Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1922/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÂN CẤP, XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC DUY TU, BẢO DƯỠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải" với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM

1. Mục tiêu của Đề án

1.1. Đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải theo định hướng phân cấp rõ ràng; tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu, bảo dưỡng công trình, quản lý tới từng địa bàn, công trình.

1.2. Phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các công việc vĩ mô. Phân cấp cơ quan quản lý nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm sử dụng hiệu quả, kịp thời, thống nhất nguồn vốn duy tu, bảo trì công trình, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng hải. Đồng thời đổi mới phương thức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán và hợp đồng thực hiện.

1.3. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, xã hội hóa, phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để làm cơ sở lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.

1.4. Tăng nguồn lực thực hiện bảo trì công trình hàng hải từ xã hội hóa, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước; triệt để phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến luồng hàng hải trên nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

1.5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong các lĩnh vực quản lý duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2. Quan điểm xây dựng Đề án

2.1. Quán triệt chủ trương đổi mới toàn diện công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

2.2. Việc thực hiện phân cấp, xã hội hóa có lộ trình phù hợp để bảo đảm khả năng tài chính và tính ổn định, liên tục trong việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải, bảo đảm chất lượng công trình và sử dụng an toàn, thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2.3. Kế thừa và phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của các nước tiên tiến vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập và phát triển.

2.4. Sử dụng tối đa và hiệu quả lực lượng, cơ sở vật chất và các nguồn lực hiện có nhằm hạn chế tăng thêm biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật.

2.5. Công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2.6. Tách bạch giữa quản lý nhà nước với các công việc duy tu, bảo dưỡng giao tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch hoặc hợp đồng thực hiện dự án, thi công công trình.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Phân cấp quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

1.1. Nguyên tắc chung:

a) Khuyến khích xã hội hóa thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ, ngành, địa phương quản lý thì Bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo phân cấp về quản lý tài sản và nguồn vốn bảo trì hàng năm phù hợp với quy định của pháp luật.

1.2. Phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

a) Bộ Giao thông vận tải là cơ quan phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm bằng ngân sách nhà nước; phê duyệt kế hoạch xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải; chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

b) Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý; thực hiện lập, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm, kế hoạch xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận; tổ chức thực hiện và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, quản lý chất lượng kết cấu hạ tầng hàng hải trong quá trình duy tu, bảo dưỡng theo quy định.

c) Các cơ quan, tổ chức có liên quan tới quản lý, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải như Cảng vụ Hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Công ty Hoa tiêu Hàng hải, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các nhà đầu tư, tư vấn… có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo nhiệm vụ, kế hoạch hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu hoặc các hình thức giao thực hiện duy tu, bảo dưỡng phù hợp khác.

2. Thực hiện xã hội hóa quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

2.1. Đối với kết cấu hạ tầng cảng biển:

- Các cảng biển được Nhà nước đầu tư xây dựng và giao vốn, tài sản cho doanh nghiệp: tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa; việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển thực hiện.

- Các cảng biển do Nhà nước đầu tư xây dựng và cho thuê quản lý khai thác: tiếp tục thực hiện triệt để theo hình thức xã hội hóa; việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp thuê kinh doanh khai thác thực hiện theo hợp đồng thuê.

2.2. Đối với kết cấu hạ tầng đê, kè biển và các công trình phụ trợ khác: Tăng cường việc thực hiện theo hình thức xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng đối với đê, kè biển và các công trình phụ trợ khác theo hướng khoán gọn hoặc hợp đồng bảo dưỡng, bảo trì dài hạn hoặc kết hợp với trách nhiệm của tổ chức thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển hoặc các hình thức xã hội hóa phù hợp khác.

2.3. Đối với luồng hàng hải và khu nước, vùng nước thuộc vùng nước cảng biển:

a) Đối với các luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương quản lý: tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa; công tác duy tu, bảo dưỡng do doanh nghiệp quản lý, khai thác thực hiện hoặc thuê một đơn vị có năng lực thực hiện.

b) Đối với công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

- Ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa, thực hiện nạo vét, duy tu tất cả các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư.

- Trên cơ sở kết quả xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải Lệ Môn, Cửa Hội - Bến Thủy, Ba Ngòi, Thuận An, Cửa Gianh... và quy định của pháp luật có liên quan, Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

- Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bao gồm một số nội dung sau:

+ Miễn giảm thủ tục đối với công tác nạo vét duy tu toàn bộ các tuyến luồng hàng hải như sau:

. Không lập dự án đầu tư xây dựng, chỉ tiến hành lập bản vẽ thiết kế thi công và dự toán công trình;

. Không thực hiện bảo hành công trình;

. Thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu và thực hiện giám sát môi trường trong những lần nạo vét duy tu tiếp theo theo báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu đã được phê duyệt, trừ trường hợp thay đổi vị trí đổ đất.

+ Về lựa chọn nhà thầu thi công:

. Áp dụng phương thức chỉ định thầu rút gọn đối với tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

. Áp dụng phương thức đấu thầu với giá gói thầu khoán gọn đối với tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải bảo đảm chuẩn tắc thiết kế.

. Các tuyến luồng hàng hải khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu (đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo quy định).

- Phương thức thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải sử dụng ngân sách nhà nước:

+ Trước mắt, tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 119/2010/TT-BTC ngày 10/8/2010 của Bộ Tài chính. Căn cứ dự toán hàng năm được Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Hàng hải Việt Nam ký hợp đồng nạo vét duy tu luồng hàng hải với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Các Tổng công ty thực hiện các thủ tục theo quy định để tiến hành duy tu, nạo vét luồng. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiệm thu, thanh toán và đưa công trình vào sử dụng.

+ Sau khi Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các văn bản thay thế thì thực hiện theo cơ chế mới. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện xây dựng văn bản phân giao nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải.

c) Khuyến khích kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP đối với các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xem xét hình thức thực hiện cụ thể cần cân nhắc tính toán kỹ nguồn vốn hoàn trả và các điều khoản, cam kết khác trong Hợp đồng thực hiện BOT, BTO, BT, PPP, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đầu tư cấp bách của Nhà nước và xã hội hóa nguồn vốn của nhà đầu tư.

2.4. Đối với công tác quản lý vận hành hệ thống các đèn biển, luồng hàng hải công cộng thực hiện từ nguồn thu phí bảo đảm an toàn hàng hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện nay: Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao kinh phí hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, thực hiện giao kế hoạch cho các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tiến hành duy tu, bảo dưỡng và giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện. Từng bước nghiên cứu cổ phần hóa, sắp xếp hợp lý đơn vị thực hiện theo Đề án phát triển Bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.

2.5. Đối với kết cấu hạ tầng hệ thống đài thông tin duyên hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 81/2010/TT-BTC ngày 31/5/2010 của Bộ Tài chính: Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao kinh phí hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, tiến hành đặt hàng cho Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thực hiện duy tu, bảo dưỡng, giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện theo hợp đồng đã ký.

2.6. Đối với kết cấu hạ tầng tìm kiếm cứu nạn hàng hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện nay: Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện giao dự toán và giám sát việc thực hiện.

2.7. Đối với hệ thống hỗ trợ hàng hải (VTS):

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế: Cục Hàng hải Việt Nam lập kế hoạch bảo trì trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ kế hoạch bảo trì đã được phê duyệt và quyết định giao dự toán để tổ chức thực hiện bảo trì và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

3.1. Trên cơ sở Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cụ thể về bảo trì công trình hàng hải để có cơ sở thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thường xuyên, định kỳ, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, trong đó, tập trung yêu cầu chủ sở hữu phải có quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì công trình hàng hải đúng thời gian, mức độ để bảo đảm chất lượng công trình hàng hải.

3.2. Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá chất lượng, yêu cầu bảo trì, kiểm định định kỳ để đề xuất ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện bảo trì theo đúng quy định của pháp luật.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

4.1. Có kế hoạch đào tạo với tầm nhìn dài hạn cho các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý và thực hiện công tác duy tu, bảo trì công trình hàng hải.

4.2. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước, các hội thảo, hội nghị để nâng cao năng lực, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về quản lý và thực hiện công tác duy tu, bảo trì công trình hàng hải.

4.3. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hàng hải.

5. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

5.1. Phân cấp rõ ràng nhiệm vụ thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải cho các cơ quan, đơn vị; giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý nguồn vốn thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

5.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

6. Giải pháp thực hiện

6.1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách:

- Tăng cường vai trò quản lý, bảo trì của Bộ Giao thông vận tải đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng cũng như kết cấu hạ tầng hàng hải chuyên dùng.

- Ưu tiên tập trung duy tu, bảo dưỡng các kết cấu hạ tầng hàng hải trọng điểm, quan trọng đạt chuẩn tắc thiết kế; đối với kết cấu hạ tầng hàng hải khác thực hiện duy tu, bảo dưỡng bảo đảm chất lượng công trình phù hợp với yêu cầu khai thác.

- Đối với công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải có thể thực hiện xã hội hóa (như công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét; duy tu, bảo dưỡng đê biển…), thì ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa theo hình thức phù hợp như khoán gọn, nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, BOT, BT, BTO, PPP hoặc doanh nghiệp ứng trước kinh phí để thực hiện và được hoàn trả từng phần từ thu phí hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính để bù đắp chi phí hoặc thực hiện đấu thầu rộng rãi.

- Đối với các tuyến luồng hàng hải trọng điểm như luồng Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu - Thị Vải thì công tác nạo vét duy tu luồng cần thí điểm phương thức đấu thầu khoán gọn kinh phí nạo vét bảo đảm chuẩn tắc thiết kế thường xuyên. Theo hình thức này nhà thầu sẽ bảo đảm chuẩn tắc thiết kế của luồng hàng hải cho cả năm với kinh phí khoán gọn cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, tuyệt đối không điều chỉnh khối lượng và kinh phí thực hiện. Việc triển khai thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

- Thực hiện đặt hàng duy tu, bảo dưỡng đối với kết cấu hạ tầng hàng hải cho các đơn vị đang trực tiếp thực hiện quản lý vận hành.

- Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án về quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này.

- Xây dựng văn bản quy định quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng và quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương, công an, biên phòng cửa khẩu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

6.2. Nhóm giải pháp về nguồn vốn:

Thực hiện thí điểm đấu thầu khoán gọn kinh phí, thực hiện việc nạo vét duy tu luồng theo hình thức tận thu để bù kinh phí hoặc đấu thầu thực hiện theo chuẩn tắc thiết kế tùy theo luồng hàng hải hoặc đê, kè biển.

Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo hình thức tận thu hoặc ứng trước kinh phí để thực hiện và được hoàn trả từng phần từ nguồn thu phí hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.

6.3. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực:

Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, thiết kế, chế tạo và sản xuất báo hiệu hàng hải.

6.4. Nhóm giải pháp tuyên truyền, phổ biến thực hiện:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thông qua website của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam.

- Yêu cầu các Báo, Tạp chí chuyên ngành giao thông vận tải, hàng hải tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải và lập các chuyên đề liên quan để trao đổi, thảo luận, góp ý.

6.5. Nhóm các giải pháp khác:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý làm cơ sở tăng cường bảo đảm an toàn hàng hải.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu, năng lượng và có chi phí hợp lý đối với công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

7. Nhiệm vụ cần thực hiện

7.1. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đề án, văn bản quản lý trong phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

7.2. Rà soát, kiện toàn, đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải đáp ứng yêu cầu đề ra. Phân định và tổ chức thực hiện hiệu quả, hợp lý luồng hàng hải và đường thủy nội địa.

7.3. Phân cấp đơn vị thực hiện và cơ quan quản lý nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm sử dụng hiệu quả, kịp thời, thống nhất nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành hàng hải.

7.4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực quản lý, điều hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải. Từng bước xây dựng các trung tâm quản lý, khai thác và điều khiển giao thông hàng hải (VTS, AIS…) theo lộ trình; đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong công tác kiểm tra, quản lý duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng hải.

7.5. Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm, trung hạn và dài hạn đã được phê duyệt.

8. Kinh phí thực hiện Đề án

8.1. Kinh phí thực hiện Đề án theo dự toán duyệt trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án, kinh phí nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, lập kế hoạch bảo trì hàng năm, thanh tra, kiểm tra và các công việc thực hiện Đề án khác khoảng 8,46 tỷ đồng. Kinh phí này chưa bao gồm các dự án và công việc khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

8.2. Nguồn vốn thực hiện Đề án từ các nguồn sau đây:

a) Nguồn thu phí cảng vụ của ngân sách nhà nước tính theo tỷ lệ quy định trên tổng số thu phí cảng vụ phát sinh hàng năm.

b) Nguồn chênh lệch thu, chi phải nộp ngân sách nhà nước phát sinh từ phí hoa tiêu tại các Công ty hoa tiêu hàng hải theo cơ chế tài chính hiện hành áp dụng đối với các Công ty hoa tiêu hàng hải.

c) Tỷ lệ % trên tổng số thu phí bảo đảm hàng hải của ngân sách nhà nước hàng năm.

d) Tỷ lệ % trên tổng số thu phí cầu, bến phát sinh tại các cảng biển được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (các cảng biển chưa áp dụng hình thức cho thuê quản lý khai thác).

đ) Nguồn thu cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển đối với các cảng đã được Nhà nước thực hiện cho thuê khai thác.

e) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

g) Nguồn tài chính của các tổ chức quốc tế và trong nước khác hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải của ngành Hàng hải.

h) Các nguồn tài chính khác theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, Cục Hàng hải Việt Nam và tổ chức có liên quan, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt thực hiện quan điểm, mục tiêu và các nội dung quy định tại Quyết định này.

2. Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các dự án theo hình thức đối tác công - tư, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học - công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông và tổ chức liên quan chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Phụ lục của Quyết định này.

3. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Trung tâm CNTT;
- Website Bộ GTVT;
- Báo GTVT, Tạp chí HHVN;
- Lưu: VT, KCHT (05 bản).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

ĐỀ ÁN

PHÂN CẤP, XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC DUY TU, BẢO DƯỠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI
(Đã được phê duyệt tại Quyết định số: 1922 /QĐ-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Phần 1.

MỞ ĐẦU

I. Sự cần thiết phải xây dựng đề án phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

1. Khái quát chung

Đất nước ta với trên 3260 km bờ biển cùng với khoảng 1 triệu km2 mặt biển và thềm lục địa, có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển kinh tế biển. Trong những năm vừa qua, ngành kinh tế biển đã có vai trò khá lớn trong việc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, thủy sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc, 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản và 1/260 của thế giới.

Với tiềm năng đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW đã coi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách phát triển đất nước trong tình hình mới. Điều này đã được cụ thể hóa bằng Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng khóa 10. Mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế biển đến năm 2020 là kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 53 - 55% tổng GDP của cả nước, kinh tế hàng hải đứng thứ 2 và vươn lên thứ nhất sau năm 2020. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, vai trò của việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải là đặc biệt quan trọng. Cùng với phát triển hệ thống cầu bến cảng, trang thiết bị xếp dỡ nhằm nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam, việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải là việc rất quan trọng, cấp thiết nhằm đảm bảo chuẩn tắc theo thiết kế đã được phê duyệt của dự án, đáp ứng được nhu cầu phát triển của các khu vực cảng biển trong phạm vi cả nước.

Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 của nước ta đã xác định “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông, cảng biển…” là một khâu đột phá. Hội nghị lần Thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Những chủ trương trên thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có kết cấu hạ tầng hàng hải và công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua ngành Hàng hải đã được quan tâm đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì đạt hiệu quả. Hiện nay, một bộ phận của kết cấu hạ tầng hàng hải không chỉ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về bốc xếp, bảo quản, tiếp chuyển hàng hóa đi/đến cảng phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong nước mà còn có vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của các vùng miền, địa phương ven biển và cả nước; là cơ sở để vươn ra biển xa, phát triển kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các ngành kinh tế biển; đồng thời góp phần đắc lực vào việc củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia trên các khu vực biển đảo.

Hàng năm, công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải đòi hỏi phải được tổ chức kịp thời, đúng tiến độ, đủ nguồn vốn để bảo đảm chất lượng công trình. Chỉ riêng việc duy trì đảm bảo độ sâu thiết kế cho các tuyến luồng hàng hải cần hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, nạo vét nhưng Nhà nước chỉ có thể bố trí ngân sách khoảng 500 tỷ đồng duy tu nạo vét 7-10 tuyến luồng trọng điểm, các bến cảng, cầu cảng khác ít được bố trí kinh phí bảo trì hàng năm, các tuyến luồng khác vẫn phải tận dụng thủy triều trong tiếp nhận tàu vào cảng, hệ thống công trình phụ trợ thiếu đồng bộ và phần lớn đã xuống cấp.

Trong những năm qua Nhà nước đã cho phép tiến hành xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải như: cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển Cái Lân, Vũng Áng (chuẩn bị cho thuê bến cảng Thị Vải, An Thới, Chùa Vẽ, Lạch Huyện...), thực hiện nạo vét tận thu sản phẩm nhiều tuyến luồng, khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão như: Lệ Môn, Sông Lam, Ba Ngòi, Cửa Gianh… và đang kêu gọi thực hiện theo hình thức tận thu, BOT, BT, PPP các tuyến khác. Quá trình thực hiện bước đầu phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu khai thác, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

2. Sự cần thiết phải xây dựng đề án phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, đó là:

- Hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải chưa đồng bộ với quy mô, công suất cầu bến, chưa đáp ứng yêu cầu hàng hải cho các tàu lớn ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do công tác duy tu, bảo dưỡng chưa thường xuyên, kịp thời, vướng các quy định hiện hành, phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, khí tượng thủy hải văn… chưa theo kịp nhu cầu phát triển của ngành và công tác duy tu, bảo đảm chuẩn tắc thiết kế ban đầu chưa liên tục dẫn đến kết cấu hạ tầng hàng hải, đặc biệt sau khi nạo vét, duy tu đưa vào khai thác nhanh bị bồi lấp.

- Quy định về quản lý, duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải chưa đáp ứng thường xuyên kịp thời trong quá trình thực hiện; tiêu chuẩn và định mức trong bảo trì còn chưa cập nhật kịp thực tế đòi hỏi.

- Vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng chưa tương xứng với nhu cầu duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hiện nay.

- Công tác xã hội hóa tuy đã được thực hiện nhưng còn manh mún, chưa có các quy định cụ thể, chưa chủ động lập kế hoạch, có các biện pháp khuyến khích và tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện… nên hiệu quả chưa cao.

- Việc phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng hàng hải tuy đã có quy định nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, phát sinh sự chồng chéo giữa các cấp và chưa tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước và nhằm phát huy những lợi ích, hiệu quả đã đạt được, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải đồng bộ, hiện đại, rất cần thiết phải tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án phân cấp xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm tập trung huy động các nguồn lực của xã hội trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì, duy tu nạo vét cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ có liên quan.

II. Căn cứ xây dựng Đề án phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

- Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng khóa 10 (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007).

- Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

- Các Luật và văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan;

- Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường biển đến năm 2020, định hướng đến 2030;

- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030;

- Các văn bản khác có liên quan.

III. Quan điểm và mục tiêu của đề án

1. Mục tiêu của Đề án

1.1. Đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải theo định hướng phân cấp rõ ràng; tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu, bảo dưỡng công trình, quản lý tới từng địa bàn, công trình.

1.2. Phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các công việc vĩ mô. Phân cấp cơ quan quản lý nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm sử dụng hiệu quả, kịp thời, thống nhất nguồn vốn duy tu, bảo trì công trình, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng hải. Đồng thời đổi mới phương thức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán và hợp đồng thực hiện.

1.3. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, xã hội hóa, phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để làm cơ sở lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.

1.4. Tăng nguồn lực thực hiện bảo trì công trình hàng hải từ xã hội hóa, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước; triệt để phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến luồng hàng hải trên nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

1.5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong các lĩnh vực quản lý duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2. Quan điểm xây dựng Đề án

2.1. Quán triệt chủ trương đổi mới toàn diện công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

2.2. Việc thực hiện phân cấp, xã hội hóa có lộ trình phù hợp để bảo đảm khả năng tài chính và tính ổn định, liên tục trong việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải, bảo đảm chất lượng công trình và sử dụng an toàn, thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2.3. Kế thừa và phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của các nước tiến tiến vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập và phát triển.

2.4. Sử dụng tối đa và hiệu quả lực lượng, cơ sở vật chất và các nguồn lực hiện có nhằm hạn chế tăng thêm biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật.

2.5. Công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2.6. Tách bạch giữa quản lý nhà nước với các công việc duy tu, bảo dưỡng giao tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch hoặc hợp đồng thực hiện dự án, thi công công trình.

IV. Phạm vi nghiên cứu Đề án

Nghiên cứu công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thời gian qua từ đó đề xuất phân cấp, xã hội hóa công tác này nhằm nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

V. Phương pháp nghiên cứu:

Đề án được thực hiện theo các phương pháp phù hợp như: thống kê, so sánh, điều tra, chuyên gia, phân tích, tổng hợp.

Phần 2.

THỰC TRẠNG VIỆC PHÂN CẤP, XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC DUY TU, BẢO DƯỠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI

I. Kết cấu hạ tầng hàng hải, tầm quan trọng của công tác duy tu, bảo dưỡng và nhu cầu vốn cho duy tu, bảo dưỡng

1. Kết cấu hạ tầng hàng hải

- Theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì kết cấu tầng hàng hải bao gồm: bến cảng bao gồm cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng vào bến cảng và các công trình phụ trợ khác.

- Công trình hàng hải bao gồm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải, đèn biển, hệ thống đài thông tin duyên hải và các công trình phụ trợ khác của cảng biển và luồng hàng hải, được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

- Hiện nay, nước ta đã đầu tư xây dựng được 49 cảng biển bao gồm gần 350 bến cảng, cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45-50km; 41 luồng hàng hải công cộng vào cảng biển loại I, II và 10 luồng vào cảng loại III (cảng chuyên dùng); 32 đài thông tin duyên hải từ Móng Cái đến Kiên Giang; các cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng và kết cấu hạ tầng hàng hải tại 03 Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, 01 hệ thống hỗ trợ hành hải (VTS). Kết cấu hạ tầng hàng hải ngày càng khẳng định là một trong những hạ tầng kinh tế quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, container có trọng tải đến 80.000DWT và đã thử nghiệm cập cảng các tàu có trọng tải đến trên 100.000DWT, tàu chuyên dụng chở dầu thô đến 300.000DWT và các tàu chuyên chở sản phẩm dầu trọng tải 30.000-50.000DWT, các tàu chở than, quặng đến 100.000DWT.

- Tuy nhiên, ngoài những kết quả khả quan trên, hiện nay hệ thống hạ tầng kết cấu hạ tầng hàng hải vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và còn tồn tại nhiều bất cập như các tuyến luồng hàng hải chưa đồng bộ với quy mô, công suất cầu bến, chưa đáp ứng yêu cầu vận tải nhất là khi trọng tải tàu ngày càng gia tăng; các công trình đê, kè, báo hiệu hàng hải cũng chưa đáp ứng được cho hoạt động khai thác và nhu cầu vận tải hàng hóa của cảng biển. Nguyên nhân là do công tác duy tu, bảo dưỡng còn chưa thường xuyên, kịp thời, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của ngành hàng hải. Đặc biệt, đối với hạ tầng các tuyến luồng hàng hải thì công tác duy tu, bảo đảm chuẩn tắc thiết kế ban đầu chưa liên tục dẫn đến các tuyến luồng nhanh chóng bị sa bồi.

2. Công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải và nhu cầu vốn cho duy tu, bảo dưỡng

a) Công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải:

- Duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác sử dụng.

- Sửa chữa lớn là công việc nhằm kéo dài thời gian hữu dụng của tài sản hơn thời gian ước tính ban đầu.

Như vậy, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải là công tác sửa chữa thường xuyên nhằm duy trì trạng thái bình thường cho kết cấu hạ tầng.

b) Nhu cầu vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải:

- Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng các cầu, bến cảng Cục Hàng hải Việt Nam đang và sẽ quản lý cho thuê tương đương 3% so với tổng giá trị đầu tư (căn cứ tính toán của OCDI về cho thuê cảng Cái Mép – Thị Vải):

+ Cảng Cái Lân: khoảng 4 tỷ đồng

+ Cảng An Thới: khoảng 2 tỷ đồng

+ Cảng Cái Mép – Thị Vải: khoảng 30 tỷ đồng

- Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng báo hiệu đèn biển, luồng hàng hải

+ Công tác bảo dưỡng duy tu kết cấu hạ tầng hệ thống đèn biển, hệ thống báo hiệu hàng hải (gồm 98 đèn biển và đăng tiêu, 41 tuyến luồng hàng hải) ước tính cho 01 năm: khoảng 150 tỷ đồng (thực hiện bảo dưỡng duy tu đối với các trạm đèn, trạm luồng);

+ Công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải (41 tuyến luồng) ước tính cho 01 năm: khoảng 3-4 triệu m3, với kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng;

- Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đài thông tin duyên hải ước tính cho 01 năm: khoảng 40 tỷ đồng (gồm 31 đài và 01 Trung tâm xử lý thông tin tại Hà Nội);

- Bảo trì hệ thống hỗ trợ hành hải và quản lý vùng nước cảng biển (VTS): khoảng 5 tỷ/hệ thống/năm.

- Bảo trì kết cấu hạ tầng tìm kiếm cứu nạn hàng hải: khoảng 5 tỷ đồng/năm (chỉ bao gồm bảo trì hệ thống cầu tàu và nạo vét vùng nước trước cầu cảng).

- Bảo trì kết cấu hạ tầng đê, kè biển: trước mắt mới chỉ tính cho công trình đê chắn sóng Tiên Sa khoảng 1,5 tỷ đồng/năm

Như vậy, tổng kinh phí duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải (chưa bao gồm kết cấu hạ tầng của đơn vị thuộc các Bộ Ngành, địa phương khác ngoài Bộ Giao thông vận tải) ước tính cho 01 năm khoảng 1.340 tỷ đồng.

Tổng kinh phí trên chưa bao gồm nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải hiện đang được giao trong đơn giá cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

4. Phân cấp, xã hội hóa, công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

- Phân cấp quản lý nhà nước là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

- Xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải: là quá trình khuyến khích, chuyển giao để khu vực dân sự (ngoài nhà nước) thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trước đây do Nhà nước thực hiện hoặc phải bố trí NSNN để thực hiện. Nhà nước chấp thuận cho thực hiện theo thời gian, chuẩn tắc, tiêu chí, chất lượng cụ thể và giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán theo quy định.

- Việc phân cấp, xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải đã được thực hiện từ trước đến nay bằng nhiều văn bản điều chỉnh khác nhau như: Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… Tuy nhiên, các quy định này nằm rải rác ở nhiều ngành luật, văn bản pháp luật nên trong quá trình thực hiện còn phát sinh khó khăn, chưa đồng nhất.

II. Hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải

1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng bến cảng biển, đê, kè

- Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải đã được đầu tư xây dựng 49 cảng biển bao gồm gần 350 bến cảng, cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 40-50km. Cụ thể hiện trạng các cảng biển của các nhóm như sau:

Nhóm 1: gồm 25 bến/khu bến với 44 cầu cảng tổng hợp, container, 24 cầu cảng chuyên dụng, 08 cầu cảng dịch vụ khác và 15 bến phao neo.

Nhóm 2: gồm 08 bến/khu bến với 07 cầu cảng tổng hợp, 01 cầu cảng container loại 1, 08 cầu cảng tổng hợp địa phương loại 2, 01 cầu cảng chuyên dụng.

Nhóm 3: gồm 19 bến/khu bến với 10 bến cảng tổng hợp, container, 09 cầu cảng chuyên dụng, 06 bến phao và 01 vị trí tự thả neo SPM.

Nhóm 4: gồm 19 bến/khu bến với 11 cầu cảng tổng hợp, container, 07 cầu cảng chuyên dụng và 01 vị trí tự thả neo.

Nhóm 5: gồm 73 bến/khu bến với 72 cầu cảng tổng hợp, container, 84 cầu cảng chuyên dụng và 80 bến phao.

Nhóm 6: gồm 18 bến/khu bến với 16 cầu cảng tổng hợp, container, 16 cầu cảng chuyên dụng.

- Nếu phân theo đối tượng quản lý đầu tư, khai thác thì các bến cảng ở Việt Nam hiện nay có 02 loại là:

+ Các bến cảng do nhà nước đầu tư, cho thuê khai thác.

+ Các cảng biển do doanh nghiệp đầu tư khai thác.

Hiện nay mới chỉ có một số bến cảng do nhà nước đầu tư cho thuê khai thác, chịu sự quản lý trực tiếp của Cục Hàng hải Việt Nam (cảng Cái Lân, Vũng Áng). Trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho thuê một số cảng như An Thới, Cái Mép, Thị Vải, Chùa Vẽ, Lạch Huyện.

- Đối với các công trình bến cảng được xây dựng tiếp giáp với biển tại khu vực chịu tác động do sóng và dòng chảy thì được nghiên cứu để xây dựng đê/kè chắn sóng, chỉnh trị dòng chảy. Hiện nay có 03 bến cảng có đê chắn sóng với tổng chiều dài đê khoảng 2.578m là cảng Đà Nẵng, cảng Dung Quất và cảng Vũng Áng.

2. Hiện trạng luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển

- Theo thống kê, Việt Nam có 41 luồng hàng hải vào cảng loại I, II và 10 luồng vào cảng loại III (cảng chuyên dùng). Trong đó tuyến luồng dài nhất là luồng Định An - Cần Thơ (dài 120 km), luồng ngắn nhất dài 0,65 km là luồng vào Cảng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (tính từ ngã ba sông Tiền).

- Hiện nay, các tuyến luồng chủ yếu là luồng một làn, chỉ có tuyến luồng Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Tàu - Sài Gòn/Đồng Nai, Soài Rạp - Hiệp Phước (Tp. HCM), Vũng Rô (Phú Yên), Nha Trang, Ba Ngòi (Khánh Hòa) là cho phép hành hải 02 làn trong điều kiện hạn chế.

- Một số tuyến luồng hàng hải hiện nay còn tồn tại những đoạn cong chưa được cải tạo, một số tuyến chưa được lắp thiết bị báo hiệu để chạy tàu ban đêm, đặc biệt trong những năm gần đây chưa được nạo vét duy tu đúng theo chuẩn tắc thiết kế nên đã làm hạn chế điều kiện khai thác của cảng biển.

- Để hướng dẫn tàu qua lại, trên các luồng bố trí 816 phao báo hiệu hàng hải, 107 tiêu và 56 chập tiêu. Trong số 816 quả phao gồm các loại có đường kính từ 1,5m đến 2,9m và phao cột.

- Đối với khu nước và vùng nước: hiện nay Việt Nam có 25 vùng nước cảng biển do 25 cảng vụ Hàng hải quản lý điều hành khai thác. Trong 25 vùng nước đều có vùng đón trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, chuyển tải, tránh bão để phục vụ khai thác cảng biển.

(Danh mục các tuyến luồng hàng hải thống kê tại Phụ lục của Đề án)

3. Hiện trạng hệ thống báo hiệu hàng hải

- Hệ thống báo hiệu hàng hải dẫn luồng hiện nay tương đối đầy đủ, hoạt động khá tốt, tuy nhiên cũng còn một số bất cập như quá nhiều chủng loại, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa. Nhiều loại thiết bị báo hiệu còn lạc hậu, chưa được lắp đặt các thiết bị giám sát từ xa và các thiết bị báo hiệu vô tuyến khác. Tại một số tuyến luồng các phao báo hiệu đánh dấu chưa đặt đúng vị trí phù hợp nên còn gây nhầm lẫn cho người điều khiển tàu vào ban đêm, ví dụ tại tuyến luồng Thị Vải - Vũng Tàu hiện có 02 phao báo hiệu đánh dấu khu vực tàu đắm dễ gây nhầm lẫn cho người điều khiển tàu vào ban đêm nhầm là phao biên luồng, có khả năng làm cho tàu bị mắc cạn (Phao “T” cách khoảng 1,1km phía trái luồng, Phao “K” cách khoảng 0,7km phía phải luồng).

- Đối với hệ thống đèn biển và đăng tiêu, hiện cả nước có 98 đèn biển và đăng tiêu từ Bắc vào Nam và trên quần đảo Trường Sa, trong đó có 27 đèn biển cấp I, 36 đèn cấp II, 29 đèn cấp III, 04 đèn cấp IV và 07 đăng tiêu. Trong đó có khá nhiều đèn biển đã được xây dựng cách đây nhiều năm, hiện đã xuống cấp, hư hỏng; một số đèn biển khác có kích thước tháp đèn chưa đảm bảo tầm hiệu lực ban ngày, hạn chế hiệu lực ánh sáng ban đêm.

- Hiện đang tồn tại một số trạm quản lý luồng chưa có cơ sở nhà trạm, phải sinh hoạt trên phương tiện thủy hoặc thuê mướn như trạm quản lý luồng Kênh Cái Tráp (Hải Phòng), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Long Hòa, Lý Thôn, Hiệp Phước (Tp. HCM), Sa Đéc (Đồng Tháp).

(Chi tiết về các đèn biển được trình bày tại Phụ lục của Đề án)

4. Hiện trạng kết cấu hạ tầng đài thông tin duyên hải và hệ thống hỗ trợ hành hải (VTS)

a) Đối với kết cấu hạ tầng đài thông tin duyên hải: hiện có khoảng 22 đài, bao gồm 03 đài cấp I, 03 đài cấp II, 13 đài cấp III và 03 trung tâm, chi nhánh xử lý thông tin (Danh sách các đài được thống kê tại Phụ lục của Đề án).

b) Đối với hệ thống hỗ trợ hàng hải: hiện nay tại vùng nước Tp. HCM và Vũng Tàu đã lắp đặt và đưa vào hoạt động chính thức hệ thống nhận dạng tự động AIS vào tháng 01/2013. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước chưa có hệ thống cung cấp thông số hiệu chỉnh định vị DGPS, chưa có hệ thống thông tin quản lý báo hiệu hàng hải. Các hệ thống hải đồ điện tử và hệ thống giám sát & kiểm soát từ xa báo hiệu hàng hải đang trong giai đoạn thử nghiệm.

5. Các kết cấu hạ tầng hàng hải khác

Nhóm cơ sở hạ tầng khác bao gồm kho bãi, nhà xưởng, trụ sở, hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải trong cảng. Các hạ tầng này được đầu tư đồng bộ, gắn với cầu bến để phục vụ công tác điều hành, quản lý, khai thác cảng.

III. Hiện trạng quản lý Nhà nước đối với phân cấp, xã hội hóa quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

1. Về cơ chế, chính sách

- Cơ chế và chính sách quản lý Nhà nước đối với kết cấu hạ tầng hàng hải được thực hiện theo Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/03/2012 của Chính phủ về Quản lý cảng biển và luồng hàng hải, quy định về công tác quản lý, khai thác hạ tầng hàng hải và theo Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 08/5/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP .

- Theo đó, đối với nguyên tắc quản lý, khai thác cảng biển áp dụng theo Điều 29; nguyên tắc quản lý, sử dụng luồng hàng hải áp dụng Điều 30; nguyên tắc quản lý khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng áp dụng Điều 34; tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng áp dụng Điều 43,… của Nghị định 21/2012/NĐ-CP .

2. Về phân cấp các cơ quan thực hiện

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết, Nghị định quy định về các vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải; Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định, Chỉ thị và các văn bản liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Ban hành Thông tư, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật; tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư và hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật;

- Công bố và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đóng, mở cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa có phương tiện thủy nước ngoài ra vào, tuyến đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật;

b) Cục Hàng hải Việt Nam:

- Chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và thẩm định, công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành hàng hải.

- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành hàng hải được cấp có thẩm quyền ban hành, công bố hoặc phê duyệt;

- Thực hiện quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải được giao quản lý; tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác bến cảng, cầu cảng được giao quản lý theo quy định của pháp luật;

- Trình Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải công bố đóng, mở cảng biển, công bố vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải;

- Quyết định đưa cầu cảng, bến cảng, khu chuyển tải vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Quản lý hệ thống thông tin hàng hải, báo hiệu hàng hải và các hệ thống hỗ trợ hàng hải khác; tổ chức cung cấp các tài liệu và thông tin nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng hải theo quy định của pháp luật.

c) Cảng vụ hàng hải tại khu vực: Trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng trực ban xử lý thông tin, điều hành quản lý hàng ngày của Cảng vụ và thường trực phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải trong khu vực. Đối với hệ thống báo hiệu hàng hải, các Cảng vụ hàng hải có chức năng kiểm tra, giám sát, đồng thời Cảng vụ hàng hải cũng có nhiệm vụ chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển, tổ chức quản lý, cấp phép, giám sát tàu biển ra vào, hoạt động tại cảng biển,… Như vậy, trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo an toàn hàng hải, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cảng vụ hàng hải và các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải.

d) Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải: là Công ty TNHH một thành viên, bao gồm Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc và Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam. Các Tổng công ty này hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo đảm an toàn hàng hải như:

- Cung ứng dịch vụ vận hành hệ thống báo hiệu đèn biển, hệ thống báo hiệu hàng hải luồng tàu biển.

- Thực hiện nhiệm vụ khảo sát, ra thông báo hàng hải.

- Khảo sát và thực hiện thanh thải chướng ngại vật trên các luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và các công trình khác.

- Nạo vét, duy tu luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và các công trình khác.

đ) Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel): là Công ty TNHH một thành viên, có nhiệm vụ đảm bảo thông tin và truyền thông thông suốt, phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và an toàn, an ninh trên biển, thông qua hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam.

e) Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC): là tổ chức chuyên trách về phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện cung ứng dịch vụ công ích nhân đạo về tìm kiếm cứu nạn hàng hải và quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải phục vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải

3. Phân cấp trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng biển

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:

+ Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam hoặc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt;

+ Phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển các nhóm cảng biển;

+ Công bố công khai và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt;

+ Quyết định điều chỉnh cụ thể đối với quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng không trái với chức năng, quy mô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

- Cục Hàng hải Việt Nam:

+ Lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết phát triển nhóm cảng biển trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định;

+ Thực hiện quản lý việc đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải và khu nước, vùng nước theo quy hoạch phát triển cảng biển đã được phê duyệt;

+ Phê duyệt quy hoạch chi tiết bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thuộc cảng biển loại II và loại III phù hợp với quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển đã được phê duyệt.

- Trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý quy hoạch phát triển cảng biển theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

+ Bảo đảm quỹ đất, vùng nước để xây dựng phát triển cảng biển theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Phân cấp trong công bố mở, đóng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển

a) Công bố mở cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước:

Theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/03/2012 của Chính phủ về Quản lý cảng biển và luồng hàng hải thì việc công bố mở cảng biển, bến cảng, các khu nước, vùng nước và đưa công trình vào sử dụng được phân công, phân cấp như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải.

- Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục phân loại cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: công bố mở, đóng cảng biển; công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải.

- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: công bố mở, đóng bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước.

- Thông báo đưa công trình khác vào sử dụng: sau khi hoàn thành việc xây dựng công trình khác trong vùng nước cảng biển, Chủ đầu tư có trách nhiệm nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Cảng vụ hàng hải và đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực nơi thực hiện xây dựng công trình 01 bộ hồ sơ thông báo đưa công trình vào sử dụng.

b) Thông báo hàng hải:

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về thông báo hàng hải.

- Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc quản lý nhà nước về công bố thông báo hàng hải theo quy định;

- Các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện công bố thông báo hàng hải đối với các thông tin liên quan đến quản lý vận hành luồng hàng hải và báo hiệu hàng hải, khai thác cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng quay trở, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng nhánh cảng biển;

- Cảng vụ hàng hải thực hiện công bố thông báo hàng hải đối với các thông tin truyền phát lại, thông tin chỉ dẫn hàng hải liên quan đến hoạt động hàng hải như thông tin về đặc điểm vùng nước cảng biển, khu vực hạn chế hoạt động hàng hải, tài sản chìm đắm ở biển, an toàn, an ninh, điều kiện khí tượng, thủy văn, động đất, sóng thần, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn và các thông báo hàng hải khác.

- Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam: truyền phát thông báo hàng hải theo quy định.

Hiện nay và trong thời gian qua, các bến cảng, khu nước, vùng nước của 06 Nhóm cảng biển đều được thực hiện theo trình tự thủ tục như trên.

5. Phân cấp, xã hội hóa trong công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng hải

- Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm, trung hạn, dài hạn; lập và phê duyệt kế hoạch cung ứng dịch vụ công ích hàng hải và giao dự toán ngân sách; phê duyệt danh mục các tuyến luồng hàng hải nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm và các danh mục, dự án kêu gọi xã hội hóa khác.

- Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì, xã hội hóa và giao kế hoạch, đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích hàng hải.

- Cảng vụ Hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Công ty Hoa tiêu Hàng hải, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiến cứu nạn hàng hải và các tổ chức, đơn vị liên quan là cơ quan tham gia thực hiện, cung ứng dịch vụ công ích duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định.

- Đối với các cảng biển được Nhà nước đầu tư xây dựng và giao vốn, tài sản cho các doanh nghiệp thì bản thân các doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm và báo cáo cơ quan chủ quản phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải chỉ thực hiện quản lý về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường chứ không quản lý về bảo dưỡng duy tu kết cấu hạ tầng của các cảng này (loại hình này rất nhiều nằm ở phần lớn các Bộ, ngành và địa phương). Hình thức này về cơ bản đang thực hiện theo hình thức xã hội hóa vì doanh nghiệp được giao vốn, tài sản thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng.

- Đối với các cảng biển do Nhà nước mới đầu tư xây dựng, đang và sẽ thực hiện cho thuê khai thác thì hiện nay công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp thuê kinh doanh khai thác thực hiện theo quy định của hợp đồng cho thuê cảng như đối với cảng Vũng Áng trước đây, cảng Cái Lân, Cái Mép - Thị Vải, An Thới hiện tại và sắp tới là cảng Lạch Huyện. Hình thức này về cơ bản là hình thức xã hội hóa vì việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng được doanh nghiệp thuê kinh doanh khai thác thực hiện theo hợp đồng cho thuê.

- Đối với hệ thống các đèn biển, luồng hàng hải công cộng thực hiện từ nguồn thu phí bảo đảm an toàn hàng hải, và Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, thực hiện giao kế hoạch cho các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tiến hành duy tu, bảo dưỡng và giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện. Hình thức này về cơ bản đang ổn định và hiện nay về quản lý vận hành hệ thống đèn biển, luồng tàu chỉ có hai Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải hoạt động trong lĩnh vực này.

- Đối với các luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương quản lý thì công tác duy tu, bảo dưỡng do doanh nghiệp đó thực hiện hoặc thuê một đơn vị có năng lực thực hiện (nếu không có khả năng thực hiện). Hình thức này về cơ bản là hình thức xã hội hóa.

- Đối với Cảng vụ hàng hải thực hiện kế hoạch bảo trì hệ thống hỗ trợ hành hải (VTS) theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt và dự toán ngân sách được giao. Các công trình này mới được đầu tư và đưa vào sử dụng nên đang từng bước hoàn thiện cơ chế phân cấp phù hợp.

- Đối với hệ thống đài thông tin duyên hải, hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 81/2010/TT-BTC ngày 31/5/2010 của Bộ Tài chính, theo đó Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, thực hiện đặt hàng cho Công ty Thông tin điện tử hàng hải tiến hành duy tu, bảo dưỡng, giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện theo hợp đồng đã ký. Hình thức này về cơ bản đang ổn định và hiện nay về quản lý vận hành hệ thống Đài Thông tin duyên hải phục vụ mục đích nhân đạo, an ninh và chỉ có Công ty Thông tin điện tử hàng hải hoạt động trong lĩnh vực này, là tài sản đã giao cho Công ty quản lý.

- Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải: căn cứ quyết định giao ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện giao dự toán và giám sát việc thực hiện. Hình thức này về cơ bản đang ổn định và kết cấu hạ tầng là tài sản của các trung tâm, đây là công tác nhân đạo.

6. Phân cấp, xã hội hóa trong công tác tổ chức quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải

a) Phân cấp, xã hội hóa trong quản lý khai thác cảng biển:

Theo quy định tại Mục 3, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/03/2012 của Chính phủ,người đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng tự quyết định hình thức quản lý, khai thác cảng biển, bến cảng, cầu cảng đó theo nguyên tắc sau đây:

- Kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước được cho thuê khai thác từng phần hoặc toàn bộ; nguồn thu từ việc cho thuê này là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước, được sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được ưu tiên để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển;

- Kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng các nguồn vốn khác không thuộc quy định tại Điểm a Khoản này do chủ đầu tư tự quyết định hình thức quản lý, khai thác phù hợp với quy định của pháp luật;

- Định kỳ 05 năm tổ chức kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng cảng biển và công bố thông báo hàng hải theo quy định.

- Việc xã hội hóa trong quản lý khai thác cảng biển đã được thực hiện từ rất lâu thông qua hình thức: giao vốn cho các doanh nghiệp cảng tự khai thác, bảo trì; cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng vốn nhà nước và hình thức doanh nghiệp tự đầu tư và quản lý khai thác cảng.

b) Phân cấp, xã hội hóa trong khai thác, vận hành luồng hàng hải:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng, công bố đưa vào sử dụng và quản lý khai thác luồng hàng hải trong phạm vi cả nước.

- Các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải trực tiếp thực hiện việc quản lý vận hành luồng hàng hải công cộng được giao.

- Luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp đầu tư xây dựng tổ chức quản lý sử dụng; định kỳ hàng năm tổ chức khảo sát trình hồ sơ công bố thông báo hàng hải theo quy định; trường hợp luồng hàng hải chuyên dùng chuyển thành luồng hàng hải công cộng thì được xem xét hoàn trả một phần vốn đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính.

- Đối với kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời bao gồm bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, được thiết lập hoạt động có thời hạn nhất định nhưng tối đa không quá 10 năm.

- Xã hội hóa đã được thực hiện theo các phương thức sau:

+ Luồng chuyên dùng do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước như luồng sông Mã, sông Lam, Ba Ngòi…;

+ Cho phép lập dự án để tiến hành thủ tục thực hiện đầu tư, nâng cấp một số tuyến luồng hàng hải theo hình thức BOT, BT như luồng Định An - Cần Thơ, luồng Bồ Đề - Năm Căn, Kênh Cái Tráp…

+ Cho phép các doanh nghiệp cảng ở khu vực sông Cấm nạo vét, duy tu, nâng cấp đoạn luồng sông Cấm bằng kinh phí của doanh nghiệp tự đóng góp.

7. Nguồn nhân lực thực hiện phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

- Đối với nguồn nhân lực thực hiện quản lý, chủ yếu được thực hiện bởi Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ địa phương, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, do vậy nhân lực thực hiện tham gia công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ là nguồn nhân lực từ các Phòng, ban tham mưu của Cục Hàng hải Việt Nam, các Cảng vụ Hàng hải và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Nguồn nhân lực này được đào tạo bài bản, có trình độ và đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về quản lý kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Đối với nguồn nhân lực thực hiện khai thác, duy tu,bảo dưỡng chủ yếu do các tổ chức, cá nhân được giao kế hoạch, đặt hàng hoặc nhà thầu thi công nên rất phong phú cả về trình độ, số lượng và khả năng thực hiện.

IV. Kết quả thực hiện phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải đến thời điểm hiện tại

1. Đối với các cảng biển được nhà nước đầu tư xây dựng và giao vốn, tài sản cho doanh nghiệp:

- Việc phân cấp trong thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Về bản chất đây là hình thức xã hội hóa, đã được thực hiện từ trước đến nay đạt hiệu quả, không phát sinh vướng mắc gì.

2. Đối với các cảng biển do nhà nước mới đầu tư xây dựng, đang và sẽ thực hiện cho thuê khai thác:

- Việc phân cấp trong thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Về bản chất đây là hình thức xã hội hóa. Hình thức này tuy mới thực hiện nhưng bảo đảm khả năng hoàn vốn đầu tư của nhà nước. Cần quy định rõ và thực hiện thống nhất việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp thuê kinh doanh khai thác thực hiện theo hợp đồng cho thuê.

3. Đối với hệ thống các đèn biển, luồng hàng hải công cộng thực hiện từ nguồn thu phí bảo đảm an toàn hàng hải:

- Việc phân cấp trong thực hiện khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Từ trước đến nay chưa thực hiện xã hội hóa. Trong quá trình thực hiện cơ bản đang ổn định và hiện nay về quản lý vận hành hệ thống đèn biển, luồng tàu chỉ có hai Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải hoạt động trong lĩnh vực này. Những kết cấu hạ tầng này là các trạm đèn, trạm luồng đã giao tài sản cho các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, giá trị thực hiện nhỏ.

4. Đối với các luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương quản lý:

- Việc phân cấp trong thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Về bản chất đây là hình thức xã hội hóa, đã được thực hiện từ trước đến nay đạt hiệu quả, không phát sinh vướng mắc gì; cần tiếp tục khuyến khích thực hiện xã hội hóa triệt để hơn.

5. Đối với hệ thống đài thông tin duyên hải:

- Việc phân cấp trong thực hiện khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Từ trước đến nay chưa áp dụng hình thức xã hội hóa. Quá trình thực hiện cơ bản ổn định, không phát sinh vướng mắc.

6. Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải thuộc các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải:

- Việc phân cấp trong thực hiện khai thác, duy tu, bảo trì hiện nay đã đầy đủ và phù hợp.

- Từ trước đến nay chưa áp dụng hình thức xã hội hóa. Hình thức này về cơ bản đang ổn định và kết cấu hạ tầng là tài sản của các Trung tâm phục vụ công tác nhân đạo.

7. Đối với kết cấu hạ tầng đê, kè biển

- Từ trước đến nay mới chỉ đầu tư đưa vào khai thác đê chắn sóng Đà Nẵng, Dung Quất, Vũng Áng nhưng trong quá trình bão dưỡng, duy tu gặp khó khăn do các doanh nghiệp cảng không muốn nhận công trình này để quản lý, bảo vệ, bảo trì.

- Hiện nay đang xây dựng 02 đê tại Quảng Trị và tới đây sẽ tiếp tục xây dựng 02 đê tại Hải Phòng, luồng Sông Hậu (Trà Vinh) nhưng chưa giao chính thức cho cơ quan nào thực hiện duy tu, bảo dưỡng.

- Đây là kết cấu hạ tầng công cộng và giá trị đầu tư lớn không thể đưa vào kết cấu hạ tầng cho thuê trong hợp đồng cho thuê khai thác cảng được. Vì vậy, cần nghiên cứu thực hiện xã hội hóa đơn vị thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo hợp đồng dài hạn hoặc các hình thức phù hợp khác.

8. Đối với hệ thống hỗ trợ hành hải (VTS): cơ bản thực hiện theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt và dự toán ngân sách được giao là phù hợp.

9. Đối với công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải:

a) Nạo vét, duy tu sử dụng ngân sách nhà nước:

- Theo Thông tư số 119/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì căn cứ dự toán hàng năm được Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Hàng hải Việt Nam ký hợp đồng nạo vét duy tu luồng hàng hải với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Các Tổng công ty thực hiện các thủ tục theo quy định để tiến hành duy tu, nạo vét luồng, sau cùng Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng.

- Quá trình thực hiện đã phát sinh vướng mắc khi các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải muốn tham gia thi công nạo vét, duy tu trong khi đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích với Cục Hàng hải Việt Nam.

- Chưa có cơ chế đặc thù nạo vét, duy tu luồng hàng hải nên quá trình thực hiện phải áp dụng các quy định xây dựng cơ bản, đánh giá tác động môi trường nên rất khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện. Cụ thể như sau:

+ Tùy theo điều kiện thời tiết, khí hậu, diễn biến khai thác tại mỗi khu vực, công tác nạo vét duy tu các luồng hàng hải hàng năm được thực hiện một hay nhiều đợt trong năm để luôn đảm bảo chuẩn tắc thiết kế ban đầu (ví dụ: luồng Hải Phòng: 1-3 lần/năm; luồng Định An 2 lần/năm; các luồng miền Trung 1-2 năm/lần…).

+ Theo các quy định trên, để thực hiện công tác nạo vét duy tu một tuyến luồng hàng hải cần phải thực hiện rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian (khoảng 217-317 ngày).

+ Công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải thực hiện theo quy định của xây dựng cơ bản nên nhiều thủ tục, trình tự mất nhiều thời gian (lập dự án, đấu thầu, ĐTM, vị trí đổ đất…) không đảm bảo tính kịp thời, liên tục trong thực hiện nạo vét.

+ Năng lực và kinh nghiệm thực hiện thi công nạo vét duy tu luồng hàng hải của các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải còn hạn chế.

+ Khó khăn về nguồn vốn thực hiện: ngân sách nhà nước chỉ bố trí thực hiện khoảng 10-20/41 tuyến luồng hàng hải hàng năm.

+ Khó khăn trong công tác thi công nạo vét duy tu luồng hàng hải do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy hải văn…

Trước mắt đề nghị vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành quy định mới thay thế thì thực hiện theo cơ chế mới.

b) Nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm:

- Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã giải quyết đề xuất thực hiện đối với các kết cấu hạ tầng hàng hải sau đây:

+ Các tuyến luồng do các doanh nghiệp cảng bỏ vốn ra thực hiện: đoạn luồng sông Cấm, Hải Phòng.

+ Các tuyến luồng thực hiện nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm: Lệ Môn, Sông Lam, Ba Ngòi, Thuận An, Cửa Gianh... Quá trình thực hiện cơ bản đạt hiệu quả đề ra và thuận lợi, không phát sinh vướng mắc.

+ Các tuyến luồng thực hiện theo hình thức BOT: luồng Định An, luồng qua cửa Trần Đề.

+ Tuyến luồng thực hiện theo hình thức BT: luồng Bồ Đề - Năm Căn.

- Ngoài ra, các địa phương cũng đã cho tiến hành nạo vét tận thu các cửa sông, cửa biển theo hình thức tận thu lấy cát xuất khẩu (cửa Liên Hương, Sa Kỳ...).

- Đánh giá tình hình thực hiện công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải trong thời gian vừa qua được thực hiện bằng hình thức xã hội hoá (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước):

+ Việc xã hội hóa trong công tác duy tu bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. - Mục đích chính của hoạt động nạo vét duy tu, nâng cấp kết hợp tận thu sản phẩm là để đảm bảo tuyến luồng theo chuẩn tắc thiết kế (có chiều rộng, mái dốc và chiều sâu nạo vét được xác định theo tiêu chuẩn thiết kế), phải tận thu, xử lý toàn bộ sản phẩm nạo vét. Điều này hoàn toàn khác biệt với khai thác khoáng sản chỉ lấy khoáng sản là cát (còn bùn, bùn sét hoặc sản phẩm khác không lấy) và độ sâu khai thác là không có giới hạn theo tiêu chuẩn.

+ Việc nạo vét duy tu hoặc nâng cấp tuyến luồng hàng hải thực hiện theo chuẩn tắc thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm hoạt động giao thông hàng hải và ít ảnh hưởng nhất đến hai bên bờ sông. Quá trình nạo vét thì toàn bộ sản phẩm nạo vét (đất, bùn, cát, đá…) được vận chuyển đổ hoặc chôn lấp nên rất tốn chi phí. Trong khi đó một số công trình lại có thể tận dùng để san lấp, làm vật liệu…. Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất tận thu để bù đắp chi phí bỏ ra nạo vét, không sử dụng vốn nhà nước.

+ Trong thời gian qua các dự án nạo vét duy tu, nâng cấp luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm cơ bản đạt hiệu quả đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội tại các khu vực, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

- Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện còn một số hạn chế sau đây:

+ Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm;

+ Các Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký tận thu sản phẩm với địa phương.

- Công tác quản lý giám sát của cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Việc xã hội hóa, tiến hành thực hiện nạo vét duy tu luồng theo hình thức BT, BOT và nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Vì vậy, nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện nạo vét duy tu, nâng cấp các tuyến luồng hàng hải theo các hình thức này. Tuy nhiên cần phải tổ chức giám sát bảo đảm thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế đã được phê duyệt.

V. Những khó khăn, bất cập trong công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

1. Tồn tại về quản lý duy tu, bảo dưỡng

- Hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải chưa đầy đủ, phù hợp.

- Đối với các cảng biển được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước: có các mô hình quản lý khác nhau và do nhiều cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương quản lý nên việc thực hiện duy tu, bảo dưỡng rất khác nhau không theo một cách thức thống nhất.

- Đối với việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hệ thống đèn biển, hệ thống báo hiệu luồng hàng hải, hệ thống đài thông tin duyên hải, tìm kiếm cứu nạn hàng hải: Trên cơ sở dự toán giao của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam giao cho các đơn vị quản lý thực hiện, nhưng công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thực hiện thường xuyên, sâu sát.

- Đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải vẫn xẩy ra tình trạng thực hiện bị kéo dài do ảnh hưởng của thời tiết và phải thực hiện đủ các thủ tục theo quy định.

- Đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải quy định tại Thông tư 119/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định Cục Hàng hải Việt Nam ký hợp đồng nạo vét, duy tu luồng với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải để các Tổng công ty thực hiện. Trong khi các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải không có đủ năng lực thực hiện mà phải đi thuê đơn vị khác thực hiện.

2. Tồn tại về nguồn vốn thực hiện

- Hiện nay nhu cầu vốn duy tu bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải được ngân sách nhà nước đầu tư, cân đối trong kế hoạch hàng năm cho Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các Bộ, Ngành khác còn hạn chế, vốn hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu duy tu, bảo dưỡng.

- Nhu cầu vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải công cộng, hệ thống đèn biển, Đài thông tin duyên hải của quốc gia phát sinh hàng năm có xu thế tăng cao, gây áp lực cho ngân sách nhà nước, khó cân đối, bố trí hàng năm.

- Công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng bến cảng do ngân sách nhà nước đầu tư đang do các Doanh nghiệp cảng tự quyết định thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý của Nhà nước dẫn đến việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa không đạt hiệu quả cao.

- Có quá nhiều loại phí và không đồng bộ thuộc danh mục phí, lệ phí của Nhà nước dẫn đến chi phí đối với tàu cao.

- Phí cầu, bến cảng do các doanh nghiệp cảng biển thu hàng năm thuộc danh mục phí, lệ phí của Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh Phí, lệ phí hiện đang do các doanh nghiệp cảng biển thu và là doanh thu hàng năm của doanh nghiệp cảng. Nhà nước bỏ vốn đầu tư rất lớn cho đầu tư cầu, bến cảng và phần thu hồi của ngân sách nhà nước từ kinh doanh cảng biển được hình thành từ:

Đối với các cảng biển được nhà nước giao vốn, tài sản: phần thu của ngân sách nhà nước thông qua thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Vì vậy, Nhà Nước đã bị thất thoát phần lớn các loại phí do các doanh nghiệp này thu tính vào doanh thu của doanh nghiệp chứ không nộp lại cho ngân sách nhà nước.

Đối với các cảng biển mới đầu tư, đã thực hiện cho thuê khai thác: phần thu của ngân sách thông qua giá cho thuê hàng năm theo hợp đồng ký giữa Nhà nước và đơn vị khai thác Cảng.

Phần thu của ngân sách nhà nước chưa tương xứng với mức độ đầu tư, hiệu quả khai thác và sử dụng vốn nhà nước tại các cảng biển chưa đạt như kỳ vọng…

3. Tồn tại về cơ chế, chính sách

Hiện nay, việc đầu tư xây dựng, kể cả công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cảng biển (bến cảng, cầu cảng) ở Việt Nam đã được đẩy mạnh xã hội hoá. Các cảng biển chủ yếu được quản lý khai thác, sử dụng bởi các nhà đầu tư xây dựng cảng, trong đó bao gồm nhiều thành phần tham gia như: các đơn vị thành viên của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư liên doanh, tư nhân. Công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu cảng biển do các Nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện.

Một số cảng biển đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và đối ứng của Việt Nam (như cảng Cái Lân, Vũng Áng, sắp tới là Cái Mép- Thị vải, An Thới, Lạch Huyện) nhằm tạo tính chất thu hút, khởi động. Công trình sau khi hoàn thành ĐTXD đã tổ chức lựa chọn, cho thuê khai thác cảng. Việc duy tu, bảo dưỡng kết cầu cảng được quy định trong hợp đồng cho thuê, khai thác và thuộc trách nhiệm của nhà thầu được lựa chọn thuê, khai thác cảng.

Trong những năm qua, nguồn vốn ngân sách nhà nước được tập trung đầu tư, duy tu, bảo dưỡng vào các kết cấu hạ tầng cảng biển, hàng hải dùng chung (như: luồng tàu, hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống hỗ trợ hành hải, đê chắn sóng....). Các công trình hạ tầng cảng biển dùng chung, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế, khó khăn nên chỉ thực hiện được đối với một số công trình tại những khu vực trọng điểm, quan trọng (ví dụ như đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải, hàng năm chỉ thực hiện được từ 7-10 tuyến luồng trong tổng số 41 tuyến luồng hàng hải trên cả nước).

Do đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả công tác duy tu, bảo dưỡng bằng phương thức xã hội hóa trong thời gian qua cần được khuyến khích và nhân rộng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một cơ chế, chính sách rõ ràng cho phương thức xã hội hóa này. Điều này cần phân cấp cho một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành quản lý nguồn vốn thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng và quản lý giám sát đối với kết cấu hạ tầng thực hiện bằng hình thức xã hội hóa.

4. Tồn tại về nguồn nhân lực

Hiện nay nguồn nhân lực về điều hành khai thác kết cấu hạ tầng có chất lượng chưa cao, tỷ lệ lao động trong quản lý và sản xuất còn cao và chưa hợp lý với số lượng công nhân thủ công đang còn khá nhiều. Vì vậy, khi thực hiện đầu tư, hiện đại hóa trong quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải thì việc giải quyết vấn đề về nhân sự dôi dư này là một thách thức lớn cho các nhà quản lý.

Phần 3.

PHÂN CẤP, XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC DUY TU, BẢO DƯỠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI

I. Nội dung đổi mới, nâng cao hiệu quả phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

1. Dự báo nhu cầu

1.1. Nhu cầu khối lượng hàng hóa qua cảng

Theo hồ sơ Báo cáo đầu kỳ đề án rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 do Portcoast lập tháng 05/2013, dự báo tổng khối lượng hàng hóa qua cảng và quá cảnh cảng biển Việt Nam đến năm 2020 khoảng 634,42÷677,62 triệu tấn, năm 2030 khoảng 1041,35÷1162,22 triệu tấn.

1.2. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hàng hải

- Đối với đầu tư xây dựng cảng biển: thực hiện theo quy hoạch phát triển cảng biển Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 và 06 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển 06 Nhóm cảng biển.

- Đối với công tác bảo đảm an toàn hàng hải: Theo nội dung đề án Phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1166/QĐ-TTg , ngày 14/07/2011.

- Đối với các kết cấu hạ tầng hàng kải khác liên quan đến thông tin điện tử, hỗ trợ hành hải, tìm kiếm cứu nạn, hoa tiêu hàng hải… thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phân cấp quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

2.1. Nguyên tắc chung:

a) Khuyến khích xã hội hóa thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ, ngành, địa phương quản lý thì Bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo phân cấp về quản lý tài sản và nguồn vốn bảo trì hàng năm phù hợp với quy định của pháp luật.

2.2. Phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

a) Bộ Giao thông vận tải là cơ quan phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm bằng ngân sách nhà nước; phê duyệt kế hoạch xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải; chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

b) Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý; thực hiện lập, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm, kế hoạch xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận; tổ chức thực hiện và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán, quản lý chất lượng kết cấu hạ tầng hàng hải trong quá trình duy tu, bảo dưỡng theo quy định.

c) Các cơ quan, tổ chức có liên quan tới quản lý, khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải như Cảng vụ Hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Công ty Hoa tiêu Hàng hải, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các nhà đầu tư, tư vấn… có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo nhiệm vụ, kế hoạch hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu hoặc các hình thức giao thực hiện duy tu, bảo dưỡng phù hợp khác.

3. Thực hiện xã hội hóa quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

3.1. Đối với kết cấu hạ tầng cảng biển:

- Các cảng biển được Nhà nước đầu tư xây dựng và giao vốn, tài sản cho doanh nghiệp: tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa; việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển thực hiện.

- Các cảng biển do Nhà nước đầu tư xây dựng và cho thuê quản lý khai thác: tiếp tục thực hiện triệt để theo hình thức xã hội hóa; việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng do doanh nghiệp thuê kinh doanh khai thác thực hiện theo hợp đồng thuê.

3.2. Đối với kết cấu hạ tầng đê, kè biển và các công trình phụ trợ khác:

Tăng cường việc thực hiện theo hình thức xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng đối với đê, kè biển và các công trình phụ trợ khác theo hướng khoán gọn hoặc hợp đồng bảo dưỡng, bảo trì dài hạn hoặc kết hợp với trách nhiệm của tổ chức thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển hoặc các hình thức xã hội hóa phù hợp khác.

3.3. Đối với luồng hàng hải và khu nước, vùng nước thuộc vùng nước cảng biển:

a) Đối với các luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương quản lý: tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa; công tác duy tu, bảo dưỡng do doanh nghiệp quản lý, khai thác thực hiện hoặc thuê một đơn vị có năng lực thực hiện.

b) Đối với công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

- Ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa, thực hiện nạo vét, duy tu tất cả các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư.

- Trên cơ sở kết quả xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải Lệ Môn, Cửa Hội - Bến Thủy, Ba Ngòi, Thuận An, Cửa Gianh... và quy định của pháp luật có liên quan, Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

- Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bao gồm một số nội dung sau:

+ Miễn giảm thủ tục đối với công tác nạo vét duy tu toàn bộ các tuyến luồng hàng hải như sau:

. Không lập dự án đầu tư xây dựng, chỉ tiến hành lập bản vẽ thiết kế thi công và dự toán công trình;

. Không thực hiện bảo hành công trình;

. Thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu và thực hiện giám sát môi trường trong những lần nạo vét duy tu tiếp theo theo báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu đã được phê duyệt, trừ trường hợp thay đổi vị trí đổ đất.

+ Về lựa chọn nhà thầu thi công:

. Áp dụng phương thức chỉ định thầu rút gọn đối với tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

. Áp dụng phương thức đấu thầu với giá gói thầu khoán gọn đối với tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải đảm bảo chuẩn theo thiết kế. Theo hình thức này nhà thầu sẽ đảm bảo độ sâu thiết kế cho cả năm với kinh phí khoán gọn cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, tuyệt đối không điều chỉnh khối lượng và kinh phí thực hiện và luôn đảm bảo chuẩn tắc thiết kế của tuyến luồng. Chuyển sang phương thức quản lý mới này các tồn tại và nhược điểm sẽ cơ bản được khắc phục; các đơn vị khác có liên quan như: các Cảng vụ Hàng hải liên quan, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các cơ quan hữu quan khác sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát quá trình thực hiện của nhà thầu, đo đạc khảo sát ra thông báo hàng hải, đề nghị nạo vét các đoạn cạn (nếu có); Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đàm phán kinh phí khoán cụ thể cho tuyến luồng một cách hợp lý, trên cơ sở tiết kiệm ngân sách để được các cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận và thanh toán cho doanh nghiệp.

. Các tuyến luồng hàng hải khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu (đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo quy định).

- Phương thức thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải sử dụng ngân sách nhà nước:

+ Trước mắt, tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 119/2010/TT-BTC ngày 10/8/2010 của Bộ Tài chính. Căn cứ dự toán hàng năm được Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Hàng hải Việt Nam ký hợp đồng nạo vét duy tu luồng hàng hải với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải. Các Tổng công ty thực hiện các thủ tục theo quy định để tiến hành duy tu, nạo vét luồng, sau cùng Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng.

+ Sau khi Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các văn bản thay thế thì thực hiện theo cơ chế mới. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện xây dựng văn bản phân giao nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải.

c) Khuyến khích kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP đối với các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xem xét hình thức thực hiện cụ thể cần cân nhắc tính toán kỹ nguồn vốn hoàn trả và các điều khoản, cam kết khác trong Hợp đồng thực hiện BOT, BTO, BT, PPP, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đầu tư cấp bách của Nhà nước và xã hội hóa nguồn vốn của nhà đầu tư.

3.4. Đối với công tác quản lý vận hành hệ thống các đèn biển, luồng hàng hải công cộng thực hiện từ nguồn thu phí bảo đảm an toàn hàng hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện nay: Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao kinh phí hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, thực hiện giao kế hoạch cho các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tiến hành duy tu, bảo dưỡng và giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện. Từng bước nghiên cứu cổ phần hóa, sắp xếp hợp lý đơn vị thực hiện theo Đề án phát triển Bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.

3.5. Đối với kết cấu hạ tầng hệ thống đài thông tin duyên hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 81/2010/TT-BTC ngày 31/5/2010 của Bộ Tài chính: Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quyết định giao kinh phí hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, tiến hành đặt hàng cho Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thực hiện duy tu, bảo dưỡng, giám sát thực hiện, hết năm kế hoạch sẽ nghiệm thu kết quả thực hiện theo hợp đồng đã ký.

3.6. Đối với kết cấu hạ tầng tìm kiếm cứu nạn hàng hải:

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện nay: Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện giao dự toán và giám sát việc thực hiện.

3.7. Đối với hệ thống hỗ trợ hàng hải (VTS):

- Trước mắt, chưa thực hiện xã hội hóa đối với phần kết cấu hạ tầng hàng hải này.

- Tiếp tục thực hiện theo cơ chế: Cục Hàng hải Việt Nam lập kế hoạch bảo trì trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ kế hoạch bảo trì đã được phê duyệt và quyết định giao dự toán để tổ chức thực hiện bảo trì và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo quy định.

4. Nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

4.1. Hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 thay thế nghị định số 52/1999/NĐ-CP về quy chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có đầu tư có sở hạ tầng ngành hàng hải mà chưa có chính sách đầu tư, bảo dưỡng, bảo trì hợp lý đối với cơ sở hạ tầng cảng biển. Chỉ xét riêng đầu tư để nâng cấp, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng cảng biển như: cầu tầu, bến bãi, kho hàng, luồng lạch,… là một nhu cầu rất lớn không thể thiếu được của ngành Hàng hải Việt Nam. Để giải quyết vấn đề trên, hàng năm Nhà nước phải bỏ ra dưới dạng cấp phát hàng trăm tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp cảng biển. Trong khi đó, các loại phí mà doanh nghiệp cảng thu được (trọng tải phí, phí cầu bến, phí buộc cởi dây, phí vùng neo,…) lại đưa vào doanh thu của cảng, mà Nhà nước chưa thu hồi được phần vốn đầu tư ban đầu đã bỏ ra.

4.2. Trên cơ sở Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cụ thể về bảo trì công trình hàng hải để có cơ sở thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thường xuyên, định kỳ, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, trong đó, tập trung yêu cầu chủ sở hữu phải có quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì công trình hàng hải đúng thời gian, mức độ để bảo đảm chất lượng công trình hàng hải.

4.3. Đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá chất lượng, yêu cầu bảo trì, kiểm định định kỳ để đề xuất ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện bảo trì theo đúng quy định của pháp luật.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải

Để nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, trước hết cần nâng cao chất lượng, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ và trình độ của công nhân kỹ thuật. Có thể thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau, cụ thể như sau:

5.1. Có kế hoạch đào tạo với tầm nhìn dài hạn cho các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý và thực hiện công tác duy tu, bảo trì công trình hàng hải.

5.2. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước, các hội thảo, hội nghị để nâng cao năng lực, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về quản lý và thực hiện công tác duy tu, bảo trì công trình hàng hải.

5.3. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hàng hải.

6. Nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý nhà nước về duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải

6.1. Phân cấp rõ ràng nhiệm vụ thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải cho các cơ quan, đơn vị; giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành quản lý nguồn vốn thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

6.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải. Giao Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất quản lý thực hiện duy tu, bảo dưỡng các kết cấu hạ tầng hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý.

II. Giải pháp thực hiện

1. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

- Tăng cường vai trò quản lý, bảo trì của Bộ Giao thông vận tải đối với kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng cũng như kết cấu hạ tầng hàng hải chuyên dùng.

- Ưu tiên tập trung duy tu, bảo dưỡng các kết cấu hạ tầng hàng hải trọng điểm, quan trọng đạt chuẩn tắc thiết kế; đối với kết cấu hạ tầng hàng hải khác thực hiện duy tu, bảo dưỡng bảo đảm chất lượng công trình phù hợp với yêu cầu khai thác.

- Đối với công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải có thể thực hiện xã hội hóa (như công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét; duy tu, bảo dưỡng đê biển…), thì ưu tiên và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa theo hình thức phù hợp như khoán gọn, nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, BOT, BT, BTO, PPP hoặc doanh nghiệp ứng trước kinh phí để thực hiện và được hoàn trả từng phần từ thu phí hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính để bù đắp chi phí hoặc thực hiện đấu thầu rộng rãi.

- Đối với các tuyến luồng hàng hải trọng điểm như luồng Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu - Thị Vải thì công tác nạo vét duy tu luồng cần thí điểm phương thức đấu thầu khoán gọn kinh phí nạo vét bảo đảm chuẩn tắc thiết kế thường xuyên. Theo hình thức này nhà thầu sẽ bảo đảm chuẩn tắc thiết kế của luồng hàng hải cho cả năm với kinh phí khoán gọn cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, tuyệt đối không điều chỉnh khối lượng và kinh phí thực hiện. Việc triển khai thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Như vậy, cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải nhằm tăng cường nguồn vốn, đơn giản các thủ tục thực hiện; áp dụng các hình thức nạo vét, duy tu không sử dụng ngân sách nhà nước, các hình thức khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp kinh phí nạo vét duy tu luồng hàng hải; hình thức khoán mục tiêu trong thực hiện nạo vét, duy tu.

- Thực hiện đặt hàng duy tu, bảo dưỡng đối với kết cấu hạ tầng hàng hải cho các đơn vị đang trực tiếp thực hiện quản lý vận hành.

- Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án về quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải như:

+ Nghị định ban hành quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.

+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục phân loại cảng biển.

+ Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng hải.

+ Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

+ Thông tư của Bộ Giao thông vận tải ban hành mẫu hồ sơ về đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng vốn nhà nước.

+ Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về thông báo hàng hải và báo hiệu hàng hải.

+ Đề án xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực hoa tiêu hàng hải, bảo đảm an toàn hàng hải, thông tin điện tử hàng hải”.

+ Định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2011/TT-BGTVT ngày 14/02/2011 của Bộ Giao thông vận tải).

+ Quy trình số 924-QĐ/KT4 về việc “Thi công và nghiệm thu công tác nạo vét và bồi đắp đất các công trình vận tải sông, biển thực hiện bằng phương pháp cơ giới”.

+ Thông tư của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung định mức duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trong công tác thông tin điện tử hàng hải, hoa tiêu hàng hải, tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

- Xây dựng văn bản quy định quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng và quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương, công an, biên phòng cửa khẩu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2. Nhóm giải pháp về nguồn vốn

- Thực hiện thí điểm đấu thầu khoán gọn kinh phí, thực hiện việc nạo vét duy tu luồng theo hình thức tận thu để bù kinh phí hoặc đấu thầu thực hiện theo chuẩn tắc thiết kế tùy theo luồng hàng hải hoặc đê, kè biển.

- Để có thể huy động nhiều nguồn vốn cho việc đầu tư và bảo dưỡng duy tu các công trình kết cấu hạ tầng hàng hải thì cần tiếp tục áp dụng các hình thức xã hội hóa như trên, và đặc biệt đối với các công trình hạ tầng hàng hải mà Nhà nước hiện đang quản lý và khai thác chưa hiệu quả thì cần xem xét chủ trương giao đấu thầu đầu tư, quản lý khai thác và duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải (ví dụ như cầu bến, các tuyến luồng hàng hải) cho nhiều thành phần tham gia (các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh nước ngoài). Cụ thể, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo hình thức tận thu hoặc ứng trước kinh phí để thực hiện và được hoàn trả từng phần từ nguồn thu phí hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực

Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, thiết kế, chế tạo và sản xuất báo hiệu hàng hải.

4. Nhóm giải pháp tuyên truyền, phổ biến thực hiện

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thông qua website của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam.

- Yêu cầu các Báo, Tạp chí chuyên ngành giao thông vận tải, hàng hải tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải và lập các chuyên đề liên quan để trao đổi, thảo luận, góp ý.

5. Các giải pháp khác

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý làm cơ sở tăng cường bảo đảm an toàn hàng hải.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu năng lượng và có chi phí hợp lý đối với công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

III. Nhiệm vụ và kinh phí thực hiện

1. Nhiệm vụ cần thực hiện

- Tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đề án, văn bản quản lý trong phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Rà soát, kiện toàn, đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải đáp ứng yêu cầu đề ra. Phân định và tổ chức thực hiện hiệu quả, hợp lý luồng hàng hải và đường thủy nội địa.

- Phân cấp đơn vị thực hiện và cơ quan quản lý nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm sử dụng hiệu quả, kịp thời, thống nhất nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành hàng hải.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực quản lý, điều hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải. Từng bước xây dựng các trung tâm quản lý, khai thác và điều khiển giao thông hàng hải (VTS, AIS…) theo lộ trình; đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong công tác kiểm tra, quản lý duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải hàng năm, trung hạn và dài hạn đã được phê duyệt.

2. Kinh phí thực hiện Đề án:

2.1. Kinh phí thực hiện Đề án: Kinh phí thực hiện Đề án theo dự toán duyệt trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án, kinh phí nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, lập kế hoạch bảo trì hàng năm, thanh tra, kiểm tra và các công việc thực hiện Đề án khác.

Bảng dự kiến kinh phí thực hiện Đề án

TT

Công việc

Kinh phí ước tính (triệu)

Ghi chú

1

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

360

01 nghị định = 50 triệu

01 QĐ của TTg = 50 triệu

+ 13 Thông tư x 20 triệu = 260

2

Xây dựng bổ sung định mức duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải thường xuyên

5.000

05 định mức x 1000 triệu/định mức

3

Xây dựng đề án liên quan đến quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải

3.000

03 đề án x 1 tỷ/đề án = 2 tỷ

4

Kinh phí lập kế hoạch bảo trì, thanh tra, kiểm tra

100

Chi hàng năm của các cơ quan

 

Tổng cộng

8.460

 

Kinh phí này chưa bao gồm các dự án, đề án và công việc khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2.2. Nguồn vốn thực hiện Đề án

Nguồn vốn thực hiện Đề án từ các nguồn sau đây:

a) Nguồn thu phí cảng vụ của ngân sách nhà nước tính theo tỷ lệ quy định trên tổng số thu phí cảng vụ phát sinh hàng năm.

b) Nguồn chênh lệch thu, chi phải nộp ngân sách nhà nước phát sinh từ phí hoa tiêu tại các Công ty hoa tiêu hàng hải theo cơ chế tài chính hiện hành áp dụng đối với các Công ty hoa tiêu hàng hải.

c) Tỷ lệ % trên tổng số thu phí bảo đảm hàng hải của ngân sách nhà nước hàng năm.

d) Tỷ lệ % trên tổng số thu phí cầu, bến phát sinh tại các cảng biển được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (các cảng biển chưa áp dụng hình thức cho thuê quản lý khai thác).

đ) Nguồn thu cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển đối với các cảng đã được Nhà nước thực hiện cho thuê khai thác.

e) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

g) Nguồn tài chính của các tổ chức quốc tế và trong nước khác hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải của ngành Hàng hải.

h) Các nguồn tài chính khác theo quy định.

IV. Đánh giá hiệu quả của đề án

1. Khái quát chung:

- Việc xây dựng đề án, cũng như thực hiện các dự án thành phần của đề án nhằm mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho NSNN, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, không đặt mục tiêu hiệu quả tài chính lên hàng đầu mà cần phải xem xét những hiệu quả kinh tế xã hội mà mà các dự án mang lại.

- Nội dung đề án sẽ góp phần quan trọng để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển: khai thác chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải (bao gồm khai thác cảng, vận tải biển, đóng mới sửa chữa tàu biển dịch vụ hàng hải); Du lịch và kinh tế biển đảo; Khai thác và chế biến hải sản; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất ven biển gắn liến với các đô thị ven biển;

- Nội dung đề án là cơ sở thiết lập và duy trì môi trường an toàn hàng hải, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển và các mục tiêu nhân đạo, góp phần thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia có biển đối với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập.

- Nội dung đề án góp phần phối hợp bảo vệ an ninh quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường biển; Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

- Việc thực hiện có hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo nội dung đề án sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng hải và hàng hóa, góp phần hấp dẫn các hãng tàu, chủ hàng, các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

2. Tính khả thi của đề án

- Những năm qua Nhà nước đã cho phép tiến hành xã hội quá công tác đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải như: cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển Cái Lân, Vũng Áng (chuẩn bị cho thuê bến cảng Cái Mép, Thị Vải, An Thới, Lạch Huyện, Chùa Vẽ...), thực hiện nạo vét tận thu sản phẩm nhiều tuyến luồng như: Lệ Môn, Sông Lam, Ba Ngòi, Thuận An, Cửa Gianh… và đang kêu gọi thực hiện theo hình thức tận thu, BOT, BT, PPP các tuyến khác. Quá trình thực hiện thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.

- Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước và nhằm phát huy những lợi ích, hiệu quả đã đạt được, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải đồng bộ, hiện đại, việc tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng nhằm thống nhất quản lý, tập trung huy động các nguồn lực của xã hội trong duy tu, bảo dưỡng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ có liên quan có tính khả thi cao.

IV. Tiến độ thực hiện đề án

Đề án được phê duyệt năm 2013 và áp dụng thực hiện từ năm 2014.

Phần 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giao thông vận tải

- Tổ chức xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định ban hành quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.

- Tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục phân loại cảng biển; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

- Tổ chức xây dựng, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền Đề án nâng cao hiệu quả khai thác nhóm cảng biển số 5; Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Tổ chức xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Tổ chức thực hiện thí điểm đấu thầu khoán gọn kinh phí thực hiện việc nạo vét duy tu một số tuyến luồng hoặc xã hội hóa nạo vét kết hợp tận thu để bù kinh phí hoặc đấu thầu thực hiện theo chuẩn tắc thiết kế tùy theo luồng hàng hải hoặc đê biển.

- Chủ trì xây dựng cơ chế kêu gọi vốn theo hình thức BOT, BTO, PPP và các hình thức đầu tư theo hợp đồng khác trong lĩnh vực quản lý duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định.

- Hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xây dựng kế hoạch vốn và phương thức tạo vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Tổ chức thực hiện đổi mới công tác khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hoá công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Hướng dẫn, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2. Cục Hàng hải Việt Nam:

- Là cơ quan chủ trì thực hiện và trình Bộ Giao thông vận tải ban hành các văn bản theo quy định làm cơ sở thực hiện.

- Tổ chức thực hiện Đề án theo quan điểm, mục tiêu và các nội dung, giải pháp đổi mới được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao ban hành các văn bản quản lý và tổ chức thực hiện.

- Tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với các quy định của Nhà nước do các Bộ, ngành khác chủ trì liên quan đến bảo trì công trình hàng hải; các cơ chế chính sách thu hút vốn và các nguồn lực cho công tác duy tu, bảo dưỡng.

3. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông:

- Chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, đề án liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải; thẩm định nội dung các văn bản quản lý để Cục Hàng hải Việt Nam ban hành theo thẩm quyền.

- Chủ trì thẩm định trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải và tổ chức thực hiện theo quy định;

- Chủ trì hướng dẫn thực hiện kiểm định định kỳ kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định;

- Thẩm định, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lập danh mục và tổ chức thực hiện xã hội hóa công tác cho thuê khai thác, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các Vụ trong việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện Đề án.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

4. Vụ Kế hoạch - Đầu tư:

- Thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, các Bộ liên quan ban hành các văn bản theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

5. Ban Quản lý các dự án theo hình thức đối tác công - tư:

- Thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, các Bộ liên quan ban hành các văn bản theo quy định.

- Xây dựng cơ chế kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT, PPP và các hình thức đầu tư theo hợp đồng khác trong lĩnh vực xây dựng, quản lý bảo trì công trình hàng hải.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

6. Vụ Tài chính:

- Chủ trì thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành các văn bản về tài chính trong quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Chủ trì tham mưu cho Bộ hướng dẫn, chỉ đạo công tác xây dựng, giao ngân sách nhà nước thực hiện bảo trì, duy tu và quyết toán kinh phi bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

7. Vụ Khoa học - công nghệ:

- Chủ trì thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

- Chủ trì tham mưu về đổi mới công tác khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hoá công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

8. Vụ Tổ chức cán bộ:

- Chủ trì thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành các văn bản theo quy định .

- Tham mưu, chỉ đạo công tác sắp xếp bộ máy, lực lượng và biên chế trong quá trình chuyển đổi tổ chức bộ máy quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ.

9. Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông:

Chủ trì tham mưu cho Bộ trong chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban QLDA khi bàn giao công trình cho đơn vị quản lý phải bảo đảm chất lượng và đầy đủ hồ sơ tài liệu, kể cả quy trình bảo trì theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và Thông tư số 27/2009/TT-BXD .

10. Các cơ quan, đơn vụ khác thuộc Bộ Giao thông vận tải: căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Đề án đã phê duyệt theo quy định.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban chấp hành TW Đảng khóa 10 (Nghị quyết số 09 – NQ/TW ngày 09/02/2007).

2. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

3. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường biển đến năm 2020, định hướng đến 2030;

4. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030;

5. Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

6. Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

7. Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

8. Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

9. Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/06/2009 sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư XDCB;

10. Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 31/3/2012 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

11. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

12. Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng;

13. Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước;

14. Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

15. Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát sỏi lòng sông;

16. Các văn bản khác có liên quan.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, ĐỀ ÁN CẦN XÂY DỰNG, BAN HÀNH

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì xây dựng văn bản

Cơ quan chủ trì trình Bộ trưởng

Tiến độ thực hiện (năm)

1

Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2014

2

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố Danh mục phân loại cảng biển

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2013

3

Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải.

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2013

4

Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2013

5

Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Mẫu hồ sơ về đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng vốn nhà nước

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2013

6

Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về Thông báo hàng hải và báo hiệu hàng hải

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2014

7

Đề án xây dựng Định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực hoa tiêu hàng hải, bảo đảm an toàn hàng hải, thông tin điện tử hàng hải

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2013

8

Định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2011/TT-BGTVT ngày 14/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2014

9

Sửa đổi, bổ sung Quy trình số 924-QĐ/KT4 về việc “Thi công và nghiệm thu công tác nạo vét và bồi đắp đất các công trình vận tải sông, biển thực hiện bằng phương pháp cơ giới”

Cục HHVN

Vụ KHCN

2013-2014

10

Đề án xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2014

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUẢN LÝ CẦN XÂY DỰNG, BAN HÀNH

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì xây dựng

Cơ quan chủ trì trình Bộ trưởng

Tiến độ thực hiện (năm)

1

Quyết định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ban hành Quy trình nghiệm thu, thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải đối với hai Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định tại Thông tư số 119/2010/TT-BTC ngày 10/8/2012 của Bộ Tài chính

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

Xây dựng, ban hành và áp dụng từ năm 2013

3

Quyết định của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ban hành tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

Xây dựng năm 2013

Áp dụng từ năm 2014

4

Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố danh mục luồng hàng hải và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

Xây dựng và áp dụng từ năm 2014

5

Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố Danh sách các đơn vị tư vấn đủ điều kiện tham gia kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng hàng hải trình Bộ GTVT công bố theo quy định

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

Xây dựng năm 2013 và áp dụng từ năm 2014

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC CẦU CẢNG, BẾN CẢNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHO THUÊ QUẢN LÝ, KHAI THÁC

TT

Tên cầu cảng, bến cảng

Số cầu cảng/chiều dài (m)

Loại cầu cảng, bến cảng

Địa điểm

Ghi chú

1

Cầu cảng số 5, 6,7 Bến cảng Cái Lân

3/680

Con-tai-nơ

Tổng hợp

Quảng Ninh

Đang sửa đổi, bổ sung Hợp đồng cho thuê khai thác

2

Bến cảng Cái Mép và Bến cảng Thị Vải

4/1.200

Con-tai-nơ

Tổng hợp

Vũng Tàu

Chuẩn bị cho thuê khai thác

3

An Thới (01 cầu cảng 3.000DWT, 02 bến phao 30.000DWT)

1/100m

Tổng hợp

Kiên Giang

Chuẩn bị cho thuê khai thác

4

Cầu cảng 4, 5 Bến cảng Chùa Vẽ

2

Con-tai-nơ

Hải Phòng

Chuẩn bị cho thuê khai thác

5

Lạch Huyện

2/750

Con-tai-nơ

Hải Phòng

Đang đầu tư xây dựng

 

PHỤ LỤC 4

DANH MỤC CÁC TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ

TT

TUYẾN LUỒNG

THÔNG SỐ CƠ BẢN

ĐỊA ĐIỂM

 

 

1

Luồng Vạn Gia

B=120m; H=-5,7m

Quảng Ninh

 

2

Luồng Cửa Đối

B=80m; H=-1,7m

Quảng Ninh

 

3

Luồng Sông Chanh

B=80m; H=-1,7m

Quảng Ninh

 

4

Luồng Hòn Gai - Cái Lân

B=130m; H=-10,0m; M=10

Quảng Ninh

 

5

Luồng vào cảng Hải Phòng

 

Hải Phòng

 

 

Lạch Huyện

B=100m; H=-7,2m; M=15

 

 

 

Kênh Hà Nam

B=100m; H=-7,0m; M=15

 

 

 

Bạch Đằng

B=100m;H=-7,0m; M=15

 

 

 

Sông Cấm

B=80m; H=-5,5m;M=10

 

 

 

Kênh Cái Tráp

B=40m; H=-2,0m

 

 

6

Luồng Phà Rừng

 

Hải Phòng

 

 

Đình Vũ - Bến nổi xi măng

B=80m; H=-4,2m; M=10

 

 

 

Bến nổi XM - Sông Giá

B=80m; H=-1,6m; M=10

 

 

 

Sông Giá

B=80m;H=-1,6m;M=7

 

 

7

Luồng Hải Thịnh

B=60m; H=-1,0m; M=5

Nam Định

 

8

Luồng Diêm Điền

B=45m; H=-0,1m; M=5

Thái Bình

 

9

Luồng Lệ Môn

B=80m; H=-5,5m; M=7&10

Thanh Hóa

 

10

Luồng Nghi Sơn

B=85m;H=-8,5m;M=10

Thanh Hóa

 

11

Luồng vào cảng Cửa Lò

B=80m; H=-5,5m; M=7&10

Nghệ An

 

12

Luồng vào cảng Vũng Áng

B=150m; H=-9,7m; M=7&10

Hà Tĩnh

 

13

Luồng vào cảng Cửa Hội

B=60m; H=-2,5m; M=15

Hà Tĩnh

 

14

Luồng Hòn La

B=100m; H=-8.2m

Quảng Bình

 

15

Luồng Cửa Gianh

B=60m; H=-3,3m; M=15

Quảng Bình

 

16

Luồng vào cảng Cửa Việt

B=60m; H=-3,5m; M=15

Quảng Trị

 

17

Luồng vào cảng Thuận An

B=60m; H=-4,0m; M=15

TT Huế

 

18

Luồng vào cảng Chân Mây

B=150m; H=-12,0m; M=10

TT Huế

 

19

Luồng vào cảng Đà Nẵng

 

Đà Nẵng

 

 

Vũng quay Tiên Sa

B=110m; H=-11,0m; M=10

 

 

 

Luồng Sông Hàn

 

 

 

 

Đoạn luồng cầu 1 – cầu 6

B=60m; H=-5,7m; M=10&8

 

 

 

Đoạn luồng 234

B=44m; H=-3,7m; M=10

 

 

20

Luồng vào cảng Kỳ Hà

B=80m; H=-6,5m; M=10&7

Quảng Nam

 

21

Luồng vào cảng Sa Kỳ

B=50m; H=-3,5m; M=10&7

Quảng Ngãi

 

22

Luồng vào Dung Quất

B=300m; H=-12,0m; M=10

Quảng Ngãi

 

23

Luồng vào cảng Quy Nhơn

B=110m; H=-10,5m; M=10

Bình Định

 

24

Luồng Vũng Rô

B=300&200m;

H=-13,5m&-10,0m

Phú Yên

 

25

Luồng vào cảng N. Trang

B=200m; H=-10,5m; M=10

Khánh Hòa

 

26

Luồng Đầm Môn

B=200m; H=-16,0m

Khánh Hòa

 

27

Luồng vào cảng Ba Ngòi

H=-10,2m; M=10

Khánh Hòa

 

28

Luồng Sài Gòn – Vũng Tàu

B=150m; H=-8,5m; M=5

TPHCM-V.Tàu

 

29

Luồng Sông Dừa

B=60m; H=-7m

TPHCM-V.Tàu

 

30

Luồng Đồng Nai

B=150m; H=-8,5m

TPHCM-Đồng Nai

 

31

Luồng Rạch Bà

B=100m; H=-7,2m

BRVT

 

32

Luồng Soài Rạp – Hiệp Phước

 

TPHCM-V.Tàu

 

 

+ Đoạn Soài Rạp

B=200m; H=-9,5m

 

 

 

+ Đoạn Hiệp Phước

B=150m; H=-9,5m

 

 

33

Luồng Sông Dinh

 

TPHCM-V.Tàu

 

 

P2-P8+650

B=150m; H=-7,0m; M=5

 

 

 

Cảng Hải quân -Vinaoffshore+200

B=100m; H=-5,8m; M=5

 

 

 

Cảng Vinaoffshore - P20

B=100m; H=-4,7m; M=5

 

 

34

Luồng Vũng Tàu - Thị Vải

 

BRVT

 

 

+ Đoạn ngoài

B= 310m; H= -14,0m

 

 

 

+ Đoạn trong

B= 90m; H= -10,0m

 

 

35

Luồng Sông Tiền

B=80-150m; H=-4,8m

Tiền Giang

 

36

Luồng Định An - Cần Thơ

B=100m; H=-3,2m; M=20

Trà Vinh

 

37

Luồng Côn Sơn

H=-2m&-7,0m

BR-VT

 

38

Luồng Hà Tiên

B= 80m; H=-7,8m

Kiên Giang

 

39

Luồng Năm Căn

B= 80m; H=-6,0m

Cà Mau

 

40

Luồng Bến Đầm

B= 200m; H=-9,0m

Vũng Tàu

 

41

Luồng An Thới

B= 80 m; H=- 6,7m

Kiên Giang

 

Ghi chú:

- Xã hội hóa thực hiện theo thứ tự ưu tiên: nạo vét kết hợp tận thu không sử dụng ngân sách nhà nước hoặc sử dụng một phần ngân sách nhà nước hoặc BOT, BTO, BT hoặc các hình thức phù hợp khác.

- Khuyến khích xã hội hóa nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm đối với vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí nạo vét thực hiện như xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng.

 

PHỤ LỤC 5

DANH MỤC ĐÈN BIỂN VÀ ĐĂNG TIÊU DO CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM QUẢN LÝ

STT

Tên đèn biển, đăng tiêu

Cấp đèn

Diện tích đất

Diện tích đã xây dựng

Nhà làm việc

Tháp đèn

1

Đèn biển Vĩnh Thực

I

1.500

191,40

80,50

BTCT cao 18.0m

2

Đèn biển Đảo Trần

I

540

141,50

80,50

BTCT cao 17.7m

3

Đèn biển Cô Tô

I

540

97,00

80,00

BTCT cao 16.0m

4

Đèn biển Hòn Bài

II

100

16,00

 

Composite cao 3.0m

5

Đèn biển Hạ Mai

I

4.027

81,00

57,00

BTCT cao 11.3m

6

Đèn biển Hòn Dấu

I

46.000

1.531,30

538,30

BTCT cao 22.7m

7

Đèn biển Long Châu

I

3.000

370,00

221,00

Xây đá cao 30.0m

8

Đèn biển Diêm Điền

III

2.780

108,00

90,00

BTCT cao 22.5m

9

Đèn biển Ba Lạt

II

4.000

138,40

134,40

BTCT cao 34.0m

10

Đèn biển Quất Lâm

II

2.400

313,00

164,00

BTCT cao 25.0m

11

Đèn biển Bạch Long Vĩ

I

1.810

178,70

135,00

BTCT cao 23.5m

12

Đèn biển Lạch Giang

III

230

67,00

43,00

Composite cao 17.3m

13

Đèn biển Lạch Trào

II

3.320

125,00

78,00

BTCT cao 22.3m

14

Đèn biển Hòn Mê

I

1.500

293,00

200,00

BTCT cao 18.5m

15

Đèn biển Biển Sơn

II

872

139,00

73,00

BTCT cao 11.4m

16

Đèn biển Hòn Mát

I

700

97,00

70,00

BTCT cao 12.4m

17

Đèn biển Cửa Hội

III

25

6,00

 

Thép cao 18.0m

18

Đèn biển Cửa Sót

II

1.900

164,00

150,00

BTCT cao 13.2m

19

Đèn biển Cửa Nhượng

II

10.000

136,00

115,00

BTCT cao 15.0m

20

Đèn biển Mũi Ròn

I

15.827

95,00

75,00

BTCT cao 15.7m

21

Đèn biển Cửa Gianh

II

5.096

114,00

69,00

BTCT cao 20.5m

22

Đèn biển Nhật Lệ

II

2.950

123,00

92,00

BTCT cao 20.0m

23

Đèn biển Cồn Cỏ

I

896

186,00

186,00

BTCT cao 24.2m

24

Đèn biển Mũi Lay

II

1.457

231,00

178,00

BTCT cao 12.5m

25

Đèn biển Cửa Việt

III

2.000

143,00

119,00

BTCT cao 22.0m

26

Đèn biển Thuận An

II

1.925

205,50

167,00

Thép cao 33.6m

27

Đèn biển Chân Mây

III

1.200

63,50

48,00

Composite cao 14.4m

28

Đèn biển Sơn Chà

III

2.025

900,00

117,00

BTCT cao 15.6m

29

Đèn biển Tiên Sa

I

90.000

257,00

210,00

Xây gạch cao 9.0m

30

Đèn biển Quản Tượng

III

6.223

209,50

157,00

Xây gạch cao 5.5m

31

Đèn biển Tân Hiệp

III

800

62,50

48,00

Thép cao 10.7m

32

Đèn biển Cù Lao Chàm

I

1.200

87,00

61,00

BTCT cao 12.5m

33

Đèn biển Cửa Đại

II

600

55,20

48,00

Thép cao 22.7m

34

Đèn biển An Hòa

II

900

89,70

50,00

BTCT cao 19.0m

35

Đèn biển Vạn Ca

III

1.200

69,50

54,00

Composite cao 14.4m

36

Đèn biển Lý Sơn

I

8.704

416,00

390,00

BTCT cao 45.0m

37

Đèn biển Báo cảng Lý Sơn

III

25

6,00

 

Thép cao 13.0m

38

Đèn biển Bãi cạn Lý Sơn

III

25

6,00

 

BTCT cao 10.2m

39

Đèn biển Ba Làng An

II

1.345

91,50

61,00

BTCT cao 8.0m

40

Đèn biển Sa Kỳ

III

25

6,00

 

BTCT cao 13.5m

41

Đèn biển Sa Huỳnh

II

600

131,00

112,00

BTCT cao 10.4m

42

Đèn biển Cồn Hoa

ĐT

25

6,00

 

BTCT cao 10m

43

Tiêu Đảo Trần

ĐT

25

6,00

 

Composite cao 10m

44

Đèn biển Hòn Nước

II

1.688

116,00

37,41

Tháp tròn, ĐK 3,3m

45

Đèn biển Phước Mai

II

5.309

128,00

 

Tháp tròn, ĐK 3,2m

46

Đèn biển Cù Lao Xanh

I

5.095

341,70

 

Tháp tròn, ĐK 3,6m

47

Đèn biển Gành Đèn

II

1.000

52,40

 

Tháp lục giác, cạnh 2,6m

48

Đèn biển Đà Rằng

III

600

92,20

 

Tháp nằm trên sàn nhà

49

Đèn biển Đại Lãnh

I

1.739

273,00

100,00

Tháp tròn, ĐK 5m

50

Đèn biển Hòn Nưa

III

675

52,40

 

Tháp tròn, ĐK 2,6m

51

Đèn biển Hòn Đỏ

II

239

37,40

109,20

Tháp tròn, ĐK 2,5m

52

Đèn biển Hòn Lớn

I

1.361

357,70

 

Tháp tròn, ĐK 4,65m

53

Đèn biển Ba Ngòi

II

2.746

52,36

44,00

Tháp tròn, ĐK 3,4m

54

Đèn biển Hòn Chút

III

1.200

121,60

 

Tháp nằm trên sàn nhà

55

Đèn biển Mũi Dinh

I

3.242

311,30

 

Tháp vuông, cạnh 6m

56

Đèn biển Phan Rí

III

193

40,96

 

Tháp nằm trên sàn nhà

57

Đèn biển Phan Thiết

III

600

83,20

 

Tháp tròn, ĐK 2,4m

58

Đèn biển Kê Gà

II

5.500

368,00

 

Tháp tròn, ĐK 8m

59

Đèn biển Phú Quý

I

580

131,00

 

Tháp nằm trên sàn nhà

60

Đèn biển Hòn Hải

I

3.200

167,70

9,00

Tháp lục giác, cạnh 2,6m

61

Đèn biển Mũi Chụt

III

 

136,00

36,00

Thuê nhà đặt đèn

62

Đèn biển Triều Dương

III

 

10,00

 

Bãi đát ngầm ngoài biển

63

Đèn biển Vũng Tàu

I

35.928

590,19

 

Đèn xây bằng đá, tháp tròn ĐK 4m. Phần DT mở rộng 29.230m2 đã có TTĐĐ

64

Đèn biển Ba Kiềm

II

720

70,00

 

Tháp tròn, ĐK 3,5m

65

Đèn biển Ba Động

II

2.195

128,60

 

Tháp tròn, ĐK 4,74m

66

Đèn biển Cao Thắng

II

1.614

109,20

 

DT đất không rõ

67

Đèn biển Bảy Cạnh

I

 

72,40

 

DT đất không rõ

68

Đèn Đá Trắng

III

 

16,00

 

DT đất không rõ

69

Đèn biển Cửa Tiểu

III

 

16,00

 

Ngoài biển

Không sử dụng được

70

Đèn biển Aval

III

 

 

 

Ngoài biển

71

Đèn hướng

 

3.764

 

 

Chưa XD

72

Đèn biển Ông Đốc

III

3.000

123,84

 

 

73

Đèn biển Dương Đông

 

900

58,32

 

Nằm trên biển, ĐK 0,6m

74

Đèn biển Bồ Đề

II

1.200

74,25

 

 

75

Đèn biển Hòn Khoai

I

1.800

260,68

 

Tháp vuông, cạnh 4m

76

Đèn biển Hòn Chuối

I

314

106,92

 

Đặt trên mái, tháp tròn, ĐK 3,8m

77

Đèn biển Núi Nai

 

6.105

155,52

 

Tháp tròn, ĐK 3,4m

78

Đèn biển Rạch Giá

III

588

143,52

 

 

79

Đèn biển Hòn Chông

II

1.062

143,52

 

Tháp tròn, ĐK 2m

80

Đèn biển Thổ Chu

I

550

111,10

 

Tháp tròn, ĐK 4m

81

Đèn biển Nam Du

I

220

143,52

 

Tháp vuông, cạnh 3,3m

82

Đèn biển An Thới

II

5.000

49,50

 

Đặt trên mái, tháp tròn, ĐK 2m

83

Đèn biển Hồ Tàu

III

336

45,92

 

Tháp vuông, cạnh 3,3m

84

Tiêu Hòn Khô

II

 

 

 

Tháp vuông 3x3m

85

Tiêu báo cửa Dương Đông

II

 

 

 

Tháp tròn ĐK 1,5m

86

Đèn biển Song Tử Tây

I

1.496

188,40

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

87

Đèn biển Đá Tây

II

113

80,50

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

88

Đèn biển Đá Lát

II

77

32,14

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

89

Đèn biển An Bang

II

95

79,00

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

90

Đèn biển Tiên Nữ

II

368

66,63

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

91

Đèn biển Trường Sa Lớn

II

400

285,00

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

92

Đèn biển Sơn Ca

II

 

 

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

93

Đèn biển Sinh Tồn

II

 

 

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

94

Đèn biển Nam Yết

II

 

 

 

Tháp đèn kiêm nhà đèn

95

Đèn biển Huyền Trân

III

 

 

 

Đặt trên nhà giàn của Hải quân

96

Đèn biển Quế Đường

III

 

 

 

Đặt trên nhà giàn của Hải quân

97

Đèn biển Phúc Tần

III

 

 

 

Đặt trên nhà giàn của Hải quân

98

Đèn biển Ba Kè

III

 

 

 

Đặt trên nhà giàn của Hải quân

 

PHỤ LỤC 6

DANH MỤC ĐÀI THÔNG TIN DUYÊN HẢI VIỆT NAM

STT

TÊN ĐÀI

ĐỊA CHỈ

TỔNG DIỆN TÍCH (m2)

HIỆN TRẠNG

ĐÀI LOẠI

GHI CHÚ

 

DIỆN TÍCH XÂY DỰNG

DIỆN TÍCH SÀN

SỐ LƯỢNG NHÀ

 

 

1

Trụ sở Công ty

Số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Hải Phòng

1.094,00

439,17

1.319,61

5

 

Thuê nhà của nhà nước

 

2

Đài LES

P. Hải Thành, Q. Kiến Thụy - HP

20.190,00

633,00

1.078,00

4

I

 

 

3

Đài phát đài HP

P. Đông Hải 1, Q Hải An- HP

14.233,10

533,40

808,40

5

 

 

4

Đài Móng Cái

Số 4,5 Hữu nghị, TX Móng Cái QN

86,67

86,67

276,21

1

III

Đất Cảng Vụ Quảng Ninh

 

5

Đài Cửa Ông

P. Cửa Ông TX Cẩm phả-QN

220,00

221,4

286,00

2

III

Đất Cảng Vụ Quảng Ninh

 

6

Đài Hòn Gai

Số 10 Lê Thánh Tông - TP Hạ Long

-

-

53,20

 

III

M­ượn phòng Cảng Vụ QN

 

7

Đài Thanh Hoá

X.Hải Yến-Tĩnh Gia-Thanh Hoá

4.984,00

243,00

463,00

3

III

 

 

8

Đài Bến Thuỷ

P.Thu Thuỷ, TX Cửa Lò-Nghệ An

505,2

186,16

490,82

2

III

 

 

9

Đài Huế

Cảng Cá Thuận An - TT Huế

43,0

-

43,0

0

III

M­ượn 02 phòng Cảng cá TT Huế

 

10

Đài Đà Nẵng

* 261 Nguyễn Văn Linh, P Thạc Gián, Q Thanh Khê, TP Đà Nẵng

790,59

224,82

638,52

2

II

 

 

* Tổ 15 P. Hoà Khanh Nam, Liên Chiểu-ĐN

19.966,80

258,60

393,00

2

 

 

* Đèo Hải Vân,P. Hoà Hiệp, Liên Chiểu-ĐN

572,00

88,66

61,92

1

 

 

11

Đài Phú Yên

Phường 7, Thị xã Tuy Hoà -Phú Yên

1.840,00

198,93

366,72

2

III

 

 

12

Đài Nha Trang

* 40/1Trần Phú, P.Vĩnh Nguyên, T.P Nha Trang

1.305,00

318,33

663,55

3

II

 

 

* 26B Vườờn Dương P. Ph­ước Tân NT-KH

52,8

52,8

52,8

1

 

 

* Đồng Muối,P.Phước Hải- NT-KH

17.555,00

195,55

333,73

3

 

 

* Mỹ L­ương, X Ninh Thuỷ- Ninh Hoà-KH

5.342,50

246,8

246,8

2

 

 

* Phú Sơn,P.Cam Phú,TX Cam Ranh-NT-KH

3.200,00

140,97

281,92

1

 

 

13

Đài Phan Rang

X.Mỹ Hải TX Phan Rang-Tháp Tràm-NT

1.026,00

200,16

339,51

2

III

 

 

14

Đài Phan Thiết

P.H­ưng Long, Phan Thiết -Bình Thuận

1.935,00

238,39

392,33

3

III

 

 

15

Đài Vũng Tàu

* 259A Đồi ngọc Tước,Lê Hồng Phong, P 8 - TP Vũng Tàu

3.000,00

260,08

637,66

3

II

Đài thu

 

* Cầu Cháy,P. 11-TP Vũng Tàu

29.990,5

219,1

378,49

3

 

 

* Núi Lớn P.5- TP Vũng Tàu

900,00

55,19

55,19

1

 

 

16

Đài Quy Nhơn

Số 1 Phan chu Trinh- Quy Nhơn

18,72

 

18,72

1

III

Mượn 01 phòng CV Quy Nhơn

 

17

Chi Nhánh Cty

432-436 Nguyễn tất Thành-Q 4- HCM

310,00

246,25

1.483,16

1

 

 

 

18

Đài Hồ Chí Minh

* 12C Nguyễn thị Minh Khai Q1- HCM

 

 

86,00

 

I

Phòng làm việc

 

* 270 Lý th­ường Kiệt- Q10 -HCM

 

 

123,00

 

Phòng làm việc

 

* P. Phú Mỹ - Nhà Bè - HCM

20.232,00

222,78

388,19

3

 

 

19

Đài Kiên Giang

546 Ngô Quyền-Vĩnh Lạc- Rạch Giá- KG

162,18

112,06

314,56

1

III

Đất m­ượn CV Kiên Giang

 

20

Đài Cần Thơ

14/11 Lê Hồng Phong -TP Cần Thơ

195,7

 

 

 

III

Ch­ưa xây dựng

 

21

Đài Cà Mau

Khóm 5 Ph­ường1 -TP Cà Mau

1.103,00

123,5

247,00

1

III

 

 

22

Trung tâm xử lý thông tin của Công ty Thông tin điện tử HHVN

Số 8, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Mai Dịch, Hà Nội

 

 

 

 

 

Đặt nhờ trụ sở Cục HHVN

 

 

PHỤ LỤC 7

DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÊ, KÈ THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA DUY TU, BẢO DƯỠNG

TT

Tên KCHT

Chiều dài (m)

Địa điểm

Ghi chú

1

Đê chắn sóng Tiên Sa

450

Đà Nẵng

Đang khai thác

2

Đê Bắc luồng Cửa Việt

950

Quảng Trị

Đang xây dựng

3

Đê Nam luồng Cửa Việt

980

Quảng Trị

Đang xây dựng

4

Đê chắn sóng Lạch Huyện

3.230

Hải Phòng

Đang xây dựng

5

Đê chắn cát Lạch Huyện

7.600

Hải Phòng

Đang xây dựng

6

Đê chắn sóng cảng Vũng Áng

260

Hà Tĩnh

Đang khai thác

7

Đê chắn sóng bến cảng Sơn Dương Formosa

13.790

Hà Tĩnh

Đang xây dựng

8

Đê chắn sóng/cát cảng Nghi Sơn

1.400

Thanh Hóa

Đang xây dựng

9

Đê chắn sống Nhà máy lọc đầu Dung Quất

1.583

Quảng Ngãi

Đang khai thác

10

Đê chắn sóng Bến cảng TTĐL Vĩnh Tân

2.964

Bình Thuận

Đang xây dựng

11

Đê chắn sóng phía Nam của dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu

1500

Trà Vinh

Đang chuẩn bị xây dựng

12

Kè bảo vệ bờ của dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu

27.600

Trà Vinh

Đang chuẩn bị xây dựng

13

Các đê, kè thuộc kết cấu hạ tầng hàng hải khác

 

 

 

Ghi chú: Khuyến khích thực hiện xã hội hóa giao tổ chức, cá nhân thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo hướng khoán gọn hoặc hợp đồng bảo dưỡng, bảo trì dài hạn hoặc kết hợp với trách nhiệm của tổ chức thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển hoặc các hình thức xã hội hóa phù hợp khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1922/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt đề án "Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1922/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản