 

Tổng

28

345

2.744

41.787

 

PHỤ LỤC VII

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH ĐÓNG BÃI CHÔN LẤP CTRSH
(Kèm theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số: 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Nam Định)

I. Quy trình đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt

1. Việc đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt được thực hiện trong các trường hợp sau

- Lượng rác thải sinh hoạt đã được chôn lấp trong bãi chôn lấp đạt dung tích lớn nhất theo khả năng tiếp nhận của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ bãi chôn lấp chất rác thải sinh hoạt không có khả năng tiếp tục vận hành bãi chôn lấp và không có khả năng chuyển giao việc vận hành bãi chôn lấp.

- Đóng bãi chôn lấp chất rác thải sinh hoạt theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trước 10 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu tiến hành đóng bãi chôn lấp, chủ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt phải gửi thông báo tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên địa bàn về thời gian đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt để giám sát.

3. Trình tự đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt a) Đầm nén chặt lượng rác đã chôn lấp tại bãi.

b) Phủ lớp đất trên cùng có hàm lượng sét hoặc lớp vải nhựa HDPE hoặc chất liệu tương đương lớn hơn 30%, đảm bảo độ ẩm tiêu chuẩn và được đầm nén cẩn thận, chiều dày lớn hơn hoặc bằng 50 cm. Độ dốc từ chân đến đỉnh bãi tăng dần từ 3% đến 5%, luôn đảm bảo thoát nước tốt và không trượt lở, sụt lún, sau đó cần tiến hành các hoạt động sau:

- Phủ lớp đệm bằng đất có thành phần phổ biến là cát dày từ 50 - 60 cm.

- Phủ lớp đất trồng (lớp đất thổ nhưỡng) dày từ 20 cm đến 30 cm.

- Trồng cỏ và cây xanh,

c) Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt có nhiều ô chôn lấp phải tiến hành đóng từng ô chôn lấp rác thải sinh hoạt theo trình tự nêu trên.

d) Đối với rỉ rác phát sinh: Đào các đường rãnh thu gom xung quanh các ô chôn lấp rác dẫn về một hố chứa; lót vải bạt đối với các rãnh và hố chứa nước rỉ rác nhằm tránh nước rỉ rác ngấm vào đất, ảnh hưởng đến nước ngầm; bổ sung các chế phẩm sinh học tại các hố chứa nước rỉ rác.

e) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, chủ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt phải báo cáo cơ quan phê duyệt/xác nhận hồ sơ pháp lý về môi trường, về hiện trạng của bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. Báo cáo bao gồm các nội dung sau:

- Tình trạng hoạt động, hiệu quả và khả năng vận hành của tất cả các công trình trong bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt bao gồm: Hệ thống chống thấm của bãi chôn lấp; hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác; hệ thống quản lý nước mặt, nước ngầm; hệ thống thu gom khí thải; hệ thống giám sát chất lượng nước ngầm và các công trình bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật hiện hành (nếu có).

- Kết quả quan trắc chất lượng nước thải, chất lượng nước ngầm và khí thải từ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ra môi trường.

- Báo cáo việc phục hồi môi trường, cải thiện cảnh quan khu vực bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt và biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong những năm tiếp theo.

- Lập bản đồ địa hình của khu vực bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt sau khi đóng bãi.

- Việc đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt được xác nhận là hoàn thành khi các thành phần môi trường do hoạt động chôn lấp rác thải sinh hoạt thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.

f) Sau khi đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, tiếp tục không cho phép người và súc vật ra, vào tự do, đặc biệt trên đỉnh bãi nơi tập trung khí gas; phải có các biển báo, chỉ dẫn an toàn trong bãi chôn lấp.

II. Tái sử dụng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt

1. Khi quy hoạch sử dụng và thiết kế bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt phải tính đến khả năng tái sử dụng mặt bằng bãi chôn lấp sau khi bãi chôn lấp đóng cửa.

2. Để tái sử dụng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, chủ bãi chôn lấp phải tiến hành khảo sát, đánh giá các yếu tố môi trường có liên quan, nếu đảm bảo mới tiến hành tái sử dụng.

3. Trong thời gian chờ tái sử dụng bãi chôn lấp, chủ bãi chôn lấp phải tiếp tục tiến hành việc xử lý nước rỉ rác, khí thải theo quy định.

4. Sau khi đóng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, chủ bãi chôn lấp có trách nhiệm

- Theo dõi sự biến động của môi trường của bãi chôn lấp.

- Thành lập lại bản đồ địa hình của khu vực bãi chôn lấp.

- Báo cáo đầy đủ về quy trình hoạt động của bãi chôn lấp, đề xuất các biện pháp tích cực kiểm soát môi trường trong những năm tiếp theo.

5. Thực hiện thủ tục bàn giao cho các cơ quan và đơn vị có thẩm quyền tiếp tục quản lý, sử dụng lại mặt bằng của bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt.

6. Khi tái sử dụng, chủ bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt phải tiến hành kiểm tra chặt chẽ các lỗ khoan thu hồi khí gas. Khi áp suất của các lỗ khoan khí không còn chênh lệch với áp suất khí quyển và nồng độ khí gas không lớn hơn 5% mới được phép san ủi lại.