Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/2007/QĐ -UBND

Đồng Xoài, ngày 04 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ VÀ ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC DO PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 06 năm 1994 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02/04/2002;
Căn cứ Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 6 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2006/CT-UBND ngày 13/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc quản lý Nhà nước về lao động;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 184/TTr-LĐTBXH ngày 02/4/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động phối hợp liên ngành về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện đúng nội dung Quy chế tổ chức và hoạt động phối hợp liên ngành về giải quyết các tranh chấp lao động tập thể và đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ VÀ ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC DO PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vị điều chỉnh

Quy chế này quy định tổ chức, hoạt động và trách nhiệm phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng về thực hiện công tác giải quyết các vụ việc có phát sinh tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (gọi tắt là tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật) trên địa bàn tỉnh.

Các tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp có hội đồng hoà giải cơ sở hoặc ở các huyện, thị xã có hoà giải viên lao động và các cuộc đình công phát sinh theo đúng quy định của pháp luật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này được áp dụng trong việc phối hợp giải quyết các vụ việc có phát sinh tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quy định về tiếng nói, chữ viết dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật và đại diện được ủy quyền.

1. Tiếng nói, chữ viết dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật là tiếng Việt.

2. Các đương sự là người nước ngoài có quyền sử dụng phiên dịch khi làm việc để biểu hiện nội dung tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

3. Các đương sự có thể ủy quyền bằng văn bản cho đại diện của mình để tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công và chịu trách nhiệm về sự ủy quyền đó theo quy định của pháp luật.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Điều 4. Cơ cấu tổ chức phối hợp liên ngành

1. Khi có xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật thì Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội kịp thời tổ chức phối hợp liên ngành tỉnh để thực hiện giải quyết vụ việc. Thành phần phối hợp liên ngành tỉnh khi thực hiện giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Tổ trưởng, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh - Tổ phó; các cơ quan: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh mỗi cơ quan cử ít nhất một cán bộ chuyên môn tham gia. Các thành viên tham gia hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Mời đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia cùng Tổ công tác liên ngành giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

3. Các thành viên khi tham gia phối hợp liên ngành giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung công tác theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.

Điều 5. Hoạt động của tổ công tác liên ngành

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời các vụ việc có phát sinh tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh.

2. Tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật trên địa bàn tỉnh theo định kỳ 6 tháng và cả năm. Các vụ việc phát sinh có nhiều dư luận, các cơ quan Báo, Đài quan tâm thì phải báo cáo ngay cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, giải quyết cụ thể.

Điều 6. Nhiệm vụ của Tổ trưởng

1. Tổ chức và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thanh viên khi tham gia thực hiện giải quyết những vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Chương III của Quy chế này.

3. Chịu trách nhiệm điều hành hoạt động phối hợp liên ngành khi thực hiện công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật và tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Điều 7. Nhiệm vụ của Tổ phó

1. Giúp Tổ trưởng điều hành hoạt động phối hợp liên ngành khi thực hiện công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật được Tổ trưởng phân công hoặc ủy quyền và báo cáo kết quả thực hiện cho Tổ trưởng.

2. Giúp Tổ trưởng chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên khi tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật.

3. Đề xuất kế hoạch giải quyết khi có phát sinh tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ của các thành viên khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Chỉ thị số 24/2006/CT-UBND ngày 13/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phân công của Tổ trưởng, Tổ phó; báo cáo và đề xuất phương án giải quyết với Tổ trưởng, Tổ phó; đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết.

Điều 9. Nguyên tắc hoạt động

Các thành viên khi tham gia phối hợp liên ngành về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Điều 10. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí phục vụ cho hoạt động phối hợp liên ngành giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật do ngân sách tỉnh cấp bổ sung hàng năm ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị, để mua sắm trang thiết bị phục vụ như: máy quay Camera, máy ghi âm, loa tay…; văn phòng phẩm; xăng xe; hỗ trợ tiền ăn cán bộ công chức trực tiếp tham gia….

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, là cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí phục vụ cho hoạt động phối hợp liên ngành giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật, trình UBND cấp mình xem xét giải quyết.

3. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã có trách nhiệm cấp phát, theo dõi và hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí này đúng theo quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG PHÁP LUẬT

Điều 11. Trách nhiệm giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công không đúng pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.

1. Khi có tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật xảy ra tại doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý, thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã (đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp) hoặc Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp) nơi xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật có trách nhiệm chủ trì và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc cấp mình quản lý kịp thời đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự và giải quyết vụ việc; đồng thời, báo cáo tình hình và kết quả giải quyết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Trường hợp, vụ việc giải quyết không thành thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã báo cáo kịp thời với lãnh đạo UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, giải quyết cụ thể.

2. Các vụ việc tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài) hoặc có diễn biến phức tạp như: có dấu hiệu bị các thế lực thù địch, kẻ xấu kích động, lôi kéo, ép buộc. Có biệu hiện quá khích: đập phá tài sản doanh nghiệp, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ… thì chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng đến ngay hiện trường ổn định tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Quy chế này để phối hợp giải quyết.

Điều 12. Trách nhiệm các ngành, các cơ quan có liên quan khi tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật.

1. Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật trên địa bàn quản lý thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp) hoặc Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp) có trách nhiệm chủ trì và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp mình kịp thời giải quyết; yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp đơn kiến nghị và các yêu sách, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung tranh chấp; tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra phương án giải quyết; cử cán bộ tổng hợp và lập biên bản giải quyết vụ tranh chấp lao động hoặc đình công.

2. Ngành lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu công nghiệp, có nhiệm vụ giúp UBND các cấp kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp liên quan đến nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật; kết luận vụ việc đúng, sai và đề xuất hướng sử lý các vi phạm theo đúng pháp luật.

3. Ngoài việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật, cơ quan Công đoàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền làm việc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và gặp gỡ, tiếp xúc với người lao động để nắm bắt tình hình kiến nghị, yêu sách của người lao động; giải thích động viên người lao động ổn định, trật tự; tìm hiểu nguyên nhân, mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động hoặc đình công.

4. Cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự khi có xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật; có biện pháp xử lý kịp thời đúng pháp luật đối với những đối tượng có hành vi kích động, xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia tranh chấp lao động hoặc đình công không đúng pháp luật; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong và sau khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật.

Điều 13. Trình tự giải quyết khi có xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng quy định pháp luật.

1. Khi nhận được thông tin có xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật tại doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý, thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã nơi xảy ra vụ việc có trách nhiệm cử tổ công tác liên ngành cấp mình, đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự và ngăn chặn có hiệu quả đối với những đối tượng quá khích để kích động, lôi kéo cuộc tranh chấp lao động tập thể trở thành đình công hoặc phòng ngừa những đối tượng quá khích, phần tử xấu lợi dụng đình công kích động, lôi kéo, xúi giục công nhân đâp phá tài sản của doanh nghiệp hoặc gây mất ổn định an ninh chính trị; tổ chức giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Quy chế này, đồng thời thông báo cho Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh biết để tham gia phối hợp giải quyết đối với các vụ việc xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

2. Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đối tượng có hành vi biểu hiện quá khích, đập phá tài sản doanh nghiệp, bắt giữ người trái phép và chống người thi hành công vụ thì chủ tịch Chủ tịch UBND huyện, thị xã nơi xảy ra vụ việc kịp thời cử tổ công tác liên ngành cấp mình đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự và phòng ngừa những đối tượng quá khích, phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, xúi giục công nhân đâp phá tài sản của doanh nghiệp hoặc lợi dụng gây mất ổn định an ninh chính trị; đồng thời nhanh chóng thông báo cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh hoặc Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh để tham gia phối hợp giải quyết.

3. Các cơ quan chức năng khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật, có trách nhiệm:

- Đến hiện trường tiếp cận với chủ doanh nghiệp và công nhân, để nắm bắt tình hình, diễn biến, thu thập chứng cứ có liên quan; tham gia ổn định trật tự, ngăn chặn việc quá khích, có biện pháp xử lý nhanh, không để lan tỏa vụ việc đến các khu vực lân cận; tìm hiểu và ghi nhận những kiến nghị, yêu cầu của tập thể người lao động; làm việc với Chủ doanh nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân và quá trình dẫn tới tranh chấp, đình công; kiểm tra cơ sở, doanh nghiệp về việc thực hiện các chế độ quy định của pháp luật lao động đối với người lao động như tiền lương, tiền công, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, BHXH, BHYT …

- Thống nhất đánh giá kết quả vụ việc và việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp; sau đó kết luận doanh nghiệp thực hiện như vậy đúng hay sai, đề xuất hướng xử lý vi phạm và đưa ra phương án giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng pháp luật trên cơ sở quy định của pháp luật lao động, yêu cầu Chủ doanh nghiệp nêu hướng khắc phục những vi phạm, thời gian và biện pháp giải quyết cụ thể theo từng nội dung kiến nghị, yêu cầu chính đáng, hợp pháp của tập thể người lao động.

- Yêu cầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc tập thể lao động cử đại diện tham dự cuộc họp để cùng trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động về hướng giải quyết từng nội dung kiến nghị, yêu cầu theo phương án giải quyết của các ngành chức năng. Kết quả trao đổi, thương lượng đều phải được lập thành biên bản gửi cho các thành viên dự họp theo dõi. Nếu một trong các bên không đồng ý theo phương án giải quyết của liên ngành thì hướng dẫn bên không đồng ý khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền xem xét giải quyết.

- Tổ chức họp thông báo cho bên tranh chấp biết kết quả đã thương lượng, thời gian và hướng giải quyết; giải thích rõ kiến nghị, yêu cầu không phù hợp với pháp luật lao động để các bên tranh chấp cùng thực hiện.

- Trường hợp vụ việc phức tạp vượt quá thẩm quyền giải quyết, phải báo cáo ngay với UBND tỉnh để có hướng giải quyết.

4. UBND các huyện, thị, Ban quản lý các Khu công nghiệp nơi có xảy ra tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình kết quả giải quyết từng vụ việc lập báo cáo gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục theo dõi doanh nghiệp tổ chức thực hiện các nội dung đã thống nhất trong biên bản giải quyết.

Điều 14. Trách nhiệm các cơ quan sau khi giải quyết tranh chấp lao động hoặc đình công không đúng quy định pháp luật.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân huyện, thị xã chỉ đạo Phòng nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị chức năng, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, tổ chức kiểm tra việc thực hiện những cam kết trong biên bản giải quyết. Trường hợp chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm Luật Lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tập thể người lao động, thì báo cáo ngay về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức thanh tra đột xuất và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục theo dõi hành vi của những phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục người lao động đình công, lãn công để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

3. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công đoàn các cấp phổ biến để người lao động hiểu rõ các chính sách lao động, động viên họ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND các huyện, thị xã, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.