Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2070/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN HỖ TRỢ TRẺ EM VIỆT NAM ĐƯỢC GIẢI QUYẾT CHO LÀM CON NUÔI Ở NƯỚC NGOÀI TÌM VỀ CỘI NGUỒN”

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 07/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Quyết định số 378/QĐ-BTP ngày 05/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế giai đoạn 2012-2015 trong ngành Tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Con nuôi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án hỗ trợ trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài tìm về cội nguồn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Con nuôi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Cục CNTT (để đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, Cục Con nuôi.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ TRẺ EM VIỆT NAM ĐƯỢC GIẢI QUYẾT CHO LÀM CON NUÔI Ở NƯỚC NGOÀI TÌM VỀ CỘI NGUỒN
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2070/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ngày 23 tháng 11 năm 2015)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thực hiện Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 07/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài tìm về cội nguồn và về thăm quê hương đất nước.

Việc xây dựng Đề án nhằm đáp ứng những yêu cầu cần thiết sau đây:

1. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam với tư cách là nước thành viên

Với tư cách là thành viên đầy đủ và có trách nhiệm của Công ước năm 1989 của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Việt Nam đang phải thực thi các cam kết quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi ở nước ngoài. Cụ thể như sau: Điều 8 Công ước năm 1989 quy định các quốc gia cam kết tôn trọng quyền của trẻ em được giữ gìn bản sắc của mình, kể cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận. Điều 30 Công ước La Hay năm 1993 quy định các nước thành viên có nghĩa vụ lưu giữ thông tin về nguồn gốc của trẻ em, đặc biệt là những thông tin liên quan đến lai lịch của cha, mẹ đẻ cũng như hồ sơ sức khỏe của trẻ em và gia đình, đảm bảo cho trẻ em hoặc người đại diện của trẻ em được tiếp cận những thông tin đó, trong phạm vi pháp luật của mỗi nước thành viên.

2. Thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Luật nuôi con nuôi

Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tuân thủ những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, Điều 11 Luật nuôi con nuôi quy định con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình; không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình; nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.

3. Thực trạng của công tác quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin về nguồn gốc của trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài và hỗ trợ trẻ em về thăm quê hương đất nước

Cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi là một nhiệm vụ thực hiện còn rất khó khăn, tốn nhiều thời gian do thông tin chỉ được lưu trữ trên giấy tờ, hơn nữa số lượng hồ sơ lại rất lớn. Các trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin về nguồn gốc đều cần phải được xác minh trước ở địa phương. Do trình tự thủ tục thực hiện còn thiếu, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan trong nhiệm vụ này nên thời hạn xác minh kéo dài, nhiều trường hợp xác minh không có kết quả. Ngoài ra, việc chia sẻ và cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi theo Điều 11 Luật nuôi con nuôi chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm bí mật đời tư cho con nuôi.

Việc con nuôi về thăm quê hương đất nước nếu không được chuẩn bị kỹ càng về tâm lý cũng như về tổ chức sẽ để lại những tác động tiêu cực cho trẻ em khi gặp gỡ gia đình, người thân của mình. Từ trước đến nay, việc con nuôi trở về thăm quê hương đất nước được tiến hành chủ yếu theo hướng tự phát, con nuôi, cha, mẹ đẻ hoặc người thân của con nuôi ở Việt Nam không được chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Điều này để lại cho con nuôi những dấu ấn nặng nề khi trở về thăm lại quê hương đất nước hoặc khi tìm lại nguồn gốc của chính mình. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi cũng chưa từng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em là con nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước[1].

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Mục tiêu chung và quan điểm chỉ đạo: Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước năm 1989 của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Công ước La Hay số 33 ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế), qua đó nhằm duy trì mối liên hệ văn hóa giữa con nuôi với quê hương, đất nước gốc của mình.

2.Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức thực hiện thí điểm Chương trình tìm về cội nguồn cho trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài và nhân rộng Chương trình nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước;

- Hiện đại hóa công tác lưu giữ thông tin về nguồn gốc của con nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi Việt Nam ở nước ngoài;

- Tăng cường trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý, cập nhật, sử dụng, khai thác hồ sơ con nuôi qua đó nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

III. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

Đề án được thực hiện theo 03 hoạt động cơ bản sau đây:

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình thí điểm tìm về cội nguồn

Nội dung: Chương trình thí điểm tìm về cội nguồn nhằm tạo điều kiện cho con nuôi Việt Nam ở nước ngoài về thăm lại quê hương đất nước, có cơ hội giao lưu, tìm hiểu nguồn gốc của mình, khám phá văn hóa Việt Nam; điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài.

Đơn vị chủ trì: Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp

Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ, Sở Tư pháp, Đại Sứ quán Pháp và các tổ chức con nuôi Pháp tại Việt Nam

Kết quả dự kiến: Tổ chức thực hiện Chương trình thí điểm tìm về cội nguồn cho trẻ em được giải quyết làm con nuôi ở Pháp.

Thời gian hoàn thành nội dung Chương trình: Tháng 3 năm 2016

Thời gian tổ chức thực hiện Chương trình: Tháng 8 năm 2016

Địa điểm thực hiện: TP Hồ Chí Minh

2. Xây dựng Kế hoạch số hóa hồ sơ nhận con nuôi nhằm lưu giữ thông tin về nguồn gốc của con nuôi

Nội dung: Hoạt động này nhằm mục đích chuyển lưu trữ hồ sơ con nuôi giấy sang hồ sơ số hóa để tra cứu thuận tiện, dễ dàng mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm không gian lưu trữ, bảo vệ thông tin suốt đời, tránh hiện tượng hồ sơ thất lạc, mục nát. Hoạt động này nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ lưu giữ thông tin về nguồn gốc của con nuôi đối với những nước thành viên Công ước La Hay năm 1993.

Hoạt động số hóa hồ sơ con nuôi là một hoạt động lớn, phải thực hiện lâu dài và cần phải lập kế hoạch hoạt động. Đây là một nhiệm vụ hết sức cần thiết trong công tác quản lý về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; đồng thời cũng nhằm thực hiện Quyết định số 2217/QĐ-BTP ngày 29/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế Quản lý, cập nhật, sử dụng, khai thác Hệ thống quản lý văn bản, điều hành và hồ sơ lưu trữ của Bộ Tư pháp. Khi có hồ sơ con nuôi được số hóa, việc cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi sẽ được tra cứu dễ dàng, thuận tiện.

Đơn vị chủ trì: Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp

Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin

Kết quả dự kiến: Thống kê số liệu hồ sơ giải quyết cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài, lập lộ trình số hóa hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động số hóa hồ sơ con nuôi

Thời gian hoàn thành: Tháng 9 năm 2016

3. Xây dựng Quy chế quản lý, cập nhật, sử dụng, khai thác hồ sơ nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi

Nội dung: Quy chế này nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cập nhật, sử dụng và khai thác hồ sơ con nuôi. Ngoài ra, Quy chế tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp thông tin, phối hợp để xác minh nguồn gốc của con nuôi.

Đơn vị chủ trì: Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp

Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch-Tài chính, Sở Tư pháp

Kết quả dự kiến: Xây dựng và trình Bộ trưởng Quyết định ban hành Quy chế quản lý, cập nhật, sử dụng, khai thác hồ sơ nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài

Thời gian hoàn thành: Tháng 11 năm 2016

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện Đề án: Năm 2016

2. Phân công trách nhiệm thực hiện Đề án:

Cục Con nuôi: Đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án, theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Đề án.

3. Kinh phí thực hiện Đề án:

Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động khác (nếu có)./.

 



[1] Theo kinh nghiệm quốc tế, Cơ quan trung ương của các nước gốc như Trung Quốc, Thái Lan đều đã tiến hành hoạt động tổ chức cho con nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước, nhằm duy trì mối liên hệ và giữ gìn bản sắc cho con nuôi. Các nước nhận cũng tiến hành các hoạt động duy trì bản sắc cho rẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài như dạy tiếng Việt, tổ chức các ngày lễ hội truyền thống Việt Nam.