Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1896/QĐ-BKHĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2017
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Điều 2. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Bộ Quốc Phòng, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Bộ Công an, các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng phương án quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và Trưởng ban các Ban Chỉ đạo có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔNG ĐIỀU TRA
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đáp ứng các mục đích sau:
Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương;
Hai là, tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2016 theo Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia;
Ba là, bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành Thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.
(1) Thu thập, tổng hợp và công bố các số liệu có độ tin cậy cao, đầy đủ các nội dung điều tra theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tính kế thừa và so sánh với Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;
(2) Nội dung điều tra phản ánh xác thực tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu tổng hợp số liệu thống kê chính thức năm 2016;
(3) Giảm số lượng các cuộc điều tra thống kê, tránh trùng chéo trong hoạt động thống kê năm 2017;
(4) Thông tin đầu ra phong phú, chi tiết theo ngành, vùng kinh tế và địa phương; cách thức công bố đa dạng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng thông tin;
(5) Khắc phục những hạn chế về nghiệp vụ và tổ chức thực hiện của các lần Tổng điều tra trước, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA
1. Đối tượng, đơn vị Điều tra: các cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi loại hình kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, thỏa mãn cả ba điều kiện sau đây:
- Có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế;
- Có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp;
- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh.
Riêng các cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ sở tạm ngừng SXKD theo thời vụ hoặc để đầu tư mở rộng quy mô SXKD, đổi mới công nghệ, sửa chữa, chuyển đổi mô hình pháp lý hoặc tổ chức, chờ sáp nhập, giải thể…nhưng bộ phận quản lý đang hoạt động, có thể trả lời thông tin trên phiếu vẫn là các đơn vị điều tra.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 không bao gồm các đối tượng:
- Các hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đã điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016);
- Các đoàn ngoại giao, Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Các đơn vị điều tra của Tổng điều tra được chia thành 4 khối:
a) Khối doanh nghiệp: Gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể gồm:
(1). Doanh nghiệp không có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác (các cuộc Tổng điều tra trước gọi là doanh nghiệp đơn) là doanh nghiệp chỉ có một địa điểm cố định duy nhất để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh;
(2). Doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác với trụ sở chính, cụ thể:
- Trụ sở chính của doanh nghiệp: Là nơi điều hành chung hoạt động của toàn doanh nghiệp. Trụ sở chính chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có ít nhất 01 cơ sở trực thuộc đóng ở địa điểm khác;
- Cơ sở trực thuộc doanh nghiệp: Là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, địa điểm sản xuất kinh doanh nằm ngoài trụ sở chính hoặc cùng địa điểm với trụ sở chính nhưng hạch toán riêng như: hầm mỏ, nhà ga, nhà máy, xưởng sản xuất, cửa hàng.
(3) Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam.
(4) Tập đoàn, Tổng công ty:
- Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có hoạt động hạch toán toàn ngành thuộc các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, điện lực, bảo hiểm, hàng không, đường sắt, ngân hàng có nhiều đơn vị chi nhánh đóng trên phạm vi cả nước, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tổ chức điều tra khối văn phòng và các đơn vị hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tiến hành thu thập thông tin đối với các doanh nghiệp hạch toán độc lập, trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty này có địa điểm đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Danh sách các tập đoàn, tổng công ty nêu tại Phụ lục 1)
- Đối với các tập đoàn, tổng công ty còn lại ngoài danh sách nêu tại Phụ lục 1, các Cục Thống kê tổ chức điều tra. Đơn vị điều tra là: (1) văn phòng tập đoàn, tổng công ty (báo cáo phần hoạt động của văn phòng tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị hạch toán phụ thuộc vào văn phòng tập đoàn, tổng công ty) và (2) các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty hạch toán độc lập.
Các tập đoàn, tổng công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con: Đơn vị điều tra là công ty mẹ và các công ty thành viên là công ty con hạch toán kinh tế độc lập.
Trong năm 2017, các đơn vị điều tra là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các phiếu điều tra ban hành theo phương án này, không phải thực hiện kỳ báo cáo chính thức năm 2016 theo quy định của Chế độ báo cáo thống kê định kỳ áp dụng cho DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ban hành theo Quyết định số 77/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 04/2011/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Khối hành chính, sự nghiệp: Gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, hội, các cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, có sử dụng con dấu và tài khoản riêng, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể gồm các loại đơn vị điều tra sau:
(1) Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, ở các cấp từ Trung ương đến địa phương;
(2) Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
(3) Các đơn vị sự nghiệp;
(4) Các cơ sở trực thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (kể cả các cơ sở trực thuộc, hoạt động SXKD nhưng chưa hoặc không đăng ký thành lập doanh nghiệp, ví dụ: nhà khách, nhà nghỉ, trung tâm tổ chức hội nghị, xưởng in, cửa hàng bán lẻ hàng hóa…);
(5) Các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
c) Khối cá thể: Gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cụ thể là cơ sở SXKD thuộc sở hữu của một người, một nhóm người hoặc một gia đình, chưa đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (trừ các cơ sở thuộc ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đã được điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016);
Riêng cơ sở SXKD cá thể ngành xây dựng, do đặc thù của hoạt động này và mục tiêu thống kê số lượng cơ sở, quy định: cơ sở SXKD cá thể xây dựng là đội/tổ/nhóm cá thể (gọi chung là đội xây dựng cá thể) do một người đứng ra làm đội trưởng (hay còn gọi là chủ/cai thầu xây dựng) thực hiện nhận thầu và tiến hành xây dựng mới, lắp đặt thiết bị, sửa chữa công trình xây dựng; được xác định theo tên và địa chỉ thường trú của chủ cơ sở (đội trưởng hay còn gọi là chủ/cai thầu xây dựng). Số lượng đơn vị cơ sở tính theo số lượng đội trưởng; không xác định số lượng cơ sở theo số lượng công trình mà đội trưởng đang tiến hành xây dựng. Như vậy, trường hợp đội trưởng xây dựng cùng một thời điểm nhận nhiều công trình xây dựng, vẫn chỉ tính là một cơ sở.
d) Khối tôn giáo: Gồm các cơ sở thuộc các loại tôn giáo được nhà nước công nhận, các cơ sở tín ngưỡng. Cụ thể gồm các loại đơn vị điều tra sau:
(1) Cơ sở tôn giáo: Là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận như: chùa, tu viện, thiền viện, tịnh xá, niệm phật đường, nhà thờ, nhà xứ, nhà thờ họ công giáo, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trường đào tạo riêng của tôn giáo…;
(2) Cơ sở tín ngưỡng: Là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Trong cuộc Tổng điều tra này chỉ bao gồm các cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, phủ, miếu, am. Loại trừ: các cơ sở tín ngưỡng là từ đường, nhà thờ họ (của một dòng họ hoặc gia đình, không diễn ra các hoạt động thăm viếng, tín ngưỡng mang tính cộng đồng).
Cuộc Tổng điều tra thực hiện điều tra toàn bộ trên phạm vi cả nước đối với các loại đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, các ngành kinh tế từ ngành A đến ngành U theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2007 (VSIC 2007), cụ thể là:
- Ngành A: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chỉ điều tra các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các cơ sở thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản);
- Ngành B: Khai khoáng;
- Ngành C: Công nghiệp chế biến, chế tạo;
- Ngành D: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí;
- Ngành E: Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải;
- Ngành F: Xây dựng;
- Ngành G: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
- Ngành H: Vận tải kho bãi;
- Ngành I: Dịch vụ lưu trú và ăn uống;
- Ngành J: Thông tin và truyền thông;
- Ngành K: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm;
- Ngành L: Hoạt động kinh doanh bất động sản;
- Ngành M: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ;
- Ngành N: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ;
- Ngành O: Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc;
- Ngành P: Giáo dục và đào tạo;
- Ngành Q: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội;
- Ngành R: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí;
- Ngành S: Hoạt động dịch vụ khác;
- Ngành U: Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế.
Tổng Điều tra kinh tế năm 2017 thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.
1. Điều tra toàn bộ: Thực hiện đối với các đối tượng, đơn vị điều tra nhằm thu thập những thông tin cơ bản.
2. Điều tra chọn mẫu: Thực hiện đối với các đối tượng, đơn vị điều tra được chọn nhằm thu thập một số thông tin chi tiết cho từng loại đơn vị điều tra. Số lượng, phương pháp và quy trình chọn mẫu được quy định riêng cho từng loại đơn vị điều tra.
a) Chọn mẫu điều tra các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương) chọn các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để điều tra thu thập thông tin về sử dụng công nghệ trong sản xuất theo phiếu số 1Am/TĐTKT- KH. Danh sách các doanh nghiệp điều tra mẫu được Ban Chỉ đạo Trung ương gửi cho các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế cấp tỉnh (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) để thực hiện thu thập số liệu.
b) Chọn mẫu điều tra khối cá thể
Một số cơ sở SXKD cá thể được chọn vào mẫu điều tra để thu thập thông tin chi tiết về kết quả SXKD theo chuyên ngành. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lập danh sách toàn bộ cơ sở và nhập tin trước ngày 15/6/2017 để sử dụng làm dàn chọn mẫu. Phương pháp và cách thức chọn mẫu quy định tương tự như Điều tra cơ sở SXKD cá thể năm 2016.
Việc chọn mẫu do các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương bằng phần mềm thống nhất toàn quốc.
c) Chọn mẫu điều tra khối hành chính, sự nghiệp
Một số cơ sở hành chính, sự nghiệp được chọn vào mẫu điều tra thu thập thông tin chi tiết về thu, chi theo khoản mục, tài sản cố định. Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh sử dụng danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, cập nhật những thay đổi để làm dàn chọn mẫu, thực hiện chọn mẫu theo hướng dẫn trên cơ sở ngành kinh tế cấp 2 (VSIC 2007), gửi danh sách mẫu cho Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp thu thập thông tin.
(Chi tiết Quy trình chọn mẫu cơ sở SXKD cá thể và cơ sở hành chính, sự nghiệp quy định tại Phụ lục 2).
IV. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP TỔNG ĐIỀU TRA
1. Thời điểm, thời kỳ tổng Điều tra
a) Thời điểm Tổng điều tra:
- Khối doanh nghiệp và hành chính, sự nghiệp: ngày 01/3/2017;
- Khối cá thể và khối tôn giáo: ngày 01/7/2017.
b) Thời kỳ Tổng điều tra: những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin theo số phát sinh trong năm 2016 hoặc các tháng năm 2017 tùy theo từng chỉ tiêu và đơn vị điều tra, được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.
2. Thời gian chuẩn bị và thu thập thông tin tại địa bàn
- Đối với khối doanh nghiệp: chuẩn bị thu thập thông tin trong 15 ngày, từ ngày 01 đến 15/3/2017. Tiến hành thu thập thông tin trong 75 ngày, từ ngày 15/3 đến 31/5/2017;
- Đối với khối hành chính, sự nghiệp: chuẩn bị thu thập thông tin trong 30 ngày, từ ngày 01 đến 31/03/2017. Tiến hành thu thập thông tin trong 60 ngày, từ ngày 01/4 đến 31/5/2017;
- Đối với khối cá thể, tôn giáo: chuẩn bị thu thập thông tin trong 10 ngày, từ ngày 20 đến 30/6/2017. Tiến hành thu thập thông tin trong 30 ngày, từ ngày 01 đến 30/7/2017.
a) Áp dụng kết hợp phương pháp phỏng vấn trực tiếp và phương pháp gián tiếp tùy theo từng loại đơn vị điều tra:
- Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp và khối hành chính, sự nghiệp: căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, kết hợp sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp (điều tra viên đến đơn vị điều tra, hỏi thông tin và ghi vào phiếu) và phương pháp gián tiếp (cơ quan Thống kê mời đại diện đơn vị điều tra tham dự tập huấn để nghe hướng dẫn ghi phiếu điều tra hoặc điều tra viên gửi phiếu đến đơn vị điều tra, hướng dẫn ghi phiếu trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin, hẹn ngày gửi trả phiếu đã điền thông tin cho cơ quan thống kê).
- Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối cá thể và tôn giáo: áp dụng thống nhất phương pháp phỏng vấn trực tiếp.
b) Người cung cấp thông tin ở từng khối đơn vị điều tra như sau:
- Khối doanh nghiệp: Là lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo phòng kế toán, phòng nhân sự và các phòng ban liên quan;
- Khối hành chính, sự nghiệp: Là lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo văn phòng cơ quan, bộ phận tổ chức, nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin; người quản lý hoặc người phụ trách cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp;
- Khối cá thể và tôn giáo: Là chủ cơ sở hoặc người quản lý cơ sở, người bán hàng nếu người đó có thể trả lời đầy đủ, chính xác các thông tin trong phiếu điều tra.
Nội dung điều tra bao gồm 06 nhóm thông tin sau:
(1) Nhóm thông tin chung về cơ sở: thông tin định danh của cơ sở, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh, loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, cơ sở...;
(2) Nhóm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu cơ sở; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động;
(3) Nhóm thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn, kết quả, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư thực hiện; tiêu dùng năng lượng; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2010;
(4) Nhóm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng máy tính, mạng internet cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động mua, bán hàng hóa, kinh doanh qua mạng internet;
(5) Nhóm thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp: mục tiêu, kết quả tiếp cận và lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn;
(6) Nhóm thông tin chuyên đề về doanh nghiệp: đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu với nước ngoài.
Các nhóm thông tin cần điều tra được thu thập theo 41 loại phiếu điều tra:
a) Khối doanh nghiệp: Áp dụng 22 loại phiếu
- Phiếu số 1A/TĐTKT-DN: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp - Áp dụng cho các DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên trực thuộc;
- Phiếu 1A.1/TĐTKT-HTX: Kết quả hoạt động của hợp tác xã - Áp dụng cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;
- Phiếu số 1A.2/TĐTKT-CN: Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động công nghiệp;
- Phiếu số 1A.2m/TĐTKT-DVGC: Kết quả hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài - Áp dụng cho doanh nghiệp có thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa với nước ngoài;
- Phiếu số 1A.3/TĐTKT-XD: Kết quả hoạt động xây dựng - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động xây dựng;
- Phiếu số 1A.4/TĐTKT-TN: Kết quả hoạt động thương nghiệp - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
- Phiếu số 1A.5.1/TĐTKT-VT: Kết quả hoạt động vận tải, bưu chính, chuyển phát - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động vận tải, bưu chính, chuyển phát;
- Phiếu số 1A.5.2/TĐTKT-KB: Kết quả hoạt động kho bãi, bốc xếp, hỗ trợ vận tải - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động kho bãi, bốc xếp, hỗ trợ vận tải;
- Phiếu số 1A.6.1/TĐTKT-LTAU: Kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống;
- Phiếu số 1A.6.2/TĐTKT-DL: Kết quả hoạt động dịch vụ du lịch lữ hành - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch;
- Phiếu số 1A.7.1/ĐTDN-TC: Kết quả hoạt động dịch vụ tài chính và hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính - Áp dụng cho các doanh nghiệp/cơ sở thuộc các tổ chức tín dụng; ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân,...;
- Phiếu số 1A.7.2/ĐTDN-XNKNH: Hoạt động xuất, nhập khẩu dịch vụ của ngân hàng, tổ chức tín dụng - Áp dụng cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có hoạt động xuất, nhập khẩu dịch vụ;
- Phiếu số 1A.8/ĐTDN-BH: Kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và môi giới bảo hiểm - Áp dụng cho các doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động kinh doanh bảo hiểm và môi giới bảo hiểm;
- Phiếu số 1A.9.1/TĐTKT-BĐS: Kết quả hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động kinh doanh, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất;
- Phiếu số 1A.9.2/TĐTKT-TT: Kết quả hoạt động dịch vụ thông tin và truyền thông - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động: xuất bản, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, viễn thông, lập trình, tư vấn, dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính và thông tin;
- Phiếu số 1A.9.3/TĐTKT-DVK: Kết quả hoạt động dịch vụ khác - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động dịch vụ chuyên môn, khoa học, hành chính hỗ trợ, nghệ thuật vui chơi giải trí và dịch vụ khác;
- Phiếu số 1A.9.4/TĐTKT-YT: Kết quả hoạt động dịch vụ y tế - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động khám, chữa bệnh;
- Phiếu số 1A.9.5/TĐTKT-GD: Kết quả hoạt động dịch vụ giáo dục - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động giáo dục, đào tạo;
- Phiếu số 1A.10/TĐTKT-RT: Kết quả hoạt động thu gom và xử lý rác thải, nước thải - Áp dụng cho doanh nghiệp đơn/cơ sở trực thuộc có hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nước thải;
- Phiếu 1Am/TĐTKT-KH: Phiếu thu thập thông tin về sử dụng công nghệ trong sản xuất - Áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra;
- Phiếu 1C/TĐTKT-ĐT: Phiếu thu thập thông tin áp dụng cho các doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào sản xuất kinh doanh;
- Phiếu 1D/TĐTKT-CS: Phiếu thu thập thông tin về trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh/văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài - Áp dụng cho văn phòng trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài.
Mỗi doanh nghiệp đang hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động để mở rộng SXKD, chờ sáp nhập, giải thể thực hiện một số loại phiếu điều tra, cụ thể như sau:
- Phiếu 1A/TĐTKT-DN để ghi thông tin về hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp (lưu ý: không bao gồm thông tin của cơ sở trực thuộc thiết lập ở nước ngoài);
- Một hoặc một số loại phiếu chuyên ngành từ Phiếu 1A.2/TĐTKT-CN đến Phiếu 1A.9.5/TĐTKT-GD tùy số lượng cơ sở trực thuộc và thực tế ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc thực hiện hoạt động nào thì ghi thông tin vào phiếu tương ứng với hoạt động đó;
- Phiếu 1Am/TĐTKT-KH nếu là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra;
- Phiếu 1D/TĐTKT-CS nếu doanh nghiệp có văn phòng trụ sở chính chỉ thực hiện hoạt động quản lý và ít nhất một cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác với văn phòng trụ sở chính.
Đối với các doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc, đơn vị ghi thông tin vào phiếu điều tra là trụ sở chính, nơi đặt bộ máy điều hành toàn doanh nghiệp. Số liệu tổng doanh thu, chi phí, lao động… của các cơ sở trực thuộc và văn phòng trụ sở chính phải bằng số liệu ghi cho toàn doanh nghiệp.
b) Khối cá thể: Áp dụng 5 loại phiếu
- Phiếu 2/TĐTKT-CT: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở SXKD cá thể - Áp dụng cho cơ sở không thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả SXKD;
- Phiếu 2A/TĐTKT-CN: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở SXKD cá thể hoạt động công nghiệp - Áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả sản xuất công nghiệp;
- Phiếu 2B/TĐTKT-VT: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD cá thể hoạt động vận tải, kho bãi - Áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi;
- Phiếu 2C/TĐTKT-TN: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD cá thể hoạt động thương mại - Áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả kinh doanh bán buôn, bán lẻ hàng hóa, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;
- Phiếu 2D/TĐTKT-DV: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD cá thể hoạt động dịch vụ - Áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả kinh doanh dịch vụ.
Mỗi cơ sở SXKD cá thể thực hiện một trong 05 loại phiếu điều tra nêu trên.
c) Khối hành chính, sự nghiệp: Áp dụng 13 loại phiếu
Mỗi cơ sở thuộc khối hành chính, sự nghiệp và cơ sở trực thuộc Thực hiện một trong 13 loại phiếu sau:
- Phiếu 3A/TĐTKT-NN: Phiếu thu thập thông tin về cơ quan Đảng, Nhà nước - Áp dụng cho các cơ quan thuộc Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Am/TĐTKT-NN: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ quan Đảng, Nhà nước - Áp dụng cho các cơ quan thuộc Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các tổ chức chính trị - xã hội, thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3S/TĐTKT-SN: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở sự nghiệp (trừ cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông) - Áp dụng cho các cơ sở sự nghiệp không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Sm/TĐTKT-SN: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ sở sự nghiệp (trừ cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông) - Áp dụng cho các cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Y/TĐTKT-YT: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở y tế - Áp dụng cho các cơ sở y tế không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Ym/TĐTKT-YT: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ sở y tế - Áp dụng cho các cơ sở y tế thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3G/TĐTKT-GD: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở giáo dục, đào tạo - Áp dụng cho các cơ sở giáo dục đào tạo không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Gm/TĐTKT-GD: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ sở giáo dục, đào tạo - Áp dụng cho các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3V/TĐTKT-VH: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao - Áp dụng cho các cơ sở văn hóa, thể thao, du lịch không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Vm/TĐTKT-VH: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ sở văn hóa, thể thao - Áp dụng cho các cơ sở văn hóa, thể thao, du lịch thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3T/TĐTKT-TT: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở hoạt động thông tin, truyền thông - Áp dụng cho các cơ sở thông tin, truyền thông không thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3Tm/TĐTKT-TT: Phiếu thu thập thông tin điều tra mẫu về cơ sở thông tin, truyền thông - Áp dụng cho các cơ sở thông tin, truyền thông thuộc danh sách điều tra mẫu thu/chi;
- Phiếu 3H/TĐTKT-HH: Phiếu thu thập thông tin về hội, hiệp hội và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài - Áp dụng cho các hội, hiệp hội và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
Mỗi cơ sở thuộc khối hành chính, sự nghiệp thực hiện một trong 13 loại phiếu điều tra nêu trên.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp không thành lập doanh nghiệp, ngoài phiếu 3A hoặc 3S còn phải thực hiện thêm phiếu chuyên ngành (mẫu phiếu áp dụng cho doanh nghiệp) tương ứng với hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở đó. Ví dụ: Nhà khách của Bộ, Ngành, có kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thực hiện thêm phiếu 1A.6.1/TĐTKT-LTAU: Kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống; Đơn vị sự nghiệp giao thông có thực hiện dịch vụ vận tải và hỗ trợ vận tải (như vận tải xe buýt, cảng vụ…phải thực hiện thêm phiếu 1A.5.1/TĐTKT-VT hoặc phiếu 1A.5.2/TĐTKT-KB
d) Khối tôn giáo: Áp dụng 01 loại phiếu
- Phiếu 4/TĐTKT-TG: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Nội dung các phiếu điều tra và hướng dẫn, giải thích cách ghi phiếu ban hành kèm theo phương án
VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG TRONG TỔNG ĐIỀU TRA
Tổng Điều tra kinh tế năm 2017 sử dụng các phân loại thống kê sau:
1. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 01 năm 2007 và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007;
2. Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 5 năm 2010 và Thông tư số 19/2010/TT-BKH ngày 19 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định nội dung Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (chi tiết thêm đến mã 8 chữ số, đã sử dụng trong điều tra doanh nghiệp năm 2016);
3. Danh mục các đơn vị hành chính ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, được cập nhật theo danh sách các đơn vị hành chính cấp xã đến thời điểm điều tra;
4. Danh mục các dân tộc Việt Nam (sử dụng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009);
5. Danh mục nước và vùng lãnh thổ ban hành kèm theo phương án này.
VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ VÀ BIỂU ĐẦU RA CỦA TỔNG ĐIỀU TRA
Các phiếu Điều tra sau khi được nghiệm thu sẽ được nhập tin bằng bàn phím tại các Cục Thống kê theo chương trình phần mềm thống nhất trên toàn quốc.
Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các đơn vị tin học trong ngành xây dựng, hướng dẫn chương trình phần mềm nhập tin, xử lý, tổng hợp cho các địa phương, Bộ, Ngành, Tập đoàn, Tổng công ty.
Thông tin của các đơn vị điều tra thuộc ngành quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhập tin, xử lý, tổng hợp theo chương trình phần mềm chung do Ban Chỉ đạo Trung ương cung cấp, sau đó chuyển kết quả cho Tổng cục Thống kê - cơ quan thường trực Tổng điều tra để tổng hợp vào số liệu chung của cả nước.
2. Biểu đầu ra của Tổng điều tra
Thông tin Tổng điều tra sau khi xử lý sẽ được tổng hợp theo các hệ biểu đầu ra vi mô, vĩ mô phục vụ yêu cầu kiểm tra, xử lý, tổng hợp, công bố ở từng cấp quản lý và theo từng loại số liệu:
- Hệ biểu đầu ra phục vụ yêu cầu tổng hợp số liệu nhanh ở các cấp;
- Hệ biểu đầu ra phục vụ yêu cầu tổng hợp số liệu sơ bộ ở các cấp;
- Hệ biểu đầu ra phục vụ yêu cầu tổng hợp số liệu chính thức ở các cấp;
- Hệ biểu đầu ra phục vụ yêu cầu tổng hợp số liệu theo chuyên đề.
Thông tin về kết quả Tổng điều tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố theo quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ công bố kết quả Tổng điều tra ở địa phương mình theo đúng kết quả do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố.
Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12 năm 2017. Kết quả chính thức công bố vào quý III năm 2018.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp
a) Cấp Trung ương
- Ban Chỉ đạo Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban thường trực, 01 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách công tác thống kê thương mại, dịch vụ làm Ủy viên thường trực; Đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) là đơn vị đầu mối thực hiện Tổng điều tra làm Ủy viên.
Ban Chỉ đạo Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra theo đúng kế hoạch, nội dung và phương án Tổng điều tra.
- Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương (sau đây gọi là Tổ thường trực Trung ương) là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức chỉ đạo Tổng điều tra, có trụ sở đặt tại Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) với các số máy liên hệ là: (04) 38435454, (04) 37343796, (04) 37343797, (04) 38463461 hoặc các số máy điện thoại được phân công trả lời từng nhóm nội dung của Tổng điều tra. Địa chỉ hộp thư điện tử: thuongmai@gso.gov.vn.
(Ban Chỉ đạo Trung ương gửi phân công nhiệm vụ trả lời các nhóm nội dung của từng thành viên Tổ thường trực Trung ương cho Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Công an và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để phối hợp trong quá trình triển khai Tổng điều tra).
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Cuộc Tổng điều tra được tổ chức thực hiện theo các cấp hành chính. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của hai ngành hoạt động quản lý Nhà nước về quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thành lập riêng hai Ban chỉ đạo Tổng điều tra, triển khai điều tra riêng theo sự chỉ đạo ngành dọc từ trung ương đến địa phương của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhưng thống nhất với nội dung phương án Tổng điều tra của cả nước.
Tổ Thường trực Tổng điều tra của mỗi Bộ là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo TĐT của mỗi Bộ để tổ chức triển khai Tổng điều tra.
c) Các cơ quan Đảng, Nhà nước khác ở cấp Trung ương
Mỗi cơ quan Đảng, Nhà nước (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), đơn vị sự nghiệp, đoàn thể ở cấp Trung ương thành lập Tổ công tác để lập danh sách và tổ chức thu thập thông tin đối với các đơn vị trực thuộc cấp Trung ương theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Các cơ sở trực thuộc của cơ quan Nhà nước tổ chức theo ngành dọc ở cấp địa phương do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức điều tra.
d) Cấp địa phương
Ban Chỉ đạo TĐT và Tổ Thường trực các cấp ở địa phương được thành lập theo quy định tại Công văn số 7509/BKHĐT-TCTK ngày 15/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chuẩn bị Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Ban Chỉ đạo TĐT các cấp ở địa phương có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương; đồng thời tham mưu về chủ trương, giải pháp để hỗ trợ các cấp, các ngành trong Tổng điều tra.
2. Lập và tổng hợp danh sách các đơn vị điều tra
a) Khối doanh nghiệp
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện rà soát danh sách doanh nghiệp theo Quyết định số 1879/QĐ-BKHĐT ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp như trung tâm thương mại, các tòa nhà đa năng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì giao cho các Ban quản lý những khu vực đó phối hợp triển khai rà soát, lập danh sách doanh nghiệp và phối hợp thu thập thông tin.
Kết quả rà soát danh sách doanh nghiệp được thống nhất giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và cơ quan thống kê theo tình trạng hoạt động:
- Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động;
- Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh nhưng đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động;
- Doanh nghiệp chờ giải thể;
- Doanh nghiệp không tìm thấy hoặc không xác minh được;
- Doanh nghiệp thuộc đối tượng khác.
Thời hạn: Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh hoàn thành rà soát danh sách khối doanh nghiệp và báo cáo về Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 25/02/2017.
Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo TĐT Bộ Công an lập danh sách các doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp do Bộ quản lý và sẽ thực hiện điều tra, gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 25/02/2017.
b) Khối cá thể
(1) Quy định địa bàn điều tra: Đối với khối cá thể là xã, phường, thị trấn.
Các khu vực tập trung nhiều cơ sở SXKD cá thể như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì mỗi khu vực này là một địa bàn điều tra riêng và giao cho các Ban quản lý những khu vực đó lập danh sách, phối hợp triển khai thu thập thông tin.
Ban Chỉ đạo TĐT các cấp căn cứ vào hướng dẫn và tình hình thực tế để phân chia số lượng địa bàn điều tra cho mỗi điều tra viên, giám sát viên cho phù hợp.
(2) Thực hiện lập danh sách các cơ sở SXKD cá thể theo hai loại:
- Danh sách các cơ sở SXKD có địa điểm cố định;
- Danh sách các cơ sở SXKD có địa điểm không ổn định.
Lập danh sách cơ sở SXKD cá thể hoàn thành trước 20/6/2017.
(Quy trình lập danh sách đơn vị điều tra, mẫu bảng kê và biểu tổng hợp danh sách cơ sở SXKD cá thể quy định tại Phụ lục 3.)
c) Khối hành chính, sự nghiệp Trung ương
Lập danh sách các đơn vị điều tra thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Trung ương, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam do Tổ công tác của mỗi cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, hoàn thành và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/3/2017.
(Danh sách và hướng dẫn thực hiện lập danh sách cơ sở trực thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước khối Trung ương quy định tại Phụ lục 4.)
d) Khối hành chính, sự nghiệp địa phương
(1) Danh sách nền
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức lập cho từng địa bàn/đơn vị điều tra dựa trên các nguồn:
- Danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp tính đến thời điểm 31/12/2016 do Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế cung cấp;
- Danh sách cơ sở hành chính, sự nghiệp từ kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 của Tổng cục Thống kê;
- Danh sách các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo trên địa bàn do ngành y tế, giáo dục đào tạo cấp giấy phép hoạt động;
- Danh sách các cơ sở văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn do ngành văn hóa, thể thao, du lịch cấp giấy phép hoạt động;
- Danh sách các cơ sở thông tin, truyền thông trên địa bàn do ngành thông tin, truyền thông cấp giấy phép hoạt động;
- Các nguồn khác: tham khảo thêm các nguồn tài liệu từ Niên giám hành chính của tỉnh/thành phố...
(2) Lập danh sách thực tế
Danh sách thực tế là bảng kê các đơn vị điều tra được điều tra viên lập tại địa bàn điều tra. Điều tra viên lập danh sách thực tế phải nắm chắc danh sách nền trên địa bàn được phân công, tìm hiểu địa bàn được phân công, trực tiếp đến từng cơ sở để gặp chủ cơ sở hoặc người quản lý, hỏi và ghi chép vào bảng kê danh sách cơ sở theo đúng mẫu biểu quy định. Cách đi liệt kê phải đảm bảo nguyên tắc thứ tự, lần lượt, không bỏ cách quãng, tránh trùng hoặc sót cơ sở trên địa bàn.
(Quy trình lập danh sách đơn vị điều tra, mẫu bảng kê và biểu tổng hợp danh sách quy định tại Phụ lục 5).
Thời hạn: Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh hoàn thành lập danh sách thực tế đơn vị điều tra khối hành chính sự nghiệp trước ngày 31/3/2017.
đ) Khối tôn giáo
Danh sách nền các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: do Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) cung cấp, Ban chỉ đạo TĐT Trung ương gửi Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh để rà soát, kết hợp với danh sách các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, HCSN năm 2012. Thông tin cần được cập nhật từ thực tế quản lý, theo dõi của UBND cấp xã, phường;
Lập danh sách thực tế các đơn vị thuộc khối tôn giáo hoàn thành trước ngày 20/6/2017.
e). Tổng hợp danh sách đơn vị điều tra
Tổng hợp danh sách đơn vị điều tra được thực hiện cho từng khối, từng địa bàn điều tra để làm căn cứ chọn mẫu điều tra, phân chia địa bàn, danh sách đơn vị điều tra cho điều tra viên.
Căn cứ vào kết quả lập danh sách thực tế, Ban chỉ đạo TĐT các cấp tiến hành tổng hợp danh sách đơn vị điều tra theo từng loại đơn vị điều tra:
- Danh sách các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp: thực hiện theo Quyết định số 1879/QĐ-BKHĐT ngày 26/12/2016;
- Danh sách cơ sở SXKD cá thể được chia thành 2 loại: danh sách các cơ sở SXKD cá thể có địa điểm cố định, sẽ thực hiện phiếu điều tra; danh sách cơ sở SXKD cá thể có địa điểm không ổn định, sẽ không thực hiện phiếu điều tra;
- Danh sách cơ sở hành chính, sự nghiệp;
- Danh sách cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
g) Danh sách các đơn vị điều tra mẫu
- Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các cơ sở hành chính, sự nghiệp điều tra mẫu: Ban Chỉ đạo Trung ương gửi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh danh sách đơn vị mẫu để rà soát, cập nhật;
- Các cơ sở SXKD cá thể: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện chọn mẫu theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, sử dụng phần mềm máy tính thống nhất trên toàn quốc. Thời gian hoàn thành việc rà soát, chọn mẫu và lập bảng kê cơ sở mẫu trước ngày 20/6/2017.
3. Cập nhật địa bàn và danh sách các đơn vị điều tra
Trong 5 ngày cuối tháng 6 năm 2017 và quá trình điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế cấp xã (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo cấp xã) cập nhật địa bàn, danh sách các đơn vị điều tra thuộc khối cá thể, đặc biệt với trường hợp trên địa bàn phát sinh việc chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính hoặc chuyển loại đơn vị hành chính từ cấp xã sang cấp phường, khu đô thị mới, thị trấn, thị tứ mới thay đổi địa giới sau thời điểm lập bảng kê.
4. Tuyển dụng điều tra viên và tổ trưởng
a) Nhiệm vụ của điều tra viên, tổ trưởng
(1) Nhiệm vụ của điều tra viên: nhận phiếu điều tra và danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn, liên hệ hoặc trực tiếp đến các đơn vị điều tra được phân công để thu thập thông tin trong phiếu điều tra theo đúng hướng dẫn; tổng hợp danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn được phân công , kiểm tra và hoàn thiện phiếu điều tra, giao nộp phiếu điều tra hoàn chỉnh cho tổ trưởng hoặc người có thẩm quyền.
Trước khi đến cơ sở, điều tra viên phải nắm chắc danh sách cơ sở được phân công điều tra (cơ sở nào ghi phiếu chung, cơ sở nào ghi phiếu điều tra mẫu), cùng tổ trưởng kiểm tra lại các thông tin sẵn có của từng cơ sở. Khi thu thập thông tin, điều tra viên cần gợi ý để đơn vị điều tra cung cấp, giải thích thông tin nếu thấy chưa rõ. Chỉ ghi vào phiếu những thông tin trung thực, đã được kiểm tra, không tự ý ghi vào phiếu những thông tin giả tạo, sai sự thật.
(2) Nhiệm vụ của tổ trưởng: chịu trách nhiệm điều hành và quản lý điều tra viên điều tra cơ sở SXKD cá thể tại địa bàn, quan hệ trực tiếp với địa phương, phối hợp với trưởng thôn (ấp, bản...) , tổ trưởng (tổ dân phố/khu, cụm dân cư...) trong khâu lập danh sách và thu thập thông tin tại địa bàn, tuyên truyền giải thích mục đích, ý nghĩa, kế hoạch tiến hành cuộc Tổng điều tra.
Trong quá trình triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, tổ trưởng có nhiệm vụ tổng hợp danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn, phân chia địa bàn điều tra, giao phiếu điều tra cho từng điều tra viên, xây dựng kế hoạch điều tra, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiến độ công việc, giám sát công việc của điều tra viên hàng ngày, hoàn thiện phiếu điều tra, cập nhật tình hình gửi Ban Chỉ đạo cấp xã theo định kỳ quy định. Trong tuần đầu tiến hành thu thập thông tin, tổ trưởng cần kiểm tra phiếu của điều tra viên vào cuối mỗi ngày để bổ sung, hoàn chỉnh những thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác, rút kinh nghiệm cho ngày tiếp theo.
Tổ trưởng có nhiệm vụ tổng hợp nhanh kết quả điều tra trên địa bàn phụ trách, báo cáo và bàn giao phiếu điều tra cho Ban Chỉ đạo cấp xã theo quy định.
b) Số lượng điều tra viên, tổ trưởng cần tuyển dụng
- Số lượng điều tra viên: cần tuyển chọn điều tra viên cho việc lập danh sách đơn vị điều tra và thu thập thông tin trên phiếu điều tra. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn điều tra, Ban Chỉ đạo từng cấp ở địa phương cần xác định định mức địa bàn điều tra hoặc số lượng đơn vị điều tra phù hợp cho mỗi điều tra viên.
- Tổ trưởng: chỉ tuyển dụng tổ trưởng đối với phiếu điều tra của khối cá thể. Quy định một tổ trưởng phụ trách từ 5 - 7 điều tra viên.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, điều kiện thực tế của từng vùng, miền trong địa phương (địa hình, giao thông), căn cứ vào số địa bàn, số đơn vị điều tra và định mức điều tra cho một điều tra viên để xác định số lượng điều tra viên cần tuyển dụng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bảo đảm đủ lực lượng để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng khâu thu thập thông tin, đồng thời sử dụng tiết kiệm kinh phí trong tuyển chọn, tập huấn điều tra viên, tổ trưởng. Để đảm bảo tính chủ động và tiến độ Tổng điều tra, cần tuyển chọn và tập huấn dự phòng thêm 3% số điều tra viên.
c) Đối tượng tuyển dụng làm điều tra viên, tổ trưởng
Ban Chỉ đạo từng cấp chịu trách nhiệm tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên thích hợp cho từng loại đơn vị điều tra. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế cấp huyện (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo cấp huyện) chịu trách nhiệm hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp xã tuyển chọn điều tra viên cho từng địa bàn điều tra thuộc địa phương.
Người được tuyển dụng làm điều tra viên, tổ trưởng là những người có đủ điều kiện về sức khỏe, thời gian, đủ trình độ để tiếp thu và thực hiện tốt các hướng dẫn về lập danh sách và thu thập thông tin phiếu điều tra, có kinh nghiệm và hiểu biết địa bàn, nhiệt tình, trách nhiệm đối với công việc được phân công, tham dự đầy đủ lớp tập huấn. Để phù hợp với thực tế của các địa phương, trong quá trình tuyển dụng điều tra viên, tổ trưởng cần chú ý một số điểm sau:
(1). Đối với lực lượng thu thập thông tin của các phiếu áp dụng cho cơ sở SXKD cá thể: Điều tra viên, tổ trưởng tuyển dụng cần hướng vào học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, giáo viên/cán bộ hưu trí, cán bộ xã, trưởng thôn (ấp, bản), tổ trưởng dân phố...có trình độ văn hóa khá, nhiệt tình với công việc, thông thạo địa bàn. Ở vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có thể tuyển dụng công an xã, giáo viên... làm điều tra viên. Đối với vùng dân tộc thiểu số, nếu điều tra viên không biết tiếng dân tộc thì cần tuyển dụng người phiên dịch kiêm dẫn đường với số lượng hợp lý, phù hợp điều kiện thực tế.
(2). Đối với lực lượng thu thập thông tin của các loại phiếu có nội dung phức tạp, chuyên sâu (phiếu áp dụng cho doanh nghiệp, cơ sở hành chính, sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng), điều tra viên nên chọn những người có trình độ nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm trong điều tra thống kê, am hiểu thực tế địa bàn điều tra.
(3). Tổ trưởng phụ trách các điều tra viên khối cá thể: chọn cán bộ văn phòng UBND xã, phường làm tổ trưởng.
5. Tập huấn các Ban chỉ đạo, giám sát viên, tổ trưởng, điều tra viên
a) Cấp Trung ương
Ban Chỉ đạo Trung ương:
- Tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra cho Đại diện Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực cấp tỉnh (tại Hội nghị ngành Thống kê triển khai kế hoạch công tác năm 2017);
- Tổ chức Hội nghị tập huấn phương án Tổng điều tra, các quy trình, nội dung phiếu điều tra. Thành phần tham dự gồm: đại diện Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực cấp tỉnh. Thời gian mỗi lớp tập huấn là 4 ngày;
- Tổ chức Hội nghị tập huấn phương án Tổng điều tra, các quy trình, nội dung phiếu điều tra cho Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổ công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, giám sát viên cấp Trung ương. Thời gian mỗi lớp tập huấn là 3 ngày;
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo TĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ ngành tổ chức các lớp tập huấn riêng. Thời gian mỗi lớp là 2 ngày.
b) Cấp tỉnh
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn với các nội dung: triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra; tập huấn phương án, các quy trình, nội dung các loại phiếu điều tra cho Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực cấp huyện, giám sát viên và điều tra viên cấp tỉnh. Thời gian lớp tập huấn là 4 ngày.
c) Cấp huyện
Ban Chỉ đạo cấp huyện tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn 3 lớp với các nội dung:
- Lớp 1: Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra cho Ban Chỉ đạo cấp xã (2 đại diện tham dự 1 buổi); tập huấn phương án, các quy trình, nội dung phiếu điều tra cho điều tra viên, giám sát viên cấp huyện. Thời gian lớp tập huấn là 2 ngày;
- Lớp 2: Ban Chỉ đạo cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã tổ chức lớp tập huấn cho điều tra viên cấp xã với nội dung: hướng dẫn lập danh sách khối cá thể, tôn giáo tín ngưỡng. Thời gian tập huấn là 1 ngày;
- Lớp 3: Ban Chỉ đạo cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã tổ chức lớp tập huấn cho điều tra viên cấp xã hướng dẫn phiếu điều tra khối cá thể, tôn giáo tín ngưỡng, các quy định về nhiệm vụ của điều tra viên. Thời gian mỗi lớp tập huấn là 1 ngày. Số lượng người tham dự mỗi lớp tập huấn khoảng 60 người. Căn cứ số lượng quy định, Ban Chỉ đạo cấp huyện tính toán số lượng điều tra viên mở lớp tập huấn theo cụm xã, mỗi cụm gồm một số xã lân cận.
a) Hoạt động tuyên truyền cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện Tổng điều tra đến các cấp, các ngành và cộng đồng.
Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành huy động tối đa các hình thức tuyên truyền như: các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh, báo viết, báo điện tử, bản tin); cổ động (áp phích, khẩu hiệu, lô gô,...); tổ chức họp phổ biến ở cộng đồng (họp thôn, ấp, bản, tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng,…). Vận động các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng thực hiện tuyên truyền sâu rộng để các đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng điều tra tích cực hưởng ứng cuộc Tổng điều tra.
Trong quá trình triển khai, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương cần huy động các nguồn lực hỗ trợ cho cuộc Tổng điều tra để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở hành chính, sự nghiệp, cơ sở SXKD cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho điều tra viên.
b) Tổng cục Thống kê chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết (in áp phích, lô gô, làm đĩa CD về các nội dung cơ bản của cuộc Tổng điều tra, trong đó có mục hỏi/đáp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thực hiện thu thập thông tin, cách trả lời phiếu TĐT) cung cấp cho Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến về cuộc Tổng điều tra đến tận các địa bàn điều tra.
c) Thời gian thực hiện hoạt động tuyên truyền
- Tuyên truyền nội dung chung và chuyên đề về khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp vào đầu tháng 3 năm 2017. Ban Chỉ đạo cấp xã có khẩu hiệu và loa truyền thanh cổ động để phổ biến, quán triệt cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn về mục tiêu Tổng điều tra, đề nghị tinh thần hợp tác cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp.
- Tuyên truyền nội dung Tổng điều tra khối cá thể, tôn giáo vào đầu tháng 5 và đầu tháng 7 năm 2017. Ban Chỉ đạo cấp xã tổ chức buổi lễ ra quân thu thập thông tin TĐT tại trụ sở UBND cấp xã, có băng cờ, khẩu hiệu và loa truyền thanh cổ động để phổ biến, quán triệt kế hoạch thu thập thông tin ở địa phương.
Để đảm bảo tiến độ thu thập số liệu, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cấp xã thông báo tiến độ thực hiện phiếu của các đơn vị điều tra, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo cấp xã thông qua phương tiện truyền thanh xã, phường, hàng tuần đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị điều tra trên địa bàn thực hiện phiếu điều tra, nộp cho cơ quan thống kê.
a) Tổ chức nghiệm thu phiếu ở các cấp
(1) Khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp nghiệm thu được tổ chức theo 3 cấp:
- Ban Chỉ đạo cấp huyện nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp của điều tra viên. Thời gian trước ngày 10/6/2017;
- Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp phân công cho cấp huyện thực hiện. Thời gian trước ngày 30/6/2017;
- Ban Chỉ đạo Trung ương nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp và kết quả nhập tin cơ sở dữ liệu cấp tỉnh/thành phố, thời gian trước ngày 15/8/2017;
Nghiệm thu số liệu được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với nghiệm thu qua mạng các số liệu đã được Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhập tin và truyền về Tổng cục Thống kê. Tổ thường trực TĐT Trung ương có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp tại Cục Thống kê kết hợp qua mạng máy tính tùy thuộc chất lượng số liệu nhập tin đã truyền về Tổng cục Thống kê. Kết quả đạt yêu cầu sau nghiệm thu của Tổ Thường trực TĐT Trung ương mới được các Cục Thống kê đưa vào khai thác để làm báo cáo chính thức năm 2016 và tổng hợp ở các bước tiếp theo.
Số liệu cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, tập đoàn, Tổng công ty hạch toán toàn hệ thống sẽ được Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp thành các bộ cơ sở dữ liệu của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào mã “địa chỉ cơ sở” để gửi cho các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp chung.
(2) Khối cá thể và khối tôn giáo nghiệm thu được tổ chức như sau:
- Tổ trưởng nghiệm thu phiếu của điều tra viên khối cá thể;
- Ban Chỉ đạo cấp xã nghiệm thu phiếu của tổ trưởng (khối cá thể), tôn giáo. Thời gian trước ngày 05/8/2017, sau khi kết thúc giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn;
- Ban Chỉ đạo cấp trên nghiệm thu phiếu điều tra, các biểu tổng hợp nhanh của Ban Chỉ đạo cấp dưới, điều tra viên cùng cấp. Thời gian nghiệm thu ở mỗi cấp từ 1 - 2 ngày tùy theo số lượng đơn vị điều tra và chất lượng thông tin của các phiếu điều tra.
- Tiến độ tổ chức nghiệm thu quy định như sau:
+ Cấp huyện nghiệm thu cấp xã: trước ngày 20/8/2017;
+ Cấp tỉnh nghiệm thu cấp huyện: trước ngày 20/9/2017;
+ Cấp Trung ương nghiệm thu cấp tỉnh: trước ngày 15/10/2017.
Nghiệm thu phiếu điều tra của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ ngành sẽ do mỗi Bộ thực hiện theo quy trình nghiệm thu quy định trong phương án này. Thời gian nghiệm thu của Ban Chỉ đạo Trung ương đối với các Bộ trước ngày 30/8/2017.
b) Nội dung nghiệm thu
Nội dung nghiệm thu được thực hiện đối với số lượng từng loại phiếu, mức độ đầy đủ các chỉ tiêu và chất lượng số liệu của phiếu. Các thành phần tham gia nghiệm thu ký vào biên bản nghiệm thu và chịu trách nhiệm về kết quả đã nghiệm thu. Kinh phí cho công tác nghiệm thu do ngân sách trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra) .
(Ban Chỉ đạo Trung ương có hướng dẫn riêng về quy trình nghiệm thu)
c) Tổng hợp nhanh
Kết quả Tổng điều tra được tổng hợp nhanh một số thông tin chủ yếu về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp do Ban Chỉ đạo Trung ương quy định. Thời gian tổng hợp nhanh ở mỗi cấp như sau:
- Cấp xã: trước ngày 15/8/2017;
- Cấp huyện: trước ngày 15/9/2017;
- Cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tổng hợp nhanh về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 15/10/2017 để tổng hợp chung toàn quốc và công bố số liệu theo kế hoạch Tổng điều tra.
Để bảo đảm chất lượng của số liệu tổng hợp nhanh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện có kế hoạch hỗ trợ các Ban Chỉ đạo cấp xã kiểm tra thông tin thu thập trước khi tiến hành tổng hợp nhanh.
Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Công an tổng hợp nhanh kết quả của các đơn vị thuộc từng Bộ và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 05/9/2017.
(Nội dung, biểu mẫu tổng hợp nhanh các cấp được quy định trong Quy trình tổng hợp nhanh)
8. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra
Nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra kết hợp thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian từ khâu lập bảng kê, tập huấn, thu thập, tổng hợp nhanh số liệu điều tra tại các địa bàn.
Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở Trung ương gồm thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực Trung ương, công chức Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ Thống kê Công nghiệp, Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Vụ Thống kê Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Vụ Pháp chế và Thanh tra Thống kê, các đơn vị liên quan khác của Tổng cục Thống kê. Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở địa phương là các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực cấp tỉnh, huyện, xã, công chức, thanh tra Cục Thống kê và công chức các Chi cục Thống kê.
Nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra gồm: Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc lập bảng kê các đơn vị điều tra, tổ chức các lớp tập huấn, số lượng và chất lượng phiếu, cách hỏi và ghi phiếu của từng điều tra viên, tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, kiểm tra số học, đơn vị tính, đánh mã, các thủ tục hành chính, kiểm tra thực địa tại địa bàn,...
Hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra: Kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra, thanh tra cấp dưới, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, kiểm tra trọng điểm, tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu. Ban Chỉ đạo TĐT cấp trên kiểm tra điển hình việc tổ chức và thực hiện điều tra đối với cấp dưới để phát hiện và giải quyết tại chỗ, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.
Nhằm bảo đảm chất lượng của thông tin thu thập tại địa bàn trước khi nghiệm thu, bàn giao, Tổ trưởng điều tra phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp đến một số cơ sở để kiểm tra việc thu thập thông tin, kiểm tra kết quả phiếu điều tra đã thu được cả về nội dung, phương pháp tính, tính logic, kiểm tra số học, các quy định hành chính bắt buộc (chữ ký, dấu). Công tác kiểm tra phiếu của các điều tra viên cần được thực hiện trong ngày, không để dồn nhiều ngày.
Nội dung công việc | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì |
1. Tổ chức Hội nghị quán triệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra | Tháng 01/2017 | Ban Chỉ đạo TW |
2. Công tác chuẩn bị |
|
|
2.1. Rà soát danh sách doanh nghiệp | Trước 25/02/2017 | Ban Chỉ đạo TW, Ban Chỉ đạo Bộ QP, Bộ CA, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh |
2.2. Lập danh sách khối hành chính sự nghiệp | Trước 31/3/2017 | Ban Chỉ đạo TW, Ban Chỉ đạo Bộ QP, Bộ CA, Tổ công tác của Bộ ngành |
2.3. Tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh | Tháng 02/2017 | Ban Chỉ đạo TW |
2.4. In tài liệu hướng dẫn và gửi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, phiếu điều tra khối DN, HCSN chuyển cho địa phương; In phiếu điều tra khối cá thể, tôn giáo, sổ tay cho điều tra viên khối cá thể | Trước 01/3/2017
Trước 01/6/2017 | |
2.5. Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng. | Tháng 3,4, 6/2017 | Ban Chỉ đạo các cấp |
2.6. Tuyên truyền cho TÐT | Đầu tháng 3/2017 Đầu tháng 7/2017 | |
2.7. Tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, điều tra viên và giám sát viên cấp tỉnh | Trước 01/3/2017 | Ban Chỉ đạo cấp tỉnh |
2.8. Tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp xã, điều tra viên và giám sát viên cấp huyện | Tháng 3-5/2017 | Ban Chỉ đạo cấp huyện |
2.9. Tập huấn lập danh sách cho điều tra viên cấp xã khối cá thể, tôn giáo | Tháng 4/2017 | BCĐ cấp huyện phối hợp BCĐ cấp xã |
2.10. Tập huấn thu thập thông tin phiếu điều tra cho tổ trưởng và điều tra viên cấp xã khối cá thể, tôn giáo | Tháng 6/2017 | BCĐ cấp huyện phối hợp BCĐ cấp xã |
2.11. Rà soát, lập danh sách thực tế đơn vị điều tra khối cá thể, tôn giáo | Trước 10/6/2017 | |
3. Triển khai Tổng điều tra | ||
3.1. Chuẩn bị và thu thập số liệu - Khối doanh nghiệp, HCSN (kể cả chỉnh lý, đánh mã tại các Cục Thống kê) - Khối cá thể, tôn giáo |
Tháng 3-5/2017
20/6-31/ 7/2017 | Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Chỉ đạo TÐT hai Bộ, Tổ công tác Bộ ngành |
3.2. Kiểm tra, giám sát, thanh tra thu thập số liệu: - Khối doanh nghiệp, HCSN - Khối cá thể, tôn giáo |
Tháng 4,5,6/2017 Tháng 7,8/2017 | |
3.3. Xây dựng phần mềm xử lý thông tin Tổng điều tra (kể cả thử nghiệm, hướng dẫn địa phương, hai Bộ) - Xử lý danh sách doanh nghiệp - Xử lý thông tin doanh nghiệp, HCSN - Xử lý thông tin khối cá thể, tôn giáo - Xử lý, tổng hợp kết quả |
Trước 25/1/2017 Trước 15/4/2017 Trước 15/6/2017 Trước 15/7/2017 | Tổ Thường trực TW phối hợp với Trung tâm tin học KV I và các đơn vị tin học được giao của TCTK |
3.4. Nghiệm thu phiếu điều tra, nhập tin, xử lý, tổng hợp số liệu khối doanh nghiệp, HCSN | Trước 15/8/2017 | Ban Chỉ đạo TW và cấp tỉnh, hai Bộ |
3.5. Nghiệm thu phiếu điều tra khối cá thể, tôn giáo | Tháng 8 - 10/2017 | Ban Chỉ đạo TW phối hợp với BCĐ các cấp |
3.6. Tổng hợp nhanh số liệu - Cấp xã - Cấp huyện - Cấp tỉnh - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an - Toàn quốc |
Trước 15/8/2017 Trước 15/9/2017 Trước 20/9/2017 Trước 05/9/2017 Trước 15/12/2017 | Ban Chỉ đạo các cấp, hai Bộ |
3.7. Rà soát, hoàn chỉnh dự toán kinh phí TÐT theo số lượng địa bàn, đơn vị điều tra thực tế tại địa phương để báo cáo Ban Chỉ đạo TW (Tổng cục Thống kê) điều chỉnh dự toán | Tháng 7-10/2017 | Ban Chỉ đạo TW phối hợp với Ban CĐ hai Bộ, BCĐ cấp tỉnh |
4. Xử lý, tổng hợp, công bố kết quả TĐT | ||
4.1. Công bố kết quả tổng hợp nhanh | Tháng 12/2017 | Tổng cục Thống kê |
4.2. Xử lý, tổng hợp kết quả chính thức | Tháng 01-7/2018 | Tổng cục Thống kê |
4.3. Công bố số liệu chính thức | Quý III/2018 | Tổng cục Thống kê |
4.4. Công bố các ấn phẩm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu Tổng điều tra | Tháng 9-12/2018 | Tổng cục Thống kê |
X. MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN KHÁC
1. Tổng kết, khen thưởng, kỷ luật
a) Tổng kết
Việc tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện Tổng điều tra được tiến hành ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.
(1) Ở Trung ương: Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết Tổng điều tra. Thành phần tham dự gồm Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực Trung ương; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực cấp tỉnh; đại diện các tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng.
(2) Ở cấp tỉnh: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh. Thành phần tham dự gồm Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực cấp tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực cấp huyện; đại diện các tập thể và cá nhân được khen thưởng của Bộ trưởng, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh.
b) Khen thưởng
Những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong cuộc Tổng điều tra sẽ được xét tặng các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Chỉ đạo Trung ương giao Tổng cục Thống kê hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về các hình thức khen thưởng trong cuộc Tổng điều tra, đồng thời là cơ quan đầu mối thực hiện xem xét, rà soát hồ sơ khen thưởng trình Hội đồng thi đua - khen thưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, quyết định đối với hình thức khen thưởng "Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư".
Kinh phí khen thưởng đối với các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách Trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra).
Đối với hình thức khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân trong cuộc Tổng điều tra tại địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định và bố trí kinh phí khen thưởng theo quy định của pháp luật.
c) Kỷ luật
Những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thống kê trong cuộc Tổng điều tra sẽ bị kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. In, vận chuyển, phân phát tài liệu
Các tài liệu có số lượng sử dụng nhiều trong cuộc Tổng điều tra (phương án, các loại phiếu, các quy trình, sổ tay hướng dẫn) được tổ chức in ấn tập trung và phân bổ, vận chuyển đến trụ sở Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành theo yêu cầu tiến độ công việc. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức vận chuyển và phân phát đến các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã, giám sát viên, tổ trưởng, điều tra viên.
Đối với những loại tài liệu có số lượng sử dụng ít (bảng kê đơn vị điều tra, phiếu điều tra chuyên ngành, mẫu, hướng dẫn lập bảng kê, hướng dẫn chọn mẫu, biểu tổng hợp nhanh các phiếu điều tra…) thì căn cứ điều kiện thực tế, Tổng cục Thống kê gửi mẫu tài liệu cho Cục Thống kê, các Bộ ngành để tổ chức nhân bản
3. Mua sắm, phân phối vật tư, văn phòng phẩm
a) Những vật tư, văn phòng phẩm chủ yếu được sử dụng trong cuộc Tổng điều tra này bao gồm: thẻ thành viên Ban Chỉ đạo, thẻ tổ trưởng, thẻ điều tra viên, sổ tay ghi chép, bút bi, túi clear, cặp tài liệu, cặp ba dây bảo quản phiếu… phục vụ tập huấn và điều tra.
b) Người sử dụng vật tư, văn phòng phẩm là thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, giảng viên các lớp tập huấn, giám sát viên, tổ trưởng và điều tra viên theo từng loại vật tư, văn phòng phẩm tương ứng với nhiệm vụ được phân công.
c) Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tổ chức in, mua sắm, phân bổ và vận chuyển đến trụ sở Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu tiến độ công việc đối với etiket, áp phích, hộp cát tông đựng phiếu.
Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm mua sắm những vật tư, văn phòng phẩm còn lại theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thống kê về quy cách, số lượng, chủng loại; thực hiện phân phối vật tư, văn phòng phẩm cho người sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
a) Toàn bộ thông tin ghi chép trên phiếu điều tra kể từ khi thu thập tại địa bàn được bảo mật và lưu trữ theo quy định của pháp luật.
b) Trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra như sau:
- Điều tra viên chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do mình thực hiện;
- Tổ trưởng chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do điều tra viên thuộc phạm vi quản lý giao nộp;
- Ban Chỉ đạo cấp xã chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do tổ trưởng thuộc phạm vi quản lý giao nộp;
- Ban Chỉ đạo cấp huyện chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do Ban Chỉ đạo cấp xã thuộc huyện giao nộp;
- Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do Ban Chỉ đạo cấp huyện thuộc tỉnh giao nộp;
- Các đơn vị tin học có liên quan trực thuộc Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được giao tổng hợp.
c) Việc giao nhận phiếu điều tra được thực hiện thông qua Biên bản bàn giao tài liệu, đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính quy định (họ tên, chữ ký, đóng dấu của người có trách nhiệm của bên giao, bên nhận, ngày tháng và địa điểm giao, số lượng và loại phiếu giao nhận,…).
Kinh phí Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do ngân sách Trung ương bảo đảm cho mọi hoạt động được quy định trong Phương án này, kể cả kinh phí điều tra các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương lập dự toán để đưa vào kinh phí chung của Tổng điều tra.
Ban Chỉ đạo Trung ương giao Tổng cục Thống kê tổ chức thực hiện dự toán cho các công việc quy định tại Phương án Tổng điều tra và Thông tư số 109/TT-BTC ngày 30/6/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra quốc gia, chịu trách nhiệm hướng dẫn cho Ban Chỉ đạo các cấp và các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và công khai tổ chức thực hiện dự toán theo đúng quy định.
Kinh phí Tổng điều tra phải được quản lý, sử dụng đúng chế độ, đúng mục đích, đúng định mức, tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở Phương án này, Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo TĐT Bộ Công an xây dựng Phương án Tổng điều tra riêng, phù hợp với tình hình thực tế của từng Bộ, bảo đảm thống nhất với Phương án chung.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là cuộc Tổng điều tra quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, đơn vị điều tra, nội dung phức tạp, đòi hỏi Ban Chỉ đạo TĐT các cấp, Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo TĐT Bộ Công an, Tổ công tác các Bộ ngành cần quán triệt, thực hiện đúng phương án, các quy trình áp dụng cho Tổng điều tra, chỉ đạo thực hiện từng nội dung công việc theo đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra./.
- 1Công văn 5268/VPCP-KTTH năm 2016 về tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 162/QĐ-BCĐ năm 2016 thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2017
- 3Quyết định 163/QĐ-BCĐ năm 2016 phân công Thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2017
- 4Quyết định 307/QĐ-TTg năm 2020 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 662/KH-BCĐTW về công tác tuyên truyền Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 ban hành
- 1Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 337/QĐ-BKH năm 2007 quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Quyết định 39/2010/QĐ-TTg về hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư 19/2010/TT-BKH quy định nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6Quyết định 77/2010/QĐ-TTg về Chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông tư 04/2011/TT-BKHĐT về quy định hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8Luật Doanh nghiệp 2014
- 9Luật thống kê 2015
- 10Công văn 5268/VPCP-KTTH năm 2016 về tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 109/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 12Quyết định 1672/QĐ-TTg năm 2016 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Công văn 7509/BKHĐT-TCTK năm 2016 hướng dẫn công tác chuẩn bị Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 14Quyết định 162/QĐ-BCĐ năm 2016 thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2017
- 15Quyết định 163/QĐ-BCĐ năm 2016 phân công Thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2017
- 16Quyết định 307/QĐ-TTg năm 2020 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Kế hoạch 662/KH-BCĐTW về công tác tuyên truyền Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 ban hành
Quyết định 1896/QĐ-BKHĐT năm 2016 ban hành phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- Số hiệu: 1896/QĐ-BKHĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/12/2016
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Nguyễn Chí Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra