Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-CP

Hà nội, ngày 02 tháng 10 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 56-CP NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động công ích là DNNN độc lập hoặc DNNN là thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước, do Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng và theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định, hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận.

Điều 2.- Các DNNN hoạt động công ích nói tại Điều 1 của Nghị định này bao gồm:

1- Các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp tại các địa bàn chiến lược quan trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng.

2. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng khác có ít nhất 70% doanh thu từ các hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Giao thông, công chính đô thị;

b) Quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng: hệ thống đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thuỷ, sân bay, điều hành bay, bảo đảm hàng hải, dẫn dắt tàu ra vào cảng biển; kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ; kiểm tra, kiểm soát và phân phối tần số vô tuyến điện.

c) Khai thác bảo vệ các công trình thuỷ lợi;

d) Sản xuất giống gốc cây trồng, vật nuôi;

đ) Xuất bản và phát hành sách giáo khoa, sách báo chính trị. Sản xuất và phát hành phim thời sự, tài liệu, phim cho thiếu nhi. Sản xuất và cung ứng muối ăn, chiếu bóng phục vụ vùng cao, biên giới, hải đảo. Sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ khác theo chính sách xã hội của Nhà nước.

Điều 3.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các tiêu thức quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị định này để quyết định cho từng doanh nghiệp trong số các DNNN đang hoạt động thuộc ngành, địa phương mình là doanh nghiệp hoạt động công ích.

Điều 4.- Thủ trưởng cơ quan quyết định doanh nghiệp công ích giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm hoặc đặt hàng cho DNNN hoạt động công ích đó.

Doanh nghiệp hoạt động công ích có trách nhiệm sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công cộng theo chỉ tiêu kế hoạch hoặc đặt hàng của Nhà nước.

Điều 5.-

1- DNNN hoạt động công ích mới thành lập được Nhà nước ưu tiên đầu tư đủ vốn ban đầu tương đương với nhiệm vụ công ích được giao.

2- Việc đầu tư vốn bổ sung cho DNNN đang hoạt động tương ứng với nhiệm vụ công ích Nhà nước giao được quy định như sau:

a) Đối với doanh nghiệp hoạt động công ích có lãi, được xét giảm thuế lợi tức để bổ sung vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp doanh nghiệp hoạt động công ích không có nguồn để tự bổ sung, thì được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn.

Điều 6.- Ngoài các hoạt động tạm thời chưa thu thuế doanh thu quy định tại Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu, các hoạt động công ích khác nếu không bù đắp được chi phí sản xuất hoặc chi phí cung ứng dịch vụ thì được xem xét miễn, giảm thuế doanh thu.

Điều 7- DNNN hoạt động công ích phải tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ theo giá, khung giá hoặc thu phí theo quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp được sử dụng các khoản thu nhập này để bù đắp các khoản chi phí theo nguyên tắc sau:

1. Trường hợp các khoản thu không đủ trang trải các khoản chi phí hợp lý thì được Nhà nước hỗ trợ đủ phần chênh lệch và bảo đảm lợi ích vật chất thoả đáng cho người lao động.

2. Trường hợp các khoản thu lớn hơn chi phí thì được xử lý như sau:

a) Các khoản thu được cần phải có chi phí sản xuất hoặc dịch vụ, thì phần thu sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý là lợi nhuận của doanh nghiệp và được phân phối theo quy định hiện hành;

b) Các khoản thu theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định, mà không cần phải có chi phí sản xuất hoặc dịch vụ, thì phần còn lại sau khi trừ các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác theo quy định hiện hành và bảo đảm lợi ích vật chất thoả đáng cho người lao động phải được nộp vào ngân sách Nhà nước.

3. Bộ Tài chính có nhiệm vụ quy định cụ thể việc bảo đảm lợi ích vật chất thoả đáng cho người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng an ninh hoặc sản xuất, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước.

Điều 8.- Việc chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp công ích phải được thủ trưởng cơ quan ký Quyết định thành lập doanh nghiệp công ích đó quyết định, sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 9.- Khi có nhu cầu đầu tư ra ngoài doanh nghiệp hoặc huy động vốn theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp hoạt động công ích phải lập phương án cụ thể gửi cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến trước khi trình thủ trưởng cơ quan ký Quyết định thành lập doanh nghiệp quyết định.

Điều 10.- Doanh nghiệp hoạt động công ích có quyền tổ chức hoạt động kinh doanh thêm phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường với điều kiện:

1. Phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý bằng văn bản.

2. Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ hoạt động công ích Nhà nước đã giao hoặc đặt hàng.

3. Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành.

4. Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh.

5. Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với phần hoạt động kinh doanh thêm theo quy định của pháp luật.

Điều 11.- Thủ tục, trình tự thành lập, tổ chức lại, giải thể DNNN hoạt động công ích theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước. Khi giải thể một doanh nghiệp hoạt động công ích, thủ trưởng cơ quan ký Quyết định giải thể có thể đề nghị thành lập doanh nghiệp hoạt động công ích mới hoặc chuyển nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp bị giải thể sang cho một doanh nghiệp Nhà nước khác thực hiện.

Điều 12.- Việc giải quyết phá sản DNNN hoạt động công ích trong một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng thực hiện theo quy định tại Mục III Nghị định số 189/CP ngày 23 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật phá sản doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng.

Điều 13.- Ngoài những quy định riêng cho DNNN hoạt động công ích tại Luật doanh nghiệp nhà nước và Nghị định này, DNNN hoạt động công ích còn thực hiện các quy định khác của pháp luật đối với DNNN.

Điều 14.- Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh, nếu có hoạt động công ích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, thì được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước tương ứng với phần hàng hoá hoặc dịch vụ phục vụ công ích quy định tại Tiết đ, Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định khác của pháp luật.

Điều 15.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước khác có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 16.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 56-CP năm 1996 về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích

  • Số hiệu: 56-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 02/10/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản