Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 31/2005/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 2005 VỀ SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Tiêu chí, danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

2. Việc thành lập mới, tổ chức lại, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty nhà nước đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

3. Việc tổ chức lại, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích.

4. Việc tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và hợp tác xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 3. Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công ích

Sản phẩm, dịch vụ được xác định là sản phẩm, dịch vụ công ích khi đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.

3. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

Điều 4. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích

1. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trong từng thời kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 5. Các phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và nguyên tắc lựa chọn

1. Việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Danh mục A Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này do công ty nhà nước đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (sau đây gọi tắt là công ty quốc phòng, an ninh) thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

2. Việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Danh mục B Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này:

a) Do công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch;

b) Do doanh nghiệp nhà nước không thuộc điểm a khoản 2 Điều này, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã thực hiện theo phương thức đặt hàng.

3. Việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Danh mục C Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

4. Đối với những sản phẩm, dịch vụ công ích có thể thực hiện theo hai phương thức, việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Đấu thầu;

b) Đặt hàng;

c) Giao kế hoạch.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích

1. Đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và hợp tác xã:

a) Thực hiện việc ký kết hợp đồng và hạch toán kinh tế theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ công ích do mình cung ứng;

b) Cung cấp đủ số lượng sản phẩm, dịch vụ công ích, đảm bảo đúng chất lượng, đúng đối tượng và đúng thời gian;

c) Được Nhà nước thanh toán theo giá hoặc phí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

d) Được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của nhà nước.

2. Đối với công ty nhà nước:

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại khoản 1 Điều này, các công ty nhà nước được hưởng các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 19 Luật Doanh nghiệp nhà nước và tại Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Chương 2:

CÔNG TY QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 7. Công ty quốc phòng, an ninh

1. Công ty quốc phòng, an ninh là công ty nhà nước được thiết kế, đầu tư thành lập để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và bảo đảm bí mật quốc gia, do Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

2. Tiêu chí để được công nhận là công ty quốc phòng, an ninh

Công ty quốc phòng, an ninh phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật đối với công ty nhà nước;

b) Được Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch ổn định, thường xuyên sản xuất, cung ứng một hoặc một số sản phẩm, dịch vụ công ích, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Danh mục A Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 8. Thành lập mới công ty quốc phòng, an ninh

Việc thành lập mới công ty quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công ty nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Tùy theo tính chất, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định thành viên Hội đồng thẩm định Đề án thành lập mới công ty quốc phòng, an ninh.

Điều 9. Sắp xếp công ty quốc phòng, an ninh

1. Căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét, quyết định công nhận từng công ty trong số các công ty nhà nước do mình quản lý là công ty quốc phòng, an ninh và sau đó hàng năm xem xét, công nhận lại đối với các công ty đã được công nhận là công ty quốc phòng, an ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

2. Đối với những công ty không được công nhận là công ty quốc phòng, an ninh, thì thực hiện sắp xếp lại theo tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành và theo Đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Việc sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể công ty quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Tổ chức quản lý công ty quốc phòng, an ninh

Công ty quốc phòng, an ninh có cơ cấu tổ chức quản lý gồm: Tổng giám đốc hoặc Giám đốc và bộ máy giúp việc.

Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý quan trọng khác, các chức danh liên quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia trong công ty quốc phòng, an ninh thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều này.

Điều 11. Đặt hàng hoặc giao kế hoạch cho công ty quốc phòng, an ninh

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đặt hàng hoặc giao kế hoạch sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho công ty quốc phòng, an ninh.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của công ty quốc phòng, an ninh

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định này, công ty quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được Nhà nước đầu tư đủ vốn để hình thành tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của công ty để thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh ở công ty khác trong trường hợp cần thiết.

3. Có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc quyền quản lý của công ty khi được cơ quan quyết định thành lập công ty cho phép. Việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản của công ty gắn liền với quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Được sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ngoài kế hoạch được giao, hoạt động kinh doanh bổ sung khi:

a) Được người quyết định thành lập công ty cho phép bằng văn bản;

b) Không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được giao;

c) Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật;

d) Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Hỗ trợ tài chính đối với công ty quốc phòng, an ninh

Trong quá trình hoạt động, ngoài những quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, công ty quốc phòng, an ninh được:

1. Miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất cần thiết được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Cấp kinh phí cho việc duy trì bảo dưỡng, sửa chữa các dây chuyền sản xuất trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ lương cho đội ngũ công nhân lành nghề được xác định trong định biên của dây chuyền sản xuất đó, trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà công ty không có khả năng bù đắp chi phí.

3. Các công ty quốc phòng, an ninh hoạt động tại các địa bàn chiến lược quan trọng, kết hợp kinh tế với quốc phòng được xem xét hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 2 tháng lương thực hiện, trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập 2 quỹ đó.

4. Các công ty quốc phòng, an ninh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn được xem xét hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ giáo dục và kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh viện và trạm xá.

Ngoài ra, các công ty quốc phòng, an ninh đặc biệt và công ty quốc phòng, an ninh hoạt động trên các địa bàn chiến lược, kết hợp kinh tế với quốc phòng được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 14. Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện

1. Công ty quốc phòng, an ninh thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khác của công ty.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ quy định chế độ báo cáo hoạt động của công ty quốc phòng, an ninh; chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, theo dõi và giám sát công ty quốc phòng, an ninh do mình quản lý trong việc thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động sản xuất kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty quốc phòng, an ninh

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với công ty quốc phòng, an ninh do mình quyết định thành lập và được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc công ty quốc phòng, an ninh; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng công ty quốc phòng, an ninh theo đề nghị của Tổng giám đốc, Giám đốc công ty.

Tổng giám đốc, Giám đốc công ty quốc phòng, an ninh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh quản lý khác trong công ty.

Chương 3:

CÔNG TY NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG ÍCH

Điều 16. Công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích

1. Công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích là công ty nhà nước được thiết kế, đầu tư thành lập để thực hiện mục tiêu chủ yếu, thường xuyên và ổn định là sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

2. Công ty nhà nước được công nhận là công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật đối với công ty nhà nước;

b) Được Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch ổn định, thường xuyên sản xuất, cung ứng một hoặc một số sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Danh mục B Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 17. Giao kế hoạch và thanh quyết toán cho công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích

1. Công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch riêng về sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích trong kế hoạch hàng năm của công ty.

Việc tổng hợp, giao kế hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Việc thanh quyết toán sản phẩm, dịch vụ công ích bằng nguồn ngân sách do Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch được thực hiện như sau:

a) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện thanh quyết toán đối với sản phẩm, dịch vụ công ích đặt hàng hoặc giao kế hoạch cho các công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành thực hiện thanh quyết toán đối với sản phẩm, dịch vụ công ích đặt hàng hoặc giao kế hoạch cho các công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích trực thuộc Bộ.

Điều 18. Sắp xếp công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích

1. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định công nhận từng công ty trong số các công ty nhà nước do mình quản lý là công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích và sau đó hàng năm xem xét, công nhận lại đối với các công ty đã được công nhận là công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

2. Đối với những công ty nhà nước không đáp ứng các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này, thì thực hiện sắp xếp lại theo tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành và theo Đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định này, công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được Nhà nước đầu tư đủ vốn để hình thành tài sản phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

2. Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích của công ty để thực hiện mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ở công ty khác trong trường hợp cần thiết.

3. Có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc quyền quản lý của công ty khi được cơ quan quyết định thành lập công ty cho phép. Việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản của công ty gắn liền với quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Được sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích ngoài kế hoạch được giao và hoạt động kinh doanh bổ sung khi:

a) Được người quyết định thành lập công ty cho phép bằng văn bản;

b) Không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ công ích được giao;

c) Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật;

d) Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 56/CP ngày 02 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.

2. Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

PHỤ LỤC

DANH MỤC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG ÍCH
(Ban hành kèm theo Nghị định số31/2005/NĐ-CPngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ)

DANH MỤC A

Các sản phẩm, dịch vụ công ích, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do công ty
quốc phòng, an ninh thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch

1. Sản xuất thuốc nổ phục vụ quốc phòng.

2. Sản xuất hoá chất phục vụ quốc phòng.

3. Sản xuất chất phóng xạ.

4. Sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài; trang thiết bị kỹ thuật cho quốc phòng, an ninh; trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật mật mã.

5. In tài liệu, sách báo chính trị, quân sự chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh.

6. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

DANH MỤC B

Các sản phẩm, dịch vụ công ích do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch

1. In tiền, các chứng chỉ có giá và sản xuất tiền bằng kim loại.

2. Dịch vụ điều hành bay.

3. Dịch vụ bảo đảm hàng hải, bao gồm: hoa tiêu, thông tin duyên hải, bảo đảm an toàn hàng hải.

4. Quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, bao gồm: cầu, đường, nhà ga, thông tin, tín hiệu đường sắt.

5. Quản lý, bảo trì cảng hàng không, bao gồm: đường băng, hệ thống thông tin tín hiệu.

6. Xuất bản sách giáo khoa, sách và tạp chí phục vụ giảng dạy và học tập; xuất bản bản đồ, sách, báo chính trị; xuất bản tạp chí, tranh ảnh, sách báo phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; sản xuất phim thời sự, tài liệu, khoa học, phim cho thiếu nhi.

7. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi có quy mô lớn, bao gồm: công trình thuỷ lợi liên tỉnh, liên huyện; công trình thuỷ nông kè đá lấn biển.

8. Quản lý, duy tu công trình đê điều, công trình phân lũ và các công trình phòng chống thiên tai.

9. Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sinh thái, rừng ngập mặn lấn biển.

10. Sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng, vật nuôi; sản xuất vacxin phòng bệnh.

11. Dịch vụ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

12. Thoát nước đô thị.

13. Chiếu sáng công cộng.

14. Cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

15.Quản lý, bảo trì đường đô thị, đường bộ vùng sâu, vùng xa.

16. Quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa.

17. Hoạt động điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ.

18. Hoạt động khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên.

19. Dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính bắt buộc.

20. Một số lĩnh vực quan trọng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

DANH MỤC C

Các sản phẩm, dịch vụ công ích do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hợp tác xã thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng

1. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi có quy mô vừa và nhỏ.

2. Dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt tại các đô thị.

3. Dịch vụ công cộng: vệ sinh môi trường công cộng; quản lý công viên; trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; quản lý nghĩa trang, hoả táng.

4. Sản xuất phim truyện do nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ.

5. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ.

6. Quản lý, bảo trì bến phà, bến xe quan trọng.

7. Vận chuyển, cung ứng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa.

8. Một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 31/2005/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích

  • Số hiệu: 31/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/03/2005
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 16 đến số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản