Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỈNH YÊN BÁI NĂM 2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2022; Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 2765/QĐ-UBND ngày 07/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tỉnh Yên Bái;

Căn cứ Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Yên Bái năm 2022 với nội dung như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo, điều hành

1.1. Quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

1.2. Tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa các lợi thế, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra với phương châm hành động "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả". Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện theo phương châm hành động đã đề ra; tranh thủ các điều kiện và cơ hội thuận lợi trong từng thời điểm của năm để quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và từng đồng chí lãnh đạo để chỉ đạo, gắn với mốc thời gian hoàn thành từng nội dung công việc.

1.3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022

2.1. Kịch bản tăng trưởng quý I

(1) Trồng rừng 7.000 ha.

(2) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 3.300 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%.

(3) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6.030 tỷ đồng.

(4) Số lượt khách du lịch 170.000 người. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 119 tỷ đồng.

(5) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 62,2 triệu USD.

(6) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 950,2 tỷ đồng.

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển 3.500 tỷ đồng.

(8) Thành lập mới 70 doanh nghiệp; 15 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác.

(9) Lao động được tạo việc làm mới 4.600 lao động.

2.2. Kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) 7,28%, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,80%; Công nghiệp - xây dựng tăng 11,38%; Dịch vụ tăng 5,56%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,41%.

(2) Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 26,44%; Công nghiệp - Xây dựng 28,72%; Dịch vụ 40,53%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm 4,31%.

(3) Tổng đàn gia súc chính 732.792 con.

(4) Trồng rừng 12.200 ha.

(5) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp 7.300 tỷ đồng.

(6) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11.930 tỷ đồng.

(7) Số lượt khách du lịch 382.000 người. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 272 tỷ đồng.

(8) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 130,25 triệu USD.

(9) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.070,9 tỷ đồng.

(10) Tổng vốn đầu tư phát triển 8.000 tỷ đồng.

(11) Thành lập mới 150 doanh nghiệp; 40 hợp tác xã và trên 150 tổ hợp tác.

(12) Số lao động được tạo việc làm mới 9.950 lao động.

(13) Số trường mầm non và phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia 10 trường (lũy kế là 286 trường); Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 64,6%.

(14) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 93%.

(15) Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 02 đơn vị (lũy kế có 142 đơn vị); Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 82,1%.

2.3. Kịch bản tăng trưởng 9 tháng

(1) Trồng rừng 14.700 ha.

(2) Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 02 xã; lũy kế số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 90 xã.

(3) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%; Giá trị sản xuất công nghiệp 11.350 tỷ đồng.

(4) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 17.540 tỷ đồng.

(5) Số lượt khách du lịch 798.000 người. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 610 tỷ đồng.

(6) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 205,5 triệu USD.

(7) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.526,9 tỷ đồng.

(8) Tổng vốn đầu tư phát triển 13.000 tỷ đồng.

(9) Thành lập mới 220 doanh nghiệp; 60 hợp tác xã và trên 250 tổ hợp tác.

(10) Số lao động được tạo việc làm mới 14.850 lao động.

(11) Số trường mầm non và phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia 15 trường (lũy kế là 301 trường); Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 67,9%.

(12) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 94%.

(13) Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 02 đơn vị (lũy kế có 142 đơn vị); Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 82,1%.

2.4. Kịch bản tăng trưởng năm 2022

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) 7,5%, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,54%; Công nghiệp - xây dựng tăng 12,34%; Dịch vụ tăng 5,12%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,50%).

(2) Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,7%; Công nghiệp - Xây dựng 32,1%; Dịch vụ 40,6%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm 4,6%.

(3) Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 50 triệu đồng.

(4) Trồng rừng 15.500 ha.

(5) Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 11 xã; lũy kế số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt 99 xã. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 10 xã.

(6) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,0%; Giá trị sản xuất công nghiệp 15.500 tỷ đồng.

(7) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 23.500 tỷ đồng.

(8) Số lượt khách du lịch 1.100.000 người. Doanh thu từ hoạt động du lịch 845 tỷ đồng.

(9) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 280 triệu USD.

(10) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.100 tỷ đồng.

(11) Tổng vốn đầu tư phát triển 19.000 tỷ đồng.

(12) Thành lập mới 300 doanh nghiệp; 80 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác.

(13) Tỷ lệ đô thị hóa 20,38%.

(14) Tốc độ tăng năng suất lao động 5,72%.

(15) Tuổi thọ trung bình người dân đạt 73,9 tuổi; số năm sống khỏe là 66,2 năm.

(16) Chỉ số hạnh phúc 60,3%.

(17) Tỷ lệ lao động qua đào tạo 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 34,9%.

(18) Số lao động được tạo việc làm mới 19.500 lao động.

(19) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%, riêng 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm trên 6,5%.

(20) Số trường mầm non và phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia 30 trường; tổng số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 306 trường; Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 69,1%.

(21) Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin 98,5%.

(22) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95,0%.

(23) Có 10,8 bác sỹ/mười nghìn dân; 34,6 giường bệnh/mười nghìn dân.

(24) Tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 142 đơn vị. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 82,1%.

(25) Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 82%.

(26) Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa 69%.

(27) Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch 88%.

(28) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh 93%.

(29) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực đô thị 88,8%.

(30) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn 33,7%.

(31) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 50%.

(32) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 63,0%.

(Chi tiết như phụ lục kèm theo)

3. Giải pháp thực hiện

Với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 7,5% (Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,54%; Công nghiệp - xây dựng tăng 12,34%; Dịch vụ tăng 5,12%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,5%). Trong đó, kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 7,28% (Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,80%; Công nghiệp - xây dựng tăng 11,38%; Dịch vụ tăng 5,56%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,41%); tăng trưởng 6 tháng cuối năm là 7,68% (Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,28%; Công nghiệp - xây dựng tăng 13,04%; Dịch vụ tăng 4,74%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,57%).

Để đạt mục tiêu trên, ngoài các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động số 56-CTr/HĐ ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2022; Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

3.1. Nhóm giải pháp chung

a) Tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế xã hội được bình thường, đây là giải pháp căn cơ, là tiền đề và là điều kiện cần, là cơ sở để thực hiện các giải pháp khác. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo và thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Tổng Bí thư; các chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh. Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ. Triển khai quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sản xuất sau dịch bệnh. Đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong quý I/2022; 100% nhân viên y tế trực tiếp tham gia tiêm chủng được đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, tổ Covid-19 cộng đồng.

b) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2022; chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.

c) Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước; Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; ưu tiên chi ngân sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh khác.

d) Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn lực để phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19. Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến dịch bệnh; bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã phù hợp với quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

đ) Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới phát triển nền kinh tế số nhằm giảm thiểu rủi ro, ứng phó với dịch bệnh. Triển khai theo kế hoạch tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng, dự án khởi công mới, đây được xác định là giải pháp quan trọng, hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiên quyết cắt, giảm, dừng triển khai, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn, góp phần sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

e) Khẩn trương hoàn thiện các nghị quyết, đề án, chính sách và hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời để phát huy hiệu quả. Tăng cường, sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

3.2. Nhóm giải pháp cụ thể

a) Về sản xuất nông nghiệp

Triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, được cấp chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP,...) gắn với thị trường tiêu thụ ổn định trong nước (đối với các hàng hóa thiết yếu) và xuất khẩu (đối với các sản phẩm chủ lực), bảo đảm hầu hết các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh đều có doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, phát triển mới 30 sản phẩm OCOP, nâng cấp 05 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

Triển khai công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng; tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025". Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản; hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm Chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ đối với Quế và các sản phẩm từ quế, tre măng Bát Độ, Sơn tra...được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...).

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản đặc sản có giá trị cao; diện tích nuôi trồng, khai thác khoảng 22.500 ha; sản lượng nuôi trồng, khai thác trên 13.650 tấn. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến thủy sản tại huyện Yên Bình để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái trên hồ Thác Bà. Khuyến khích nuôi một số sản phẩm đặc thù, đặc sản có lợi thế của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chú trọng duy trì chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới của các xã đã được công nhận bảo đảm bền vững; đồng thời nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đang trong lộ trình thực hiện. Phê duyệt Đề án xây dựng huyện Văn Yên, huyện Yên Bình đạt huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Yên Bình 04 xã; huyện Văn Yên 03 xã; huyện Lục Yên 02 xã và huyện Văn Chấn 02 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới hết năm 2022 là 99 xã, chiếm 66%. Tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Về sản xuất công nghiệp

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, trên cơ sở xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ngành công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan như: thương mại, vận tải, xuất, nhập khẩu... đáp ứng nhu cầu về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành, đi vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hồi các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng không triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh. Hoàn thành phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai các thủ tục thành lập khu công nghiệp và lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý Khu công nghiệp Trấn Yên; hoàn thiện đề án phát triển khu công nghiệp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp quốc gia (Khu công nghiệp Y Can, Khu công nghiệp Tân Hợp); hoàn thành quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, huyện Yên Bình; mở rộng cụm công nghiệp Yên Thế, huyện Lục Yên. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đưa vào khai thác, trọng tâm là Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Minh Quân, Cụm công nghiệp Minh Quân.

Tập trung vào các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, như: Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chế biến sâu khoáng sản, sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp (đá ốp lát, vật liệu composite, ống nhựa, tấm nhựa, sơn công nghiệp, sứ cách điện cao cấp...); công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao (ván ép, gỗ MDF, viên nén năng lượng..), từng bước đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của khu vực miền núi phía Bắc.

c) Về dịch vụ, du lịch

Tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng lợi thế của tỉnh như: du lịch, thương mại, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí... phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển các dịch vụ hỗ trợ như: kho bãi, bảo quản, sửa chữa, vận tải, dịch vụ hải quan, thuế... theo hướng liên thông, thuận lợi.

Triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, chương trình hành động thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP...); tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị thường trong nước và xuất khẩu, xây dựng thương hiệu sản phẩm phục vụ xuất khẩu hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm nông, lâm sản chế biến sâu, sản phẩm hàng tiêu dùng xuất khẩu.

Phát triển mạnh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống, tập trung vào hệ thống thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến; ứng dụng công nghệ 4.0 trong truy xuất trực tuyến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa... Phát triển các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến như công nghệ thẻ thông minh, công nghệ Block Chain, công nghệ nhận dạng đối tượng, mã vạch,...

Ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tích cực thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, phát triển hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch theo hướng bền vững tại các vùng du lịch trọng điểm; thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các danh thắng, bản sắc văn hóa dân tộc, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa đặc trưng tại những địa bàn thuận lợi, hấp dẫn du khách; phấn đấu trong năm, mỗi địa phương cấp huyện phát triển mới từ 01 - 02 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho trên 50 lao động.

d) Về xuất, nhập khẩu

Tiếp tục rà soát, đánh giá, cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Từng bước kết nối lại với các thị trường xuất khẩu truyền thống: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ,... Tranh thủ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, RCEP...) để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa; phối hợp với các đại sứ quán để mở rộng, tìm kiếm những thị trường mới cho xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa công nghiệp, nông, lâm sản chủ lực có lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thông tin thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Rà soát tổng thể các mặt hàng, sản phẩm hiện đang có mức độ phụ thuộc nhiều vào một thị trường (bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường đầu vào, nguồn cung nguyên liệu); xây dựng, triển khai phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới, sản phẩm sáng tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường.

đ) Về thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

Tập trung triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-20251. Đẩy mạnh công tác thu hút nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin thông qua các kênh xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp, cafe doanh nhân... Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương khoảng 20-25%; tăng cường việc liên thông thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư.

Định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phấn đấu thành lập mới 300 doanh nghiệp; 80 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác; cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho trên 60 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

e) Về đầu tư phát triển

Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước; sử dụng, phân bổ vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, hợp lý, tập trung, không dàn trải. Huy động khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp...

Thực hiện phân bổ các nguồn vốn ngay từ đầu năm, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, quản lý đầu tư và xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát vốn; không để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư để sớm khởi công mới các dự án theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình, bảo đảm các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án chuyển tiếp; việc tổ chức triển khai thực hiện phải bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân cho từng dự án, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đối với các dự án sử dụng 100% vốn ngân sách huyện. Bảo đảm hết 30/6 giải ngân đạt tối thiểu 50% kế hoạch vốn; hết 31/12 giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn và hết niên độ ngân sách năm 2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án để kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Rà soát, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án thực hiện và giải ngân chậm hoặc giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt nhưng chưa được bố trí đủ vốn theo quy định, bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được giao, không để kéo dài sang năm sau; trường hợp cần thiết xem xét điều chuyển chủ đầu tư (theo thẩm quyền). Thực hiện điều chỉnh giảm tương ứng kế hoạch vốn của các chủ đầu tư đối với những dự án đến hết ngày 30/6/2022 giải ngân dưới 50% kế hoạch được giao để điều chỉnh tăng cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Các đơn vị chủ đầu tư: (i) Chủ động rà soát điều chỉnh kế hoạch giải ngân cho từng chương trình, dự án; (ii) Phân công cụ thể lãnh đạo và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng chương trình, dự án; (iii) Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn cho các dự án trong thời gian 3 ngày kể từ ngày có khối lượng được thực hiện nghiệm thu theo quy định; (iv) Đối với các dự án hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu theo hợp đồng.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công các dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh, nhằm vừa đẩy mạnh kích cầu đầu tư công vừa sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư.

Tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, quan tâm hướng dẫn các nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến cấp quyết định chủ trương đầu tư; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để trình cấp quyết định chủ trương đầu tư và việc triển khai thực hiện dự án sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các địa phương phụ trách, giúp đỡ các nhà đầu tư trong việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, xây dựng.

g) Về thu, chi ngân sách nhà nước

Triển khai các giải pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành nghiêm dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách theo phương thức khoán chi, đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị gắn với chất lượng, hiệu quả sản phẩm đầu ra; đẩy nhanh tiến độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh khác.

Tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong năm 2022. Các cấp, các ngành, địa phương phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 đạt trên 5.100 tỷ đồng.

Các cấp ngân sách chủ động điều hành ngân sách theo phân cấp, không để xảy ra tình trạng mất cân đối thu, chi của từng cấp; địa phương nào để xảy ra tình trạng mất cân đối thu, chi sẽ phải cắt giảm chi tương ứng. Thực hiện chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết chủ động trong điều hành ngân sách năm 2022 cho từng cấp ngân sách, từng đơn vị dự toán. Không để xảy ra tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ và các chính sách an sinh xã hội.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Đề án phát triển Quỹ đất giai đoạn 2021-2025. Xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện thu ngân sách các quỹ đất năm 2022 theo tháng, quý, năm. Phê duyệt kế hoạch ứng vốn từ quỹ phát triển đất, kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ nguồn sử dụng đất năm 2022.

h) Về an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2022. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, chú trọng hỗ trợ về sinh kế nhằm tạo việc làm và thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án, kế hoạch và các nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đề án, chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn.

Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện. Làm tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, đảm bảo tỷ lệ khoảng 26% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và khoảng 44,5% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo các đề án, dự án đã được phê duyệt. Nhân rộng mô hình “trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh, phấn đấu có 136 trường học hạnh phúc, bằng 30% tổng số trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 62-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế dự phòng gắn với đổi mới hệ thống y tế cơ sở. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao trong và ngoài công lập, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế theo nhu cầu xã hội, hướng tới tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 90%. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; phấn đấu năm 2022 có 10 đơn vị khám chữa bệnh tự chủ 100% chi thường xuyên. Thí điểm thực hiện mô hình bệnh viện thông minh, áp dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại trong các hoạt động: Quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử, chẩn đoán, xét nghiệm, khám và chữa bệnh từ xa... Đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư bổ sung trang thiết bị hiện đại và hình thành các trung tâm điều trị chuyên sâu để phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc. Tiếp tục thực hiện luân chuyển hai chiều cán bộ y tế giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và nhân dân, phấn đấu năm 2022 có khoảng 19% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, 11% tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có giải pháp hỗ trợ người dân thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo duy trì tham gia bảo hiểm y tế. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Khuyến khích, hỗ trợ (một phần chi phí đi lại, sinh hoạt ban đầu) cho công nhân bị mất việc về địa phương tiếp tục trở lại nơi làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, quan tâm đào hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho số công nhân không có nhu cầu trở lại nơi làm việc cũ.

Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 09/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Kế nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Tập trung vào các giải pháp cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống cho nhân dân; phấn đấu năm 2022 chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 3% so với năm 2021.

Đẩy mạnh phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm ma túy, xâm hại phụ nữ trẻ em..., giảm thiểu tệ nạn xã hội. Triển khai quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Phân công nhiệm vụ theo dõi chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: Chi tiết như phụ lục kèm theo.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2022, nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của năm gắn với phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tham mưu ban hành chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; bố trí nguồn lực phù hợp cho xây dựng nông thôn mới.

Chủ trì tham mưu hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án trọng điểm; rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phân bổ và giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (đối với các nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết) cho các dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/3/2022.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các đơn vị, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tổng hợp tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy định kỳ hằng tháng.

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực chất, hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; duy trì thực hiện hiệu quả Kế hoạch “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình “Cà phê doanh nhân”. Hướng dẫn các nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến cấp quyết định chủ trương đầu tư; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, sớm hoàn thành thủ tục để trình cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ trì tổ chức triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025; chính sách phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.

2.2. Giám đốc Sở Tài chính

- Phối hợp với Cục thuế (đối với nguồn thu cân đối), Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh), các địa phương và các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kịch bản thu ngân sách theo tùng tháng, quý. Trong đó, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng ngành, từng địa phương theo từng sắc thuế và đề xuất các giải pháp; phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2022 đạt 5.100 tỷ đồng.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc tiến độ giải ngân các nguồn vốn, kịp thời điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án. Thực hiện cấp vốn kịp thời cho các địa phương nguồn bổ sung có mục tiêu; nhập dự toán vào hệ thống TABMIS trong thời gian tối đa là 03 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt dự toán của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước và các đơn vị chủ đầu tư xử lý các khó khăn, vướng mắc về thủ tục thanh toán; bảo đảm thời gian thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Đôn đốc các ngành, địa phương và các đơn vị dự toán phân bổ chi tiết các nhiệm vụ chi đã được giao dự toán từ đầu năm 2022.

2.3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì tham mưu tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025. Phối hợp tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

Hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất bảo đảm kịp thời vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đối với diện tích lúa và cây trồng. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch; tăng cường kiểm tra, chủ động lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng, đặc biệt là tại các địa bàn có phát sinh ổ dịch. Tập trung triển khai xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch.

2.4. Giám đốc Sở Công Thương

Chủ trì thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu; bình ổn giá bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nông lâm thủy sản, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý, theo dõi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án điện nông thôn, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn các nhà đầu tư về thủ tục liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Thường xuyên rà soát và báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2.5. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển quỹ đất; xây dựng phương án, kịch bản chi tiết đối với các khoản thu từ giao đất, sử dụng đất (theo từng tháng, quý) bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất năm 2022.

Đầu mối giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm soát tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bàng của các địa phương đối với các dự án phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ trì tổng hợp kế hoạch chi tiết tiến độ giải phóng mặt bằng do Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng (đối với các dự án phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn các huyện), trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê chuẩn làm cơ sở theo dõi, đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/3/2022.

Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn các nhà đầu tư về thủ tục liên quan đến đất đai (quy hoạch, kế hoạch, giao đất, cho thuê đất...), môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước theo lĩnh vực quản lý. Thường xuyên rà soát và báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn; đẩy mạnh phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở khai thác khoáng sản.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư do ngành làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

2.6. Giám đốc Sở Xây dựng

Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện lập quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các đô thị; quy hoạch chung các xã định hướng thành đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch; tiến độ thực hiện chương trình phát triển đô thị; các dự án đầu tư phát triển đô thị, nhà ở... Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện Đề án đề nghị công nhận thành phố Yên Bái và khu vực phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại II báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định làm cơ sở, định hướng cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên, tập trung nhân lực cho công tác thẩm định dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định không quá 05 ngày; tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình trọng điểm; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu về công tác thi công xây dựng công trình bảo đảm theo quy định và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng. Thường xuyên rà soát và báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng, khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2.7. Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh; bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải; kịp thời xử lý nghiêm tổ chức, các doanh nghiệp vi phạm về giá, phí các dịch vụ vận tải theo quy định.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án do ngành được giao quản lý, đặc biệt là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công mới các dự án theo kế hoạch; rút ngắn thời gian thẩm định các dự án đầu tư không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án.

2.8. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Xây dựng kịch bản chi tiết thu ngân sách năm 2022 bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước theo kế hoạch; tăng cường đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, cấp quyền khai thác khoáng sản.

Kịp thời tham mưu, đề xuất phương án áp dụng các chính sách thuế theo hướng dẫn của trung ương để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

2.9. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm, trong đó huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 6,5%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Đẩy mạnh hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng do Covid-19, đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trẻ em, người lao động, người sử dụng lao động; đề xuất các giải pháp về lao động việc làm thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo kế hoạch. Chủ động triển khai đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của địa phương, doanh nghiệp bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo cùng quyết tâm, đồng thuận cao thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, trong đó hết sức chú trọng việc tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, phấn đấu tự vươn lên của người nghèo.

Tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả, kịp thời.

2.10. Giám đốc Sở Y tế

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cập nhật đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi tăng cường và tiêm vắc xin cho trẻ em. Bảo đảm an toàn tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly y tế, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động đông người trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Đề án nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; tăng cường năng lực hệ thống giám sát và quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc.

2.11. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tổ chức phù hợp các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; kết nối cộng đồng, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch; đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sinh kế cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khối hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; tăng cường hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế; nâng cao sức cạnh tranh nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng Yên Bái.

2.12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, xây dựng phương án cụ thể tùy thuộc vào cấp độ dịch và tình hình dịch bệnh thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thực hiện các hướng dẫn của ngành Y tế về xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác; người nhập cảnh để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp; hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, phân bổ và giao kế hoạch vốn năm 2022 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao, sớm đưa vào khai thác, sử dụng tạo thêm động lực tăng trưởng cho năm 2022.

Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn các nhà đầu tư về thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến lĩnh vực địa phương quản lý, theo dõi. Tăng cường và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; đặc biệt phối hợp, quan tâm bố trí đủ nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

2.13. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan

Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này có trách nhiệm xây dựng, ban hành kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương mình xong trước ngày 20/2/2022; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 01/11/2022 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và tại Quyết định này, bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2022.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4 QĐ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các chuyên viên tham mưu;
- Lưu: VT, TKTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn

 

PHỤ LỤC

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2022 TỈNH YÊN BÁI
(Kèm theo Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Stt

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2022

Lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện

Ghi chú

Kế hoạch năm

Quý I

Quý II

6 tháng đầu năm

Quý III

9 tháng

Quý IV

6 tháng cuối năm

Thực hiện cả năm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

I

MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá so sánh năm 2010)

%

7,50

 

 

7,28

 

 

 

7,68

7,50

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục trưởng Cục Thống kê; Chủ tịch UBND cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

 

 

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

5,54

 

 

5,80

 

 

 

5,28

5,54

 

- Công nghiệp và xây dựng

%

12,34

 

 

11,38

 

 

 

13,04

12,34

 

- Dịch vụ

%

5,12

 

 

5,56

 

 

 

4,74

5,12

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

%

6,50

 

 

6,41

 

 

 

6,57

6,50

2

Cơ cấu kinh tế

 

100,00

 

 

100,00

 

 

 

100,00

100,00

 

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

22,70

 

 

26,44

 

 

 

19,49

22,70

 

- Công nghiệp và xây dựng

%

32,10

 

 

28,72

 

 

 

35,00

32,10

 

- Dịch vụ

%

40,60

 

 

40,53

 

 

 

40,66

40,60

 

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

%

4,60

 

 

4,31

 

 

 

4,85

4,60

3

Cân đối ngân sách nhà nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a)

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (không bao gồm số bổ sung từ NSTW)

Tỷ đồng

4.600,0

950,22

1.120,66

2.070,88

1.455,97

3.526,85

1.573,15

3.029,12

5.100,00

Giám đốc Sở Tài chính; Cục trưởng Cục thuế; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Hạnh Phúc

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Thu nội địa

Tỷ đồng

4.200

865,22

1.020,66

1.885,88

1.350,97

3.236,85

1.443,15

2.794,12

4.680,00

 

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu

Tỷ đồng

400

85,00

100,00

185,00

105,00

290,00

130,00

235,00

420,00

b)

Chi ngân sách địa phương

Tỷ đồng

12.013,8

3.004,0

3.004,0

6.008,0

3.002,0

9.010,0

3.004,0

6.005,8

12.013,8

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chi đầu tư phát triển do địa phương quản lý

Tỷ đồng

4.050,8

1.013,0

1,013,0

2.026,0

1.012,0

3.038,0

1.012,8

2.024,8

4.050,8

 

- Chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế)

Tỷ đồng

7.963,0

1.991,0

1.991,0

3.982,0

1.990,0

5.972.0

1.991,0

3.981,0

7.963,0

 

 

 

4

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn

Tỷ đồng

19.000

3.500

4.500

8.000

5.000

13.000

6.000

11.000

19.000

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục trưởng Cục Thống kê; Chủ tịch UBND cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

 

II

CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá hiện hành)

%

 

 

 

26,41

 

 

 

19,49

22,57

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

 

2

Một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a)

Cây hàng năm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tổng sản lượng lương thực có hạt

Tấn

316.000

18.529

160.251

178.780

137.220

316.000

 

137.220

316.000

 

 

 

 

- Cây Lúa

Ha

41.165

19.095,0

22.070

41.165,0

 

41.165

 

 

41.165

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

214.150

 

106.750

106.750

107.400

214.150

 

107.400

214.150

 

 

 

 

- Cây Ngô

Ha

28.600

19.720

8.880

28.600

 

28.600

 

 

28.600

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

101.850

18.529

53.501

72.030

29.820

101.850

 

29.820

101.850

 

 

 

 

- Cây Sắn

Ha

8.600

4.000

4.600

8.600

 

8.600

 

 

8.600

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

171.000

 

 

 

 

 

171.000

171.000

171.000

 

 

 

 

- Cây Khoai lang

Ha

3.000

1.100

1.000

2.100

900

3.000

 

900

3.000

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

17.000

6.050

6.720

12.770

4.230

17.000

 

4.230

17.000

 

 

 

 

- Rau các loại

Ha

10.400

3.732

3.768

7.500

2.900

10.400

 

2.900

10.400

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

120.500

45.613

45.800

91.413

29.087

120.500

 

29.087

120.500

 

 

 

b)

Cây lâu năm chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cây Chè

Ha

7.360

7.360

 

7.360

 

7.360

 

7.360

7.360

 

 

 

 

Trong đó: Diện tích chè cho thu hoạch

Ha

6.800

6.800

 

6.800

 

6.800

 

6.800

6.800

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

68.000

2.500

30.000

32.500

29.500

62.000

6.000

35.500

68.000

 

 

 

 

Trong đó: Chè búp tươi chất lượng cao

Tấn

21.000

1.500

9.000

10.500

8.500

19.000

2.000

10.500

21.000

 

 

 

 

- Cây ăn quả

Ha

10.200

10.000

0

10.000

150

10.150

50

200

10.200

 

 

 

 

Sản lượng

Tấn

56.000

5.800

7.000

12.800

14.500

27.300

28.700

43.200

56.000

 

 

 

c)

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tổng đàn gia súc chính

Con

760.000

 

13.513

732.972

 

 

13.515

27.028

760.000

 

 

 

 

Trong đó: Đàn trâu

Con

108.630

 

724

107.182

 

 

724

1.448

108.630

 

 

 

 

Đàn bò

Con

35.650

 

475

34.699

 

 

476

951

35.650

 

 

 

 

Đàn lợn

Con

615.720

 

12.314

591.091

 

 

12.315

24.629

615.720

 

 

 

 

- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại

Tấn

60.000

 

30.500

30.500

 

 

29.500

29.500

60.000

 

 

 

 

Trong đó: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính

Tấn

48.000

 

11.500

24.500

 

 

12.000

23.500

48.000

 

 

 

3

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Trồng rừng

Ha

15.500

7.000

5.200

12.200

2.500

14.700

800

3.300

15.500

 

 

 

 

Trong đó: Diện tích rừng trồng tập trung

Ha

12.000

6.000

3.600

9.600

2.000

11.600

400

2.400

12.000

 

 

 

 

- Diện tích lũy kế cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS)

Ha

24.000

11.543

 

11.543

 

11.543

914

12.457

24.000

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

 

 

Trong đó: Diện tích cấp mới năm 2022

Ha

12.457

 

 

 

 

 

12.457

12.457

12.457

 

 

- Sản lượng gỗ khai thác

m3

750.000

200.000

260.000

460.000

120.000

580.000

170.000

290.000

750.000

 

 

- Tỷ lệ che phủ rừng

%

63,0

63,0

 

63,0

 

63,0

 

63,0

63,0

 

4

Thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Diện tích nuôi trồng thủy sản

Ha

2.602

2.602

 

2.602

 

2.602

 

2.602

2.602

 

 

- Nuôi cá lồng

Lồng

2.500

2.500

 

2.500

 

2.500

 

2.500

2.500

 

 

- Tổng sản lượng thủy sản

Tấn

13.650

4.120

3.285

7.405

3.480

10.885

2.765

6.245

13.650

 

 

Trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác

Tấn

1.050

220

285

505

280

785

265

545

1.050

 

 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng

Tấn

12.600

3.900

3.000

6.900

3.200

10.100

2.500

5.700

12.600

 

5

Xây dựng nông thôn mới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

11

 

 

 

2

2

7

11

11

 

 

- Lũy kế số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

99

 

 

 

90

90

9

99

99

 

 

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

10

 

 

 

 

 

10

10

10

 

6

Kế hoạch phát triển sản phẩm mới OCOP năm 2022

 

35

 

 

 

 

 

 

 

35

 

 

- Cấp mới năm 2022

Sản phẩm

35

 

 

 

 

 

 

 

35

 

 

- Lũy kế số sản phẩm được cấp chứng chỉ OCOP đến hết năm 2022

Sản phẩm

168

 

 

 

 

 

 

 

168

 

III

CÁC CHỈ TIÊU SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010)

Tỷ đồng

15.500

3.300

4.000

7.300

4.050

11,350

4.150

8.200

15.500

Giám đốc Sở Công Thương; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Hạnh Phúc

 

2

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ (tính theo năm gốc 2010)

%

9,0

7,5

8,2

8,2

8,7

8,7

9,2

9,0

9,0

 

3

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Quặng sắt tinh

Tấn

250.000

53.226

64.516

117.742

65.323

183.065

66.935

132.258

250.000

 

 

Đá Block

m3

55.000

11.710

14.194

25.904

14.371

40.275

14.725

29.096

55.000

 

 

 

 

Đá xẻ

m2

1.350.000

287.419

348.387

635.806

352.742

988.548

361.452

714.194

1.350.000

 

 

 

 

Đá bột CaCO3 (bột hạt)

Tấn

1.750.000

372.581

451.613

824.194

457.258

1.281.452

468.548

925.806

1.750.000

 

 

 

 

Felspat bột

Tấn

150.000

31.935

38.710

70.645

39.194

109.839

40.161

79.355

150.000

 

 

 

 

Xi măng Clinke

Tấn

2.200.000

468.387

567.742

1.036.129

574.839

1.610.968

589.032

1.163.871

2.200.000

 

 

 

 

Grafit

Tấn

20.000

4.258

5.161

9.419

5.226

14.645

5.355

10.581

20.000

 

 

 

 

Điện sản xuất

1.000 kwh

2.300.000

450.250

499.250

949.500

650.250

1.599.750

700.250

1.350.500

2.300.000

 

 

 

 

Điện thương phẩm

1.000 kwh

1.350.000

287.419

348.387

635.806

352.742

988.548

361.452

714.194

1.350.000

 

 

 

 

Chè chế biến

Tấn

27.000

1.000

10.500

11.500

10.000

21.500

5.500

15.500

27.000

 

 

 

 

Tinh bột sắn

Tấn

30.000

15.000

 

0

0

0

30.000

30.000

30.000

 

 

 

 

Ván ghép thanh

m3

6.000

1.070

2.255

3.325

1.250

4.575

1.425

2.675

6.000

 

 

 

 

Ván ép

m3

250.000

55.000

70.000

125.000

60.000

185.000

65.000

125.000

250.000

 

 

 

 

Đũa gỗ

Triệu đôi

700

149

181

330

183

513

187

370

700

 

 

 

 

Giấy đế

Tấn

25.000

5.322

6.452

11.774

6.532

18.306

6.694

13.226

25.000

 

 

 

 

Giấy vàng mã

Tấn

13.000

2.767

3.355

6.122

3.397

9.519

3.481

6.878

13.000

 

 

 

 

Tinh dầu quế

Tấn

600

128

155

283

157

440

160

317

600

 

 

 

 

Sứ cách điện

Tấn

4.000

852

1.032

1.884

1.045

2.929

1.071

2.116

4.000

 

 

 

 

Nước máy thương phẩm

1000 m3

7.500

1.597

1.935

3.532

1.960

5.492

2.008

3.968

7.500

 

 

 

 

Gạch nung

1000 viên

190.000

40.452

49.032

89.484

49.645

139.129

50.871

100.516

190.000

 

 

 

 

Gạch không nung

1000 viên

160.000

34.065

41.290

75.355

41.806

117.161

42.839

84.645

160.000

 

 

 

 

Thuốc viên các loại

Triệu viên

230

49

59

108

60

168

62

122

230

 

 

 

 

Quần áo may sẵn

1.000 sp

18.000

3.832

4.645

8.477

4.703

13.180

4.820

9.523

18.000

 

 

 

IV

CÁC CHỈ TIÊU DỊCH VỤ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành)

Tỷ đồng

23.500

6.030

5.900

11.930

5.610

17.540

5.960

11.570

23.500

Giám đốc Sở Công Thương; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Hạnh Phúc

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Tỷ đồng

20.900

5.370

5.270

10.640

4.930

15.570

5.330

10.260

20.900

 

 

Doanh thu dịch vụ

Tỷ đồng

2.600

660

630

1.290

680

1.970

630

1.310

2.600

 

2

Số lượt khách du lịch

Lượt khách

1.100.000

170.000

212.000

382.000

416.000

798.000

302.000

718.000

1.100.000

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh

 

3

Doanh thu du lịch

Tỷ đồng

845

119

153

272

338

610

235

573

845

 

V

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ VÀ TỔ HỢP TÁC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Số doanh nghiệp thành lập mới

Doanh nghiệp

300

70

80

150

70

220

80

150

300

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Hạnh Phúc

 

2

Số hợp tác xã thành lập mới

Hợp tác xã

80

15

25

40

20

60

20

40

80

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

 

3

Số tổ hợp tác thành lập mới

Tổ hợp tác

300

50

100

150

100

250

50

150

300

 

VI

XUẤT KHẨU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Giá trị xuất khẩu

Triệu USD

280

62,2

68

130,25

75

205,50

75

150

280

Giám đốc Sở Công Thương; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ngô Hạnh Phúc

 

2

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

0

 

 

 

 

Đá CaCO3 (hạt bột)

Tấn

250.000

55.000

60.000

115.000

67.500

182.500

67.500

135.000

250.000

 

 

Đá Block

m3

120.000

26.400

28.800

55.200

32.400

87.600

32.400

64.800

120.000

 

 

Đá xẻ

m2

650.000

143.000

156.000

299.000

175.500

474.500

175.500

351.000

650.000

 

 

 

 

Quặng sắt

Tấn

1.000

220

240

460

270

730

270

540

1.000

 

 

 

 

Quặng graphite

Tấn

2.200

484

528

1.012

594

1.606

594

1.188

2.200

 

 

 

 

Sứ điện

Tấn

250

55

60

115

68

183

68

135

250

 

 

 

 

Chè chế biến

Tấn

4.000

880

960

1.840

1.080

2.920

1.080

2.160

4.000

 

 

 

 

Tinh bột sắn

Tấn

9.500

2.090

2.280

4.370

2.565

6.935

2.565

5.130

9.500

 

 

 

 

Sản phẩm măng bát độ

Tấn

3.000

660

720

1.380

810

2.190

810

1.620

3.000

 

 

 

 

Tinh dầu quế

Tấn

200

44

48

92

54

146

54

108

200

 

 

 

 

Giấy vàng mã

Tấn

18.000

3.960

4.320

8.280

4.860

13.140

4.860

9.720

18.000

 

 

 

 

Sản phẩm may mặc

1.000 SP

35.000

7.700

8.400

16.100

9.450

25.550

9.450

18.900

35.000

 

 

 

 

Đũa gỗ

Triệu đôi

400

88

96

184

108

292

108

216

400

 

 

 

 

Ván gỗ ép ghép thanh

m3

15.000

3.300

3.600

6.900

4.050

10.950

4.050

8.100

15.000

 

 

 

 

Hạt nhựa phụ gia

Tấn

150.000

33.000

36.000

69.000

40.500

109.500

40.500

81.000

150.000

 

 

 

VII

TỶ LỆ ĐÔ THỊ HÓA

%

20,38

 

 

 

 

 

 

 

20,38

Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

 

VIII

TỐC ĐỘ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG XÃ HỘI BÌNH QUÂN/NĂM

%

5,72

 

 

 

 

 

 

 

5,72

Cục trưởng Cục Thống kê; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh,

Chỉ tiêu đánh giá vào thời điểm cuối năm 2022

XIX

LĨNH VỰC VĂN HÓA XÃ HỘI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Số lao động được tạo việc làm mới

Người

19.500

4.600

5.350

9.950

4.900

14.850

4.650

9.550

19.500

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND Cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh,

 

2

Số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Người

6.650

1.420

1.930

3.350

1.800

5.150

1.500

3.300

6.650

 

3

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

66,0

 

 

 

 

 

 

 

66,0

Chỉ tiêu đánh giá vào thời điểm cuối năm 2022

Trong đó: Tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ

%

34,9

 

 

 

 

 

 

 

34,9

4

Tỷ lệ hộ nghèo giảm so năm trước

%

4,0

 

 

 

 

 

 

 

4,0

- Riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm

%

>6,5

 

 

 

 

 

 

 

>6,5

12

Tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình

 

99,3

 

 

99,24

 

 

 

 

99,3

Giám đốc Sớ Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh,

 

13

Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa

%

82,0

 

 

 

 

 

 

 

82,0

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Chỉ tiêu vào thời điểm cuối năm 2022

Tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa

%

69,0

 

 

 

 

 

 

 

69,0

14

Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa

%

89,0

 

 

 

 

 

 

 

89,0

XX

LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch

%

88,0

 

 

 

 

 

 

 

88,0

Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

 

2

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

%

93

 

 

 

 

 

 

 

93,0

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

Chỉ tiêu đánh giá vào thời điểm cuối năm 2022

3

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực đô thị

%

88,8

 

 

 

 

 

 

 

88,8

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND cấp huyện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thế Phước

4

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn

%

33,7

 

 

 

 

 

 

 

33,7

5

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

%

50,0

 

 

 

 

 

 

 

50,0

 



1 Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 158/QĐ-UBND phê duyệt kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Yên Bái năm 2022

  • Số hiệu: 158/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Trần Huy Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản