Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2321/QĐ-CT

Thanh Hoá, ngày 18 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2010.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND công bố ngày 05/7/1994.

- Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ - CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ - CP ngày 05/5/2000 và nghị định số 07/2003/NĐ - CP ngày 30/1/2003 về việc sửa đổi, bổ xung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo nghị định số 52/1999/NĐ - CP.

- Căn cứ quyết định số 24/QĐ - TTg ngày 01/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt " Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010 ".

- Căn cứ quyết định số 407/QĐ - UB ngày 12/02/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Thanh Hoá đến thời kỳ 2001 - 2010.

- Căn cứ văn bản số 142 TM/KHTH ngày 18/4/ 2003 của Sở Thương mại Thanh Hóa xin phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010.

- Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá tại Tờ trình 654 QH/KHĐT ngày 05/6/2003 về việc xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010; với các nội dung chính sau:

1- Tên dự án:

Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010.

2- Chủ dự án:

Sở Thương mại tỉnh Thanh Hoá.

3- Mục tiêu dự án:

- Phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá từ nay đến năm 2010, nhằm thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt, làm cho thương mại thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Xây dựng nền thương mại lành mạnh, kinh doanh theo đúng pháp luật, thực hiện văn minh thương mại, giữ gìn cảnh quan môi trường và hình thành văn hoá thương mại mới, từng bước tiến lên hiện đại hoá theo định hướng XHCN.

- Phát triển thương mại góp phần tăng tích luỹ cho ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập của người kinh doanh và cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4- Nội dung quy hoạch:

4.1- Định hướng phát triển:

- Phát triển thị trường nội địa, hoà nhập thị trường khu vực và thế giới, mở rộng thị trường cả ở thành thị và nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, phát huy các lợi thế so sánh của tỉnh làm cho lưu thông thực sự là đòn bẩy thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển thương mại với nhiều thành phần kinh tế, đa dạng loại hình, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Huy động được các nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành đáp ứng được yêu cầu kinh doanh trong tình hình mới.

 - Đổi mới các doanh nghiệp thương mại Nhà nước nhằm đảm bảo tốt vai trò chủ đạo trên một số khu vực, lĩnh vực ngành hàng quan trọng.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường để mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực; hướng nhập khẩu vào phục vụ ngày càng tốt cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, vừa bảo hộ sản xuất trong nước, vừa tạo ra thế cạnh tranh thúc đẩy kinh tế phát triển.

- Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

4.2- Mục tiêu phát triển:

- Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội:

+ Thời kỳ 2001 - 2005: 11,2%/năm.

+ Thời kỳ 2006 - 2010: 11%/năm.

Mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xã hội bình quân đầu người năm 2005 đạt: 1,74 Triệu đồng; năm 2010: 2,78 triệu đồng.

- Tốc độ tăng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán buôn:

+ Thời kỳ 2001 - 2005: 12,5%/năm.

+ Thời kỳ 2005 - 2010: 11,5%/năm.

- Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm:

+ Thời kỳ 2001 - 2005: 34,1%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2005 đạt 160 triệu USD.

+ Thời kỳ 2006 - 2010: 13,4 %/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 300 triệu USD.

- Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu bình quân hàng năm:

+ Thời kỳ 2001 - 2005: 27,3%/năm. Giá trị nhập khẩu đến năm 2005 đạt 100 triệu USD.

+ Thời kỳ 2006 - 2010: 11,2 %/năm. Giá trị nhập khẩu đến năm 2010 đạt 170 triệu USD. ( Chưa tính đến giá trị nhập khẩu của một số dự án lớn trên địa bàn, như: Lọc hoá dầu, đóng sữa tàu thuyền, dây chuyền hai xi măng Nghi Sơn... ).

- GDP thương mại của tỉnh năm 2005 đạt 1.575 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng GDP toàn tỉnh; Năm 2010: 2.800 tỷ đồng, chiếm 9,5% tỷ trọng GDP toàn tỉnh.

4.3- Quy hoạch không gian thị trường:

4.3.1- Tổ chức không gian thị trường:

Xây dựng Thành phố Thanh Hoá là Trung tâm thương mại của tỉnh; lâu dài đô thị Nghi Sơn sẽ là Trung tâm thương mại lớn.

Xây dựng 4 Khu thương mại tập trung khu vực là: Bỉm Sơn - Thạch Thành, Nghi Sơn - Tĩnh Gia; Lam Sơn - Thọ Xuân, Phố Cống - Ngọc Lặc.

Các huyện lỵ, thị trấn là cụm thương mại của huyện, vùng. Tại các thị tứ, cụm dân cư tập trung và các trung tâm cụm xã sẽ hình thành các tụ điểm thương mại. Đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh sẽ có 9 khu thương mại tập trung, 38 cụm thương mại và 69 tụ điểm thương mại ( Chi tiết có phụ biểu kèm theo ).

Hình thành hệ thống thương mại phát triển theo tuyến. Các khu thương mại tập trung, cụm thương mại, tụ điểm thương mại liên kết với nhau theo chiều Bắc Nam ( QL 1A, đường Hồ Chí Minh, QL 10, QL 45... ); chiều Đông Tây ( QL 217, QL 47, đường ngang nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh... ).

- Hệ thống cửa khẩu: Cảng Nghi Sơn là thương cảng quốc tế, cảng Lễ Môn là cảng quốc gia, các cửa khẩu Na Mèo, Tén Tần, Bát Mọt, Tam Chung, Tam Thanh thành các cửa khẩu quốc gia, quốc tế.

4.3.2- Tổ chức kinh doanh thương mại:

+ Thương mại nhà nước.

+ Hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

+ Thương mại tư nhân.

4.3.3- Mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật:

a- Trung tâm thương mại, siêu thị.

- Đến năm 2005, toàn tỉnh có 9 siêu thị và năm 2010 toàn tỉnh sẽ có 36 siêu thị , trong đó: Thành phố Thanh Hoá 10 siêu thị; tại các thị trấn, huyện lỵ và một số điểm đô thị được quy hoạch loại IV, loại V sẽ xây dựng mỗi điểm một siêu thị.

b- Hệ thống cửa hàng ( Bách hoá, xăng dầu ).

- Cửa hàng bách hoá.

Sắp xếp, nâng cấp hệ thống cửa hàng, điểm bán hiện có, đầu tư xây dựng mới một số cửa hàng kinh doanh tổng hợp quy mô phù hợp.

 + Khu vực thành phố, thị xã xây dựng cải tạo, nâng cấp 4.200 cửa hàng kinh doanh có quy mô lớn ( Diện tích kinh doanh từ 200 - 300 m2 ) đến năm 2010.

+ ở các huyện lỵ, thị trấn xây dựng, cải tạo và nâng cấp khoảng 1.500 cửa hàng quy mô vừa ( Diện tích kinh doanh 100 - 150 m2 ).

+ Tại các Trung tâm cụm xã, thị tứ khoảng 1.520 cửa hàng quy mô nhỏ ( Diện tích kinh doanh 60 - 100 m2 ).

- Hệ thống xăng dầu.

+ Xây dựng kho gắn với cảng xăng dầu ở khu vực Nghi Sơn, Lễ Môn và một cụm kho trên bộ ở khu vực phía bắc của tỉnh làm đầu mối tiếp nhận và phân phối xăng dầu cho nhu cầu trên địa bàn.

+ Đến năm 2005, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng, cải tạo và nâng cấp 30 cửa hàng. Giai đoạn 2006 - 2010 xây mới 30 cửa hàng.

c- Hệ thống kho.

- Đến năm 2005 xây dựng hệ thống kho tập trung ( Khu đô thị Lam Sơn, khu đô thị Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, KCN Lễ Môn - Thành phố Thanh Hoá ) với diện tích chiếm đất khoảng 50.000 m2 trong đó diện tích kho thông thường và kho chuyên dùng là 30.000 m2, diện tích còn lại là đường đi, bãi đỗ xe, bãi chứa hàng hoá.

- Giai đoạn 2006 - 2010 xây dựng hệ thống kho tâp trung tại các thành phố, thị xã, khu công nghiệp trong tỉnh ( Đồng Tâm - Bá Thước, đô thị Lam Sơn, đô thị Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ... ) với diện tích chiếm đất khoảng 70.000 m2; trong đó kho thông thường và chuyên dùng là 50.000 m2.

d- Hệ thống chợ.

- Đến năm 2005 toàn tỉnh có 400 chợ và năm 2010 là 450 chợ trong đó: Thành phố Thanh Hoá có một chợ tỉnh, ở 4 khu vực công nghiệp tập trung và các huyện, thị xã sẽ xây dựng mỗi địa bàn một chợ do UBND huyện, thị xã quản lý. Xây dựng các chợ đầu mối trên biển, các vùng nông nghiệp tập trung, miền núi...

e- Các cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

- Đến năm 2005, xây dựng các lò giết mổ tâp trung với các thiết bị tương đối hiện đại tại các khu vực:

- Tại Thành phố Thanh Hoá xây dựng 3 lò giết mổ tập trung tại Phường Phú Sơn, Đông Sơn, Đông Vệ.

- Tại thị xã Bỉm Sơn và thị xã Sầm Sơn mỗi nơi xây dựng một lò giết mổ.

- ở 13 huyện đồng bằng và 7 huyện miền núi ( Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Bá Thước, Quan Hoá ) mỗi huyện xây dựng một lò mổ tại khu vực thị trấn.

- Đến 2010 xây dựng thêm 26 lò mổ.

4.3.4- Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu, rau quả xuất khẩu, may mặc, giày dép.

- Cải tạo và xây dựng mới hệ thống các chợ. Năm 2005 toàn tỉnh có 400 chợ, vốn đầu tư ước tính 150 tỷ đồng. Năm 2010 có 450 chợ, vốn đầu tư ước tính 270 tỷ đồng.

- Xây dựng Trung tâm thương mại số 1 và số 2 tại Thành phố Thanh Hoá; các Trung tâm thương mại tại thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn, KCN Nghi Sơn, Lam Sơn, thị trấn Tĩnh Gia.

- Xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh tổng hợp của thương mại Nhà nước, HTX thương mại dịch vụ ở các trung tâm cụm xã miền núi theo chương trình 135.

- Xây dựng hệ thống kho thương mại tại cảng Nghi Sơn; cải tạo nâng cấp hệ thống kho trung chuyển ở các ga xe lửa, cảng sông biển và các kho chuyên dùng ở thành phố Thanh Hoá; xây dựng kho trung chuyển hàng hoá ở khu vực Ngọc Lặc để phục vụ các huyện miền núi.

- Xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở Thành phố Thanh Hoá và các khu công nghiệp.

- Phát triển thương mại điện tử.

5- Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

- Phát triển thị trường.

- Nâng cao năng lực của các thành phần kinh tế kinh doanh thương mại.

- Phát triển nguồn nhân lực.

- Tổ chức thông tin và xúc tiến thương mại.

- Tạo các vùng sản xuất hàng hoá tập trung và hệ thống sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.

- Huy động vốn kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất ngành thương mại.

6- Tổ chức chỉ đạo thực hiện:

Giao cho Sở Thương mại chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành chức năng, các huyện, thị, Thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch thương mại thông qua việc: Thông báo rộng rãi quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh đã được phê duyệt; Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, tổ chức xây dựng các quy hoạch chi tiết ngành hàng; triển khai xây dựng các dự án phát triển ngành... nhằm thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Điều 2: - Sở Thương mại tỉnh Thanh Hoá phải có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

- Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, Thành phố căn cứ chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ Sở Thương mại trong quá trình thực hiện quy hoạch, trong đó phải chú ý bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển thương mại với quy hoạch phát triển các vùng, lĩnh vực và ngành kinh tế, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh.

Điều 3: Giao cho Giám đốc Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành có liên quan cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, Thành phố triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4.
- TT Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh.
- CT, các PCT UBND tỉnh.
- Các Sở, ban ngành trong tỉnh.
- Các tổ chức đoàn thể trong tỉnh.
- Lưu VP.
- Thn 2003355 Quy hoạch Phát triển thương mại tỉnh đến năm 2010.

KT/CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thế Bắc