Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2979/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 08 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG CÁT NGHIỀN NHÂN TẠO CHO BÊ TÔNG VÀ VỮA THAY THẾ CÁT TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ các văn bản của Chính phủ: Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2017 Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2017; Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Thông báo số 269/TB-TB-VPCP ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi;

Căn cứ Công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 354/TTr-SXD ngày 18 tháng 11 năm 2019 và Báo cáo số 457/BC-SXD ngày 04 tháng 12 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sơn La.

(Phương án chi tiết kèm theo Quyết định này)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Phương án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Phương án. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua Sở Xây dựng.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Phương án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Sơn La; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (b/c);
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu VT, TH, KT(Quý), 100 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Minh

 

PHƯƠNG ÁN

SỬ DỤNG CÁT NGHIỀN NHÂN TẠO CHO BÊ TÔNG VÀ VỮA THAY THẾ CÁT TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Kèm theo Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 08/12/2019 của UBND tỉnh Sơn La

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

- Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

- Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 về quản lý vật liệu xây dựng;

- Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2017 Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2017;

- Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

- Thông báo số 269/TB-TB-VPCP ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi, đều nhắm tới mục tiêu hạn chế sử dụng cát tự nhiên, khuyến khích sử dụng cát nhân tạo và các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên, đặc biệt là trong san lấp;

Công văn số 1421/BXD-VLXD ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Bộ Xây dựng về việc tình hình cung cầu sử dụng cát xây dựng và các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên; Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương như sau: "Chỉ đạo các cơ quan liên quan, tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp, sử dụng cát tự nhiên có hiệu quả, tiết kiệm đặc biệt sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên;...”.

2. Cơ sở khoa học

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, mã số QCVN 16:2017/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Xây dựng;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa được công bố theo Quyết định số 2295/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia;

- Đề tài: Nghiên cứu cát nhân tạo sử dụng trong bê tông và vữa xây dựng; Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Quang Cung; Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện Khoa học công nghệ Vật liệu xây dựng;

- Đề tài khoa học Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát bê tông - ứng dụng cho đập thủy lợi Bản Mòng - Sơn La; Trường Đại Học thủy lợi;

- Đề tài “Nghiên cứu, tìm nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa bàn tỉnh” của Sở Xây dựng TT-Huế do TS Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc, Chủ nhiệm đề tài;

- Đề tài nghiên cứu về công nghệ chế tạo cát nhân tạo (cát xây) thay thế cát tự nhiên”, ứng dụng cho công trình giao thông của Viện khoa học và công nghệ giao thông vận tải;

- Đề tài: Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

3. Kết quả nghiên cứu về việc sử dụng cát nghiền nhân tạo và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và môi trường (theo đánh giá của các nhà khoa học khi triển khai nghiên cứu và thực hiện các đề tài khoa học)

3.1. Tình hình sử dụng trên thế giới và trong nước

Trên thế giới cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên đã được sử dụng từ rất lâu (khoảng gần 50). Tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ hiện nay hầu hết các công trình đều sử dụng hoàn toàn cát nhân tạo. Tại Việt Nam thời gian gần đây cát nhân tạo bắt đầu được nói đến nhiều một phần do giá cát tự nhiên tăng đột biến, phần khác, trong tương lai nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nên cần tìm một loại vật liệu để sử dụng thay thế.

3.2. Ảnh hưởng đến chất lượng công trình

Cát nhân tạo lại có rất nhiều ưu điểm, như hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau (như bê tông asphalt, bê tông macrosell, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt...). Hơn nữa, còn cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

3.3. Về kinh tế - xã hội và môi trường

- Cát nghiền nhân tạo có thể sản xuất ở các khu vực gần địa điểm xây dựng dẫn tới giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung phù hợp; do đó giá cát nhân tạo hiện nay thường rẻ hơn cát tự nhiên khoảng từ 16% đến 18% (cụ thể: ở Quảng Ninh giá cát bê tông sông Lô là 370.000 đồng/m3, cát nhân tạo có giá thành là 343.000 đồng/m3, rẻ hơn 27.000 đồng/m3 so với cát tự nhiên; ở Sơn La giá cát bê tông Sông Mã là 300.000 đồng/m3, cát nhân tạo có giá thành là 250.000 đồng/m3, rẻ hơn 50.000 đồng/m3 so với cát tự nhiên;...);

- Hạn chế việc nạo, hút cát tự nhiên trên các dòng sông, suối, giảm mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh sống của người dân cũng như cảnh quan dọc 2 bên bờ sông, suối;

- Việc sử dụng cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên bằng các nguồn nguyên liệu sẵn có của các địa phương không có nguồn cát tự nhiên sẽ làm hạn chế việc vận chuyển cát quá tải thường diễn ra hiện này, giảm áp lực cho các công trình hạ tầng giao thông một cách đáng kể.

4. Thực tiễn sử dụng cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay

- Cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu được sản xuất nghiền từ đá khai thác tự nhiên; các mỏ cát kết (đá phong hóa). Hiện nay cát nhân tạo được sản xuất tại một số cơ sở như: mỏ đá Kim Thành tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn và một số mỏ cát nhân tạo tại huyện Mộc Châu; cát nghiền nhân tạo đã và đang được đưa vào sử dụng cho công tác sản xuất gạch không nung (gạch bê tông), sản xuất vữa xây, trát, công tác cấp phối bê tông;

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 điểm mỏ đá xây dựng đang khai thác với công suất khai thác là 1.313.000 m3; sản phẩm dư thừa nhỡ cỡ (có kích thước từ 0,5 cm trở xuống, không đảm bảo theo tiêu chuẩn đá xây dựng) khoảng 18% sản lượng sản xuất của các mỏ, tương ứng khoảng 236.000 m3/ năm, đây là một sản lượng dư thừa hiện nay chưa được sử dụng nhiều, đang là một nguồn thải có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chiếm chỗ bãi chứa của các mỏ đá và là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất cát nghiền nhân tạo;

- Ngoài ra trên địa bàn huyện Mường La, Công ty TNHH Tài nguyên và Khoáng sản Thăng Long - Hà Nội, được UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1919/GP-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2018; đang đầu tư dây chuyền nghiền cát nhân tạo (Dây chuyền của Đài Loan - PC 1.200), cát nghiền từ sỏi và đá tạp lẫn trong cát, sản phẩm cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 để làm cát đổ bê tông và cát xây; Tổng mức đầu tư: 14,7 tỷ đồng, công suất máy: 700-1.000 m3/ ngày.

Từ những lý do nêu trên, UBND tỉnh ban hành phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sơn La là phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, đúng thẩm quyền và cần thiết để thúc đẩy đầu tư sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên ngày càng khan hiếm.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở địa phương; có giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông;

- Xác định lộ trình thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm bổ sung, thay thế dàn cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết để chủ động nguồn cung về lâu dài khi thị trường vật liệu cát xây dựng tự nhiên ngày càng khan hiếm, đáp ứng nhu cầu cát phục vụ đầu tư xây dựng ngày càng gia tăng;

- Hạn chế khai thác cát tự nhiên và sử dụng các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên là giải pháp giúp hạn chế tối đa nhất những hệ lụy về ảnh hưởng đến môi trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Giảm tối đa việc sử dụng cát tự nhiên trong công tác bê tông và vữa, vật liệu san lấp nhất là đối với các huyện không có mỏ cát, sỏi tự nhiên. Khuyến khích sử dụng cát nhân tạo đối với các khu vực có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đá vôi).

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai thực hiện sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong bê tông và vữa từ năm 2020 đối với các huyện, thành phố có lợi thế phát triển sản xuất cát nhân tạo;

- Đến năm 2021 phấn đấu cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 20% nhu cầu sử dụng;

- Đến năm 2022 phấn đấu cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 50% nhu cầu sử dụng;

- Đến năm 2025 phấn đấu cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 80% nhu cầu sử dụng.

III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Nhu cầu sử dụng cát

Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng tại một số địa phương (xa nguồn cát tự nhiên, có nguồn đá để sản xuất cát nghiền nhân tạo) của tỉnh như sau:

1.1. Giai đoạn đến năm 2020

Dự báo nhu cầu sử dụng cát đến năm 2020 là khoảng từ 1,25 triệu đến 1,3 triệu m3/năm; so sánh với trữ lượng đã được cấp phép khai thác hiện nay mới chỉ đáp ứng 14% (0,182/1,3 triệu m3).

Trong đó nhu cầu sử dụng cát tại một số địa phương như sau:

- Thành phố Sơn La, khoảng: 180.000 m3/năm;

- Huyện Mai Sơn, khoảng: 130.000 m3/năm;

- Huyện Yên Châu, khoảng: 100.000 m3/năm;

- Huyện Mường La, khoảng: 100.000 m3/năm;

- Huyện Phù Yên, khoảng: 100.000 m3/năm;

- Huyện Bắc Yên, khoảng: 100.000 m3/năm;

Tổng số khoảng 710.000 m3/năm.

1.2. Giai đoạn đến năm 2025

Trong giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh và giá trị tuyệt đối ngày càng lớn, dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu vật liệu xây dựng bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng từ 3 - 5%/năm.

Dự báo nhu cầu sử dụng cát đến năm 2025 là khoảng từ 1,4 triệu m3 đến 1,5 triệu m3; khả năng cung cấp cát tự nhiên đáp ứng khoảng 50% (0,75/1,5 triệu m3).

Trong đó nhu cầu sử dụng cát tại một số địa phương như sau:

- Thành phố Sơn La, khoảng: 190.000 m3/năm;

- Huyện Mai Sơn, khoảng: 140.000 m3/năm;

- Huyện Yên Châu, khoảng: 110.000 m3/năm;

- Huyện Mường La, khoảng: 110.000 m3/năm;

- Huyện Phù Yên, khoảng: 110.000 m3/năm;

- Huyện Bắc Yên, khoảng: 100.000 m3/năm;

- Huyện Thuận Châu, khoảng: 110.000 m3/năm;

- Huyện Quỳnh Nhai khoảng: 110.000 m3/năm;

Tổng số khoảng 980.000 m3/năm.

2. Khả năng sản xuất và cung cấp cát nghiền nhân tạo

2.1. Yêu cầu đối với cát nghiền nhân tạo

Đảm bảo tiêu chuẩn cát nghiền cho bê tông và vữa xây hoặc trát cần đáp ứng các yêu cầu, quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 - Cát nghiền cho bê tông và vữa được công bố theo Quyết định số 2295/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2.2. Định mức dự toán, đơn giá xây dựng công trình

- Cát nhân tạo (cát nghiền) được sử dụng làm cốt liệu thay thế cho cốt liệu là cát tự nhiên trong định mức cấp phối một số loại vữa và bê tông tại các tập định mức đã được Bộ Xây dựng công bố.

Trường hợp những định mức về xác định cấp phối bê tông và vữa xây, trát đã được công bố nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có định mức do Bộ Xây dựng công bố về sử dụng cát nghiền thì chủ đầu tư, nhà thầu và các tổ chức tư vấn căn cứ theo quy định tổ chức lập định mức mới cho phù hợp theo quy định hoặc vận dụng các định mức xây dựng tương tự đã và đang sử dụng ở công trình khác để áp dụng.

- Trên cơ sở các công trình thực tế đã thi công trên địa bàn tỉnh; giao Sở Xây dựng tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật sử dụng cát nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu địa phương đối với các loại chế phẩm xây dựng như vữa xây, vữa trát, cấp phối bê tông và gạch không nung, hướng dẫn cụ thể đối với từng loại sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành, làm cơ sở áp dụng.

2.3. Khả năng sản xuất, cung cấp cát nghiền nhân tạo

Nguồn nguyên liệu dự kiến phục vụ cho sản xuất cát nhân tạo là đá vôi, cuội, sỏi các loại. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 43 điểm mỏ đá vôi đã được quy hoạch và 9 điểm mỏ đang đề nghị bổ sung, với tổng trữ lượng khai thác hàng năm là 3,6 triệu m3, đủ để sản xuất cát và các sản phẩm phụ kèm theo, đáp ứng nhu cầu về cát xây dựng cho các địa phương không có nguồn tài nguyên này.

Tình hình phân bố các điểm mỏ đá vôi tại một số địa bàn như sau:

- Điểm mỏ đã đầu tư thăm dò, khai thác: 23 điểm mỏ với công suất khai thác là 1.053.000 m3/năm, cụ thể:

+ Thành phố Sơn La có 04 điểm mỏ, công suất khai thác 230.000m3/năm;

+ Huyện Mai Sơn có 04 điểm mỏ, công suất khai thác 330.000m3/năm;

+ Huyện Yên Châu có 02 điểm mỏ, công suất khai thác 55.000m3/năm;

+ Huyện Mường La có 01 điểm mỏ, công suất khai thác 158.000m3/năm;

+ Huyện Phù Yên có 02 điểm mỏ, công suất khai thác 60.000m3/năm.

+ Huyện Bắc Yên có 01 điểm mỏ, công suất khai thác 25.000m3/năm;

+ Huyện Thuận Châu có 03 điểm mỏ, công suất khai thác 120.000m3/năm;

+ Huyện Quỳnh Nhai có 01 điểm mỏ, công suất khai thác 75.000m3/năm;

- Điểm mỏ chưa cấp phép: 13 điểm mỏ với trữ lượng tài nguyên địa chất dự báo 7.850.000 m3, cụ thể:

+ Thành phố Sơn La có 01 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 600.000m3;

+ Huyện Mai Sơn có 05 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 3.150.000m3;

+ Huyện Yên Châu có 01 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 500.000m3;

+ Huyện Mường La có 02 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 1.300.000m3;

+ Huyện Phù Yên có 01 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 500.000m3;

+ Huyện Quỳnh Nhai có 03 điểm mỏ, trữ lượng khoảng 1.800.000m3;

- Ngoài ra nguồn cuội, sỏi tự nhiên được khai thác cùng với việc khai thác cát tự nhiên tại sông Đà, sông Mã, trữ lượng khoảng hơn 1 triệu m3.

Như vậy, khả năng cung cấp về nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nghiền nhân tạo là khoảng từ 1,8 đến 3 lần nhu cầu sử dụng tại các địa phương; với công nghệ sản xuất, hiện nay trên thị trường đã có các dây chuyền sản xuất cát nghiền tiên tiến hiện đại, hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và năng suất trong quá trình cung cấp cát nghiền nhân tạo cho thị trường.

Khuyến khích các chủ mỏ đang khai thác đá vôi và cát, sỏi đầu tư bổ sung thêm dây chuyền sản xuất cát nghiền tại chỗ để đáp ứng nhu cầu trước mắt tại một số địa phương đang thiếu hụt và có giá thành cao như: Yên Châu, Mai Sơn, Thành phố Sơn La; Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Trong giai đoạn từ năm 2022, thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất cát nghiền với quy mô công suất lớn tập trung tại Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Mường La.

V. LỘ TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Giai đoạn từ năm 2019 đến 2020

- Tập trung khuyến khích các cơ sở khai thác và chế biến đá vôi, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác;

- Xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá về cấp phối vữa trong bê tông và vữa xây sử dụng cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La; hướng dẫn, kiểm tra đối với từng loại sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng cát, chất lượng các chế phẩm xây dựng sử dụng cát nhân tạo;

- Đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền trong sản xuất bê tông thương phẩm, sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 20% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh; trước mắt thí điểm thực hiện đưa vào sử dụng làm cấp phối bê tông và vữa xây trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mường La và huyện Mai Sơn;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, hướng dẫn người dân tích cực sử dụng cát nhân tạo trong các sản phẩm xây dựng.

1.2. Giai đoạn từ năm 2021 đến 2022

- Định hướng việc sản xuất cát nghiền nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu sản xuất bê tông mác cao, nhằm phục vụ các công trình có quy mô lớn và có yêu cầu kỹ thuật cao.

- Phấn đấu sản lượng cát nghiền nhân tạo sử dụng trong bê tông và vữa xây đến năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 50%, cụ thể là:

+ Từ năm 2021, tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm làm cơ sở để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực hiện thí điểm trên địa bàn Thành phố, huyện Mường La và huyện Mai Sơn, quy định sử dụng trong bê tông và vữa xây đạt tỷ lệ 50% đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách tại thành phố Sơn La và các huyện: Mường La, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên, Yên Châu;

+ Năm 2022 quy định sử dụng trong bê tông và vữa xây đạt tỷ lệ 70% đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách tại các tại thành phố Sơn La và các huyện: Mường La, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên, Yên Châu và 30% tại các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mộc Châu và Vân Hồ.

- Không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp trong các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 30%.

1.3. Đến năm 2025

- Thu hút đầu tư sản xuất tập trung với quy mô lớn tại một số địa phương có nguồn đá vôi, cuội sỏi lớn, chất lượng cao như: Mai Sơn, Mường La, Thành phố; Phù Yên;

- Quy định sử dụng cát nghiền nhân tạo trong bê tông và vữa xây đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh đạt tỷ lệ 80% (trừ huyện Sông Mã và Sốp Cộp).

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên, trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định như: Ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo các quy định.

2.2. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, kiểm tra các mỏ khoáng sản đá, cát, sạn đã được UBND tỉnh cấp phép. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu khai thác đá làm cát nghiền về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản; hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường. Kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đảm bảo trước khi thực hiện khai thác khoáng sản.

2.3. Sở Xây dựng: hướng dẫn các đơn vị sản xuất xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cấp phối vữa sử dụng cát nghiền nhân tạo, tổ chức thẩm định và cho ý kiến về định mức kinh tế kỹ thuật cấp phối vữa sử dụng cát nghiền nhân tạo làm cơ sở để các đơn vị sản xuất ban hành; hướng dẫn triển khai thực hiện phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa trên địa bàn tỉnh Sơn La; tổng hợp báo cáo về tình hình nguồn cung, nhu cầu sử dụng cát xây dựng gửi Bộ Xây dựng theo yêu cầu.

Thường xuyên theo dõi và nắm bắt tình hình thực hiện phương án; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh phương án đảm bảo phù hợp với thực tế của tỉnh.

2.4. Các ngành chuyên môn liên quan và các chủ đầu tư

- Tăng cường công tác kiểm tra, nghiệm thu vật liệu đầu vào; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình có sử dụng cát nhân tạo; sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương, hạn chế sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp mặt bằng.

- Tăng cường công tác quản lý nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển cát xây dựng; quản lý bến bãi, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng; thường xuyên nắm thông tin về chất lượng, giá cả; yêu cầu niêm yết giá bán cát công khai tại nơi bán, để các cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát, chống việc đầu cơ để tăng giá; các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng cát xây dựng.

2.5. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp, sử dụng cát nghiền đối với công trình cụ thể như sau

- Người quyết định đầu tư (hoặc được ủy quyền quyết định đầu tư) có trách nhiệm xem xét lựa chọn phương án sử dụng cát nghiền có hiệu quả tốt hơn hoặc bằng phương án sử dụng cát tự nhiên khi quyết định đầu tư dự án;

- Chủ đầu tư có trách nhiệm ưu tiên việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên theo phương án lựa chọn của người quyết định đầu tư;

- Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm lập phương án so sánh về chất lượng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng cát nghiền với cát tự nhiên đối với từng loại kết cấu công trình; làm cơ sở cho chủ đầu tư trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình phải thẩm định về chất lượng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng cát nghiền trong công trình xây dựng.

2.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Sơn La

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chỉ đạo các cơ chuyên môn phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện Phương án này;

- Định kỳ hàng năm tổng kết, gửi báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp chung, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện trên địa bàn quản lý, kịp thời đề xuất kiến nghị để điều chỉnh phương án cho đảm bảo với thực tế địa phương.

2.7. Báo Sơn La, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh cát nghiền nhân tạo xây dựng các chuyên đề, chuyên mục (theo đặt hàng của các đơn vị) thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân hiểu và nắm bắt chủ trương của Trung ương cũng như của tỉnh về đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong đầu tư xây dựng.

2.8. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Sơn La: tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư, người dân tích cực sử dụng cát nhân tạo trong các sản phẩm xây dựng.

Trong quá trình thực hiện Phương án, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung, yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo (thông qua Sở Xây dựng) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2979/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Phương án sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 2979/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Lê Hồng Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản