Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1897/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 22 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG CÁT NGHIỀN NHÂN TẠO CHO BÊ TÔNG VÀ VỮA, SỬ DỤNG CÁC VẬT LIỆU KHÁC LÀM VẬT LIỆU SAN LẤP THAY THẾ CÁT TỰ NHIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Căn cứ công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên;

Căn cứ Thông báo số 278/TB-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh thông báo Kết luận phiên họp Thường trực UBND tỉnh tháng 9 năm 2017;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 58/TTr-SXD ngày 21 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa, sử dụng các vật liệu khác làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên.

(có Phương án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Phương án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Phương án. Định kỳ 6 tháng và một năm, các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua Sở Xây dựng.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Phương án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh
- Các PCT UBND tỉnh;
- Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh;
- TT Công báo - Tin học;
- Vnptioffice;
- Lưu VT, CV: CN, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHƯƠNG ÁN

SỬ DỤNG CÁT NGHIỀN NHÂN TẠO CHO BÊ TÔNG VÀ VỮA SỬ DỤNG CÁC VẬT LIỆU KHÁC LÀM VẬT LIỆU SAN LẤP THAY THẾ CÁT TỰ NHIÊN
Ban hành kèm theo Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh Hà Giang

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới được thiên nhiên ưu đãi tiềm năng to lớn về khí hậu, đất đai, tài nguyên và khoáng sản, nhưng có cấu tạo địa hình phức tạp, hiếm trở, nên việc phân bố tài nguyên khoáng sản nói chung, tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói riêng không đồng đều tùy theo tính chất địa hình, địa chất của từng vùng đặc biệt là cát xây dựng; theo cấu tạo địa hình, địa chất về cơ bản có thể chia thành 03 vùng đó là: vùng cao núi đá phía bắc, vùng này chủ yếu là các dãy núi đá vôi có độ dốc lớn, sông suối bị chia cắt nhiều; vùng cao núi đất phía tây chủ yếu là các sườn núi dốc, đèo cao và lòng suối hẹp; vùng núi thấp có địa hình là những dải rừng già hoặc thung lũng nằm dọc theo sông suối, cát xây dựng chủ yếu tập trung ở vùng này, tại vùng cao núi đá phía bắc và một số xã vùng cao núi đất phía tây hầu như không có loại khoáng sản này.

Việc thiếu hụt khoáng sản này đã dẫn đến tình trạng tổng mức đầu tư các công trình xây dựng tại các địa bàn này cao hơn so với vùng khác do phải vận chuyển cát xây dựng từ nơi khác đến, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng là một trở ngại lớn trong xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân. Việc tận dụng nguyên liệu sẵn có tại chỗ là đá, cuội các loại để sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng chính là giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp cát, đồng thời góp phần giảm chi phí xây dựng công trình và hạn chế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 05/01/2015 Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2015 -2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Căn cứ khoa học

Căn cứ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa được công bố theo Quyết định số 2295/QĐ-BKHCN ngày 28/8/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia.

3. Thực tiễn sử dụng sản phẩm cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh

Cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu được sản xuất nghiền từ đá khai thác tự nhiên. Trên thực tế, đối với các huyện vùng cao núi đá phía bắc (vùng cao nguyên đá Đồng Văn) và một số xã vùng cao núi đất phía tây cát nghiền nhân tạo đã và đang được đưa vào sử dụng cho công tác sản xuất gạch không nung (gạch bê tông), sản xuất vữa xây, trát, công tác cấp phối bê tông.

Đối với các huyện vùng thấp, phong tục tập quán từ trước tới nay người dân chủ yếu sử dụng cát tự nhiên để xây, trát, đổ bê tông, có một số nơi có sử dụng một phần cát nghiền nhân tạo cho việc sản xuất gạch không nung.

Tuy nhiên, việc sử dụng này hoàn toàn tự phát, xuất phát từ thực tế thiếu nguồn cung cát tự nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng.

Ưu điểm: So với cát tự nhiên cát nhân tạo có nhiều ưu điểm lớn như có thể sản xuất ở các khu vực gần địa điểm xây dựng dẫn tới giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung phù hợp. Cát nhân tạo cũng có ít tạp chất, hạt dày hơn, chống mài mòn tốt hơn, tính thẩm thấu thấp hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Nhược điểm: Với nhưng ưu điểm như đã nêu cát nhân tạo vẫn ít được sử dụng, do tâm lý của người tiêu dùng. Người dân cũng như nhà đầu tư còn băn khoăn, lo ngại về chất lượng loại vật liệu mới có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng, cộng với việc định mức kinh tế kỹ thuật, các hao phí vật liệu cũng như việc kiểm soát về chất lượng chưa được tính toán hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn dẫn đến còn nhiều tồn tại, hạn chế về chất lượng và giá thành công trình. Do vậy người dân và nhà đầu tư vẫn duy trì tập quán tiêu dùng cát tự nhiên.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức, do vậy việc xác định lộ trình thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo (sau đây gọi là cát nhân tạo) nhằm bổ sung, thay thế dần cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết để chủ động nguồn cung về lâu dài khi thị trường vật liệu cát xây dựng trên cả nước ngày càng khan hiếm, nhu cầu cát phục vụ đầu tư xây dựng ngày càng gia tăng. Đồng thời, hạn chế khai thác cát tự nhiên và sử dụng các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên là giải pháp giúp hạn chế tối đa nhất những hệ lụy về ảnh hưởng đến môi trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát: Giảm tối đa việc sử dụng cát tự nhiên trong công tác bê tông và vữa, vật liệu san lấp nhất là đối với các huyện không có mỏ cát, sỏi tự nhiên đặc biệt là vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Khuyến khích sử dụng cát nhân tạo đối với các khu vực có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đá vôi).

2.2. Mục tiêu cụ thể: Triển khai thực hiện sử dụng cát nhân tạo trong bê tông và vữa từ năm 2018 đối với các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

IV. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Nguồn cung cấp cát tự nhiên.

Căn cứ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 05/01/2015 của UBND tỉnh Hà Giang, tình hình khai thác, cung cấp thực tế tại địa bàn thì nguồn cung cấp cát tự nhiên hiện nay của tỉnh Hà Giang chủ yếu là nguồn cung tại chỗ, không có nguồn cung từ địa phương khác cũng như nguồn cát tự nhiên nhập khẩu.

Căn cứ theo quy hoạch và tình hình cấp phép khai thác hiện nay tại địa bàn, dự báo nguồn cung cấp cát tự nhiên như sau:

- Tiềm năng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoáng sản cát, sỏi trong quy hoạch là 8.102.200 m3, với tổng số điểm mỏ trong quy hoạch là 146 điểm.

- Trữ lượng đã được phê duyệt là: 1.758.386 m3.

- Trữ lượng khai thác đã được cấp phép là: 702.598,9 m3

- Tổng trữ lượng khai thác hàng năm là: 81.045 m3

2. Nhu cầu sử dụng cát

Căn cứ nhu cầu xây dựng các công trình Xây dựng - Dân dụng - Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng cát tự nhiên khoảng 991.254 m3/năm. Riêng nhu cầu sử dụng cát của các huyện vùng cao phía Bắc (vùng Cao nguyên đá Đồng Văn) khoảng 65.000 m3/năm, trong đó trữ lượng tài nguyên dự báo chỉ có 39.800 m3 với 01 điểm mỏ (điểm mỏ cát, sỏi thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc).

Như vậy nhu cầu sử dụng cát so với tổng trữ lượng cát tự nhiên khai thác hàng năm được cấp phép chênh lệch quá lớn (991.254 m3/81.045m3).

Theo số liệu tổng hợp với dự kiến nhu cầu sử dụng cát hiện nay là 991.254 m3/năm, so với tổng trữ lượng tài nguyên dự báo theo quy hoạch là 8.102.000 m3 thì đến năm 2025 nguồn cung cấp cát tự nhiên không còn khả năng đáp ứng được nhu cầu sử dụng (trữ lượng theo quy hoạch chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong khoảng 8 năm).

3. Phương án sử dụng, sản xuất cát nhân tạo

3.1. Phương án sử dụng cát nhân tạo

Ngày 28/8/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa kèm theo Quyết định số 2295/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Tiêu chuẩn này áp dụng cho cát nghiền được sản xuất bằng cách nghiền các loại đá tự nhiên có cấu trúc đặc chắc đến các cỡ hạt đạt yêu cầu dùng chế tạo bê tông và vữa.

Trên cơ sở TCVN 9205:2012, Sở Xây dựng đã chủ trì, tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, phạm vi sử dụng cát nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu địa phương đối với các loại chế phẩm xây dựng như vữa xây, vữa trát, cấp phối bê tông và gạch không nung, hướng dẫn cụ thể đối với từng loại sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.

3.2. Phương án sản xuất cát nhân tạo

Nguồn nguyên liệu dự kiến phục vụ cho sản xuất cát nhân tạo là đá vôi, đá cuội các loại. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2015 -2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 05/01/2015 trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 330 điểm mỏ đã được quy hoạch với tổng trữ lượng là 389.328.880 m3, đủ để sản xuất khoảng 500 triệu m3 cát và các sản phẩm phụ kèm theo, lượng sản phẩm này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về cát xây dựng cho các địa phương không có nguồn tài nguyên này.

Tình hình phân bố các điểm mỏ đá vôi trên toàn tỉnh như sau:

- Điểm mỏ đã đầu tư thăm dò, khai thác: 71 điểm mỏ với trữ lượng 21.243.880 m3, cụ thể :

+ Huyện Bắc Quang có 18 điểm mỏ, trữ lượng 5.377.870 m3

+ Huyện Quang Bình có 8 điểm mỏ, trữ lượng 2.182.110 m3

+ Huyện Vị Xuyên có 19 điểm mỏ, trữ lượng 6.478.900 m3

+ Huyện Xín Mần có 9 điểm mỏ, trữ lượng 1.415.000 m3

+ Thành Phố Hà Giang có 7 điểm mỏ, trữ lượng 3.430.000 m3

+ Huyện Bắc Mê có 8 điểm mỏ, trữ lượng 10.586.500 m3

+ Huyện Yên Minh có 2 điểm mỏ, trữ lượng 1.720.000 m3

- Điểm mỏ chưa cấp phép: 259 điểm mỏ với trữ lượng tài nguyên địa chất dự báo 368.085.000 m3, cụ thể:

+ Huyện Bắc Quang có 16 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 36.714.590 m3

+ Huyện Quang Bình có 13 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 15.370.110 m3.

+ Huyện Vị Xuyên có 23 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 204.107.960 m3.

+ Huyện Xín Mần có 19 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 11.530.660 m3.

+ Thành Phố Hà Giang có 2 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 10.242.640 m3.

+ Huyện Bắc Mê có 24 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 10.586.500 m3.

+ Huyện Yên Minh có 36 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 25.111.600 m3.

+ Huyện Quản Bạ có 31 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 9.647.400 m3.

+ Huyện Đồng Văn có 43 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 13.508.070 m3.

+ Huyện Mèo Vạc có 52 điểm mỏ, trữ lượng dự báo 31.265.470 m3.

Công nghệ sản xuất, hiện nay trên thị trường đã có các dây chuyền sản xuất cát nghiền tiên tiến hiện đại, hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng và năng suất trong quá trình sản xuất.

4. Phương án sử dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều mỏ khoáng sản đang khai thác nên có thể sử dụng tận thu đuôi thải sau tuyển (có sàng lọc không gây ô nhiễm môi trường) đối với các mỏ như: quặng sắt, mangan, thiếc, vonfram, tro xỉ, xỉ than, phế thải tại các mỏ khai thác đá, phế thải xây dựng do phá dỡ các công trình cũ, phế liệu của các nhà máy gạch không nung..., làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên.

IV. LỘ TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Sử dụng cát xay cho công tác bê tông và vữa: Trên thực tế hiện nay các huyện vùng cao núi đá phía bắc và một số xã vùng cao núi đất phía tây đã và đang sử dụng cát nhân tạo cho các chế phẩm xây dựng như gạch không nung (gạch bê tông), vữa xây, vữa trát. Trước mắt năm 2018 sử dụng cát nhân tạo cho các chế phẩm xây dựng vữa xây, vữa trát, bê tông mác 200 trở xuống đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng cát, chất lượng các chế phẩm xây dựng sử dụng cát nhân tạo; xây dựng hoàn chỉnh định mức, phạm vi sử dụng cát nhân tạo, hướng dẫn cụ thể đối với từng loại sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành;

Năm 2019, phấn đấu phát triển cơ sở sản xuất cát nhân tạo có đủ năng lực đáp ứng 30% nhu cầu dự báo sử dụng cát đối với các huyện vùng cao núi đá phía bắc và một số xã vùng cao núi đất phía tây không có mỏ cát tự nhiên tức khoảng 12.600 m3/năm; Năm 2022 đáp ứng khoảng 60-80% nhu cầu dự báo sử dụng tức đạt khoảng từ 39.000 - 52.000 m3/năm; khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất tại các khu vực có mỏ khoáng sản đang hoạt động và vùng núi thấp đến năm 2025 có thể đáp ứng được khoảng từ 40 - 50% nhu cầu dự báo sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

1.2. Sử dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp đề xuất thực hiện từ năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên như: ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành.

2.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các chế phẩm xây dựng có sử dụng cát nhân tạo bao gồm: Định mức cấp phối các loại vữa xây, vữa trát, vữa bê tông; định mức cấp phối các loại gạch không nung.

2.3. Các ngành chuyên môn liên quan và các chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, nghiệm thu vật liệu đầu vào; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình có sử dụng cát nhân tạo.

2.4. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, hướng dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư, người dân tích cực sử dụng cát nhân tạo trong các sản phẩm xây dựng.

2.5. Giao Sở Xây dựng, chủ trì, tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn triển khai thực hiện phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa; sử dụng các vật liệu khác làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

2.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chỉ đạo các cơ chuyên môn phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Phương án.

Trong quá trình thực hiện Phương án, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung, yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo (thông qua Sở Xây dựng) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1897/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa, sử dụng vật liệu khác làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên do tỉnh Hà Giang ban hành

  • Số hiệu: 1897/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản