Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1855/1997/QĐ/KHKT-PCVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC PHÁT HÀNH, QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG "TEM KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG" ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị đinh số 22/CP ngày 22 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Điều 26 của Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải và ông Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc phát hành, quản lý, cấp phát và sử dụng "Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" gọi chung là "Tem kiểm định an toàn kỹ thuật" đối với phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 2. Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp phát hành, quản lý và cấp phát Tem kiểm định an toàn kỹ thuật cho các phương tiện cơ giới đường bộ thống nhất trên phạm vi cả nước theo Quy định của Quyết định này.

Điều 3. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các Sở GTVT, GTCC chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ tổ chức thực hiện quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1997. Những quy định trước đây về việc cấp giấy phép lưu hành cho các phương tiện cơ giới đường bộ trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 5. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Lã Ngọc Khuê

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÁT HÀNH, QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG TEM KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1855 ngày 28 tháng 7 năm 1997 của Bộ Giao thông Vận tải)

1. Quy định chung:

1.1. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gọi chung là Tem kiểm định an toàn kỹ thuật được cấp cùng với Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện cơ giới đường bộ kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

1.2. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật được coi là giấy phép lưu hành trên đường giao thông công cộng của các phương tiện cơ giới đường bộ. Đối với phương tiện kiểm định trước ngày 01/10/1997 thì giấy phép lưu hành đã được cấp vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn. Trường hợp chủ những phương tiện này tự nguyện xin cấp tem thì có thể đưa phương tiện đến đơn vị kiểm định để làm thủ tục kiểm định và cấp tem.

1.3. Người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu hành trên đường giao thông công cộng ngoài Tem kiểm định an toàn kỹ thuật được cấp theo quy định này còn phải luôn luôn mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

1.4. Các phương tiện cơ giới đường bộ quá khổ, quá tải khi cần thiết hoạt động trên đường giao thông công cộng ngoài Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp theo quy định này còn phải có Giấy phép lưu hành đặc biệt do cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đường bộ cấp theo quy định tại Điều 19 của Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

1.5. Quy định này không áp dụng đối với phương tiện cơ giới đường bộ dùng vào mục đích quân sự của Bộ Quốc phòng và mục đích đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội của ngành Công an.

2. Quy định về kích thước, hình dáng và nội dung của Tem kiểm định an toàn kỹ thuật.

2.1. Kích thước, hình dáng của tem đúng với mẫu kèm theo.

2.2. Các nội dung ghi ở mặt sau của tem phải được ghi rõ ràng, đầy đủ bằng loại mực không tẩy xoá được và được đóng dấu của đơn vị đã kiểm định phương tiện đó.

2.3. Cách ghi:

- Số biển số đăng ký: Ghi đúng như trong Giấy chứng nhận đăng ký biển số.

- Số giấy chứng nhận: Ghi đúng như số Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật được cấp cho phương tiện đó bao gồm cả số và ký hiệu của đơn vị kiểm định.

- Thời hạn có giá trị: ghi đầy đủ ngày, tháng, năm đúng như trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Lưu ý: về tháng và năm phải đúng với số đã in sẵn ở mặt trước của Tem kiểm định an toàn kỹ thuật.

2.4. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật phải dán ở mặt trong của kính chắn gió phía trước, tại góc trên bên tay phải người lái. Đối với những phương tiện không có kính chắn gió phía trước thì Tem kiểm định an toàn kỹ thuật được dán phía sau của thùng xe cùng phía với biển số đăng ký.

3. Quản lý, cấp phát Tem kiểm định an toàn kỹ thuật

3.1. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phát cho các đơn vị kiểm định và được quản lý theo số thứ tự và số lượng cấp phát.

3.2. Các đơn vị kiểm định có trách nhiệm quản lý chặt chẽ số lượng tem cùng với Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật được cấp phát, không để mất mát, hư hỏng. Tem hỏng, ghi sai phải nộp về Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3.3. Cấp phát và dán tem mới được thực hiện đồng thời với việc thu hồi và huỷ tem cũ. Công việc này chỉ được phép thực hiện bởi Đăng kiểm viên được thủ trưởng đơn vị kiểm định phương tiện đó giao nhiệm vụ.

3.4. Các đơn vị kiểm định có trách nhiệm lưu giữ vào sổ theo dõi số lượng tem đã lĩnh, số lượng tem đã cấp phát báo cáo định kỳ gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3.5. Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào báo cáo định kỳ của các đơn vị kiểm định để cấp phát tiếp số lượng tem theo yêu cầu của đơn vị.

4. Trách nhiệm của chủ phương tiện

4.1. Nghiêm cấm mọi hành vi tự ý bóc, dán, sửa đổi các nội dung trên Tem kiểm định an toàn kỹ thuật mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

4.2. Trong trường hợp chưa đến hạn kiểm định nhưng vì một lý do nào đó tem bị bong, rách hoặc phải thay kính chắn gió phía trước thì chủ phương tiện phải đưa phương tiện đến đơn vị kiểm định an toàn kỹ thuật để làm thủ tục xin và cấp tem mới.

MẪU

TEM KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT

1. Hình dạng:

- Hình bầu dục

- Cao: 75 mm

- Rộng: 67 mm

2. Mặt trước

- Vành ngoài:

Màu trắng, chữ đen

Phần trên "Bộ Giao thông Vận tải"

Phần dưới "Cục Đăng kiểm Việt Nam"

Hai phần được phân cách với nhau bằng hình ngôi sao năm cánh

- Phần trong:

Hình bầu dục màu vàng: Cao 60 mm

In: Chữ số của tháng và năm đến hạn kiểm định màu đen.

Chữ số chỉ tháng cao 40 mm, nét chữ rộng 7 mm

Chữ số chỉ năm cao 8 mm, nét chữ rộng 1,5 mm

3. Mặt sau:

- Số thứ tự của tem

- Số của biển đăng ký

- Số Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật

- Có giá trị đến (ngày, tháng, năm)

- Đóng dấu của trạm kiểm định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1855/1997/QĐ/KHKT-PCVT Quy định việc phát hành, quản lý, cấp phát và sử dụng "Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường" đối với phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1855/1997/QĐ/KHKT-PCVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/07/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lã Ngọc Khuê
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản