Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2004/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 18/2004/TT-BTNMT NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2003/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước;
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động trên các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

II. PHÂN LOẠI ĐẤT NGẬP NƯỚC

Đất ngập nước là vùng ngập nước thường xuyên hoặc tạm thời, nước chảy hoặc nước tù, nước ngọt, nước phèn, nước mặn hoặc nước lợ. Đất ngập nước được phân thành đất ngập nước ven biển, đất ngập nước nội địa.

1. Đất ngập nước ven biển

Đất ngập nước ven biển là vùng ngập nước mặn, nước lợ ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 6 mét khi thuỷ triều thấp gồm:

a) Vùng nuôi trồng thuỷ sản;

b) Bãi cát, sỏi, cuội;

c) Ruộng muối;

d) Bãi bùn, lầy ngập triều;

đ) Đầm phá;

e) Cửa sông;

g) Đồng bằng ven biển, ven sông có ảnh hưởng của thuỷ triều;

h) Rừng ngập mặn;

i) Thảm thực vật;

k) Quần thể san hô.

2. Đất ngập nước nội địa

Đất ngập nước nội địa là vùng ngập nước ngọt, nước phèn gồm:

a) Vùng đất lúa nước, cây ngập nước khác;

b) Sông, suối, kênh rạch, mương, mặt nước chuyên dùng, thác nước;

c) Hồ, ao;

d) Đầm;

đ) Rừng tràm;

e) Bãi bùn, lầy;

g) Hang, động ngầm.

Phần 2:

BẢO TỒN VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

I. TIÊU CHÍ BẢO TỒN

1. Việc xác định vùng đất ngập nước để bảo tồn theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước (sau đây gọi là Nghị định số 109/2003/NĐ-CP) căn cứ vào các tiêu chí sau:

a) Có tính đại diện hoặc độc đáo của một vùng đất ngập nước tự nhiên;

b) Là nơi cư trú, sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của nhiều giống, loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng;

c) Là vùng thường xuyên có mặt hơn 20.000 con chim nước hoặc hơn 1% số lượng quần thể toàn cầu hoặc khu vực của bất cứ giống, loài nào;

d) Giữ vai trò quan trọng điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái của một vùng và có giá trị đặc biệt về cảnh quan, môi trường;

đ) Có giá trị đặc biệt về sinh thái nhân văn, di tích lịch sử, văn hoá đối với quốc gia, địa phương.

2. Vùng đất ngập nước có một trong các tiêu chí quy định tại điểm 1 Mục này, còn hơn 50% diện tích hệ sinh thái tự nhiên thì được khoanh vùng để bảo tồn.

II. HÌNH THỨC BẢO TỒN

1. Các vùng đất ngập nước đáp ứng tiêu chí bảo tồn nêu tại Mục I Phần này được khoanh vùng bảo vệ dưới hình thức: khu Ramsar, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh (sau đây gọi chung là khu bảo tồn đất ngập nước).

Việc xem xét xác định hình thức khu bảo tồn đất ngập nước được thực hiện dựa trên các yếu tố sau:

a) Khu Ramsar:

- Có tính độc đáo hoặc đại diện của các vùng đất ngập nước, có vai trò quan trọng về thuỷ văn;

- Có khả năng hỗ trợ cho các giống, loài động vật, thực vật quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng;

- Có vị trí đặc biệt, là nơi cư trú của giống, loài động vật, thực vật tại thời điểm quan trọng trong vòng đời của chúng;

- Có nguồn thức ăn quan trọng, là bãi đẻ trứng, bãi ương, tuyến đường di cư của các loài động vật thuỷ sinh, đặc biệt là cá trong hoặc ngoài khu đất ngập nước ở những nơi mà chúng phải phụ thuộc vào để sinh sống.

b) Khu bảo tồn thiên nhiên:

- Có hệ sinh thái tự nhiên tiêu biểu, đa dạng sinh học cao, còn giữ được các đặc trưng cơ bản của tự nhiên;

- Ít bị tác động của con người;

c) Khu bảo tồn loài, sinh cảnh:

- Có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, duy trì sự sống và phát triển của giống, loài động vật, thực vật;

- Có khả năng bảo tồn những sinh cảnh, giống, loài động vật, thực vật;

- Có mặt động vật, thực vật quý hiếm hoặc là nơi cư trú, di cư của động vật hoang dã quý hiếm;

- Có giá trị về sinh thái nhân văn, di tích lịch sử, văn hoá.

2. Các vùng đất ngập nước không đáp ứng đầy đủ tiêu chí bảo tồn nêu tại Mục I Phần này nhưng có tầm quan trọng đối với địa phương và được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoanh vùng bảo vệ thì được gọi chung là khu bảo tồn đất ngập nước.

III. THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

1. Trách nhiệm xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

Trách nhiệm xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan tổ chức xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia, liên quan đến nhiều ngành và nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản chủ trì tổ chức xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước có tính chất chuyên ngành, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia và nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước có toàn bộ diện tích nằm trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

2. Nội dung dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

Dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước gồm những nội dung chính sau:

a) Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết về vùng đất ngập nước được đề nghị thành lập khu bảo tồn;

b) Ranh giới, diện tích vùng đất ngập nước cần bảo tồn kèm theo trích lục bản đồ khu bảo tồn;

c) Đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của việc khoanh vùng thành lập khu bảo tồn đất ngập nước, phương án hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do việc thành lập khu bảo tồn;

d) Thành phần Ban quản lý, dự thảo quy chế quản lý và kế hoạch quản lý cho từng loại khu bảo tồn;

đ) Hạng mục đầu tư bảo tồn vùng đất ngập nước.

IV. QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

1. Xác định ranh giới, diện tích, các phân khu chức năng của khu bảo tồn

a) Căn cứ quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xác định ranh giới, diện tích và quyết định giao đất cho cơ quan quản lý khu bảo tồn.

b) Cơ quan được giao quản lý khu bảo tồn đất ngập nước chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có khu bảo tồn (sau đây gọi chung là xã) thực hiện việc cắm mốc để phân định ranh giới khu bảo tồn.

c) Tuỳ theo mục tiêu bảo tồn, khu bảo tồn đất ngập nước được chia thành các phân khu chức năng sau đây:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu vực mà trong đó các hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ nguyên vẹn;

- Phân khu phục hồi sinh thái đối với khu vực mà trong đó thực hiện các hoạt động nhằm phục hồi, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên;

- Phân khu dịch vụ - hành chính đối với khu vực xây dựng công trình làm việc, sinh hoạt của ban quản lý khu bảo tồn, cơ sở nghiên cứu - thí nghiệm, dịch vụ tham quan du lịch, vui chơi giải trí.

2. Ban quản lý

Khu bảo tồn đất ngập nước quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 109/2003/NĐ-CP phải có Ban quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý được phê duyệt cùng với quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

a) Nhiệm vụ, quyền hạn

Ban quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của khu bảo tồn, lập dự án đầu tư phát triển khu bảo tồn trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Lập kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của đơn vị, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển khu bảo tồn trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quản lý sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức triển khai các dự án đầu tư phát triển khu bảo tồn đất ngập nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Tổ chức điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên thiên nhiên vùng đất ngập nước, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm, các loài cần phải bảo tồn; thực hiện việc thống kê, kiểm kê tài nguyên, định kỳ báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có khu bảo tồn và Cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Tổ chức quan trắc, theo dõi, đánh giá diễn biến các thành phần môi trường của khu vực và tác động của nó đến hệ sinh thái, cảnh quan của khu bảo tồn đất ngập nước;

- Tổ chức lưu giữ, xử lý số liệu để phục vụ công tác thống kê, kiểm kê và quản lý tài nguyên đất ngập nước;

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, văn hoá, xã hội và các loại hình dịch vụ có thu liên quan đến khu bảo tồn theo quy định của pháp luật.

b) Cơ cấu tổ chức

- Đối với Khu Ramsar, gồm có:

+ Trưởng ban;

+ Phó Trưởng ban;

+ Các ủy viên gồm: Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã trong khu Ramsar và các xã vùng đệm; Đồn trưởng Đồn biên phòng đóng trong khu Ramsar và vùng đệm; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm; Đại diện của các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuỷ sản tại địa phương;

+ Các phòng chức năng.

- Đối với khu bảo tồn đất ngập nước khác, gồm có:

+ Trưởng ban hoặc Giám đốc;

+ Phó Trưởng ban hoặc Phó Giám đốc;

+ Các phòng chức năng.

3. Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

a) Mỗi khu bảo tồn đất ngập nước phải có quy chế quản lý riêng, gồm các nội dung chính sau:

- Các quy định cấm;

- Phương thức quản lý, phát triển các phân khu chức năng và vùng đệm;

- Phương thức quản lý các dịch vụ tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học và hoạt động khác trong phạm vi của khu bảo tồn đất ngập nước.

b) Quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng với quyết định thành lập khu bảo tồn đất ngập nước.

c) Việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước trên vùng đất đã giao hoặc cho thuê sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa ban quản lý khu bảo tồn và đối tượng đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và bảo vệ khu bảo tồn đất ngập nước.

d) Các di tích lịch sử văn hoá tại các vùng đất ngập nước được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP, các quy định khác của pháp luật và Thông tư này.

4. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong khu bảo tồn đất ngập nước

a) Đối với toàn bộ khu bảo tồn đất ngập nước:

- Xâm hại đến vùng đất ngập nước, làm ảnh hưởng xấu đến nơi cư trú, sinh sản của các loài động vật, thực vật;

- Dùng xung điện, chất nổ, chất độc, các hình thức huỷ diệt khác trong khai thác, đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản;

- Săn bắt động vật, thực vật thuộc đối tượng bảo vệ của khu bảo tồn; động vật, thực vật hoang dã, thuỷ sinh;

- Khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức;

- Làm xói lở bờ kênh, mương, ao, hồ; làm cạn hoặc tháo khô vùng đất ngập nước;

- Lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật;

- Du nhập động vật, thực vật ngoại lai có khả năng gây hại đối với môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học;

- Di dân từ bên ngoài vào sinh sống, định cư dưới mọi hình thức;

- Chăn thả gia súc, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp;

- Gây ô nhiễm môi trường, kể cả gây tiếng ồn, độ rung quá giới hạn cho phép.

b) Đối với phân khu phục hồi sinh thái, ngoài các hoạt động bị nghiêm cấm quy định tại điểm a khoản này, các hoạt động sau đây cũng bị nghiêm cấm:

- Xây dựng công trình, nhà ở;

- Khai thác lâm sản, thuỷ sản dưới mọi hình thức.

c) Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ngoài các hoạt động bị nghiêm cấm quy định tại điểm a và điểm b khoản này, các hoạt động sau đây cũng bị nghiêm cấm:

- Thu thập mẫu khoáng sản, động vật hoang dã, động vật, thực vật thuỷ sinh, mẫu vi sinh vật;

- Tham quan, du lịch dưới mọi hình thức.

5. Hoạt động, cư trú trong khu bảo tồn

a) Hộ gia đình đang sinh sống trong khu bảo tồn không được phát triển, mở rộng quy mô, phạm vi sinh sống; trường hợp tách hộ hoặc xây dựng mới thì phải chuyển ra khỏi khu bảo tồn.

Ban quản lý khu bảo tồn lập dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với trường hợp phải di dời nhà ở, công trình ra khỏi khu bảo tồn.

b) Khuyến khích hộ gia đình đang sinh sống trong khu bảo tồn, vùng đệm tham gia bảo vệ, phát triển hệ sinh thái thuộc khu bảo tồn đất ngập nước.

c) Tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trong khu bảo tồn phải tuân thủ quy định của Nghị định số 109/2003/NĐ-CP, Thông tư này và Quy chế quản lý khu bảo tồn.

V. QUẢN LÝ VÙNG ĐỆM KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

1. Xung quanh khu bảo tồn đất ngập nước phải xác lập vùng đệm. Vùng đệm được tính trong phạm vi giới hạn diện tích còn lại của các xã có một phần diện tích thuộc khu bảo tồn đất ngập nước hoặc tiếp giáp với khu bảo tồn đất ngập nước.

Trường hợp phần diện tích còn lại thuộc vùng đệm của xã nhỏ hơn một phần ba diện tích xã đó, thì địa giới hành chính của xã tiếp theo được tính thuộc vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước.

2. Dự án đầu tư trong vùng đệm phải nhằm mục đích bảo vệ khu bảo tồn, phát triển ngành nghề tăng thu nhập, nâng cao đời sống cư dân vùng đệm, giảm áp lực có hại tới khu bảo tồn.

3. Các hoạt động trong vùng đệm không được làm ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, bảo vệ khu bảo tồn đất ngập nước.

4. Chính quyền địa phương các cấp có một phần hoặc toàn bộ diện tích đất nằm trong khu bảo tồn, vùng đệm, cơ quan, đơn vị có hoạt động trong vùng đệm hoặc liên quan đến khu bảo tồn, vùng đệm có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn trong việc quản lý, bảo vệ khu bảo tồn và vùng đệm.

Phần 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Từ nay đến năm 2006 thực hiện các công việc sau đây:

a) Hoàn thành việc điều tra, lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước trong phạm vi cả nước;

b) Khoanh vùng bảo vệ và thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước, trước hết là đối với những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia đang bị xâm hại; điều chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo vệ đối với các khu bảo tồn đất ngập nước hiện có trong trường hợp xét cần thiết;

c) Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và soát xét, bổ sung quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định tại Thông tư này.

2. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước; kịp thời phát hiện và xử lý theo pháp luật các vi phạm về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng đất ngập nước chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước theo quy định tại Nghị định số 109/2003/NĐ-CP và Thông tư này.

4. Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo vệ môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng được giao, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước trong phạm vi cả nước.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có các vùng đất ngập nước có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước các vùng đất ngập nước theo quy định tại Nghị định số 109/2003/NĐ-CP và Thông tư này.

6. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mai Ái Trực

(Đã ký)