Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1882/2012/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 14 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ THỦY SẢN KHU VỰC VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số: 27/2005/NĐ-CP ngày 08/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản;

Căn cứ Nghị định số: 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản;

Căn cứ Nghị định số: 14/2009/NĐ-CP ngày 13/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 04/05/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản;

Căn cứ Nghị định: 117/2010/NĐ-CP ngày 24/10/2010 của Chính phủ về Tổ chức và Quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Nghị định: 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về Bảo tồn và Phát triển bền vững các vùng đất ngập nước;

Căn cứ Thông tư số: 18/2004/TT-BTNMT ngày 25/8/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định: 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước;

Căn cứ Thông tư số: 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết thi hành Nghị định số: 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về Tổ chức và Quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Thông tư số: 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thi hành Nghị định số: 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Thông tư số: 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số: 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thi hành Nghị định số: 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Theo đề nghị của Vườn Quốc gia Ba Bể tại Tờ trình số: 245/TTr-VQG ngày 12/9/2012; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số: 189/BC-STP ngày 24/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thủy sản khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Chủ tịch UBND các xã nằm trong vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Đường

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ THUỶ SẢN KHU VỰC VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1882/2012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, bao gồm Hồ Ba Bể và những vùng đất ngập nước khác thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến các hoạt động khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản tại Hồ Ba Bể và những vùng đất ngập nước khác thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; gắn việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản với việc nâng cao đời sống của dân cư trong khu vực.

2. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai và dịch bệnh thuỷ sản; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, công trình và thiết bị trong hoạt động thuỷ sản.

3. Khai thác thủy sản phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ, thời hạn, phương tiện, ngư cụ khai thác; về chủng loại, kích cỡ thủy sản, đồng thời phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ thủy sản; pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Tổ chức, cá nhân gây hủy hoại và ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại cho các bên bị thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định pháp luật về bảo vệ thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nguồn lợi thuỷ sản: Là tài nguyên sinh vật sống trong hay gần kề các vùng nước có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thuỷ sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Vùng đất ngập nước: Là những khu vùng địa lý nằm trong phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể, bao gồm Hồ Ba Bể, ao, đầm, sông, suối... nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

3. Khai thác thuỷ sản: Là các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững trong Hồ Ba Bể và các vùng nước tự nhiên khác thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể. Các nguồn lợi thủy sản được khai thác là cá, tôm, động vật thân mềm, côn trùng, các động vật và thực vật thuỷ sinh.

4. Ngư cụ: Là các dụng cụ dùng để khai khác bền vững nguồn lợi thủy sản.

5. Phương tiện khai thác thủy sản: Là thuyền, bè, cano và các vật khác được sử dụng để đi lại và vận chuyển trong quá trình khai thác thủy sản.

6. Tái tạo nguồn lợi thuỷ sản: Là quá trình phục hồi tự nhiên hoặc có tác động của con người để nguồn lợi thuỷ sản được tái tạo, phục hồi theo thời gian.

7. Bãi cá đẻ: Là các vùng ngập thường xuyên và bán ngập cá đến đẻ trứng, được quy định cấm đánh bắt trong mùa sinh sản.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG VÀ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 4. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực hoặc gần khu vực bảo tồn có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn môi trường sống của các loài thủy sản theo quy định của pháp luật.

2. Khi xây dựng mới, thay đổi, cải tạo hoặc phá bỏ các công trình có tác động hay có khả năng tác động đến môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Việc khai thác thủy sản bằng các hình thức đặt đăng, đáy hoặc áp dụng các phương pháp ngăn, bẫy trong khu vực phải đảm bảo dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển tự nhiên.

4. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Xả thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại, chế biến hóa chất, dầu hoặc xăng nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vào các vùng nước tự nhiên.

b) Chôn vùi chất thải, xây dựng các bãi chôn lấp chất thải trái quy định.

c) Vứt bỏ ngư cụ xuống sông, suối, hồ và các vùng nước tự nhiên khác, trừ trường hợp bất khả kháng.

d) Xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như nhà, đường, dây cáp điện, trạm bơm... và thực hiện các hoạt động có thể gây san lấp, đắp chắn eo, suối dẫn đến hồ mà không thực hiện đánh giá tác động môi trường và được sự cho phép của các cơ quan chức năng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

e) Thả các loài thủy sản không có nguồn gốc trong khu vực, bị nhiễm bệnh hoặc xả các nguồn nước nuôi trồng nhiễm bệnh vào khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể.

g) Sử dụng các loại phao, lưới, dụng cụ khai thác thủy sản khác làm mất mỹ quan tại Hồ Ba Bể.

h) Nuôi cá bằng lồng, bè trên Hồ Ba Bể.

i) Các hành vi làm thay đổi môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản trong khu vực bảo tồn như: khai thác rong, rêu...

Điều 5. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành và tham gia các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể có trách nhiệm thực hiện các quy định liên quan về bảo vệ các giống, loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

3. Nghiêm cấm các hành vi sau:

a) Khai thác thuỷ sản bằng các phương pháp có tính huỷ diệt như dùng chất nổ, chất độc hại, thực vật có độc tố, dòng điện, dụng cụ nhiều lưỡi câu không có mồi, các phương pháp khác làm chết hàng loạt các loài thủy sản.

b) Sử dụng các ngư cụ đánh bắt thủy sản không quy định tại Khoản 1, Điều 11 Quy chế này và các ngư cụ đánh bắt thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại Khoản 2, Điều 11 Quy chế này.

c) Sử dụng thuyền máy để đánh bắt thủy sản;

d) Khai thác các loài thủy sản có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định tại Điều 10 Quy chế này;

e) Khai thác thủy sản vào những ngày mưa lũ; khai thác thủy sản tại các khu vực bảo tồn được quy hoạch trong khu vực, như các bãi cá đẻ và nuôi dưỡng con non, ấu trùng... ngoài thời gian quy định tại Điều 8 Quy chế này.

g) Khai thác trứng thuỷ sản, đánh bắt các con non (trừ các loài ngoại lai) hoặc các loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác theo Điều 10 Quy chế này.

h) Giới thiệu, thí nghiệm các giống loài thuỷ sản không có trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể.

Chương III

QUẢN LÝ KHAI THÁC THỦY SẢN

Điều 6. Quyền khai thác thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân muốn khai thác thủy sản phải đăng ký và được cấp phép khai thác của Ban Quản lý.

2. Chỉ những hộ gia đình, cá nhân cư trú tại xã Nam Mẫu được phép khai thác thủy sản trong giới hạn bền vững cho phép tại các vùng nước tự nhiện thuộc địa bàn xã Nam Mẫu.

3. Các hộ gia đình và cá nhân cư trú tại xã Nam Mẫu được tư vấn và tham gia trong việc xây dựng các văn bản về quy định về quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Điều 7. Đăng ký phương tiện khai thác thủy sản

1. Các phương tiện dùng để khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể phải được đăng ký với Ban Quản lý. Mỗi phương tiện được sử dụng để khai thác thủy sản phải được sơn nổi số hiệu đăng ký trên phương tiện đó.

2. Ban Quản lý có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đăng ký phương tiện khai thác thuỷ sản.

3. Các chủ phương tiện tham gia khai thác thuỷ sản phải xuất trình chứng nhận đăng ký phương tiện khi có yêu cầu kiểm tra của nhân viên Ban Quản lý, nếu không có sẽ bị xử lý theo quy định.

Điều 8. Thời gian được phép khai thác thủy sản

1. Các hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác thủy sản (trừ những ngày mưa lũ) trong khoảng thời gian sau:

a) Mùa Đông: Từ 05 giờ đến 08 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ hàng ngày.

b) Mùa hè: Từ 04 giờ đến 07 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày.

2. Đối với các khu vực bảo tồn, thời gian khai thác được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, đồng thời chỉ được khai thác các loài thủy sản từ tháng 6 (âm lịch) năm trước đến tháng 02 (âm lịch) năm sau.

Điều 9. Khu vực bảo tồn thủy sản

1. Các khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong khu vực (các bãi đẻ trứng và nuôi dưỡng con non, ấu trùng) được xác định cụ thể tại bản đồ kèm theo Quy chế này. Bao gồm:

a) Các bãi cá đẻ: Khu vực Pác Sai (Khu vực cửa hồ 3 chảy ra Sông Năng); khu vực cửa Sông Bó Lù; khu vực cửa Suối Tả Han; Khu vực Sông Bó Lù; khu vực cửa Suối Chợ Lèng.

b) Các bãi nuôi dưỡng con non, ấu trùng: Khu vực Ao Tiên; khu vực quanh đảo An Mã.

2. Các hoạt động tại khu vực bảo tồn không được làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản; đồng thời việc khai thác thủy sản phải tuân thủ Khoản 2, Điều 8 Quy chế này.

Điều 10. Kích thước tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác; các loài thủy sản cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn

1. Kích thước tối thiểu của các loài thủy sản sống trong các vùng nước tự nhiên được phép khai thác quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Quy chế này.

2. Các loài thủy sản cấm khai thác được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Quy chế này.

3. Các loài thủy sản cấm khai thác có thời hạn trong năm được quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Quy chế này.

Điều 11. Những ngư cụ được phép sử dụng khai thác thuỷ sản

1. Những ngư cụ được phép sử dụng để khai thác thủy sản trong khu vực là những ngư cụ truyền thống như: Lưới vây, lưới kéo thủ công, lưới rê, vó tay, chài...; riêng đối với te ủn chỉ được phép khai thác từ ngày 01 tháng 6 (âm lịch) năm trước đến ngày 28 tháng 02 (âm lịch) năm sau.

2. Kích thước mắt lưới nhỏ nhất cho phép sử dụng để khai thác thuỷ sản được quy định theo từng loại ngư cụ theo Phụ lục số 04 kèm theo Quy chế này.

Điều 12. Xây dựng mô hình quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Khuyến khích và giúp đỡ cộng đồng tổ chức các hoạt động tự quản trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước tự nhiên trong khu vực; gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường.

2. Ban Quản lý có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Nam Mẫu trong khu vực hướng dẫn, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động tự quản trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng các mô hình quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có sự tham gia của đại diện Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân xã và đại diện cộng đồng.

Điều 13. Quy định về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong quá trình khai thác thuỷ sản

1. Phương tiện tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Việc bố trí ngư cụ để khai thác thuỷ sản không được vi phạm vào các luồng tuyến giao thông theo lộ giới quy định.

2. Tổ chức, cá nhân khi bố trí ngư cụ khai thác thủy sản trong khu vực không gây cản trở cho phương tiện đường thuỷ; các ngư cụ phải được đánh dấu bằng phao dễ nhận biết và phải có người gác để hướng dẫn tàu thuyền qua lại khi cần thiết.

Chương IV

PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 14. Tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ tái tạo nguồn lợi thủy sản:

a) Xây dựng, hỗ trợ kinh phí và thực hiện các chương trình, dự án phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sống.

b) Tổ chức thả bổ sung cá giống hàng năm xuống Hồ Ba Bể và những vùng nước tự nhiên khác thuộc phạm vi quản lý để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

c) Xây dựng mối quan hệ và cộng tác với các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm gây nguồn dự trữ tài nguyên.

2. Kinh phí tái tạo nguồn lợi thuỷ sản được bố trí từ ngân sách tỉnh, từ nguồn quỹ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nguồn tài trợ khác.

Điều 15. Quản lý nuôi trồng thuỷ sản

1. Tất cả các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản phải có đánh giá tác động môi trường và kế hoạch dự kiến loài thủy sản được nuôi trồng, các hoạt động được thực hiện và quản lý theo các quy định của pháp luật; phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý và phòng chống các bệnh lây nhiễm và ô nhiễm gây ra do nuôi trồng thủy sản.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên phạm vi khu vực đánh bắt (trừ Hồ Ba Bể) phải được sự cho phép của Ban Quản lý và các cơ quan có thẩm quyền liên quan và tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản và Quy chế này.

3. Việc nuôi cá lồng, bè không được đặt tại các vị trí làm cản trở hay ảnh hưởng đến sự an toàn của giao thông đường thủy hoặc làm giảm mỹ quan tự nhiên.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Điều 16. Trách nhiệm của Ban Quản lý

1. Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, UBND huyện Ba Bể và UBND các xã trong khu vực thực hiện công tác quản lý và tuyên truyền nhân dân thực hiện về công tác bảo vệ và quản lý nguồn lợi thuỷ sản.

2. Ban Quản lý có trách nhiệm hướng dẫn các quy định và tổ chức quản lý hoạt động khai thác, đăng ký và cấp phép khai thác nguồn lợi thủy sản.

3. Lấy ý kiến cộng đồng trong quá trình xây dựng các văn bản quy định về quản lý môi trường và nguồn lợi thuỷ sản.

4. Quản lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1, Điều 14 Quy chế này.

6. Xác định và chỉ rõ trên thực địa các bãi cá đẻ và nuôi dưỡng con non, ấu trùng để tổ chức quản lý, bảo vệ theo quy định.

7. Xây dựng chương trình nuôi trồng, phát triển nguồn lợi thủy sản trình UBND tỉnh phê duyệt.

8. Thiết kế và lắp đặt các biển báo cho dân địa phương các khu vực cấm khai thác.

9. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuỷ sản trong khu vực.

10. Phối hợp với UBND các xã trong khu vực hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các nội dung về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các bản hương ước, quy ước thôn.

11. Tiếp thu tổng hợp giải quyết các ý kiến từ phía ngư dân về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản, trên cơ sở đó có những đề xuất tham mưu điều chỉnh về chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 17. Trách nhiệm của UBND huyện Ba Bể

1. Tổ chức chỉ đạo nuôi trồng, quản lý, bảo vệ, khai thác, nguồn lợi thuỷ sản theo sự phân cấp của tỉnh trong vùng đất ngập nước thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Ba Bể.

2. Phối hợp với Ban Quản lý thực hiện công tác quản lý nuôi trồng, khai thác và tuyên truyền về thông tin và các quy định của pháp luật cho nhân dân về công tác bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các xã trong khu vực kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

4. Chỉ đạo cơ quan Công an huyện xử lý theo thẩm quyền đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật và các quy định về thủy sản.

Điều 18. Trách nhiệm của UBND các xã trong khu vực

1. Tổ chức cho nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, phát hiện tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

2. Phối hợp với Ban Quản lý trong việc hướng dẫn, tổ chức đăng ký và cấp phép khai thác thủy sản.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các nội dung về quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các bản hương ước, quy ước của các thôn, bản trong khu vực.

4. Ngăn chặn, xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân về bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với Ban Quản lý trong công tác bảo vệ, quản lý khai thác thủy sản.

Điều 19. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành liên quan

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình phối hợp với Ban Quản lý tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thuỷ sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuỷ sản.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Khen thưởng

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ được khen thưởng theo quy định.

Điều 21. Xử lý vi phạm

Các hành vi vi phạm công tác quản lý khai thác, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quy định tại Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành về xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

KÍCH THƯỚC TỐI THIỂU CỦA CÁC LOÀI THỦY SẢN SỐNG TRONG CÁC VÙNG NƯỚC TỰ NHIÊN ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC

(Tính từ mõm đến chẽ vây đuôi)

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm)

1

Cá Chép

Cyprinus carpio

150

2

Cá Sỉnh gai

Onychostoma laticeps

200

3

Cá Hoả

Labeo tonkinensis

430

4

Cá Rằm xanh (loà)

Bangana lemassoni

130

5

Cá Trôi

Cirrhina molitorella

220

6

Cá Chày đất

Spinibarbus hollandi

150

7

Cá Bỗng

Spinibarbichthys denticulatus

400

8

Cá Trắm đen

Mylopharyngodon piceus

400

9

Cá Trắm cỏ

Ctenopharyngodon idellus

450

10

Cá Mè trắng

Hypophthalmichthys molitrix

300

11

Lươn

Monopterus albus

360

12

Cá Chiên

Bagarius rutilus

450

13

Cá Viền (Vền)

Megalobrama terminalis

230

14

Cá Trê vàng

Clarias macrocephalus

200

15

Cá Sỉnh

Onychostoma gerlachi

210

16

Cá Ngão gù

Erythroculter recurvirostris

260

17

Cá Chày mắt đỏ

Squaliobalbus curriculus

170

18

Cá Rô đồng

Anabas testudineus

80

19

Cá Chạch sông

Mastacembelus armatus

200

20

Cá Lóc (cá Quả)

Channa striata

220

21

Cá Lăng chấm

Hemibargrus guttatus

560

 

PHỤ LỤC SỐ 02

CÁC LOÀI THỦY SẢN CẤM KHAI THÁC

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

1

Cá Anh vũ

Semilabeo notabilis

 

PHỤ LỤC SỐ 03

CÁC LOÀI THỦY SẢN CẤM KHAI THÁC CÓ THỜI HẠN TRONG NĂM

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Thời gian cấm khai thác

1

Cá Lóc

Channa striata

từ 1/4 - 1/6

2

Cá Rô đồng

Anabas testudineus

nt

3

Cá Trê vàng

Clarias macrocephalus

nt

 

PHỤ LỤC SỐ 04

KÍCH THƯỚC MẮT LƯỚI NHỎ NHẤT CHO PHÉP SỬ DỤNG ĐỂ KHAI THÁC THUỶ SẢN

Số TT

Các loại ngư cụ

Kích thước mắt lưới 2a (mm), không nhỏ hơn

1

Lưới rê 3 lớp

20

2

Lưới vướng

20

3

Lưới kéo cá

28

4

Lưới kéo tôm

20

5

Các loại đăng

20

6

Ngư cụ khác

18

 

PHỤ LỤC 05

DANH SÁCH CÁC LOÀI LAI ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG KHU VỰC HỒ BA BỂ

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

1

Cá rô phi

Oreochromis sp.

2

Cá chim trắng

Colossoma brachpomum

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1882/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý thủy sản khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 1882/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/11/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Hoàng Ngọc Đường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản