Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO SẢN XUẤT VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN, QUẢN LÝ CHẶT CHẼ VỀ THU MUA, PHÂN PHỐI, TIÊU DÙNG THỦY SẢN

Bờ biển, sông ngòi và ao hồ, đầm đập, đồng ruộng ở miền Bắc nước ta có một nguồn tài nguyên phong phú về thủy sản.

Thủy sản có một vị trí và tác dụng rất lớn đối với đời sống và nền kinh tế quốc dân, không những là thức ăn có chất đạm cần thiết cho đời sống nhân dân, mà còn là nguyên liệu cần thiết phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, y dược và là vật tư xuất khẩu quan trọng đổi lấy máy móc, thiết bị.

Nhưng việc lãnh đạo sản xuất và chế biến thủy sản, quản lý việc thu mua, phân phối, tiêu dùng thủy sản trong mấy năm qua có nhiều thiếu sót:

1. Sản xuất cá biển phát triển chậm, từ năm 1956 đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí sản xuất năm 1961 có nơi còn thấp hơn năm 1959 – 1960 như Nam Định, Hà Tĩnh… Đặc sản miền biển chưa được chú ý đẩy mạnh khai thác. Sản lượng đánh cá sông hàng năm có tăng lên nhưng còn chậm. Gần đây, phong trào nuôi cá kết hợp với phong trào làm thủy lợi đang có đà phát triển mạnh, nhưng mới chỉ là bước đầu, so với khả năng thì còn rất thấp. Nhiều tỉnh nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ỷ lại nhiều vào cá biển nên việc lãnh đạo nuôi cá còn kém.

2. Việc lãnh đạo sử dụng thủy sản chưa có phương hướng rõ ràng. Ở miền biển, tỷ lệ cá biển để ăn tươi còn quá lớn, chiếm trên 70% tổng sản lượng, trái lại, cá làm chượp chế biến nước mắm phục vụ nhu cầu của toàn dân chỉ chiếm gần 20%; giá trị hàng xuất khẩu năm 1961 là năm cao nhất chỉ bằng 1% so với giá trị tổng sản lượng.

3. Việc chế biến thủy sản tuy có phát triển, nhưng chưa cân đối, ăn khớp với sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm thúc đẩy sản xuất phát triển. Trình độ kỹ thuật chế biến còn thấp, mặt hàng chế biến phát triển ít.

4. Việc quản lý thu mua, nắm nguồn hàng rất kém, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là những vùng sản xuất tập trung, thì có nơi chỉ thu mua được từ 15% - 18% so với sản lượng. Việc quản lý thị trường không chặt chẽ, chưa chú ý đến công tác cải tạo thị trường miền biển, để tiểu thương phát triển ngày càng nhiều làm cho giá cả trên thị trường tăng gấp 2, 3 lần so với giá chỉ đạo.

Những thiếu sót trên đây chẳng những ảnh hưởng không tốt đến đời sống của người làm nghề cá, đến phong trào hợp tác hóa nghề cá, mà còn làm cho tình hình cung cấp và tiêu dùng thủy sản ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn về thực phẩm cho nhân dân, về nguyên liệu cho sản xuất và về vật tư cho xuất khẩu.

Nguyên nhân của tình hình trên đây một phần là do chúng ta còn nhiều khó khăn: công cụ làm nghề cá hiện nay quá lạc hậu và nhỏ bé, trình độ kỹ thuật còn thấp, phong trào hợp tác hóa nghề cá sông còn yếu… Song nguyên nhân chủ yếu là các ngành, các cấp có nhiều thiếu sót về nhận thức tư tưởng, về lãnh đạo chấp hành đường lối, phương châm, chính sách, kế hoạch và về tổ chức chỉ đạo thực hiện:

1. Chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tác dụng của nguồn lợi thủy sản, nên chưa coi trọng đúng mức việc lãnh đạo phát triển và củng cố phong trào hợp tác hóa nghề cá, xây dựng và phát triển lực lượng đánh cá biển, thậm chí có địa phương huy động cả người làm nghề cá biển đi khai hoang và đưa thanh niên miền biển đi làm ở các công trường, nông trường, xí nghiệp…

2.Chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phục vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chưa quán triệt phương châm  về nghề đánh cá biển nêu trong nghị quyết của hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng là “đẩy mạnh là cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi, sắm thêm nhiều “nghề”([1]), đánh cá quanh năm, khai thác đi đôi với bảo dưỡng và phát triển, đánh cá đi đôi với chế biến”, chưa thấm nhuần tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã trong việc lãnh đạo phát triển sản xuất, chế biến thủy sản và tăng tích lũy để thực hiện tái sản xuất mở rộng.

3. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng đắn thủy sản là nguồn thực phẩm chủ yếu không thể thiếu được của toàn dân, nên coi nhẹ việc quản lý phân phối, sử dụng thủy sản và việc quản lý thu mua nắm nguồn hàng, buông lỏng thị trường không quản lý, do đó không khuyến khích sản xuất phát triển, ảnh hưởng xấu đến việc củng cố hợp tác xã, đến việc cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và gây nên tình trạng thị trường bị hỗn loạn. Mặt khác, không nhận rõ, muốn cải thiện đời sống của nhân dân làm nghề cá, của nông dân và tiểu thương, phải dựa trên cơ sở sản xuất phát triển và phải đi vào sản xuất để giải quyết một cách căn bản, lâu dài, chứ không phải bằng con đường đi buôn.

4. Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, công tác giáo dục đối với nhân dân làm nghề cá chưa đầy đủ, phương thức thu mua thông qua hợp đồng kinh tế chưa được mở rộng, công tác kinh doanh chưa gắn liền với việc củng cố, phát triển hợp tác xã và phục vụ sản xuất. Việc phối hợp giữa các ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương chưa được chặt chẽ như giữa ngành thủy sản với các ngành nội thương, lâm nghiệp, ngân hàng. Xác định tính chất công nghiệp của việc khai thác, chế biến thủy sản và của việc sản xuất thuyền lưới không được rõ ràng, do đó quan hệ của ngành thủy sản với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp chưa được rành mạch, dứt khoát. Tổ chức của ngành thủy sản từ trên xuống dưới chưa được kiện toàn.

II

Trong kế hoạch Nhà nước năm 1962, để phục vụ tốt công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về cá, nước mắm, mắm tôm và các hàng thủy sản khác, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu, nhiệm vụ đánh cá, nuôi cá, khai thác các nguồn lợi thủy sản khác, cũng như nhiệm vụ thu mua, chế biến và lãnh đạo việc phân phối, tiêu dùng hàng thủy sản rất nặng nề. Chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1962 về các mặt trên đây cao hơn nhiều so với năm 1961, đòi hỏi phải có sự cố gắng vượt bực của các ngành, các cấp, của nhân dân miền biển và nông dân.

Các Bộ và Tổng cục có liên quan, các Ủy ban hành chính các cấp phải nắm vững những chủ trương và biện pháp sau đây để thi hành cho thống nhất.

1. Lãnh đạo việc củng cố và phát triển hợp tác xã nghề cá đi đôi với phát triển sản xuất và chế biến cá.

a) Phong trào hợp tác hóa nghề cá biển tuy đã căn bản hoàn thành, nhưng trình độ quản lý và việc chấp hành các chính sách trong hợp tác xã còn nhiều mặt non kém. Để giải quyết toàn diện vấn đề này, sẽ có hội nghị chuyên đề. Trước mắt, cần tăng cường giáo dục cho nhân dân làm nghề cá về nhiệm vụ phục vụ công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm, xây dựng hợp tác xã. Đề cao trách nhiệm của hợp tác xã và nhân dân làm nghề cá trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất và nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước. Đi đôi với việc uốn nắn những lệch lạc hiện nay trong tổ chức quản lý hợp tác xã, cần ra sức đào tạo cán bộ, cải tiến quản lý hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất. Phải cố gắng phát triển nhiều ngành, nghề trong hợp tác xã để thu hút phụ nữ và những người còn sức lao động tham gia sản xuất, chế biến cá. Cần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nghề đánh cá sông, củng cố những hợp tác xã đã có.

b) Về sản xuất, phải phát triển toàn diện, kể cả đánh cá nuôi cá, nuôi và khai thác đặc sản, trồng cây công nghiệp phục vụ nghề cá, đóng và sửa chữa thuyền, sản xuất và bảo quản phương tiện, công cụ làm nghề cá, đánh dây đan lưới, đẩy mạnh chế biến cá và các hàng thủy sản khác. Về lực lượng đánh cá biển, phải coi trọng cả lực lượng quốc doanh và hợp tác xã. Hiện nay, sản xuất của hợp tác xã nghề cá còn chiếm đến 94% so với tổng sản lượng, Nhà nước cần có kế hoạch giúp đỡ đúng mức cho các hợp tác xã về vốn, nguyên liệu, công cụ và phương tiện bảo vệ an toàn lao động. Mặt khác, phải tích cực phát triển lực lượng quốc doanh hơn nữa để làm lực lượng nòng cốt trong nghề cá.

Nghề đánh cá sông hiện nay còn thấp kém, cần được chú ý lãnh đạo, giúp đỡ để phát triển sản xuất hơn nữa.

Về nuôi thủy sản, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cần vận động các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân nuôi cá để tiến tới tự túc về cá ăn trong địa phương và cung cấp một phần cho các thành phố và khu công nghiệp. Cần tìm mọi cách phát triển rộng rãi việc nuôi cá trong các thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, cơ quan, trường học, công trường, nông trường, đơn vị bộ đội… ở những nơi có điều kiện nuôi cá nước ngọt để giảm bớt phần cung cấp của Nhà nước. Cơ sở quốc doanh nuôi thủy sản cần được tổ chức ở những vùng mặt nước lớn, mặn, lợ, ngọt, mà hợp tác xã không đủ khả năng.

Phải vận dụng đúng đắn phương châm “đẩy mạnh và cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi, sắm thêm nhiều “nghề”, đánh cá quanh năm…” trước mắt phải bảo đảm sản xuất vụ Nam tốt.

c) Đi đôi với việc phát triển đánh cá, cần hết sức coi trọng ngành công nghiệp chế biến thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Chú ý cải tiến mặt hàng cũ, mở rộng nhiều mặt hàng mới, bảo đảm phẩm chất, vệ sinh. Muốn nâng cao trình độ chế biến và đẩy mạnh việc chế biến, cần phát triển các cơ sở quốc doanh chế biến thủy sản, đồng thời sử dụng tốt lực lượng chế biến của hợp tác xã. Cơ sở quốc doanh chế biến những loại hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, có giá trị lớn; hợp tác xã chế biến những loại hàng đơn giản hơn. Phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mở rộng việc chế biến thủy sản.

- Về chế biến nước mắm: Các cơ sở chế biến quốc doanh và công tư hợp doanh cần được củng cố và mở rộng để bảo đảm nhu cầu nước mắm ngày càng tăng của nhân dân. Nguyên liệu để dùng vào việc chế biến là do lực lượng đánh cá quốc doanh cung cấp và thu mua những hợp tác xã nghề cá. Cần tích cực cải tiến công cụ và nâng cao trình độ kỹ thuật cho các cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh.

Đồng thời cần tận dụng và phát triển lực lượng chế biến của các hợp tác xã, nhất là những hợp tác xã có điều kiện (quy mô phát triển khá lớn, tổ chức vững chắc, có kinh nghiệm và có kỹ thuật chế biến, tổ chức quản lý tốt, nguyên liệu do hợp tác xã sản xuất ra). Phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của quốc doanh về kế hoạch sản xuất và quy cách phẩm chất, vệ sinh. Toàn bộ sản phẩm phải bán cho Nhà nước, hợp tác xã không được tự do bán nước mắm ra thị trường.

- Về chế biến những loại sản phẩm đơn giản, thô sơ, như mắm tôm, cá khô, mực khô, cá muối, mắm ruốc, các loại sứa, hoặc sơ chế rau câu, rau mơ…, quốc doanh chỉ làm một phần, còn chủ yếu dựa vào lực lượng chế biến của hợp tác xã để giải quyết công ăn việc làm cho gia đình xã viên. Cơ quan Thủy sản cần nghiên cứu, hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã cải tiến kỹ thuật chế biến, nâng cao phẩm chất, bảo đảm vệ sinh hàng hóa, và quản lý nguồn hàng, thống nhất việc phân phối.

- Về những loại hàng cần tinh chế, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như chế biến dầu gan cá, cá đóng hộp, ướp đông… để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, nông nghiệp, y dược và để xuất khẩu, thì do cơ sở quốc doanh phụ trách việc chế biến.

2. Lãnh đạo việc sử dụng, thu mua, phân phối và quản lý thị trường hải sản.

a) Sử dụng nguồn lợi thủy sản nói chung.

- Ở các vùng ven biển, cần tiết kiệm ăn tươi hải sản để dành đại bộ phận chế biến nước mắm, mắm tôm, phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, và dành một phần chế biến cá khô cung cấp cho miền núi và các khu công nghiệp.

- Ở các vùng khác, nguồn cá ăn tươi chủ yếu dựa vào việc khai thác cá sông và nuôi cá nước ngọt.

- Đối với các loại đặc sản ở nước mặn, nước ngọt có giá trị kinh tế cao, cố gắng dành toàn bộ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y dược và để xuất khẩu.

Tổng cục Thủy sản và Bộ Nội thương căn cứ vào nhu cầu chung và tình hình cụ thể của từng nơi, thảo luận với các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố quy định một cách hợp lý tỷ lệ cá ăn tươi cho người làm nghề cá và gia đình, tỷ lệ cá cung cấp cho nhân dân miền biển, tỷ lệ dành cá để chế biến…

b) Thu mua, phân phối và quản lý thị trường hải sản.

Để đẩy mạnh sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân làm nghề cá và để phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, Nhà nước cần thực hiện thống nhất quản lý phân phối hàng hải sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Sau khi thu hoạch về, trừ phần để lại tiêu dùng hợp lý và tiết kiệm, các hợp tác xã và người làm nghề cá có nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước theo quy định dưới đây:

- Đối với những loại đặc sản tươi và chế biến, Nhà nước thu mua toàn bộ.

- Đối với tất cả các loại cá dùng cho các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã chế biến, Nhà nước sẽ mua tuyệt đại bộ phận sản phẩm đã chế biến để phục vụ cho nhu cầu chung của trung ương và địa phương. Tổng cục Thủy sản sẽ cùng các Ủy ban hành chính khu, tỉnh có liên quan nghiên cứu kỹ đặc điểm tình hình từng vùng để định tỷ lệ mua cụ thể cho thích hợp. Mặt khác, phải căn cứ vào yêu cầu chung đối với từng loại sản phẩm mà định kế hoạch phân phối số cá mua được cho việc chế biến nước mắm và ăn tươi ở từng địa phương. Đối với những hợp tác xã vừa đánh cá, vừa chế biến nước mắm và cá khô, tỷ lệ và số lượng cá dùng để chế biến do cơ quan thủy sản quy định; sản phẩm chế biến ra phải bán toàn bộ cho Nhà nước, trừ một số tỷ lệ nhất định được giữ lại để tiêu dùng.

- Đối với những loại hải sản phụ như ốc, hến, ngao, sò,… người làm nghề cá được tự sản tự tiêu không hạn chế phạm vi và số lượng.

Đi đôi với chính sách thống nhất quản lý phân phối hàng hải sản, cần phải tổ chức và quản lý chặt chẽ thị trường hải sản để bình ổn vật giá, ổn định thị trường:

Đối với việc lưu thông hàng hải sản tươi và chế biến trên thị trường, tất cả đều phải thông qua màng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa của mậu dịch quốc doanh, của hợp tác xã mua bán, tổ tiểu thương hợp tác được mậu dịch quốc doanh ủy thác hoặc tổ cung tiêu trong hợp tác xã nghề cá. Riêng ở các chợ miền biển, người làm nghề cá được đem phần cá của mình được chia mà không tiêu dùng hết, bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Tiểu thương ở các nơi khác không được đến đó buôn cá đem đi các nơi bán.

Đối với vợ con người làm nghề cá, hiện nay phần lớn họ còn buôn bán cá thì chủ yếu là chuyển dần họ vào sản xuất, chế biến thủy sản, hợp tác xã phải có kế hoạch phát triển nhiều ngành, nhiều nghề để tăng thêm lao động đánh cá, nuôi và khai thác đặc sản, tổ chức những tổ chế biến, chăn nuôi gia súc, sản xuất công cụ làm nghề cá, xe giây, đan lưới, trồng cây có sợi… Ngoài ra, có thể sử dụng một số vào làm việc ở các cơ sở chế biến quốc doanh. Đó là phương hướng cơ bản và lâu dài để giải quyết đời sống cho vợ con những người làm nghề cá. Trong trường hợp còn một số ít người chưa chuyển được qua sản xuất, chế biến, có thể tổ chức thành tổ cung tiêu bán cá của hợp tác xã trên thị trường miền biển, nhưng quốc doanh thủy sản phải lãnh đạo về khu vực bán và giá cả.

Đối với tiểu thương buôn bán hàng hải sản ở miền biển, ở nông thôn và thị trấn:

- Đối với tiểu thương ở các xã miền biển, cần tích cực hướng dẫn, chuyển họ vào sản xuất, chế biến thủy sản, nếu chưa giải quyết hết ngay được, thì tổ chức họ lại để làm đại lý hoặc ủy thác bán hàng thủy sản ở một số thị trường nhất định.

- Đối với tiểu thương ở nông thôn, cần chuyển họ sang sản xuất nông nghiệp, chỉ để lại một số cần thiết để bán hàng thủy sản, nhưng phải do cơ quan thương nghiệp tổ chức và lãnh đạo.

- Đối với tiểu thương ở các thị xã, phải chuyển họ sang sản xuất. Mậu dịch quốc doanh cần tổ chức số tiểu thương còn lại và sử dụng họ vào việc chế biến, vận chuyển, cung cấp…

Các cơ quan, trường học, công trường, bộ đội và các hợp tác xã nông nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành  các thể lệ quản lý thị trường của Nhà nước, không được tự động về các vùng sản xuất mua hàng thủy sản.

c) Biện pháp để thực hiện việc quản lý thu mua hải sản.

 Đi đôi với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho người làm nghề cá là chủ yếu, cần thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế  giữa cơ quan thu mua với các hợp tác xã và người làm nghề cá. Đó là biện pháp rất quan trọng hiện nay để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nghề cá, tăng thu nhập của hợp tác xã, nâng cao đời sống của người làm nghề cá, thắt chặt quan hệ giữa Nhà nước với các hợp tác xã và nhân dân làm nghề cá.

Cơ quan thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan (Nội thương, Lương thực, Lâm nghiệp, Ngân hàng…) thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng kinh tế. Các ngành, các cấp phải lãnh đạo tốt, thường xuyên kiểm tra việc thi hành, kịp thời uốn nắn những lệch lạc xảy ra và có chính sách thưởng, phạt kịp thời.

Trên đây là những chủ trương, biện pháp về thu mua, phân phối và quản lý thị trường áp dụng riêng cho các loại hải sản và các đặc sản ở nước ngọt. Đối với các loại sản phẩm nước ngọt, các cấp, các ngành vẫn thi hành theo đúng những điều đã quy định trong chỉ thị số 52-TTg và thông tư số 53-TTg ngày 10-5-1962 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Tăng cường lãnh đạo, tổ chức thực hiện:

Nội dung công tác của ngành thủy sản bao gồm nhiều tính chất: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp.

Tổng cục Thủy sản phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các ngành có liên quan để phát triển sản xuất, đẩy mạnh việc khai thác, thu mua và quản lý phân phối nguồn lợi thủy sản được tốt.

Các ngành nông nghiệp, thủy lợi, công nghiệp, nội thương, lương thực… có trách nhiệm giúp đỡ phối hợp công tác với ngành thủy sản trong phạm vi chức năng của mình. Các Ủy ban hành chính các cấp cần quán triệt các chủ trương, chính sách, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch. Nhà nước và hết sức coi trọng việc chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với các đơn vị cơ sở. Các Ủy ban hành chính tỉnh và huyện miền biển cần phân công một Ủy viên theo dõi về thủy sản để giúp Ủy ban lãnh đạo, điều hòa phối hợp giữa các ngành và các đoàn thể quần chúng.

Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh miền biển phải củng cố và kiện toàn các Sở, Ty Thủy sản, chú trụng củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác kinh doanh thủy sản, thường xuyên nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ để cán bộ có đủ khả năng phục vụ công tác được tốt.

Thủy sản là nguồn tài nguyên phong phú của nước ta, là nguồn thu nhập khá lớn của nhân dân và Nhà nước. Chúng ta phải ra sức khai thác, sử dụng tốt nguồn tài nguyên đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Nhu cầu về thủy sản ngày càng lớn, các ngành, các cấp phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất và chế biến thủy sản một cách toàn diện, đồng thời phải nắm chặt khâu quản lý phân phối.

Muốn thế, cần phải tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, xã viên hợp tác xã, người làm nghề cá, đồng thời phải tích cực xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật đi đôi với việc phát triển và củng cố phong trào hợp tác hóa nghề cá biển và nghề cá sông.

Nhận được chỉ thị này, các ngành có liên quan ở trung ương và các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố cần nghiên cứu kỹ, đặt kế hoạch thi hành nghiêm chỉnh khẩn trương và thường kỳ báo cáo kết quả về Phủ Thủ tướng.

Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn về biện pháp cụ thể, giúp các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến chỉ thị này một cách khẩn trương, kịp thời và chỉ đạo thực hiện tốt.

Chỉ thị này phổ biến đến cán bộ hợp tác xã nghề cá.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 

 
Lê Thanh Nghị 


([1]) “Nghề” là công cụ đánh cá biển theo tiếng gọi thông thường của đồng bào đánh cá.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 63-TTg năm 1962 về việc tăng cường lãnh đạo sản xuất và chế biến thủy sản, quản lý chặt chẽ về thu mua, phân phối, tiêu dùng thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 63-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/06/1962
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 23/06/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản