Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA DỰ ÁN QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN CÁT, SỎI LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 về quản lý vật liệu xây dựng;

Xét Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua dự án Quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 784/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung cụ thể sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Phạm vi quy hoạch: Các vị trí mỏ, bãi tập kết cát, sỏi có đủ điều kiện quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể:

- Các mỏ cát thuộc khu vực lòng sông, các bãi bồi trong đê hoặc khu vực ngoại đê;

- Nạo vét, khơi thông một số tuyến đường thủy nội địa;

- Khu vực cửa sông, cửa biển (cát nhiễm mặn để san lấp).

3. Thời kỳ quy hoạch: Thời kỳ 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

4. Dự báo nhu cầu sử dụng: Tổng nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2018 - 2030 khoảng 51,38 triệu m3, cụ thể:

- Giai đoạn: 2018 - 2025, nhu cầu khoảng 26,79 triệu m3;

- Giai đoạn: 2026 - 2030, nhu cầu khoảng 25,04 triệu m3.

5. Mục tiêu, định hướng, đối tượng quy hoạch

5.1. Mục tiêu quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản quốc gia; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh; bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Khai thác, sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ và nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai. Đảm bảo theo quy định tại Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản.

5.2. Định hướng quy hoạch

Quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa vừa đáp ứng được mục tiêu cụ thể nêu trên, vừa phải đáp ứng nhu cầu cho phát triển khai thác giai đoạn sau. Do đó, trong quá trình thực hiện luôn cần có sự bổ sung, điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện cho từng giai đoạn.

5.3. Đối tượng quy hoạch

Khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Điều 64 của Luật Khoáng sản.

6. Nội dung quy hoạch

6.1. Khu vực lòng sông, suối, các hệ thống sông chính, các bãi bồi trong đê, ngoại đê

Tổng số vị trí mỏ, bãi tập kết cát, sỏi thuộc khu vực lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh là 191 vị trí được phân bố dọc các tuyến sông, suối (sông Mã, sông Chu, sông Lò, sông Luồng, sông Bưởi, sông Âm, sông Đằn, sông Hón Cảy, suối Sim, suối Ngàm, khe Hao Hao) thuộc địa bàn 21 huyện, thị xã, thành phố, gồm 95 mỏ cát, sỏi và 96 bãi tập kết cát, cụ thể:

a) Có 95 mỏ cát, sỏi có đủ điều kiện quy hoạch:

- Tổng diện tích quy hoạch khoảng 487,73 ha;

- Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 12,095 triệu m3 cát và trữ lượng sỏi tại 21 mỏ là 0,77 triệu m3;

- Trữ lượng khoáng sản cát đã khai thác khoảng 3,12 triệu m3;

- Trữ lượng còn lại để đưa vào khai thác khoảng 9,745 triệu m3.

b) Có 96 vị trí bãi tập kết cát đủ điều kiện quy hoạch, tổng diện tích khoảng 87,881 ha.

(Chi tiết các mỏ cát, sỏi và bãi tập kết cát tại Phụ lục 1, 2 kèm theo)

6.2. Khu vực nạo vét đường thủy nội địa

Có 04 mỏ tại các tuyến sông cần nạo vét thông dòng với tổng chiều dài nạo vét khoảng 5,9 km đường sông, tổng trữ lượng dự báo nạo vét cát làm vật liệu xây dựng công trình khoảng 0,565 triệu m3.

(Chi tiết các mỏ tại Phụ lục s 3).

6.3. Khu vực nạo vét cửa sông, cửa biển (cát nhiễm mặn để san lấp)

Có 04 mỏ tại các cửa sông nạo vét với tổng chiều dài nạo vét khoảng 13 km, tổng trữ lượng dự báo nạo vét cát làm vật liệu san lấp khoảng 1,465 triệu m3.

(Chi tiết các mỏ tại Phụ lục s 3).

6.4. Dự báo trữ lượng bồi lắng hàng năm

Dự kiến giai đoạn 2018-2030, tổng trữ lượng bồi lắng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh khoảng 11,7 triệu m3, trong đó:

- Bồi lắng khu vực các hệ thống sông chính và khu vực đường thủy nội địa khoảng 0,9 triệu m3/năm, tổng trữ lượng bồi lắng đến năm 2030 khoảng 10,8 triệu m3;

- Bồi lắng khu vực cửa sông, cửa biển khoảng 0,075 triệu m3/năm, tổng trữ lượng bồi lắng đến năm 2030 khoảng 0,9 triệu m3.

6.5. Tổng hợp kết quả quy hoạch theo mục đích sử dụng

a) Cát, sỏi làm vật liệu xây dựng công trình:

Tổng số các mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng công trình là 99 mỏ; với tổng trữ lượng có thể khai thác là 21,11 triệu m3, cụ thể:

- 95 mỏ cát, sỏi thuộc phạm vi các hệ thống sông, suối, bãi bồi trong đê, ngoài đê với tổng diện tích khoảng 487,73ha, trữ lượng có thể khai thác khoảng 8,975 triệu m3 cát và 0,77 triệu m3 sỏi;

- 04 mỏ cát thuộc khu vực khai thông đường thủy nội địa; tổng trữ lượng dự báo khoảng 0,565 triệu m3;

- Trữ lượng bồi lắng đến năm 2030 đạt 10,8 triệu m3.

b) Cát làm vật liệu san lấp (cát nhiễm mặn để san lấp):

- 04 mỏ cát thuộc các khu vực nạo vét cửa sông, cửa biển; tổng trữ lượng dự báo khoảng: 1,465 triệu m3;

- Trữ lượng bồi lắng khu vực cửa sông, cửa biển đến 2030 đạt 0,9 triệu m3.

c) Bãi tập kết cát, sỏi: Có 96 vị trí bãi tập kết cát, sỏi với tổng diện tích khoảng 87,881 ha.

7. Kế hoạch khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng

7.1. Tổng trữ lượng cát quy hoạch kỳ này đạt khoảng 23,475 triệu m3, trong đó có 2,365 triệu m3 là cát nhiễm mặn không thích hợp làm vật liệu xây dựng công trình. Như vậy, tổng trữ lượng cát, sỏi tính toán cho kế hoạch thăm dò, khai thác từ nay đến năm 2030 khoảng 21,11 triệu m3.

7.2. Kế hoạch khai thác, sử dụng cát làm vật liệu xây dựng được chia làm 02 giai đoạn:

a) Giai đoạn 2018 đến năm 2025:

Mục tiêu: đáp ứng đủ nhu cầu: 26,79 triệu m3:

- Cấp phép mới cát, sỏi tự nhiên đạt tổng trữ lượng khai thác đến năm 2025 đạt khoảng 11 triệu m3, công suất cấp phép mỗi dự án khai thác mới không nhỏ hơn 10.000 m3/năm (áp dụng đối với các mỏ có trữ lượng ≥ 20.000 m3, thời gian cấp phép ti thiểu là 02 năm; còn với các mỏ còn lại thì cấp theo dự án).

- Tổ chức nạo vét định kỳ khu vực cửa sông, cửa biển, đường thủy nội địa từ 3-5 năm/lần nhằm phục vụ tốt nhu cầu giao thông đường thủy.

- Cấp phép thăm dò, tận thu một phần ở các lòng hồ thủy điện (nếu có dự án nạo vét).

b) Giai đoạn 2026 - 2030:

Mục tiêu: đáp ứng đủ nhu cầu: 25,04 triệu m3:

- Tiếp tục khai thác các mỏ đã được cấp trước năm 2025, cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ mới đạt tổng trữ lượng khai thác giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 10 triệu m3, công suất cấp phép mỗi dự án khai thác mới không nhỏ hơn 10.000 m3/năm (áp dụng đối với các mỏ có trữ lượng ≥ 20.000 m3, thời gian cấp phép tối thiểu là 02 năm; còn với các mỏ còn lại thì cấp theo dự án).

- Tiếp tục đầu tư nâng công suất các nhà máy sản xuất cát nghiền hiện có đồng thời bổ sung một số dây chuyền sản xuất mới ở các huyện miền núi và trung du. Tổng trữ lượng cát nghiền và các loại vật liệu thay thế phải đạt ít nhất 16 triệu m3;

- Tổ chức nạo vét định kỳ 3-5 năm/lần các khu vực cửa sông, đường thủy nội địa.

- Tăng cường phát triển cát nghiền và các loại vật liệu thay thế như tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh

- Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch theo quy định làm cơ sở triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng cát sỏi làm vật liệu xây dựng; kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép; các xe vận chuyển vật liệu quá tải gây hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng môi trường.

- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên của tỉnh. Chỉ đạo tăng cường sử dụng các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên để tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH; HĐND tỉnh; UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND; UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN