Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1829/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 15 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý Vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ ý kiến của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh tại Công văn số 143/HĐND-THKT ngày 12 tháng 7 năm 2017 về việc thông qua Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 423/TTr-SXD ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Sở Xây dựng và Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch được giới hạn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm xác định các phương án đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ, đồng thời xác lập phương án cung ứng vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh nhất là đối với các tỉnh lân cận trong vùng để mở rộng thị trường vật liệu xây dựng.

3. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

3.1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch vật liệu xây dựng phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch kết cấu hạ tầng của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD của cả nước, của vùng Bắc Trung Bộ, quy hoạch phát triển các sản phẩm VLXD chủ yếu..., đảm bảo tính khoa học và khả thi cao. Phát triển sản xuất VLXD phải đi đôi với quản lý Nhà nước trong lĩnh vực VLXD để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan, đảm bảo an ninh quốc phòng và không làm ảnh hưởng đến du lịch, một lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phát triển sản xuất VLXD trên cơ sở phát huy nội lực của ngành và của tỉnh, tận dụng tiềm năng thiên nhiên, lao động và nguồn lực cho đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế. Phát triển sản xuất VLXD trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế tham gia sản xuất VLXD, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển, chống độc quyền, gây kích thích cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông phân phối VLXD, để tạo động lực cho việc cải tiến công nghệ, cải tiến công tác quản lý nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm VLXD trên thị trường trong nước và nước ngoài.

- Tập trung phát triển sản xuất các loại VLXD có thế mạnh của tỉnh như xi măng, vật liệu xây, bê tông, men frit,... xem đây là những hướng đầu tư chính của ngành VLXD ở tỉnh trong giai đoạn tới. Chú trọng phát triển sản xuất các chủng loại VLXD mới có chất lượng cao phục vụ cho xây dựng đô thị, các khu thương mại và du lịch,... Đối với các sản phẩm VLXD có nhu cầu tiêu thụ lớn ở trong tỉnh và có khả năng hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu, cần kết hợp công nghệ, thiết bị trong nước với công nghệ tiên tiến của nước ngoài, không nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ tiêu tốn nhiều nguyên liệu, nhiên liệu để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và năng lượng; đồng thời khuyến khích đầu tư các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để tránh ô nhiễm môi trường; đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

3.2. Mục tiêu

3.2.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu VLXD của tỉnh; đồng thời, phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD, về tiềm năng lao động và vị trí địa lý thuận lợi, việc đầu tư phát triển VLXD ở tỉnh cần phấn đấu để hướng đến thị trường VLXD ra ngoài tỉnh và ngoài nước. Phát triển sản xuất VLXD nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp VLXD ở tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo tích luỹ cho việc tái sản xuất mở rộng của ngành và giải quyết việc làm cho người lao động.

- Đầu tư chiều sâu công nghệ, phát triển sản xuất sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; Phát triển sản xuất các sản phẩm mới; có chất lượng và giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu phân bổ các cơ sở sản xuất VLXD hợp lý, di dời các cơ sở không còn phù hợp với thực tiễn và không đảm bảo các điều kiện về môi trường; Tạo điều kiện cho các cơ sở chuyển đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tiên tiến, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và hiệu quả.

3.2.2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đạt sản lượng VLXD đáp ứng nhu cầu đã dự báo; Đối với các sản phẩm VLXD có lợi thế về thị trường tiêu thụ (xi măng, frit, khai thác và chế biến nguyên liệu sản xuất VLXD,...) cần đưa sản lượng vượt từ 2 - 3 lần tùy theo từng chủng loại so với nhu cầu để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu;

- Nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với hiện nay;

- Thu hút khoảng 1000 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD.

4. Phương án quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020

4.1. Xi măng

- Nhu cầu xi măng của tỉnh theo dự báo đến năm 2020 là 1.250 - 1.300 ngàn tấn/năm. Năng lực sản xuất trong tỉnh là 4.580 ngàn tấn/năm.

- Ngành xi măng phát triển theo “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011.

Đến năm 2020 xi măng đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung ứng cho thị trường xuất khẩu và các tỉnh lân cận.

4.2. Vật liệu xây

Theo dự báo nhu cầu vật liệu xây của tỉnh đến năm 2020 là 440 - 450 triệu viên/năm.

Phương án quy hoạch vật liệu xây đến năm 2020 như sau:

* Gạch đất nung lò tuynen: Duy trì hoạt động các sơ sở sản xuất tuynen có nguồn nguyên liệu ổn định; đầu tư, cải tiến chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất gạch nung công nghệ tuynen.

* Gạch không nung:

- Duy trì hoạt động, phát huy hết công suất 183 triệu viên/năm của các cơ sở sản xuất hiện có; đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Đầu tư thêm 4 cơ sở sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu; mỗi cơ sở có công suất từ 15 - 20 triệu viên/năm.

Theo phương án trên thì đến năm 2020 toàn tỉnh sản xuất được 440 - 470 triệu viên/năm, trong đó, gạch nung: 200 triệu viên/năm; gạch không nung: 240 - 270 triệu viên/năm.

4.3. Vật liệu lợp

Nhu cầu vật liệu lợp của tỉnh đến năm 2020 là 2,5 - 2,55 triệu m2/ năm.

Phương án phát triển vật liệu lợp trong giai đoạn tới như sau:

- Duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất tấm lợp và ngói màu xi măng cát hiện có để phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các vùng lân cận;

- Dự kiến đầu tư xây dựng mới một cơ sở sản xuất tấm lợp 3 lớp, chống nóng, cách âm, cách nhiệt, tại cụm công nghiệp với công suất 0,5 triệu m2/năm để phục vụ nhu cầu vật liệu lợp trong tỉnh và khu vực lân cận.

Năng lực sản xuất vật liệu lợp các loại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 vào khoảng 3,5 triệu m2/năm, đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu như trong tỉnh, còn lại để phục vụ nhu cầu các địa phương lân cận.

4.4. Đá xây dựng

Theo dự báo nhu cầu đá xây dựng của tỉnh đến năm 2020 khoảng từ 2,25 - 2,3 triệu m3/năm.

Phương án đầu tư phát triển khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, như sau:

* Khu vực thị xã Hương Trà:

- Ổn định sản xuất và phát huy hết năng lực thiết bị đã đầu tư để đạt sản lượng theo công suất thiết kế đối với các cơ sở khai thác đá hiện có trên địa bàn;

- Tại khu vực mỏ đá núi Thông Cùng (phường Hương Vân): đầu tư mở rộng tăng công suất khai thác thêm 110.000 m3/năm; nâng tổng công suất khai thác, chế biến đá tại khu vực này lên 150.000 m3/năm;

- Khu vực mỏ đá Hương Bằng phường Hương Vân: mở rộng tăng công suất khai thác thêm 50.000 m3/năm, nâng tổng công suất khai thác đá tại khu vực mỏ này lên 130.000 m3/năm.

Năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn thị xã Hương Trà đến năm 2020 sẽ là 1.330.000 m3/năm.

Sản phẩm đá xây dựng của Hương Trà sẽ cung cấp cho nhu cầu xây dựng của thành phố Huế, thị xã Hương Trà, các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang.

* Khu vực huyện Phú Lộc:

- Ổn định sản xuất và phát huy hết năng lực thiết bị đã đầu tư để đạt sản lượng theo công suất thiết kế đối với bốn cơ sở khai thác đá hiện có trên địa bàn, đạt công suất 283.000 m3/năm;

- Mở rộng, cấp phép mới khai thác, chế biến đá tại mỏ đá khu vực xã Lộc Vĩnh, Lộc Thủy, Lộc Tiến với tổng cộng suất khai thác 150.000 m3/năm.

Năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng tại huyện Phú Lộc đến năm 2020 là 433.000 m3/năm.

* Khu vực huyện Nam Đông:

- Ổn định sản xuất và phát huy hết năng lực thiết bị đã đầu tư để đạt sản lượng theo công suất thiết kế đối với ba cơ sở khai thác đá hiện có trên địa bàn huyện, đạt công suất 190.000 m3/năm;

- Cấp phép mới khai thác, chế biến đá tại các khu vực có tiềm năng với công suất khai thác 100.000 m3/năm.

Năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng tại huyện Nam Đông đến năm 2020 là 290.000 m3/năm.

* Khu vực huyện A Lưới:

- Ổn định sản xuất và phát huy hết năng lực thiết bị đã đầu tư để đạt sản lượng theo công suất thiết kế đối với ba cơ sở khai thác đá hiện có trên địa bàn, đạt công suất 120.000 m3/năm.

Năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng tại huyện A Lưới đến năm 2020 là 120.000 m3/năm.

Theo phương án trên, đến năm 2020 năng lực khai thác, chế biến đá xây dựng trong tỉnh là 2,173 triệu m3/năm, trong đó:

- Khu vực thị xã Hương Trà: 1.330 ngàn m3/năm;

- Khu vực huyện Phú Lộc: 433 ngàn m3/năm;

- Khu vực Nam Đông: 290 ngàn m3/năm;

- Khu vực huyện A Lưới: 120 ngàn m3/năm.

4.5. Cát xây dựng

Nhu cầu cát cho xây dựng của tỉnh đến năm 2020 là 1.650 - 1.660 ngàn m3/ năm. Năm 2015, năng lực khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 160 ngàn m3/năm, so với nhu cầu dự báo về cát của tỉnh đến năm 2020 thì còn thiếu trên 1.500 ngàn m3/năm.

Theo Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, phương án quy hoạch cát xây dựng như sau:

- Giai đoạn 2016-2020:

+ Cát bãi bồi: Gồm 24 khu vực, tập trung tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới với khối lượng khai thác dự báo cát là 5.209.000m3; sỏi là 1.335.000m3.

+ Cát lòng sông: Gồm 03 sông Bồ, Ô Lâu và Tả Trạch với khối lượng khai thác dự báo cát là 2.783.000m3.

(Chi tiết theo phụ lục của Quyết định số 770/QĐ-UBND)

Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng khối lượng khai thác cát dự báo là 7.992.000 m3, trung bình 1.598.400 m3/năm. Với khối lượng như vậy cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, còn thiếu một ít nhập từ các địa phương khác.

- Giai đoạn 2020-2030: Nhu cầu cát cho xây dựng của tỉnh vượt quá năng lực khai thác cát. Như vậy, cần nghiên cứu, sử dụng các loại vật liệu thay thế sau:

+ Cát lòng hồ thủy điện;

+ Cát nội đồng;

+ Cát nhân tạo (cát xay);

+ Đá mi.

4.6. Vật liệu ốp lát

Nhu cầu vật liệu ốp lát trên địa bàn tỉnh dự báo đến năm 2020 khoảng 4,95 - 5,0 triệu m2/năm. Hiện nay, năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trên 17,0 triệu m2/năm; dư thừa đáp ứng nhu cầu của tỉnh, cung ứng ra thị trường các tỉnh khác.

Phương án quy hoạch vật liệu ốp lát đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

- Đá ốp lát: 0,3 triệu m2/năm. Duy trì hoạt động sản xuất tại các cơ sở sản xuất đá ốp lát trên địa bàn, đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát huy hết công suất thiết kế;

- Gạch gốm ốp lát: 15,5 triệu m2/năm. Duy trì hoạt động, phát huy hết công suất các dây chuyền sản xuất hiện có; không đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2020;

- Gạch lát Terrazzo: 4,3 triệu viên/năm. Duy trì sản xuất, phát huy hết công suất hai cơ sở sản xuất gạch terazzo trên địa bàn, đạt sản lượng trên 4 triệu viên/năm; đáp ứng nhu cầu ốp lát vỉa hè, sân, đường, chỉnh trang đô thị của tỉnh.

4.7. Bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện

Nhu cầu sản xuất bê tông được tính toán dựa trên nhu cầu khai thác đá xây dựng. Tính đến năm 2020, nhu cầu khai thác đá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 2,25 - 2,3 triệu m3/năm gồm cả đá cho công trình giao thông và công trình xây dựng dân dụng. Tính trung bình tỷ lệ đá cho công trình xây dựng dân dụng đạt 80% lượng đá khai thác. Theo cấp phối cho bê tông, khi sử dụng đá làm cốt liệu cho 1m3 bê tông cần từ 0,8-0,9 m3 đá. Do đó nhu cầu bê tông tại năm 2020 sẽ đạt từ 2,1 - 2,2 triệu m3/năm.

Sản phẩm bê tông được sản xuất theo quy mô công nghiệp tại các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện, trạm trộn bê tông thương phẩm chiếm khoảng 80% sản lượng, còn lại được sản xuất trực tiếp, nhỏ lẻ tại các công trình dân sinh chiếm khoảng 20% sản lượng. Do đó nhu cầu sản xuất bê tông quy mô công nghiệp tại năm 2020 sẽ đạt 1,68 - 1,86 triệu m3/năm.

Hiện trạng công suất thiết kế sản xuất bê tông thương phẩm so với bê tông cấu kiện là 1,4 triệu m3/năm so với 0,185 triệu m3/năm. Với tỷ lệ này, nhu cầu bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 lần lượt là 1,5 - 1,65 triệu m3/ năm và 0,18 - 0,21 triệu m3/năm.

Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất bê tông trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 1,585 triệu m3/năm trong đó 1,4 triệu m3/năm bê tông thương phẩm và 0,185 triệu m3/năm bê tông cấu kiện. Với nhu cầu bê tông tại năm 2020, trong giai đoạn tới, duy trì, ổn định sản xuất, phát huy hết năng lực của các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện trên địa bàn tỉnh; có thể đầu tư thêm 1 đến 2 trạm trộn hoặc nâng công suất ở một số cơ sở sản xuất bê tông tại các địa phương có nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng trên địa bàn tỉnh, thuận lợi về nguồn nguyên liệu và không gây ảnh hưởng đến môi trường dân sinh.

4.8. Men Frit

Duy trì hoạt động và phát huy hết công suất của các đơn vị sản xuất men hiện có.

Đến năm 2020, năng lực của các cơ sở sản xuất men Frit trên địa bàn tỉnh có công suất thiết kế khoảng 205.000 tấn/năm.

4.9. Sứ vệ sinh

Hiện nay, tổng công suất thiết kế sứ vệ sinh trên toàn quốc đã đạt trên 15 triệu sản phẩm/năm, sản lượng sứ vệ sinh hàng năm chỉ đạt khoảng 13 triệu sản phẩm/năm (đạt gần 87% công suất thiết kế), hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước, ngoài ra còn xuất khẩu một khối lượng lớn, ước đạt 200 triệu USD.

Căn cứ vào những nguồn lực của tỉnh, trong giai đoạn tới, không phát triển sản xuất sứ vệ sinh tại Thừa Thiên Huế. Nhu cầu về loại sản phẩm này cho tỉnh sẽ được cung ứng từ các cơ sở sản xuất ở các tỉnh, thành khác và từ nguồn nhập khẩu.

4.10. Kính xây dựng

Từ năm 2013 tổng công suất thiết kế sản xuất kính xây dựng trong toàn quốc là 188 triệu m2/năm, đã thoả mãn nhu cầu kính xây dựng trong toàn quốc đến năm 2015. Bên cạnh đó sản phẩm kính XD trong nước còn phải cạnh tranh rất khốc liệt. Năm 2015, sản lượng kính xây dựng sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 109 triệu m2/năm.

Vì vậy, không phát triển sản xuất kính xây dựng ở trong tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Nhu cầu về kính xây dựng của tỉnh sẽ được cung ứng từ các cơ sở sản xuất trong nước và từ nguồn nhập khẩu.

4.11. Vật liệu san lấp

Theo dự báo năm 2020, trên địa bàn tỉnh cần 9,0 - 10,0 triệu m3/năm vật liệu san lấp trên cơ sở Quy hoạch đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 đã được phê duyệt. Hiện nay, năng lực khai thác vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh là 573.220 m3/năm. Trong thời gian tới cần khảo sát đưa vào quy hoạch các khu vực có tiềm năng để khai thác đáp ứng nhu cầu.

5. Định hướng phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030

Trong giai đoạn này một số ngành cơ khí xây dựng, công nghệ xây lắp đã đạt được trình độ cao và có thể hỗ trợ tích cực cho công nghiệp VLXD.

5.1. Định hướng về phát triển chủng loại

Đi vào sản xuất các chủng loại VLXD mới, có chất lượng cao hơn, có khả năng thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống và các loại VLXD nhập khẩu, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, phục vụ cho các tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung và xuất khẩu.

- Vật liệu xây: tiếp tục duy trì sản xuất ở những cơ sở bảo đảm được nguồn nguyên liệu, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất các loại vật liệu xây không nung bao gồm: gạch không nung các loại, tấm xây dựng 3D... để từng bước thay thế cho gạch nung và phục vụ công nghiệp hóa xây dựng. Đầu tư sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến, đa dạng về chủng loại sản phẩm, về kích thước, về màu sắc, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

- Vật liệu lợp: Phát triển sản xuất các loại vật liệu lợp nhẹ, bền, có khả năng chống nóng, chống ồn, không bị rêu mốc, các loại vật liệu lợp thông minh cho khả năng lấy ánh sáng...

- Bê tông xây dựng:

+ Phát triển sản xuất bê tông cấu kiện đúc sẵn dự ứng lực (bê tông tấm lớn, ống cống, cột điện ly tâm, cọc móng) đáp ứng cho nhu cầu xây dựng khu nhà cao tầng, giao thông và công nghiệp;

+ Phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng đòi hỏi cao trong xây dựng như: bê tông nhẹ, bê tông nhẹ cường độ cao, bê tông chịu nhiệt, bê tông cách âm, cách nhiệt, bê tông tự đầm, bê tông tự chèn;

+ Phát triển các loại phụ gia cho bê tông để nâng cao các tính năng sử dụng và cường độ của bê tông;

+ Tiếp tục phát triển sản xuất bê tông cấu kiện (Cột điện ly tâm, cọc móng, ống cống, dầm, cột...) đáp ứng nhu cầu xây dựng khu công nghiệp, khu nhà cao tầng, giao thông và các công trình thủy lợi.

- Vật liệu ốp lát: Đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng đá ốp lát cả về mẫu mã và kích thước đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và các tỉnh trong nước, đẩy mạnh tham gia vào xuất khẩu.

- Vật liệu hợp kim nhôm, nhựa thạch cao.

Phát triển sản xuất một số loại:

+ Các loại sản phẩm khung cửa nhôm, khung cửa nhựa với chất lượng cao, đa dạng hơn về kiểu dáng và màu sắc, có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, không bị biến đổi hình dạng, không cong vênh co ngót trong điều kiện thời tiết khí hậu ngoài trời;

+ Tấm hợp kim nhôm phẳng hoặc cong, có trọng lượng nhẹ, độ cứng cao, mặt trong bằng loại nhựa tổng hợp, mặt ngoài phủ lớp hợp kim nhôm mỏng, dùng để ốp trong và ngoài công trình;

+ Tấm trần sản xuất từ các nguyên liệu chính là keo hữu cơ và sợi vải thủy tinh có khả năng chống cháy; tấm trần bằng nhôm có màu sắc phong phú, đa dạng về hình thức, nhẹ và có độ bền cao, thuận tiện cho việc thi công; tấm trần bằng thạch cao, đa dạng về chủng loại, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống âm và chống cháy; tấm trần bằng bông thủy tinh, cách âm, cách nhiệt;

- Vật liệu cách âm, cách nhiệt: Phát triển sản xuất các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt từ bông sợi khoáng thủy tinh, bông gốm và các loại vật liệu cách âm, cách nhiệt đi từ các nguyên liệu vô cơ và hữu cơ khác (cao su lưu hoá, vật liệu calcium silicate, vật liệu aluminum foil và polyum foil).

- Vật liệu vữa xây trát, keo dán gạch: Phát triển một số chủng loại như vữa xây trát trộn sẵn đóng bao, các loại keo dán gạch, dán đá, vữa chít mạch.

5.2. Định hướng về công nghệ

Tiếp tục đầu tư đổi mới, đầu tư những công nghệ sản xuất ngang với trình độ tiên tiến của cả nước và khu vực, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các quy định về môi trường; sản xuất được những VLXD chủ yếu cho xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn xây dựng trong nước và quốc tế. Ngành công nghiệp VLXD Thừa Thiên Huế tập trung vào các lĩnh vực chế biến sâu với công nghệ và thiết bị hiện đại, các sản phẩm VLXD có chất lượng và giá trị cao; có khả năng cạnh tranh và đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước phát triển.

5.3. Định hướng về tổ chức và phân bố sản xuất

- Phát triển sản xuất VLXD với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp VLXD tập trung, sản xuất ra nhiều chủng loại VLXD để tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đầu tư và trang bị các phòng thí nghiệm.

- Tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất VLXD tại những khu, cụm công nghiệp VLXD đã hình thành trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó sẽ tập trung đầu tư cho những khu, cụm công nghiệp VLXD ở khu vực ngoại thành và ven nội thị. Tiếp tục hình thành một số khu, cụm công nghiệp VLXD gắn liền với những đô thị và khu công nghiệp tập trung.

- Tiếp tục giải toả các cơ sở sản xuất VLXD gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các thị xã, thành phố, thị trấn, các khu đông dân cư, di chuyển vào các khu công nghiệp. Xây dựng các cơ sở sản xuất cấu kiện đúc sẵn, bê tông thương phẩm, vữa xây dựng tại các khu bãi trung chuyển ở ngoại thành. Hạn chế việc đưa vào nội thành các loại vật liệu rời như cát, đá sỏi,... gây ô nhiễm môi trường.

6. Các giải pháp cơ bản

6.1. Giải pháp về tổ chức và quản lý;

6.2. Các giải pháp về phục hồi môi trường, phát triển bền vững;

6.3. Giải pháp về nguồn lực lao động và Khoa học - công nghệ;

6.4. Giải pháp về vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển sản xuất VLXD;

6.5. Giải pháp về thị trường.

(Chi tiết nội dung quy hoạch có báo cáo tổng hợp kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Xây dựng

- Tổ chức công bố và phổ biến Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thực hiện.

- Quản lý và triển khai thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ổn định và bền vững cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

- Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Quy hoạch phát triển VLXD báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh về tình hình sản xuất VLXD trên địa bàn theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

- Chủ trì hoạch định và điều chỉnh quy hoạch VLXD trên địa bàn, đồng thời đề xuất và triển khai xây dựng điều lệ, chế độ chính sách liên quan tới sản xuất và kinh doanh VLXD, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXD đạt được hiệu quả cao.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Khuyến khích và tạo điều kiện để các chủ đầu tư trong công tác điều tra, khảo sát thăm dò khoáng sản làm VLXD, cụ thể đánh giá về chất lượng, trữ lượng đối với một số mỏ khoáng sản có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế như đất sét làm gạch ngói, cát sông...

- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác và kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, Ban, Ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư sản xuất VLXD sớm được thực hiện đặc biệt là các dự án sử dụng công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Không cấp phép đầu tư mới cho các cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên liệu và không có phương án xử lý ô nhiễm môi trường hoặc phương án xử lý môi trường không hiệu quả.

4. Sở Công thương

Theo chức năng nhiệm vụ của ngành, đề xuất, trình UBND tỉnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và các cơ chế chính sách liên quan đến công tác phát triển thị trường VLXD trong và ngoài nước.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định về công nghệ các dự án đầu tư xây dựng mới, đảm bảo công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật để giới thiệu và phổ biến những công nghệ hiện đại trong nước và thế giới. Tham gia, góp ý kiến đối với các dự án đầu tư phát triển VLXD mới, đảm bảo công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các chính sách về khuyến khích đầu tư, huy động vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển VLXD hiệu quả và bền vững,

- Đề xuất giải pháp về hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất sản phẩm mới.

6. Sở Giao thông vận tải

- Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn.

- Phối hợp cùng các ngành, các địa phương lập kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp và xây mới các tuyến giao thông tới các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất và các khu vực khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên nhiên liệu, vật tư cho sản xuất và lưu thông sản phẩm đi tiêu thụ.

7. Các Sở, ban, Ngành liên quan

Tùy theo chức năng và nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tham gia, đề xuất giải quyết các vụ việc liên quan đến công tác quản lý Quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

-Tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy hoạch phát triển VLXD tùy địa bàn theo quyết định đã được phê duyệt

- Quản lý, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn theo đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch tại địa phương và định kỳ hàng năm báo cáo về UBND huyện, thị xã, thành phố. Sở Xây dựng tổng hợp các địa phương báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, giáo dục và giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ sở khai thác, sản xuất VLXD; cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đình chỉ, giải tỏa các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất khai thác VLXD trái phép, khai thác tại các khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản, khai thác không đúng quy định.

9. Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư

- Đầu tư sản xuất và khai thác VLXD phải thực hiện theo đúng quy hoạch và mỗi dự án đầu tư phải có phương án bảo vệ môi trường và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về khoáng sản, đất đai, đầu tư, bảo vệ môi trường,... trong thời gian được cấp phép khai thác.

- Có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng đường giao thông trên địa bàn mà doanh nghiệp đầu tư và khai thác khoáng sản.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- TVTU, TT. HĐND tỉnh;
- Đọàn ĐBQH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Báo TT.Huế;
- Lưu VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1829/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1829/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản