Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2002/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 19/2002/QĐ-BTS NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2002 BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CƠ SỞ CHẾ BIẾN THUỶ SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý môi trường cơ sở chế biến thuỷ sản.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3: Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản; các cơ sở chế biến thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Việt Thắng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CƠ SỞ CHẾ BIẾN THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2002/QĐ-BTS của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ngày 18 tháng 9 năm2002)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng và phạm vi áp dụng

1- Quy chế này quy định các nội dung về quản lý môi trường trong việc lập và duyệt dự án xây dựng cơ sở chế biến thuỷ sản và khi tiến hành các hoạt động chế biến thuỷ sản trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Quy chế này áp dụng cho tất cả các cơ sở chế biến thuỷ sản như: cơ sở sơ chế, bảo quản nguyên liệu thuỷ sản; các cơ sở chế biến thuỷ sản đông lạnh, thuỷ sản đóng hộp, thuỷ sản khô, thuỷ sản ướp muối, hun khói, mắm và các loại mắm; cơ sở chế biến bột cá, thức ăn nuôi thuỷ sản.

Điều 2: Giải thích thuật ngữ

Trong Quy chế này các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1- "Chất thải sản xuất" là các chất rắn, lỏng và khí được thải ra hoặc thoát ra trong quá trình chế biến các sản phẩm thuỷ sản.

2- "Chất thải sinh hoạt" là các chất thải rắn, lỏng thải ra trong quá trình sinh hoạt của con người.

Chương 2:

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CƠ SỞ CHẾ BIẾN THUỶ SẢN

Điều 3: Các yêu cầu về quy hoạch và công nghệ.

1- Các cơ sở chế biến thuỷ sản (dưới đây gọi tắt là cơ sở) khi tiến hành các dự án xây dựng cần phải:

a) Thực hiện việc quy hoạch, bố trí mặt bằng nhà xưởng, thiết bị phù hợp với quy hoạch phát triển thuỷ sản đã được Nhà nước và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

b) Lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở và khu vực xung quanh.

2- Các cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường phải tiến hành nâng cấp nhà xưởng, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn.

Điều 4: Đánh giá tác động môi trường

1- Các dự án đầu tư xây dựng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Thông tư số 490/TT-BKHCNMT ngày 29 tháng 4 năm 1998 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Môi trường về hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư (dưới đây viết tắt là Thông tư số 490), trong đó:

- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở có công suất từ 1000 tấn sản phẩm/năm trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với nội dung theo quy định tại Phụ lục 1.2 Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ (dưới đây viết tắt là Nghị định số 175/CP).

- Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở có công suất nhỏ hơn 1000 tấn sản phẩm/năm phải lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định tại Phụ lục III Thông tư số 490.

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thẩm định theo phân cấp quy định ở Phụ lục II Nghị định số 175/CP.

2- Các cơ sở đang hoạt động (trừ các cơ sở nói tại khoản 3 Điều này) phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo mẫu quy định ở Phụ lục II của Thông tư số1420/Mtg ngày 26 tháng 11 năm 1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động (dưới đây viết tắt là Thông tư số 1420).

3- Các cơ sở nhỏ do địa phương quản lý, các tổ hợp, hợp tác xã chế biến thuỷ sản, các hộ gia đình chế biến thuỷ sản bán buôn ở lẫn trong khu vực dân cư phải có bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường theo mẫu Phụ lục I Thông tư số 1420.

Điều 5: Quản lý chất thải

Trong quá trình hoạt động, các cơ sở phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1- Thu gom, chứa đựng các chất thải rắn sản xuất, chất thải rắn sinh hoạt trong các dụng cụ chứa kín thích hợp, định kỳ chuyển đến cơ sở chế biến bột cá, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, hoặc xử lý tiêu huỷ, chôn lấp ở bãi thải theo quy định của chính quyền địa phương.

2- Thu gom các chất thải lỏng (nước thải) gây ô nhiễm môi trường vào các bể chứa. Các chất thải lỏng phải được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở hoặc của khu vực trước khi thải ra môi trường. Phải thiết kế và xây dựng các bể chứa, hệ thống xử lý nước thải của toàn bộ cơ sở đảm bảo không làm nhiễm bẩn đất, nước ngầm, nước ao hồ và sông ngòi xung quanh.

3- Các chất thải khí gây mùi hôi, độc hại phải được xử lý trước khi thải ra môi trường xung quanh. Các cơ sở chế biến thuỷ sản đông lạnh sử dụng các tác nhân lạnh CFCs phải có kế hoạch thay thế, tiến đến loại trừ việc sử dụng chúng theo lịch trình nêu tại Phụ lục số 1 của Quy chế này.

4- Công nghệ xử lý các chất thải được áp dụng phải bảo đảm các chất thải sau khi được xử lý đáp ứng các yêu cầu quy định tại các tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 5939-1995 "Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ"; TCVN 5945-1995 "nước thải công nghiệp - tiêu chuẩn thải"; các tiêu chuẩn ngành và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 6: Giám sát môi trường

1- Cơ sở phải thực hiện giám sát môi trường phù hợp với nội dung đã đề ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, hoặc thực hiện các dự kiến nêu trong bản Kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường tuỳ thuộc vào loại hình cơ sở tương ứng nêu ở Điều 4 của Quy chế này.

2- Cơ sở phải có tài liệu giám sát môi trường bao gồm: kế hoạch giám sát, các yếu tố cần giám sát, tần suất giám sát, việc sử dụng các hoá chất độc hại; kế hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; kết quả các chỉ tiêu được giám sát; kế hoạch giảm và loại trừ chất CFCs (nếu có) của cơ sở.

3- Cơ sở phải định kỳ lập và gửi tới Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở thuỷ sản hoặc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản bản báo cáo về công tác quản lý môi trường, sự cố môi trường, bao gồm cả tài liệu giám sát môi trường nêu ở khoản 2 Điều này trong vòng 15 ngày đầu của kỳ báo cáo đã được quy định.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 7: Trách nhiệm của cơ sở

1- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định nêu tại Chương II của Quy chế này và các quy định khác có liên quan đến quản lý môi trường cơ sở chế biến thuỷ sản của Bộ Thuỷ sản.

2- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trong quá trình làm việc tại cơ sở.

3- Các cơ sở nói tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Quy chế này phải có cán bộ chuyên trách quản lý môi trường và thành lập bộ phận chuyên môn quản lý môi trường. Cán bộ chuyên trách bảo vệ môi trường của cơ sở phải được qua các lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường do các đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

4- Bảo đảm mọi điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất cũng như kinh phí để thực hiện việc giám sát bảo vệ môi trường.

5- Tổ chức giáo dục nhận thức và ý thức trách nhiệm của những người tham gia hoạt động chế biến thuỷ sản tại cơ sở về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Điều 8: Trách nhiệm của Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Thuỷ sản

1- Tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng chiến lược, chính sách về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản.

2- Cử đại diện tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ sở do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

3- Xây dựng báo cáo hàng năm đánh giá hiện trạng môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản.

4- Quản lý việc nhập công nghệ, thiết bị phục vụ cho lĩnh vực chế biến thuỷ sản, xử lý môi trường, đặc biệt quản lý việc nhập các thiết bị sử dụng các tác nhân lạnh thuộc nhóm CFCs.

Điều 9: Trách nhiệm của Sở Thuỷ sản và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản.

1- Chỉ đạo việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản ở địa phương.

2- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này tại các cơ sở thuộc địa bàn quản lý.

3- Phối hợp với Sở khoa học, công nghệ và môi trường hướng dẫn cơ sở ở địa phương lập hồ sơ xin thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4- Tham gia việc thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ sở; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra về môi trường tại cơ sở do Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì.

5- Định kỳ trong 15 ngày đầu của kỳ 6 tháng lập và gửi về Bộ Thuỷ sản (Vụ Khoa học và công nghệ) báo cáo công tác quản lý môi trường cơ sở chế biến thuỷ sản ở địa phương.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan Nhà nước, cá nhân có hành vi vi phạm Quy chế này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo được hướng dẫn tại Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ.

Điều 11: Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường và các quy định của Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 12: Xử phạt

1- Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 26/CP ngày 24 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Nếu quá trình hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, cơ sở có trách nhiệm bồi thường hoặc khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13: Hướng dẫn thực hiện

Vụ Khoa học công nghệ, các Sở thuỷ sản, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản theo trách nhiệm và quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

Điều 14: Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Mọi sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xem xét và quyết định.

 

 

PHỤ LỤC

Danh mục các chất CFCs sử dụng trong công nghiệp

chế biến thuỷ sản và lịch trình loại bỏ

1- Các chất CFCs bị cấm tiêu thụ từ 1996, các nước đang phát triển có thể xem xét kéo dài thêm, nhưng phải loại trừ 100% trước ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Nhóm

Chất

Tiềm năng suy giảm ô zôn

CFCI3

(CFC-11)

1,0

CF2CL2

(CFC-12)

1,0

C2F3CL3

(CFC-113)

0,8

C2F4CL2

(CFC-114)

1,0

C2F5CL

(CFC-115)

0,6

CF3CL

(CFC-13)

1,0

C2FCl5

(CFC-111)

1,0

C2F2Cl4

(CFC-112)

1,0

C3FCl7

(CFC-211)

1,0

C3F2Cl6

(CFC-212)

1,0

C3F3Cl5

(CFC-213)

1,0

C3F4Cl4

(CFC-214)

1,0

C3F5Cl3

(CFC-215)

1,0

C3F6Cl2

(CFC-216)

1,0

C3F7Cl

(CFC-217)

1,0

2- Hydrocloruafluorocacbon, lộ trình cắt giảm so với lượng tiêu thụ năm 1989 như sau:

- Năm 2004 phải giảm lượng tiêu thụ xuống còn 65%.

- Năm 2010 còn 35%

- Năm 2015 còn 10%

- Năm 2040 cấm tiêu thụ.

Nhóm

Chất

Tiềm năng suy giảm ô zôn

CHFCl2

(HCFC-21)**

0,04

CHF2Cl2

(HCFC-22)**

0,005

CH2FCl

(HCFC-31)

0,02

C2HFCl4

(HCFC-121)

0,01 - 0,04

C2HF2Cl3

(HCFC-122)

0,02 - 0,08

C2HF3Cl2

(HCFC-123)

0,02 – 0,06

CHCl2CF3

(HCFC-123)**

0,02

C2HF4Cl

(HCFC-124)

0,02 - 0,04

CHFClCF3

(HCFC-124)**

0,022

C2H2FCl3

(HCFC-131)

0,007 - 0,05

C2H2F2Cl3

(HCFC-132)

0,008 - 0,05

C2H2F3Cl

(HCFC-133)

0,02 - 0,06

C2H3FCl2

(HCFC-141)

0,005 - 0,07

CH3CFCl2

(HCFC-141b)**

0,11

C2H3F2Cl

(HCFC-142)

0,008 - 0,07

CH3CF2Cl

(HCFC-142b)**

0,065

C2H4FCl

(HCFC-151)

0,003 - 0,005

C3HFCl6

(HCFC-221)

0,015 - 0,07

C3HF2Cl5

(HCFC-222)

0,01 - 0,09

C3HF3Cl4

(HCFC-223)

0,01 - 0,08

C3HF4Cl3

(HCFC-224)

0,01 - 0,09

C3HF5Cl2

(HCFC-225)

0,02 - 0,07

CF3CF2CHCl2

(HCFC-225ca)**

0,025

CF2ClCF2CHClF

(HCFC-225cb) **

0,033

C3HF6Cl

(HCFC-226)

0,02 - 0,10

C3H2Cl5

(HCFC-231)

0,05 - 0,09

C3H2F2Cl4

(HCFC-232)

0,008 - 0,10

C3H2F3Cl3

(HCFC-233)

0,007 - 0,23

C3H2F4Cl2

(HCFC-234)

0,01 - 0,28

C3H2F5Cl

(HCFC-235)

0,03 - 0,52

C3H3FCl4

(HCFC-241)

0,004 - 0,09

C3H3F2Cl3

(HCFC-242)

0,0005 - 0,13

C3H3F3Cl2

(HCFC-243)

0,007 - 0,12

C3H3F4Cl

(HCFC-244)

0,009 - 0,14

C3H4FCl3

(HCFC-251)

0,001 - 0,01

C3H4F2Cl2

(HCFC-252)

0,005 - 0,04

C3H4F3Cl

(HCFC-253)

0,003 - 0,03

C3H5FCl2

(HCFC-261)

0,002 - 0,02

C3H5F2Cl

(HCFC-262)

0,002 - 0,02

C3H6FCl

(HCFC-271)

0,001 - 0,03

** Xác định những chất thường gặp nhất trong thương mại với các giá trị về tiềm năng làm suy giảm tầng ôzôn đã được liệt kê ra dùng cho mục đích của Nghị định thư này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2002/QĐ-BTS về Quy chế quản lý môi trường cơ sở chế biến thủy sản do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 19/2002/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Việt Thắng
  • Ngày công báo: 31/10/2002
  • Số công báo: Số 54
  • Ngày hiệu lực: 03/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản