Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1672/QĐ-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CHẾ BIẾN GẠO PHỤC VỤ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Ban hành Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 133/TTr-SCT ngày 02 tháng 6 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình chế biến gạo phục vụ Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Sở Công Thương triển khai nội dung “Chương trình chế biến gạo phục vụ Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” theo Điều 1 của Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT.TU, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Sở: CT, KHCN, NNPTNT, KHĐT, TC, YT;
- Trung tâm XTTMĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Phòng KTN, KTTH, HCTC;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

CHƯƠNG TRÌNH

CHẾ BIẾN GẠO PHỤC VỤ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. Cơ sở pháp lý

Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về việc kinh doanh xuất khẩu gạo;

Nghị định số 103/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ về việc quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang liên minh Châu Âu;

Nghị định số 11/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu để hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang liên minh Châu Âu và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-Len;

Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và cơ sở xay xát thóc gạo;

Quyết định số 1914/QĐ-BKHCN ngày 20/7/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia;

Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 05/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về việc Ban hành Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

II. Sự cần thiết

Tỉnh An Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai của cả nước (đứng sau tỉnh Kiên Giang) hằng năm đạt gần 4 triệu tấn, xuất khẩu hằng năm đạt từ 500 - 550 ngàn tấn gạo, mang về nguồn ngoại tệ đạt trên 250 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một trong bốn ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

An Giang hiện có 23 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Các công ty cũng từng bước hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật công nghệ để đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn hóa về hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên đối với thương hiệu gạo An Giang, việc hệ thống hóa cũng như tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm gạo chế biến là vô cùng quan trọng và cần thiết.

III. Mục tiêu của Chương trình

Xây dựng một quy trình chế biến gạo đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước lẫn quốc tế (từ nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng đến tiêu chuẩn sản phẩm, bao bì đóng gói…).

Chương trình chế biến gạo là cơ sở, tiêu chuẩn để áp dụng chung cho quy trình chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang.

IV. Nội dung Chương trình

1. Sơ lược về năng lực, thực trạng sản xuất ngành hàng chế biến lúa gạo An Giang

Hiện nay, tỉnh An Giang có 23 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công Thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

Tổng năng lực của 23 Doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt: 522.800 tấn thóc và 551.594 tấn gạo; công suất xay xát đạt 628 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 42 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Tổng năng lực của 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt: 138.125 tấn thóc và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Hiện trạng sản xuất: Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo An Giang đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo (QCVN 01-134:2013/BNNPTNT.

Hiện trạng máy móc thiết bị: dây chuyền chế biến của các doanh nghiệp đều được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm thiết bị của các công đoạn chế biến như: Thiết bị sấy, máy bóc vỏ, máy lau bóng, máy tách màu, sàn tách đá, máy dò kim loại, cận điện tử, hệ thống kho bảo quản,…

Máy móc, thiết bị được đầu tư của các nhà máy, bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng như:

Hệ thống sấy: Kaneko (Nhật Bản), Mekofood (Việt Nam), Bùi Văn Ngọ (Việt Nam).

Máy bóc vỏ: Bùi Văn Ngọ, Buhler (Thụy Sỹ).

Máy xát trắng: Lamico (Việt Nam), Buhler (Thụy Sỹ), Bùi Văn Ngọ.

Máy tách màu: Deawon (Hàn Quốc), Buhler (Thụy Sỹ), Satake (Nhật Bản), Anco (Trung Quốc), AnySort (Trung Quốc).

Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng như: HACCP, ISO 9001:2015, ISO 22000:2005, BRC, GMP,…

2. Một số mô hình, kỹ thuật chế biến, bảo quản gạo tiên tiến hiện nay

- Sấy lạnh hạt thóc: Nguyên lý chủ đạo của quá trình sấy lạnh là buồng sấy được duy trì ở nhiệt độ 0-10°C, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ, áp suất bên trong và ngoài sản phẩm. Vào thời điểm đó, hơi nước trong sản phẩm bắt đầu bốc hơi và hạt thóc sẽ dần khô lại. Ưu điểm của công nghệ này là do việc hạ thấp nhiệt độ sấy giúp hạt thóc sấy không bị mất màu, mất chất do nhiệt, các chất dinh dưỡng, từ đó giảm thời gian sấy cũng như giảm chi năng lượng.

- Bảo quản gạo bằng công nghệ CAS: CAS là sáng chế của công ty ABI (Chiba, Nhật Bản), công nghệ CAS hiện đã được công nhận ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam là quốc gia thứ tám. Được ghi nhận là công nghệ làm lạnh tiên tiến, CAS có khả năng giữ cho màng và cấu trúc mỏng manh của tế bào các sản phẩm gần như nguyên vẹn trong thời gian dài (có thể kéo dài 10 năm, tùy theo mục đích bảo quản). Do đó sau khi rã đông, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon như mới thu hoạch. Vì vậy công nghệ CAS tạo ra các dòng sản phẩm ‘đông lạnh tươi’.

- Hệ thống tồn trữ lúa gạo bằng silo: Đây được xem là một trong những phương pháp tối ưu, tiên tiến nhằm khắc phục tối đa những nhược điểm của các hình thức tồn trữ truyền thống như nhà kho...Tồn trữ bằng silo sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản, chất lượng ổn định hơn và có khả năng tích hợp các giải pháp điều khiển tự động nhằm tối ưu hóa các thông số bảo quản.

- Công nghệ tự động hóa trong chế biến gạo: Xây dựng hệ thống máy móc chế biến gạo khép kín, tự động hóa từ khâu nhập liệu đến khâu xuất hàng, đồng thời kết hợp sử dụng các phần mềm điều khiển thông minh nhằm dễ dàng kiểm soát và truy xuất các thông tin về qui trình sản xuất, thông tin về bảo quản tồn trữ cũng như nâng cao khả năng an toàn trong sản xuất.

3. Thiết kế Chương trình chế biến gạo tỉnh An Giang

3.1. Quy trình Công nghệ chế biến

3.1.1. Sơ đồ

3.1.2. Thuyết minh quy trình sản xuất gạo từ lúa

3.1.2.1. Nguyên liệu:

Mục đích: Cung cấp nguyên liệu, đảm bảo cho các công đoạn sản xuất được liên tục.

Yêu cầu: Nguyên liệu phải có chất lượng cao, độ ẩm thích hợp, kích thước hạt đồng đều, ít sâu bệnh, màu sắc tự nhiên, giống lúa đúng với chủng loại phục vụ xây dựng thương hiệu gạo An Giang và được canh tác theo Chương trình quy định.

Cách thực hiện: Sau khi đã đạt các yêu cầu cần thiết, nguyên liệu được đưa vào hộc nạp liệu. Nhờ hệ thống bù đài để đưa lúa đến các công đoạn xử lý trong dây chuyền sản xuất.

3.1.2.2. Tách tạp chất:

Mục đích: Loại bỏ các tạp chất lẫn trong nguyên liệu để tránh làm hư hỏng thiết bị và làm giảm chất lượng sản phẩm.

Yêu cầu: Loại bỏ được các tạp chất lẫn trong nguyên liệu trước khi đi vào chế biến.

Cách thực hiện: Lúa từ bù đài chuyển đến sàng tạp chất. Sau khi qua lớp sàng thứ nhất với đường kính lỗ sàng khoảng 7 ÷ 10 mm có thể loại bỏ tạp chất có kích thước lớn như: dây may, đất đá, rác... Còn các tạp chất có kích thước nhỏ như: bụi, hạt cỏ dại… sẽ được tiếp tục loại bỏ khi qua lớp sàng thứ hai với kích thước lỗ sàng 2.2 mm. Khi qua lớp sàng thứ hai do lúa có kích thước lớn hơn lưới sàng nên nó chuyển động về phía đầu ra của sàng rồi được bù đài chuyển đến công đoạn xử lý tiếp theo.

Bên cạnh đó, trên sàng còn có gắn một nam châm vĩnh cửu để hút các tạp chất bằng kim loại ra khỏi dòng nguyên liệu.

3.1.2.3. Sấy lúa

Mục đích: Hạ độ ẩm lúa để tiến hành bảo quản.

Yêu cầu: Nhiệt độ sấy không vượt quá quy định. Độ ẩm lúa sau khi sấy đạt từ 14% ÷ 15% và có độ đồng đều. Màu sắc và mùi vị không bị biến đổi hoặc biến đổi không đáng kể.

Cách thực hiện: Lúa từ hệ thống sàn được bù đài chuyển qua công đoạn sấy. Lúa được sấy bằng các hình thức như: Sấy tháp, sấy vĩ ngang,…

3.1.2.4. Lưu kho, bảo quản lúa (Bán thành phẩm)

Mục đích: Dự trữ nguyên liệu để đưa vào quy trình chế biến.

Yêu cầu: Đảm bảo độ ẩm được giữ ổn định, tránh các loại côn trùng gây hại.

Cách thực hiện: Lúa sau khi sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, được đưa vào kho bảo quản (bảo quản bằng cách vô bao hoặc bằng silo).

3.1.2.5. Bóc vỏ

Mục đích: Tách vỏ trấu ra khỏi hạt lúa trước khi đem đi xử lý ở các công đoạn tiếp theo.

Yêu cầu: Thường xuyên theo dõi hiệu suất bóc vỏ của thiết bị. Hiệu chỉnh thiết bị sao cho tỉ lệ hạt gãy thêm khi qua bóc vỏ là thấp nhất.

Cách thực hiện: Lúa được bóc vỏ thông qua lực ma sát giữa các hạt lúa, giữa hạt lúa và trục cao su. Ngoài ra, nó còn chịu tác dụng của lực đối lưu và ngược chiều của hai trục cao su. Kết quả là vỏ trấu bị tách ra khỏi hạt.

3.1.2.6. Xát trắng

Mục đích: Nhằm tách lớp vỏ cám ra khỏi hạt gạo, làm tăng độ trắng và giá trị cảm quan của hạt gạo.

Yêu cầu: Gạo sau khi xát phải trắng đều tất cả các mặt của hạt.

Cách thực hiện: Gạo lức thu hồi sau quá trình bóc vỏ sẽ được đưa qua cối xát trắng. Dưới tác dụng của lực ma sát giữa cối đá và gạo, giữa gạo với gạo, giữa gạo với lưới và thanh cao su gạo sẽ được tách lớp vỏ cám và sẽ trắng hơn. Phần cám (Phần cám ở công đoạn này được gọi là cám y) sẽ thoát ra qua các lỗ lưới và được quạt hút đặt ở bên dưới hút theo đường ống và thu hồi ở cyclon.

Quá trình xát trắng có thể tiến hành một lần hoặc hai lần tùy thuộc vào nguyên liệu và yêu cầu của khách hàng.

Gạo trắng nguyên liệu hoặc gạo lức sau khi xát trắng nếu tỉ lệ thóc sót cao hơn mức cho phép sẽ được chuyển đến gằn pakit để tách phần thóc sót lẫn trong gạo. Sau khi tách thóc, gạo sẽ được đưa qua máy lau bóng để tiến hành lau bóng, phần thóc sót sẽ được trả về cối bóc vỏ.

3.1.2.7. Lau bóng

Mục đích: Lấy đi các hạt cám còn bám trên bề mặt gạo, giúp thuận lợi hơn cho quá trình bảo quản. Đồng thời, lau bóng sẽ tạo cho bề mặt gạo nhẵn, bóng, đẹp làm tăng giá trị cảm quan cho gạo thành phẩm.

Yêu cầu: Phải thường xuyên kiểm tra độ bóng bề mặt gạo đã đạt yêu cầu chưa nhằm điều chỉnh thiết bị sao cho gạo ít gãy vỡ nhất mà vẫn đảm bảo độ trắng bóng. Có thể kiểm tra bằng phương pháp cảm quan hoặc bằng máy.

Cách thực hiện: Sau khi xát trắng, gạo được đưa qua hệ thống máy đánh bóng ướt kiểu phun sương: gạo được phun ẩm làm mềm nhanh lớp cám bên ngoài. Nhờ sự cọ xát giữa các hạt gạo với nhau, giữa hạt gạo với dao ngang và lưới thiết bị làm cho lớp cám bị tách ra, từ đó làm cho bề mặt gạo trở nên nhẵn bóng. Lau bóng xong, gạo thoát ra ngoài nhờ vít tải và được chuyển đến công đoạn chế biến tiếp theo.

Tùy theo mức độ trắng của gạo sau khi xát trắng và yêu cầu của khách hàng về độ bóng của thành phẩm mà tiến hành lau bóng một lần hoặc hai lần.

Phụ phẩm của quá trình này là cám lau thoát ra ngoài nhờ áp lực buồng hút và được thu hồi ở cyclon. Trong quá trình lau bóng phải điều chỉnh lượng nước cho phù hợp vì nếu quá ít sẽ làm gạo bị sần, nếu quá nhiều sẽ bị áo cám là giảm hiệu suất thu hồi.

3.1.2.8. Tách tấm

Mục đích: Tách bớt một phần tấm ra khỏi gạo thành phẩm, đảm bảo chất lượng gạo theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Yêu cầu: Phân loại tấm đúng kích thước từng loại tấm. Hiệu chỉnh sao cho tỉ lệ tấm còn lại trong gạo đúng theo yêu cầu sản xuất.

Cách thực hiện: Gạo sau quá trình lau bóng nếu độ ẩm đạt yêu cầu thì không cần sấy mà có thể chuyển ngay đến trống phân loại để tách tấm.

Trống phân loại có nhiều bộ trống. Trên thân trống có nhiều hốc lõm nhỏ với kích thước lõm trống ở từng bộ khác nhau tùy vào kích thước tấm cần tách ra ở bộ trống đó.

Lượng tấm và kích thước tấm còn lại sau công đoạn tách tấm tùy vào yêu cầu của khách hàng.

3.1.2.9. Tách màu

Mục đích: Nhằm làm tăng giá trị cảm quan cũng như tăng giá trị thương phẩm cho sản phẩm. Đáp ứng với nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Yêu cầu: Khối hạt gạo đồng nhất về màu sắc.

Cách thực hiện: Sau khi đã qua trống phân loại, gạo được hệ thống bù đài đưa qua máy tách màu để loại bỏ hạt gạo có màu sắc kém, hạt không đạt chất lượng, hạt thóc, hạt sâu bệnh, hạt vàng, hạt đỏ, bạc bụng...sẽ được đưa ra khỏi hỗn hợp gạo.

3.1.2.10. Hun trùng

Mục đích: Diệt vi sinh vật, côn trùng gây hại.

Yêu cầu: Tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật, côn trùng gây hại, đảm bảo thời gian bảo quản gạo theo yêu cầu.

Cách thực hiện: Sàn, khu vực xung quanh lô hàng phải được dọn sạch sẽ, sau đó sẽ làm kín không gian khử trùng, và tiến hành hun trùng theo quy định.

3.1.2.11. Cân, đóng gói:

Mục đích: Hoàn chỉnh sản phẩm trước khi xuất ra thị trường.

Đóng bao giúp cách ly gạo thành phẩm khỏi nguy cơ xâm nhập và phá hoại của mối mọt, nấm mốc và các yếu tố có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm. Giúp cho quá trình bảo quản, phân phối, vận chuyển sản phẩm được dễ dàng, tiện lợi khi sử dụng.

Yêu cầu: Cân đúng khối lượng.

Sau khi đóng bao, phải may kín miệng bao ngay tránh để sản phẩm tiếp xúc với không khí và các yếu tố có hại.

Cách thực hiện: Gạo sau khi tách tấm, tách màu, hun trùng sẽ được bù đài vận chuyển đến thùng chứa. Gạo được cân nhờ hệ thống cân tự động được lắp đặt dưới thùng chứa thành phẩm. Cân hoạt động dựa vào cơ cấu cảm biến. Khi đủ khối lượng đã được định trước, cơ cấu này sẽ chặn không cho nguyên liệu xuống nữa và ngược lại.

Sau khi đóng bao, thành phẩm phải được may miệng bao ngay để tránh sự xâm nhập của côn trùng.

3.1.2.12. Dò kim loại

Mục đích: Phát hiện kim loại lẫn trong sản phẩm.

Yêu cầu: Loại bỏ hoàn toàn kim loại trong sản phẩm

Cách thực hiện: Cho túi, bao gạo lưu chuyển qua thiết bị dò kim loại.

3.1.2.13. Lưu kho, xuất hàng

Mục đích: Đảm bảo lượng gạo đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Yêu cầu: Gạo thành phẩm được bảo quản nguyên vẹn, tránh các yếu tố gây hại như côn trùng, cách ẩm,..

Cách thực hiện: Bao, túi gạo được sắp xếp ngăn nắp trong kho, thuận tiện xuất hàng.

3.2. Hệ thống nhà xưởng và điều kiện sản xuất

Được Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

4. Hệ thống các trang thiết bị chế biến

Các trang thiết bị cơ bản, cần đảm bảo để phục vụ quy trình chế biến gạo

TT

Tên thiết bị

Mục đích

1

Hệ thống, thiết bị sấy

Hạ độ ẩm nguyên liệu

2

Máy tách vỏ rulô cao su

Bóc vỏ trấu hạt lúa

3

Máy xát trắng

Tách lớp cám ra khỏi bề mặt hạt gạo

4

Máy lau bóng

Tạo độ nhẵn bóng bề mặt gạo

5

Máy tách màu

Khối gạo đồng nhất về màu sắc

6

Sàn tách đá

Loại sạn, đá, tạp chất nặng ra khỏi nguyên liệu

7

Máy dò kim loại

Tách kim loại lẫn trong sản phẩm

8

Hệ thống cân và đóng gói tự động

Đảm bảo quy cách trọng lượng

9

Các thiết bị phân tích: Máy đo độ ẩm, thiết bị đo kích thước hạt, cân phân tích

Kiểm tra chất lượng sản phẩm

5. Hệ thống Quản lý chất lượng (HACCP, BRC, FSSC 22000, v.v…)

- Gạo mang thương hiệu An Giang đạt yêu cầu về chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm “HACCP” đối với toàn bộ quy trình sản xuất hoặc đạt tối thiểu tại công đoạn đóng gói tùy theo tính chất hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

- Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án Thương hiệu gạo đạt các chứng nhận khác như: hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) và các chứng nhận khác tiên tiến trên thế giới.

6. Tiêu chuẩn gạo thành phẩm

6.1. Tiêu chuẩn chất lượng

TT

Loại gạo

Tiêu chuẩn công bố

1

Gạo thơm trắng

TCVN 11889:2017

2

Gạo trắng

TCVN 11888:2017

Khi có sự thay đổi phiên bản TCVN thì phải đáp ứng theo phiên bản mới nhất.

6.2. Tiêu chuẩn về bao bì và nhãn sản phẩm

6.2.1. Tiêu chuẩn về bao bì

Bao chứa gạo phải là bao nguyên vẹn, không rách, bao phải bền chắc, khô sạch (không mốc, không nhiễm sâu mọt, hóa chất, không có mùi lạ….).

Không độc hại đối với sản phẩm và người tiêu dùng, không hấp thụ mùi lạ từ môi trường.

Bao chứa gạo thành phẩm phải là bao mới sử dụng lần đầu.

6.2.2. Tiêu chuẩn về nhãn hàng hóa

- Thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hoá; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; các quy định khác có liên quan.

- In, dán nhãn logo trên bao bì sản phẩm gạo mang thương hiệu tỉnh An Giang (Thực hiện theo quy chế Quản lý Nhãn hiệu Chứng nhận Gạo tỉnh An Giang).

V. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình

Tổng kinh phí dự kiến triển khai Chương trình: 14.240.000.000 đồng (Mười bốn tỷ hai trăm bốn mươi triệu đồng), trong đó ngân sách Nhà nước 7.940.000.000 đồng, còn lại là kinh phí của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia Chương trình. Nguồn kinh phí thuộc ngân sách để triển khai Chương trình được thực hiện theo các quy định hiện hành và trên cơ sở lồng ghép vào nguồn kinh phí hàng năm được cấp cho Sở Công Thương theo quy định.

VI. Tổ chức thực hiện Chương trình

1. Sở Công Thương

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch để triển khai Chương trình chế biến phù hợp với điều kiện thực tế.

- Tổ chức đánh giá, xác nhận và giám sát thực hiện Chương trình chế biến gạo đối với các doanh nghiệp tham gia Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh.

- Thúc đẩy áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, giải pháp kỹ thuật công nghệ bảo quản chế biến gạo hiện đại như hệ thống tồn trữ silo, hệ thống tự động hóa trong sản xuất,… Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ chế biến sâu về gạo, các dòng sản phẩm gạo chất lượng cao,…

- Thường xuyên rà soát cập nhật những quy định, hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn gạo đối với thị trường xuất khẩu và nội địa.

- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện, tổng hợp và đề xuất các giải pháp kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các cá nhân, cơ quan, đơn vị tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giám sát, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào quy trình chế biến gạo.

- Phối hợp Sở Công Thương trong việc đánh giá, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm gạo chế biến mang thương hiệu tỉnh An Giang.

- Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình canh tác.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạo sử dụng logo nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang theo quy định.

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng công nghệ đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu về gạo,… nếu doanh nghiệp có nhu cầu và đáp ứng theo Quy định Nhà nước về hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang.

4. Sở Tài Chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, thẩm định và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chương trình trên cơ sở lồng ghép với các nguồn kinh phí khác, trong dự toán các cơ quan, đơn vị được giao hàng năm và theo phân cấp của Luật NSNN.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các đơn vị, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, thường xuyên rà soát, đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển thương hiệu gạo.

6. Sở Y tế

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ liên quan, chủ trì, phối hợp các đơn vị, cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, triển khai các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phối hợp Sở Công Thương trong việc đánh giá, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm gạo chế biến mang thương hiệu tỉnh An Giang.

7. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

- Thông qua công tác quảng bá-xúc tiến thương mại gạo, phối hợp thông tin đến Sở Công Thương các xu thế yêu cầu về chất lượng gạo, đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo,….và những yêu cầu về chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cần đạt để tiếp cận các kênh tiêu thụ, phân phối trong và ngoài nước,…

- Phối hợp Sở Công Thương trong việc đánh giá, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm gạo chế biến mang thương hiệu tỉnh An Giang.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố

Phối hợp Sở Công Thương triển khai thực hiện Chương trình chế biến.

9. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa, gạo (tham gia Chương trình)

- Đăng ký nhu cầu tham gia Chương trình chế biến gạo tỉnh An Giang.

- Tổ chức thực hiện chế biến gạo theo Chương trình được phê duyệt, ban hành.

- Chủ động nghiên cứu đầu tư trang thiết bị và công nghệ nhằm hoàn thiện dây chuyền chế biến gạo.

- Thường xuyên kiểm tra và duy trì chất lượng sản phẩm gạo chế biến.

- Cam kết gạo chế biến mang thương hiệu tỉnh An Giang theo đúng với chủng loại giống, quy trình canh tác được phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện Chương trình, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1672/QĐ-UBND năm 2022 về Chương trình chế biến gạo phục vụ Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 1672/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Trần Anh Thư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản