- 1Quyết định 13/2006/QĐ-BXD ban hành TCXDVN 361:2006 "Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế" do Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hành
- 2Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 3Thông tư 67/2003/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ do Bộ Tài chính ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1999/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 19 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QH11, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ, về quản lý đầu tư xây dựng các công trình;
Căn cứ Quyết định số 2321/QĐ-CT, ngày 18/7/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh hóa đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 2539/QĐ-CT ngày 08/8/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh hóa đến năm 2010, định hướng tới năm 2020;
Xét tờ trình số 199/TM/KHTH, ngày 23/6/2006 của Giám đốc Sở Thương mại về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa tại văn bản số 704/KHĐT-CNDV, ngày 03 tháng 7 năm 2006 về việc thẩm định “Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” với nội dung như sau:
I. Tên đề án: Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
II. Chủ đầu tư: Sở Thương mại Thanh Hóa
III. Cấp quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
IV. Hình thức quản lý và thực hiện dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý và thực hiện đề án.
V. Mục tiêu của đề án:
- Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển thương mại, quy hoạch phát triển dân cư, đô thị, quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch khác của tỉnh thời kỳ 2006-2010, hướng tới năm 2020.
- Quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đáp ứng nhu cầu mua bán của dân cư tại mỗi khu vực cụ thể, đảm bảo tính liên kết theo hệ thống, liên kết giữa các chợ trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện mở rộng lưu thông hàng hóa, duy trì và phát huy các phong tục, tập quán văn hóa lành mạnh, gắn với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, hiện đại và văn minh thương mại, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến 2010, hướng tới năm 2020.
- Quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong đầu tư, quản lý hoạt động chợ, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò to lớn của chợ trong nền kinh tế thị trường; đồng thời làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư phát triển mạng lưới chợ cho từng huyện, thị xã, thành phố.
VI. Nội dung của dự án
A. Thực trạng phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2005
1. Thực trạng mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2005
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 02 chợ loại I ( chợ Vườn Hoa thành phố Thanh Hóa và chợ Trung tâm thị xã Bỉm Sơn ), 20 chợ loại II, 368 chợ loại III; ngoài ra còn có 23 chợ cóc và tụ điểm buôn bán không có vị trí đất.
Tổng diện tích đất chiếm của các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 1.200.401 m2, diện tích xây dựng là 219.189 m2, chiếm 18,3% tổng diện tích đất chợ. Một chợ phục vụ bình quân 9.350 người.
- Khu vực thành phố và hai thị xã: hiện có 25 chợ, gồm 2 chợ loại I, 4 chợ loại II và 19 chợ loại III. Diện tích chiếm đất 114.617 m2, trong đó diện tích xây dựng 51.471 m2; Có 4 chợ kiên cố, 12 chợ bán kiên cố và 9 chợ tạm. Bình quân một chợ có diện tích 4.585 m2, vốn đầu tư 2.196 triệu đồng. Tổng số hộ kinh doanh trong các chợ có 5.576 hộ. Bình quân một chợ phục vụ 12.350 người. Bình quân 0,83 chợ/xã, phường, bình quân diện tích lãnh thổ 5,71 Km2 có một chợ.
- Khu vực đồng bằng ven biển: gồm 13 huyện đồng bằng ven biển, hiện có 268 chợ với 12 chợ loại II và 256 chợ loại III. Diện tích chiếm đất 842.752 m2, trong đó diện tích xây dựng 138.457 m2; Có 12 chợ kiên cố, 154 chợ bán kiên cố và 102 chợ tạm. Bình quân một chợ có diện tích 3.145 m2, vốn đầu tư 248,8 triệu đồng. Tổng số hộ kinh doanh trong các chợ có 49.035 hộ. Bình quân một chợ phục vụ 9.150 người. Bình quân 0,66 chợ/xã, phường, bình quân diện tích lãnh thổ 11,17 Km2 có một chợ.
- Khu vực miền núi: Khu vực 11 huyện miền núi hiện có 97 chợ với 4 chợ loại II và 93 chợ loại III. Diện tích chiếm đất 243.032 m2, trong đó diện tích xây dựng 29.261 m2; Có 4 chợ kiên cố, 56 chợ bán kiên cố và 37 chợ tạm. Bình quân một chợ có diện tích 2.505 m2, vốn đầu tư 262,2 triệu đồng. Tổng số hộ kinh doanh trong các chợ có 18.494 hộ, trong đó kinh doanh thường xuyên là 4.904 hộ, không thường xuyên là 13.590 hộ. Bình quân một chợ phục vụ 9.140 người. Bình quân 0,5 chợ/xã, phường, bình quân diện tích lãnh thổ 82,28 Km2 có một chợ.
2- Những hạn chế tồn tại và nguyên nhân.
Do sự hình thành và phát triển chợ phần lớn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch nên mạng lưới chợ còn nhiều bất hợp lý, phân bố không đều, còn nhiều chợ cóc, tụ điểm buôn bán không có vị trí đất, chợ tạm, hiệu quả hoạt động của chợ chưa cao. Do thiếu vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp nên nhiều chợ có cơ sở vật chất thấp kém, chưa có hệ thống phòng chống cháy, nổ, xử lý rác, nước thải … diện tích và quy mô xây dựng nhiều chợ chưa phù hợp với hiện tại và xu hướng phát triển những năm tới. Việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp một số chợ hiệu quả đầu tư còn thấp, một số chợ được đầu tư khá tốn kém nhưng không phù hợp với yêu cầu mua bán, truyền thống, tập quán của từng địa bàn dân cư, thậm chí có chợ không có người họp, gây lãng phí vốn đầu tư.
Công tác quản lý Nhà nước về chợ còn nhiều thiếu sót, đôi lúc chưa có sự thống nhất giữa cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Việc phân cấp quản lý chưa cụ thể, bộ máy quản lý chợ còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý chợ chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, hoạt động kinh doanh của thương nhân trong chợ còn nhiều sai phạm.
Đa số các chợ chưa xây dựng được nội quy, chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý, tổ quản lý chưa được quy định cụ thể, thiếu chặt chẽ; quyền hạn, trách nhiệm chưa rõ ràng, chưa khuyến khích được sự năng động và gắn bó được trách nhiệm lâu dài của người quản lý với sự phát triển chợ.
B- Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
1. Quan điểm quy hoạch
- Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phải được tiến hành một cách đồng bộ; theo quy mô, tính chất, chức năng của từng loại chợ, vị trí của từng chợ phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố hình thành chợ. Cấu trúc, quy mô từng loại chợ phải phù hợp với yêu cầu hiện tại, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí; đồng thời phải dự kiến đến việc nâng cấp, mở rộng để phù hợp với yêu cầu phát triển trong tương lai.
- Phát triển và khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ với sự đa dạng về loại hình và cấp độ. Phát triển hệ thống chợ của tỉnh phải đảm bảo gắn kết giữa hệ thống chợ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm các chợ mới, liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại …Ưu tiên phát triển các chợ: chợ chuyên doanh nông lâm thủy sản, gia súc; chợ đầu mối, chợ trung tâm cụm xã, chợ trung tâm loại I, các chợ biên giới, chợ thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu. Phát triển nhiều chợ loại III để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã, miền núi, vùng sâu, vùng xa, để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và kinh doanh dịch vụ, xây dựng văn minh thương mại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và giải quyết ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự....
- Đối với các chợ có vị trí không phù hợp, vi phạm lộ giới giao thông các địa phương phải có kế hoạch di dời, giải tỏa; đối với một số chợ đã xây dựng xong nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả cần xem xét lại các yếu tố hình thành chợ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực chợ, áp dụng các hình thức giảm thu, nhằm khuyến khích các đối tượng vào họp chợ.
- Khuyến khích các doanh nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ hoặc góp vốn đầu tư xây dựng chợ để kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đối với chợ đầu mối, chợ chuyên doanh.
- Đổi mới phương thức hoạt động, hình thành các mô hình tổ chức quản lý mới quản lý ở tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội.
2. Phương hướng phát triển
2.1- Giai đoạn 1: từ năm 2006 - 2010
- Xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, nông lâm sản, thủy sản và trâu bò tại Yên Định, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, thành phố Thanh Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Sầm Sơn theo mô hình mới; chợ chuyên doanh nông sản, lâm sản, thủy hải sản và gia súc tại các địa bàn sản xuất có tính hàng hóa cao, số lượng lớn và một số chợ loại 3 tại cụm dân cư mới và tại các xã chưa có chợ nhưng có nhu cầu họp chợ.
- Tập trung cải tạo và nâng cấp một số chợ đã xác định được vị trí ổn định; về cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các chợ trung tâm huyện, thị xã; giải tỏa hết số chợ cóc gây mất trật tự, ô nhiễm vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
- Di chuyển vị trí các chợ theo quy hoạch.
- Chuyển đổi dần mô hình quản lý theo xu hướng doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo việc quản lý, khai thác tích lũy cho đầu tư, nâng cấp, xây dựng chợ. Cơ bản hoàn thành việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ với trình độ và hình thức đào tạo phù hợp.
2.2- Giai đoạn 2: từ năm 2011 - 2020
- Xây dựng mới các chợ còn lại theo quy hoạch.
- Cải tạo, nâng cấp các chợ còn lại nằm trong quy hoạch, theo hướng kiên cố hóa, từng bước hiện đại hóa, về cơ bản không còn chợ tạm thời, chợ tranh, tre, nứa lá.
- Các chợ trong quy hoạch có bộ máy quản lý phù hợp, chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và quản lý chợ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chợ, đưa hoạt động của chợ vào trật tự, nề nếp.
3. Quy hoạch mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
Quy hoạch đến năm 2010 toàn tỉnh có 473 chợ và đến năm 2020 có 640 chợ, trong đó có 15 chợ loại 1; 48 chợ loại II, còn lại 577 chợ là loại III. Như vậy, bình quân xã, phường có một chợ; mỗi chợ phục vụ 6.543 người, trung bình 17,37 km2 diện tích đất tự nhiên có 1 chợ. Cụ thể quy hoạch như sau:
- Xây dựng mới 255 chợ tại các cụm dân cư phát triển, các xã, phường, trong đó 5 chợ loại I; 3 chợ loại II và 247 chợ loại III.
- Di dời 39 chợ trong đó có 2 chợ loại I; 4 chợ loại II và 33 chợ loại III.
- Nâng cấp 29 chợ, trong đó 6 chợ đạt tiêu chuẩn loại I; 23 chợ đạt tiêu chuẩn loại II.
- Mở rộng 124 chợ loại III.
- Cải tạo và sửa chữa 193 chợ, trong đó có 2 chợ loại I (chợ Vườn Hoa - thành phố Thanh Hóa và chợ trung tâm thị xã Bỉm Sơn); 17 chợ loại II và 174 chợ loại III tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện các hạng mục công trình còn thiếu, cải tạo cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Xóa bỏ 23 chợ cóc và tất cả các tụ điểm mua bán tự phát, gây mất trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
4. Quy hoạch mạng lưới chợ theo địa bàn các huyện, thị xã, thành phố
(có biểu cụ thể kèm theo)
5. Quy hoạch theo chức năng hoạt động
- Chợ đầu mối: Quy hoạch 6 chợ đầu mối, gồm:
Chợ đầu mối nông sản phía Tây thành phố Thanh Hóa; chợ đầu mối nông sản, gia súc, đại gia súc tại xã Định Long, huyện Yên Định; chợ đầu mối nông, lâm sản tại thị trấn huyện Ngọc Lặc; chợ đầu mối thủy, hải sản tại các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn.
- Chợ chuyên doanh: Quy hoạch 6 chợ chuyên doanh gồm: 1 chợ chuyên doanh nông sản tại huyện Tĩnh Gia; 1 chợ chuyên doanh Lâm sản tại thành phố Thanh Hóa; 3 chợ chuyên doanh thủy, hải sản tại huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 1 chợ chuyên doanh trâu bò tại Thọ Xuân. Thí điểm xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống sạch ở Thành phố Thanh Hóa.
- Chợ đầu mối bán buôn phát luồng: chợ Vườn Hoa là chợ buôn bán phát luồng lớn nhất tỉnh. Đến 2010 chợ ở các trung tâm huyện, đô thị cũng sẽ trở thành chợ buôn bán phát luồng cho các chợ xã nhưng ở vị trí thứ yếu (26 chợ).
- Chợ Biên giới, cửa khẩu: chợ Bát Mọt huyện Thường Xuân, chợ cửa khẩu Na Mèo, chợ Tam Thanh huyện Quan Sơn và chợ biên giới cửa khẩu Tén Tần huyện Mường Lát.
6- Mô hình các loại chợ khi thực hiện quy hoạch
- Chợ loại I: diện tích 10.000m2 trở lên, xây dựng công trình từ cấp 2 đến cấp 1, có trên 400 điểm kinh doanh trở lên.
- Chợ loại II: diện tích 5.000m2 đến dưới 10.000m2, xây dựng công trình từ cấp 3 đến cấp 2, có từ 200-400 điểm kinh doanh.
- Chợ loại III: diện tích 2.000m2 đến dưới 5.000m2, xây dựng công trình từ cấp 4 đến cấp 3, có dưới 200 điểm kinh doanh.
Riêng các chợ thuộc xã khu vực 3 và khu vực 2 vùng miền núi cao, nông thôn vùng sâu, vùng xa khu vực đặc biệt khó khăn tùy thuộc vào địa điểm cụ thể để tính toán diện tích phù hợp với đặc điểm tình hình của khu vực.
7- Tổng nhu cầu và nguồn vốn đầu tư
Tổng số vốn đầu tư theo quy hoạch là 686.012 triệu đồng, trong đó: xây dựng mới 293.550 triệu đồng; di dời 94.440 triệu đồng; nâng cấp 133.570 triệu đồng; mở rộng các chợ 74.400 triệu đồng; cải tạo 90.052 triệu đồng
Nguồn vốn thực hiện quy hoạch chợ: được huy động từ vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để đầu tư cơ sở hạ tầng.
C- Các chính sách giải pháp và tổ chức thực hiện
1- Các chính sách và giải pháp thực hiện
1.1- Các chính sách chủ yếu:
- Chính sách đầu tư.
- Chính sách về tài chính tín dụng.
- Chính sách về đất đai.
1.2- Các Giải pháp
- Giải pháp sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển chợ
- Giải pháp huy động, khai thác nguồn lực để đầu tư xây dựng chợ
- Giải pháp phát triển thương nhân.
- Giải pháp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý chợ.
- Giải pháp về tăng cường công tác tổ chức và quản lý chợ.
- Giải pháp phát triển hệ thống chợ kết hợp với các loại hình thương mại khác.
2. Tổ chức thực hiện
Giao sở Thương mại nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống chợ đã được phê duyệt, sắp xếp, xây dựng và cải tạo lại các chợ theo đúng yêu cầu và kế hoạch:
- Đối với các chợ cần di chuyển: Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thị xã, thành phố để lập kế hoạch giải tỏa, chuẩn bị sẵn sàng địa điểm mới để thực hiện việc di chuyển trước năm 2010.
- Đối với chợ trong diện nâng cấp, cải tạo: Xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo đối với từng loại chợ trên địa bàn. Bảo đảm các quy trình phân cấp quản lý xây dựng cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, thiết kế công trình, lập dự án thi công xây dựng, ổn định quản lý các hoạt động trong chợ.
- Đối với chợ cóc, tụ điểm buôn bán trong diện phải xóa bỏ: Lập kế hoạch xóa bỏ, tránh gây xáo động cho các hộ kinh doanh trong chợ; Nghiên cứu việc bố trí các hộ đến các địa điểm mới kinh doanh một cách phù hợp.
- Đối với các chợ xây dựng mới trong quy hoạch: Xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm từng bước xác định rõ vị trí, khuôn viên chợ, thời hạn xây dựng và hoạt động của chợ trong tương lai để cơ quan quản lý các cấp có trách nhiệm dành quỹ đất cho xây dựng chợ, lập dự án theo quy định, công bố phương án cụ thể đối với từng chợ.
3. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành
1.3. Sở Thương mại
- Giao cho Sở Thương mại là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện quy hoạch.
- Chủ trì phối hợp tham gia cùng các sở Kế hoạch & Đầu tư, sở Tài chính giúp UBND tỉnh trong việc phân bổ, giao và theo dõi thực hiện vốn đầu tư hàng năm hỗ trợ phát triển hệ thống chợ.
- Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để tổ chức quản lý chợ theo quy định của pháp luật, xây dựng các cơ chế chính sách về đầu tư phát triển chợ, quản lý khai thác chợ, thu hút đầu tư, thu hút thương nhân tham gia kinh doanh, khai thác chợ, trình UBND tỉnh quyết định.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng mô hình quản lý chợ phù hợp với từng loại hình, từng địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt; Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý chợ cho cán bộ làm công tác quản lý chợ
- Tham mưu giúp UBND tỉnh, lập các dự án đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý chợ loại I, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đầu tư xây dựng phát triển chợ trên địa bàn đúng quy hoạch; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai nội quy mẫu của chợ đã được UBND tỉnh ban hành trên địa bàn toàn tỉnh.
Chỉ đạo và phối hợp với phòng Công thương, phòng Tài chính - kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chính sách về tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
Thường trực Ban quản lý chương trình phát triển chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Hàng năm lập kế hoạch báo cáo các Bộ ngành Trung ương ghi kế hoạch vốn đầu tư các chợ đầu mối đã được phê duyệt trong quy hoạch.
- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư các chợ đầu mối, nâng cấp, cải tạo các chợ loại I của thị trấn, thị xã và thành phố. Căn cứ vào khả năng nguồn vốn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí vốn đầu tư cho các chợ đầu mối.
- Cùng các ngành trong ban chỉ đạo chợ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đầu tư xây dựng và quản lý chợ
3. Sở Tài chính
Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thông tư số 67/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế tài chính cho Ban quản lý chợ và doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ. Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các quy định khung giá hay mức phí cho thuê hoặc bán điểm kinh doanh có thời hạn kinh doanh trên chợ cũng như các quy định khác về tổ chức các dịch vụ có thu trên chợ theo hướng tăng cường tính chủ động cho các doanh nghiệp chợ và góp phần phát triển hoạt động kinh doanh trên chợ.
Phối hợp với các ngành trên cơ sở kế hoạch phát triển chợ hàng năm để xây dựng và trình HĐND, UBND kế hoạch vốn Ngân sách xây dựng chợ hàng năm.
4. Sở Giao thông vận tải
Lập kế hoạch khảo sát, thiết kế và đề xuất đầu tư xây dựng đối với các trục giao thông nối liền các cụm thương mại với tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chính, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của địa phương. Đồng thời, tiến hành quy hoạch và khảo sát thiết kế các tuyến giao thông gắn liền với chợ đảm bảo sự lưu thông thuận tiện cho người và hàng hóa qua chợ, nhất là đối với chợ mới xây dựng.
5. Sở Xây dựng: Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD, ngày 19/4/2006 về việc ban hành TCXDVN 361: 2006 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án đầu tư, trình UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn chi tiết các quy định và trình tự thực hiện dự án xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng chợ phù hợp với yêu cầu của các quy định về xây dựng cơ bản; chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở kế hoạch phát triển chợ hàng năm, thực hiện việc quy hoạch mặt bằng chợ, khu dân cư xung quanh chợ, định vị cắm mốc, xác định quỹ đất để tránh tình trạng khi xây dựng chợ, phát triển chợ gặp nhiều vướng mắc.
6. Sở Tài nguyên môi trường
Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cho triển khai đo đạc, xác định địa điểm các công trình chợ, đặc biệt đối với chợ mở rộng, chợ sẽ được xây dựng mới; Hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh môi trường chợ.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Chủ động đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp, di dời, xây mới chợ ở địa phương mình với Ban quản lý chương trình phát triển chợ tỉnh Thanh hóa và Sở Thương mại. Phố hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, thẩm định phê duyệt đưa vào kế hoạch hàng năm, triển khai thực hiện xây dựng phát triển chợ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Chỉ đạo phòng Công thương, phòng Tài chính - kế hoạch tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật, quyền hạn và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh trong chợ được quy định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 về phát triển và quản lý chợ của Chính phủ; hướng dẫn Ban quản lý chợ xây dựng nội quy chợ trên cơ sở nội quy mẫu về chợ của UBND tỉnh ban hành.
VII. Kinh phí thực hiện đề án quy hoạch
Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tập trung ( vốn thiết kế quy hoạch hàng năm).
Điều 2. Giao cho sở Thương Mại chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc quản lý, đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo mạng lưới chợ theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Thương mại, Thủ trưởng các ngành chức năng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu tránh nhiệm thi hành quyết này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 3870/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Bình Dương đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 3Quyết định 877/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2020
- 1Quyết định 13/2006/QĐ-BXD ban hành TCXDVN 361:2006 "Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế" do Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hành
- 2Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 3Thông tư 67/2003/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ do Bộ Tài chính ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Luật xây dựng 2003
- 6Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 7Quyết định 3870/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 8Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Bình Dương đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
- 9Quyết định 877/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2020
- 10Quyết định 2321/QĐ-CT năm 2003 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010
Quyết định 1999/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 1999/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/07/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Chu Phạm Ngọc Hiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/07/2006
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết