Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG HỢP LƯU VỰC SÔNG MÃ THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI QUY HOẠCH

Phạm vi lập quy hoạch, gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2 và được phân chia thành 08 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã - Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; lưu vực sông Bưởi; lưu vực sông Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu, cụ thể tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.

II. QUAN ĐIỂM

1. Tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng, liên tỉnh, giữa các địa phương trên cùng lưu vực sông, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy định của điều ước quốc tế, hợp tác song phương mà Việt Nam đã tham gia.

2. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông được xây dựng trên cơ sở lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng; gắn kết hiện trạng, định hướng sử dụng tài nguyên nước với tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác. Làm cơ sở xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước trên lưu vực; bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông.

3. Tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước linh hoạt, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với khả năng của nguồn nước. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị sử dụng nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý, chia sẻ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, các vùng, các địa phương trong vùng quy hoạch.

4. Bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở bảo vệ chức năng nguồn nước đáp ứng chất lượng nước cho các mục đích sử dụng, bảo vệ nguồn sinh thủy, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa trên lưu vực sông.

5. Phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra với phương châm chủ động phòng ngừa là chính để giảm thiểu tối đa tổn thất, bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa, ổn định an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

2. Mục tiêu đến năm 2030

a) Tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng quy hoạch, các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực sông; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia;

b) Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, bảo vệ chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy, các nguồn nước có chức năng điều hòa (sông, suối, hồ, ao,…), các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nhằm từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiểm soát được hoạt động xả nước thải vào nguồn nước từ hoạt động sản xuất và nước thải sinh hoạt không ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước;

c) Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún mặt đất;

d) Từng bước phục hồi nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi mực nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức;

đ) Quản lý, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước bảo đảm kết nối, chia sẻ với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường, kết hợp bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực sông, giám sát thực hiện quy hoạch, nhằm hỗ trợ điều hòa, phân phối nguồn nước trong vùng quy hoạch;

e) Phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cơ bản của quy hoạch, gồm:

- 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp;

- 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải;

- 80% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định;

- 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ;

- 70% nguồn nước được cắm mốc thuộc đối tượng phải cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước;

- 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% từ các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường;

- Bảo vệ nguồn sinh thủy, duy trì, phát triển rừng bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 54% diện tích.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

a) Duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia;

b) Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tối đa tác hại do nước gây ra. Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh;

c) Phòng, chống sạt, lở bờ sông, suối có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông;

d) Kiểm soát được ngập úng do mưa, lũ thông qua các biện pháp phi công trình, công trình trữ nước tại vùng ngập, vùng trũng;

đ) Bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao giá trị sử dụng nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Chức năng nguồn nước

a) Các nguồn nước mặt trong vùng quy hoạch có một hoặc nhiều chức năng cơ bản sau đây: cấp nước cho sinh hoạt; cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, cấp nước cho thủy điện; giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải; tạo cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch; bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái thuỷ sinh, đa dạng sinh học; trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước. Chức năng nguồn nước được xác định trên cơ sở đặc điểm phân bố của nguồn nước, hiện trạng, mục tiêu sử dụng nước, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chức năng nguồn nước được xác định theo từng thời kỳ (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050); định kỳ thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng nguồn nước để phù hợp với tình hình thực tế của từng nguồn nước và nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ triển kinh tế - xã hội. Chức năng cơ bản của từng nguồn nước, đoạn sông trong vùng quy hoạch được quy định tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.

Nguồn nước dưới đất trong vùng quy hoạch có chức năng cơ bản sau đây: cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh, dịch vụ.

Trong trường hợp thực hiện hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn nước chưa quy định chức năng hoặc điều chỉnh chức năng nguồn nước, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm nguồn nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này.

b) Các nguồn nước nội tỉnh trong vùng quy hoạch, khi quy định chức năng nguồn nước phải bảo đảm tính hệ thống và không làm ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước quy định tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước hoặc có các hoạt động khác không làm ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước; xả nước thải vào nguồn nước phải phù hợp chức năng nguồn nước theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này và các quy định có liên quan.

2. Quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng quy hoạch, cụ thể như sau:

a) Quản lý, điều hòa, phân phối nguồn nước mặt, nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng trên toàn vùng quy hoạch từ 17.323 triệu m3 (năm ít nước ứng với tần suất 85%) đến khoảng 21.411 triệu m3 (năm nước trung bình ứng với tần suất 50%), chi tiết quy định tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước đến năm 2030 khoảng 1.879 triệu m3 trong phạm vi vùng quy hoạch, chi tiết nhu cầu nước quy định tại Phụ lục IV kèm theo Quyết định này. Lượng nước phân phối cho các đối tượng khai thác, sử dụng thực hiện theo Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.

Trong điều kiện bình thường, đủ nước, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động điều hoà điều tiết nước bảo đảm phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phù hợp kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước cho khu vực sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao (thuộc tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu) phù hợp với các quy định pháp luật về tài nguyên nước.

b) Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước (cả năm và cập nhật vào đầu mùa cạn) trên cơ sở hiện trạng và dự báo xu thế diễn biến lượng mưa, xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa theo các thời kỳ trong năm. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chủ động chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc khai thác, sử dụng nước phù hợp, bảo đảm ưu tiên nước cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các tiểu vùng quy hoạch.

Trường hợp dự báo có xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước.

c) Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, căn cứ kịch bản nguồn nước, tình huống khẩn cấp về thiên tai, lượng nước tích trữ đầu mùa cạn, hàng tháng của các hồ chứa (theo Phụ lục V kèm theo Quyết định này), nguồn nước dự phòng và hạn ngạch khai thác sử dụng nước, kế hoạch sử dụng nước của các tiểu vùng quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan quyết định phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước bảo đảm theo đúng quy định. Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng quy hoạch tổ chức thực hiện việc điều hoà, phân phối nguồn nước hiện có trên địa bàn bảo đảm phân phối hài hòa, hiệu quả lượng nước giữa các tháng trong mùa cạn như sau:

- Trường hợp dự báo lượng nước đến giảm và lượng nước trữ hiện có đạt từ 50% đến 85% (thiếu nước) so với điều kiện bình thường (hoặc trung bình nhiều năm), phân phối lượng nước ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao tiêu tốn ít nước, hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm nước cho an ninh năng lượng nếu có yêu cầu;

- Trường hợp dự báo lượng nước đến giảm và lượng nước trữ hiện có trên lưu vực đạt dưới 50% (thiếu nước nghiêm trọng), ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt và bảo đảm nước cho an ninh năng lượng nếu có yêu cầu, xem xét giảm lượng nước tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành sử dụng nước khác có tiêu tốn nhiều nước, chưa cấp thiết.

3. Quản lý khai thác, sử dụng nước mặt bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông

Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên sông, suối phải bảo đảm giá trị dòng chảy tối thiểu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố quy định tại Phụ lục VI kèm theo Quyết định này. Trong trường hợp thực hiện hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải bổ sung, điều chỉnh giá trị dòng chảy tối thiểu, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm nguồn nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

4. Các công trình khai thác sử dụng nước trên sông, đoạn sông, suối (trừ hồ chứa, đập dâng) và tầng chứa nước bảo đảm không vượt quá lượng nước có thể khai thác và ngưỡng giới hạn khai thác quy định tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này. Trong kỳ Quy hoạch này, hạn chế việc bổ sung vào quy hoạch các công trình chuyển nước, điều tiết, khai thác, sử dụng nước trên dòng chính sông Mã và dòng chính sông Chu. Trường hợp cần phải thực hiện chuyển nước hoặc bổ sung công trình điều tiết, khai thác sử dụng nước trên dòng chính, căn cứ vào kết quả đánh giá chi tiết các tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường của việc chuyển nước hoặc bổ sung công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan thực hiện thẩm định, quyết định việc chuyển nước hoặc bổ sung công trình theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định pháp luật khác có liên quan nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội.

5. Nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước tại khu vực do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hoặc nguyên nhân khác, sử dụng nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt quy định tại Phụ lục VII kèm theo Quyết định này.

6. Công trình đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước

a) Các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, tích trữ nước, phát triển tài nguyên nước trong Quy hoạch này gồm: các hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 0,5 triệu m3 trở lên, các cống điều tiết nước, trạm bơm có lưu lượng từ 2,0 m3/giây trở lên, các công trình thủy điện từ 2MW trở lên, các công trình khai thác nước mặt khác cho mục đích sinh hoạt, sản xuất phi nông nghiệp và kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên, các công trình khai thác nước dưới đất từ 3.000 m3/ngày trở lên; các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước và phát triển tài nguyên nước có quy mô như trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước hoặc đã xây dựng, vận hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành; các hồ, ao không được san lấp được công bố theo quy định. Chi tiết được quy định tại Phụ lục VIII của Quyết định này.

Trường hợp điều chỉnh, bổ sung, đưa ra khỏi danh mục công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, tích, trữ nước, phát triển nguồn nước, căn cứ vào điều kiện thực tế nguồn nước, các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 2 Quyết định này xem xét, quyết định điều chỉnh cục bộ.

b) Nâng cao khả năng tích, trữ nước, tham gia điều tiết nguồn nước, góp phần kiểm soát lũ, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hạ lưu của các công trình thủy lợi, thủy điện và các công trình khai thác nước dưới đất hiện có với quy mô quy định tại điểm a khoản này bảo đảm yêu cầu về thiết kế được phê duyệt, nhất là việc điều tiết nước của hồ Trung Sơn đối với tiểu vùng trung sông Mã, hồ Hủa Na, Cửa Đạt đối với tiểu vùng thượng sông Chu và Nam sông Mã - Bắc sông Chu;

c) Trong kỳ quy hoạch, ngoài các công trình tích, trữ nước, điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước hiện có được quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Quyết định này và các công trình đã được quy hoạch, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các công trình khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu với tổng dung tích điều tiết khoảng 41 triệu m3 trở lên, trong đó: tiểu vùng thượng sông Mã với tổng dung tích khoảng 29 triệu m3 trở lên; tiểu vùng trung sông Mã với tổng dung tích khoảng 06 triệu m3 trở lên; tiểu vùng thượng sông Chu với tổng dung tích khoảng 06 triệu m3 trở lên, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỳ quy hoạch.

7. Bảo vệ tài nguyên nước

Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo đảm lưu thông dòng chảy, bảo vệ các hồ, ao, sông, suối có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng và các chức năng cơ bản của nguồn nước, gồm:

a) Quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có thuộc các tỉnh trong vùng quy hoạch. Duy trì, bảo vệ, phát triển tỷ lệ che phủ rừng góp phần bảo vệ nguồn sinh thủy, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối theo quy định. Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông phải bảo đảm các yêu cầu quy định về bảo vệ hành lang nguồn nước và quy định về quản lý lòng, bờ, bãi sông;

c) Quản lý các hồ, ao thuộc danh mục các hồ, ao không được san lấp, lấn chiếm theo quy định, bổ sung các hồ, ao có chức năng tích trữ, điều hòa nước để dự phòng cấp nước, phòng, chống ngập, úng cục bộ phù hợp với từng khu vực, đồng thời tạo nguồn cung cấp thấm bổ cập cho nước dưới đất; dự án công trình xây dựng phải bảo đảm không vượt quá mật độ xây dựng theo quy định;

d) Các tổ chức, cá nhân điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất, khảo sát địa chất, xử lý nền móng, tháo khô mỏ phải bảo đảm các quy định về bảo vệ nước dưới đất, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng khi không còn sử dụng và các quy định khác có liên quan;

đ) Nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải của các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải phải có biện pháp và lộ trình thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm phù hợp với chức năng nguồn nước được quy định tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

e) Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại các khu du lịch, khu bảo tồn, di sản thiên nhiên, dự trữ thiên nhiên, vườn quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận, ngoài việc bảo đảm các quy định pháp luật về tài nguyên nước còn phải bảo đảm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan đến nước và pháp luật khác có liên quan, nhất là các di sản thiên nhiên vườn quốc gia Bến En, một phần vườn quốc gia Cúc Phương và các khu dự trữ thiên nhiên Xuân Nha, Copia, Sốp Cộp, Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên.

8. Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ

a) Thực hiện điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; đo đạc, cập nhật mặt cắt ngang, dọc sông cần giám sát; nghiên cứu sự biến đổi dòng chảy, lòng dẫn và các tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông;

b) Quản lý các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt, lở, ảnh hưởng xấu đến dòng chảy, sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông, hồ, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm hoạt động giao thông thủy trên các tuyến đường thủy nội địa phù hợp với điều kiện nguồn nước. Các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông ở các đoạn sông có điều kiện địa hình, địa chất kém ổn định phải cách mép bờ khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông theo quy định;

c) Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định, các hoạt động xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông, khu dân cư ven sông và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác ảnh hưởng đến chức năng bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, hồ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định, bảo đảm không gây cản trở dòng chảy, không gây ngập úng nhân tạo, khả năng tiêu thoát nước, không phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Không bố trí dân cư ở ven các đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở.

9. Phòng, chống ngập lụt, sụt, lún mặt đất và xâm nhập mặn nước dưới đất

a) Việc xây dựng và phát triển các khu dân cư, hạ tầng về giao thông, thủy lợi, đê điều, bờ bao, hệ thống tiêu thoát nước và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu, thoát lũ, phòng, chống ngập, lụt, hành lang bảo vệ đê, bảo vệ nguồn nước theo quy định và phù hợp với các quy hoạch về tiêu, thoát nước, chống ngập úng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Việc khai thác nước dưới đất phải bảo đảm không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất theo quy định; khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản không được gây nhiễm mặn các nguồn nước và ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp;

c) Quản lý việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất bảo đảm không phát sinh công trình mới trong phạm vi 01 km kể từ biên mặn tại các khu vực giáp ranh với ranh giới mặn tầng chứa nước. Đối với các công trình hiện có nằm trong khu vực giáp ranh này phải có lộ trình giảm lưu lượng khai thác. Việc khai thác nước dưới đất trong các thấu kính nước ngọt vùng ven biển phải được giám sát chặt chẽ;

d) Quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan nước dưới đất, khoan thăm dò địa chất, thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng công trình ngầm, các hoạt động khoan, đào khác theo quy định về bảo vệ tài nguyên nước;

đ) Việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất.

10. Rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả các công trình lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm sử dụng nước hiệu quả, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước đặc biệt là các công trình, hệ thống thủy lợi như đập Bái Thượng cho tiểu vùng Nam sông Chu và đập Dốc Cáy cho tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu.

11. Giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước

a) Giám sát các công trình khai thác, sử dụng nước theo hình thức trực tuyến, định kỳ theo quy định;

b) Tổ chức triển khai quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước mặt theo quy định pháp luật về môi trường, trong đó ưu tiên đối với các nguồn nước đã được quy định chức năng nguồn nước quy định tại Quyết định này;

c) Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tiếp tục thực hiện giải pháp về pháp luật, chính sách đã được đề ra theo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và rà soát, nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù đối với vùng quy hoạch này (nếu có).

2. Điều hòa, phân phối, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước

a) Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định; xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước; ưu tiên lập kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các vùng thường xuyên xảy ra thiếu nước;

b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Mã. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm công tác quản lý và vận hành hệ thống;

c) Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Mã thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước theo quy định;

d) Bổ sung, xây dựng mới công trình tích, trữ nước, công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất, điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước bảo đảm đa mục tiêu, kết hợp hoặc luân phiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa, tăng cường việc trữ nước mưa phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan;

đ) Nâng cao khả năng tích, trữ nước, năng lực điều tiết đối với các hồ chứa nước lớn (Trung Sơn, Cửa Đạt) trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, góp phần kiểm soát lũ cho hạ du; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước trong trường hợp xảy ra thiếu nước và phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa;

e) Xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu làm căn cứ xây dựng kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước;

g) Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Mã, hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực, nhằm tối ưu hóa việc điều tiết nguồn nước cho các mục đích sử dụng;

h) Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm tạo dòng chảy liên tục nhằm cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế;

i) Xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng công trình cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước;

k) Rà soát, bổ sung quy định về quản lý hồ, ao không được san lấp, lấn chiếm;

l) Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái;

m) Xây dựng, tổ chức thực hiện: kế hoạch bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, cải tạo phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhất là tại khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, các khu bảo tồn và vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên; kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng cho khu vực sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao (thuộc tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu);

n) Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, ưu tiên các sông chảy qua khu đô thị, khu dân cư tập trung trên lưu vực sông Mã;

o) Lập hành lang bảo vệ nguồn nước và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước liên tỉnh trên lưu vực sông Mã theo quy định, ưu tiên đối với các sông có mức độ sạt lở nguy hiểm như các sông Mã, Chu, Bưởi;

p) Tổ chức điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh. Đo đạc, cập nhật các mặt cắt ngang, dọc sông, nghiên cứu sự biến đổi lòng dẫn, quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông;

q) Khoanh định và quản lý vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và trám lấp các lỗ khoan thăm dò, khai thác không sử dụng theo quy định;

r) Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa để ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

s) Chuyển đổi sản xuất, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Cân đối, điều chỉnh lưu lượng khai thác hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế ở các khu vực khan hiếm nước, khu vực hạ thấp quá mức mực nước trên sông và các tầng chứa nước;

t) Tăng cường thu gom, xử lý nước thải đô thị.

3. Phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra

a) Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt, lở trên dòng chính sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, nhất là tại các đoạn sông qua các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung;

b) Xác lập cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên cơ sở xây dựng các bản đồ về nguy cơ sạt, lở bờ sông, sụt, lún đất, xâm nhập mặn các tầng chứa nước do khai thác nước dưới đất quá mức.

4. Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

a) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để phục vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát, sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước;

b) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới, nghiên cứu chuyển giao khoa học về nguồn nước, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng nước;

c) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức xây dựng, vận hành mạng quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các yêu cầu vận hành liên hồ chứa nhằm điều tiết, vận hành hồ chứa theo thời gian thực, khai thác hiệu quả nguồn nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Tổ chức công bố Quy hoạch, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Quy hoạch;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch theo chức năng quản lý nhà nước được giao; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền và quy định việc: công bố kịch bản nguồn nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, mô hình số, công cụ hỗ trợ ra quyết định bảo đảm kết nối thông tin, dữ liệu, thực hiện điều hòa, phân phối, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phê duyệt kế hoạch chi tiết điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước đối với tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu; đo đạc, quan trắc dòng chảy, chất lượng nước các sông liên tỉnh; thẩm định phương án điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa; lập bản đồ phân vùng sụt nền đất, sạt lở bờ sông tại các khu vực có hiện tượng sụt nền đất và sạt lở bờ sông phức tạp; điều tra, khảo sát xác lập các khu vực trũng, vùng ngập để xây dựng hồ chứa, trữ nước tăng khả năng tiêu thoát nước nước mưa, lũ cho các đô thị;

d) Quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước theo thẩm quyền phù hợp chức năng nguồn nước và dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Quyết định này. Thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm chức năng nguồn nước, bảo đảm dòng chảy tối thiểu và các nội dung khác của Quy hoạch;

đ) Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục các đập, hồ chứa trên lưu vực sông Mã phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trong trường hợp cần thiết;

e) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực xây dựng phương án cải tạo phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng;

g) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất tháo gỡ vướng mắc bất hợp lý trên thực tế (nếu có); trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan, kịp thời quyết định điều chỉnh cục bộ nội dung phân vùng chức năng nguồn nước, bổ sung, điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng, điều tiết, tích, trữ nước, phát triển nguồn nước mà không làm thay đổi cơ bản nội dung chính của quy hoạch nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện nguồn nước, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và theo đúng quy định;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan phù hợp với Quy hoạch này;

b) Chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện Quy hoạch này theo chức năng quản lý nhà nước được giao, tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn và nâng cao khả năng trữ nước theo thiết kế của các hồ chứa thủy lợi; bảo vệ, phát triển, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn trên lưu vực sông; lập, điều chỉnh quy trình vận hành các công trình thủy lợi trên lưu vực sông Mã theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch khác có liên quan;

c) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của nước do thiên tai gây ra và phòng, chống, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông theo quy định pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, thủy lợi; vận hành hệ thống thủy lợi tránh gây ô nhiễm, tù đọng làm suy giảm chất lượng nước mặt trong hệ thống thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo quy định; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa để chủ động ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định;

d) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Điều chỉnh, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

đ) Chỉ đạo các đối tượng khai thác, sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện các phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông theo quy định;

e) Chỉ đạo cung cấp các thông tin số liệu liên quan đến quan trắc số lượng nước, chất lượng nước, vận hành các công trình phòng, chống thiên tai và thủy lợi theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý, giám sát việc thực hiện Quy hoạch này;

g) Nâng cao năng lực, sử dụng hiệu quả công trình hiện có, tăng hiệu suất sử dụng nước, giảm thiệt hại về thiên tai do nước gây ra thuộc phạm vi quản lý. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực tích, trữ nước, chống lũ. Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh, mương thủy lợi, công trình trữ nước phân tán gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu phục vụ đa mục tiêu và hiệu quả;

h) Tổ chức điều tra về khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp, gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra và tích hợp, chia sẻ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương theo quy định;

i) Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.

3. Bộ Xây dựng

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị trên lưu vực sông phù hợp với Quy hoạch này; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước trong các hệ thống cấp nước đô thị theo thẩm quyền;

b) Tổ chức điều tra về khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp, gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra và tích hợp, chia sẻ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương theo quy định;

c) Rà soát, bổ sung quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình xây dựng, hạ tầng xây dựng bảo đảm việc tích trữ nước mưa, nâng cao năng lực tiêu thoát nước;

d) Hướng dẫn lập phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác liên quan đến phạm vi quản lý;

đ) Chỉ đạo các đối tượng khai thác, sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc khai thác, sử dụng nước trên cơ sở kịch bản nguồn nước hằng năm và các phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông theo quy định.

4. Bộ Giao thông vận tải

a) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy phù hợp với Quy hoạch này;

b) Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, độ sâu luồng lạch, tăng cường kiểm tra, giám sát các tuyến đường thủy nội địa hiện có trên lưu vực sông Mã;

c) Tổ chức điều tra về khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp, gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra và tích hợp, chia sẻ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương theo quy định.

5. Bộ Công Thương

a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành có khai thác, sử dụng nước phải xem xét, đánh giá, bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước trên lưu vực sông Mã;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về khai thác, sử dụng nước cho phát điện, sản xuất công nghiệp;

c) Chỉ đạo các đối tượng khai thác, sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc khai thác, sử dụng nước trên cơ sở kịch bản nguồn nước hằng năm và các phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông theo quy định.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thực hiện các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn.

7. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan Trung ương và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương thuộc Quy hoạch.

8. Các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng quy hoạch

a) Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức lập nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và đề xuất, bổ sung danh mục công trình khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước vào quy hoạch tỉnh theo quy định;

b) Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải, lập, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường các nguồn nước nội tỉnh, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; thu gom, xử lý nước thải đô thị trên địa bàn trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

c) Chỉ đạo, tổ chức giám sát diễn biến nguồn nước, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông theo thẩm quyền, phù hợp chức năng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu theo quy định;

d) Chỉ đạo lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, ban hành danh mục các hồ, ao không được san lấp trên địa bàn thuộc thẩm quyền phù hợp với Quy hoạch này;

đ) Xây dựng phương án khai thác, sử dụng nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn bao gồm cả lượng nước trữ trong phần dung tích chết các hồ chứa để giải quyết các nhu cầu cấp nước để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước;

e) Tổ chức quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra theo quy định, đặc biệt là các tuyến sông lớn;

g) Thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên phạm vi địa bàn theo phân cấp của Chính phủ và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;

h) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước;

i) Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch trên địa bàn, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp;

k) Riêng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên còn phải xây dựng kế hoạch sử dụng nước cho tiểu vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

10. Trách nhiệm của chủ quản lý các công trình khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Mã

a) Thực hiện vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa và giấy phép khai thác, sử dụng nước đã được cấp của công trình;

b) Đối với các hồ chứa Trung Sơn, Hủa Na, Cửa Đạt trong quá trình vận hành hồ trong mùa lũ, ngoài việc bảo đảm an toàn cho hạ du, phải xem xét tích nước để bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước trong mùa cạn;

c) Kết nối thông tin về các thông số lưu lượng, mực nước, chất lượng nước vào hệ thống giám sát theo quy định.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- HĐND, UBND các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: CN, KTTH, KGVX, QHQT;
- Lưu: VT, NN (2b). Tuynh

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

PHỤ LỤC I

PHÂN VÙNG QUY HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số 20 /QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Sơ đồ phân chia các tiểu vùng quy hoạch

2. Tổng hợp thông tin các tiểu vùng quy hoạch

TT

Tên tiểu vùng quy hoạch

Diện tích (km2)

Thuộc tỉnh

Thuộc huyện

1

Thượng sông Mã

6.564

Điện Biên, Sơn La

Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên (tỉnh Điện Biên); Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp (tỉnh Sơn La)

2

Trung sông Mã

4.646

Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa

Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La); Mai Châu, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình); Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa)

3

Nam sông Mã - Bắc sông Chu

815

Thanh Hóa

Ngọc Lạc, Cẩm Thủy, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa)

4

Lưu vực sông Bưởi

1.705

Hòa Bình, Thanh Hóa

Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình); Thạch Thành, Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa)

5

Bắc sông Mã

907

Thanh Hóa

Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tp. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)

6

Thượng sông Chu

1.790

Nghệ An, Thanh Hóa

Quế Phong (tỉnh Nghệ An); Thường Xuân, Như Xuân, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa)

7

Lưu vực sông Âm

822

Thanh Hóa

Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lạc (tỉnh Thanh Hóa)

8

Nam sông Chu

404

Thanh Hóa

Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, tp. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa)

 

Tổng cộng

17.653

 

 

 

PHỤ LỤC II

CHỨC NĂNG CƠ BẢN NGUỒN NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 20 /QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Nguồn nước

Chiều dài (km)

Vị trí (xã, huyện, tỉnh)

Chức năng cơ bản của nguồn nước

Điểm đầu

Điểm cuối

Hiện trạng

Đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

I

Sông Mã

455

Mường Lói, Điện Biên, Điện Biên

Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn sông Mã 1: từ biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

105

Mường Lói, Điện Biên, Điện Biên

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện (3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn sông Mã 2: ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Nậm Tý

30

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

Yên Hưng, Sông Mã, Sơn La

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho thủy điện

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

3

Đoạn sông Mã 3: từ sau nhập lưu với suối Nậm Ty đến biên giới Việt - Lào

55

Yên Hưng, Sông Mã, Sơn La

Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho thủy điện (4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho thủy điện

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

4

Đoạn sông Mã 4: từ biên giới Việt - Lào đến trước nhập lưu với sông Luồng

90

Mường Lát, Mường Lát, Thanh Hóa

Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Phát triển du lịch

(3) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(4) Cấp nước cho thủy điện

(5) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(6) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Phát triển du lịch

(3) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(4) Cấp nước cho thủy điện

(5) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(6) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

5

Đoạn sông Mã 5: từ sau nhập lưu với sông Luồng đến trước nhập lưu với suối Nguồn

80

Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa

Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Phát triển du lịch

(3) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(4) Cấp nước cho thủy điện

(5) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(6) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Phát triển du lịch

(3) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(4) Cấp nước cho thủy điện

(5) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(6) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

6

Đoạn sông Mã 6: từ sau nhập lưu với suối Nguồn đến trước nhập lưu với sông Bưởi

41

Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa

Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

7

Đoạn sông Mã 7: từ sau nhập lưu sông Bưởi đến trước nhập lưu với sông Chu

27

Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Hoằng Giang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(5) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất

công nghiệp

(4) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(5) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

8

Đoạn sông Mã 8: từ sau nhập lưu với sông Chu đến khi đổ ra biển

27

Xã Hoàng Giang, H. Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Xã Hoằng Phụ, H. Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(5) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(5) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

II

Nậm Hua

83

Nà Sáy, Tuần Giáo, Điện Biên

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

 

 

1

Đoạn Nậm Hua 1: từ Biên giới Việt - Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

64

Nà Sáy, Tuần Giáo, Điện Biên

Búng Lao, Mường Ảng, Điện Biên

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn Nậm Hua 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước nhập lưu với sông Mã

19

Búng Lao, Mường Ảng, Điện Biên

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

III

Nậm E

40

Mường É, Thuận Châu, Sơn La

Tênh Phông, Tuần Giáo, Điện Biên; Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

 

 

1

Đoạn Nậm E 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

35

Mường É, Thuận Châu, Sơn La

Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn Nậm E 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước khi nhập lưu với Nậm Hua

5

Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

IV

Suối Quanh

43

Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn suối Quanh 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

37

Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho thủy điện

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho thủy điện

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn suối Quanh 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với sông Mã

6

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

V

Suối Theo

30

Tân Xuân, Vân Hồ, Sơn La

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn suối Theo 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

26

Tân Xuân, Vân Hồ, Sơn La

Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn suối Theo 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Quanh

4

Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

VI

Sông Bưởi

143

Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình

Ninh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn sông Bưởi 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa (trạm thủy văn Thạch Lâm)

70

Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn sông Bưởi 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Mã

73

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

Ninh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

VII

Sông Ngang

20

Tự Do, Lạc Sơn, Hòa Bình

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn sông Ngang 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình

8

Tự Do, Lạc Sơn, Hòa Bình

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn sông Ngang 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Bưởi

12

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

VIII

Sông Chu

159

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn sông Chu 1: từ Biên giới Việt - Lào đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

56

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Cấp nước cho thủy điện

(3) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn sông Chu 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến xã Vạn Xuân, tỉnh Thanh Hóa (trước khi chảy vào vào hồ Cửa Đạt)

26

Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An

Vạn Xuân, Thường Xuân, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Trữ, tiêu thoát nước, tiêu thoát lũ

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Trữ, tiêu thoát nước, tiêu thoát lũ

3

Đoạn sông Chu 3: từ sau hồ Cửa Đạt đến đập Bái Thượng

19

Vạn Xuân, Thường Xuân, Thanh Hóa

Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Cấp nước cho thủy điện

(7) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Cấp nước cho thủy điện

(7) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

4

Đoạn sông Chu 4: từ sau đập Bái Thượng đến trước nhập lưu với sông Mã

58

Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hóa

Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(7) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sinh hoạt

(2) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(3) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp

(4) Phát triển du lịch

(5) Cấp nước cho kinh doanh, dịch vụ

(6) Giao thông đường thuỷ nội địa, hàng hải

(7) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

IX

Nậm Khuê

23

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa

 

 

1

Đoạn Nậm Khuê 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

5

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

2

Đoạn Nậm Khuê 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến trước nhập lưu với sông Chu

18

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

(1) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

(2) Trữ, tiêu thoát lũ, tiêu thoát nước

 

PHỤ LỤC III

LƯỢNG NƯỚC CÓ THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ NGƯỠNG GIỚI HẠN KHAI THÁC ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Lượng nước có thể khai thác, sử dụng theo tiểu vùng quy hoạch

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Lượng nước có thể khai thác, sử dụng (triệu m3)

Nước dưới đất

Nước mặt

(tần suất 50%)

Nước mặt

(tần suất 85%)

Tổng lượng nước

(tần suất 50%)

Tổng lượng nước

(tần suất 85%)

(1)

(2)

(3)

(4) = (1) + (2)

(5) = (1) + (3)

 

Toàn vùng quy hoạch

810

20.601

16.513

21.411

17.323

I

Vùng thượng sông Mã

140

4.253

3.428

4.393

3.568

II

Vùng trung sông Mã

270

8.264

6.660

8.534

6.930

III

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

50

583

470

633

520

IV

Lưu vực sông Bưởi

180

2.020

1.628

2.200

1.808

V

Vùng bắc sông Mã

60

940

758

1.000

818

VI

Lưu vực sông Âm

40

581

469

621

509

VII

Vùng thượng sông Chu

60

3.500

2.730

3.560

2.790

VIII

Vùng nam sông Chu

10

460

371

470

381

2. Lượng nước có thể khai thác, sử dụng theo tháng ứng với các tần suất nước đến theo tiểu vùng quy hoạch

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Tần suất

Lượng nước có thể khai thác theo tháng (triệu m3)

Cả năm (triệu m3)

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

 

Toàn vùng quy hoạch

50%

840,9

685,4

662,6

698,7

1.069,3

2.004,2

2.706,8

3.655,0

3.871,3

2.441,3

1.696,7

1.078,8

21.411

85%

688,0

563,6

543,6

561,9

863,2

1.616,2

2.184,2

2.952,7

3.128,5

1.972,0

1.370,8

878,2

17.323

I

Vùng thượng sông Mã

50%

162,0

108,5

98,4

104,4

127,8

412,9

666,6

867,8

743,5

509,6

347,1

244,0

4.393

85%

132,7

89,6

81,4

86,2

105,1

335,0

539,7

702,0

601,7

413,1

282,0

198,8

3.568

II

Vùng trung sông Mã

50%

316,8

277,3

274,8

291,7

463,7

852,4

1.113,3

1.449,1

1.525,4

944,6

629,7

394,3

8.534

85%

260,0

228,2

226,2

239,8

378,2

691,3

901,6

1.172,0

1.233,5

765,6

512,1

322,4

6.930

III

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

50%

26,3

22,2

21,8

25,4

36,1

52,2

67,4

89,6

119,5

75,4

63,4

33,8

633

85%

21,9

18,6

18,3

21,1

29,8

42,9

55,3

73,3

97,6

61,8

52,0

27,9

520

IV

Lưu vực sông Bưởi

50%

87,4

76,6

75,5

81,8

127,3

209,5

283,6

351,3

367,3

250,4

179,1

110,2

2.200

85%

73,3

64,7

63,8

68,9

105,5

171,8

231,5

286,1

298,9

204,8

147,3

91,8

1.808

V

Vùng Bắc sông Mã

50%

43,4

37,0

35,4

36,7

41,1

70,8

86,3

145,3

208,4

144,1

97,0

54,6

1.000

85%

36,0

30,8

29,5

30,5

34,0

58,1

70,6

118,0

168,9

117,0

79,2

45,0

818

VI

Lưu vực sông Âm

50%

23,5

20,4

20,1

22,6

38,1

57,0

78,6

99,5

116,1

69,4

47,3

28,7

621

85%

19,4

16,9

16,7

18,7

31,3

46,6

64,2

81,3

94,7

56,7

38,8

23,6

509

VII

Vùng thượng sông Chu

50%

161,8

127,0

120,5

117,5

210,6

310,8

368,0

587,4

699,4

384,6

284,9

188,0

3.560

85%

129,7

101,4

94,7

81,5

159,1

239,1

286,4

468,4

559,1

301,7

220,5

148,2

2.790

VIII

Vùng Nam sông Chu

50%

19,7

16,4

16,0

18,7

24,6

38,6

43,0

65,0

91,6

63,3

48,2

25,2

470

85%

16,0

13,4

13,0

15,2

20,1

31,3

34,9

52,6

74,1

51,3

39,0

20,5

381

3. Lượng nước giới hạn khai thác đối với từng sông, đoạn sông

TT

Tên sông, suối

Chiều dài (km)

Ngưỡng giới hạn khai thác (triệu m3/năm)

1

Sông Mã

455

 

-

Đoạn sông Mã 1: từ biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

105

443

-

Đoạn sông Mã 2: ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Nậm Tý

30

274

-

Đoạn sông Mã 3: từ sau nhập lưu với suối Nâm Ty đến biên giới Việt - Lào

55

901

-

Đoạn sông Mã 4: từ biên giới Việt Lào - đến trước nhập lưu với sông Luồng

90

1.164

-

Đoạn sông Mã 5: từ sau nhập lưu với sông Luồng đến trước nhập lưu với suối Nguồn

80

4.959

-

Đoạn sông Mã 6: từ sau nhập lưu với suối Nguồn đến trước nhập lưu với sông Bưởi

41

289

-

Đoạn sông Mã 7: từ sau nhập lưu sông Bưởi đến trước nhập lưu với sông Chu

27

154

-

Đoạn sông Mã 8: từ sau nhập lưu với sông Chu đến khi ra biển

27

128

2

Nậm Hua

83

 

-

Đoạn Nậm Hua 1 từ Biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

64

840

-

Đoạn Nậm Hua 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đên trước nhập lưu với sông Mã

19

202

3

Nậm E

40

 

-

Đoạn Nậm E 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

35

364

-

Đoạn Nậm E 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước khki nhập vào Nậm Hua

5

40

4

Suối Quanh

43

 

-

Đoạn suối Quanh 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

37

195

-

Đoạn suối Quanh 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với sông Mã

6

22

5

Suối Theo

30

 

-

Đoạn suối Theo 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

26

73

-

Đoạn suối Theo 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Quanh

4

9

6

Sông Bưởi

143

 

-

Đoạn sông Bưởi 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa (trạm thủy văn Thạch Lâm)

70

1.091

-

Đoạn sông Bưởi 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Mã

73

540

7

Sông Ngang

20

 

-

Đoạn sông Ngang 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình

8

84

-

Đoạn sông Ngang 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Bưởi

12

22

8

Sông Chu

159

 

-

Đoạn sông Chu 1: từ Biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

56

798

-

Đoạn sông Chu 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến hồ Cửa Đạt

26

615

-

Đoạn sông Chu 3: từ hồ Cửa Đạt đến đập Bái Thượng

19

532

-

Đoạn sông Chu 4: từ dập Bái Thượng đến trạm thủy văn Xuân Khánh

32

663

-

Đoạn sông Chu 5: từ trạm thủy căn Xuân Khánh đến trước nhập lưu sông Mã

26

323

9

Nậm Khuê

23

 

-

Đoạn Nậm Khuê 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

5

12

-

Đoạn Nậm Khuê 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến trước nhập lưu với sông Chu

18

112

4. Lượng nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng và ngưỡng giới hạn khai thác

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Trữ lượng có thể khai thác (triệu m3/năm)

Hiện trạng khai thác (triệu m3/năm)

Trữ lượng còn lại có thể khai thác (triệu m3/năm)

I

Vùng thượng sông Mã

140,0

3,2

136,8

II

Vùng trung sông Mã

270,0

0,4

269,6

III

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

50,0

6,9

43,2

IV

Vùng lưu vực sông Bưởi

180,0

4,6

175,4

V

Vùng Bắc sông Mã

60,0

13,8

46,3

VI

Vùng lưu vực sông Âm

40,0

0,1

39,9

VII

Vùng thượng sông Chu

60,0

0,0

60,0

VIII

Vùng Nam sông Chu

10,0

1,1

8,9

 

Toàn vùng quy hoạch

810,0

30,0

780,0

5. Lượng nước có thể khai thác, sử dụng phân theo tỉnh

T T

Tỉnh

Tổng lượng nước (triệu m3/năm)

Lượng nước mặt (triệu m3/năm)

Lượng nước dưới đất (triệu m3/năm)

Lượng nước có thể khai thác, sử dụng theo các tiểu vùng (triệu m3/năm)

Thượng sông Mã

Trung sông Mã

Nam sông Mã - Bắc sông Chu

Lưu vực sông Bưởi

Bắc sông

Lưu vực sông Âm

Thượng sông Chu

Nam sông Chu

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

 

Tổng cộng

21.411

20.601

810

4.253

140

8.264

270

583

50

2.020

180

940

60

581

40

3.500

60

460

10

1

Điện Biên

1.511

1.461

50

1.461

50

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

2

Sơn La

3.674

3.560

114

2.792

90

768

25

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

3

Hòa Bình

2.152

1.975

177

-

-

749

47

-

-

1.226

110

-

-

-

-

-

-

-

-

4

Thanh

Hóa

12.871

12.407

464

-

-

6.747

198

583

50

794

70

940

60

581

40

2.302

55

460

10

5

Nghệ An

1.203

1.198

5

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

1.198

5

-

-

 

PHỤ LỤC IV

NHU CẦU KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC VÀ LƯỢNG NƯỚC PHÂN PHỐI CHO CÁC MỤC ĐÍCH KHAI THÁC, SỬ DỤNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước theo tiểu vùng quy hoạch

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Nhu cầu khai thác, sử dụng nước theo tháng của các đối tượng (triệu m3)

Cả năm (triệu m3)

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

 

Tổng cộng

75,70

195,93

229,76

213,64

220,04

166,32

178,48

178,48

172,72

109,17

68,58

70,14

1878,94

I

Vùng thượng sông Mã

16,22

27,07

29,64

28,78

29,64

39,62

48,93

48,93

47,35

27,06

16,40

16,85

376,48

1

Sinh hoạt

1,63

1,47

1,63

1,58

1,63

1,58

1,63

1,63

1,58

1,63

1,58

1,63

19,20

2

Công nghiệp

0,45

0,41

0,45

0,43

0,45

0,43

0,45

0,45

0,43

0,45

0,43

0,45

5,29

3

Nông nghiệp

14,14

22,09

24,45

23,66

24,45

34,50

46,85

46,85

45,34

21,88

11,28

11,66

327,13

4

Thủy sản

0,00

3,11

3,11

3,11

3,11

3,11

0,00

0,00

0,00

3,11

3,11

3,11

24,85

II

Vùng trung sông Mã

9,19

20,75

25,47

22,95

23,68

18,03

20,88

20,88

20,20

11,85

7,22

7,42

208,52

1

Sinh hoạt

1,19

1,08

1,19

1,16

1,19

1,16

1,19

1,19

1,16

1,19

1,16

1,19

14,06

2

Công nghiệp

0,40

0,37

0,40

0,39

0,40

0,39

0,40

0,40

0,39

0,40

0,39

0,40

4,76

3

Nông nghiệp

7,59

18,32

20,94

20,26

20,94

15,34

19,28

19,28

18,66

9,11

4,53

4,68

178,93

4

Thủy sản

0,00

0,98

2,93

1,14

1,14

1,14

0,00

0,00

0,00

1,14

1,14

1,14

10,77

III

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

10,69

35,59

39,15

37,97

39,15

23,77

25,52

25,52

24,69

12,93

6,67

6,81

288,47

1

Sinh hoạt

1,30

1,17

1,30

1,26

1,30

1,26

1,30

1,30

1,26

1,30

1,26

1,30

15,31

2

Công nghiệp

1,51

1,37

1,51

1,46

1,51

1,46

1,51

1,51

1,46

1,51

1,46

1,51

17,81

3

Nông nghiệp

7,88

30,67

33,96

32,86

33,96

18,66

22,70

22,70

21,97

7,74

1,57

1,62

236,30

4

Thủy sản

0,00

2,38

2,38

2,38

2,38

2,38

0,00

0,00

0,00

2,38

2,38

2,38

19,05

IV

Lưu vực sông Âm

1,70

4,63

5,09

4,94

5,09

3,48

3,84

3,84

3,72

2,08

1,21

1,24

40,86

1

Sinh hoạt

0,28

0,26

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

3,35

2

Công nghiệp

0,16

0,14

0,16

0,15

0,16

0,15

0,16

0,16

0,15

0,16

0,15

0,16

1,83

3

Nông nghiệp

1,26

3,94

4,37

4,23

4,37

2,77

3,40

3,40

3,29

1,35

0,50

0,51

33,39

4

Thủy sản

0,00

0,29

0,29

0,29

0,29

0,29

0,00

0,00

0,00

0,29

0,29

0,29

2,28

V

Lưu vực sông Bưởi

12,49

23,73

38,61

29,74

30,67

22,50

25,47

25,47

24,65

17,78

11,99

12,33

275,43

1

Sinh hoạt

1,15

1,04

1,15

1,12

1,15

1,12

1,15

1,15

1,12

1,15

1,12

1,15

13,57

2

Công nghiệp

1,54

1,39

1,54

1,49

1,54

1,49

1,54

1,54

1,49

1,54

1,49

1,54

18,12

3

Nông nghiệp

9,80

20,02

25,98

25,14

25,98

17,89

22,78

22,78

22,04

13,09

7,39

7,64

220,52

4

Thủy sản

0,00

1,28

9,94

2,00

2,00

2,00

0,00

0,00

0,00

2,00

2,00

2,00

23,21

VI

Vùng thượng sông Chu

2,98

9,22

10,13

9,83

10,13

6,24

6,60

6,60

6,38

3,58

2,03

2,08

75,81

1

Sinh hoạt

0,43

0,38

0,43

0,41

0,43

0,41

0,43

0,43

0,41

0,43

0,41

0,43

5,02

2

Công nghiệp

0,21

0,19

0,21

0,20

0,21

0,20

0,21

0,21

0,20

0,21

0,20

0,21

2,44

3

Nông nghiệp

2,35

7,99

8,84

8,56

8,84

4,97

5,96

5,96

5,77

2,29

0,77

0,79

63,10

4

Thủy sản

0,00

0,66

0,66

0,66

0,66

0,66

0,00

0,00

0,00

0,66

0,66

0,66

5,25

VII

Vùng Nam sông Chu

6,99

21,34

23,47

22,76

23,47

14,09

14,70

14,70

14,23

8,15

4,75

4,86

173,51

1

Sinh hoạt

1,57

1,42

1,57

1,52

1,57

1,52

1,57

1,57

1,52

1,57

1,52

1,57

18,51

2

Công nghiệp

1,35

1,22

1,35

1,31

1,35

1,31

1,35

1,35

1,31

1,35

1,31

1,35

15,92

3

Nông nghiệp

4,07

17,23

19,07

18,46

19,07

9,78

11,78

11,78

11,40

3,75

0,45

0,47

127,31

4

Thủy sản

0,00

1,47

1,47

1,47

1,47

1,47

0,00

0,00

0,00

1,47

1,47

1,47

11,76

VIII

Vùng Bắc sông Mã

15,44

53,61

58,20

56,67

58,20

38,60

32,55

32,55

31,50

25,74

18,30

18,55

439,89

1

Sinh hoạt

2,30

2,08

2,30

2,23

2,30

2,23

2,30

2,30

2,23

2,30

2,23

2,30

27,09

2

Công nghiệp

4,26

3,85

4,26

4,12

4,26

4,12

4,26

4,26

4,12

4,26

4,12

4,26

50,15

3

Nông nghiệp

8,88

36,90

40,85

39,54

40,85

21,47

25,99

25,99

25,15

8,40

1,17

1,21

276,38

4

Thủy sản

0,00

10,78

10,78

10,78

10,78

10,78

0,00

0,00

0,00

10,78

10,78

10,78

86,26

2. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước theo tỉnh

TT

Tỉnh

Nhu cầu khai thác, sử dụng nước theo tháng (triệu m3)

Cả năm

(triệu m3)

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

1

Điện Biên

4,00

7,83

8,59

8,34

8,59

15,79

21,76

21,76

21,06

9,26

3,73

3,83

134,54

2

Sơn La

13,59

21,18

23,18

22,52

23,18

26,00

29,64

29,64

28,69

19,52

13,98

14,36

265,50

3

Hòa Bình

10,17

12,77

29,45

18,97

19,57

16,43

19,93

19,93

19,29

15,16

10,73

11,06

203,47

4

Thanh Hóa

47,09

152,40

166,84

162,02

166,84

106,93

106,00

106,00

102,59

64,41

39,46

40,18

1260,76

5

Nghệ An

0,66

1,72

1,89

1,83

1,89

1,20

1,24

1,24

1,20

0,77

0,51

0,53

14,68

Tổng cộng

75,0

75,0

75,51

195,90

229,95

213,68

220,08

166,36

178,57

178,57

172,81

109,11

1878,94

3. Lượng nước phân phối cho các mục đích khai thác, sử dụng

3.1 Lượng nước phân phối cho các mục đích khai thác, sử dụng theo các tiểu vùng quy hoạch trong điều kiện bình thường

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Lượng nước phân phối cho các đối tượng khai thác, sử dụng (triệu m3)

Sinh hoạt

Công nghiệp

Trồng trọt

Chăn nuôi

Nuôi trồng thủy sản

Tổng

 

Toàn vùng quy hoạch

116,11

116,32

1.425,54

37,53

183,44

1.878,94

1

Vùng thượng sông Mã

19,20

5,29

316,74

10,39

24,85

376,48

2

Vùng trung sông Mã

14,06

4,76

171,56

7,38

10,77

208,52

3

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

15,31

17,81

231,92

4,38

19,05

288,47

4

Lưu vực sông Bưởi

13,57

18,12

214,80

5,72

23,21

275,43

5

Vùng Bắc sông Mã

27,09

50,15

271,45

4,94

86,26

439,89

6

Lưu vực sông Âm

3,35

1,83

32,15

1,24

2,28

40,86

7

Vùng thượng sông Chu

5,02

2,44

61,26

1,84

5,25

75,81

8

Vùng Nam sông Chu

18,51

15,92

125,66

1,65

11,76

173,51

3.2 Lượng nước phân phối cho các mục đích khai thác, sử dụng theo tháng trong điều kiện bình thường

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Lượng nước phân phối cho các đối tượng khai thác, sử dụng (triệu m3)

Cả năm (triệu m3)

11

12

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

Toàn vùng quy hoạch

68,58

70,14

75,70

195,93

229,76

213,64

220,04

166,32

178,48

178,48

172,72

109,17

1878,94

1

Vùng thượng sông Mã

16,40

16,85

16,22

27,07

29,64

28,78

29,64

39,62

48,93

48,93

47,35

27,06

376,48

 

Sinh hoạt

1,58

1,63

1,63

1,47

1,63

1,58

1,63

1,58

1,63

1,63

1,58

1,63

19,20

 

Công nghiệp

0,43

0,45

0,45

0,41

0,45

0,43

0,45

0,43

0,45

0,45

0,43

0,45

5,29

 

Trồng trọt

10,43

10,78

13,25

21,29

23,57

22,81

23,57

33,65

45,96

45,96

44,48

20,99

316,74

 

Chăn nuôi

0,85

0,88

0,88

0,80

0,88

0,85

0,88

0,85

0,88

0,88

0,85

0,88

10,39

 

Thủy sản

3,11

3,11

0,00

3,11

3,11

3,11

3,11

3,11

0,00

0,00

0,00

3,11

24,85

2

Vùng trung sông Mã

7,22

7,42

9,19

20,75

25,47

22,95

23,68

18,03

20,88

20,88

20,20

11,85

208,52

 

Sinh hoạt

1,16

1,19

1,19

1,08

1,19

1,16

1,19

1,16

1,19

1,19

1,16

1,19

14,06

 

Công nghiệp

0,39

0,40

0,40

0,37

0,40

0,39

0,40

0,39

0,40

0,40

0,39

0,40

4,76

 

Trồng trọt

3,92

4,05

6,96

17,76

20,31

19,66

20,31

14,74

18,65

18,65

18,05

8,48

171,56

 

Chăn nuôi

0,61

0,63

0,63

0,57

0,63

0,61

0,63

0,61

0,63

0,63

0,61

0,63

7,38

 

Thủy sản

1,14

1,14

0,00

0,98

2,93

1,14

1,14

1,14

0,00

0,00

0,00

1,14

10,77

3

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

6,67

6,81

10,69

35,59

39,15

37,97

39,15

23,77

25,52

25,52

24,69

12,93

288,47

 

Sinh hoạt

1,26

1,30

1,30

1,17

1,30

1,26

1,30

1,26

1,30

1,30

1,26

1,30

15,31

 

Công nghiệp

1,46

1,51

1,51

1,37

1,51

1,46

1,51

1,46

1,51

1,51

1,46

1,51

17,81

 

Trồng trọt

1,21

1,25

7,51

30,34

33,59

32,50

33,59

18,30

22,33

22,33

21,61

7,37

231,92

 

Chăn nuôi

0,36

0,37

0,37

0,34

0,37

0,36

0,37

0,36

0,37

0,37

0,36

0,37

4,38

 

Thủy sản

2,38

2,38

0,00

2,38

2,38

2,38

2,38

2,38

0,00

0,00

0,00

2,38

19,05

4

Lưu vực sông Bưởi

11,99

12,33

12,49

23,73

38,61

29,74

30,67

22,50

25,47

25,47

24,65

17,78

275,43

 

Sinh hoạt

1,12

1,15

1,15

1,04

1,15

1,12

1,15

1,12

1,15

1,15

1,12

1,15

13,57

 

Công nghiệp

1,49

1,54

1,54

1,39

1,54

1,49

1,54

1,49

1,54

1,54

1,49

1,54

18,12

 

Trồng trọt

6,92

7,15

9,31

19,58

25,49

24,67

25,49

17,42

22,29

22,29

21,57

12,60

214,80

 

Chăn nuôi

0,47

0,49

0,49

0,44

0,49

0,47

0,49

0,47

0,49

0,49

0,47

0,49

5,72

 

Thủy sản

2,00

2,00

0,00

1,28

9,94

2,00

2,00

2,00

0,00

0,00

0,00

2,00

23,21

5

Vùng Bắc sông Mã

18,30

18,55

15,44

53,61

58,20

56,67

58,20

38,60

32,55

32,55

31,50

25,74

439,89

 

Sinh hoạt

2,23

2,30

2,30

2,08

2,30

2,23

2,30

2,23

2,30

2,30

2,23

2,30

27,09

 

Công nghiệp

4,12

4,26

4,26

3,85

4,26

4,12

4,26

4,12

4,26

4,26

4,12

4,26

50,15

 

Trồng trọt

0,76

0,79

8,46

36,52

40,43

39,13

40,43

21,06

25,57

25,57

24,74

7,98

271,45

 

Chăn nuôi

0,41

0,42

0,42

0,38

0,42

0,41

0,42

0,41

0,42

0,42

0,41

0,42

4,94

 

Thủy sản

10,78

10,78

0,00

10,78

10,78

10,78

10,78

10,78

0,00

0,00

0,00

10,78

86,26

6

Lưu vực sông Âm

1,21

1,24

1,70

4,63

5,09

4,94

5,09

3,48

3,84

3,84

3,72

2,08

40,86

 

Sinh hoạt

0,28

0,28

0,28

0,26

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

0,28

3,35

 

Công nghiệp

0,15

0,16

0,16

0,14

0,16

0,15

0,16

0,15

0,16

0,16

0,15

0,16

1,83

 

Trồng trọt

0,40

0,41

1,15

3,85

4,26

4,12

4,26

2,66

3,30

3,30

3,19

1,25

32,15

 

Chăn nuôi

0,10

0,11

0,11

0,10

0,11

0,10

0,11

0,10

0,11

0,11

0,10

0,11

1,24

 

Thủy sản

0,29

0,29

0,00

0,29

0,29

0,29

0,29

0,29

0,00

0,00

0,00

0,29

2,28

7

Vùng thượng sông Chu

2,03

2,08

2,98

9,22

10,13

9,83

10,13

6,24

6,60

6,60

6,38

3,58

75,81

 

Sinh hoạt

0,41

0,43

0,43

0,38

0,43

0,41

0,43

0,41

0,43

0,43

0,41

0,43

5,02

 

Công nghiệp

0,20

0,21

0,21

0,19

0,21

0,20

0,21

0,20

0,21

0,21

0,20

0,21

2,44

 

Trồng trọt

0,61

0,63

2,19

7,85

8,69

8,41

8,69

4,82

5,81

5,81

5,62

2,14

61,26

 

Chăn nuôi

0,15

0,16

0,16

0,14

0,16

0,15

0,16

0,15

0,16

0,16

0,15

0,16

1,84

 

Thủy sản

0,66

0,66

0,00

0,66

0,66

0,66

0,66

0,66

0,00

0,00

0,00

0,66

5,25

8

Vùng Nam sông Chu

4,75

4,86

6,99

21,34

23,47

22,76

23,47

14,09

14,70

14,70

14,23

8,15

173,51

 

Sinh hoạt

1,52

1,57

1,57

1,42

1,57

1,52

1,57

1,52

1,57

1,57

1,52

1,57

18,51

 

Công nghiệp

1,31

1,35

1,35

1,22

1,35

1,31

1,35

1,31

1,35

1,35

1,31

1,35

15,92

 

Trồng trọt

0,32

0,33

3,93

17,10

18,93

18,32

18,93

9,65

11,64

11,64

11,26

3,61

125,66

 

Chăn nuôi

0,14

0,14

0,14

0,13

0,14

0,14

0,14

0,14

0,14

0,14

0,14

0,14

1,65

 

Thủy sản

1,47

1,47

0,00

1,47

1,47

1,47

1,47

1,47

0,00

0,00

0,00

1,47

11,76

 

Phụ lục V

LƯỢNG NƯỚC TRỮ ĐỂ HÒA, PHÂN PHỐI CỦA CÁC HỒ CHỨA
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tiểu vùng quy hoạch

Dung tích trữ để hòa (triệu m3)[1]

Nguyên tắc điều hòa, phân phối

Từ

Đến

I

Dung tích trữ từ 85% đến 100%

1.127,0

1.325,9

 

1

Vùng trung sông Mã

115,3

135,7

- Phân phối hài hòa nước giữa các tháng trong cả mùa cạn.

- Thứ tự ưu tiên:

+ Cấp nước cho sinh hoạt;

+ Cấp nước cho ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao;

+ Cấp nước sản xuất cho nông nghiệp nếu có huy động;

+ Bảo đảm nước cho an ninh năng lượng nếu có yêu cầu.

2

Vùng thượng sông Chu

1.011,7

1.190,2

II

Dung tích trữ từ 50% đến 85%

663,0

1.127,0

 

1

Vùng trung sông Mã

67,8

115,3

- Phân phối hài hòa nước giữa các tháng trong cả mùa cạn.

- Thứ tự ưu tiên:

+ Cấp nước cho sinh hoạt;

+ Bảo đảm nước cho an ninh năng lượng nếu có yêu cầu;

+ Giảm lượng nước cấp cho nông nghiệp và các ngành sử dụng tiêu tốn nhiều nước.

2

Vùng thượng sông Chu

595,1

1.011,7

 

PHỤ LỤC VI

DÒNG CHẢY TỐI THIỂU
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên sông, suối

Chiều dài (km)

Vị trí quy định dòng chảy tối thiểu

Vị trí hành chính (xã, huyện, tỉnh)

Dòng chảy tối thiểu (m3/s)

I

Sông Mã

455

 

 

 

1

Đoạn sông Mã 1: từ biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

105

Ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

6,75

2

Đoạn sông Mã 2: ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Nậm Ty

30

Trước khi suối Nậm Ty nhập lưu vào sông Mã

Yên Hưng, Sông Mã, Sơn La

13,13

3

Đoạn sông Mã 3: từ sau nhập lưu với suối Nậm Ty đến biên giới Việt - Lào

55

Tại trạm thủy văn Xã Là

Chiềng Khương, Sông Mã, Sơn La

21,77

4

Đoạn sông Mã 4: từ biên giới Việt Lào - đến trước nhập lưu với sông Luồng

90

Trước khi sông Luồng nhập lưu vào sông Mã

Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa

(*)

5

Đoạn sông Mã 5: từ sau nhập lưu với sông Luồng đến trước nhập lưu với suối Nguồn

80

Trước suối Nguồn nhập lưu vào sông Mã

Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa

(*)

6

Đoạn sông Mã 6: từ sau nhập lưu với suối Nguồn đến trước nhập lưu với sông Bưởi

41

Trước sông Bưởi nhập lưu vào sông Mã

Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

(*)

7

Đoạn sông Mã 7: từ sau nhập lưu sông Bưởi đến trước nhập lưu với sông Chu

27

Trước sông Chu nhập lưu vào sông Mã

Hoằng Giang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

(*)

II

Nậm Hua

83

 

 

 

1

Đoạn Nậm Hua 1 từ biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

64

Ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

Búng Lao, Mường Ảng, Điện Biên

2,1

2

Đoạn Nậm Hua 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước nhập lưu với sông Mã

19

Trước khi nhập lưu với sông Mã

Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La

4,68

III

Nậm E

40

 

 

 

1

Đoạn Nậm E 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

35

Ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La

Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

0,3

2

Đoạn Nậm E 2: từ ranh giới tỉnh Điện Biên - Sơn La đến trước khi nhập vào Nậm Hua

5

Trước khi nhập lưu vào sông Nậm Hua

Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La

0,31

IV

Suối Quanh:

43

 

 

 

1

Đoạn suối Quanh 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

37

Ranh giới tỉnh Sơn La - Thanh Hóa

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

0,35

2

Đoạn suối Quanh 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với sông Mã

6

Trước khi nhập lưu với sông Mã

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

0,36

V

Suối Theo

30

 

 

 

1

Đoạn suối Theo 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

26

Ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La

Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La

0,2

2

Đoạn suối Theo 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Sơn La đến trước nhập lưu với suối Quanh

4

Trước khi nhập lưu với suối Quanh

Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa

0,21

VI

Sông Bưởi

143

 

 

 

1

Đoạn sông Bưởi 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa (trạm thủy văn Thạch Lâm)

70

Ranh giới tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

4,80

2

Đoạn sông Bưởi 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Mã

73

Trước khi nhập lưu với sông Mã

Ninh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

7,36

VII

Sông Ngang

20

 

 

 

1

Đoạn sông Ngang 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình

8

Ranh giới tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

0,32

2

Đoạn sông Ngang 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình đến trước nhập lưu với sông Bưởi

12

Trước khi nhập lưu với sông Bưởi

Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa

0,42

VIII

Sông Chu

159

 

 

 

1

Đoạn sông Chu 1: từ biên giới Việt Lào đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

56

Ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

Vạn Xuân, Quế Phong, Nghệ An

9,07

2

Đoạn sông Chu 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến hồ Cửa Đạt

26

Trước khi chảy vào hồ Cửa Đạt

Vạn Xuân, Thường Xuân, Thanh Hóa

(*)

3

Đoạn sông Chu 3: từ hồ Cửa Đạt đến đập Bái Thượng

19

Trạm thủy văn Cửa Đạt

Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hóa

(*)

4

Đoạn sông Chu 4: từ đập Bái Thượng đến trước nhập lưu sông Mã

58

Trạm thủy văn Xuân Khánh

Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa

25,00

IX

Nậm Khuê

23

 

 

 

1

Đoạn Nậm Khuê 1: từ thượng nguồn đến ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

5

Ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An

Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An

0,12

2

Đoạn Nậm Khuê 2: từ ranh giới tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đến trước nhập lưu với sông Chu

18

Trước khi nhập lưu với sông Chu

Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa

0,23

(*) Giá trị dòng chảy tối thiểu tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Mã tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ

 

PHỤ LỤC VII

NGUỒN NƯỚC DỰ PHÒNG CẤP NƯỚC CHO SINH HOẠT
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Khu vực cấp nước

Lượng nước dự phòng (triệu m3)

Nguồn nước dự phòng

Nước mặt/ Nước dưới đất

Vị trí nguồn nước

1

Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

3,56

Nước dưới đất

- Tầng chứa nước khe nứt các trầm tích lục nguyên Devon (d1);

- Tầng chứa nước khe nứt, khe nứt Karst các trầm tích Cacbonat (c-p).

2

Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

0,51

Nước dưới đất

- Tầng chứa nước khe nứt, khe nứt Karst các trầm tích Cacbonat (c-p).

3

Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

0,85

Nước dưới đất

- Tầng chứa nước khe nứt các trầm tích lục nguyên Trias (t1);

- Tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích Pleistocen (qp).

4

Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

0,4

Nước mặt

- Hồ Nậm Công 3;

- Hồ Nậm Cộng 4;

- Hồ Nậm Sọi.

 

Tổng cộng

5,32

 

 

 

PHỤ LỤC VIII

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH TIẾT, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, TRỮ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Công trình hồ chứa, đập dâng hiện có

TT

Tên công trình

Loại hình công trình

Vị trí (huyện, tỉnh)

Dung tích toàn bộ (triệu m3)

Công suất lắp máy (MW)

Nguồn nước khai thác

Mục đích khai thác chính

I

Vùng Thượng sông Mã

 

 

 

 

 

 

1

Hồ sông Mã 3

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

42,48

29,5

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia tiết dòng chảy

2

Hồ Mường Luân 1

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

1,236

10

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Mường Luân 2

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

2,088

10

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

4

Hồ Mường Hung

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

3,3

24

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

5

Hồ Mường Lầm

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

4,29

18

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

6

Hồ Bó Sinh

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

8,68

24

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

7

Hồ Nậm Công 3A

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

0,433

4,5

Suối Nậm Công

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

8

Hồ Nậm Công 5

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

0,35

4

Suối Nậm Công

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

9

Hồ Nậm Công

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

0,336

10

Suối Nậm Công

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

10

Hồ Nậm Công 3

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

0,534

8

Suối Nậm Công

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

11

Hồ Tà Cọ

Thủy điện

Sốp Cộp, Sơn La

1,73

30

Suối Nậm Công

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

12

Hồ Nậm Hóa 2

Thủy điện

Thuận Châu, Sơn La

4,309

8

Suối Nậm Hua

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

13

Hồ Nậm Hóa 1

Thủy điện

Thuận Châu, Sơn La

18,125

18

Suối Nậm Hua

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

14

Hồ Nậm Sọi

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

0,803

10

Suối Nậm Soi

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

15

Hồ Na Son

Thủy điện

TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên

0,12

3,2

Suối Lư

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

16

Hồ Ẳng Cang

Thủy lợi

Mường Ảng, Điện Biên

4,45

-

Suối Nậm Ẳng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

17

Hồ Nậm Ngám

Thủy lợi

Điện Biên Đông, Điện Biên

5,94

-

Suối Pú Húa, suối Dúa Di

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

II

Vùng Trung sông Mã

 

 

 

 

 

 

1

Hồ Bá Thước 1

Thủy điện

Bá Thước, Thanh Hóa

16,96

60

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Bá Thước 2

Thủy điện

Bá Thước, Thanh Hóa

44,18

80

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Cẩm Thủy 1

Thủy điện

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

14,836

28,8

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

4

Hồ Thành Sơn

Thủy điện

Dạ Vân, Thanh Hóa

4,82

30

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

5

Hồ Trung Sơn

Thủy điện

Quan Hóa, Thanh Hóa

348,5

260

Sông Mã

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

6

Hồ Xuân Minh

Thủy điện

Thường Xuân, Thanh Hóa

8,1

15

Sông Chu

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

7

Hồ Xuân Nha

Thủy điện

Vân Hồ, Sơn La

0,193

6

Suối Quanh

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

8

Hồ Trung Xuân

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

2,29

10,5

Sông Lò

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

9

Hồ Khả

Thủy lợi

Lạc Sơn, Hòa Bình

1,3

-

Suối Mùn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

10

Hồ Cha Lang

Thủy lợi

Mai Châu, Hòa Bình

0,68

-

Suối Sia

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

11

Hồ Ngõa (Lọng Sắng)

Thủy lợi

Mai Châu, Hòa Bình

0,5

-

Suối Ngõa, suối Sia

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

12

Hồ Eo Gió

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,6

-

Phụ lưu số 54, sông Mã

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

13

Hồ Tân Long

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,5

-

Phụ lưu số 55, sông Mã

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

14

Hồ Hai Dòng

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,62

-

Suối Nguồn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

15

Hồ Bai Bông

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,52

-

Suối Nguồn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

16

Hồ Vòng Đọ

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,63

-

Suối Nguồn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

17

Hồ Duồng Cốc

Thủy lợi

Bá Thước, Thanh Hóa

7,48

-

Suối Chiềng Cháng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

18

Hồ Pha Đay

Thủy lợi

Quan Hóa, Thanh Hóa

0,9

-

Suối Ngà

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

19

Hồ Vinh Quang

Thủy lợi

Quan Hóa, Thanh Hóa

0,87

-

Sông Hoàng Mai

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

III

Vùng Bắc sông Mã

 

 

 

 

 

 

1

Hồ Bến Quân

Thủy lợi

Hà Trung, Thanh Hóa

2,4

-

Sông Càn (Sông Tông)

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Vĩnh Liệt (Đồng Soài)

Thủy lợi

Hà Trung, Thanh Hóa

0,69

-

Phụ lưu cấp 1, sông Càn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Trạng Sơn

Thủy lợi

Hà Trung, Thanh Hóa

1,28

-

Sông Hoạt

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

4

Hồ Sun

Thủy lợi

Hà Trung, Thanh Hóa

0,9

-

Sông Lốn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

5

Hồ Cánh Chim

Thủy lợi

Bỉm Sơn, Thanh Hóa

1,31

-

Sông Tông

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

IV

Vùng Thượng sông Chu

 

 

 

 

 

 

1

Hồ Cửa Đạt

Thủy lợi kết hợp phát điện

Thường Xuân, Thanh Hóa

1450

Thủy điện Cửa Đạt: 97 Thủy điện Dốc Cáy: 15

Sông Chu

(1) Sinh hoạt; (2) Nông nghiệp; (3) Công nghiệp; (4) Du lịch, dịch vụ; (5) Phát điện; (6) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Đồng Văn

Thủy điện

Quế Phong, Nghệ An

5,2

28

Sông Chu

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Hủa Na

Thủy điện

Quế Phong, Nghệ An

569,35

180

Sông Chu

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

V

Vùng Nam sông Chu

 

 

 

 

 

 

1

Hồ, đập Bái Thượng

Thủy lợi kết hợp phát điện

Thọ Xuân, Thanh Hóa

7,6

6

Sông Chu

(1) Sinh hoạt; (2) Nông nghiệp; (3) Công nghiệp; (4) Du lịch, dịch vụ; (5) Phát điện; (6) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Đồng Trường

Thủy lợi

Thọ Xuân, Thanh Hóa

0,82

-

Sông Sào

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

VI

Vùng Nam sông Mã - Bắc sông Chu

 

 

 

 

 

 

1

Hồ Chòm Mọ

Thủy lợi

Thọ Xuân, Thanh Hóa

0,77

-

Sông Cầu Chày

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Ngọc Phú

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

0,58

-

Sông Cầu Chày

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Bồ Kết

Thủy lợi

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

0,53

-

Sông Cầu Chày

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

4

Hồ Thắng Long

Thủy lợi

Yên Định, Thanh Hóa

1,4

-

Phụ lưu cấp 1, sông Mã

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

5

Hồ Cống Khê

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

5,32

-

Suối Ba Nhõn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

6

Hồ Bai Manh

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

1,07

-

Sông Bào

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

7

Hồ Bai Lim

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

0,76

-

Sông Bào

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

8

Hồ Bai Sơn

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

1

-

Sông Bào

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

9

Hồ Bai Ao

Thủy lợi

Ngọc Lặc, Thanh Hóa

0,61

-

Sông Bố

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

10

Hồ Đồng Cần

Thủy lợi

Như Xuân, Thanh Hóa

2,85

-

Sông Giang

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

VII

Lưu vực sông Âm

 

 

 

 

 

 

1

Hồ Trí Năng

Thủy điện

Lang Chánh, Thanh Hóa

0,59

5,4

Suối Hối

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Lý Ải

Thủy lợi

Lang Chánh, Thanh Hóa

0,72

-

Suối Cảy, sông Âm

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

VIII

Lưu vực sông Bưởi

 

 

 

 

 

 

1

Hồ suối Mu

Thủy điện

Lạc Sơn, Hoà Bình

0,011

9

Suối Mu

(1) Phát điện; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2

Hồ Hón Chè

Thủy lợi

Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

1,25

-

Sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

3

Hồ Hón Giáng

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

0,81

-

Sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

4

Hồ Xuân Lũng

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

3,26

-

Phụ lưu cấp 1, sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

5

Hồ Bằng Lợi

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

0,86

-

Phụ lưu cấp 1, sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

6

Hồ Cóm 1

Thủy lợi

Tân Lạc, Hòa Bình

1,27

-

Suối Biêng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

7

Hồ Cánh Tạng

Thủy lợi

Lạc Sơn, Hòa Bình

90,494

-

Sông Cái, phụ lưu cấp 1 của sông Bưởi

(1) Sinh hoạt; (2) Nông nghiệp; (3) Công nghiệp; (4) Tham gia điều tiết dòng chảy

8

Hồ Đăng

Thủy lợi

Lạc Sơn, Hòa Bình

1

-

Suối Chăng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

9

Hồ Khang Trào

Thủy lợi

Lạc Sơn, Hòa Bình

2,2

-

Suối Ốc

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

10

Hồ Bông Canh

Thủy lợi

Tân Lạc, Hòa Bình

0,7

-

Suối Môn

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

11

Hồ Nà Tậng

Thủy lợi

Tân Lạc, Hòa Bình

0,5

-

Sông Cầu Đầm

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

12

Hồ Khạ Nang

Thủy lợi

Lạc sơn, Hòa Bình

0,57

-

Suối Liên Vũ

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

13

Hồ Vín Thượng

Thủy lợi

Lạc Sơn, Hòa Bình

0,72

-

Suối Vàng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

14

Hồ Xôm

Thủy lợi

Tân Lạc, Hòa Bình

0,55

-

Ngòi Lạt

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

15

Hồ Trọng

Thủy lợi

Tân Lạc, Hòa Bình

4,21

-

Sông Trọng

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

16

Hồ Đồng Ngư

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

9,81

-

Phụ lưu số 1, phụ lưu số 8, sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

17

Hồ Bỉnh Công

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

3,54

-

Suối Minh Công, Phụ lưu số 1, sông Tang

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

18

Hồ Vũng Sú

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

2,32

-

Phụ lưu số 1, sông Tang

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

19

Hồ Tây Trác

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

4,15

-

Phụ lưu số 8, sông Bưởi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

20

Hồ Đồng Múc

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

1,81

-

Suối Cỏi

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

21

Hồ Đồng Phú

Thủy lợi

Thạch Thành, Thanh Hóa

0,68

-

Sông Tông

(1) Nông nghiệp; (2) Tham gia điều tiết dòng chảy

2. Công trình hồ chứa, đập dâng quy hoạch

TT

Tên công trình

Loại hình công trình

Vị trí (huyện, tỉnh)

Dung tích toàn bộ (triệu m3)

Công suất lắp máy (MW)

Mục đích khai thác chính

1

Hồ Chiềng Sơ 2

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

-

16

Phát điện

2

Hồ Na Phát

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

-

6

Phát điện

3

Hồ Suối Lư

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

-

7

Phát điện

4

Hồ sông Mã 1

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

-

14

Phát điện

5

Hồ sông Mã 2

Thủy điện

Điện Biên Đông, Điện Biên

-

21

Phát điện

6

Hồ Nậm Ty

Thủy điện

Sông Mã, Sơn La

-

6

Phát điện

7

Hồ Hồi Xuân

Thủy điện

Quan Hóa, Thanh Hóa

-

102

Phát điện

8

Hồ thủy điện Cẩm Hoàng

Thủy điện

Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thanh Hóa

-

16

Phát điện

9

Hồ Xuân Khao

Thủy điện

Thường Xuân, Thanh Hóa

-

7,5

Phát điện

10

Hồ Sơn Lư

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

-

7

Phát điện

11

Hồ Tam Thanh

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

-

7

Phát điện

12

Hồ Bản Khả

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

-

7

Phát điện

13

Hồ Mường Mìn

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

-

13

Phát điện

14

Hồ Sơn Điện

Thủy điện

Quan Sơn, Thanh Hóa

-

13

Phát điện

15

Hồ Nam Động 1

Thủy điện

Quan Hóa, Thanh Hóa

-

12

Phát điện

16

Hồ Nam Động 2

Thủy điện

Quan Hóa, Thanh Hóa

-

12

Phát điện

17

Hồ Sông Âm

Thủy điện

Lang Chánh, Thanh Hóa

-

14

Phát điện

18

Hồ Tén Tằn

Thủy điện

Mường Lát, Thanh Hóa

-

12

Phát điện

19

Hồ Cẩm Thủy 2

Thủy điện

Cẩm Thủy, Thanh Hóa

-

38

Phát điện

 



[1] Dung tích trữ để điều hòa, phân phối được tính từ mực nước chết đến mực nước đầu mùa cạn của hồ quy định tại Phụ lục III kèm theo Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 20/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/01/2024
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản